Cuộc Gọi Từ Thiên Thần

Chương 7: Chương 7: Hoàng đế bị truất ngôi




“Cả hai chúng ta cần quên, cần nơi trú chân, trước khi mang thứ hành lý hư không này của mình đi xa hơn. (…) Hai con người thất trận cô đơn mà nương tựa vào nhau.”

Romain GARY

Paris, quận VIII

1 giờ sáng

Tại căn hộ trong một tòa nhà nhỏ ở Faubourg-du-Roule

Một làn mưa tuyết rơi trên các mái nhà thủ đô.

Dưới ánh sáng ngọn đèn ngủ, cuộ nình ấm áp trong chăn, Madeline đọc nốt những trang Tự thú của một đấu bếp đang yêu, cuốn sách của Lempereur mà Takumi đã mua cho cô ngay sáng nay.

Nằm bên cạnh cô, Raphaёl đã ngủ từ hai tiếng trước. Khi vào giường nằm, anh đã hy vọng vợ sắp cưới sẽ rút ngắn thời gian đọc sách trước viễn cảnh một cuộc “mơn trớn”, nhưng Madeline không rời mắt khỏi cuốn sách, và sau khi chờ đợi hồi lâu, Raphaёl ngủ thiếp đi mất.

Madeline thích đọc sách trong bầu không khí tĩnh lặng buổi đêm. Mặc dù nằm ngay gần Champs-Élysées nhưng căn hộ của Raphaёl vẫn là một chốn náu mình yên bình, tránh xa tiếng còi hụ của xe cảnh sát và các loại tiếng hú hét của dân chơi. Cô đọc ngốn ngấu sách do Jonathan viết với một cảm giác pha trộn giữa ngưỡng mộ và ghê tởm. Cuốn sách xuất bản năm 2005. Bấy giờ Lempereur đang sống thời vàng son, minh chứng là bìa bốn của cuốn sách gồm toàn những lời ngợi khen nồng nhiệt và nhất trí cao độ dành cho người viết: “Phù thủy của các hương vị”, “Mozart của nghệ thuật ẩm thực”, “đầu bếp tài năng nhất thế giới”.

Trong các bài phỏng vấn, Lempereur nhấn mạnh quan điểm cá nhân: Sáng tạo ẩm thực là một ngành nghệ thuật riêng biệt, cũng giống như hội họa hay văn chương. Đối với anh, ẩm thực không chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn vị giác, mà còn hàm chứa trong đó một không gian nghệ thuật. Hơn cả đầu bếp, anh tự định nghĩa mình như một nhà sáng tạo, bằng cách so sánh công việc của anh với công việc của một văn trước trang giấy trắng, và qua đó khẳng định sự hiện diệncủa “dấu ấn ẩm thực”.

“Vượt lên trên công việc thủ công thuần túy, tôi muốn món ăn mình nấu ra kể những câu chuyện và khơi dậy những cảm xúc”, anh tuyên bố.

Với quan điểm như vây, anh ngược về cội nguồn sáng tạo của mình để xác định căn nguyên của nghệ thuật ẩm thực trong anh. Các trực cảm của anh hình thành như thế nào? Anh dự tính kết hợp vị này với vị kia theo quy trình nào để tạo ra một hương vị trước nay chưa ai biết đến? Thành phần của món ăn cũng như phương diện thẩm mỹ của món ăn đóng vai tròn gì?

“Tôi tò mò muốn biết mọi thứ, anh thú nhận. Tôi nuôi dưỡng sức sáng tạo của bản thân bằng cách tham quan các viện bảo tàng, các triển lãm tranh, nghe nhạc, xem phim và ngắm cảnh, nhưng nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi chính là vợ tôi, Francesca. Tôi đóng của nhà hàng suốt ba tháng để náu mình trong căn xưởng riêng tại California. Tôi cần khoảng thời gian này để tự tái tạo bản thân và hoàn thiện những thực đơn mới sẽ áp dụng tại Thống Soái trong năm tiếp theo.”

Madeline ngạc nhiên với số chương sách dành để nói về hoa. Jonathan sử dụng rất nhiều hoa trong nấu ăn, ấn định một phần các thực đơn của mình xung quanh hương vị của chúng: Nụ râm bụt vàng ngâm giấm, bánh xèo giòn gan béo kèm mứt hoa hồng, đùi ếch thắng caramen kèm hoa violet, hoa quả nghiền lạnh vị mimosa và bánh trứng nhân tử đinh hương, kẹo thơm vị hoa mỹ nhân Nemours…

Madeline cảm thấy bụng mình sôi réo. Đọc cuốn sách này chỉ khiến cô đói ngấu! Cô khẽ khàng rời khỏi giường, khoác thêm tấm chăn rồi vào căn bếp kiểu Mỹ trông ra các mái nhà. Cô đặt ấm nước lên bếp rồi mở tủ lạnh tìm thứ gì đó nhấm nháp được.

Hừm, chẳng có gì mấy…

Lục trong tủ bếp, rốt cuộc cô cũng tìm ra một gói bánh quy Granola ăn dở. Trong lúc đợi cho nước sôi, cô ăn bánh quy rồi xem lướt phần phụ lục của cuốn Tự thú của một đầu bếp đang yêu có in một vài thực đơn đã làm nên danh tiếng cho nhà hàng Lempereur tại New York.

Thời Jonathan còn đứng bếp, mỗi tối nhà hàng Thống Soái lại đề xuất một chuyến du hành vị giác thông qua chừng hai mươi món ăn để nhấm nháp theo khẩu phần nhỏ, theo một trật tự chính xác như kịch bản phim, sắp đặt khéo léo những bất ngờ và đột phá thú vị. Đọc tham khảo thực đơn Madeline không khỏi chảy nước miếng.

Hồi 1

Đuôi tôm bỏ lò kèm trứng cá muối

Bánh thăn lợn hun khói kèm pho mát Parma

Trứng trộn nhím biển kèm bánh nugatin

Hoa keo tẩm bột rán kèm thục quỳ

Đậu tằm nhỏ xào tỏi bao vỏ bánh mì tẩm gia vị

Pizza kiểu Pháp chính hiệu Nice

Hồi 2

Sò Saint-Jacques om hạnh nhân kèm cơm Ý hạnh nhân

Cơm ý trộn nấm rưới xốt sô cô la trắng

Đùi bê xứ Basque dầm hoa nhài

Thịt cừu sữa thái hạt lựu và thái tròn trộn mật ong kèm lá húng

Hồi 3

Kẹo marshmallow nướng than củi

Dứa phủ cánh hoa mộc lan

Dâu ướp cánh râm bụt rán vàng ruộm

Bánh trứng nhân hoa tử đinh hương rưới mousse sữa kèm dầu ô liu và mật ong

Bánh chuối trộn ca cao cùng cơm sữa vị hoa cơm cháy

Mousse dừa phết caramen

Kẹo lạnh đánh bông

Tay cầm tách trà, Madeline ngồi trước màn hình máy tính xách tay. Qua cửa kính, cô nhìn những bông tuyết xốp nhẹ tan đi khi rơi xuống mái nhà. Dù lòng không muốn, người phụ nữ trẻ vẫn cảm thấy sự ngưỡng mộ của mình đối với Lempereur mỗi lúc một lớn dần và nhất là với bí ẩn vây quanh việc anh đột ngột rời khỏi sân khấu ẩm thực. Tại sao một người đàn ông vẫn còn trẻ đang ở đỉnh cao vinh quang nghệ thuật lại đột ngột quyết định giã từ sự nghiệp?

Trên Google, cô gõ “Jonathan Lemperuer” kèm theo “đóng cửa nhà hàng riêng” rồi đặt lệnh tìm kiếm…

Trong khi đó, tại San Francisco…

Đang là bốn giờ chiều. Jonathan đưa ra món tráng miệng cuối cùng trong ngày – một chiếc bánh tart vị mơ và hương thảo giản dị - rồi cởi tạp dề và đi rửa tay.

Xong nhiệm vụ! Anh thầm nghĩ vậy khi rời khỏi bếp. Ra đến phòng ăn chính, anh chào một khách hàng rồi ra sau quầy để pha hai tách espresso – một cho phụ bếp của anh, một cho anh. Anh vớ hai cái tách, kiểm tra nhiệt độ để chắc chắn rằng thất thoát nhiệt là không đáng kể và hương cà phê được bảo toàn. Ở North Beach, khu phố Ý của thành phố, người ta không đùa với chuyện này! Không có chuyện làm hỏng một tách espresso hay sử dụng một trong những kiểu máy pha cà phê vốn khiến cho vị cà phê trên hành tinh này, từ Thượng Hải đến New York, nơi nào cũng giống nơi nào.

Cầm tách cà phê của mình trên tay, anh bước ra sân thượng và yên tâm khi thấy Charly không buồn chán quá. Cậu bé đang mải miết lạc vào thế giới khủng long trên chiến máy tính bảng và không buồn để ý đến bố khi anh ngồi xuống gần con trai, phía dưới một lò sưởi.

Anh kín đáo châm một điếu thuốc, nhìn những người qua đường và lũ trẻ đang đi lại trên quảng trường Washington. Anh yêu nơi này và bầu không khí đặc biệt của nó. Mặc dù hiện giờ phần đông cư dân nơi đây đều là người gốc Á nhưng khu phố vẫn hết sức gắn bó với di sản Ý-Mỹ của mình, bằng chứng là những hàng kem bán rong, những cây đèn treo cờ “lục, trắng, đỏ” và số lượng đông đảo các nhà hàng gia truyền nơi người ta có thể thưởng thức món mì trộn sốt pesto, panna cotta đủ vị và bánh tiramisu. Địa danh này nhuốm màu huyền thoại: Kerouac từng sống tại đây, Marilyn Monroe đã kết hôn tại nhà thờ lớn và Francis Coppola, đạo diễn phim Bố già, vẫn có một nhà hàng và văn phòng làm việc tại đây.

Jonathan lấy điện thoai di dộng của Madeline ra khỏi túi. Vẫn không có tin nhắn mới. Anh bật ứng dụng bí ẩn kia lên, quyết tâm vượt qua chướng ngại mật khẩu.

NHẬP MẬT KHẨU

Được thôi, cần phải tiến hành theo đúng trình tự. Thiên hạ vẫn kiên trì nhồi nhét vào đầu chúng ta rằng chìa khóa bảo vệ tài khoản cá nhân cũng quan trọng y như mật mã thẻ tín dụng. Được. Thiên hạ vẫn nhắc đi nhắc lại đến nhàm tai chúng ta lời khuyên để lựa chọn một mật khẩu thực sự an toàn: tránh những từ quá ngắn, không sử dụng những thông tin mà người thân cận của chúng ta biết rõ, nên chọn mật khẩu tạo bởi cả chữ lẫn số và ký tự đặc biệt xen kẽ nhau. Thiên hạ cam đoan với chúng ta rằng, theo quan điểm này, một chuỗi dạng như “!Efv(dkslldf%gruijv0oalkus,dCX” sẽ là một mật khẩu xuất sắc gần như không thể nào đánh cắp.

Trừ có điều người đã tạo ra cũng không thể nhớ nổi…

Jonathan uống một hơi cạn tách cà phê. Anh tin chắc rằng nên tìm thứ gì đó đơn giản hơn. Trong cuộc sống hiện đại này, chúng ta phải tung hứng với đủ thể loại mã: thẻ tín dụng, các mạng xã hội, tài khoản thư tín, hành chính… Để đăng nhập bất cứ dịch vụ nào, chúng ta cần có một mật khẩu. Như vậy thì đầu óc nào mà nhớ cho hết được. Vậy nên, để đơn giản hóa cuộc sống, đa phần mọi người có xu hướng chọn những mật khẩu ngắn và quen thuộc cho dễ nhớ. Bất chấp toàn bộ những quy tắc về an ninh, lựa chọn của họ thường thiên về ngày sinh, tên vợ hoặc tên các con, tên vật nuôi, một số điện thoại hoặc một dãy các số liên tiếp hoặc những chữ cái liền kề.

Jonathan lần lượt thử gõ “123456”, “abcde”, “raphael”, “Greene” cũng như số điện thoại của Madeline.

Thất bại.

Lục tìm trong hòm mail của người phụ nữ trẻ, anh tìm thấy một tin nhắn đặc biệt thú vị: hồ sơ xin đăng ký do Madeline gửi cho người được ủy quyền đã bán cho cô chiếc mô tô của mình. Trong số đó có bản sao chứng minh thư của cô. Nhờ đó mà biết được ngày tháng năm sinh của cô, Jonathan nhập “21031978”, ngày “21 tháng Ba 1978”, “21/03/78” rồi theo kiểu Anh “03211978” “march211978”, “03/21/78”.

Lại thất bại.

- Nghĩ xem nào! Anh tự nhủ thành lời.

Vì địa chỉ mail của Madeline là [email protected], anh thử “maddygreene” rồi “maddygreene78”.

Thất bại.

Jonathan cảm thấy cơn tức giận và thất vọng dâng trào trong anh. Anh nắm chặt tay lại và thở hắt ra. Thật tức điên khi đã đứng trước cánh cửa bí mật rồi lại không thể bước vào bên trong!

Madeline đeo cặp kính cận lên để thoải mái đọc các kết quả tìm kiếm đang hiển thị trên màn hình.

Lemperuer thoái vị, Lemperuer bị cách chức, Sự sụp đổ của Lemperuer: báo chí Pháp đã đua nhau chơi chữ[1] để thông báo sự “rút lui” của Jonathan. Cô nhấp chuột vào đường link dẫn tới bài báo đăng trên website của tờ Libération.

[1]. Tên nhân vật đồng âm với I’emperuer tiếng Pháp nghĩa là hoàng đế, thống soái.

Văn hóa 30/12/2009

LEMPERUER BỊ TRUẤT NGÔI

Thần đồng của nghệ thuật ẩm thực tiên phong đã bất ngờ tở chức một cuộc họp báo vào tối qua tại Manhattan để thông báo việc nhà hàng riêng của mình sẽ đóng cửa cũng như toàn bộ các hoạt động sẽ được chuyển nhượng.

Vẻ mặt mệt mỏi, râu ria lởm chởm, mắt thâm quầng, dáng người tròn trĩnh: chính lvới bộ dạng thê thảm này, thứ Năm vừa rồi giáo hoàng của nghệ thuật ẩm thực New York, đầu bếp người Pháp Jonathan Lemperuer, đã tuyên bố đóng cửa ngay lập tức nhà hàng Thống Soái (Michelin xếp hạng ba sao), cũng như nhượng lại toàn bộ các hoạt động của tập đoàn mà anh đã cùng vợ mình là Francesca Delillo sáng lập. Một quyết định dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề cho hai nghìn nhân viên của tập đoàn.

Một đầu bếp đặc biệt

Tọa lạc trong Rainbow Room huyền thoại, Thống Soái nhiều lần được tạp chí Restaurant Magazine của Anh xếp hạng là “Nhà hàng đệ nhất thế giới”

Được một số người đánh giá là biết nhìn xa trộng rộng và giàu năng lực sáng tạo, còn một số khác xem là kẻ chuyên bịp bợm lừa gạt, Lemperuer đã gây nên sự tranh cãi trong giới ẩm thực từ gần chục năm nay.

Sự chán nản

Để giải thích cho quyết định đột ngột của mình, vị đầu bếp cho là anh đã “mệt mỏi, nản lòng và cũ kỹ”, cùng với đó là sự kiệt quệ khi phải luôn chân luôn tay, làm việc 18 tiếng mỗi ngày, 360 ngày mỗi năm.

“Tôi dừng lại mọi thứ. Dừng hẳn”, Lemperuer nói rõ, dứt khoát loại trừ khả năng sẽ phụ trách một nhà hàng lớn nào khác. “Tôi không còn chút hứng thú nào để thực hành nghệ thuật của mình và tôi không nghĩ một ngày nào đó cảm hứng này có thể quay trở lại”, anh giải thích, đồng thời cũng nói thêm rằng đã chán ngấy những phê bình không còn hiểu về công việc anh làm nữa.

Những vấn đề trong hôn nhân

Còn những lời phê bình, có vẻ như chính những vấn đề trong cuộc sống hôn nhân đã đẩy nhanh lựa chọn rút khỏi thế giới ẩm thực của anh. “Tôi rất gắn bó với vợ tôi, Francesca, và dĩ nhiên việc chúng tôi chia tay nhau mới đây đóng vai trò quan trọng trong quyết định này của tôi”, Lemperuer thừa nhận, tuy thế, vẫn khéo léo lẩn tránh những câu hỏi xoay quanh đời tư.

Những vấn đề tài chính

“Nhưng các tham số tài chính cũng liên quan đến việc đẩy nhanh quyết định rút lui không thể tránh khỏi của tôi”, anh nói rõ. Từ nhiều năm nay, tập đoàn Thống Soái quả đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do mô hình kinh tế hoạt động kém hiệu quả và các hoạt động đầu tư mạo hiểm. Tình cảnh ngặt nghèo này đã buộc Lemperuer phải nhượng lại quyền khai thác tên tuổi mình cho tổ hợp khách sạn hạng sang Win Entertainment, tổ hợp này tới đây sẽ thâu tóm toàn bộ hoạt động của tập đoàn.

Một tương lai bấp bênh

Tuổi chưa đến bốn mươi, liệu Lemperuer sẽ làm gì đây? Nghỉ ngơi chăng? Tìm lại nguồn sinh lực mới? Tiếp tục bằng một cuộc chơi khác? Cựu bếp trưởng vẫn còn rất mơ hồ về tương lai của bản thân. Vội vàng kết thúc bài phát biểu của mình, người đàn ông cô độc với ánh mắt thất thần này đã rời khỏi cuộc họp báo. Một người đàn ông mệt mỏi, nhưng có lẽ cũng thầm cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải diễn vai “Hoàng đế” nữa.

Madeline nhấp chuột vào một đường link khác: một bài báo đăng trên website của tờ The New York Times đưa ra một nhận định mới về thời ký đó.

TRIỆU CHỨNG VATEL

Bài viết của Ted Booker

Đăng ngày 30 tháng 12 2009

Thủ lĩnh tiêu biểu của nghệ thuật ẩm thực tiên phong, Jonathan Lemperuer phải chăng đã không cưỡng nổi triệu chứng Vatel[2]?

[2]. Đầu bếp của hoàn thân Condé, lưu danh hậu thế vì đã tự vẫn vào năm 1571 trong một dịp chủ nhân của mình đãi tiệc, do thuyền câu về muộn và Vatel sợ không có đủ thực phẩm.

Bếp trưởng người New York thực ra hoàn toàn không phải là người đầu tiên trong số những bậc kỳ tài của lĩnh vực ẩm thực đột ngột quyết định rời sân khấu sau một phen thất vọng. Từ Bernard Loiseau[3] đến Jacques Laroux, nhiều bếp trưởng kỳ cựu trước anh đã cảm thấy nỗi lo sợ thường trực về một sự suy tàn.

[3]. Một trong những bếp trưởng người Pháp vĩ đại nhất của nửa sau thế kỷ XX. Được nhắc tới rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt thập niên 90, ông tự tử mà không để lại bất kỳ lời giải thích nào vào tháng Hai năm 2003 ở tuổi năm mươi hai.

Jonathan Lempereur đã thành công một cách kỳ diệu trong việc kết hợp được cả sự sáng tạo, sự công nhận của giới phê bình và khả năng sinh lời suốt mười năm qua. Tối qua, chính sự cân bằng mong manh này đã vỡ vụn.

Tiếp theo đó là một loạt những lời dẫn chứng khiến cho bài báo giống như một tiểu truyện về người quá cố, tất cả những người có liên quan đều nói về Lempereur như thể anh đã… chết.

Michael Bloomberg, thị trưởng New York, ca ngợi tài năng tuyệt vời của một bếp trưởng vĩ đại, người sau nhiều năm đã trở thành công dân New York thực thụ.

Hillary Clinton nhắc lại “Sự ủng hộ nhiệt tình của Jonathan Lempereur trong các hoạt động học đường nhằm hỗ trợ ngành giáo dục về gu ăn uống cho trẻ em”. Frédéric Mitterrand, bộ trưởng Văn hòa Pháp, suy tôn anh như “Một thiên tài trong sáng tạo ẩm thực đã góp phần khiến cho ẩm thực Pháp tỏa sáng trên trường quốc tế”.

Bên cạnh những phản ứng tiếc nuối vẫn có một lời phát biểu rõ ràng là hết sức lạc lõng: Phát biểu của bếp trưởng người Scotland Alec Baxterm người đã mất danh hiệu đầu bếp tài hoa nhất hành tinh về tay Jonathan. Baxter vẫn nuôi chí báo thù và không thềm che giấu thái độ thỏa mãn: “Lemperuer chỉ là một ngôi sao băng trong thế giới ẩm thực. Một hiện tượng được giới truyền thông nặn ra và rốt cuộc đã bị phá hủy bởi chính hệ thống đã đẩy anh ta lên tờ áp phích. Thử hỏi mười năm nữa còn ai nhớ đến tên anh ta đây?”

Những lời nhận xét mạnh mẽ nhất, riêng tư nhất và cảm động nhất đến từ Claire Lisieux, một trong hai bếp phó của Thống Soái. “Tôi làm việc cùng Jonathan Lemperuer đã mười năm nay, người phụ nữ trẻ giải thích. Chính anh ấy đã dạy tôi mọi thứ. Anh ấy đã phát hiện ra tôi khi tôi còn làm công việc phục vụ bàn trong một quán cà phê ở Madison nơi anh ấy tới dùng bữa sáng mỗi ngày. Tôi không có giấy phép làm việc hợp pháp và anh ấy đã giúp tôi có được thứ đó bằng cách nhận tôi vào làm ở nhà hàng của anh. Đó là một người đàn ông có ý chí quật cường, yêu cầu cao nhưng rất độ lượng với nhân viên.”

- Cô ấy à, hẳn là cô đã thầm yêu hắn rồi… Madeline lẩm bẩm trước khi tiếp tục đọc bài báo.

“Jonathan là sự pha trộn giữa mạnh mẽ và yếu đuối, Claire nói tiếp. Một con người có tính cách cực đoan, nhiều mâu thuẫn, vừa mê đắm lại vừa ghê sợ giới truyền thông và sự nổi tiếng. Thời gian gần đây, tôi cảm thấy tinh thần anh ấy khá suy sụp. Cực kỳ năng nổ, thưởng xuyên chịu áp lực, anh ấy tìm kiếm không mệt mỏi sự hoàn hảo mà giờ đây đã trở thành một dạng xiềng xích nô lệ. Anh ấy kiệt sức vì đã làm việc không lơ là từ sáng tới tối. Anh ấy hầu như không bao giờ đi nghỉ. Chừng nào vợ anh ấy còn ủng hộ thì Jonathan vẫn còn chống chọi được, nhưng khi chị ấy rời bỏ Jonathan thì toàn bộ chuyện này trở nên quá nặng nề. Bởi tất cả mọi người đều nhầm về Jonathan Lempereur: Khao khát được công nhận của anh ấy, tham vọng của anh ấy, sự nhượng bộ của anh ấy với hệ thống ngôi sao không phải là những dấu hiệu của chứng hoang tưởng tự đại cực đoan. Tôi chỉ nghĩ rằng anh ấy làm thế vì Francesca. Để làm chị ấy vui lòng, để chị ấy yêu mình. Kể từ lúc họ chia tay nhau, tôi chỉ nghĩ đơn giản là không còn điều gì khiến anh ấy quan tâm nữa, không còn điều gì có ý nghĩa với anh ấy nữa…”

- Em còn thức làm gì thế này?

Madeline giật nảy mình, quay phắt lại như bị bắt quả tang. Mặc bộ pyjama, dáng điệu ngái ngủ, Raphaёl đang nhìn cô với vẻ rất lạ.

- Không có gì, không có gì đâu, cô vừa nói chắc vừa đóng vội màn hình máy tính lại. Em… em đang xử lý tài khoản: những khoản nộp vào, Urssaf[4], các loại phí tổn… Anh cũng biết là gì rồi đấy.

[4]. Viết tắt của cụm từ Union de recouvrement des cotisations de sécurité sociale et d’allocations familiales, một cơ quan chuyên thu các khoản đống góp xã hội tại Pháp.

- Nhưng bây giờ là 2 giờ sáng cơ mà!

- Em không ngủ được, anh yêu, cô vừa giải thích vừa gỡ kính ra.

Cô uống một ngụm trà đã nguội ngắt, chúi mũi vào hộp bánh quy nhưng chợt nhận ra là nó đã rỗng không từ lúc nào.

Raphaёl cúi xuống hôn lên môi cô. Anh luồn một tay vào trong chiếc váy ngủ cô đang mặc để vuốt ve bụng cô. Rồi miệng anh rời miệng Madeline để trượt xuống hôn cổ cô. Chậm rãi, anh tuột một bên dây chiếc váy ngủ bằng lụa rồi dây thứ hai…

Hứng thú yêu đương của anh đột ngột bị cắt ngang bởi đoạn điệp khúc trong ca khúc Jumpin’ Jack Flash. Raphaёl thốt rùng mình vì ngạc nhiên, phác một cử chỉ giật lùi.

Madeline nhìn điện thoại của Jonathan đang rung lên bên cạnh máy tính xách tay của cô. Ảnh chụp một phụ nữ tóc nâu, vẻ mặt nghiêm trang, đôi mắt sẫm và sâu, đang hiển thị trên màn hình. Tên người gọi hiện lên trên tấm ảnh: FRANCESCA

Không kịp suy nghĩ gì thêm, Madeline nhấc máy…

- Bố ơi, con thấy hơi lạnh…

Jonathan ngẩng đầu lên khỏi màn hình điện thoại. Suốt một giờ qua, anh mải mê theo đuổi những suy nghĩ ngoắt ngoéo để tìm cách đánh cắp mật khẩu của Madeline mà chưa được. Anh đã đọc qua phần lớn thư điện tử của người phụ nữ trẻ, kiên trì thu thập những mẩu thông tin và ở mỗi dấu hiệu mới lại tìm ra một mật khẩu tương ứng.

- Lấy áo len mặc thêm vào đi con yêu, anh nói rồi đưa cho con một chiếc khăn giấy để cậu nhóc chùi nước mũi đang chảy ròng ròng.

Mặt trời đã lặn nhường chỗ cho một màn sương màu trắng dày đặc bao phủ phố xá và công viên đối diện với sân thượng của quán. Không phải vô cớ mà San Francisco còn có tên gọi khác là Thành phố sương mù. Thậm chí đây còn là một trong những nét có phần bí hiểm và gây bất ngờ của thành phố: Màn sương dày đặc có thể bao phủ cả thành phố và cây cầu Cổng Vàng nổi tiếng chỉ trong vài phút.

Khi Charly quay trở lại trong chiếc áo len cổ lọ dày sụ, Jonathan nhìn đồng hồ đeo tay.

- Lát nữa Alessandra sẽ tới . Con có thích đi xem Wicked với chị ấy không?

Cậu nhóc gật đầu rồi kêu lên:

- Chị ấy kìa!

Rồi nhảy cẫng lên vui sướng khi nhìn thấy cô giữ trẻ của mình.

Cô sinh viên là con gái của Sandro Sandini, ông chủ của một trong những nhà hàng Ý lâu đời nhất khu phố. Cô đang theo học một khóa đào tạo nghiệp vụ tại Berkeley, và mỗi khi Charly ghé qua California, Jonathan đều nhờ cô trông Charly giúp.

Anh đang chào cô gái thì chiếc điện thoại di động rung lên trong tay anh. Anh nhìn số điện thoại gọi đến hiển thị trên màn hình và nhận ra dãy số quen thuộc của vợ cũ!

- Alô?

Bằng giọng đều đều không âm sắc, Francesca giải thích với anh rằng trong lúc tìm cách liên lạc với anh, cô gặp một cô gái người Paris đã giải thích với cô việc cầm nhầm máy. Cô chỉ muốn yên tâm rằng mọi chuyện vẫn ổn và muốn nói chuyện với Charly.

- Mẹ con này, Jonathan nói rồi đưa điện thoại cho con trai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.