Cuộc Sống Ở Bắc Tống

Chương 16: Chương 16: Bán toan văn




Giờ này sắc trời đã tối muộn, nhưng vẫn còn rất nhiều quán trà mở cửa, bên trong vọng ra tiếng người đọc sách đang kể chuyện xưa, Trương Trọng Vi đi dọc phố, lần lượt thả bước, thật đúng là tìm được một anh tú tài đang bán toan văn, chàng tiến lên nghe ngóng, biết được hiện nay bán được giá nhất không phải văn trào phúng mà là thơ đề tại chỗ, tức là người mua tùy ý cho đề mục, người bán thơ ngay tại chỗ viết, nếu viết tốt, một bài được ba mươi văn.

Trương Trọng Vi không quá vừa lòng giá tiền, nói. “Một nút thắt đã bán được mười lăm văn rồi, cả bài thơ phí cân não mà chỉ ba mươi văn, vô lý quá”.

Anh tú tài bán toan văn cười. “Cậu cho là đang làm thơ trên học đường, cân nhắc kĩ từng chữ sao? Người đến mua thơ phần lớn cả chữ cũng không biết, cậu chỉ cần đọc ngân nga tí, viết vớ vẩn tí liền xong”.

Trương Trọng Vi có chút thông suốt, nghĩ đến tài hoa của mình, thơ làm ra cũng không tính vớ vẩn gạt người, dù sao tìm không ra nghề chi thích hợp hơn nữa, không bằng cứ chọn nó đi. Chàng tạ ơn anh tú tài kia, thừa dịp ánh chiều tà chưa tắt vội vã về nhà, lùa vài ngụm cơm, liền đi tìm Lâm Y.

Lâm Y vừa tắm xong, mặc áo bông mới màu đỏ, váy hoa nhỏ của Trương Bát nương tặng, bên trong vẫn là quần yếm, khiến khuôn mặt nàng đỏ bừng, không biết do áo đỏ ánh lên mặt, hay mặt đỏ che lấp màu áo. Trương Trọng Vi thấy nàng còn đẹp hơn tranh vẽ, bất tri bất giác nhìn si ngốc. Lâm Y định dắt tay áo chàng nhắc nhở, nhưng sợ hành vi không hợp quy củ, đành ho hai tiếng, gọi chàng phục hồi tinh thần.

Trương Trọng Vi bị nàng bắt gặp bản thân nhìn thẫn thờ cũng không đỏ mặt, nghĩ rất đúng lý hợp tình : mình đang nhìn nương tử tương lai nhà mình, có gì phải xấu hổ. Chàng lấy quả cầu lông gà trong tay áo ra, đưa cho Lâm Y. “Mới mua đồ chơi, tặng cho em”.

Lâm Y nói cảm tạ, tiếp nhận nhìn xem. “Thứ này làm thật đẹp, bán chắc được tiền lắm đây”.

Trương Trọng Vi mỉm cười, không hổ là vợ mình, liếc mắt một cái đã hiểu, chàng đắc ý trong lòng, ngoài miệng lại nói. “Không cần em làm như vậy”.

Lâm Y hỏi. “Sao vậy, không đáng tiền bằng nút thắt ư? Thôi em vẫn cứ kết nút thắt vậy”.

Trương Trọng Vi sợ quá nhảy dựng, cuống quýt xua tay. “Đừng kết nút thắt nữa, đừng kết nút thắt nữa”.

Lâm Y ngạc nhiên. “Anh sao thế, em đâu biết làm gì khác, không làm mấy thứ vặt vãnh đó biết lấy gì đổi tiền đây?”.

Trương Trọng Vi ưỡn ưỡn khuôn ngực chưa rắn chắc lắm, nói. “Không cần em kiếm tiền, anh sẽ nuôi em”.

Đây là hứa hẹn? Hay là thổ lộ? Lâm Y âm thầm cân nhắc. Trương Trọng Vi thấy nàng im lặng, đinh ninh rằng nàng đồng ý, hoan hô một tiếng, chuẩn bị về phòng đọc thi tập, Lâm Y gọi chàng lại, nói. “Ý tốt của anh em nhận trong lòng, tiền anh cho em và tiền em kiếm được ý nghĩa khác nhau, giúp đỡ như vậy không tốt. Em thấy quả cầu này không tồi, vừa hay kết nút thắt cũng ngán rồi, em đổi qua làm thứ này vậy”.

Trương Trọng Vi nghe nàng nói vậy, có chút thất vọng, nhưng dù gì làm quả cầu cũng tốt hơn kết nút thắt, chàng âm thầm an ủi bản thân một phen, nói. “Làm quả cầu cần tiền xu sắt, ngày mai anh mang một ít đến cho em”. Chàng sợ Lâm Y lại cự tuyệt tiếp, cố nói thật nhanh rồi bỏ chạy về phòng.

Trương Bá Lâm đang ở trong phòng chàng mượn đèn đọc sách, thấy chàng chạy như gió vào nhà, kinh hãi. “Cậu lại mang nút thắt về đó hả?”.

Trương Trọng Vi lắc đầu, kể chuyện bán toan văn cho anh trai nghe, nói rằng đó là một nghề kiếm tiền khá. Trương Bá Lâm vốn phản đối chàng đi kiếm tiền, nhưng nghe chàng kể xong còn hưng trí hơn cả chàng, gõ bút xuống bàn đánh ‘cách’, vui vẻ nói. “Kiếm tiền thật ra chỉ là phụ, mua bán như vậy là dịp tốt để thể hiện tài năng, ngày mai anh đi với cậu nữa”.

Trương Trọng Vi cũng cao hứng, cười. “Rất tốt, hai anh em chúng ta đi xem ai kiếm được nhiều tiền hơn”.

Trương Bá Lâm khinh thường bĩu môi. “Người đọc sách chớ suốt ngày ngậm chữ tiền bên miệng, coi chừng dính đầy hơi tiền trên người”.

Trương Trọng Vi cả giận. “Anh không thiếu tiền đương nhiên nói dễ dàng, có bản lĩnh ngày mai kiếm được bao nhiêu đều cho em hết đi”.

Trương Bá Lâm hào phóng phất tay. “Ngày mai anh viết thơ, cậu lấy tiền, được chưa?”.

Hai người đùa giỡn một trận, cùng ngồi xuống bàn, lấy thi tập ngày thường hay đọc lại đọc một lần, còn sửa sang mấy bài thơ từng viết cho đẹp đẽ, đến lúc đó mong là có thể bán được tiền.

Ngày hôm sau, hai anh em dậy thật sớm, thông báo Phương thị, ngay cả đồ ăn sáng cũng không ăn, tùy tiện cầm theo củ khoai luộc chạy đi. Lúc bọn họ vào thành vừa đẹp là khi các quán trà mở cửa buôn bán, vì Trương Trọng Vi đã tìm hiểu qua, nên rất nhanh bọn họ đã tìm được một nơi hay có các “toan tú tài” lui tới bán văn, đi vào chiếm chỗ, chuẩn bị rao hàng.

Không ngờ mới hô rao vài câu, người hầu trà liền lau mồ hôi tìm đến, thở dài. “Hai vị tiểu quan nhân, làm gì có ai bán toan văn như hai người”.

Hai người cùng hỏi. “Có quy định sao?”.

Người hầu trà cười. “Lúc tôi châm trà cho khách, tiện đường giúp hai vị hỏi một câu, chẳng phải tốt hơn rao ầm ĩ phá phong cảnh như hai vị đang làm ư?”.

Trương Trọng Vi thấy như vậy càng tốt, thương lượng với Trương Bá Lâm vài câu, đồng ý. Người hầu trà thấy có thể kiếm thêm khoản thu nhập, phá lệ cố gắng, không bao lâu đã mời chào cho bọn họ một mối làm ăn.

Hai anh em ngẩng đầu lên, vị khách là một người đàn ông trung niên, đầu đội khăn mạo cao và ngay ngắn, mặc áo sam dài, nhìn cũng là cách ăn mặc của văn nhân. Cả hai không dám chậm trễ, vội mời ông ấy ngồi đối diện, gọi người hầu trà dâng trà, hỏi. “Quan nhân họ chi? Mua văn hay mua thơ?”.

Ông ta đáp. “Tôi họ Lí, không biết hai vị có thể lấy chữ ‘lãng’ làm đầu, chữ ‘hồng’ làm cuối, viết một bài tuyệt cú được chăng?”.

Đề mục này có chút khó, Trương Trọng Vi sở trường là viết văn, thơ từ hơi kém chút, cúi đầu khổ nghĩ. Trương Bá Lâm ở ngâm thơ có năng lực hơn, trầm ngâm một lát liền đề bút, chấm mực, viết xuống một bài thơ, rằng :

Nhất giang thu thủy tẩm hàn không,

Ngư địch vô đoan lộng vãn phong.

Vạn lý ba tâm thùy chiết đắc?

Tịch dương ảnh lý toái tàn hồng.

Tạm dịch thơ :

Một bầu thu thủy lạnh trống không,

Tiếng địch ai thổi gió lồng sông.

Nỡ đan tâm bẻ ngàn dặm sóng?

Ảnh trời chiều nhuộm đỏ ráng hồng.

Người đàn ông họ Lí đọc bài thơ, vỗ tay lớn tiếng trầm trồ khen ngợi, dẫn tới vô số người vây xem, đều tán thưởng Trương Bá Lâm tài năng nhanh nhạy. Trương Bá Lâm có chút tự đắc, chắp hai tay đa tạ, khiêm tốn vài câu. Trương Trọng Vi cũng tự hào vì anh trai, nhưng không quên lấy tiền, khách khách khí khí đòi Lí quan nhân ba mươi văn tiền công.

Lí quan nhân cười. “Bài thơ hay như vậy, sao chỉ đáng ba mươi văn?”. Ông ta lật lật xấp thơ trên bàn, chọn những bài ngày thường Trương Bá Lâm hay làm, rung đùi đắc ý ngâm vài câu, gấp phẳng phiu bỏ vào ống tay áo, tiện đường lấy ra một tờ giấy đưa cho Trương Bá Lâm, nói. “Có rảnh đến tìm tôi”.

Trương Bá Lâm cúi đầu đọc, thì ra là tờ danh thiếp, trên viết : “Nhã Châu Lí Giản Phu”. Anh ta mờ mịt ngẩng đầu. “Lí Giản Phu là ai vậy?”.

Trương Trọng Vi lắc đầu, bực mình. “Không biết, nhưng hồi nãy ông ta chưa trả tiền”.

Trương Bá Lâm nghe chàng nói vậy, ngó trái ngó phải, hóa ra Lí Giản Phu đã đi rồi. Chung quanh có người xì xào. “Nghe nói vị quan nhân vừa rồi đã làm tới thái thú, ông ấy để lại danh thiếp, hai người có thể đi tìm ông ấy, nói không chừng lại mưu hoa được tiền đồ tốt đây”.

Về chuyện tiền đồ, hai anh em Trương Bá Lâm Trương Trọng Vi nhưng lại giống nhau, thật sự thanh cao, nghe nói Lí Giản Phu như vậy nên mất hứng, Trương Trọng Vi tùy tiện nhét danh thiếp vào tay áo, tiếp tục bán toan văn, thề muốn bù đắp ba mươi văn tổn thất ban nãy.

Bọn họ ngồi trong quán trà cho đến khi mặt trời xuống núi, tổng cộng làm hai bài thơ, bán một bài văn cũ, được tám mươi văn. Trương Trọng Vi đếm tiền, nhụt chí nói. “Còn không bằng Tam nương tử kết nút thắt”.

Trương Bá Lâm bất mãn chàng tâm tâm niệm niệm tiền, giáo huấn vài câu, lôi kéo chàng đi quán trà uống nước, tám mươi văn trôi mất hai mươi văn. Trương Trọng Vi về đến nhà, đưa số tiền còn lại cho Lâm Y, tiền ít, chàng ngượng không nói là tiền “dưỡng gia sống tạm”, chỉ nói cho nàng vốn làm quả cầu.

Lâm Y nghe nói đây là tiền chàng bán toan văn, vui sướng vô cùng, nhưng vẫn không nhận, nói. “Em vẫn còn nhiều tiền, đủ dùng, anh giỏi làm thơ, sao không ngâm một bài tặng em?”.

Trương Trọng Vi đỏ mặt. “Anh năng lực làm thơ hữu hạn, gạt người còn được, tặng em sợ không làm ra”. Nghĩ nghĩ, lại nói. “Anh tự thấy bản thân vẽ tranh không tồi, không bằng vẽ một bức tặng em?”.

Lâm Y hiểu người đọc sách như bọn họ đều biết hết cầm kỳ thi họa, cười nói. “Vậy đi”.

Trương Trọng Vi hưng phấn phi thường, đây là lần đầu Lâm Y đòi chàng tặng quà, lại là tranh vẽ, chàng cẩn thận hỏi Lâm Y muốn tranh như thế nào, xong nói câu “Anh về mài mực” liền chạy vội đi.

Lâm Y nhìn chàng về phòng, cũng vào trong nhà, nghiên cứu kĩ quả cầu lông gà, quả cầu cũng đơn giản thôi, thậm chí nàng không cần tháo nó ra cũng biết cách : dùng một miếng vải gói đồng xu sắt, cuốn vải dư lên, thêm vài cọng lông gà cột vào vải dư, là thành quả cầu lông gà. Cách làm thì không khó, nhưng lông gà kiếm đâu ra? Nếu muốn bán lấy tiền, dùng lông gà trống là đẹp nhất, nhà họ Trương thật ra có nuôi gà, nhưng cũng không thể vì làm quả cầu mà giết đi, huống chi Lâm Y không có cái quyền đó.

Nàng suy nghĩ một phen, đứng dậy đi phòng bếp phụ thím Dương, vừa thái rau vừa hỏi. “Thím Dương à, cháu muốn mấy cọng lông gà, đi chỗ nào tìm đây?”.

Thím Dương ngạc nhiên. “Lấy lông gà làm chi?”.

Lâm Y đáp. “Làm quả cầu đá đá”.

Thím Dương cười nói. “Nhưng kể ra cháu cũng chọn đúng lúc đấy”.

Thì ra mấy ngày nữa là đến ngày thu xã, tập tục Bắc Tống, tới ngày hôm đó con gái phải về nhà mẹ đẻ, Phương thị vì nghênh đón Trương Bát nương, sớm đã lên tiếng sai người làm thịt mấy con gà béo sau nhà, nấu một bàn tiệc ngon.

*Ngày thu xã : Ngày ngay sau tiết lập thu.

Lông gà có, lại được gặp Trương Bát nương, Lâm Y mừng thầm, giúp thím Dương nhóm lửa nấu cơm, bận đông bận tây, chỉ chờ ngày thu xã tới.

Trước ngày thu xã, Trương Trọng Vi tặng tranh đến, nói là quà tặng ngày thu xã, Lâm Y nhận nhìn xem, trong tranh là nàng, áo bông đỏ, váy hoa nhỏ, đứng bồi hồi trước rừng trúc, đầu vai gác hững hờ cây quạt vẽ hình chim phượng. Nàng mở to hai mắt nhìn vào rừng trúc, trong rừng dường như có ai đang ẩn nấp, chỉ lộ ra một góc ống tay áo, nàng vội hỏi. “Còn ai trong tranh vậy?”.

Trương Trọng Vi trộm liếc nàng một cái, không đáp. Lâm Y truy hỏi, chàng liền đỏ mặt, lại hỏi, chàng xoay người chạy đi. Lâm Y thấy chàng như thế cũng không ngạc nhiên, ngược lại cầm tranh cười trộm không thôi —- ống tay áo của người trong tranh, rõ ràng giống áo chàng mặc trên người như đúc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.