Cuộc Sống Ở Bắc Tống

Chương 19: Chương 19: Ngân Tỷ báo thù




Ăn Tết xong, Mi Châu hết xuân vào hạ, sông Mân Giang cạn thấy đáy, đất ruộng nứt ra từng mảng lớn, đang là thời điểm gieo mạ cho vụ mùa mới, trời lại giáng xuống tai họa này, ai nấy kêu khổ thấu trời, trong thôn lấy Trương lão thái gia làm đầu chuẩn bị cống phẩm đến miếu thổ thần cầu mưa. Hẳn là trời xanh nghe được bọn họ khẩn cầu tha thiết, trước lập thu đã cho mưa giáng xuống, nhưng mưa càng rơi càng lớn, càng rơi càng lâu, ước chừng hai ba tháng mưa to giàn giụa, giống như ông trời đùa giỡn nhân gian.

Nước sông Mân Giang dâng cao, phá đê tràn ra, các hộ gia đình ở chỗ thấp đều vận chuyển lúa đi nơi khác, nương tựa chỗ cao. Khắp nơi là nước, đi lại đều dựa vào thuyền lớn, ghe nhỏ, bồn gỗ, ván cửa; hai anh em Trương Bá Lâm Trương Trọng Vi phải tạm nghỉ học, ruộng bị ngập, tá điền nhà họ Trương đều bị khiển về nhà, tất cả mọi người chẳng có lòng dạ nào làm việc khác, ngày ngày nhìn trời mưa to mà phát sầu, may là tiểu viện nhà họ Trương nằm ở chỗ cao, tạm thời không lo nước lũ cuốn mất, cũng coi như trong cái rủi có cái may.

Trong thôn vô số nhà bị ngập nước, rất nhiều người trôi giạt khắp nơi, Trương lão thái gia mỗi ngày đứng ở cửa viện, nhìn dân đói kém trong lòng khó chịu, gọi hết người nhà đến bàn bạc, định mở kho lương cứu trợ. Đề nghị vừa ra, anh em Trương Bá Lâm Trương Trọng Vi đều gật đầu tán thành, Lâm Y cũng nghĩ toàn là người cùng quê cùng làng, giúp đỡ một phen là nên làm, nhưng Phương thị lại đổi sắc mặt.

Thím Dương thấy Lâm Y khó hiểu, nói nhỏ. “Lúc cháu còn chưa đến nhà chúng ta, lão thái gia cũng từng mở kho cứu đói, kết quả mấy kho lương đều bị lão nhân gia ông ta phân phát sạch sẽ, cuối cùng cả chúng ta cũng không có đồ ăn bỏ bụng, toàn ăn rau dại qua ngày”. Thím nói xong, nhìn nhìn Trương Bá Lâm Trương Trọng Vi, lại thở dài. “Hai vị thiếu gia giống tính lão thái gia, trượng nghĩa, tâm địa Bồ Tát, kho lương phỏng chừng lại trống không rồi”.

Quả nhiên, một mình Phương thị phản đối, ba người khác đều nhất trí, bà ta đành phải giao chìa khóa kho lương ra. Sáng sớm hôm sau, Trương lão thái gia tự mình mở một kho, tiếp đón các đồng hương đến lĩnh lương thực về, cam đoan chắc nịch rằng nhà họ Trương sẽ phân phác lương thực trong ba ngày. Có thôn dân không tin, trực tiếp nói ra nghi ngờ, Trương lão thái gia vỗ ngực, chỉ lên trời. “Nếu lão nói dối, thiên lôi đánh chết lão”. Các đồng hương nghe xong, hoan hô nhảy nhót, chạy đi báo tin.

Tới buổi chiều, sân nhà họ Trương sắp một hàng dài người ta, người trong thôn gặp nạn không còn mảnh áo chống lạnh đứng run rẩy trong gió thu, kẻ bưng bồn người cầm bát, người mang túi, đứng trước kho lương kiễng chân ngóng trông. Những người này xưa nay đều là quen biết, Lâm Y nhìn đau lòng, vội đến cửa kho cầm gáo hồ lô giúp Trương lão thái gia và anh em họ Trương phát lương thực cho họ.

Mọi người bận rộn nửa ngày, buổi tối lúc ăn cơm, trước mặt chỉ có một chén cháo loãng và một đĩa dưa muối.

Cơm canh ở Đại Tống cũng như người ta vậy, chia làm ba bảy loại, người khổ một ngày ba bữa chỉ có cơm nhão cháo loãng cầm hơi, gạo nấu hơi nát và ít nước thì là cơm nhão*, giống như hồ dán; nước lõng bõng gạo chẳng thấy đâu thì gọi là cháo loãng*; chỉ có gia đình khá giả mới được ăn cơm khô.

*Cơm nhão – “Chiên” : Cháo đặc sệt sệt như kiểu cháo của người Hàn Quốc. Cháo loãng – “Chúc” : Cháo nấu loãng, không có bao nhiêu gạo.

Trước cơn lũ, nhà họ Trương ăn trưa ăn tối đều là cơm khô, sau cơn lũ, tuy nói vì tiết kiệm lương thực, thiếu một bữa cơm khô nhưng tốt xấu cũng có bát cơm nhão mà ăn, hôm nay vì sao chỉ có cháo loãng? Lâm Y mới từ kho lương về, trong lòng hiểu rõ, nhà họ Trương chưa tới nỗi phải uống cháo loãng, đây chẳng qua là Phương thị âm thầm đối kháng.

Trương lão thái gia bưng bát lên húp một ngụm, gắp một miếng dưa muối, khen. “Không tệ, sau này cứ như thế, tiết kiệm lương thực phát cho các vị đồng hương”.

Phương thị nghe xong, tức giận không nhẹ, tay cầm đũa suýt mấy lần bẻ gẫy, ăn xong cơm, trở về phòng liền mắng thím Nhâm. “Nhìn bà ra ý kiến hay chưa, không một tí hiệu quả, còn hại chúng ta sau này mỗi ngày phải ăn cháo loãng dưa muối”.

Thím Nhâm lí nhí phân bua. “Tôi cứ tưởng lão thái gia sẽ trách Nhị phu nhân, Nhị phu nhân có thể nhân cơ hội khuyên lão thái gia phân phát ít thôi, làm sao biết được chẳng những lão thái gia không trách, còn khen…”. Nói nữa cũng vô ích, Phương thị xụ mặt mắng vài câu nữa, đuổi bà ta ra ngoài.

Ngân Tỷ đứng dưới mái hiên xem phân phát lương thực, thấy thím Nhâm than thở đi ra, cười hỏi. “Sao vậy, bị Nhị phu nhân quở trách?”.

Thím Nhâm cùng cô ta đến nhà kề ngồi xuống, sầu nói. “Tôi bị mắng cũng chẳng sao, nhưng Nhị phu nhân vì lương thực trong nhà lo lắng ngày đêm, tôi nhìn đau lòng, lại không có năng lực phân ưu”.

Ngân Tỷ xì một tiếng. “Không ngờ bà cũng trung tâm như vậy đó nha”.

Thím Nhâm đỏ mặt, nhớ tới bản thân gạt Phương thị làm không ít việc sau lưng, ngượng ngùng không dám nói nữa. Ngân Tỷ nhìn bà ta vài lần, nói. “Bà muốn phân ưu dùm Nhị phu nhân, tôi có biện pháp”.

Thím Nhâm biết cô ta hận Phương thị lắm, thầm nghĩ cô ta không có ý tốt, nhưng lâm vào ngõ cụt đành phải hỏi cô ta. Ngân Tỷ đáp. “Biện pháp rất đơn giản – Lương thực còn đó, sớm hay muộn cũng bị lão thái gia phân phát sạch sẽ, sao không bảo Nhị phu nhân lén bán đi?”.

Thím Nhâm thấy chủ ý này không tồi, nhưng nổi lòng nghi ngờ, liền hỏi. “Ngân di nương có việc muốn sai tôi?”.

Ngân Tỷ bực. “Bà coi tôi là hạng người gì? Tôi thấy bà giúp tôi không ít, nghĩ muốn trả lại cho bà một cái ân tình thôi, nếu bà không ưa thì coi như chưa từng nghe thấy”.

Thím Nhâm vội vã xin lỗi, thầm nghĩ nếu bán lương thực đi, Ngân Tỷ cũng chẳng được lợi lộc gì, xem ra cô ta thật tâm muốn giúp mình lấy lòng Phương thị mà không phải có ý xấu. Bà ta nghĩ đoạn, liền chạy ngay đến trước mặt Phương thị hiến kế sách bán lương thực, nhưng không nói Ngân Tỷ, mà nói do bà ta tự nghĩ ra.

Phương thị nghe xong mừng rỡ, khen. “Làm khó bà nghĩ ra được diệu kế, chờ ta bán lương thực xong sẽ tăng tiền lương cho bà”.

Thím Nhâm được Phương thị hứa hẹn, trong lòng cảm tạ Ngân Tỷ hết sức, hoan hỉ ra cửa, đến trong thành tìm cửa hàng bán gạo, hỏi chủ tiệm có mua hay không. Đang nạn đói, giá gạo tăng cao, lợi nhuận lớn, chủ tiệm đang lo không đủ hàng cung ứng, nghe bà ta nói có gạo giá phải chăng cần bán, chực đi theo bà ta đến nhà họ Trương vận chuyển gạo đi. Thím Nhâm nói. “Chúng tôi bán giá thấp, nhưng ông chỉ được đến buổi tối”.

Ông chủ tiệm gạo nghe vậy, nghi ngờ lương thực nhà bà ta lai lịch bất chính, không muốn mua. Thím Nhâm liên tục cam đoan, lại hạ giá thêm mới được chấp nhận, hẹn đêm đến nhà họ Trương chuyển gạo.

Phương thị trong quá trình đấu đá không ngừng với Ngân Tỷ cũng học được chút kinh nghiệm, lúc cơm chiều bà ta cùng thím Nhâm mang tặng một bình rượu cổ vũ Trương lão thái gia ưu quốc ưu dân cứu tế bà con gặp nạn, chuốc ông lão say không biết trời đất gì nữa. Nửa đêm ông chủ tiệm gạo dẫn theo người đến vận lương thực đi, lão nhân gia ông ta còn ngáy vang vang, làm sao nghe được động tĩnh bên ngoài, thẳng đến hôm sau mới phát hiện ba kho thóc trong nhà đã trống hết hai kho.

Trương lão thái gia còn tưởng nhà bị trộm viếng, ồn ào muốn đi báo quan, Phương thị nghe vậy có chút hoảng hốt, tránh trong phòng không dám ra. Ngân Tỷ gặp bốn bề vắng lặng vội kéo Trương lão thái gia ra một góc, nấp sau mấy cây gậy trúc, thì thào mật báo. “Lão thái gia, lương thực nhà chúng ta không phải bị trộm, mà bị Nhị phu nhân nửa đêm bán mất”.

Trương lão thái gia không tin, nói. “Con dâu từ trước đến nay hiền lành hiếu thảo, sao làm chuyện như vậy được”.

Ngân Tỷ đáp. “Nếu lão thái gia không tin, cứ đi vào thành tìm ông chủ tiệm gạo hỏi là biết ngay”.

Trương lão thái gia thấy cô ta thề son sắt, đã tin bảy tám phần, chống gậy trúc xuống đất đánh cộc một phát, lập tức muốn đi tìm Phương thị hỏi cho rõ. Nhưng ông lão vừa ra khỏi vườn trúc, đã thấy thôn dân gặp nạn đi lĩnh lương thực đang đi vào trong viện, đành phải tạm gác chuyện Phương thị lại, núp vào kho lương – vì lương thực trong nhà đã không đủ để phân phát nữa.

Trời dần vào trưa, trước kho lương đứng một hàng dài người ta, Trương Bá Lâm Trương Trọng Vi bị dân gặp nạn thúc giục nóng ruột, vội đi vào hỏi Trương lão thái gia vì sao còn chưa mở kho.

Trương lão thái gia nét mặt tiêu điều. “Lương thực không đủ, làm sao dám mở kho”.

Trương Bá Lâm đi vòng vòng kho lương hai lần, khó hiểu hỏi. “Đây vẫn còn hơn phân nửa kho, sao lại không đủ?”.

Trương lão thái gia gõ ống điếu xuống sàn thật mạnh, nói. “Trong nhà có ba kho lương, mẹ hai đứa bây bán hết hai kho rồi, bây giờ chỉ còn nhiêu đó”.

Hai anh em kinh hãi, nhưng làm con cái, không thể chỉ trích cha mẹ, hai người im lặng một lúc, Trương Bá Lâm lên tiếng. “Thôi mặc kệ đi ông nội, bên ngoài dân chúng còn đang chờ, chúng ta cứ phân phát chỗ này đã rồi tính sau”.

Trương lão thái gia đang có ý này, chỉ thiếu người phụ họa, nghe vậy vui mừng. “Chính là ý này, ông đã lỡ đáp ứng bọn họ sẽ phát lương ba ngày, phải làm được, người không thể nói mà không giữ lời”.

Trương Trọng Vi do dự. “Phân phát hết chỗ lương thực này, cả nhà chúng ta phải đói, cháu chịu khổ một chút chẳng có gì, nhưng mẹ…”.

Chàng còn ba chữ “Lâm Tam nương” chưa nói ra, Trương lão thái gia đã nổi giận. “Đừng có nhắc tới đứa con dâu bất hiếu đó”.

Trương Trọng Vi thấy ông nội tức giận, không dám nói tiếp, đành im lặng, hỗ trợ chuyển lương thực ra ngoài, phân phát tiếp cho dân chúng.

Dù bọn họ đã dốc cạn cả nồi cơm nhà mình nhưng bất đắc dĩ lương thực quá ít, vẫn không thể chống cự đến lúc mặt trời lặn, mấy chục người dân gặp nạn xếp cuối hàng đã hết lương thực để lĩnh, nóng nảy đến độ khóc la. Có người bắt đầu nghi ngờ. “Đã nói mở kho phát lương ba ngày, vì sao đến ngày thứ hai đã cạn kiệt?”. Lại có người mắt sắc, nhìn thấy hai kho lương còn lại của nhà họ Trương cửa mở toang hoang, bên trong rỗng tuếch, liền la lên. “Kho trống, nhất định là bọn họ đổi ý, giấu lương thực đi chỗ khác”.

Người chưa nhận được lương thực lại càng rống lên khóc, ai nấy chỉ trích Trương lão thái gia nói chuyện không giữ lời, làm hại bọn họ mừng hụt.

Lâm Y đứng một bên nhìn, tức đến dậm chân, mắng. “Người tốt quả nhiên khó làm, một hột gạo cũng không cho các người, vô ân bội nghĩa, phân phát cho các người lương thực tận hai ngày mà vẫn bị các người mắng nhiếc”.

Nhóm người gặp nạn đuối lý, đều ngậm miệng, nhưng Trương lão thái gia vẫn không thể nuốt trôi, thấy thẹn vì bản thân thất tín, chẳng trách được người khác chỉ trích, ông lão càng nghĩ càng thấy bản thân không ngẩng đầu mà sống trong thôn được nữa, buồn mấy ngày, ngã bệnh.

Rốt cuộc vẫn chỉ là một ông lão bảy mươi, thân thể già yếu, bệnh dai dẳng không hết, trong nhà lại hết gạo, Phương thị vội vàng lấy tiền vào thành mua mấy gói to về, giá đắt không thể tưởng. Bà ta nhìn giá, bản thân cũng tức muốn nổ mắt, vẫn phải tươi cười trước mặt Trương lão thái gia, khuyên ông lão giải sầu, trước chữa khỏi hẳn bệnh đã. Bà ta không đứng trước giường hầu hạ thì thôi, vừa đứng một cái là bệnh tình của Trương lão thái gia lại bộc phát nghiêm trọng, trong lúc thần chí không rõ còn mơ mơ hồ hồ chửi rủa bà ta. “Nếu không phải cô bất hiếu như thế thì lão đây từng tuổi này đâu có bị người ta chỉ cột sống mà mắng”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.