Cuồng Vọng Phi Nhân Tính

Chương 5: Chương 5: Thiên sứ Đường






Thầy Châu nheo mắt cười, giở mấy gói đồ Phương Mộc mang đến, “Ôi, sao mua nhiều thế!” Phương Mộc đỏ bừng mặt: “Em không biết mua đồ…” Anh nhìn thầy giáo Châu đang giở chiếc quần bò, “… Hy vọng Á Phàm thích.” “À, cậu chu đáo hơn cả tôi đấy”. Thầy Chấu gấp quần áo lại cho vào túi giấy, “Á Phàm đến tuổi biết làm đẹp rồi, chỉ có điều lần sau mang cho nó ít quà thôi, đối với bọn trẻ ở đây, tốt nhất là đừng làm cho chúng hư sớm.” Phương Mộc gật đầu, “Vâng ạ!” “À, lát nữa Á Phàm về, cậu hãy tự tay trao quà cho nó nhé?” Phương Mộc vội vàng xua tay, “Thôi, thầy đưa cho cô ấy đi.” “Tôi á? E rằng không hợp lắm.” Thầy Châu nâng gói quà trên tay, “Con nha đầu này cũng ranh lắm, nhìn thấy quà nó sẽ biết ngay đây không phải của tôi mua cho nó. Tiểu Triệu, Tiểu Triệu.” Chị Triệu hai tay dính đầy bọt xà phòng bước vào: “Gì vậy ạ?” “Mang cái này đưa cho Liêu Á Phàm và nói là của cô mua cho nó, nhưng đừng đưa cho nó tất cả một lần, hay chia ra nhiều lần nhé!” Chị Triệu tiến lại gần nhìn vào trong túi giấy rồi ngẩng đầu lên cười với Phương Mộc: “Ha… ha, quần áo còn rất mốt nữa chứ!”. Chị chỉ về phía cửa một căn phòng: “Tiểu Phương, bây giờ chị đang dở tay, không cầm được, em giúp chị mang vào phòng nhé.” Phương Mộc dạ một tiếng rồi xách mấy túi giấy mang đi. Phòng của chị Triệu không lớn, lại là mặt sau nhà nên rất tối. Phương Mộc vừa bước vào đã ngửi thấy mùi khói hương nồng nặc. Anh đặt những túi giấy lên chiếc giường đơn, rồi đưa mắt nhìn xung quanh. Trong phòng bầy biện rất đơn giản, chỉ có một chiếc giường, một cái tủ năm ngăn, một cái bàn và hai cái ghế. Trên cái tủ thắp hai ngọn đèn, ở giữa là một bát hương, giữa những tàn tro có mấy que hương lúc sáng lúc tối, khói bay nghi ngút. Đằng sau bát hương là khuôn mặt một đứa bé trai được viền trong khung kính màu đen đang nhìn Phương Mộc cười toe toét. Phương Mộc tiến gần đến trước cái tủ chăm chú quan sát tấm ảnh đứa bé. Thằng bé chưa quá 10 tuổi, trong ánh mắt toát lên vẻ ngượng ngịu và sự cố gắng làm cho mình trưởng thành hơn, khóe môi lộ ra một nụ cười tinh nghịch. Người chụp ảnh chắc chắn phải là người thân của cậu. Có thể là chị Triệu. “Đó là con trai của cô Triệu.” Không biết từ khi nào thầy Châu cũng đã bước vào phòng. Ông đứng cạnh Phương Mộc chăm chú nhìn bức ảnh trước mặt. Phương Mộc nhìn ra cửa hạ giọng hỏi: “Cậu bé này… mấy tuổi” “Tám tuổi.” “Nó bị bệnh gì ạ?” “Không, nó tự sát!” Phương Mộc giật mình: “Tự sát ạ?” Thầy Châu gật đầu, mắt vẫn chăm chú vào bức ảnh, một lúc sau ông cất tiếng thở dài lấy từ nóc tủ xuống mấy thẻ hương châm vào ngọn đèn rồi cắm vào bát hương. Khói hương vừa mới tản ra phút chốc lại đặc quánh. Khi trời sâm sẩm tối, thầy Châu mời Phương Mộc ở lại ăn cơm. Lần này anh không những không từ chối mà còn xung phong vào bếp giúp chị Triệu gọt khoai tây. Chị Triệu lúc đầu còn áy này nói không muốn để cho Phương Mộc động chân động tay, Phương Mộc phải năm lần bảy lượt đề nghị chị mới đồng ý. Nhưng Phương Mộc chỉ mới gọt được ba củ chị đã không để cho Phương Mộc làm bất cứ việc gì nữa. “Em gọt vỏ dày quá, chỗ đấy đã đủ xào một đĩa rồi đấy.” Phương Mộc bất lực đành đi làm cái việc không cần gì đến kỹ thuật – rửa khoai tây. “Sao cứ ăn khoai tây mãi thế?” Phương Mộc ngâm từng củ khoai tây đã được rửa sạch vào trong nước. Chậu nước trước mặt nhanh chóng dâng lên gấp đôi. “Chả có cách nào khác, thứ này rẻ mà!” Chị Triệu lắc lắc mái tóc, “Thầy Châu mua cả miếng đất lớn để làm cô nhi viện, tiền trong người cũng cạn rồi. Còn sự trợ giúp của xã hội cũng có hạn, những người trọ giúp định kỳ như em đã ít lại càng ít. Tiền sinh hoạt, tiền học, tiền chữa bệnh của bao nhiêu đứa trẻ thế này, không tằn tiện một chút thì biết làm thế nào?” “Vâng, cũng phải.” Phương Mộc gật gật đầu: “Thầy Châu thật chẳng dễ dàng gì.” Nói đến đây Phương Mộc ngoái nhìn bốn phía, hạ giọng hỏi chị Triệu: “Sao em chưa bao giờ nhìn thấy vợ thầy Châu nhỉ?” “Ôi, chị có hỏi ông ấy, ông ấy chưa lấy vợ, độc thân nửa đời người rồi!” “Thế ạ!” Phương Mộc không giấu được vẻ kính phục, “Xem ra con người này bỏ cả đời cho lũ trẻ.” “Đúng thế, đấy đúng là là một người phi thường!” Chị Triệu nhìn ra sân, thầy Châu đang ngồi bên bồn hoa, trước mặt là một bé gái đang lau nước mắt, thầy Châu xoa đầu nó, vui vẻ nói gì đó, con bé gật đầu lia lịa. “Ông ấy rất biết cách an ủi mọi người. Bất kể là gặp chuyện gì phiền muộn, chỉ cần nói chuyện với thầy Châu một lúc thì mọi phiền muộn đều tiêu tan hết.” Chị Triệu quay đầu lại, nói nhỏ nhẹ: “Trên đời này mà gặp được người như thế, lại còn được cùng làm thì không biết sẽ có phúc mấy đời.” Phương Mộc cười, bất giác quay đầu lại, mặt trời đã xuống dưới đường chân trời, thầy Châu quay lưng lại hướng hoàng hôn, toàn bộ nửa người ông được tráng phủ một lớp mịn màng màu vàng, phát ra thứ ánh sáng lờ mờ trong sắc trời càng lúc càng thẫm lại. Bé gái đã ngừng khóc, một nụ cười ngọt ngào hiện trên đôi má còn ngấn lệ. Một thiếu nữ bỗng nhảy qua cửa, sự tinh nghịch trên khuôn mặt vừa hé mở đã nhanh chóng bị thu lại vì nhận thấy có người lạ ở trong bếp. Đó chính là Liêu Á Phàm, trên người đang diện một chiếc quần bò mới. Vừa nhìn thấy Phương Mộc đang rửa khoai tây cô bé chợt “Ồ” lên một tiếng rồi quay người chạy biến. Chị Triệu cười, mắng yêu: “Con bé này, hậu đà hậu đậu.” Cô bé hậu đậu Liêu Á Phàm nhanh chóng quay lại. Chiếc quần bò mới đã được thay bằng chiếc quần thể thao cũ. Nó chẳng nói chẳng rằng kéo chậu khoai tây về phía mình cắm cúi rửa. Phương Mộc thấy hơi ngượng, đứng dậy đi đến bên bể nước rửa tay. Anh đứng nguyên tại chỗ một lát rồi quay người đi ra sân. Trước lúc quay ra anh nghe thấy Liêu Á Phàm hạ giọng nói Chị Triệu: “Cô Triệu, cháu cảm ơn cô!” Ngoài sân phút chốc đã đầy ắp bọn trẻ. Phần lớn bọn chúng đều gầy yếu, ăn mặc đơn giản, nhưng khuôn mặt vô tư chẳng khác gì những đứa trẻ được bố mẹ đùm bọc. Đây có lẽ là lúc náo nhiệt nhất trong ngày ở cô nhi viện. Những đứa trẻ vừa tan học không hề tiếc rẻ phần sức lực cuối cùng trong ngày. Những đứa bé bị tàn tật chỉ có thể ở lại trong cô nhi viện đã thể hiện toàn bộ sự nhiệt tình tích tụ trong suốt cả ngày của mình với lũ bạn mới trở về. Đâu đâu cũng đầy những nụ cười hoan hỉ, tiếng tranh cãi và đuổi bắt nhau ầm ĩ. Phương Mộc ngồi bên bồn hoa thong thả hút thuốc, cảm thấy vô cùng thư thái. Anh nhìn theo những đứa trẻ chạy qua chạy lại bên cạnh mình, bụi bay đầy cả lỗ mũi. Phương Mộc nhớ lại ngày thơ ấu cũng hưởng thụ những niềm vui vô tư, hồn nhiên trên đám đất bụi xoàng xĩnh như thế này. Chẳng ngờ ngày nay chỗ nào cũng là phòng chơi game, quán nét, được chạy nhảy tung tăng cũng đem lại niềm vui vô bờ bến cho bọn trẻ. Phương Mộc chú ý thấy cạnh bồn hoa có một đứa trẻ đang chăm chú nhìn anh xuyên qua những bông hoa và đám cỏ xanh. Qua khuôn mặt béo tròn và đôi mắt lác có thể thấy đây là một đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Đứa bé cũng phát hiện thấy Phương Mộc đang nhìn nó, liền cười và giơ một tay ra cố gắng vẫy. Phương Mộc cười, hướng về nó vẫy vẫy tay. Thằng bé như được cổ vũ, vẫy vẫy tay lại. Cứ như thế mấy lần, Phương Mộc nhận thấy thằng bé thực ra là đang chơi trò oẳn tù tì với anh, đồng thời anh cũng phát hiện bàn tay của nó chỉ có hai ngón. Phương Mộc nghĩ một lúc, lần nào cũng xoè cả năm ngón ra thành “chiếc lá”. Thế là chủ nhân của “chiếc kéo” rất phấn khởi, thắng lợi liên tiếp làm cho nó hưng phấn ra mặt. Thậm chí còn chạy đến bồn hoa lộn một vòng rồi vội vàng bò dậy tiếp tục chơi với người đối diện mãi chỉ biết ra “chiếc lá”. Trời dần tối, trong khóm hoa bóng những đứa trẻ mờ dần. Phương Mộc cũng không nhìn rõ tay thằng bé nữa, chỉ nghe thấy tiếng cười “ha, ha” sảng khoái phía đối diện. Bỗng Phương Mộc cảm thấy có người ở bên cạnh. Quay đầu lại, trong bóng tối Liêu Á Phàm đứng cách mấy mét đang lặng lẽ nhìn anh. “Ăn cơm thôi!” Mấy giây sau cô bé nhẹ nhàng nói. Bữa cơm tối rất đạm bạc, cải trắng xào đậu phụ, khoai tây hầm, tương ớt và cơm trắng. Phương Mộc được xếp ngồi cạnh thầy Châu, đối diện là Liêu Á Phàm. Liêu Á Phàm chưa vội ăn cơm mà đang bế một đứa bé mồ côi khoảng một tuổi, bón cho nó từng miếng một. Cô bé để đứa trẻ tựa vào lòng mình, tay phải cầm thìa, tay trái cầm một chiếc khăn ăn, sẵn sàng lau thức ăn đứa trẻ làm vương vãi ra. Nhân lúc đứa bé đang nhai, Liêu Á Phàm vội xúc mấy thìa cơm canh cho vào mồm. Giữ được Phương Mộc ở lại ăn cơm, thầy Châu rất vui. Có lẽ áy náy vì bữa cơm quá đạm bạc, thầy Châu đặc cách rót hai chén rượu trắng, coi như là bù đắp. Rượu là loại rượu ngon. Ngay cả người không hiểu nhiều về rượu như Phương Mộc sau khi uống xong cũng cảm thấy vị êm dịu, đậm đà. Thầy Châu thấy Phương Mộc chép miệng tận hưởng, cười nói: “Ngũ lương dịch[1]!” [1] Một loại rượu khá nổi tiếng của Trung Quốc. “Ôi! Em chưa bao giờ được uống loại rượu ngon thế này.” “Thế để tôi rót thêm cho cậu một chén nữa.” “Thôi ạ, thôi ạ!” Phương Mộc vội vàng xua tay, “Lát nữa em còn phải lái xe. Với lại, rượu ngon thế này thầy còn phải để tiếp khách quý, cho loại ngoại đạo như em uống khác nào uống nước lọc.” Thầy Châu bưng chén rượu lên, nhấp một ngụm, ngậm một lúc trong miệng rồi mới nuốt. “Ồ, hồi trước thầy uống ngũ lương dịch cũng giống như uống nước lã vì có biết thưởng thức vị ngon của nó đâu!” Ông xoay xoay cái chén trong tay: “Bây giờ những dịp để uống rượu ít đi rồi thì mới biết thưởng thức hương vị của nó. Xem ra cơ hội tốt nhất để hồi tưởng lại một sự việc chính là lúc đã bị mất nó.” “Khục, khục,” chị Triệu mồm đầy cơm lúng búng cười. “Lúc còn đang nhiều tiền chắc ông già chẳng để ý đến mấy trò này đâu nhỉ?” “Hà, hà. Đúng thế.” Thầy Châu đặt chén rượu xuống, mắt nhìn nền nhà, “Bây giờ nghĩ lại mới thấy hồi ấy phung phí tiền quá.” “Ông Châu à,” một đứa bé trai nhanh tay gắp một miếng thịt mỡ trong bát canh đưa lên miệng, vừa ăn vừa nói: “Hồi trước ông nhiều tiền lắm à?” “Ừ!” “Có bao nhiêu tiền ạ?” “Hà, hà!” Thầy Châu cười hà hà lấy tay vẽ lên không trung một vòng, “Rất nhiều, rất nhiều tiền!” “Thế ông đã được đi máy bay chưa hả ông?” Một bé gái khác hỏi. “Đi rồi!” “Có tuyệt không ạ?” “Tuyệt. Nhưng lần đầu tiên đi máy bay ông phát hoảng. Một cái nhà bằng sắt thật to, lờ đờ một lúc rồi bay lên. Ông nghĩ bụng, nếu mà nó rơi xuống thì mình tan xác.” Bọn trẻ đều cười. “Thế ông đi nước ngoài chưa ạ?” Một bé gái hỏi. “Đi rồi!” “Đi Mỹ chưa ạ?” “Đi rồi!” “Nước Mỹ trông như thế nào ạ? Thầy giáo chúng cháu nói nước Mỹ đẹp lắm.” “Đúng là rất đẹp. Nhưng ông vẫn thích nước mình hơn.” “Vì sao ạ?” “Bởi vì ở nước Mỹ không có những cục cưng đáng yêu này.” Thầy Châu đưa tay quệt mũi bé gái. Bé gái chun mũi cười. “Kể chuyện nước ngoài cho chúng cháu nghe đi ông Châu!” “Nước ngoài có gì hay mà kể.” “Kể đi, kể đi mà ông…” Bọn trẻ tranh nhau yêu cầu. Thầy Châu nhìn mười mấy đôi mắt đang hau háu chờ đợi cũng cảm thấy hưng phấn. “Được, thế thì ông sẽ kể chuyện ông đến một trường đại học. Trường đại học này có tên là trường Đại học Harvard, là một trong những trường đại học tốt nhất trên thế giới. Khi đó, hàng ngày ông đều đi nghe giảng ở trong một toà nhà màu trắng cao nhất…” Bọn trẻ lắng nghe một say sưa, trong đó Liêu Á Phàm lắng nghe chăm chú nhất, thậm chí quên cả bón cơm cho đứa bé đang ngồi trong lòng. Mặt nó ửng đỏ, trong ánh mắt tràn đầy khung cảnh như trong cõi mộng, vừa mong ngóng, vừa ghen tị. Cô bé này hoàn toàn có sẵn năng lực tư duy của một người trưởng thành. Phương Mộc nghĩ. Liêu Á Phàm không thể không so sánh cuộc sống hiện tại với những câu chuyện giống như trên thiên đường qua lời kể của thầy Châu. Mà cô bé lại đang trong độ tuổi dễ sinh ra những ưóc mơ nhất, nhưng thực tế sao mà tàn khốc. Ánh mắt Phương Mộc bỗng dừng lại trên chiếc quần thể thao cũ rích của Liêu Á Phàm, trong lòng đau nhói. Đứa bé ngồi trong lòng bị bỏ quên quá lâu, cất tiếng khóc oe oe. Liêu Á Phàm giật mình như bừng tỉnh khỏi cơn mơ, vội vàng bón cơm cho nó. Chẳng may đứa bé bị sặc, nó ho sặc sụa. Thầy Châu dừng kể, vội bảo chị Triệu mau đến chăm sóc đứa bé. Liêu Á Phàm sau khi giao đứa bé cho chị Triệu, hai mắt lại nhìn chăm chăm vào thầy Châu như hy vọng ông sẽ tiếp tục câu chuyện. Song thầy Châu lúc này chỉ quan tâm đến đứa bé. Sau khi chờ cho thằng bé oẹ ra một miếng khoai tây, dứt cơn ho thì ông cũng quên mất mình đã kể đến đoạn nào, thế là ông vẫy tay bảo mọi người tiếp tục ăn cơm. Liêu Á Phàm hơi thất vọng, cô chậm chạp lùa từng chút cơm canh còn sót trong bát vào miệng. Ăn cơm xong, thầy Châu lại pha một ấm trà, kéo Phương Mộc ngồi xuống nói chuyện tiếp. Bọn trẻ mỗi đứa tìm một chỗ để làm bài hoặc chơi, Liêu Á Phàm bê một chậu to đựng bát đũa vừa ăn xong đi theo chị Triệu xuống bếp. Trà cũng là trà ngon, Phương Mộc vừa thong thả thưởng thức vừa ngầm đoán về thân phận và nghề nghiệp của thầy Châu ngày trước. Có lẽ vì uống chút rượu trong bữa cơm tối nên thầy Châu nói chuyện rất hưng phấn. “Nếu mai kia điều kiện khá lên một chút tôi sẽ xây ở đây một phòng đọc sách… đằng kia dựng một khu tập thể chuyên dành cho nữ sinh...” Thầy Châu vừa nói vừa lấy tay chỉ ra ngoài sân, làm như trước mắt là những căn nhà ngăn nắp và sáng sủa. Phương Mộc vừa cười vừa lắng nghe, không ngắt lời. Thầy Châu cứ nói mãi, bỗng tự mình cất tiếng cười. “Nói cứ như thật ấy,” ông lắc đầu, “Chỉ là nghĩ như vậy thôi, có thể giúp được bọn trẻ có giáo dục, có sức khoẻ để bước ra xã hội xong thì có lẽ tôi cũng thành tro rồi.” Phương Mộc hỏi, “Thầy xây dựng cô nhi viện này tốn nhiều tiền lắm nhỉ?” “Ừ.” Thầy Châu gật đầu, “Tích lũy nửa đời người của tôi đều ở cả đây!” Phương Mộc nhẩm tính, 800 m2 sân, lại thêm căn nhà hai tầng này đã là một số tiền lớn lắm rồi. Lại còn tiền ăn, tiền mặc, tiền ở và nhiều chi phí khác của ngần ấy con người thì dù cho tài sản hàng vạn tệ cũng chẳng còn bao nhiêu. “Tại sao thầy không tìm kiếm sự trợ giúp của xã hội?” “Hà, hà, có không ít người muốn đầu tư với tôi để trợ giúp lũ trẻ này.” Thầy Châu cười, “Nhưng tôi không đồng ý, vì ngoài mục đích tài trợ ra họ đều yêu cầu tôi hợp tác với họ làm một vụ tuyên truyền, tay bên này cầm tiền còn tay kia cầm máy quay phim.” “Nếu như...”, Phương Mộc cân nhắc tìm từ, “… Có thế giải quyết một phần khó khăn trước mắt sao lại không phối hợp với họ một lần?” “Không!” Thầy Châu hạ giọng nhưng ngữ khí rất kiên quyết, “Bọn họ muốn lũ trẻ phải bày tò sự cung kính trước ân huệ của người khác. Đúng là họ bỏ tiền nhưng tôi không muốn bọn trẻ của mình từ nhỏ đã có cảm giác thấp kém hơn người khác một bậc. Thầy Châu ngoảnh đầu sang Phương Mộc, “Cần phải biết cảnh ngộ của một con người thời niên thiếu có ảnh hưởng rất lớn trong suốt cuộc đời.” Ánh mắt của thầy Châu chuyển tới những ô cửa sổ nho nhỏ vẫn còn sáng đèn, “Bọn trẻ đã bị người ta vứt bỏ, cái mà tôi muốn là cố gắng hết sức giảm bớt những tác hại mà quá trình này mang lại. Hy vọng sau khi gia nhập vào xã hội, chúng có thể quên đi những gì đã gặp phải trong giai đoạn này.” Phương Mộc đã hiểu, thầy Châu sáng lập cô nhi viện này xem ra không chỉ là mang lại cuộc sống cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Mục đích của ông là muốn bọn trẻ gia nhập lại xã hội với một nhân cách hoàn chỉnh, kiện toàn. Điều này khiến cho Phương Mộc không thể không tràn đầy kính phục ông già dung mạo bình thường này. “Em…có thể làm chút gì cho thầy được không ạ?” “Hà, hà, hà…”, thầy Châu cười lớn, vỗ vỗ mấy cái vào vai Phương Mộc, “Cậu đã giúp tôi rất nhiều rồi!” “Em đã làm được gì đâu!” Phương Mộc vội nói, mặt đỏ lên. “Không! Cậu là người duy nhất giúp đỡ tôi mà không cần hồi đáp.” Thầy Châu nhìn ánh mắt chân thật của Phương Mộc nói: “Tôi đã mất đi lòng tin với nhiều người, còn cậu đã giúp tôi lấy lại nó.” Mặt Phương Mộc càng đỏ. Thực ra sự báo đáp của thầy Châu đã có từ nhiều năm trước. Đó là sinh mệnh một con người. Đem so sánh, sự giúp đỡ của mình quả là nhỏ bé. Phương Mộc nhìn căn nhà nhỏ hai tầng, nó đã hoàn toàn bị bóng tối bao phủ, từ trong các cửa sổ nhỏ lọt ra chút ánh sáng yếu ớt, phảng phất như những đôi mắt ấm áp pha chút tinh nghịch đang nhìn Phương Mộc và thầy Châu. Phương Mộc thấy động lòng, “Thưa thầy, em có một đề nghị.” “Ừ, cậu nói đi!” “Thầy hãy nghiên cứu đặt cho cô nhi viện này một cái tên.” “Đặt tên à? Vì sao? Tôi không có ý định quảng cáo nơi này.” “Không phải để quảng cáo, tuyên truyền!” Phương Mộc nghiêm túc nói, “Là vì những đứa trẻ ở đây. Nếu như gọi là cô nhi viện e rằng những đứa trẻ ở đây sẽ không thể quên chúng đã ra đi từ cô nhi viện.” “Có lý!” Thầy Châu rất phấn khởi, “Cậu nói tiếp đi!” “Những đứa trẻ này hoặc mồ côi, hoặc đã từng mất đi sự đùm bọc che chở, có đứa bị cha mẹ bỏ quên. Chúng nó nhất định sẽ mặc cảm về thân phận mình.” Phương Mộc dừng lại một lát, “Nếu sau này khi chúng trưởng thành mà vẫn nhớ đến những kỷ niệm đẹp đẽ trong thời gian sống ở đây, chúng ta phải đặt cho nó một cái tên để tạo cảm giác ấm cúng, thân thuộc.” Thầy Châu đứng vụt dậy, “Phương Mộc, không ngờ tấm lòng của cậu lại rộng lớn như vậy!” Ông chụm tay làm loa: “Tập hợp, tập hợp, mọi người lại đây nào!” Sau một lúc yên ắng, căn nhà nhỏ lại ồn ào náo nhiệt trở lại. Năm phút sau, bọn trẻ từ căn nhà kéo đến, chị Triệu và Liêu Á Phàm cũng chạy theo phía sau, vừa chạy vừa lau tay vào váy. Thầy Châu đứng bên cạnh bồn hoa, ra hiệu cho mọi người vây quanh. “Vừa nãy, ông đã bàn với chú Phương Mộc.” Ông lấy tay chỉ vào Phương Mộc. “Chúng ta cần phải đặt tên cho ngôi nhà của chúng ta, mọi người thấy thế nào?” Bọn trẻ phấn khởi ra mặt, tranh nhau nói. Chị Triệu cũng mỉm cười, xem ra cho dù thầy Châu muốn làm gì thì chị ấy đều nhiệt tình ủng hộ. “Thế mọi người nói thử xem, chúng ta sẽ đặt tên là gì?” Tất cả lập tức im lặng, đứa nào cũng chau đôi mày nhỏ tập trung suy nghĩ, ngay cả thằng bé thiểu năng trí tuệ cũng bắt chước những đứa khác làm bộ vắt óc suy nghĩ. Sau một hồi im lặng, nhiều cái tên dồn dập vang lên: “Trường tiểu học ái tâm!” “Cô nhi viện hy vọng!” “Viện phúc lợi ngày mai tươi sáng!” “Viện từ thiện ông Châu!” Bọn trẻ thảo luận, tranh cãi với nhau, đứa nào cũng cho rằng cái tên mình đặt là hay nhất. Thầy Châu cười ha hả nhìn tất cả mọi người, thỉnh thoảng cổ vũ những đứa trẻ mạnh bạo phát biểu, thỉnh thoảng lại trầm tư nhìn lên trời đêm. “Tôi thấy chẳng cần phải tranh luận nhiều thầy Châu ạ, cô nhi viện này do một tay thầy lập lên, thế thì lấy họ tên của thầy đặt tên cho nó là tốt nhất!” Chị Triệu phẩy tay, “Sẽ gọi tên là Viện phúc lợi Châu Quốc Thanh.” Bọn trẻ vỗ tay rào rào. “Không!” Ánh mắt của thầy Châu từ từ rời khỏi màn đêm. Một biểu hiện trịnh trọng mà ấm áp hiện lên trên khuôn mặt ông, khoé miệng vẫn ẩn chứa một nụ cười. “Thiên sứ Đường!” Ông nhẹ nhàng nói. Ngay lập tức mọi người có mặt đều lặng đi, như bị ba chữ kia mê hoặc. Hai tay chị Triệu dừng lại ngang trán giống như đang vỗ tay trên màn ảnh thì bị đứng hình. “Thiên sứ Đường...” Chị Triệu nói to, sắc mặt hơi đỏ lên, “Thiên sứ Đường…” Những giọng nói non nớt vang vọng lên từ mọi phía: “Thiên sứ Đường…” “Thiên sứ Đường…” Hình như mỗi người đều nhắc đi nhắc lại, suy ngẫm về ba chữ này, hưởng thụ khoái cảm khi ba chữ đó được phát ra qua khe hở giữa răng và làn môi, thưởng thức ý nghĩa sâu sắc chứa đựng bên trong nó. Một bé gái nhỏ giật giật gấu quần của thầy Châu: “Ông Châu, ý ông là tất cả chúng cháu đều là thiên sứ ạ?” Thầy Châu cúi xuống bế đứa bé lên. “Đúng thế!” Ông nhìn vào những cặp mắt đang chờ đợi: “Các con, mỗi đứa đều là một thiên sứ.” Phương Mộc bỗng cảm thấy trước mặt rất sáng, như nhìn thấy rất nhiều thiên sứ nhỏ bé, chúng đang vỗ những đôi cánh trắng tinh khiết, nghiêng đầu nhìn anh nở nụ cười trong trẻo nhất trên thế gian.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.