Cửu Ca

Chương 4: Chương 4: Tương Phu Nhân




Nguyên có chỉ này lễ có lan,

Nghĩ công tử này chưa dám nói.

Hoang không để ý này nhìn về nơi xa,

Nhìn nước chảy này lững lờ.

Con nai gì thực này đình trong?

Giao như thế nào này nước duệ?

Hướng về trì dư ngựa này giang cao,

Tịch tể này tây phệ.

Nghe giai nhân này triệu ta,

Đem đằng giá này cùng mất.

(Cửu ca – Tương phu nhân) [1]

Nàng đã từng nghĩ đến việc dùng cái chết để kháng lệnh, nhưng Sầm Dương đã ngăn nàng lại, nhẹ nhàng khuyên một câu: “Nếu con chết, Đại vương nhất định sẽ giận lây sang công tử.”

Vì không còn sự lựa chọn nào khác, nàng chấp nhận vì Bằng Y mà mặc áo cưới, bước vào cửa cung sâu như biển, quyết định dùng hạnh phúc nửa đời còn lại của mình đổi lấy bình an cho Bằng Y.

Phục Ba không tranh thủ tình cảm, cũng hiếm khi đi gặp Huyền Luyện, song Huyền Luyện lại đối xử rất tốt với nàng, cẩm y ngọc thực [2], ban thưởng vàng bạc châu báu không dứt, thánh ân mênh mông, ở hậu cung, ngoài Vương hậu ra, không một ai sánh bằng.

Vì thế, nàng có người ghen tị. Đám nữ nhân chốn hậu cung mỗi lần gặp nhau, nếu không phải là chửi rủa Phục Ba đủ kiểu thì cũng là rắp tâm hãm hại, công kích nàng quá mức trước mặt Vương hậu. Nhưng Vương hậu lại là một người ít nói, cũng không thích gây sóng gió, vì thế không thuật lại những lời của đám nữ nhân chốn hậu cung cho Huyền Luyện nghe nhưng lại đối xử lạnh nhạt với Phục Ba.

Hành động nói xấu sau lưng của bọn họ, Phục Ba không phải không biết mà là nàng không quan tâm, hờ hững đón nhận, coi như bọn họ đang diễn kịch. Từ trong ánh mắt ghen ghét của đám nữ nhân ấy, nàng hiểu được bản thân mình xinh đẹp bao nhiêu. Cười lạnh, đó là sự tôn trọng duy nhất nàng dành cho bọn họ.

Trước giờ, nàng hầu như không phản kích, thậm chí nhiều khi nàng còn hi vọng bọn họ thực hiện được âm mưu của mình, khiến nàng mất đi sự sủng ái của Huyền Luyện. Dù phải một mình trải qua quãng đời còn lại, nàng cũng thấy tốt hơn suốt ngày phải gần gũi với một nam nhân mình không yêu.

Tuy nhiên, Huyền Luyện đối với nàng vẫn trước sau như một, những thủ đoạn hãm hại Phục Ba của đám nữ nhân hậu cung dù kín kẽ đến đâu cũng luôn bị hắn dễ dàng tìm ra sơ hở.

“Em thấy, cho dù Đại Vương biết cô thật sự đã làm ra những chuyện như bọn họ nói thì người cũng sẽ bảo vệ cô.” Khê Tôn có vài phần cảm khái nói với Phục Ba: “Thật ra, Đại vương rất tốt với cô, sao cô không…”

Phục Ba lắc đầu, duỗi cổ tay đặt lên án, uể oải gối đầu lên cánh tay, nhắm đôi mắt vô thần lại.

Khê Tôn đi theo Phục Ba từ nhỏ nên cũng biết một ít y thuật, thấy sắc mặt nàng không tốt, vội vàng tới bắt mạch cho nàng, lập tức cả kinh hỏi: “Cô bị bệnh?”

Đúng là nàng bị bệnh, cơ thể gầy yếu, sắc mặt ảm đạm. Bệnh trạng vô cùng kỳ lạ, không ai có thể chẩn đoán ra nguyên nhân gây bệnh.

Hậu cung liền có lời đồn, nói nàng bị tà linh xâm nhập (bị ma quỷ ám), nếu giữ nàng lại trong cung sẽ làm tổn hại đến Vương thể.

Huyền Luyện không để ý tới lời đồn đó, vẫn tiếp tục tới gặp nàng. Cuối cùng cũng có ngày, nửa đêm Phục Ba đột nhiên giật mình tỉnh giấc, cử chỉ điên dại, còn làm Huyền Luyện bị thương.

Vương hậu sau khi nghe tin thì thở dài: “Đúng là bị ma quỷ ám vào người.” Liền thỉnh cầu Huyền Luyện, đưa Phục Ba đến biệt cung Bắc Uyển dưỡng bệnh.

Huyền Luyện thâm trầm lúc lâu không nói, cuối cùng ngẩng đầu, lạnh nhạt nói một câu: “Được, đưa nàng đến Bắc Uyển.”

Bắc Uyển nằm ở vùng ngoại ô phía bắc Minh thành, bị nhánh sông Minh Thủy ngăn cách với nội thành, vốn là hành cung tránh nắng của hoàng thất nhưng sau đó dần dần bị lãng quên. Chỉ có những nữ nhân bị thất sủng ở hậu cung đến ở, người hầu tỳ nữ vô cùng thưa thớt, giống hệt lãnh cung.

Phục Ba bình thản đi thuyền đến Bắc Uyển theo sự phân phó của Vương hậu, chỉ mang theo một thị nữ là Khê Tôn. Ngày Phục Ba đi, cung tỳ ra chào từ biệt nàng, đều lệ rơi đầy mặt; còn nàng thì ngược lại, vô cùng bình tĩnh, không hề có vẻ đau buồn.

Nàng lại sống những ngày buồn tẻ như trước, từ từ gầy yếu đi như trước, cũng ít khi nói chuyện với Khê Tôn, nhưng lại không quên mỗi ngày bảo Khê Tôn đi hái cho nàng vài loại hoa.

Ngày hôm đó, Khê Tôn hái cho nàng một bó Phượng Tiên [2], sau khi cắm vào bình liền đi ra ngoài.

Một lát sau, khi Khê Tôn đẩy cửa bước vào, bó hoa ấy đã bị Phục Ba dùng tay ngắt trụi. Nghe thấy có tiếng động, Phục Ba liền quay đầu lại, trên môi dính vài cánh hoa.

Phục Ba mặc y phục màu trắng đứng bên cửa sổ, sắc mặt tái nhợt, xung quanh mắt, môi và móng tay đều có những vệt đen thâm tím, riêng môi lại có màu Phượng Tiên đỏ thắm, như một vết son tuyệt mĩ lạc lõng trên người mỹ nhân vô sắc.

Thấy Khê Tôn đi vào, nàng ngẩn ngơ cười, nhẹ nhàng đưa lưỡi liếm cánh hoa vào trong miệng, chậm rãi nhai.

Khê Tôn im lặng đứng nhìn, thấy bó hoa Phượng Tiên trong tay nàng ngay cả lá cũng không còn, chắc là đã bị nàng ăn hết.

Bước nhanh qua cướp lấy bó hoa, Khê Tôn vội vàng hỏi: “Cô muốn làm gì?”

Phượng Tiên có tác dụng tán máu thông kinh (tan máu bầm, thông kinh mạch), kiến xương cốt trở nên mềm mại, dẻo dai, cũng có thể trị thương, nhưng nàng ăn sống như thế, cũng có một phần độc.

Khê Tôn hiểu ra, biết nguyên nhân phát bệnh của nàng là gì, nước mắt lưng tròng nói: “Cô ăn hoa sống để làm gì?”

Phục Ba chỉ cười cười, không trả lời câu hỏi của Khê Tôn.

Bỗng Khê Tôn khóc lóc thảm thiết, đồng thời ôm chặt lấy nàng, Phục Ba cũng ôm Khê Tôn, vỗ nhẹ vai cô, cười nói: “Nếu như ta bệnh chết, sẽ không liên luỵ đến chàng.”

Hôm sau, Phục Ba lại bảo Khê Tôn đi hái Phượng Tiên nhưng Khê Tôn không chịu: “Em đi hái cho cô ít hoa sen.” Nói xong liền ra ngoài.

Trời âm u, có mưa nhỏ, Khê Tôn khoác áo tơi thật dài, đội đấu lạp, chèo thuyền ra chỗ sâu nhất hái hoa sen.

Hồi lâu vẫn không thấy Khê Tôn về, Phục Ba tựa vào lan can nhìn xa xăm, nhưng lại thấy mười dặm Minh Thủy đang lúc gió mưa, Minh Thủy mênh mông mờ mịt, không một bóng người. Mà mưa, càng lúc càng lớn.

Hoàng hôn xuống, cuối cùng trong đám lá sen cũng xuất hiện một con thuyền lững lờ giữa dòng, trên thuyền chất đầy hoa sen, đội mưa chầm chậm đến gần.

Binh lính canh gác trên bờ thấy vậy liền chạy ra xem, thấy trên thuyền vẫn có một người mặc áo tơi, đội đấu lạp như trước, thì xoay người chạy vào mái hiên tránh mưa.

Người trên thuyền cầm bó hoa sen đi vào nơi ở của Phục Ba. Phục Ba vẫn đưa mắt nhìn mưa gió bên ngoài, thấy có người đi vào cũng không quay đầu, nhắc nhẹ một tiếng: “Không nên đi ra ngoài lúc trời mưa, cẩn thận kẻo nhiễm phong hàn.”

Người ấy đáp: “Vì nàng, lúc nào cũng đáng.”

Phục Ba vội vàng quay đầu. Người ấy đem hoa sen cắm vào bình, bỏ áo tơi và đấu lạp ra, rồi nhìn nàng mỉm cười.

Trong nháy mắt, buồn vui lẫn lộn khiến nàng nước mắt lưng tròng, thiên ngôn vạn ngữ ngưng đọng trong một tiếng khẽ gọi: “Công tử…”

Bằng Y chậm rãi tới gần, nhìn nàng thật sâu: “Nghe nói nàng bị bệnh?”

Phục Ba gật đầu, nhưng lại nói: “Không có gì đáng ngại, đã tốt lên rồi.”

Bằng Y nhẹ hỏi: “Khi nào thì tốt lên?”

Phục Ba mỉm cười, ngẩng đầu nhìn y: “Hiện tại.”

Bằng Y cũng cười, vẻ mặt thoáng một tia uất ức: “Tất cả là do ta đến trễ.”

“Như bây giờ cũng rất tốt mà.” Phục Ba duỗi tay ôm lấy eo y, nhẹ nhàng dựa sát vào người y, vô cùng tự nhiên tạo thành hành động thân mật trước nay chưa từng có: “Thiếp từng nghĩ rằng, cả đời này sẽ không bao giờ được gặp lại chàng nữa.”

Lần đầu tiên cảm nhận được nhiệt độ cơ thể Bằng Y, lần đầu tiên được y ôm ấp, cũng là lần đầu tiên đôi môi Bằng Y chạm vào da thịt nàng. Phục Ba nhắm mắt, ngửi thấy mùi đỗ nhược thơm mát.

Bằng Y rời đi trước khi trời sáng, vẫn mặc áo tơi, đội đấu lạp, ngồi thuyền. Lần này người chèo thuyền trở về là Khê Tôn, cô cũng mang về đầy thuyền hoa sen, giống như bình thường cắm hoa vào bình, vẻ mặt không có gì thay đổi.

Từ hôm đó, Phục Ba không bảo Khê Tôn đi hái hoa độc về ăn nữa, ăn uống sinh hoạt quay về bình thường, sắc mặt cũng dần dần tốt lên. Hai người ăn ý không nói đến việc đêm hôm đó Bằng Y đã đến thăm, thỉnh thoảng Phục Ba trầm tư nhìn nước chảy, thỉnh thoảng mỉm cười, Khê Tôn cũng thấy vui mừng, cũng không hỏi nàng chuyện gì.

Liên tiếp hơn mười ngày không nhắc tới Bằng Y công tử, cho đến một ngày, sau một lúc lâu ngồi trầm mặc, Phục Ba gọi Khê Tôn tới, đưa cho cô một cái tráp: “Đem những vị thuốc này tới cho công tử, lại mời chàng phối thêm mấy vị thuốc nữa, sắc xong thì mang tới đây trị bệnh cho ta.”

Khê Tôn mở ra tráp, thấy bên trong là bán hạ, hợp hoan, phụ tử, vương bất lưu hành, khó hiểu hỏi: “Cô muốn chữa bệnh gì? Làm thế nào để phối những thứ không liên quan này lại với nhau?”

Phục Ba không đáp, chỉ nói: “Em chỉ cần đưa cho công tử, mời chàng phối thêm thượng thông thoát mộc, viễn chí, bách hợp, cùng nhau sắc đến canh ba, dưới Thiên Đông Môn.”

Khê Tôn khó hiểu nhìn kỹ lại mấy vị thuốc lần nữa, thì thào lặp lại những gì mà Phục Ba đã nói, bỗng nhiên biến sắc: “Tiểu thư, cô…”

Phục Ba cười: “Tốt, em cũng có thể hiểu, chàng không có lý do gì để không hiểu.”

Khê Tôn lĩnh mệnh rời đi.

Ban đêm canh ba, Phục Ba lặng lẽ rời giường, một mình đi đến Thiên Đông Môn của Bắc Uyển. Cửa này nhỏ hẹp, ít người ra vào, thị vệ canh phòng chỉ có hai người, đã uống rượu có mê dược mà nàng thưởng cho, giờ phút này đều đã ngủ say như chết.

Đứng dưới cổng thành, bốn phía tĩnh lặng, ánh trăng như nước. Nghe gió đêm thổi lất phất bên tai phát ra những âm thanh tê tái, nơi xa phảng phất truyền tới tiếng trống đổi canh (thời xưa chia đêm ra thành 5 canh, mỗi canh khoảng 2 tiếng), vì đợi một người, nàng đưa mắt nhìn về phía chân trời.

Nhưng người chưa thấy tới, mà đêm đã khuya.

Đêm khuya, sương rơi trùng trùng, bất giác đã thấm ướt vạt áo.

Đợi đến lúc bình minh, cuối cùng cũng nghe thấy một tiếng xe ngựa, đưa mắt nhìn lại, thấy nơi rừng lau sậy phía chân trời, ẩn hiện trùng trùng điệp điệp cờ xí, xe ngựa của Hoàng thất, dọc theo đường lớn đi về hướng đông bắc.

Nhất định phải đợi người đến cho bằng được. Trời sáng hẳn, nàng vẫn không từ bỏ, đứng thẳng người, chờ y đến.

Cuối cùng cũng có người đến, nhưng không phải là y.

“Tiểu thư… “ Nước mắt Khê Tôn rơi lã chã: “Chúng ta quay về thôi, công tử sẽ không tới đâu.”

Nàng im lặng không đáp, giống như không nghe thấy.

“Công tử sẽ không tới.” Khê Tôn lặp lại, trong giọng nói có một ít tâm trạng phẫn hận: “Cô có nhìn thấy đoàn xe kia không? Hôm nay công tử lên đường đến Khởi quốc, chuẩn bị cưới công chúa Khởi quốc!”

Ánh mắt Phục Ba nhìn về phía đoàn xe ở chân trời, không giận không bi, chỉ chăm chú nhìn.

“Quản gia trong phủ công tử nói, trước kia công tử đi sứ Khởi quốc, quốc vương của Khởi quốc vô cùng ngưỡng mộ người, muốn gả con gái cho người. Vì lúc đó tuổi công chúa còn nhỏ nên chưa thể chính thức thành thân, nhưng mối hôn sự này đã được định đoạt. Năm ngoái, Khởi quốc cử người đến nhắc lại việc liên hôn, Đại vương mới đích thân tới núi U Hoàng đón công tử về kinh…”

Khê Tôn lau nước mắt, tiếp tục nói: “Công tử thấy em dâng những dược liệu này lên, nhìn thật lâu, sau đó liền đóng lại tráp, trả lại cho em, rồi nói: ‘Xin phu nhân thứ cho Bằng Y vô năng, không có cách nào phối được đơn thuốc này. Bằng Y đã cô phụ phu nhân.’, sau đó liền bảo quản gia đưa em về.”

Phục Ba vẫn im lặng như trước, đợi đoàn xe hoàn toàn biến mất nơi chân trời, mới nhẹ nhàng xoay người, cười với Khê Tôn: “Chúng ta quay về thôi.”

Không đợi Khê Tôn đáp lời, nàng đã dứt khoát quay đi, tà áo màu lam nhạt tung bay trong nắng sớm, mang theo một ý cười lạnh thấu xương, nhẹ giọng ngâm xướng một khúc ca: Đại xa hạm hạm, thuế y như thảm.

Khởi bất nhĩ tư? Úy tử bất cảm.

Đại xa trì trì, thuế y như ngọc.

Khởi bất nhĩ tư? Úy tử bất bôn…

Sau đó Phục Ba liền bệnh một trận, suốt ngày nằm lỳ trên giường, tinh thần hốt hoảng.

Đột nhiên có một ngày, nàng nói với Khê Tôn: “Tìm người báo cho Đại vương biết, ta đã mang thai.”

Khê Tôn tròn mắt: “Báo cho Đại vương biết?”

Phục Ba gật đầu, mỉm cười: “Tất nhiên, Đại vương là phụ thân của đứa bé, đương nhiên phải báo cho người biết rồi… Sao thế? Không chúc mừng ta à?”

Biết tin nàng có thai, Huyền Luyện nhanh chóng đón nàng hồi cung, cũng lệnh cho thái y dốc lòng chăm sóc. Phục Ba dùng y thuật để tự cứu mình, trước khi thái y bắt mạch, nàng lặng lẽ uống thuốc, cũng dùng nách kẹp vật lạ để thay đổi nhịp tim, thuận lợi khiến thái y bắt mạch kết luận thời gian nàng có thai là trước khi nàng rời cung đến Bắc Uyển. Mấy tháng sau, nàng lại dùng thuốc trợ sản, khiến thời gian sinh nở trùng khớp với thời gian mang thai, kín kẽ không chê vào đâu được. Cho nên, không một ai hoài nghi đứa bé do nàng sinh ra không phải là con của Huyền Luyện.

Đứa bé được Huyền Luyện đặt tên là Tử Thôn. Những đứa con trước đây của Huyền Luyện đều chết yểu, Tử Thôn là hoàng tử duy nhất của Xư vương Huyền Luyện.

Có lẽ vì thế mà Huyền Luyện càng đối xử tốt hơn nữa với Phục Ba, nàng nói thích phong cảnh ở Bắc Uyển, hắn liền hạ chỉ cho người sửa chữa, xây dựng lại Bắc Uyển thành cung điện của nàng. Sau khi Bắc Uyển xây xong, Huyền Luyện liền quyết định dùng nơi này để tổ chức sinh nhật một tuổi cho Tử Thôn, và cũng nhân dịp này, phong công tử Bằng Y làm Tân Dương Quân.

Trong thịnh yến ở Bắc Uyển, Phục Ba mới có dịp gặp lại Bằng Y sau gần hai năm xa cách, dung mạo của y vẫn như năm đó, chỉ là hiện nay bên cạnh y đã có thêm một người được xưng là phu nhân của y – công chúa Khởi quốc.

Vị công chúa này tuy khuôn mặt thanh tú nhưng thành thân đã hơn một năm mà dáng người nhìn qua vẫn giống hệt một tiểu cô nương. Nàng an tĩnh ngồi bên cạnh y, không nói nhiều, chỉ khi nào y nói chuyện với nàng, nàng mới lặng lẽ nâng mắt lên nhìn y, đôi mắt sáng trong, tràn đầy vui sướng.

Phục Ba lặng lẽ nhìn, nhớ đến năm đó chính mình cũng đã từng có dáng vẻ như vậy trước mặt y, mà nay hai người hai đường, quay đầu lại nhìn như đã cách xa cả một thế hệ.

Rượu quá ba tuần, đa số tân khách đều ngà ngà say xem ca múa liên miên, Bằng Y lặng yên không một tiếng động đứng dậy, lững thững đi dạo đến lương đình giữa hồ, hờ hững nhìn hoa sen dưới ánh trăng.

Phục Ba âm thầm chờ đợi, sau đó mượn cớ say rượu xin phép Huyền Luyện hồi cung nghỉ ngơi trước. Huyền Luyện đồng ý, nàng liền rời đi, dẫn theo Khê Tôn chầm chậm quay về, khi đến lương đình, nàng giả vờ như ngẫu nhiên gặp được Bằng Y, bước mấy bước vào trong.

Bằng Y quay đầu lại thì thấy nàng, lập tức khom người cung kính vái chào. Phục Ba để ý thấy lúc nàng đến gần, y nhẹ nhàng lùi về sau một bước.

Đáy lòng cười lạnh, nụ cười trên mặt vẫn ôn hòa mà thận trọng như đối với các thần tử khác, Phục Ba nói: “Khi Tân Dương Quân đại hôn, ta chưa hoàn toàn bình phục nên không thể tự mình đến chúc mừng ngài được, ngày khác ta nhất định sẽ chọn một phần lễ mọn mang đến, biểu lộ thành ý chúc mừng của ta.”

Bằng Y lại hơi khom người: “Hiếm khi được phu nhân quan tâm như thế, Bằng Y cùng Chuyết Kinh cảm ơn phu nhân.”

Phục Ba hơi xoay người lại ngắm trăng, nụ cười trên môi không đổi, nét mặt nhàn nhã đàm luận trăng thanh gió mát, nhưng trọng tâm câu chuyện lại đột nhiên thay đổi: “Nói cho ta biết nguyên nhân.”

Những lời này cũng được nói ra một cách tự nhiên bình thản. Nàng biết ở phía xa, ánh mắt của Huyền Luyện một khắc cũng chưa từng rời khỏi người nàng, nàng không thể có bất kỳ phản ứng nào khác thường đối với Bằng Y.

Bằng Y cũng điềm tĩnh như thường, theo ánh mắt nàng nhìn qua, sau đó buông mắt, cẩn thận duy trì khoảng cách với nàng, dùng tư thế quang minh chính đại nhất trả lời nàng: “Bằng Y không thể phụ Vương huynh, không thể từ bỏ hôn ước với Chuyết Kinh, cũng không thể khiến quốc gia mất thể diện.” Giọng nói to nhỏ được khống chế tài tình khiến chỉ một mình nàng có thể nghe thấy, còn những người khác sẽ không nghe thấy gì.

Sương mù dày đặc trong mắt nhưng nàng vẫn kiên trì mỉm cười, không hề có một tia cứng nhắc: “Cho nên, chàng liền phụ ta.”

Y vẫn buông mắt đứng nghiêm chỉnh, thuần túy theo lễ nghi cười yếu ớt: “Khắp thiên hạ, đều là đất của Vua. Vả lại, nếu Bằng Y rời khỏi Xư quốc, dẫn nàng theo, cũng vẫn sẽ làm liên lụy đến nàng, hại nàng, phụ nàng.”

“Không.” Nàng nhẹ nhàng bác bỏ lời nói của y: “Chàng bỏ ta cưới nàng, bởi vì nàng có thể cho chàng tương lai bình an thật sự.”

Bằng Y cũng không phủ nhận: “Nếu không có mối hôn ước này, ta e rằng trước đây ta cũng không có mệnh để gặp nàng.”

Khởi quốc cùng Xư quốc đều nằm phía nam Đại quốc, trải qua trăm năm phân tranh, đều có tư tưởng ngấp nghé lẫn nhau. Mấy năm gần đây, thực lực của Khởi quốc ngày một lớn mạnh, khí thế dần dần cường thịnh hơn cả Xư quốc.

Năm Bằng Y mười sáu tuổi, Khởi quốc có ý xuất binh tấn công Xư quốc, may mà Bằng Y đi sứ đàm phán thành công, mới hóa giải được một hồi nguy cơ. Khởi quốc muốn liên hôn với Xư quốc, tất nhiên là Xư quốc vui lòng nguyện ý, mà Khởi vương quyết định sẽ gả con gái cho Bằng Y. Có lẽ, đó cũng là nguyên nhân khiến Vương thái hậu năm đó và Huyền Luyện bây giờ khó hạ quyết tâm trừ khử Bằng Y.

Sống trong cung lâu, chẳng mấy chốc đã hiểu ra rất nhiều chuyện trước kia không hiểu. Phục Ba thở dài: “Làm gì có trước đây!” Xoay người rời đi, chỉ hận bản thân mình đã quá ngây thơ.

Ban đêm nàng đến chỗ Huyền Luyện, Huyền Luyện hỏi nàng và Bằng Y đã nói những gì. Nàng thờ ơ đáp: “Thiếp chúc mừng y, y cảm ơn thiếp, sau đó thuận miệng hàn huyên mấy câu về ánh trăng, khí trời. Y nói bây giờ mưa thuận gió hoà, bách tính an cư lạc nghiệp, là bởi vì Đại vương biết cách trị quốc.”

Huyền Luyện co quắp khóe môi: “Thật không?”

Phục Ba ra vẻ không vui, nhíu mày hỏi: “Đại vương nói vậy, là đang nghi ngờ thiếp và Tân Dương Quân có tư tình?”

Huyền Luyện đột nhiên cười ha ha. Rồi im lặng trong giây lát, nhìn chằm chằm Phục Ba, nghiêm túc nói: “Trước khi ta hạ chỉ triệu nàng vào cung, đã hỏi qua đệ ấy, có phải đệ ấy có tình ý với nàng không. Nếu có, thân là huynh trưởng, ta nhất định sẽ không tranh giành với đệ ấy. Đệ ấy nghe xong chỉ cười nhạt, nói rằng, đệ ấy và nàng có duyên gặp mặt vài lần cũng không bất kỳ quan hệ gì, nhưng thường nghe người khác khen nàng nhã nhặn lịch sự, cẩn thận hiền thục, nghi gia nghi thất.”

_________________

Chú thích:

[1] Đây là bài tế nữ thần sông Tương, là Nga Hoàng 娥皇 và Nữ Anh 女英, vốn đều là con của vua Nghiêu, được gả cho vua Thuấn. Sau vua Thuấn đi tuần phương Nam chết ở Thương Ngô. Nga Hoàng và Nữ Anh tìm đến khóc và nhảy xuống sông Tương tự tử. Khuất Nguyên viết hai bài trong “Cửu ca” để ca ngợi hai bà, Tương quân ca ngợi Nga Hoàng, Tương phu nhân ca ngợi Nữ Anh.

[2] Cẩm y ngọc thực: quần áo lụa là, sơn hào hải vị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.