Cửu Dung

Chương 1: Q.1 - Chương 1: Hoa đào theo nước cuốn




Năm ấy gả vào Thẩm gia, tôi vừa tròn mười lăm, độ tuổi trăng rằm mà người con gái xinh đẹp tha thướt nhất; còn vị hôn phu của tôi, Thẩm đại công tử Thẩm Hồng đã hai mươi tám.

Từ lâu tôi đã nghe Thẩm Hồng là người thông minh tài giỏi, nhưng từ sau cơn bạo bệnh bốn năm trước đến nay, ngày nào cũng bị thổ huyết. Dù đã cầu thầy sắc thuốc liên miên, bệnh vẫn không tiến triển, cứ thế kéo dài đến tận mùa thu năm nay thì bỗng trở nên nguy kịch, có khi cả tính mạng cũng không giữ được. Thế nên Cúc ma ma, nha hoàn bồi giá [1] của Thẩm lão phu nhân mới đứng ra hiến kế, chi bằng nạp thiếp cho Đại công tử, lấy việc hỷ làm may mắn, biết đâu bệnh tình Đại công tử nhờ đó lại qua khỏi.

[1] Nha hoàn nhà mẹ đẻ, khi xuất giá thì dẫn theo

Chính thất phu nhân của Thẩm hồng, Liễu Vũ Tương nghe xong khẽ nói: “Bệnh tình của tướng công đã nghiêm trọng như vậy, sao còn muốn liên lụy tới cả đời một cô gái vô tội chứ?” Mặt Cúc ma ma lúc đó trong giận lắm.

Phu nhân Sầm Khê Huyền của Tam công tử Thẩm Tề vốn giỏi đoán ý người khác, mới nói: “Cúc ma ma cũng là có ý tốt. Mệnh của một con bé tầm thường sao so được với mệnh của đại ca. Huống hồ, gả vào Thẩm gia vốn là chuyện bao nhiêu cô gái mơ ước kìa.

“Chí lý, chí lý, là người hiền lương thục đức, ai lại ngăn cản trượng phu nạp thiếp bao giờ.” Chuyện thêm dầu vào lửa, phu nhân Nhị công tử Thẩm Phúc – Mai Nhiên Phi xưa nay có chịu kém ai, nàng ta lên giọng, “Tuy tướng công nhà này yêu thương tôi hết mực, chẳng nghĩ tới chuyện nạp tiếp bao giờ, nhưng tôi vẫn khuyên chàng cưới thêm vài phu nhân nữa đấy, để Thẩm gia chúng ta được công cháu đầy đàn. Chao ôi, chẳng như con gái nhà ai kia xuất thân hèn kém, thật không hiểu chuyện, chỉ biết đố kỵ.”

Giọng nàng ta đầy ý mỉa mai, sắc mặt Liễu Vũ Tương thoắt tái nhợt. Ai ai cũng biết, trong ba vị phu nhân nhà họ Thẩm, phụ thân của Tam nương Sầm Khê Huyền là Cống thương [2] của triều đình, Nhị nương Mai Nhiên Phi cũng là thiên kim độc nhất Mai Mặc – Huyện lệnh Duy huyện, duy có Liễu Vũ Tương là con gái của một ngư phủ bên bờ sông Di. Năm đó Thẩm gia lập đàn cúng tế, Liễu Vũ Tương và phụ thân đến đưa cá, Thẩm Hồng vừa gặp nàng đã đem lòng thương mến, bất chấp tất cả mà theo đuổi không thôi. Để cưới nàng về làm chính thất, chàng không ngần ngại từ hôn với Đỗ Nhược Linh – con gái Phủ doãn Sơn Đông Đỗ Diên Sùng, lại còn phải khốn khổ đấu tranh với Thẩm lão phu nhân tới hơn hai năm trời.

[2] Người chuyên lo việc mua bán cho triều đình

Về sau, thấy không lay chuyển được ý định của con trai, Thẩm lão phu nhân đành miễn cưỡng chấp nhận hôn sự này. Hai năm đầu làm dâu Thẩm gia, cuộc sống của Liễu Vũ Tương vô cùng hạnh phúc. Tuy Sầm Khê Huyền và Mai Nhiên Phi không vừa mắt và chẳng xem nàng ra gì, nhưng Thẩm Hồng luôn hết mực yêu thương nàng, lại thêm Thẩm lão phu nhân dần nhận ra nàng là người con gái hiền lương nền nã, cùng thay đổi thái độ với nàng. Bởi vậy, trên dưới Thẩm gia chẳng ai dám bất kính với vị Đại thiếu phu nhân này.

Thế nhưng từ sau khi Thẩm Hồng đổ bệnh thì thiên hạ lại rộ lên biết bao lời đồn. Có người nói nàng mệnh phạm Thiên Sát cô tinh, người khác lại bảo nàng mê hoặc trượng phu chím đắm vào chuyện khuê phòng, thậm chí còn có người đồn đại kiếp trước nàng có thù oán với Thẩm gia, kiếp này tới báo thù đoạt mạng. Những lời đồn đãi này mãi không lắng xuống, lại được kể có đầu có đuôi rất rành mạch khiến ai cũng phải tin. Tuy Thẩm lão phu nhân không phải người dễ dàng bị dao động nhưng lâu ngày cũng trở nên lạnh nhạt với nàng, Liễu Vũ Tương bởi vậy mà thất sủng. Như giậu đổ bìm leo, dần dà không cỉ có Sầm Khê Huyền và Mai Nhiên Phi mà cả bọn hạ nhân trong phủ cũng không xem vị thiếu phu nhân này ra gì cả.

Thẩm lão phu nhân nghe mọi người nói xong mới bảo, “Cúc ma ma, chuyện này giao lại cho bà”, sau đó nhẹ giọng, “Ta mệt rồi, các con lui xuống hết đi”, rồi nhắm mắt lại dưỡng thần. Các vị thiếu phu nhân lặng lẽ lui ra. Ở Duy huyện mọi người đều biết, gia giáo nhà họ Thẩm nghiêm khắc có tiếng, lời Thẩm lão phu nhân được xem như là thánh chỉ. Thẩm lão phu nhân mười sáu tuổi gả vào Thẩm gia, năm ba mươi sáu tuổi đã góa chồng, từ đó về sau một mình bà chèo chống toàn bộ gia nghiệp. Thế nhưng gia nghiệp nhà họ Thẩm không những không hề lụi bại mà trái lại ngày càng thịnh vượng. Trong đó, công của Thẩm lão phu nhân không thể không kể đến, toàn bộ Thẩm gia đều thuân theo lời bà răm rắp.

Thẩm gia nức tiếng bởi nghề làm rượu, hơn phân nữa lượng rượu Thẩm gia ủ ra được vận chuyển đến kinh thành, tiến cống để Hoàng đế và hoàng thân quốc thích, vương công đại thần dùng, non nửa còn lại mới đem bán cho các nơi trong nước. Đại công tử Thẩm Hồng của Thẩm gia là con thủ cất rượu, dưới sự quản lý của chàng, nghiệp rượu nhà họ Thẩm cũng đạt được chút thành tựu. Thẩm lão phu nhân đang định giao hết gia nghiệp lại cho chàng, nhưng rồi chàng mắc phải trọng bệnh, không sao khỏi được. Thẩm gia còn hai vị công tử là Thẩm Phúc và Thẩm Tề. Nhưng một người là ưa rỗi hảo nhàn, không thích làm việc, người kia tuy khôn khéo giỏi giang nhưng lắm mưu nhiều kế, lại di tiểu thiếp sinh ra. Cả hai đều không khiến Thẩm lão phu nhân vừa lòng.

Những việc này đều là sau khi vào cửa Thẩm gia tôi mới biết.

Tuy nói Thẩm gia nhà cao cửa rộng, gả vào đây sẽ được hưởng vô vàng vinh hoa phú quý, thế nhưng Thẩm Hồng bênh ròng rã bốn năm, giờ đã gần đất xa trời, làm thiếp nhà họ Thẩm có khác gì quả phụ héo hon. Mà tấm lòng phụ mẫu trong thiên hạ, ai nỡ đẩy con mình vào chỗ chết như vậy cho đành lòng.

Cúc ma ma lo liệu chuyện nạp thiếp của Thẩm Hồng đã mấy ngày trời nhưng vẫn chưa chọn được ai. Vừa lúc có một pháp sư vân du đến, nói với Thẩm lão phu nhân, nếu trong vòng ba ngày Thẩm đại công tử còn không nạp thiếp, tà ma sẽ ám lên người, chắc chắn không qua khỏi được. Còn nếu có thể nạp thiếp xung hỷ, nói không chừng sẽ xua được tà ma, bệnh nhờ đó mà khỏi hẳn. Thẩm lão phu nhân nghe vậy vô cùng sốt ruộc, lập tức dán cáo thị toàn thành, nữ nhi nhà ai đồng ý gả cho Thẩm đại công tử làm thiếp, sẽ thưởng phụ mẫu năm trăm lượng bạc.

Chuyện bán con gái này, bậc cha mẹ bình thường hẳn không bao giờ làm được, nhưng cha tôi lại không giống họ.

Chập tối hôm đó, cha bị một đám người áp giải về tận gian nhà tranh của chúng tôi. Tôi nhận ra kẻ đang giữ cha kia chính là bọn cho vay nặng lãi, một kẻ xấu xí, mắt bên lớn bên nhỏ là Quý Lợi Vinh; kẻ kia mắt tam giác mũi chim ưng, vẻ mặt hung tàn là Thương Dăng Tô. Cả hai đều không phải lần đầu tiên tới nhà tôi. Mỗi lần cha đánh bạc thua tiền đều vay bọn chúng, sau đó chúng sẽ tới nhà tôi cướp hết mọi thứ có thể bán được. Thế nhưng lần này không giống với trước đây.

Lần này chúng hung hăn hơn những lần trước nhiều. Cha tôi không chỉ mặt mũi bầm giập, chân còn đi khập khà khập khiễng trông vô cùng thảm thương.

Vừa nhìn thấy tôi, cha liền quỳ sụp xuống đất òa khóc: “Con ơi, con ơi, lần này cha chết chắc rồi, cha về gặp con lần cuối, sau này con phải tự chăm sóc lấy mình, tìm người tốt mà gả cho nghe con, cha không ở cùng con được nữa rồi…”.

Tôi cứ nhổ cỏ trong vườn, vờ như không nghe thấy gì. Năm nay mưa thuận gió hòa, rau dưa tươi tốt căng mọng, không bao lâu nữa có thể thu hoạch được rồi. Tôi ngẩng lên lấy tay quệt mồ hôi, phía chân trời, đàn nhạn cõng trên mình ráng chiều rực rỡ đang dần xa khuất. Hai năm nữa Hình Phong ca ca sẽ từ biên cương trở về.

Cha vẫn đang khóc lóc ầm ĩ không thôi. Tôi nghe đến là phiền, không nhịn được bèn nói: “Cha, con gái biết rồi, nhất định con gái sẽ tự chăm sóc tốt bản thân, cha cứ an tâm đi đi.”

Cha nghe vậy tức đến nỗi mặt tái nhợt, nhưng không lôi tôi ra mắng một trận nên thân như mọi khi mà chỉ run rẩy gật đầu, nước mắt nhòe nhoẹt hồi lâu.

Quý Lợi Vinh hét lên: “Lão già chết giẫm kia, con gái ông cũng chẳng thèm quan tâm ông nữa, ông cũng nhìn được mặt con lần cuối rồi, giờ tới lượt chúng ta xử lý.” Vừa nói, gã vừa rút ra một con dao lấp lóe, huơ huơ lên khiến lòng người hốt hoảng.

Thương Dăng Tô đè tay cha xuống, Quý Lợi Vinh nhàn nhãn hỏi: “Ta nên chặt tay trái hay tay phải lão trước đây? Cửu Dung cô nương, cô nói thử xem ta nên chặt tay nào của cha cô trước thì hơn?”.

Tôi vừa gom gọn đám cỏ mới nhổ lại định đem cho thỏ ăn vừa thản nhiên trả lời: “Tùy ngươi thôi, chặt bên nào trước chẳng phải đều giống nhau sao?”.

Thương Dăng Tô liếc nhìn tôi, hung hăng nói: “Tính con bé này đúng là trời sinh bạc bẽo lạnh lùng. Đã vậy, A Vinh ngươi còn không mau chặt đi.” Thương Dăng Tô còn chưa dứt lời, con dao của Quý Lợi Vinh đã hướng xuống tay cha mà chém một nhát thật mạnh. Tiếp đến tôi nghe thấy tiếng gào khóc kinh thiên động địa. Tôi len lén liếc tới, mái tóc bạc của cha phất phơ theo chiều gió, rối rắm bù xù, chợt thấy lòng đau như cắt dùi sắc khoan vào.

Cha tuy đánh bạc thành thói, từng năm lần bảy lượt muốn đem tôi bán vào kỹ viện lấy bạc gỡ vốn; nhưng dù sao đi nữa đó vẫn là cha ruột của tôi. Mẹ tôi năm ấy chết vì khó sinh, nếu không có cha làm sao có được Lãnh Cửu Dung ngày hôm nay?

Tiếng kêu khóc của cha cuối cùng cũng khiến tôi rung động. Tôi thở dài một tiếng, nhẹ nhàng nói: “Buông cha tôi ra, ông thiếu bạc của các ngươi, tôi sẽ thay ông trả.”

Cha tôi lần này lại không chịu lép vế, gào lên: “Con ơi, cha thà chết cũng không bán con vào kỹ viện đau, cha tự làm tự chịu, cứ để mặc cha chết quách đi.”

Quý Lợi Vinh nhép miệng cười, “Lãnh lão đầu, Cửu Dung cô nương, ta thật ra có một ý rất hay, không nhất định phải bán Cửu Dung cô nương vào kỹ viện mà ông vẫn trả hết được nợ nần.”

“Quý Lợi Vinh, ngươi đừng có gạt người, trên đời này làm gì có chuyện tốt như vậy.” Mồ hôi trên đầu cha chảy ròng ròng, giọng nói lạc đi đôi chút.

Tôi trước sau vẫn không dám liếc nhìn cánh tay ông, sợ sau khi thấy rồi lòng sẽ bị chìm ngập trong sắc đỏ.

Quý Lợi Vinh nói: “Thẩm gia dán cáo thị muốn nạp thiếp cho Thẩm đại công tử. Nếu Cửu Dung cô nương theo Thẩm đại công tử, sau này sẽ vĩnh viễn được hưởng vinh hoa phú quý, Lãnh lão đầu còn được năm trăm lượng bạc trả nợ, đó chẳng phải nhất cữ lưỡng tiện sao?”.

Cha len lén nhìn tôi không dám lên tiếng. Ai cũng biết Thẩm Hồng là một con bệnh lao, gả cho người này chẳng khác gì làm góa phụ. Tôi cũng biết thế. Nhưng rốt cuộc tôi cũng không thể ngồi nhìn cha bị người ta chặt mất hai tay, không có tiền chạy chữa, mất máu mà chết.

Tôi khẽ gật đầu, coi như đồng ý. Đàn nhạn phương xa đã bay khuất nèo, chỉ để lại vầng may tịch liêu nhìn ánh chiều tà cô độc buông mình xuống trời tây. Hoàng hôn Thương Sơn thê lương đến khó tả thành lời.

Hình Phong ca, muội đã sớm đoán được thế nào cũng có ngày này, chỉ không ngờ lại đến sớm như vậy. Ai bảo muội xinh ra trong gia đình như thế. Xưa nay nước cuốn đào trôi, đó là số mệnh của muội rồi.

Tạm biệt, Hình Phong ca của muội. Không hẹn ngày gặp lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.