Đại chưởng quầy Phạm Văn Thư của cửa hàng bút mực của Đậu Chiêu dự cảm đã đến lúc mình đổi vận rồi.
Lúc trước ông ta làm nhị chưởng quầy Tích Phân các, có ai không khen ông ta tiền đồ rộng mở. Ai ngờ sét đánh trời quang, Đậu gia tam lão gia lại sai hắn giúp Đậu gia tứ tiểu thư để ý một cửa hàng bút mực nho nhỏ.
Người biết là Đậu gia tam lão gia coi trọng ông, ai mà không nói một tiếng “Chúc mừng” mà cũng cảm thấy đáng tiếc thay cho ông. Người không biết còn tưởng rằng ông làm sai chuyện gì nên nhìn thấy ông đều tỏ vẻ vui sướng khi thấy người gặp họa, hoặc muốn nói lại thôi, khiến ông buồn bực mất mấy năm.
Nhưng giờ Đậu gia tứ tiểu thư gả cho Thế tử phủ Anh Quốc công, thắt lưng của ông hoàn toàn ưỡn thẳng lên.
Đó là phủ Anh Quốc công cơ mà!
Nhà trâm anh thế phiệt được thánh sủng trăm năm qua!
Điều ông để ý là sản nghiệp của Thế tử phu nhân phủ Anh Quốc công.
Nếu ông làm cho tốt, đợi cho Đậu gia tứ tiểu thư sinh trưởng tử, chưa biết chừng ông có thể trở thành quản gia phủ Anh Quốc công đó!
Nghĩ vậy, lòng Phạm Văn Thư nóng lên, càng ra sức với những việc của cửa hàng, mấy hôm nay thậm chí còn tính toán xem có nên góp ý với Đậu Chiêu, nghĩ cách để cửa hàng bên cạnh chuyển đi, ngoài buôn bán giấy mực thì còn bán thêm những thứ văn phòng tứ bảo tinh xảo khác, thậm chí dùng đủ loại kiểu dáng mà đựng, làm hộp đựng quà cho người ta mua để đi tặng lễ vật.
Cho nên khi ông ta đột nhiên nghe nói xe ngựa của Trần Khúc Thủy đang ở ngoài cửa hàng thì hoảng hốt, vội ra ngoài đón.
Ông không nhìn thấy Thôi Thập Tam và Điền Phú Quý.
Phạm Văn Thư không khỏi lầm bầm trong lòng mấy câu.
Dù sao cũng sống chung dưới mái hiên, Thôi Thập Tam và Điền Phú Quý đang làm ăn cái gì, là ai bày mưu tính kế, tuy ông chưa từng nói gì với người khác nhưng lòng lại hiểu rất rõ. Cái này cũng đâu phải chuyện làm ăn gì, ông ta chẳng cho là đúng, chỉ coi như không hay biết gì, trong lòng cũng thầm hiểu, Thôi Thập Tam và Điền Phú Quý mới là tâm phúc của Đậu Chiêu. Nhưng ông ta cũng không muốn vì thế mà bị gạt qua một bên, cho nên vẫn luôn rất ân cần với Trần Khúc Thủy.
Mấy ngày bôn ba giữa kinh thành và Chân Định, Trần Khúc Thủy đã luống tuổi cũng rất mỏi mệt, ông để Phạm Văn Thư đỡ vào phòng: “Chuyện trong nhà đều thu xếp ổn thỏa rồi, nhưng còn có một số chuyện tứ tiểu thư quyết định, tôi sợ bọn họ truyền lời không rõ ràng nên vẫn là quyết định tự mình đến một chuyến.”
Chỉ sợ sự tình không đơn giản như vậy đâu?
Phạm Văn Thư thấy nao nao.
Nhưng ông đã lập chí làm chưởng quầy đủ tư cách, sớm đã quyết định không cùng Thôi Thập Tam thông đồng làm bậy, cười nói mấy câu “Khiến ông vất vả rồi”. Những chuyện khác hoàn toàn không nhắc tới, thu xếp cho Trần Khúc Thủy xong xuôi thì trở về căn phòng thu chi nho nhỏ của mình.
Trần Khúc Thủy rửa mặt chải đầu một hồi, dựa vào thành giường bên cửa sổ đọc sách, chờ Nghiêm Triều Khanh, đọc thêm một hồi, cảm giác mệt mỏi kéo đến, mơ màng thiếp đi, mãi đến khi thư đồng gọi: “Trần tiên sinh, Trần tiên sinh, Nghiêm tiên sinh đến!” Lúc này ông mới giật mình tỉnh lại.
Căn phòng tối như mực.
Ông vội hỏi: “Giờ là lúc nào rồi?”
Gia đinh đáp: “Chính Dậu vừa qua được hai khắc.”
Trần Khúc Thủy “À” một tiếng, thở dài, đứng dậy sửa sang lại vạt áo.
Đúng là già rồi, chỉ một chốc đã ngủ thiếp đi, xem ra chỉ sợ ông phải ở kinh thành dưỡng già rồi.
Nhưng mà có Đậu Chiêu, có một đám bằng hữu cũ, đây cũng là chuyện tốt mà. Chưa biết chừng còn được trông thấy con Đậu Chiêu sinh ra nữa.
Ông cười bước ra khỏi phòng.
Nghiêm Triều Khanh đến một mình, mặc áo choàng màu xanh vải mịn, đội khăn đen, thoạt nhìn giống như là một tiên sinh cho nhà giàu, vô cùng mộc mạc, bộ dáng không muốn mọi người chú ý.
Trần Khúc Thủy lại thấy tim thót lại.
Càng như vậy càng chứng tỏ chuyện mà Nghiêm Triều Khanh muốn nói rất nghiêm trọng.
Ông lẳng lặng cười chào hỏi Nghiêm Triều Khanh, cùng Nghiêm Triều Khanh đến thư phòng, phân chủ khách ngồi xuống, đợi gia đinh mang trà bánh lên rồi dặn dò hắn ở ngoài canh chừng: “Đừng để người khác quấy rầy ta và Nghiêm tiên sinh trò chuyện.” Lúc này mới nhấp một ngụm trà rồi nói: “Ông vội vã gọi tôi đến rốt cuộc là có chuyện gì?”
Nghiêm Triều Khanh cảnh giác nhìn trái nhìn phải, cẩn thận nghe ngóng, không phát hiện ra có gì khác thường, thoáng do dự rồi nghiêng người nói thầm hai câu vào tai Trần Khúc Thủy.
Trần Khúc Thủy như hít phải ngụm khí lạnh, mắt trợn như chuông đồng, vội la lên: “Việc này là thật sao?”
“Chẳng lẽ tôi còn lừa ông sao?” Nghiêm Triều Khanh nói xong, cười khổ: “Nếu ông không tin thì hỏi thăm tỷ muội họ Biệt theo hầu phu nhân là biết.”
“Sao có thể như vậy được?” Trần Khúc Thủy xoa xoa tay, hỏi Nghiêm Triều Khanh: “Vậy khăn lụa lúc buổi sáng hôm sau là sao?”
Nghiêm Triều Khanh quẫn bách nói: “Là Thế tử dặn tôi làm.”
“Sao ông lại hồ đồ như vậy!” Trần Khúc Thủy không khỏi đứng phắt dậy. “Chuyện này có thể gian lận được sao? Giờ ông đã biết lợi hại chưa? Đêm tân hôn nếu có thể cầm sắt hợp minh, về sau ai có thể chất vấn chuyện giữa bọn họ?” Ông vội đến độ đi đi lại lại trong phòng.
Nếu một năm, hai năm qua đi mà Đậu Chiêu không thể sinh con, chẳng phải sẽ bị người ngoài chỉ trỏ?
Giờ quan trọng nhất là phải biết đây rốt cuộc là ý của Đậu Chiêu hay là Tống Mặc?
Nếu là ý của Đậu Chiêu thì cũng thôi nhưng nếu là ý của Tống Mặc… Mắt Trần Khúc Thủy lóe ra tia sắc lạnh.
Sao Nghiêm Triều Khanh lại không hiểu.
Nhưng lúc này ông lại cảm thấy mình còn oan hơn Đậu Nga.
“Thế tử gia cứ dăm ba ngày lại đến Chân Định thăm phu nhân.” Ông lẩm bẩm, “Lúc chưa thành thân cũng từng lén đến ngõ Hòe Thụ gặp phu nhân. Lúc Thế tử dặn tôi, tôi còn tưởng Thế tử gia và phu nhân… người toát mồ hôi lạnh, sao còn kịp nghĩ gì. Sau này hai người cũng chẳng có động tĩnh gì, tôi còn tưởng phu nhân có thai, suy nghĩ tìm cớ gì để cho qua đi… Lúc này mới tính ngày thì thấy không đúng, mà việc ăn uống của phu nhân cũng chẳng có gì khác lạ… Nếu lúc trước đã muốn ở bên nhau, giờ thành thân rồi lại như vậy, lúc này tôi mới thấy lạ, đành phải mời ông đến đây bàn bạc chuyện này.”
Trần Khúc Thủy giận tím mặt: “Thế tử nhà các người không ra làm sao cả! Đêm hôm khuya khoắt trèo tường, ông còn dám nhắc đến tiểu thư nhà tôi nữa! Thế tử nhà các ông chưa có thông phòng, chưa biết chừng là hắn không làm được gì nên mới nghĩ đến chuyện xấu hổ kia, khiến giờ tiểu thư nhà ta chẳng biết làm sao…”
Nghiêm Triều Khanh xanh mặt: “Ông nói lời này là có í gì? Thế tử nhà chúng tôi sinh long hoạt hổ, trước đó mấy ngày còn mời Long Hổ Sơn đạo trưởng đến xem mạch, chẳng những nội thương đã ổn mà công phu nội gia cũng có tiến bộ, còn nói đùa rằng lúc trước Định Quốc công cho Thế tử gia học nội công là để Thế tử giúp Tống gia có thêm con nối dõi… Ông đừng có ngồi đây nói hươu nói vượn, làm hỏng thanh danh của Thế tử gia! Biết đâu chuyện này là do tiểu thư nhà ông? Tôi vẫn còn đang buồn bực đây, tiểu thư nhà các ông thông minh tháo vát, thủ hạ ai nấy văn thao võ lược, loại người như Vương thị kia sao có thể làm ra chuyện tỷ muội gả thay…”
Còn không phải là bị bắt ép!
Nếu không phải vì Thế tử nhà ông, chúng tôi đã về Chân Định từ lâu rồi!
Sống tiêu dao khoái hoạt, cần gì phải lao tâm khổ tứ vì mấy chuyện rách nát của phủ Anh Quốc công kia chứ!
Những lời này đến bên miệng lại bị Trần Khúc Thủy nuốt xuống – chỉ trích nhau như vậy có khác nào đám đàn bà chợ búa.
Nghiêm Triều Khanh còn chưa nói hết câu thì đã ý thức được mình lỡ lời.
Ông vội im bặt.
Nhất thời, thư phòng vô cùng yên ắng.
“Vậy giờ nên làm gì đây?” Hồi lâu sau, Trần Khúc Thủy và Nghiêm Triều Khanh lại không hẹn mà cùng hỏi nhau.
Nghiêm Triều Khanh nói: “Tôi muốn mời Trần tiên sinh đến hỏi Thế tử – dù sao ông cũng là người của phu nhân, chuyện này ông nói vẫn hơn!” Có một câu ông không nói gì, đó là Thế tử dù có không vui thì vẫn sẽ nể mặt phu nhân, mất hứng rồi cũng thôi, lực sát thương sẽ nhỏ hơn.
Trần Khúc Thủy lại không muốn làm. Nghĩ thầm, nếu chuyện này thực sự là ý của tiểu thư thì chẳng phải ta đang giúp Trụ làm ác sao? Nhưng trước mặt Nghiêm Triều Khanh, bất luận thế nào cũng không để lộ ra chút gì.
“Hai người đều còn trẻ, lại không có trưởng bối đứng đắn chỉ điểm, có một số việc chúng ta phải tha thứ một chút mới được.” Ông từ tốn nói, “Nhưng Thế tử gia là người có chủ kiến, khi nào thì đi gặp Thế tử, gặp Thế tử rồi thì nói gì lại cần bàn bạc kỹ hơn. Cũng không thể để ta cứ thể chạy đến trước mặt Thế tử được phải không? Chuyện này sao ta biết được? Nói chuyện này với Thế tử rồi, phu nhân có biết không? Thế tử kín đáo như vậy, chỉ sợ điều đầu tiên người lo lắng sẽ là chuyện này, chúng ta vẫn nên thận trọng một chút thì hơn…”
Ý ông là muốn gặp phu nhân trước rồi tính?
Có thể thấy suy đoán của mình về chuyện tráo đổi tỷ muội không phải là không có lý.
Bất luận thế nào cũng phải nghĩ cách cho Đậu gia tứ tiểu thư và Thế tử viên phòng, sinh con mới được.
Giữa vợ chồng, chỉ có có con thì mới có thể sống an ổn.
“Sao có thể không thương lượng với Trần tiên sinh chứ?” Nghiêm Triều Khanh cười nói, “Là tôi quan tâm quá nên bị loạn, việc này cũng chưa từng nghĩ đến. Khó trách người ta nói ba ông thợ giày còn hơn một Gia Cát Lượng…”
Không phải là ông không nghĩ mà là ông muốn mượn danh nghĩa tiểu thư nhà tôi để hành sự!
Trần Khúc Thủy và Nghiêm Triều Khanh đều cười ha hả nhưng mỗi người lại có một suy nghĩ riêng.
Mà Đậu Chiêu và Tống Mặc được hai người nhắc đến, lúc này lại đang ngồi bên giường thương lượng chuyện mở tiệc chiêu đãi ngày mai.
“… Không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất. Ta thấy thưởng cúc yến này tổ chức ở Di Chí đường là tốt nhất.” Đậu Chiêu nói, “Tránh để công công kiến thức hạn hẹp, nghĩ không có hoa viên phủ Anh Quốc công thì chẳng làm được trò trống gì.” Nói xong ánh mắt có mấy phần ngạo nghễ. “Chúng ta nhân cơ hội này gây dựng tiếng tăm cho Di Chí Đường đi thôi!”
Bị hành động coi thường Đậu Chiêu của phụ thân chọc giận, Tống Mặc khó khăn lắm mới áp chết được sự phẫn nộ trong lòng, nghe vậy bật cười nói: “Nàng có chủ ý gì?”
Đậu Chiêu cười nói: “Hay là chúng ta khắc con dấu riêng của Di Chí đường đi, về sau phàm là chuyện gì chúng ta ra mặt mời thân bằng cố hữu đến nhà làm khách, trong thiệp mời dùng con dấu của Di Chí đường, phân chia với phủ Anh Quốc công đi. Đương nhiên, tiệc chiêu đãi của chúng ta cũng phải có nét đặc sắc, làm cho người đã đến không thể nào quên mới được.” Cái này trên thực tế là một ý tưởng trong kiếp trước của nàng, chỉ là vẫn chưa thể như nguyện, nay nhắc lại, càng nói nàng càng hưng phấn. “Tỷ như, trong vườn hoa của chúng ta trồng củ cải đường và dưa chuột, lúc tặng cho thân bằng cố hữu, ngoài giỏ trúc đính giấy hoa tiên có dấu của Di Chí đường. Hoặc là, trồng được thập bát học sĩ tiến cho Thái hậu nương nương và hoàng hậu nương nương, trên chậu hoa có con dấu của Di Chí đường… Nói tóm lại, phải để người ta nhắc tới Di Chí đường là nghĩ tới những thứ tốt mà nhà khác không có, mà nhà khác có có thì cũng không thể tinh xảo, tao nhã được bằng Di Chí đường…”