Mẹ con Vương thị muốn hủy hoại thanh danh Đậu Chiêu trước mặt các quý phu nhân ở chùa Đại Tướng Quốc.
Từ lâu, Tống Mặc đã nghi rằng Đậu Chiêu và Vương thị bất hòa, bằng không bất kể có lý do gì, Đậu Thế Anh sẽ không để đứa con gái lớn đã mất mẹ về ở nhà cũ còn mình lại đưa vợ kế và con gái vợ kế đến kinh thành định cư, chỉ là không ngờ quan hệ giữa hai người họ lại xấu đến nỗi bất chấp danh dự Đậu gia.
Hơn nữa, thái độ của Ngụy Đình Trân càng khiến hắn thấy kỳ lạ. Đậu Chiêu là em dâu tương lai, nàng ta lại có tính bao che, ở trước mặt nhiều người thế mà không chỉ không nói hộ Đậu Chiêu lại còn do dự chần chừ khi Vương thị muốn kéo nàng ta xuống nước cùng. Việc này rất bất thường.
Hắn lại liên tưởng đến chuyện xảy ra ở chùa Thiên Phật.
Hắn đã cho người đi thăm dò chuyện liên hôn giữa Đậu gia và Ngụy gia, phát hiện ra là tuy Đậu Chiêu và Ngụy Đình Du đã đính hôn từ nhỏ nhưng các dịp lễ Tết hai nhà chẳng mấy qua lại với nhau. Mãi đến khi Hà Văn Đạo cầu hôn Đậu Chiêu cho con trai, mối hôn sự này mới được nhắc lại. Cứ thế, lão Tế Ninh hầu mất xong, Ngụy gia còn từng đề nghị trong vòng trăm ngày Đậu Chiêu phải gả qua đó, thái độ rất coi thường và không coi ai ra gì.
Hoặc là, Đậu gia nói đến việc liên hôn của hai nhà chỉ vì muốn từ chối lời cầu hôn của Hà gia một cách khéo léo, mà Ngụy gia sở dĩ đồng ý mối hôn sự này là bởi đã hẹn ước với Đậu gia từ nhiều năm trước, bất đắc dĩ rơi vào tình thế bức bách…
Qua đó, vì sao Kỷ Vịnh không thích Ngụy Đình Du, vì sao Ngụy Đình Trân để mặc Đậu Chiêu chịu nhục, vì sao Trương Nguyên Minh biết chuyện ở ngõ Thiên Tự xong liền cấp tốc đưa Ngụy Đình Du đến tìm hắn… đều có thể lý giải.
Mẹ con Vương thị tâm tư độc địa, Ngụy Đình Trân dụng tâm hiểm ác, đến mức giờ người người ở kinh thành đều đồn đãi rằng, Tứ tiểu thư Đậu gia người sắp gả vào phủ Tế Ninh hầu tính cách ngang ngược, hung dữ, không chút độ lượng hiền lành, chưa xuất giá đã tranh chấp với mẹ kế…
Tống Mặc thấy thật đau đầu. Trừ phi Đậu Chiêu toàn tâm toàn ý muốn gả đến phủ Tế Ninh hầu, không thì bày mưu tính kế để Đậu Chiêu từ hôn một cách yên lành thì có là việc ghê gớm gì đâu? Vấn đề ở chỗ rốt cuộc Đậu Chiêu nghĩ như thế nào…
Nghĩ đến đó, hắn chợt ngồi thẳng người, gọi lớn “Trần Hạch!” rồi nói: “Ngươi đi nói với Nghiêm tiên sinh là ta có việc, phải ra ngoài mấy ngày.”
Nếu rời khỏi Di Chí đường lâu quá thì Tống Mặc sẽ để Nghiêm Hướng Khanh lấy cớ gì đó hòng ứng phó với Tống Nghi Xuân.
Trần Hạch đáp lời rồi đi.
Tống Mặc đi giày, sai Tùng La hầu hắn mặc quần áo. Vừa mặc xong thì Nghiêm Hướng Khanh đi vội vào.
“Thế tử gia,” ông chắp tay hành lễ với Tống Mặc, thần sắc khác lạ, “Một khắc trước, Tứ tiểu thư Đậu gia đã cùng Thái phu nhân vào kinh, hiện đang ở nhà của Ngũ lão gia ở ngõ Hòe Thụ.”
“Sao ông không nói sớm?” Tống Mặc sửng sốt, mặt mày có vẻ trách cứ.
Lên kinh cùng trưởng bối thì không phải nói đi là đi ngay được, hẳn đã chuẩn bị chu đáo rồi. Hắn có người ở Chân Định, đáng lẽ phải biết tin từ sớm mới phải!
Nghiêm Hướng Khanh xấu hổ cúi đầu, nói nhỏ: “Các vị phu nhân, thậm chí là Thái phu nhân của Đậu gia đã nhiều lần mời Tứ tiểu thư lên kinh nhưng Tứ tiểu thư lấy đủ cớ để từ chối. Lần này người Đậu gia nói với bên ngoài là Đậu các lão đón Thái phu nhân lên kinh hưởng phúc, chúng tôi cứ tưởng chỉ có Thái phu nhân đi thôi, không chú ý…”
Quan trọng nhất là họ không ngờ Tống Mặc vừa từ Chân Định về lại muốn quay lại đó nên mới không nghe ngóng tỉ mỉ.
Tống Mặc nghĩ một chút rồi nói: “Về sau những việc liên quan đến Tứ tiểu thư hãy bảo Đỗ Duy trực tiếp đến đây báo cáo với ta!”
Nghiêm Hướng Khanh ngạc nhiên lắm, nhất thời đỏ mặt.
Bình thường, những tin tức tình báo Đỗ Duy thu thập được đều làm thành hai bản, một gửi cho Nghiêm Hướng Khanh, còn một gửi Tống Mặc. Đây vốn là quy định do Tưởng thị hồi còn sống đề ra nhằm bồi dưỡng năng lực phân tích tình huống cho Tống Mặc, rồi trở thành quy định. Sau khi Tưởng thị mất vẫn được giữ nguyên. Lại vì mọi việc đều có Nghiêm Hướng Khanh nắm giữ giúp, gần đây Tống Mặc vì trấn áp Tống Nghi Xuân nên vẫn bận bịu đi thăm hỏi họ hàng, do đó không xem kĩ những báo cáo Đỗ Duy trình lên.
Nghiêm Hướng Khanh cho là Tống Mặc bất mãn với mình về việc này nên ngập ngừng đáp “vâng”. Ai ngờ Tống Mặc lại trầm ngâm nói:
“Tứ tiểu thư là việc riêng của ta, không cần cho lẫn vào các sự vụ của Di Chí đường. Ta sẽ dặn dò Đỗ Duy từ nay không cần báo cáo hành tung của Tứ tiểu thư về Di Chí đường nữa.”
Nghiêm Hướng Khanh giật mình, ngạc nhiên nhìn Tống Mặc gọi “Thế tử gia”, muốn nói mà lại không biết nên nói gì. Tống Mặc gần gũi với Đậu Chiêu không hề có lợi. Nhưng cứ nghĩ đến tâm trạng vui vẻ hiếm có của Tống Mặc sau khi quen Đậu Chiêu, ông lại không thể nói lời ngăn cản được. Những việc có thể làm Tống Mặc thoải mái vốn chẳng có là bao, giờ đây lại càng ít.
Ông khẽ thở dài, đáp “Vâng”.
Lần đầu tiên Tống Mặc không muốn suy nghĩ về sự do dự của Nghiêm Hướng Khanh. Hắn sai Trần Hạch đi truyền lời. Không lâu sau, Đỗ Duy tới, nói giống Nghiêm Hướng Khanh, nhưng Tống Mặc vẫn hỏi tỉ mỉ cho rõ ràng rành mạch như thể phải làm thế lòng hắn mới dễ chịu.
* * *
Trong phòng khách ở ngõ Hòe Thụ, Đậu Chiêu được sắp xếp ngồi cạnh Thái phu nhân, thầm thấy lạ kỳ, sao không thấy Vương Ánh Tuyết nhỉ? Vương Ánh Tuyết ốm rồi? Hay xảy ra việc gì?
Ăn trưa xong, Đậu Chiêu ôm chặt tay Kỷ thị không buông.
Ngũ phu nhân trêu: “Đúng thật là như khuê nữ gặp được mẹ, không việc gì cũng phải khóc lóc ba hồi.”
Tuy Kỷ thị có ơn nuôi dưỡng với Đậu Chiêu nhưng dù gì cũng không phải mẹ ruột, Đậu Chiêu không muốn lên kinh sống với nàng ta. Kỷ thị cũng hụt hẫng trong lòng lắm. Giờ gặp lại Đậu Chiêu, thấy con bé lý trí như vậy mà còn làm nũng với mình thì sao không xót ruột được.
Nàng ôm vai Đậu Chiêu cười đáp: “Đây là con gái ruột của ta mà.”
Đậu Chiêu cũng cười hì hì, nói: “Tối nay con ngủ với Lục bá mẫu.”
Nhân ca nhi, con trai lớn của Thập đường huynh Đậu Tể Xương đang bi bô tập nói, học theo Đậu Chiêu: “Tối nay con ngủ với Lục bá mẫu.”
Mọi người cười vang.
Nhị thái phu nhân liền bế chắt trai lên, vẻ mặt yêu chiều cười nói: “Được, được, tối nay cho cháu đi cùng với Tứ cô cô đến chỗ Lục thúc tổ mẫu[1] nghỉ ngơi nha. ”
[1] Là bà trẻ thứ sáu, mình không nghĩ ra danh xưng tiếng Việt nào tương đương nên để nguyên Hán Việt nhé.
Nhân ca nhi nghe xong liền khóc “Oa oa”, quay ngang ngửa tìm vú nuôi của mình: “Con không ở với Tứ cô cô, con không đi với Tứ cô cô…”
“Tứ cô cô” nói thành “Tứ tứ tứ” làm ai nấy đều được trận cười.
Đậu Minh vẫn giữ vẻ mặt cứng nhắc. Hàn thị đứng bên cạnh không thể không khuyên: “Cả nhà đang vui vẻ, muội phải nể mặt Nhị thái phu nhân chứ, đừng tùy hứng thế.”
Có lẽ vì quan hệ giữa Đậu Chiêu và Lục phòng tốt vô cùng, khi Lục phòng lên kinh, đặc biệt từ sau khi Hàn thị gả về, Đậu Minh đối đãi với Hàn thị rất thân thiết. Hàn thị vừa gả vào Đậu gia, có một cô em gần gũi chiều lòng mình thì rất hoan hỉ, cảm kích, hai người qua lại với nhau ngày càng thường xuyên, quan hệ cũng tốt đẹp.
“Muội không nhịn được.” Đậu Minh càu nhàu, mặt cố rặn cười.
Hàn thị lặng lẽ lắc đầu.
Đậu Minh thường vô thức nói về Đậu Chiêu với Hàn thị, câu nào cũng đầy mùi giấm chua, nhưng xem ra, nói Đậu Minh bất mãn với Đậu Chiêu chi bằng nói là đố kỵ thì đúng hơn. Hơn nữa, nghe nói ngày trước phải chịu nhiều cay đắng nên nàng càng thấy Đậu Minh đáng thương, vì vậy nàng thương tiếc và nhường nhịn Đậu Minh hơn bình thường nhiều.
Tối đến, Đậu Chiêu nghỉ ở phòng Kỷ thị. Hai người ngồi tựa đầu giường hỏi han sức khỏe của nhau, dần dần đề tài chuyển đến Vương Ánh Tuyết.
Kỷ thị ngập ngừng một lát, nghĩ dù mình không nói thì sớm muộn Đậu Chiêu cũng biết, nên kể cho Đậu Chiêu nghe chuyện xảy ra ở chùa Đại Tướng Quốc:
“… Phụ thân con nổi cơn lôi đình, viết thư chất vấn Vương tuần phủ. Ngũ bá phụ của con cũng giận lắm, trách mắng Ngũ bá mẫu như tát nước vào mặt, rằng không biết đường ngăn Vương gia lão phu nhân với Vương Ánh Tuyết lại.”
Nói đến đây, Kỷ thị cười gượng, “Ngũ bá mẫu con ấm ức quá mà không biết nói cho ai, khóc thầm mấy bận, để phụ thân con biết thế là đến tận nhà nhận lỗi. Lần này Thái phu nhân đến, phụ thân con không cho Vương Ánh Tuyết tới, nói là bị ốm. Ngũ bá mẫu con không hỏi, ta cũng không lắm lời, chẳng biết đã có chuyện gì nữa.”
Đậu Chiêu nghe xong thì cười lạnh trong lòng, nói: “Lúc Thất phu nhân nói xấu cháu, phu nhân Thế tử Cảnh quốc công nói thế nào ạ?”
Kỷ thị tưởng Đậu Chiêu sợ người Ngụy gia vừa nghe liền tin thì vội đáp:
“Con đừng lo, phu nhân Thế tử Cảnh quốc công không nói gì hết. Tuy hơi lo nhưng sau Ngũ bá mẫu đã đích thân đến chào hỏi phu nhân Thế tử Cảnh quốc công. Nghe Ngũ bá mẫu con nói, vị phu nhân đó bảo khi ấy quá kinh ngạc nên nhất thời không kịp phản ứng, đến khi muốn tìm Vương Ánh Tuyết để nói lý lẽ thì mẹ con Vương Ánh Tuyết đã đi trước mất rồi. Không chỉ không tin lời mẹ con Vương Ánh Tuyết mà nàng ta còn chủ động nói đến hôn sự của hai đứa, nghe giọng điệu có vẻ mấy hôm nữa sẽ cho người đến bàn bạc đấy.”
Với hiểu biết của Đậu Chiêu về Vương Ánh Tuyết và Ngụy Đình Trân, đại khái nàng cũng đoán được tính toán của họ rồi, chỉ là thấy hơi lạ, vì sao Ngụy Đình Trân lại rút lui khi lâm trận. Nên biết rằng Ngụy Đình Trân không phải người tử tế.
Nàng nói mơ hồ mấy câu, Kỷ thị cũng không tiện nhiều lời, an ủi nàng một chút rồi hỏi đến Thôi di thái thái ở Chân Định hòng đổi đề tài.
Đậu Chiêu tìm cơ hội nói chuyện đó cho Tố Tâm, cũng dặn thêm: “Mau chóng báo lại với Trần tiên sinh, nói ta sẽ nghĩ cách tìm chứng cứ chứng minh Thất phu nhân và Ngụy Đình Trân cấu kết hại ta, bảo ông ấy để ý động thái bên phủ Cảnh quốc công một chút.”
Nàng có thể nhân dịp này náo loạn một trận rồi quang minh chính đại lấy cớ “không chịu được bị làm nhục” để yêu cầu trưởng bối Đậu gia làm chủ cho nàng từ hôn, với những hành động cử chỉ của Vương Ánh Tuyết và Ngụy Đình Trân, cả Đậu gia và Ngụy gia đều không thể nào cự tuyệt yêu cầu của nàng.
Vương Ánh Tuyết và Ngụy Đình Trân đã có công lớn giúp nàng. Đậu Chiêu chợt thấy tinh thần thật sảng khoái.
Sự việc thay đổi linh hoạt, xem ra nàng đến kinh thành thật đúng đắn.
* * *
Cuộc sống của Kỷ Vịnh khá là khổ sở.
Hắn đã tính toán đâu ra đấy sự việc ở ngõ Thiên Tự, lại bị Tống Mặc nhúng tay vào. Xen vào rồi thì thôi đi, hắn muốn loan truyền việc “Ngụy Đình Du ngủ lại chùa Thiên Phật, Tống thế tử nửa đêm tróc gian”, không chỉ bị Hà Dục ngăn cản mà còn cứ truy vấn không tha: “Rốt cuộc ngươi muốn làm gì?”