Đại Ca Priest

Chương 1: Chương 1




CHƯƠNG 1

Cười để mà khóc, làm bạn với chết chóc để mà sống. – Trích từ tác phẩm “Sống” của Dư Hoa.

Gã mơ thấy mình còn rất nhỏ, dáng vẻ tầm năm sáu tuổi, ngồi ở đầu giường, một bên là tấm sưởi(1) nóng hầm hập, một bên dựa vào một người phụ nữ.

Người phụ nữ bụng to, gã không dám dựa mạnh, chỉ nghiêng đầu gác hờ lên tay, vờ như rất thân thiết.

Người phụ nữ ấy thật xinh đẹp, chẳng kém gì các ngôi sao nổi tiếng trên TV, khuôn mặt trái xoan trắng nõn, mặt mày cân đối.

Người phụ nữ cầm một quyển sách cũ nát trong tay, đương chăm chú đọc câu chuyện trên đó.

Trình độ học vấn của người phụ nữ không cao lắm, khả năng đọc có hạn, truyện cổ tích dùng từ ngữ đơn giản mà đọc cũng lắp bắp, hay ngắc ngứ giữa chừng khiến người ta khó chịu, thế mà trông vẫn rất vui vẻ, một tay cầm sách, một tay đặt lên bụng mình, giọng điệu ngọt ngào trong vắt, nét mặt bình yên.

“… Lũ trẻ rủ nhau đến đầu kia của ngọn núi, trông thấy một dòng suối nhỏ, khe suối vui vẻ chảy từ đông sang tây, rì rào nói ‘lũ trẻ ngu xuẩn à, nơi này có bánh ngọt thơm phức, gà nướng vàng óng, kẹo ngọt nhiều vô kể, đủ mọi màu sắc treo trên cây, tựa như sao trên trời, hái cũng không hết, nơi này còn có yêu quái ăn thịt người, chờ nuôi chúng bay thành những con cừu non béo múp, rồi một hơi nuốt chửng’.”

“Mới đầu, bọn trẻ đều ngây ra vì sợ, một bước cũng không dám vượt qua, chúng sống bên này khe suối, hái nấm dại và dâu rừng để ăn, nấm dại chẳng có mùi vị, dâu rừng vừa chua vừa chát. Rốt cuộc một ngày kia, bé trai lớn nhất tự nhủ: ‘Mình không chịu nổi nữa rồi, phải chi mình được ăn bánh ngọt và gà nướng ở bờ bên kia thì tốt biết mấy, rồi cả số kẹo ngọt nhiều vô kể nữa chứ.’”

“Cậu là người đầu tiên nhảy qua khe suối, ăn một bữa no nê trong khu rừng tươi đẹp, buổi tối lại nhảy về bên này, bảo rằng trong rừng không hề có yêu quái ăn thịt người. Thế là ngày hôm sau, bé gái lớn nhất tự nhủ: ‘Phải chi mình được ăn bánh ngọt và gà nướng ở bờ bên kia thì tốt biết mấy, rồi cả số kẹo ngọt nhiều vô kể nữa chứ.’ Ngay hôm ấy, cô theo cậu bé đầu tiên cùng nhau nhảy qua khe suối, ăn no nê một bữa trong khu rừng tươi đẹp, buổi tối cả hai kết bạn trở về, tuyên bố rằng bọn chúng vẫn không đụng phải yêu quái ăn thịt người.”

“Các bé trai và bé gái nối tiếp nhau nhảy qua khe suối, đi thưởng thức bữa ăn ngon ở đối diện, một ngày qua đi, yêu quái ăn thịt người không xuất hiện, một tháng qua đi, yêu quái ăn thịt người vẫn không xuất hiện. Lũ trẻ lớn tiếng cười nhạo dòng suối cuộn trào không thôi, sau đó cùng nhau ở lại bên kia suối, mỗi ngày tự do tự tại đi qua đi lại trong khu rừng tươi đẹp, ăn thức ngon và vô số kẹo ngọt. Chỉ có một bé trai nhỏ tuổi nhất ở lại chỗ cũ, mặc các bạn ngày càng béo lên la hét ở bờ bên kia, nó vẫn kiên trì không chịu đến gần một bước.”

“Lũ trẻ băng qua khe suối mỗi ngày gọi cậu bạn nhỏ của chúng: ‘Này, cậu qua đây đi, dòng suối chỉ nói dối thôi, ở đây không có yêu quái ăn thịt người, cuộc sống bên này hệt như thiên đường vậy!’ nhưng bé trai nhỏ nhất không hề bị lay chuyển, cậu vẫn tiếp tục hái nấm dại và dâu rừng để sống. Cậu nhớ lời bà nội từng dặn khi đi xa, trên đời này chẳng có bữa cơm nào là miễn phí, khi không nhàn hạ mới là cạm bẫy đáng sợ nhất trong rừng.”

“Đột nhiên một đêm nọ, bé trai nhỏ nhất nghe thấy tiếng gầm thét chói tai, nó giật mình tỉnh giấc, mở mắt ra, thấy dòng suối dâng cao, chia mặt đất thành hai phần, biến thành một vùng biển mênh mông.”

“Biển đang hát vang: ‘cừu non cừu non tròn vo, ngoàm một phát xơi vào bụng, một đứa cũng đừng hòng chạy thoát!’ Bé trai nhỏ nhất dụi mắt, phát hiện các bạn mình đang bị một quái vật to như núi đuổi bắt, nhưng chúng quá béo, vốn chẳng chạy nhanh được, còn chưa tới bờ thì đã bị đuổi kịp và xơi tái từng đứa. Tất cả chúng đều rơi vào cạm bẫy nguy hiểm nhất, chỉ có bé trai nhỏ nhất tránh được tai nạn, để rồi kể lại câu chuyện này.”

Trang giấy ố vàng lật qua, câu chuyện không đầu không đuôi đã kể xong, người phụ nữ giống như hoàn thành một công trình vĩ đại, thở phào một hơi, thờ ơ nói với Ngụy Khiêm đang dựa vào người mình: “Vậy nên con người ta không thể sống quá thoải mái, chờ khi óc đầy bụng phệ, mỗi ngày đều ăn no căng, thì ngày ngỏm củ tỏi sẽ không còn xa nữa…”

Giọng nói êm tai mà thô tục của bà ta bị tiếng chuông chói tai cắt ngang, Ngụy Khiêm giống như bị giật mình, choàng mở mắt mà bắn khỏi giường.

Năm giờ rưỡi, trời còn chưa sáng hẳn.

Ngụy Khiêm vẫn chìm trong giấc mơ ban nãy, đó là mộng đẹp, cũng là ác mộng.

Gã mang theo sự mệt mỏi khi ngủ không đẫy giấc, khó khăn bò dậy như một con chó, xách chiếc dép lê đập chết một con gián nghênh ngang bò qua đầu giường, tiếp đó nhảy một chân đến chỗ vòi nước rửa sạch đế dép, lê chân đi rửa tay vo gạo, dùng cái nồi nhỏ đã biến dạng để nấu cháo.

Sau đó gã thò đầu ra ngoài cửa sổ, thì thấy nhà Mặt Rỗ dưới lầu đã dựng quầy bán đồ ăn sáng, đang làm nóng chảo.

Ngụy Khiêm huýt sáo thật dài xuống dưới lầu, chẳng buồn để ý đến việc đánh thức hàng xóm mà lớn tiếng: “Mặt Rỗ, cho anh mày ba cái quẩy!”

Gã vừa kêu xong thì cửa sổ tầng trên cũng mở cái “két”, một gã béo nung núc ngậm bàn chải đánh răng nói không được rõ lắm: “Anh mày lấy sáu cái, nhớ chọn cái to vào!”

Người kêu la chính là Tam Béo tầng trên, tên này đã tròn như một quả bóng, vẫn lấy phẩm chất riêng là “thùng cơm” này làm vinh quang, độ cao của tư tưởng quả thật siêu phàm thoát tục.

Ngụy Khiêm cảm thấy ba so với sáu hơi bị thiếu khí khái anh hùng, thế là ngửa đầu nói với Tam Béo: “Heo, tích cực xuất chuồng gớm, có tư tưởng giác ngộ đấy!”

Mồm đầy bọt kem cho nên Tam Béo không thể đáp trả gì, đành phải tốn thời gian giơ móng giữa của loài lợn với Ngụy Khiêm.

Cha Mặt Rỗ mất từ sớm, gã là con côi sống với mẹ góa, bà mẹ góa bán đồ ăn sáng kiếm sống, Mặt Rỗ mỗi sớm phải dậy giúp mẹ chiên quẩy, nghe đám chiến hữu cắn xé nhau như chó riết cũng thành quen.

Gã lau tay vào tạp dề, không lên tiếng, cười hì hì phất tay với hai ông lớn trên lầu để tỏ vẻ rằng đã nghe thấy – À, Mặt Rỗ bị cà lăm, bình thường không ba hoa khoác lác ở nơi công cộng.

Bữa sáng không phải lo nữa, Ngụy Khiêm quay sang nhà vệ sinh chải răng rửa mặt như đánh giặc, bắt đầu một ngày vừa bận rộn vừa vất vả.

Gã để nguội món cháo mới nấu, đồng thời ăn vận chỉnh tề lại, cầm tiền lẻ chạy xuống lấy quẩy, rồi trở về đánh thức cô em gái Tiểu Bảo, chăm chú nhìn con bé ăn bữa sáng, kế đó bế nó chạy lên tầng trên, nhờ mẹ Tam Béo trông nom, trước khi đi còn đánh văng bàn tay đang muốn nhét vào miệng lại của Tiểu Bảo.

Rồi sau đó Ngụy Khiêm cưỡi chiếc xe đạp cũ rích đến trường.

Hôm nay là ngày Ngụy Khiêm dự thi vào cấp ba.

Ngụy Khiêm chưa bao giờ biết cha mình là ai, cũng không biết mắt mũi ông ta dài ngắn ra sao, ấn tượng duy nhất đối với người này, chính là một tên khốn nạn – bắt nguồn từ việc mẹ Ngụy Khiêm ngày nào cũng như ngày nấy cứ lải nhải suốt bên tai gã.

Nghe bảo lão già không biết xấu hổ đó bây giờ còn đang ngồi trong tù với cái danh hiệu quang vinh uy phong tám cõi, hương tỏa mười dặm, ấy là “tội phạm hiếp ***”, không biết ngày tháng năm nào mới được thả – đương nhiên, Ngụy Khiêm chưa bao giờ ngóng trông ông ta được thả, một lão tội phạm bị cải tạo chẳng biết cái rắm gì có thả ra thì cũng chỉ là gánh nặng cho xã hội thôi.

Ngụy Khiêm nghĩ, tốt nhất là lão già đó trước khi mãn hạn được phóng thích có thể bị phạm nhân khác đánh chết trong tù luôn đi.

Một trong những người bị hại dưới tay lão tội phạm đó chính là mẹ Ngụy Khiêm… A, đúng rồi, còn cả người bị hại gián tiếp là Ngụy Khiêm này nữa.

Mẹ gã lúc trẻ đầu óc ngu dốt, không học hành cho tốt, ngày nào cũng chạy theo một đám lưu manh oắt con, uống say bí tỉ nửa đêm lang thang ở bên ngoài, xui xẻo sao bị lão tội phạm để ý, mơ mơ màng màng bị hiếp, sau lại mơ mơ màng màng mang thai rồi đẻ ra Ngụy Khiêm.

Bởi vậy dựa trên lý trí mà nói, Ngụy Khiêm có thể hiểu được vì sao từ nhỏ mẹ đã không muốn thấy mình, gã cảm thấy lúc mình sinh ra, bà ta chưa bóp chết mình ngay, cũng là nhờ ảnh hưởng của hoóc-môn vậy… Hoóc-môn mới chính là phép màu trong sinh mệnh của loài người.

Đương nhiên là, bà ấy còn miễn cưỡng nuôi gã lớn nữa.

Nhưng dù cho như vậy, trong thâm tâm Ngụy Khiêm vẫn căm hận bà ta.

Hận mỗi ngày, hận đúng giờ đúng phút như quẹt thẻ, hận không thể ăn thịt uống máu bà ta.

Nhưng mà… Trong thâm tâm gã lại mong chờ bà ta có thể cho mình một chút ấm áp, thỉnh thoảng bà cho thật, Ngụy Khiêm liền cảm thấy niềm hạnh phúc lớn lao, bởi vậy gã cũng hận mình, gã cho rằng gen mình không tốt, trời sinh có một phần đê tiện.

Người đàn bà luôn ở nhà ban ngày và ra ngoài vào ban đêm, bà ta mưu sinh bằng công việc cổ xưa và truyền thống, có mấy ngàn năm lịch sử chẳng vẻ vang gì ở đất nước chúng ta. Đây là một công việc mang đến cho Ngụy Khiêm vô số “vinh quang” – mẹ gã là “gà”, nói như lời của người mẹ gái *** không biết xấu hổ này thì chỗ tốt của công việc chính là được chơi đàn ông miễn phí, còn bắt đàn ông cho mình tiền.

Ông cha tội phạm hiếp *** của Ngụy Khiêm đã kết thúc cả thời thiếu nữ của bà, để bà đen triệt để từ trong ra ngoài, ngày càng không biết xấu hổ.

Và như một quả “trứng gà”, thời thơ ấu của Ngụy Khiêm chính là một cuộc tra tấn dài đằng đẵng.

Mẹ gã mỗi tối đều chửi cho đã rồi mới ra khỏi nhà, mãi đến sáng sớm hôm sau mới trở về, dùng những móng tay nhọn hoắt lôi gã khỏi chăn, nếu tâm tình tốt thì lôi cha mẹ ông bà tổ tông ra mắng gã một lần, nếu tâm tình không tốt còn thuận tay cho gã hai bạt tai, sau đó nồng nặc mùi rượu sai Tiểu Ngụy Khiêm còn chưa cao bằng bệ bếp đi làm món gì đó cho mình ăn.

Có mấy lần Ngụy Khiêm còn mua sẵn cả thuốc chuột, chuẩn bị bỏ vào cơm để chết chung, nhưng cuối cùng vẫn không nỡ, bởi vì những lần thỉnh thoảng ra vẻ một người mẹ, người đàn bà đó sẽ dùng cánh tay mềm mại ôm gã xem TV một lúc, nếu vui còn dịu dàng thầm thì mấy câu bên tai.

Nếu ban đêm thu nhập không tệ, sáng sớm trên đường về nhà bà ta còn mua vài cái bánh kếp(2) cho Ngụy Khiêm.

Tình huống này mặc dù rất quý giá, chỉ có thể may mắn gặp được chứ không thể cầu, lại luôn khiến Ngụy Khiêm tuổi nhỏ được chiều mà sợ, mỗi khi đến lúc ấy, gã sẽ không muốn giết người phụ nữ này, bởi vì gã sẽ nhớ ra rằng, bà ta là mẹ ruột của mình.

Mẹ ruột của gã xinh đẹp hơn bất cứ người phụ nữ nào mà gã từng gặp trong cuộc đời, nhưng mà chẳng mảy may mang đến vinh quang cho gã.

Vả toàn thế giới dù sao chỉ có một người như vậy là mẹ ruột của mình, giết rồi thì không còn nữa, gã không nỡ.

Hai người cứ như thế, thù hằn lẫn nhau rồi lại nương tựa vào nhau mà sống.

Khi Ngụy Khiêm được năm tuổi, mẹ lại lấy chồng lần nữa, cha dượng là người hiền lành, không kiếm được nhiều tiền, chẳng có bản lĩnh chi, không thân thiện lắm với gã con hời này, nhưng cũng chưa bao giờ ngược đãi.

Sau đó chắc là chê gã ở nhà chướng mắt, chờ khi Ngụy Khiêm vừa tròn sáu tuổi, cha dượng chủ động đưa gã vào trường tiểu học, cưỡi chiếc xe đạp nam đưa gã đến trường xin nhập học.

Ngụy Khiêm gọi ông ta là chú.

Từ sau khi chú đến, mẹ gã trong một đêm liền “bỏ dao mổ thành Phật”, không còn ra ngoài chơi bời nữa, gần như ngay lập tức gột sạch duyên hoa, bới tóc cao lên, không còn dính vào một giọt rượu, tính nết cũng tốt hơn nhiều.

Bà thay đổi đến chóng mặt, thành một người phụ nữ bình thường và một người mẹ bình thường.

Mùa đông năm ấy, bà thậm chí tự tay đan cho Ngụy Khiêm một chiếc áo len, tấm áo ấy gã chỉ mặc trong một mùa đông, bởi vì vóc dáng phát triển quá nhanh, năm sau là không thể mặc nổi, nhưng vẫn được Ngụy Khiêm trân trọng cất vào tủ, bởi vì đó hầu như là món quà duy nhất mà gã nhận được trong suốt thời thơ ấu.

Người ta vẫn nói trẻ con sáu bảy tuổi chạy nhảy khắp nơi, đến chó còn ghét, nhưng Ngụy Khiêm lúc sáu bảy tuổi ngoan ngoãn hệt như chó, chẳng bao giờ nói nhiều, chưa từng đòi hỏi gì, nếu người lớn không chủ động cho thì tuyệt không mở miệng xin tiền, trong trường thỉnh thoảng có việc cần nộp tiền, Ngụy Khiêm đều mượn người khác trước rồi sau đó chạy tới phòng bi-a, trung tâm vui chơi giúp việc lặt vặt kiếm mấy đồng đem trả.

Trong quá trình này gã quen biết cả tá côn đồ lớn hơn mình nhiều, ông chủ thấy gã nhỏ, chạy tới chạy lui nhặt bóng bưng chén đĩa rất thú vị, hơn nữa mắt cực tinh, rất giỏi xem sắc mặt, cho nên liền giữ gã lại, trở thành một linh vật như một bông hoa lạ, rỗi rãi thì trêu chọc chơi.

Ngụy Khiêm rất vui vẻ với việc này, không hề cảm thấy đau khổ, bởi vì nhờ trường học mà gã biết được mình cũng là một trong các nụ hoa của tổ quốc, gã cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống thế này.

Bởi vậy gã chỉ sợ ông chú không thoải mái, chỉ sợ chú và mẹ ly hôn, để mình phải sống tiếp những ngày thua cả heo chó.

Khi Ngụy Khiêm mới bảy tuổi rưỡi, còn chưa đầy tám tuổi, mẹ lại sinh một bé gái.

Cô bé như đúc từ cùng một khuôn mẫu với ông chú – a, có nghĩa là rất xấu, nhưng cả nhà đều cưng như gì ấy.

Con bé chào đời vào mùa xuân, cha mẹ chê mấy cái tên như “xuân”, “liễu” quá quê mùa, không xứng với cô con gái quý báu, thật sự làm khó cho mẹ và chú, cả hai người cộng lại cũng chưa học hành được chín năm, xúm vào tính toán hơn một tuần, cuối cùng vắt hết óc đặt cho nó cái tên mà họ cảm thấy đầy chất thơ, gọi là “Tống Ly Ly”.

Họ Tống giống chú, “Ly Ly” trong câu “Ly ly nguyên thượng thảo(3)”, nhũ danh Tiểu Bảo.

Nhưng Ngụy Khiêm hầu như không bao giờ gọi cái tên xui xẻo này, mãi cho đến khi con bé trưởng thành vẫn gọi là “Tiểu Bảo”.

Không nói tụ lại đi nói “ly”, chưa từng nghe nhà ai đặt cho con trẻ cái tên thế này, quả thật muốn may mắn bao nhiêu là có may mắn bấy nhiêu.

Mẹ gã và cha dượng hai người thất học đặt cho đứa trẻ cái tên đầy “thấp ý(4)” như vậy, rõ là dưng không thích tìm chết.

Cái tên không may mắn này sẽ bầu bạn suốt cuộc đời cô bé, dường như cũng báo trước sinh ly và tử biệt sẽ xuyên suốt sinh mệnh yếu ớt của cô.



1. Ban đầu định để là lò sưởi nhưng google thấy ở Việt Nam cũng gọi nó là tấm sưởi, các bạn có thể xem thử.

2. Thực ra nó là món bánh Jianbing, vẫn được mệnh danh là bánh kếp kiểu Trung Quốc chứ cũng không hẳn là bánh kếp. Tìm há mỏ thấy người ta toàn để là bánh Jianbing không. Sau đấy hỏi thử một người bạn thì được trả lời rằng “Jianbing là loại bánh gần giống bánh crêpe trái cây đó. Đại loại là sẽ chiên 1 lớp bột rồi cuốn nhân trái cây vào bên trong, còn có nhân mặn nữa.”

3. Ly ly nguyên thượng thảo: cỏ mọc um tùm ngoài đồng hoang. Đây là câu đầu trong tác phẩm Phú đắc cổ nguyên thảo tống biệt của Bạch Cư Dị. Hai người này muốn đặt cho con cái tên đầy chất thơ nhưng lại quên rằng “ly” cũng có nghĩa là biệt ly.

4. Ở đây tác giả chơi chữ, thay vì “thi ý” (ý thơ) thì lại thành “thấp ý” (cả 2 đều phiên âm thành shiyì), đặt trong câu chuyện này thì có thể tạm hiểu thành đẫm nước mắt (chữ thấp có nghĩa là ẩm ướt), báo trước cuộc đời không lấy gì làm may mắn của cô bé khi hết tang cha lại phải khóc mẹ.

2

Mình thấy trên báo dùng màn thầu nên để nguyên vậy, bạn beta cũng bảo giờ người ta vẫn gọi màn thầu thôi. Mình thì chả rành về ba cái vụ ăn uống này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.