*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
*Ngươi có Trương Lương kế, ta có quá tường thê.
Trương Lương kế:
Đời nhà Tần, Hàn Quốc có một vị quý tộc tên gọi Cơ Lương. Ông bày mưu ám sát Tần Thủy Hoàng tại bãi cát Bác Lãng Sa nhưng không thành công, vì để trốn tránh lệnh truy nã, ông đành phải đổi tên thành Trương Lương. Ít có ai ngờ, Trương Lương sau này lại trờ thành trọng thần túc trí đa mưu dưới trướng Hán Cao Tổ – Lưu Bang.
Tổ Tiên của Trương Lương nguyên là người Hàn trong nước, ở thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, gia tộc ông được Hàn Hậu trọng dụng, về sau nước Tần tiêu diệt Hàn Hậu, Trương Lương bán hết cả gia tài để mưu cầu võ sĩ giúp đỡ, dùng một trăm hai mươi cân sắt đúc thành ám chùy, ý đồ giết chết Tần Thủy Hoàng tại bãi cát Bác Lãng Sa (nay thuộc huyện Nguyên Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), chẳng ngớ ám chùy lại đánh trúng đoàn xe tùy tùng nên kế hoạch bất thành.
Ngày sau, Trương Lương có cơ duyên được hoàng thạch lão nhân truyền thụ Thái Công Binh Pháp. Ông ngày đêm nghiên cứu, sau nhiều lần phỏng đoán, rốt cuộc cũng đã tinh thông mà trở nên vô cùng túc trí đa mưu.
Năm 209 TCN, Trần Thắng khởi nghĩa chống nhà Tần. Trương Lương cũng tụ họp hơn trăm trai tráng. Tháng 12 năm 208 TCN Trần Thắng bị giết, tướng Tần Gia lập người dòng dõi nước Sở là Cảnh Câu ở đất Lưu làm Giả Vương (vua tạm thời) của nước Sở. Trương Lương muốn đi theo, đi đến giữa đường thì gặp Lưu Bang, bèn theo Lưu Bang. Lưu Bang cho ông làm tướng coi quản ngựa của quân lính.
Ông mấy lần đem Thái Công Binh Pháp ra trình bày với Lưu Bang, được khen ngợi. Vì vậy, ông quyết định theo Lưu Bang, không đến yết kiến Cảnh Câu nữa. Sau khi phò trợ Lưu Bang thành công diệt Tần lập Hán, ông liền hướng Hán Cao Tổ, cũng tức là Lưu Bang chào từ giã.
Sau khi Trương Lương chết, Tây Hán những năm cuối quân Xích Mi khởi nghĩa, thiên hạ đại loạn. Có người khai quật mộ phần của Trương Lương lên, vừa mở nắp quan tài ra, chỉ thấy một bức hoàng thạch tượng bay lên cao rồi tan biến vào giữa những đám mây, mà trong quan tài cũng không hề tìm được di cốt Trương Lương, chỉ thấy một cuốn văn thư ghi lại mưu lược ngày trước của ông.
Quá tường thê (thang mây):
Quá tường thê xuất hiện vào kỳ Đông Chu xuân thu thời Chiến Quốc.
Tương truyền, có một lần, Sở Huệ Vương phái Công Thâu Ban (Lỗ Ban) chế tạo thang mây (thang dài dùng để công thành hoặc chữa cháy) vối ý đồ tấn công Tống quốc.
Mặc Tử hay tin, vội vàng đi liên tục mười ngày mười đêm đến Sở quốc tìm gặp Công Thâu Ban, nói – “Phương Bắc có người bắt nạt ta, mời ngươi ra tay trừng trị hắn.”
Nhận thấy Công Thâu Ban không hề có hứng thú, Mặc Tử liền nói tiếp – “Ta sẽ tặng ngươi thật nhiều vàng.”
Công Thâu Ban nghe xong lập tức giận dữ đáp – “Ta chỉ thi hành nhân nghĩa, kiên quyết không tùy tiện giết người.”
Mặc Tử lại nói – “Sở quốc đất đai có thừa, nhân khẩu sung túc, vì cớ gì lại muốn chiếm đoạt thêm đất đai? Tống quốc trước nay không hề đắc tội Sở quốc, vì cớ gì Sở quốc lại muốn dẫn quân tiến đánh? Ngươi chỉ thi hành nhân nghĩa, kiên quyết không tùy tiện giết người, cớ sao lại hỗ trợ Sở Vương tiến đánh Tống quốc? Làm thế không phải là tùy tiện giết người sao?”
Công Thâu Ban tuy nghe Mặc Tử nói xuôi tai, nhưng hắn cũng đành bất lực mà đáp trả – “Ngươi nói rất có đạo lý. tiếc rằng ta đã lỡ nhận lời Sở Vương.”
Mặc Tử nghe xong lập tức xin Công Thâu Ban dẫn đi gặp Sở Vương.
Mặc Tử vừa gặp được Sở Vương liền hỏi – “Có những người, xe tốt ở nhà không thích ngồi, lại muốn đi sang nhà hàng xóm cướp xe hư, vải lụa ở nhà không thích mặc, lại muốn đi sang nhà hàng xóm cướp vải bố, cao lương mỹ vị ở nhà không thích ăn, lại muốn đi sang nhà hàng xóm cướp cám bã. Dám hỏi Sở Vương, đó là loại người gì?”
Sở Vương đáp – “Đó là kẻ trộm cướp.”
Mặc Tử tiếp tục hỏi – “Sở quốc đất đai năm nghìn dặm, Tống quốc đất đai năm trăm dặm, Sở quốc giàu có khắp thiên hạ, Tống quốc hai bàn tay trắng. Đánh Tống quốc, chuyện đó so với chuyện trộm cướp có gì khác nhau?”
Sở Vương lại đáp – “Tuy rằng nói như vậy, nhưng Công Thâu Ban đa giúp ta chế tạo thang mây, ta nhất định phải dùng nó đánh chiếm Tống quốc.”
Mặc Tử bất đắc dĩ đành phải thỉnh cầu Công Thâu Ban giả vờ bày ra chiến trận. Được Sở Vương đồng ý, Mặc Tử cởi xuống đai lưng giả làm thành trì, tiếp đó cùng Công Thâu Ban dùng gậy gỗ nhỏ làm vũ khí đấu trận.
Mặc Tử làm người thủ thành, Công Thâu Ban theo đó bày ra chín loại binh pháp công kích, thế nhưng không có loại nào thành công. Đến lượt Công Thâu Ban thủ thành, hắn liền liên tiếp thất bại ba trận mà run tay buông xuống gậy gỗ.
Lúc này Mặc Tử mới nói – “Ta đã phái ba trăm đệ tử sang Tống quốc hỗ trợ, bọn họ mỗi người đều biết được một loại binh pháp của ta.”
Sở Vương trầm mặc hồi lâu, sau đó nói – “Ta quyết định không đánh Tống quốc nữa.”
Khổng Tử có khả năng nâng cửa thành lên, thế nhưng ông chưa bao giờ hướng về phía mọi người khoe khoang tài năng. Mặc Tử giỏi cả kỹ năng tấn công lẫn phòng thủ, ngay cả Công Thâu Ban cũng phải nghiêng mình bội phục, thế nhưng chưa bao giờ nghe ai nói ông giỏi dụng binh. Bởi lẽ cả Khổng Tử lẫn Mặc Tử đều hiểu rõ một đạo lý – “Thắng lợi nhất thời không khó, cái khó chính là biết cách vĩnh viễn giữ vững giang sơn.” – Mà việc đó thì phải biết trọng dụng người tài mới có khả năng làm được.
Ngươi có mưu kế lợi hại, ta có phương thức đối phó. tất cả mọi người đều hữu kế sách, kiên quyết không ai nhún nhượng ai. Binh đến ngăn cản, nước đến đắp đê.
Câu nói “Ngươi có Trương Lương kế, ta có quá tường thê” chính là mang ý nghĩa như vậy. (Sưu tầm)