Đại Đường Đạo Soái

Chương 576: Chương 576: Phật Nho tranh chấp




Mặc dù hiện tại, hắn vẫn không cho rằng mình không bằng Đỗ Hà. Sở dĩ thất bại, tất cả đều vì Lý Thế Dân thiên vị Đỗ Hà.

So với Trưởng Tôn Vô Kỵ, Lý Thừa Càn tán thành tư tưởng thực lực quyết định tất cả của Hầu Quân Tập hơn.

Nghe xong câu trả lời của Hầu Quân Tập, Lý Thừa Càn cũng cảm thấy thoải mái hơn một chút, trong đầu bất giác hiện lên thân ảnh của một người, do dự một lát nói:

- Đi thăm dò Biện Cơ đại sư, xem hắn hiện tại như thế nào, có bị ảnh hưởng hay không ...

Triệu Quốc Công phủ.

Trưởng Tôn Vô Kỵ bình thản nghe Trưởng Tôn Thuyên báo cáo.

Trưởng Tôn Thuyên đem tất cả tình huống mình nghe được về Hoằng Phúc tự kể lại cho vị tộc huynh trước mặt.

Trưởng Tôn Vô Kỵ nghe xong không nói gì, yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ, bất đắc dĩ thở dài nói:

- Gỗ mục không thể khắc, tường nát không thể trét hồ...

Mặc dù hắn không ra khỏi nhà, nhưng dựa vào mạng lưới quan hệ trong tay, có thể biết rõ mọi chuyện trong thiên hạ. Đối với hành động của Lý Thừa Càn chỉ cảm thấy vô cùng thất vọng...

- Huynh trưởng... Đỗ Hà thực sự quá đáng trách.

Trưởng Tôn Thuyên tỏ vẻ lo lắng, bởi vì Trưởng Tôn Vô Kỵ bị cấm bế, thanh thế của Trưởng Tôn gia đã không còn như trước. Bọn họ đặt tất cả tiền cược lên người Lý Thừa Càn, nếu như thất bại, tiền cảnh của Trưởng Tôn gia sẽ vô cùng u tối.

Trưởng Tôn Vô Kỵ lạnh lùng cười:

- Rút cuộc là Đỗ Hà đáng trách, hay thái tử vô năng?

Trưởng Tôn Thuyên kinh ngạc nhìn Trưởng Tôn Vô Kỵ, có vẻ không dám tin lỗ tai của mình, đây là lần đầu tiên hắn nghe Trưởng Tôn Vô Kỵ nói Lý Thừa Càn như vậy.

Trưởng Tôn Vô Kỵ nói:

- Đây là sự thực không thể phủ nhận... Ngươi thử so sánh hành động của Đỗ Hà và Thái tử ở Hoằng Phúc tự, ai mạnh ai yếu, vừa nhìn có thể thấy được. Nếu như thái tử được phân nửa của Đỗ Hà, như vậy người dương oai hôm đó sẽ không phải là Đỗ Hà, mà là Thái tử. Đỗ Hà có thể phát hiện Hoằng Phúc tự có dị thường, nhưng Thái tử vì lợi ích trước mắt, ngu ngốc để một tên hòa thượng lợi dụng...

Trưởng Tôn Thuyên nói:

- Nói là nói như vậy, nhưng Thái tử dù sao cũng là cháu ngoại của chúng ta, hiện tại tình cảnh của hắn vô cùng ảm đạm, nếu tiếp tục như vậy, ta sợ hắn không đợi được thời kỳ cấm bế của huynh trưởng kết thúc.

Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng không có trả lời câu nói của Trưởng Tôn Thuyên, ánh mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ nói:

- Chính vì hắn là cháu ngoại của chúng ta, ta mới có thể tận sức giúp đỡ hắn như vậy, nhưng hắn lại như A Đấu, cho dù ta nỗ lực như thế nào, hắn đều có thể hủy diệt sạch sẽ tiền cảnh tốt đẹp... Ta đang suy nghĩ, có phải nên….buông tha hắn….

Trưởng Tôn Vô Kỵ thốt ra một câu nói long trời lở đất. Trưởng Tôn Thuyên thậm chí có vẻ choáng váng.

Nhưng Trưởng Tôn Vô Kỵ vẫn rất bình tĩnh, sự bình tĩnh có chút đáng sợ, phảng phất như chuyện vừa rồi rất bình thường.

Một người trí giả, tuyệt đối sẽ không ký thác hi vọng của mình lên người khác.

Trưởng Tôn Vô Kỵ vì không có lựa chọn nào khác, chỉ có thể buộc mình và Lý Thừa Càn lại với nhau, hi vọng mình có thể nâng hắn dậy, nhưng hắn lại thất bại, không chỉ thất bại, còn để bản thân cùng rơi vào, trước đó nếu không phải Lý Thừa Càn và Đỗ Hà đấu túi bụi, hắn căn bản không đi chọc vào Đỗ Hà.

Hiện nay hắn đột nhiên phát hiện, kỳ thực hắn còn có một lựa chọn khác.

Từ khi phát hiện ra những giả phật trong Hoằng Phúc tự, Đỗ Hà đã biết việc này quan hệ đến dân tâm bách tính Trường An, chắc chắn đã không phải một chuyện nhỏ, vì vậy quyết định hủy bỏ hành trình hôm nay, tiến cung báo cáo tất cả.

Cao Dương đương nhiên bất mãn không thích, liên tục lầm bầm.

Trường Nhạc khuyên bảo không có kết quả, Đỗ Hà bất đắc dĩ, đành đáp ứng lần sau đưa nàng ra ngoài chơi.

Lúc này Cao Dương mới vui vẻ ra mặt, lộ vẻ đắc ý, thân là nữ tử hoàng gia, nàng sớm biết cái gì là công sự hàng đầu.

Đúng như Đỗ Hà suy nghĩ, hắn mới đưa Trường Nhạc, Cao Dương đến cửa cung, Lý Thế Dân đã cho triệu kiến.

Đi tới Thừa Khánh điện, đứng ở cửa, Đỗ Hà đã ngửi thấy trong điện nồng nặc mùi thuốc súng.

Chuyện này hiện giờ không chỉ là vấn đề hòa thượng xa hoa lãng phí, mà cùng với đại thế đã dần dần liên lụy đến tranh chấp Phật Đạo Nho.

Trung Quốc có nền văn hóa lâu dài xán lạn, bắt nguồn từ xa xưa, dung hợp hấp thu văn hóa Phật giáo từ bên ngoài, biểu hiện văn hóa Trung Hoa biết tiếp thu dung nhập. Nhưng Phật giáo lúc đầu từ Tây Hán truyền vào Trung Quốc, trở thành một bộ phận không thể phân cách của văn hóa Trung Quốc cũng không hề thuận lợi. Tranh chấp giữa Phật Đạo Nho, ngay từ khi bắt đầu đã không ngừng nghỉ.

Bắt đầu Hán Vũ Đế độc tôn nho thuật, khiến nho học vô cùng phát triển, tiến triển cực nhanh.

Đạo giáo cố nhiên không bằng nho gia, nhưng Lão Tử và Khổng Tử lại có thành quả to lớn về mặt lý luận, cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng, phát triển cố nhiên không bằng nho học, nhưng cũng hiện ra thế tranh chấp.

Khi Phật giáo được truyền lưu vào Trung Quốc, thế lực nhỏ yếu, không thể so sánh với Đạo giáo và Nho giáo, phải dựa vào thế lực của Nho, Đạo để phát triển chính mình. Thời kỳ này, tư tưởng “Di Hạ chi biện” mới bắt đầu manh nha, thể hiện trong cuốn “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử những năm cuối Đông Hán, trong quá trình phân tích hiểu lầm và hoang mang của người đương thời đối với Phật giáo, Mâu Tử đề cập nho sinh dùng vấn đề “Di Hạ” để gây khó dễ cho Phật giáo, Mâu Tử cũng đưa ra ứng áp có căn cứ đối với vấn đề này. Nhưng lúc này Phật giáo giống như nàng dâu chịu ủy khuất, bị đánh mà không dám hoàn thủ, chỉ nhẹ giọng nhỏ nhẹ giải thích.

Nhưng theo sự lớn mạnh dần dần của Phật giáo, đến thời kỳ Đông Tấn đã triển khai phản kích.

“Hán Pháp Bản Nội Truyện” của giới tăng lữ chính là một trong những vũ khí phản kích, còn có rất nhiều tác phẩm kinh điển do các hòa thượng sáng tác, xưng phật, cũng chính là nói Thích Ca Mâu Ni là lão tử đồng thời cũng là lão sư của Khổng Tử, thậm chí là trưởng bối. Trong những tác phẩm này đều chỉ rõ tổ sư của Nho Đạo đều là đệ tử của Phật hóa thân, nói cách khác văn hóa Nho Đạo của Trung Quốc đều là từ Phật học diễn biến tới.

Đối mặt với loại chuyện hoang đường này. Nho Đạo đương nhiên triển khai phản kích có lợi.

Nhiều Nho gia từ góc độ trị quốc an dân tiến hành phê bình Phật giáo, thờ Phật xây chùa, khiến đất nước bần cùng, tăng ni tăng vọt, khiến người lao dịch đóng thuế cho quốc gia giảm bớt, tăng ni rời bỏ gia đình xuất gia, không cần thê tử, vi phạm luân lý cương thường của Nho gia, giáo lý của Phật giáo vô căn cứ, tiến hành lừa dối dân chúng.

Còn Phật gia cũng không cam lòng tỏ ra yếu kém, từng bước tiến hành bác bỏ, chỉ ra Phật giáo tiến hành giáo hóa dân chúng xã hội, có lợi cho trị quốc, thông qua cá nhân xuất gia tu hành mà khiến linh hồn của tổ tiên thân thuộc siêu thoát khổ hải, cũng là biểu hiện của tận hiếu. Phật giáo và lễ nghi thế tục khác nhau, lấy đoạn trừ tình lụy làm chí hướng, bỏ vợ cạo tóc, xuất gia tu hành, là không thể dị nghị.

Nhưng bách tính quân vương Trung Quốc đại thể đều rất lý tính, kéo dài tranh chấp của tam giáo Phật, Đạo, Nho, cuối cùng chỉ giới hạn trong phạm vi quân tử dùng động khẩu không động thủ. Cho dù có sát hại, cũng chỉ trừng phạt mấy vị bị coi là đầu đảng, giống như Tề Văn Đế sùng Phật tuyên bố diệt Đạo giáo, chỉ giết bốn gã đạo sĩ không chịu cắt tóc. Chu Võ Đế diệt phật, còn chưa từng giết một vị tăng nhân nào.

Đây là vì nền văn hóa truyền thống Trung Quốc cho phép. Nho gia cổ đại chú ý trung dung, khoan dung, Đạo gia chú ý thanh tĩnh vô vi, còn Phật giáo thì càng chú trọng hòa bình và bình đẳng, không giống chiến tranh tôn giáo phương tây, kéo dài mấy chục năm, thậm chí mấy trăm năm.

Tranh đấu ba bên đến thời kỳ Đường triều mới tạm lắng.

Đường triều hoàn toàn có thể nói là quốc gia khai sáng nhất trong lịch sử Trung Quốc, bọn họ đều dùng thái độ tiếp nhận hòa hảo để tiếp thu nền văn hóa các tộc.

Ở Đường triều, ngươi có thể đánh môn Pô-lo từ Thổ Phiên truyền đến, mặc y phục của người Hồ phương bắc, xem ca vũ Tây Vực...

Chỉ cần ngươi muốn, ngươi có thể ở Đại Đường, ở Trường An cảm nhận đủ loại phong tình dị tộc.

Tranh chấp giữa tam giáo Phật, Đạo, Nho cũng vì loại khí độ này mà giảm bớt, Lý Thế Dân không có thiên vị bên nào, bình thường chỉ cần bọn họ không gây chuyện, thì có thể truyền giáo ở Đại Đường.

Nhưng vụ án Hoằng Phúc tự, vừa vặn phá vỡ tư thái hòa bình này.

Lý Thế Dân có địa vị rất cao trong lịch sử, ngoại trừ sau này có hơi xa hoa lãng phí, còn trong giai đoạn trước, đối với bách tính vô cùng chiếu cố. Còn Hoằng Phúc tự lại lừa gạt mồ hôi nước mắt của nhân dân, lấy tiền tài của bách tính đi tiêu xài xa xỉ, đã chạm đến điểm giới hạn của Lý Thế Dân, khiến mặt rồng giận dữ.

Sau khi nhận được bẩm báo của Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Lý Thế Dân tức giận đập bàn đến mức tay sưng lên, lập tức triệu kiến quần thần thương nghị việc này.

Trước khi Đỗ Hà đến Thừa Khánh điện, hội nghị đã bắt đầu.

Những văn sĩ chính thống như Ngụy Chinh, Trử Toại Lương vốn có lòng xem thường Phật giáo sâu sắc, đối mặt với đám hòa thượng này, lập tức triển khai cơn sóng tấn công, dùng ngôn từ hạ thấp Phật giáo đến tận cùng.

Tín đồ phật giáo trong triều như Tiêu Vũ cũng không ít, bọn họ đương nhiên không cam lòng tỏ ra yếu kém, ngôn từ sắc bén triển khai đánh trả.

Tranh chấp Phật Nho càng ngày càng quyết liệt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.