Đại Đường Song Long Truyện

Chương 25: Chương 25: Âm Mưu Ngụy Kế




Hai gã ép sát người xuống đất, cẩn thận tiền về phía chiến trường.

Đi qua một rặng rừng thưa, đến được góc đông bắc của chiến trường thì hai gã bị phát hiện, từ trong bụi cỏ xông ra sáu bảy tên Tuỳ binh, tay cầm trường kiếm, miệng hò hét ầm ĩ, bổ người lao tới như hổ đói vồ mồi.

Một bên khác sớm đã hình thành trận thế, một đội kỵ binh chừng năm mươi người cũng nghe tiếng mà vung mâu phi tới.

Sau trận chiến vừa rồi, sự sợ hãi của hai gã với địch nhân đã giảm đi rất nhiều, thấy thế địch như núi nhưng cũng chẳng nói một lời, xông lên huy đao chém mạnh.

Nghĩ đến thôn làng bình yên bị dìm trong khói lửa, những con người vô tội bị tắm máu kia, sát cơ lại trào dâng trong lồng ngực hai gã, đao đi tới đâu là Tuỳ binh ngã xuống tới đó, khí thế bốc cao ngút trời.

Lúc này quân kỵ của địch nhân đã tới, hai gã liền triển khai khinh công, lẩn vào đám cây thấp giữa đồng cỏ, khiến cho chúng không thể truy theo. Đợi cho đám kỵ binh kia lui lại, hai gã lại xông ra thảo nguyên. Một đội cung tiễn thủ và đao phủ binh không ngờ địch nhân lại bất ngờ xông ra một cách vô thanh vô tức như vậy, bị hai gã đánh ngã mấy người dễ như chặt rau chém chuối, vậy mà còn tưởng rằng viện binh của đối phương đã đến, cả đội hình rối loạn như mớ bồng bong.

Mấy cây đuốc rơi xuống đồng cỏ, lập tức bốc cháy phừng phừng, lửa lan dần ra bốn phía xung quanh.

Hai gã vẫn còn chưa biết trận lửa này chính là ân nhân cứu mạng của mình.

Nguyên lai, số lượng Tuỳ binh ở khu vực này lên tới gần ba ngàn, trong đó cũng không ít hảo thủ có võ công cao cường, phải lúc bình thường, thì dù là kẻ võ công cao cường như Đỗ Phục Uy cũng phải lực chiến thân vong, huống hồ là hai tên tiểu tử không có kinh nghiệm như hai gã.

Khấu Trọng lớn giọng gào lên: "Chạy hướng này!" Năm tên Tuỳ binh lao lên ngăn lại, Từ Tử Lăng hậu phát tiên chế, bổ người lên phía trước, trường đao khẽ rung lên, thi triển chiêu Sinh Tử Tồn Vong trong Huyết Chiến Thập Thức, đao pháp như cự lãng cuồng phong, kình khí tung hoành. Một tên Tuỳ binh lập tức táng mạng đương trường. Một tên khác bị kình phong của gã quét cho bay ra xa, ba tên còn lại thấy vậy thì hét lên một tiếng, quay người tháo chạy.

Hai gã trước giờ đâu từng nếm qua mùi vị oai phong nhường này, cao hứng kêu lên mấy tiếng, xông thẳng đến vùng trung tâm của chiến trường.

"Đang!".

Đột nhiên một người lướt tới trước mặt Khấu Trọng, song kiếm tả hữu vung lên chặn đứng gã lại.

Cả Từ Tử Lăng cũng bị đối phương đẩy lui.

Từ lúc giao chiến đến giờ, đây là lần đầu tiên hai gã gặp phải địch nhân mạnh đến vậy.

Vô số Tuỳ binh ùn lên ở phía sau hai gã, miệng hò hét vang trời.

Người vừa bức lui hai gã là một viên tướng lĩnh của quân Tuỳ, chỉ thấy y tức giận gầm lên: "Băm vằm hai tên tiểu tử này thành thịt vụn cho ta!" Lúc này ở trên ngọn đồi nhỏ ở phía bên kia đồng cỏ, gần hai trăm thanh y đại hán đang dùng cung tiễn bảo vệ một bạch y mỹ nữ tóc dài quá vai.

Mỗi lần mỹ nữ phát ra một đạo mệnh lệnh là ba tay thủ hạ phụ trách đăng hiệu lại huy động ba ngọn đèn lồng được treo trên cành tre, chỉ huy các võ sĩ thanh y trên chiến trường công thủ tiến thoái.

Phía sau mỹ nữ có bốn người đang đứng, chỉ cần nhìn thần thái khí độ của họ cũng biết đều là hạng cao thủ, một người lùn mập râu rậm, một đại hán cao như thiết tháp, một nam tử thân vận nho phục và một trung niên phụ nhân thân hình to lớn, mặt mũi xấu xí.

Mỹ nhân tóc dài ngạc nhiên thốt: "Thật kỳ quái! Tại sao phía Đông Nam của địch nhân lại có hiện tượng rối loạn? Là người nào đến cứu viện chúng ta vậy?"

Cả bốn người liền dõi mắt nhìn sang phía ấy, nhưng không hề cảm thấy có điều gì dị dạng.

Mỹ nhân tóc dài chăm chú nhìn về phía Đông Nam rồi nói: "Nhìn bề ngoài thì không thể thấy được, ta cũng chỉ là nhìn kỳ hiệu đối phương huy động mà đoán ra phần nào thôi. Nếu rồi loạn này lớn thêm chút nữa, chúng ta sẽ có thể lợi dụng để đột phá trùng vây, nói không chừng còn có thể dành phần thắng nữa đó!" Nho phục nam tử lộ ra thần sắc khâm phục, cung kính nói: "Tiểu thư học cứu thiên nhân, tinh thông binh pháp, hơn nữa còn có tầm nhìn sâu rộng, đích thực không ai có thể so bì". Xú phụ lúc này cũng cất tiếng: "Theo tôi thấy nếu thực sự có viện binh tiếp cứu, chúng ta nên đột phá vòng vây trước, sau đó mới tính kếp hản kích sau, tiểu thư là thiên kim chi thể, tuyệt đối không thể làm chuyện mạo hiểm". Vừa mới mở miệng, những người khác đã phải nhíu mày vì giọng nói the thé giống như loài chim ăn đêm, vô cùng khó nghe của mụ.

Nhưng người lùn râu rậm lại rất tán đồng ý kiến của mụ: "Lúc Lý công phái chúng tôi đến bảo vệ tiểu thư, đã từng dặn dò rằng vạn sự đều lấy sự an nguy của tiểu thư làm trọng". Ngọc dung thanh lệ vô bì của mỹ nữ tóc dài thoáng hiện vẻ không vui, nhưng ngữ khí vẫn ôn nhu uyển chuyển, nhạt giọng nói: "Ta thân làm thống soái, lúc lâm nguy làm sao có thể chỉ lo cho bản thân mình được?

Huống hồ binh bại như núi đổ, nếu chúng ta không thể ngăn cản đạo quân tinh nhụê này của Tần Thúc Bảo, để y công nhập Phù Xuân, muốn đoạt lại e rằng còn khó hơn lên trời nữa". Lời còn chưa dứt thì phía Đông Nam đã có ánh lửa bốc lên.

Mỹ nữ tóc dài lập tức cảm nhận được sự hỗn loạn thông qua những biến hóa rất nhỏ trong thế trận của quân địch.

Nên biết mặt Đông Nam chính là bộ chỉ huy chiến trường của tướng soái quân địch, nhất cử nhất động đều có thể ảnh hưởng đến toàn quân, không giống như những nơi khác, dù có xảy ra đột biến cũng không ảnh hưởng toàn cục.

Bốn người phía sau mỹ nữ tóc dài lần lượt rút binh khí ra, bảo vệ nàng lên chiến mã, hơn hai trăm người bên dưới ngọn đồi nhỏ và hai đội chiến binh gần ngàn người cùng lúc xông vào giữa chiến trận, triển khai một trận quyết chiến toàn diện với quân địch.

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng lúc này đang lâm vào cảnh khổ chiến, muốn tiến chẳng được, mà muốn thoái cũng chẳng xong, đột nhiên lại thấy Tuỳ binh giãn ra bốn phía, thì ra một đội thanh y võ sĩ đã thúc ngựa lao tới, đẩy dạt đám binh lính đang vây chặt hai gã.

Cả hai mừng như phát cuồng, cộng thêm sức đã cùng lực đã kiệt, nên vội vàng tung mình lao vào giữa đám lửa phừng phừng, nín thở tả xung hữu đột một hồi, chạy ra khỏi chiến trường đẫm máu.

Chạy đến một chóp núi thấp thì cả hai cũng không còn sức để chạy tiếp nữa.

Tiếng hò hét chém giết lẫn nhau trên chiến trường vẫn liên tiếp truyền lại như sóng xô bờ, liên miên bất tuyệt.

Khấu Trọng thở dài nói: "Từ sau trở đi không làm chuyện ngu ngốc như vậy nữa, hảo hán không đánh lại đông người, chúng ta tuy là hảo hán chính hiệu, nhưng đối phương đông quá, ngươi có hiểu không?" Từ Tử Lăng nói: "Tên tướng quân kia không biết là nhân vật phương nào mà lợi hại vậy, cũng may chúng ta nhanh nhẹn, bằng không bị y cho một kiếm táng mạng đương trường rồi". Khấu Trọng hừ lạnh nói: "Hắn ta thì là cái thá gì chứ, chúng ta đánh thêm vài trận nữa, đảm bảo có thể thắng được hắn cho xem!" Từ Tử Lăng thấy toàn thân gã cũng toàn máu giống như mình, liền hỏi: "Có bị thương chỗ nào yếu hại không?"

Khấu Trọng lắc đầu đáp: "Bị thương chỗ yếu hại mà còn chạy được đến đây ư? Những câu nói mâu thuẫn như vậy đúng là chỉ có tên tiểu tử ngươi mới nói ra được thôi! Đúng rồi! Hay là để ta xem vết thương của ngươi trước". Từ Tử Lăng lắc đầu nói: "Có gì hay đâu mà xem! Xem rồi thì làm sao cứu? Cũng may là chúng ta có thần công đại pháp tự trị liệu thương thế, chi bằng ngủ mẹ nó một giấc, sáng mai rồi tính sau!" Khấu Trọng gật đầu đồng ý rồi mệt mỏi ngã phịch người xuống đất, chẳng bao lâu sau thì cả hai gã cùng tự động khởi vận nội tức, tiến nhập cảnh giới vật ngã lưỡng vong.

Từ Tử Lăng như có cảm giác gì đó, mở bừng hai mắt, còn Khấu Trọng vẫn nằm trong bãi cỏ, ngủ say như chết.

Gã duỗi dài tứ chi, giờ mới cảm thấy trên mình có tới bảy tám vết thương, chỗ nào cũng đau rát như bị xát muối.

Mặt trời đã lên đến lưng chừng trời, bốn bề hoa cỏ ngát hương, chim chóc hát ca, vùng núi trở nên thanh bình và yên ả hơn bao giờ hết. Trận chiến tối qua dường như chỉ là một cơn ác mộng không có thật, nếu như không phải khắp mình mẩy vẫn còn đau ê ẩm, nhất định gã sẽ cho rằng chưa từng xảy ra chuyện chém giết gì ở đây.

Trong sát na ngắn ngủi, Từ Tử Lăng dường như đã nắm bắt được một nguyên lý thâm ảo vĩnh hằng nào đó của đại tự nhiên, chỉ là gã không thể nào dùng lời để miêu tả ra được mà thôi.

Gã cảm thấy tâm bình khí hoà, tinh thần sảng khoái vô cùng.

Trải qua trận chiến tối qua, không ngừng vật lộn với tử thần bên bờ vực của cái chết và sự sống, gã cảm nhận được mình đã bước vào một giai đoạn mới của đời người. Tất cả những nguy hiểm và khổ nạn chỉ là những quá trình và giai đoạn cần phải trải qua để rèn luyện, để trưởng thành.

Khấu Trọng thúc mạnh cùi chỏ vào gã một cái, cười hì hì nói: "Ngươi ngẩn người ra nghĩ cái gì thế?" Từ Tử Lăng ngồi dậy, chau mày nhìn những vết máu trên thân thể mình và bộ y phục rách nát nhem nhuốc tro bụi, cười khổ nói: "Ta đang nghĩ đến một bộ y phục sạch sẽ và một bữa cơm thật ngon, những cái khác thì có thể bỏ qua cũng được". Khấu Trọng lồm cồm bò dậy, đưa mắt nhìn trái phải trước sau một hồi, chán nản nói: "Tiểu đệ! Chúng ta hoàn toàn mất phương hướng rồi, Bành Thành không biết là ở hướng Đông hay hướng Tây nữa? Phải làm sao bây giờ? Có nên đi bừa một hướng để thử vận khí không?" Từ Tử Lăng nói:

"Trọng thiếu gia, tại sao ngươi đột nhiên lại hồ đồ vậy? Bành Thành lớn như vậy, tất nhiên là phải có đường quan đạo thông đến đó rồi, chỉ cần chúng ta quay lại con đường lớn tối qua, gặp người thì hỏi đường, thế nào chẳng tìm được con đường chính xác chứ?" Khấu Trọng cười cười nói: "Nói đúng lắm! Đi thôi!" Hai gã tìm một đoạn mây rừng tuỳ tiện buộc trường đao vào sau lưng, rồi dựa vào ký ức quay lại thị trấn vừa trở thành đống gạch vụn hoang tàn tối hôm qua.

Chạy như điên chừng bảy tám dặm, hai gã mới từ từ chậm bước, quan sát địa hình xung quanh.

Khấu Trọng cười khổ nói: "Xem ra chúng ta lạc đường thật rồi, bằng không bây giờ đã phải thấy thị trấn đổ nát đó rồi chứ, nơi này trước không thấy người, sau chẳng thấy thôn làng, muốn tìm ai để hỏi đường cũng không được! Ồ! Đó là cái gì vậy?" Từ Tử Lăng sớm đã để ý thấy có khói bốc lên ở phía chân núi, vui mừng nói: "Mặc kệ là cái gì, chúng ta đến đó xem cho rõ rồi tính sau". Nói đoạn, hai gã liền chạy xuống núi, nhìn thì tưởng không xa lắm, ngờ đâu hai gã đi đến tận hoàng hôn mới tới nơi, thì ra đó là một ngôi làng nhỏ.

Khói lượn lờ bốc lên từ một căn nhà ngói trong làng, chắc hẳn là có người đang nhóm bếp nấu cơm.

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng cảm thấy lo lắng cho người trong làng, khu vực này cách chiến trường không xa lắm, nếu như để mấy tên Tuỳ binh cầm thú không bằng đó đến dây, chẳng phải người trong thôn sẽ đại nạn lâm đầu hay sao?

Chẳng mấy chốc, hai gã đã đến cổng làng, chỉ thấy nơi đây chỉ có ba mươi hộ gia đình, nhà cửa lưa thưa, không khí yên ắng lạ thường, chẳng hề có tiếng gà kêu chó sủa như những thôn làng bình thường khác.

Hai gã cảm thấy rất bất bình thường.

Khấu Trọng nói: "Thôn làng này nhà nào nhà nấy đều đóng cửa kín mít, xem ra người dân sớm đã bỏ đi chạy nạn từ lâu rồi, căn nhà đang đốt lò kia có thể là do người qua đường mượn tạm để nấu cơm, chúng ta có nên đến thử vận khí không? Nếu gặp chuyện bất ổn, có thể bỏ chạy mà, dựa vào khinh công của chúng ta, ta nghĩ không có vấn đề gì đâu!" Từ Tử Lăng vỗ vỗ cây trường đao sau lưng, cười ha hả nói: "Thiên quân vạn mã chúng ta còn không sợ, còn sợ mấy người qua đường này sao? Nếu như là thương lái, chúng ta còn có thể xin một bát cơm ngon lành mà ăn, hoặc tạm thời làm bảo tiêu kiếm chút vốn đi tìm Tố Tố tỷ cũng được mà". Khấu Trọng vỗ ngực nói: "Hà...chút nữa thì ta quên mất chúng ta cũng là nhất lưu cao thủ! Nào! Đi thôi!" Nói đoạn nhấc chân bước vào thôn làng.

Căn nhà có khói bốc lên là căn nhà lớn nhất trong thôn, trước nhà còn có một khoảng sân rộng nữa, nhưng các cửa sổ và cửa chính đều đóng kín như bưng.

Cả căn nhà toát lên một vẻ thần bí kỳ lạ, lạ một điều là không hề nghe thấy tiếng động gì cả.

Khấu Trọng lớn giọng gọi: "Có người không?" Gã gọi mấy tiếng liền, nhưng đều không có ai đáp lời.

Từ Tử Lăng cảm thấy không rét mà run, huých nhẹ Khấu Trọng nói: "Hay là bỏ đi thì hơn". Khấu Trọng mỉm cười nói: "Ngươi quên thân phận chúng ta là võ lâm cao thủ rồi hay sao? Chúng ta thử vào xem sao, nói không chừng người đã đi rồi, nhưng vẫn còn để lại hai bát cơm trắng cho chúng ta ăn đấy". Nói đoạn liền đi thẳng tới phía trước, giơ chân đạp mạnh, làm cánh cửa bật mở.

Hai gã nhảy vào trong nhà, thấy khách sảnh còn đủ thứ gia cụ, chỉ là bụi đất phủ lên một lớp dầy, góc tường còn giăng đầy mạng nhện, hiển nhiên là đã bỏ hoang lâu ngày.

Hai gã không khỏi cảm thấy kỳ lạ, đi xuyên qua khoảng sân rộng, tiến vào khu nhà sau mới phát hiện ra bên trong không có lấy một bóng người, chỉ không biết ai đã đốt lò trong bếp, làm cho khói lửa bốc cao dẫn dụ hai gã đến đây, lúc này thì lửa đã nhỏ dần, sắp tàn đến nơi.

Từ Tử Lăng đang cẩn thận quan sát các dấu vết, thì có tiếng Khấu Trọng ở sau lưng vang lên: "Tiểu Lăng mau ra đây! Ngươi tìm thấy nửa mộng tưởng của mình rồi này!" Từ Tử Lăng đâu có thời gian nghĩ ngợi ý tứ sâu xa trong lời nói của gã, vội vàng chạy ra, vừa mới đặt chân vào cửa phòng đã thấy một đám mây đen bay tới, gã vội đưa tay ra bắt lấy, thì ra là một bộ y phục đen bằng vải đay.

Chỉ thấy Khấu Trọng đã kéo ra một chiếc rương lớn ở dưới gầm giường, bên trong có một đống y phục. Gã lấy hết ra rải đầy lên giường, chọn cái này nhặt cái kia lên thử ướm vào người.

Hai gã vui mừng mặc y phục mới vào, cảm giác hoàn toàn mới lạ, chỉ là dạ dầy lại kêu lục bục mới biết chỉ đẹp không thì chưa đủ. Lúc này trời đã tối dần, hai gã lục tung cả căn nhà lên cũng không tìm thấy nửa hạt gạo hay lúa mì gì cả.

Khấu Trọng nói: "Thôn trang nào cũng có vườn quả, ngươi ở đây lau dọn giường chiếu, ta đi tìm chút quả về ăn lót dạ vậy. Nơi đây có đầy đủ vật dụng, chúng ta tạm tá túc một đêm, đợi mai trời sáng rồi mới lên đường". Từ Tử Lăng gật đầu đồng ý, rồi chia nhau ra hành sự.

Chừng nửa khắc sau, Khấu Trọng quay lại mang theo một con gà trống lớn, hớn hở nói: "Thì ra vẫn còn một số gia súc ở đây! Hì! Phía sau còn có một bãi tha ma lớn, quá nửa đều là mộ mới, xem ra những người ở đây không hề bỏ đi, có lẽ là bị nhiễm bệnh dịch chết cả rồi!" Từ Tử Lăng thở hắt ra một hơi nói: "Vậy thì quần áo chúng ta đang mặc cũng là.". Khấu Trọng xách con gà vào trong sân, ngoái lại nói: "Ít nhất cũng còn một người chưa chết, không thì lấy đâu ra người chôn cất cho họ, nói không chừng chính người đó đã nhóm lò lên đấy!" Vẻ bề ngoài Khấu Trọng tỏ vẻ không hề sợ hãi, coi trời bằng vung nhưng kỳ thực bên trong cũng thầm run sợ, lập tức đồng ý với đề nghị của Từ Tử Lăng, di chuyển sang một căn phòng khác nhỏ hơn. Đợi hai gã ăn no bụng thì đột nhiên có một trận gió nổi lên, hai gã không dám chạm vào giường chiếu, đành đóng hết cửa lại, nằm dựa lưng vào góc tường nghỉ ngơi, nỗi sợ hãi trong lòng tuy lớn, nhưng cuối cùng cũng không địch lại cơn buồn ngủ và mệt mỏi, hai gã dần dần chìm vào giấc ngủ.

Đến nửa đêm, hai gã bất chợt tỉnh dậy.

Cả hai đang kinh hãi ngồi dậy thì tiếng vó ngựa dồn dập vang lên bên ngoài.

Hai gã vội lồm cồm bò dậy, dịch người ra sát cửa sổ, nhìn ra ngoài.

Chỉ thấy một đám người đang cưỡi kiện mã tiến vào trong thôn, kình trang võ phục, chỉnh tề, lưng đeo cung tiễn, dáng vẻ thô hào hoang dã, không giống như người Trung Thổ.

Đám người này ước chừng hơn ba chục người, trong đó có một người thân hình đặc biệt hùng vĩ, lưng đao một chiếc rương lớn hình chữ nhật dài chừng ba thước, nhưng bước chân vẫn nhẹ nhàng như không.

Khi vào đến giữa thôn, đại hán đeo rương kia liền nhẹ nhàng tung mình xuống ngựa, đặt ngang chiếc rương xuống giữa đường, người khác cũng lần lượt xuống ngựa.

Một hán tử cao gầy có vẻ như là thủ lĩnh vẫn ngồi yên trên yên, đưa tay ra hiệu cho những người khác đi xung quanh lục soát, ngoại trừ đại hán đeo rương, những người còn lại liền nhanh chóng tả ra, chia nhau đạp cửa các căn nhà trong thôn.

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng thấy đám người này thân thủ nhanh nhẹn, hành động dứt khoát, xem ra đều là hạng võ nghệ cao cường, sợ đến thất hồn, quên mất bản thân hai gã cũng là võ lâm cao thủ, vội vàng nhảy lên xà nhà, nấp vào khoảng trống giữa mái ngói và xà nhà.

Tiếng bước chân bên dưới đến rồi lại đi, đi rồi lại đến, tiếp đó là một thanh âm của vật nặng rơi bịch xuống đất, hai gã không nén nổi tò mò, liền thò đầu ra quan sát, thì ra đám người kia đã vác rương vào trong nhà, đặt ngay bên dưới chân hai gã, lúc này mới phát hiện trên nắp rương có đục hơn chục chiếc lỗ nhỏ, không biết để làm gì.

Bốn gã đại hán chia nhau canh gác bốn phía tiền hậu tả hữu, thần sắc khẩn trương lạ thường.

Tiếp đó lại có một người khác bước vào phòng, hai gã vội vàng rụt đầu lại, bế mọi hô hấp bằng mũi và miệng, vận dụng nội tức, không dám phát ra bất kỳ tiếng động nhỏ nào.

Những người bên dưới dùng một thứ ngôn ngữ mà hai gã chưa từng nghe bao giờ nói nhanh mấy câu, khiến hai gã thêm một lý do nữa để khẳng định đám người này nhất định đến từ bên ngoài Trung Thổ, cũng càng cảm thấy nghi hoặc khó hiểu.

Những người bên dưới đột nhiên ngưng nói chuyện.

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đợi thêm một hồi lâu mới nghe thấy bên ngoài thôn vang lên tiếng vó ngựa lại càng thêm đề tâm cảnh giác, không dám lộ ra cứ hình tích thanh âm nào, bởi thính giác của mấy người đến từ ngoại vực này rõ ràng là cao hơn hai gã đến mấy bậc.

Đám người lạ lại nói thêm mấy câu nữa, rồi cùng nhau bước ra ngoài.

Khấu Trọng đưa tay viết lên lưng Từ Tử Lăng: "Bên trong rương kia nhất định là có người, nếu không đâu cần đục lỗ thông khí làm gì?" Từ Tử Lăng khẽ gật đầu đồng ý.

Lúc này lại có thêm một đội nhân mã khác vào thôn, nghe tiếng vó ngựa, có lẽ số lượng cũng tương đương với đám người trước.

Tiếng vó ngựa đột ngột dừng lại.

Một giọng nam nhân vang lên: "Tổ Quân Ngạn, thuộc hạ Bồ Sơn Công, kính chúc Thuỷ Tất Khả Hãn của quý quốc long thể khang an". Thủy Tất Khả Hãn chính là đại hãn của Đột Quyết.

Một tràng cười dài vang lên: "Thì ra là Tổ Quân Ngạn tiên sinh nức tiếng văn võ song toàn trong đám thuộc hạ của Mật Công, không biết thứ mà đại hãn chúng ta cần, tiên sinh đã mang đến hay chưa?" Tổ Quân Ngạn ung dung đáp:

"Dám hỏi tại hạ nên xưng hô với tướng quân thế nào?" Một thanh âm mạnh mẽ vang lên từ phía người Đột Quyết: "Người ta thường nói Tổ Quân Ngạn biết nhiều hiểu rộng, trí nhớ siêu phàm, là nhân vật kiến đa thức quảng, dưới trướng Mật Công chỉ đứng sau có mình Tiếu Quân Sư Trầm Lạc Nhạn, làm sao mà ngay cả Nhan tướng quân của chúng ta cũng không nhận ra vậy?" Tổ Quân Ngạn mỉm cười nói: "Thì ra là Song Thương Tướng Nhan Lý Hồi tướng quân, vậy thì vị bằng hữu này tất phải là Hãn Sư Thiết Hùng rồi, tại hạ thất kính, thất kính!" Nhan Lý

Hồi hừ lạnh nói: "Bớt những lời thừa đi, đồ vật ở đâu?" Tổ Quân Ngạn vẫn điềm nhiêm nói: "Tại hạ muốn thấy tiểu thư trước, rồi mới đưa ra bảo vật, đây là lệnh của Mật Công, mong tướng quân nể mặt!:

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng ở trên xà nhà nghe mà chấn động trong lòng, tiểu thư mà Tổ Quân Ngạn nói liệu có phải là chủ nhân của Tố Tố? Bởi vì Tố Tố chính là bị người ta tập kích bất ngờ nên mới bị thất tán với chủ nhân, lưu lạc xuống tận vùng Giang Nam.

Hai gã nghĩ đến chiếc rương lớn phía dưới.

Hòn ngọc trên tay Đại Long Đầu Trác Nhượng lẽ nào đang ở trong đó?

Khấu Trọng lại viết lên lưng Từ Tử Lăng: "Tìm cơ hội cứu người!"

Chỉ nghe Nhan Lý Hồi cười lạnh nói: "Bảo vật đến tay, ta tự nhiên sẽ thả người. Nếu tiên sinh còn không đưa bảo vật ra, thứ Đại Long Đầu nhận được e rằng chỉ là thi thể của ái nữ mà thôi, trách nhiệm sẽ đổ cả lên đầu Tổ tiên sinh đó!" Tổ Quân Ngạn cười dài nói: "Hòa Thị Bích đang nằm trong bao phục sau lưng Tổ mỗ, chúng ta một tay giao đồ một tay giao người, chuyện này chúng ta đã nói từ trước, nếu như giữa chừng có thay đổi, trách niệm này nên thuộc về Nhan tướng quân mới đúng". Khấu Trọng và Từ Tử Lăng như được vén màn mây mờ che mắt, giờ mới biết bảo vật trao đổi chính là Hòa Thị Bích danh truyền thiên cổ.

Chính vào lúc này, bên dưới đột nhiên có dị biến.

Cánh cửa sau đột nhiên vỡ vụn ra thành từng hạt nhỏ, hai gã cao thủ Đột Quyết đang canh phòng chưa kịp xuất chiêu thì người đã bị bốc lên khỏi mặt đất, khí tuyệt đương trường. Khi hai gã còn lại phát giác thì một bóng đen đã bay lướt qua đầu, vung tay chộp thẳng vào thiên linh cái. Điều đáng sợ nhất là vô luận cửa vỡ, thi thể bay lên rồi hạ xuống, tay không giết người tất cả đều diễn ra một cách vô thanh vô tức, tựa hồ như những quy luật thông thường không thể ảnh hưởng đến con người này vậy. Khấu Trọng và Từ Tử Lăng biết võ công người bên dưới đã nhập hóa cảnh, hơn nữa còn thuộc loại cực âm cực nhu, hành động nhanh như loài quỷ mị, chỉ trong nháy mắt trước khi những mảnh vụn của cánh cửa rơi xuống đất đã giết chết bốn cao thủ Đột Quyết canh giữ chiếc rương.

Đầu óc hai gã trống rỗng, không dám nhìn thêm nữa, ngay cả vận hành nội tức dường như cũng bị chậm lại.

Nếu không phải huyền công độc nhất vô nhị của Trường Sinh Quyết khi vận hành có thể làm những thứ làm cao thủ cảnh giác như hô hấp, mạch đập và tiếng tim đập chậm lại thậm chí dừng hẳn lại giống như rơi vào trạng thái tử vong thì e rằng hai gã đã sớm bị người ta phát hiện từ lâu rồi.

Võ công của người mới đến tuyệt đối không kém Đỗ Phục Uy.

"Kẹt!".

Nắp rương được mở bật lên.

Người kia khẽ kêu lên một tiếng kinh ngạc, tiếp đó là tiếng giao kích của khí kình, sau đó là một loạt những tiếng nổ ầm ầm như sấm.

"Ầm!".

Một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên, bức tường bên tả gạch đá bắn tung toé, thì ra đã bị người kia đánh vỡ để xông ra, chỉ thấy y hú lên một tiếng kinh thiên động địa, nhanh chóng lao ra, khí thế kinh người, cả gian phòng run lên bần bật như sắp sập.

Sa thạch bắn tung toé lên người hai gã Khấu, Từ, tuy rằng cả hai đều có chân khí hộ thể, nhưng vẫn đau đớn khó chịu vô cùng.

Hai gã cuối cùng vẫn không nén nổi tò mò, thò đầu xuống tiếp tục quan sát.

Chỉ thấy chiếc tương giờ đã thành một đống những mảnh vụn, những đồ gia cụ trong nhà cũng biến cả thành gỗ vụn, Một nam tử dáng vẻ hùng vĩ như trái núi đứng giữa phòng, thân vận hắc bào đen kịt, mặt hướng về phía lỗ hổng trên tường, đang nhắm mắt ngưng thần điều tức.

Từ góc độ của hai gã nhìn xuống, tuy không thể thấy rõ được đôi mắt hắn, nhưng lại có thể nhìn rất rõ tấm mặt nạ quỷ kinh hồn đáng sợ mà hắn đang đeo.

Tiếng gió nổi lên, mấy người khác lần lượt từ các phía trước sau xông tới, khiến hai gã sợ đến nỗi vội vàng rút đầu lại.

Thanh âm Tổ Quân Ngạn vang lên đầu tiên: "Y thọ thương rồi!" Con người này bất chợt khiến hai gã cảm thấy quái dị và hoang đường. Chiếu lý mà nói, người được cứu là tiểu thư của Đại Long Đầu, đáng lẽ Tổ Quân Ngạn phải đứng về phía người kia mới đúng, còn nam tử thần bí nấp trong nương này mới là địch nhân của y, tại sao ngữ khí trong câu nói của Tổ Quân Ngạn lại tỏ ra quan tâm người này đến vậy? Dường như là đó mới là người của y vậy?

Chuyện càng lạ hơn lại tiếp tục xảy ra, chỉ nghe cao thủ Đột Quyết Nhan Lý

Hồi nói: "Từ khi xuất đạo đến nay, có lẽ lần này là lần đầu tiên Trác Nhượng thọ thương, vết thương tuy không trí mạng nhưng lại khiến cho toàn bộ sự nghiệp mà y dày công gầy dựng trôi cả theo dòng nước". Thiết Hùng hừ lạnh nói: "Đây là kết cuộc của kẻ không biết thức thời vụ". Đến giờ hai gã mới hiểu ra, thì ra Tổ Quân Ngạn đã phản bội Trác Nhượng và Lý Mật, tư thông với đám người Đột Quyết diễn kịch, chẳng trách mà đám Đột Quyết này có thể nắm được hành tung của hai chủ tỳ Tố Tố, bắt cóc nàng ta đi uy hiếp Trác Nhượng.

Một thanh âm nhu hòa mà thấp trầm vang lên: "Tuy không giết được hắn, nhưng thành quả có được cũng là lý tưởng rồi. Chỗ này không tiện ở lâu, chúng ta cứ y kế hành sự là được". Tổ Quân Ngạn và Nhan Lý Hồi vội vàng dẫn người đi khỏi.

Chẳng bao lâu sau thì tất cả đã bỏ đi gần hết, nhưng hai gã vẫn sợ hãi, đến tận trời sáng mới dám bò ra ngoài, lén lút rời khỏi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.