Khấu Trọng đi liền một mạch tới Lạc Dương, gặp tướng thủ thành nói muốn cầu kiến Vương Thế Sung. Cái tên Khấu Trọng lập tức gây kinh động, Lang Phụng tự thân tới đón gã. Sau một hồi hàn huyên, y cùng Khấu Trọng ngồi xe ngựa nhập cung.
Khấu Trọng trở lại chốn cũ, thấy phố xá vẫn phồn hoa hưng thịnh, nghĩ tới không lâu nữa ngôi thành vĩ đại nổi tiếng lâu đời này sẽ lâm cảnh binh đao chiến hỏa tàn phá, trong lòng vô cùng cảm khái.
Lang Phụng miệng nói dối lòng:
- Thánh thượng mấy ngày nay thường nhắc đến Thiếu Soái, chắc là do Thánh thượng cảm nhận Thiếu Soái sẽ đại giá quang lâm.
Khấu Trọng trong lòng thầm rủa. Trong số các đại tướng của mình, Vương Thế Sung sủng ái nhất Lang Phụng và Tống Mông Thu. Nguyên nhân không phải do hai người này có bản lĩnh gì đặc biệt, mà là vì họ rất giỏi thuật quan trường, lúc nào cũng a dua nịnh bợ, luôn biết cách làm cha con Vương Thế Sung vui lòng.
Tần Thúc Bảo và Trình Giảo Kim đi rồi, chỉ còn Trương Chấn Chu và Dương Công Khanh có thể gọi là tướng tài, đáng tiếc là họ lại bị bài xích bởi bọn thân tộc mà Vương Thế Sung đang sử dụng. Người trong gia tộc thì chỉ có nhị công tử Vương Huyền Thứ tuy nhỏ tuổi là còn có chút tài năng, ngoài ra chẳng có ai đáng được nói đến.
Một khi quân Đường đánh tới, có trời mới biết bao nhiêu người sẽ phản Trịnh quy hàng Đường thất. Vương Thế Sung khắc bạc vô ơn, Lý Thế Dân hậu đãi hiền tài, chim khôn chọn cành mà đậu, chỉ riêng ở phương diện này, Khấu Trọng bằng vào sức mình sao có thể ngăn được cơn sóng dữ. Phương pháp duy nhất là trước tiên phải đánh thắng một trận lớn để trấn an các tướng sỹ đã có ý muốn bỏ đi, làm cho họ hiểu rằng dù có theo Lý tiểu tử cũng không ổn thỏa như họ nghĩ. Có điều đội Hắc giáp tinh kỵ vẫn tung hoành vô địch của Lý tiểu tử hiện giờ khí thế đang như mặt trời lên cao, trang bị cực tốt, huấn luyện ưu việt, nói thắng thì dễ nhưng để làm được điều đó lại là chuyện vô cùng khó.
Nghĩ ngợi một lát, Lang Phụng nói tiếp:
- Dương Công Bảo Khố chỉ có hư danh, mất cũng không phải vấn đề lớn. Chỉ cần Thiếu Soái khẳng khái vì Thánh thượng ra sức, chẳng phải cũng giống như đang ngồi trên bảo khố sao? Hà huống trong ba thành lớn của nhà Tùy, Lạc Dương là thành trì có bảo tàng phong phú nhất.
Khấu Trọng trong lòng thầm nghĩ tin tức của Lang tiểu tử ngươi cũng thật linh thông, biết được trong bảo khố có những gì, bèn thuận miệng hỏi:
- Vụ loạn Dương Văn Can cuối cùng kết thúc thế nào?
Lang Phụng lạnh lùng trả lời:
- Văn Can đáng chết, chỉ bằng vào chức vị Tổng quản Khánh Châu, hợp với sức của bang hội ở một địa phương mà dám hưng binh làm phản, đương nhiên ở vào kết cục thảm bại. Hiện tại Kinh Triệu Liên Minh bị liệt vào bọn phản đảng, không còn chỗ đứng ở Quan Trung nữa.
Khấu Trọng hỏi:
- Lý Thế Dân được lên ngôi bảo tọa Thái tử chứ?
Lang Phụng cười nói:
- Lý Kiến Thành lần này đúng là bị Dương Văn Can liên lụy thảm hại. May là có các Quý phi vì hắn mà cầu tình, bọn đại thần như Phong Đức Di lại vì hắn xin Lý Uyên xá tội. Kết quả là Kiến Thành khấu đầu tạ tội thiếu điều gãy cả lưng mới miễn cưỡng bảo vệ được ngôi vị. Cuối cùng, Lý Uyên chỉ quy tội cho quan Trung duẫn Vương Khuê, Hữu vệ Vi Đỉnh và Tào duyệt Đỗ Yêm của Thiên Sách Phủ. Bọn chúng làm quỷ thế mạng rồi thì sự việc chấm dứt.
Khấu Trọng cảm thấy hồ đồ, không rõ cuộc đấu tranh đó có liên quan thế nào với Vương Khuê, Vi Đỉnh. Nghĩ tới Đỗ Yêm chính là nội gian của Dương Văn Can, gã lại hỏi:
- Dương Văn Can thì thế nào?
Lang Phụng nói:
- Loạn quân của Dương Văn Can bị Lý Thế Dân xuất binh đánh phá, toàn quân tan vỡ. Riêng Dương Văn Can một mình đột vây đào tẩu, giờ không rõ sống chết thế nào.
Nghe thấy Lý Thế Dân không được phong Thái Tử, Khấu Trọng lại bừng lên một tia hy vọng mới, đoạn tiếp tục dò hỏi:
- Thục Ni tiểu thư không bị liên can gì chứ?
Lang Phụng ngạc nhiên đáp:
- Lý Uyên đối với nàng chỉ ngày càng sủng ái hơn, làm sao lại bị liên quan được?
Đến lượt Khấu Trọng không hiểu gì cả, trong lòng lấy làm kỳ quái, buột miệng nói:
- Thục Ni tiểu thư với Dương...Dương Hư Ngạn có quan hệ mật thiết. Cái này...
Lang Phụng hạ giọng:
- Thục Ni tiểu thư đã hoài thai cốt nhục của Lý Uyên. Con quỷ háo sắc Lý Uyên đối với nàng chỉ sợ yêu còn không hết, làm sao lạnh nhạt với nàng được? Dương Hư Ngạn tuy có liên quan với Dương Văn Can nhưng lại không tham gia hành động phản loạn đó. Lý Uyên lại niệm tình cũ, vì thế địa vị của hắn vẫn vô cùng vững chắc.
Khấu Trọng suýt chút nữa vọt miệng nói ra Lý Uyên đã hiểu rõ Dương Hư Ngạn là đồ đệ của Thạch Chi Hiên, trong lòng thầm nghĩ Lý Uyên đúng là hồ đồ, hoặc giả bên trong lại có nội tình vi diệu khác mà hắn không biết.
Xe ngựa chầm chậm tiến vào hoàng thành. Khấu Trọng thu nhiếp tâm tình, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với lão hồ ly Vương Thế Sung.
o0o
Từ Tử Lăng nghênh ngang nhập thành, theo đúng chỉ dẫn của Cao Chiếm Đạo đến thẳng bên ngoài đại trạch Tổng đàn Hoằng Nông Bang, báo danh cầu kiến. Sự thật, không cần Từ Tử Lăng biểu lộ thân phận, khi gã làm thủ tục vào thành, người của Hoằng Nông bang đã sớm nhận ra, ngấm ngầm phái người thông báo cho Trần Thức. Đương nhiên việc này không qua được tai mắt của Từ Tử Lăng. Nhân đó gã lại biết họa hình chân dung của mình và Khấu Trọng đã sớm được phân phát cho tất cả các phân đà của Hoằng Nông bang để tiện việc trinh sát và giám thị hành tung hai người.
Trần Thức tiếp gã tại nội đường. Vị huynh đệ kết bái của Lôi Cửu Chỉ và là Bang chủ của Hoằng Nông Bang này tuổi chừng trên dưới năm mươi, cằm có một chòm râu dê đen kịt, thân hình tầm thước và hơi gầy, ngũ quan đoan chính, nhãn thần linh hoạt, đúng là có khí độ nhất bang chi chủ.
Từ Tử Lăng được lão đón tiếp rất nồng nhiệt. Sau mấy lời chào hỏi khách sáo, hai người ngồi xuống hồi uống trà nói chuyện.
Từ Tử Lăng mỉm cười vào đề:
- Tại hạ có vài lời muốn nói với Trần bang chủ.
Trần Thức là tay lão luyện giang hồ, hiểu rõ ý Từ Tử Lăng liền đuổi hết đệ tử ra ngoài rồi cung kính nói:
- Từ gia là một người mà Trần Thức này vô cùng ngưỡng mộ. Cho dẫu không có quan hệ với Cửu Chỉ, Trần Thức ta vẫn vì việc có thể làm chó ngựa cho ngài mà lấy làm vinh hạnh, huống chi Cửu Chỉ lại là huynh đệ đốt hương lập thệ kết bái của ta!
Ngôn từ của Trần Thức rất mực khẩn thiết, lão lại là huynh đệ kết bái của Lôi Cửu Chỉ, nếu Từ Tử Lăng không nắm rõ tình hình chắc cũng chẳng để bụng nghi ngờ. Gã chợt cười thầm cái bộ dạng giả dối đáng thương kia.
Trần Thức không hề để ý, vẫn cất giọng thăm dò:
- Thiếu Soái không cùng đi với Từ gia sao?
Từ Tử Lăng điềm đạm trả lời:
- Thiếu Soái có việc quan trọng nên không đi cùng. Tại hạ hôm nay đến Hoằng Gia chỉ là để thông tri cho bọn Chiếm Đạo rằng mọi việc vẫn tiến triển bình thường, họ có thể yên tâm rời khỏi nơi đây.
Trần Thức nhíu mày nói:
- Quý Chúc đã rời thành để tiếp ứng cho đội nhân mã đó rồi, chưa biết lúc nào về tới.
Từ Tử Lăng mỉm cười:
- Bọn họ đã đi cả rồi.
Trần Thức thất thanh hỏi:
- Cái gì?!
Từ Tử Lăng hạ giọng xuống thật nhỏ:
- Trần đương gia nên nghe kỹ mỗi lời của Từ Tử Lăng này. Nếu không phải ta niệm tình Bang chủ là bằng hữu kết bái của Lôi Cửu Chỉ, lại đã từng giúp đỡ ta, thì hai bên chỉ còn cách dùng vũ lực để giải quyết hết một lần cho gọn.
Trần Thức biến sắc hỏi:
- Từ gia nói thế là có ý tứ gì?
Từ Tử Lăng song mục thần quang đại thịnh, nghiêm nghị nhìn Trần Thức rồi nói:
- Nói gì thì Trần đương gia cũng là một hán tử, thế nên đã dám làm thì cũng nên dám chịu, đừng bắt ta phải lãng phí miệng lưỡi. Người của Thiên Sách Phủ có thể tùy thời đến đây, chi bằng chúng ta nên tận dụng chút thời gian còn lại này cùng tìm ra một phương pháp lưỡng toàn kỳ mỹ để song phương không trở thành kẻ địch của nhau, đỡ phải rơi vào thế người mong ta chết, ta bắt người vong.
Trần Thức rúng động không thốt lên lời.
Nói cho cùng Hoằng Nông Bang chỉ là một bang hội nhỏ ở châu quận. Dù có Thiên Sách Phủ chống lưng, nhưng nếu dám chọc giận hai nhân vật đang làm náo loạn thiên hạ là Khấu Trọng và Từ Tử Lăng thì thật là bất trí.
Từ Tử Lăng chợt hạ giọng, từ biện pháp cương mãnh lại chuyển sang nhu hòa để cho đối phương có cơ hội hạ đài:
- Ta đương nhiên hiểu là Trần đương gia bị bức bách không thể chống lại, sợ đắc tội với Lý gia, ngày sau quân Đường đông tiến sẽ không có chỗ nào mà chạy. Vì thế dù cho chúng ta biết Trần đương gia ám trợ Lý Thế Dân cũng có thể bỏ qua cho người. Bất quá đã sai một lần không thể để sai lần nữa. Ta và Khấu Trọng là người có ân sẽ trả, có cừu tất báo.
Câu cuối cùng này căn bản không phải là tác phong của Từ Tử Lăng, nhưng vì để đạt mục đích nên gã cũng đành một mạch tuôn ra.
Trần Thức dường như đột nhiên già đi mấy tuổi, hai mắt cụp xuống, chán nản nói:
- Ài! Ta làm sao còn mặt mũi để mà nhìn mặt Cửu Chỉ nữa đây? Bốc Đình và Điền Tam Đường của Hưng Xương Long đích thân đến gặp ta, phân rõ lợi hại. Nếu ta chỉ có một mình thì đã có thể tùy ý bỏ đi thật xa. Nhưng ta lại không nhẫn tâm thấy các huynh đệ đã bao năm đi theo mình lâm vào cảnh nhà tan người chết.
Đến đây, lão bỗng ngẩng đầu dứt khoát nói:
- Từ gia nên đi ngay! Chỉ sợ bọn chúng đã vào thành rồi.
Từ Tử Lăng khảng khái trả lời:
- Nếu như ta bỏ đi, Trần đương gia làm sao ăn nói với bọn chúng? Yên tâm đi! Ta đã có thể từ Quan Trung đến được đây, thì cũng có thể từ đây đi bất cứ đâu. Chỉ mong Trần đương gia có thể ghìm cương trước vực thẳm, giơ cao đánh khẽ mà tha cho bọn Cao Chiếm Đạo. Nếu không e rằng dẫu ta có hiểu rõ nỗi khó xử của ngài thì Khấu Trọng cũng không chịu nương tay đâu.
Miệng nói mà trong lòng gã cũng tự trách mình cùng Khấu Trọng đã quá sơ ý, khi ước định địa điểm tụ hội ở Hoằng Nông lại không tính đến Lý Thế Dân có thể dùng Hưng Xương Long truy ra quan hệ giữa họ và Hoằng Nông bang.
Trần Thức cương quyết nói:
- Từ gia có thể lấy đức báo oán, Trần Thức ta nhất định sẽ có ngày hồi báo. Thỉnh Từ gia lập tức ly khai, ta sẽ đối phó với người của Thiên Sách Phủ.
Từ Tử Lăng hốt nhiên đánh mắt cho lão một cái, ra hiệu có địch nhân lén lút tiếp cận, rồi cao giọng:
- Các anh em Đồng Hưng Xã đã ly khai, tại hạ sẽ lập tức lên đường, đuổi đến Quan Quân cùng bọn họ hội họp.
Quan Quân nằm ở phía nam của Hoằng Gia, là địa đầu của Chu Xán, thế lực của Lý phiệt không vươn tới được. Gã nói bọn họ chạy về phía đó cũng rất hợp tình hợp lý.
Trần Thức không uổng đã nhiều năm bôn tẩu giang hồ, y mau miệng tiếp lời:
- Từ gia từ xa đến đây, nên để Trần Thức ta tận tình địa chủ, dùng cơm trưa xong rồi hãy đi. Ta sẽ an bài xe ngựa, bảo đảm Từ gia sẽ đuổi kịp quý thuộc.
Từ Tử Lăng vươn người đứng dậy cáo từ:
- Việc không thể chậm trễ, hảo ý của Trần đương gia tại hạ xin tâm lĩnh! Ngày sau nếu có cơ hội, tại hạ sẽ tìm Trần đương gia uống rượu hàn huyên.
Cùng lúc, gã ngấm ngầm ra hiệu cho Trần Thức tìm cách rời mau khỏi phòng.
Là người có đầu óc lanh lẹ, Trần Thức lập tức nói:
- Thỉnh Từ gia đợi một chút. Ta có một vật muốn phiền người đưa cho Cửu Chỉ. Ta sẽ mang lại ngay cho Từ gia.
Lúc này nỗi u uất nặng nề trong lòng lão đã biến mất. Có điều, tuy nói Từ Tử Lăng danh chấn thiên hạ, nhưng Thiên Sách Phủ cũng đã chuẩn bị kỹ càng mới đến. Nếu Từ Tử Lăng gặp sự cố gì ở đây, Khấu Trọng không huyết tẩy Hoằng Nông Bang mới là chuyện lạ.
Từ Tử Lăng lại ngồi xuống, nhìn theo bóng Trần Thức đã khuất sau cánh cửa, bỗng gã dậm chân quát lớn:
- Trần Thức ngươi lại dám bán đứng ta sao!
Cửa sổ lập tức bị phá nát, địch nhân như thủy triều ùn ùn tràn vào phòng.
o0o
Vương Thế Sung tiếp Khấu Trọng tại biệt viện thường dùng để thương nghị với các cận thần. Cùng tham dự có hai huynh đệ Vương Huyền Ứng, Vương Huyền Thứ, rồi Tống Mông Thu và Lang Phụng, đều là những người thân cận nhất của Vương Thế Sung.
Sau khi chủ khách cùng ngồi xuống, Khấu Trọng vỗ trán than:
- Quân Đại Đường cuối cùng cũng đã xuất quan rồi!
Vương Thế Sung hơi ngạc nhiên, nhíu mày hỏi:
- Thiếu Soái có thể nói rõ hơn được không?
Khấu Trọng đáp:
- Quân Đại Đường đang nhanh chóng vận chuyển lương thảo tới Quan Đông, chuẩn bị cử binh Đông tiến.
Vương Huyền Ứng tỏ vẻ khinh thường nói:
- Thiếu Soái nhập quan đã lâu, không hiểu tình hình mới nhất ở Quan Ngoại. Đường thất động viên quân lính là vì Tống Kim Cương mượn ngựa của người Đột Quyết, tập kết binh mã tại Tịnh Châu, biên cương phía Bắc của Thái Nguyên, tùy thời có thể Nam hạ đánh thẳng vào sào huyệt cũng là nơi lập nghiệp của Lý gia - Thái Nguyên. Nghe nói Lý Uyên đã sai Lý Nguyên Cát đi trấn thủ Thái Nguyên, đương nhiên phải liên tục chuẩn bị lương thảo chiến cụ để sẵn sàng chi viện.
Khấu Trọng sớm đã đoán nanh vuốt của Đông Đột Quyết sẽ thừa cơ hội làm khó dễ, chỉ không nghĩ tới việc Lý Nguyên Cát được cử đi ứng phó. Gã cảm thấy thủ đoạn của Lý Thế Dân quả là cao thâm mạt trắc, thật khiến người ta vô cùng đau đầu nhức óc.
Vương Huyền Thứ tiếp lời:
- Hiện nay tình thế của Lý gia không được lạc quan cho lắm. Nhân vì Vương Hành Bản ở Bồ Bản hướng về Đông Đột Quyết quỳ gối xưng thần làm cho thế lực Lý Gia tại Thái Nguyên suy yếu nghiêm trọng. Lại thêm Vương Hành Bản và Tống Kim Cương kết thành một khối khiến cho quân Đường ở Thái Nguyên lâm vào tình thế lưỡng diện thụ địch.
Tống Mông Thu thấy cháy lập tức đổ thêm dầu:
- Tống Kim Cương thật biết bắt thời cơ tiến vào Quan Nội. Hắn nhân dịp Dương Văn Can nổi lên làm loạn bèn đột ngột tấn công, khiến cho tình thế đã rối ren lại càng thêm loạn, rất hợp với yếu chỉ công kỳ vô bị của binh pháp.
Vương Thế Sung trái lại là người không dám khinh thị tài trí của Khấu Trọng, chỉ thấy y hỏi rất điềm tĩnh:
- Thiếu Soái có nhận xét gì?
Khấu Trọng chưa hoàn toàn tiêu hóa hết tin tức tày đình mới nhận được, liền thuận miệng hỏi:
- Vương Hành Bản là ai?
Lang Phụng đáp:
- Vương Hành Bản là tướng lĩnh của cựu Tùy, tại Bồ Phản dấy binh tự lập, trên danh nghĩa thì quy thuận nhà Đường. Lý Uyên từng mấy lần ra lệnh đến Trường An gặp gỡ nhưng đều bị hắn từ chối. Hiện tại, cuối cùng hắn cũng đã làm phản rồi.
Khấu Trọng nhận định Lý Nguyên Cát không phải là đối thủ của Tống Kim Cương, vì thế cuối cùng Lý Thế Dân sẽ phải xuất quân đối phó. Nhưng như vậy làm sao Lý Thế Dân còn sức mà tiến đánh Lạc Dương? Gã ngấm ngầm cảm thấy sự thật không phải chỉ là như vậy, bèn tìm cách dò hỏi:
- Tình hình dư nghiệt quân Ngõa Cương thế nào?
Vương Thế Sung trả lời:
- Quân Ngõa Cương hiện nay chỉ có quân đội của Từ Thế Tích chính thức quy hàng nhà Đường, vẫn giữ quyền khống chế một khu vực rộng lớn, phía đông tới Nam Hải, phía bắc tới Ngụy Quận. Bất quá chỉ cần Đậu Kiến Đức phá được Vũ Văn Hóa Cập, sau đó nếu y và chúng ta hai phía nam bắc giáp kích, bọn chúng khẳng định không giữ được lâu nữa.
Trong đầu Khấu Trọng hốt nhiên như có tia chớp, gã chấn động nói:
- Ta hiểu rồi!
Mọi người đều ngạc nhiên quay sang nhìn gã.
Khấu Trọng khẳng định đầy tự tin:
- Đó là Lý Thế Dân cố ý cho Lý Nguyên Cát nếm mùi thua trận.
Vương Thế Sung nhíu mày hỏi:
- Binh bại như núi đổ, có lý nào hắn lại cố ý để thua trận?
Khấu Trọng phân tích:
- Nếu mọi chuyện bình thường, Lý Thế Dân đương nhiên không làm việc ngu xuẩn như vậy. Có điều trong tình thế hiện nay, do hai nhân tố bên trong và bên ngoài, hắn bất đắc dĩ mới phải mạo hiểm. Có thể đặt mình vào vị trí nguy hiểm để tìm một giải pháp tối ưu, hắn quả thật vô cùng cao minh và can đảm. Ngoài Lý tiểu tử không ai có thể nghĩ ra cách này.
Mọi người đều ngơ ngác không hiểu, chỉ còn cách chờ gã tiếp tục giải thích.
Khấu Trọng nói tiếp:
- Trước tiên nói về nhân tố bên ngoài. Nếu như Lý Thế Dân chống giữ Thái Nguyên thì sẽ tạo ra cục diện gì?
Vương Thế Sung khẽ rùng mình đáp:
- Hỏi hay lắm, nói về phòng thủ thành trì thì không có người nào hơn Lý Thế Dân được. Tống Kim Cương tuy mạnh nhưng cũng chỉ ở vào cục diện giằng co.
Khấu Trọng nói:
- Nhưng việc này không có tới nửa điểm hữu ích cho Đường thất. Nếu như Từ Thế Tích bị Thánh thượng và Đậu Kiến Đức liên thủ đánh bại, liên hệ giữa Thái Nguyên và Quan Trung sẽ đứt đoạn, Lý Thế Dân chỉ còn cách giữ chặt ở Thái Nguyên mà thôi.
Vương Huyền Thứ biến sắc hỏi:
- Thiếu Soái định nói đây chính là kế dụ địch tiến sâu về phía nam của Lý Thế Dân bằng cách để cho Lý Nguyên Cát thua trận chăng?
Khấu Trọng nói dứt khoát:
- Nếu như Lưu Vũ Châu và Tống Kim Cương án binh bất động thì ở biên cương phía bắc tiếp giáp với Đông Đột Quyết, trong tình thế phải chính diện xung đột với Hiệt Lợi, Lý phiệt sẽ không thể tiến lên phía Bắc tiêu diệt Lưu, Tống được. Có thể thấy nếu một ngày không giải quyết được Lưu Vũ Châu và Tống Kim Cương, Lý Thế Dân khó có thể yên tâm đông tiến. Phương pháp duy nhất là Lý Thế Dân bày kế dụ cho Lưu, Tống xua đại quân xâm nhập sâu vào Thái Nguyên, Lý Thế Dân sẽ lợi dụng thành cao hào sâu thủ vững, rồi tìm cách cắt đứt đường vận lương của hai lộ. Sau khi quân địch hết lương, hắn sẽ khởi binh phản kích. Thánh thượng nghĩ sao?
Vương Thế Sung hít sâu một hơi nói:
- Đó là nhân tố bên ngoài. Nhân tố bên trong như thế nào?
Khấu Trọng trả lời:
- Nhân tố bên trong liên quan tới đấu tranh trong nội bộ Đường thất. Theo tình hình hiện tại mà xét, đại loạn do Dương Văn Can gây ra không làm lung lay bảo tọa Thái Tử của Lý Kiến Thành. Kiến Thành, Nguyên Cát đồng thanh phản đối Lý Thế Dân đông chinh vì sợ rằng nhân đó thanh thế hắn sẽ tăng cao, sau khi xuất quan sẽ không có cách gì kiềm chế được. Vì thế Lý Thế Dân lấy thoái làm tiến, khi Lý Nguyên Cát đụng đầu vào đinh ở Thái Nguyên, hắn có thể lợi dụng cơ hội xuất binh chi viện.
Vương Huyền Ứng phấn khích nói:
- Tiến đánh Quan Trung chính là lúc này!
Khấu Trọng than:
- Nếu như Đậu Kiến Đức đánh được Vũ Văn Hóa Cập, Từ Thế Tích tự lo cho mình chưa xong thì đúng là thời cơ tốt nhất để đánh phá Quan Trung. Nhưng nếu ta tính không lầm, Lý Thế Dân xuất binh quan ngoại thật ra là sách lược nhất cử tam đắc. Vừa có thể chi viện Thái Nguyên, vừa có thể kiềm chế đại quân của Thánh thượng, làm đại quân của Thánh thượng không thể triển khai toàn lực đánh Từ Thế Tích, lợi hại nhất là nếu Thánh thượng phái quân đánh tới sẽ lọt vào vòng vây của hắn.
Vương Thế Sung cười nói:
- Thiếu Soái phải chăng đánh giá quá cao tài năng của Lý Thế Dân? Chúng ta chỉ cần làm Lý Thế Dân phải quay về trong Quan Nội, khiến Lý Nguyên Cát bị cô lập tại Thái Nguyên. Nếu như Thiếu Soái lại chịu hợp tác, làm quân sư cho ta, khi đó sợ gì đại sự không thành?
Đây chính là mục tiêu khi tới Lạc Dương của Khấu Trọng. Lúc đầu gã đoán tạm thời Lý Thế Dân chưa quá chú tâm đến Lạc Dương, nay tình thế xoay chuyển đột ngột, nếu Trịnh quân tấn công Đường thất, bề ngoài Lý Thế Dân có vẻ lâm vào thế bị động, nhưng sự thực lại hoàn toàn ngược lại, y sẽ nắm quyền chủ động một cách toàn diện.
Khấu Trọng tự mình biết mình, vô luận là võ công hay binh pháp, chỉ giỏi công chứ không giỏi thủ. Đối phó với địch nhân thủ thành, gã sẽ dùng kỳ binh đột kích làm chủ.
Lý Thế Dân không chỉ giỏi công mà giỏi cả thủ. Lấy tấn công của Khấu Trọng đối với phòng thủ của Lý Thế Dân sẽ có kết quả gì đây?!
Gã cười khổ hỏi:
- Thánh thượng có tin được tiểu đệ không?
Vương Thế Sung thản nhiên đáp:
- Môi hở răng lạnh! Hiện tại liên kết với Thiếu Soái là lợi ích chung của đôi bên, ta không tin ngươi thì tin ai?
Khấu Trọng phấn khởi tinh thần, cất giọng đầy khảng khái:
- Được! Cứ quyết định như thế đi. Ngày nào chưa phá được Quan Trung, chúng ta sẽ còn là đồng minh kề vai tác chiến.
Vương Thế Sung truyền dụ:
- Lập tức gọi Trương Chấn Chu, Dương Công Khanh về ngay. Sự hưng suy của Đại Trịnh chúng ta đều phải xem xem trận chiến này thành hay bại.
Mọi người dạ ran lĩnh mệnh.
(Hết hồi 447)