Đại Mạc Thương Lang

Chương 38: Q.1 - Chương 38: Buồng lặn




Vào những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỉ trước - khi quân Nhật xây dựng đập thủy điện - ví dụ như đập thủy điện Phong Mãn[1] được xây dựng trên sông Tùng Hoa, thì máy phát điện chính đều được đặt ở một nơi cách mặt nước chừng mười mét. Để tới được tầng kĩ thuật của khu vực đặt máy phát điện, người ta cần một loại thang máy gọi là “buồng lặn”, loại buồng lặn này cũng được lắp đặt để dùng cho việc vận chuyển các linh kiện điện máy, thông thường sau khi sử dụng thử nghiệm con đập xong, người ta sẽ tháo bỏ những chiếc thang máy này, nếu như không phá bỏ thì nó sẽ được xem như con đường duy nhất tới được tầng hầm cuối cùng của con đập khi cần sửa chữa.

[1] Đập thủy điện Phong Mãn: là đập thủy điện cỡ lớn được xây dựng đầu tiên ở Trung Quốc, còn được gọi là Mẹ của các đập thủy điện.

Trong trí nhớ của tôi, chỉ những chiếc thang máy cỡ lớn mới được bọc thép bên ngoài, thường bên ngoài của nó sẽ là một hình trụ chữ nhật được bao bọc bởi những bức tường bê tông phẳng, bên trong là những cốt pha bằng thép, được gia cố thêm bởi những tấm vỏ thép cỡ lớn.

Thông thường, loại thang máy này không được sử dụng lúc nước trong đập đang dâng cao, bởi vì lúc nước đó, toàn bộ tầng dưới cùng của con dập sẽ bị chìm dưới nước, có xuống dưới lúc đó cũng chẳng làm được gì, thế nhưng khi nhìn thấy buồng sắt đó, đột nhiên tôi nhận thấy dường như nó chính là phần được hàn nối nằm ngay phía trên của cái thang máy khổng lồ trong con đập.

Chúng tôi vào hẳn bên trong, bức tường bằng sắt đó chính là cửa ra vào của thang máy, bước vào bên trong khoang sắt là giẫm luôn lên mặt sàn của chiếc thang máy.

Nhớ đến đây tôi bất giác hiểu ra vấn đề, trong chốc lát bao nhiêu sự kiện trong quá khứ lại ùa về - lúc ở bên trong cái khoang sắt tôi cứ ngỡ nghe thấy âm thanh phát ra do bờ đập chịu áp lực và vô vàn những thứ tạp âm kì lạ khác, nhưng bây giờ nhớ lại mới thấy có vẻ không đúng lắm, hình như đó là tiếng ma sát, lẽ nào sau khi chúng tôi chui vào khoang sắt thì thang máy đột nhiên khởi động?

Nghe tiếng nước chảy phía ngoài khoang sắt, tôi nhủ thầm lẽ nào sau khi chúng tôi chui vào trong khoang, lại có người ở bên ngoài khởi động thang máy? Và vô hình chung chúng tôi bị đưa xuống tầng thấp nhất của con đập?

Tất nhiên đây chỉ là suy đoán của cá nhân tôi, có điều nghĩ xong tôi lại thấy suy đoán của mình thật hoang đường, nếu đúng là vậy thì tại sao tôi không hề có cảm giác gì? Giờ ngồi hồi tưởng lại, trong tình cảnh hỗn loạn lúc ấy, nếu nói suy đoán của tôi hoàn toàn không có khả năng xảy ra thì tôi cũng không dám chắc.

Thêm một nguyên nhân cho thấy những cảm giác của tôi là đúng, đó là nếu như sự tình xảy ra đúng như vậy thì hoàn toàn có thể giải thích một cách hợp lý về sự mất tích của Viên Hỷ Lạc và Trần Lạc Hộ.

Vậy là tôi tập trung mọi sự chú ý vào một góc nằm trong khoang sắt. Suốt thời gian trước, do quá hoảng hốt nên tôi không để ý tới nó, lúc này tôi mới thấy nó có vấn đề, tại sao lúc nãy mình lại không để ý tới chỗ này nhỉ? Trên thực tế, đây mới là nơi có nhiều khả năng khiến người bị biến mất nhất, khả năng này cao hơn rất nhiều so với lỗ hổng của đường thông gió trên cái khoang sắt đó.

Cái góc ấy chính là cánh cửa kín hơi, cũng chính là cánh cửa lúc trước chúng tôi đã chui vào.

Tôi đi đến cạnh cánh cửa, nhìn vào lỗ hổng phía trên chỉ thấy bên ngoài bóng tối bao phủ mịt mùng, thi thoảng mập mờ một vài luồng sáng, nhưng lúc này nhìn kĩ lại thấy nó không giống thứ ánh sáng bên ngoài chiếu vào, mà là ánh sáng phản quang từ chiếc đèn pin trên tay chúng tôi, toàn bộ khung cảnh giống hệt như lúc chúng tôi mới bước vào khu vực này.

Sau khi quan sát một hồi, tôi thẫn người ra.

Tôi nghĩ đơn giản thế này, sở dĩ lúc trước chúng tôi không để ý tới vị trí cánh cửa là vì chúng tôi cho rằng bên ngoài cánh cửa có khí độc, nếu Viên Hỷ Lạc và Trần Lạc Hộ mở cửa ra ngoài thì chắc chắn họ sẽ chết vì trúng độc và chúng tôi cũng vạ lây. Điều đó cũng có nghĩa là, chỉ cần mở cánh cửa này ra, chúng tôi sẽ lập tức phát hiện ra mùi khí độc hoặc hít phải khí độc. Thế mà đến tận giờ chúng tôi vẫn chưa chết, chứng tỏ cánh cửa kia vẫn chưa bị mở ra.

Nếu suy đoán của tôi khi nãy chính xác, thì cái khoang sắt này đã tự động trôi xuống tầng dưới của con đập và lúc ấy bên ngoài sẽ không còn khí độc nữa, như vậy Viên Hỷ Lạc hoàn toàn có thể mở cánh cửa này để chui ra ngoài nhân lúc đèn dự phòng bị tắt và Trần Lạc Hộ cũng thế.

Lúc trước, chúng tôi đều không chú ý đến hướng của cánh cửa, tuy thoạt nghe cách giải thích này có vẻ không hợp lý, nhưng trên thực tế hoàn toàn có thể xảy ra tình huống đó, hoặc có thể nói đây là cách giải thích hợp lý duy nhất trong hoàn cảnh này.

Vấn đề là những tiền đề tôi đặt ra có đúng chăng, liệu phía sau cánh cửa kia đúng thực không có khí độc không?

Tôi đem những suy đoán vốn giấu trong lòng kể lại cho đội phó và Mã Tại Hải nghe. Mã Tại Hải nghe xong liền lắc đầu bảo khả năng đó không thể xảy ra, suy đoán của tôi có rất nhiều kẽ hở, một khoang sắt lớn như thế này nếu như có tự động trôi xuống thì tất cả người ở trong khoang lẽ nào không cảm thấy gì sao? Hơn nữa, trong lúc tắt đèn có thể Viên Hỷ Lạc cũng xác định được vị trí chính xác để thoát ra, nhưng tại sao chúng tôi lại không nghe thấy tiếng mở cửa? Đội phó cúi đầu không tham gia ý kiến, nhưng biểu hiện trên gương mặt xem ra rất đồng tình với ý kiến của Mã Tại Hải.

Điều này tôi chưa hề nghĩ tới, nhưng suy nghĩ một lúc tôi cũng thấy sự thực có thể đúng như vậy.

Tuy nhiên trên thực tế, nếu xem xét lại toàn bộ quá trình thì cũng còn vài chỗ rất khó giải thích, đầu tiên như Mã Tại Hải đã nói, Viên Hỷ Lạc làm thế nào tìm ra được vị trí của cánh cửa trong bóng tối, rồi thoát ra ngoài ngay trước mũi chúng tôi mà không phát ra một tiếng động nào, cô ấy đâu phải là mèo.

Đó chính là một mệnh đề phản biện, cũng có thế nói rằng, với tiền đề là nếu chúng tôi nhận định rằng vì bị bóng tối che khuất tầm nhìn nên chúng tôi mới để Viên Hỷ Lạc chạy mất, thì đồng thời chúng tôi phải giải thích xem Viên Hỷ Lạc đã làm cách nào để giải quyết những vấn đề tương tự để chạy thoát được ra ngoài.

Thoạt nhìn, vấn đề này có vẻ hoàn toàn không có cách giải quyết, nhưng sau khi quan sát kĩ căn phòng khắp lượt, chúng tôi phát hiện ra lời giải đáp vô cùng đơn giản. Ở chính giữa căn phòng có một cái bàn được viền bằng khung thép, hàn chết vào mặt sàn. Trên mặtbàn còn để lộn xộn rất nhiều giấy tờ và các tấm bìa đã bị hủy vụn, nhưng có thể nhìn thấy rõ đầu này của chiếc bàn chính là chỗ Viên Hỷ Lạc ngồi thu lu lúc trưóc, còn đầu phía kia là chỗ cửa thông gió. Lúc trước tình hình hỗn loạn nên chúng tôi không nghĩ đến việc thừ trèo lên bàn xem thế nào. Giờ mới thấy chỉ cần giẫm lên bàn là có thể đến được chỗ cánh cửa kín hơi.

Tương tự như vậy, sự biến mất của Trần Lạc Hộ lại càng dễ giải thích, suy cho cùng lúc đó chúng tôi đều hãy đang tập trung mọi sự chú ý vào ống thông gió.

Nghe tôi giải thích xong, Mã Tại Hải liền chạy tới xem xét chiếc bàn, cậu ta phát hiện căn phòng lúc này lộn xộn vô cùng, dẫu cố tìm cũng chẳng thể tìm ra dấu vết. Điều đó đồng nghĩa với việc, giờ đây không vật gì có thể làm chứng cho suy đoán của tôi.

Ba người chúng tôi nhìn nhau không biết phải làm gì.

Bây giờ nghĩ lại cách giải thích lúc đó của tôi không những không hề làm giảm bớt cảm giác lo âu căng thẳng của mọi người, mà còn khiến mọi người thêm sốt ruột, bởi thực tế là sau đó những lời giải thích của tôi đã ảnh hưởng đến hai người họ, khiến họ bắt đầu dao động, từ lúc này trở đi, chúng tôi lại rơi vào hoàn cảnh rắc rối hơn trước, bức màn đen tối đằng sau cánh cửa sắt kia bỗng biến thành một cơn ác mộng khủng khiếp đang chờ đón chúng tôi.

Nếu như phía sau cánh cửa thực sự không có khí độc giống những gì tôi nói thì chúng tôi sẽ chẳng do dự gì mà không mở cánh cửa kia ra. Nhưng lỡ như tôi đoán sai thì khác chi đâm đầu vào con đường tự sát?

Lúc đó, cứ nghĩ đến điều này cả bọn lại phát điên lên, ba người chúng tôi đều nhìn chằm chằm vào cánh cửa kia mà cách giải quyết vẫn nằm trong chỗ ngõ cụt.

Chúng tôi đã trải qua khoảng thời gian bất lực, bức bối khó chịu đến tột cùng vì sự việc không hề có dấu hiệu tiến triển. Chúng tôi cứ ở trong khoang sắt, thời gian trôi chậm chạp từng giây phút, cảm giác đói khát ngày càng khủng khiếp. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành đại tiểu tiện tại chỗ, mùi thối bốc lên ngút trời, tất cả bốn phía tựa hồ rơi vào trạng thái ngưng tụ vĩnh viễn.

Không ai lên tiếng đề xuất tiếp theo nên làm gì. Tất cả chúng tôi đều bất lực nhìn cánh cửa, thực ra chúng tôi đều biết, chỉ cần mở cánh cửa đó ra thì sẽ có lời giải đáp. Thực chất, đây chính là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, còn chúng tôi lựa chọn chỉ nhìn mà không làm gì. Là những quân nhân giải phóng ngoan cường đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản, chúng tôi biết rõ mình nên lựa chọn như thế nào, nhưng trên thực tế chúng tôi lại lo lắng, đắn đo chẳng khác người thường có khi bên trong còn suy nghĩ dằn vặt phức tạp hơn rất nhiều.

Nói như vậy có thể bạn không lý giải được cảm giác khổ não của chúng tôi lúc bấy giờ, bởi đối với đàn ông, đặc biệt khi họ xuất thân từ tầng lớp nông dân cùng khổ, thì việc ngồi trong căn phòng hôi thối, nồng nặc mùi xú uế, chờ đợi mấy tiếng đồng hồ, với cái bụng đói meo, kì thực không phải việc gì to tát lắm. Nhưng nếu việc này có một giới hạn, ví như một ngày hoặc một tuần chẳng hạn, thì tôi đã không cảm thấy khó khăn, nhất là khi việc đó lại là nhiệm vụ quan trọng. Gian khổ này nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc bị lôi đi đánh nhau ở chiến trường Ấn Độ.

Nguyên nhân thực sự khiến chúng tôi cảm thấy bồn chồn như ngồi trên đống lửa là cái vô thời hạn trong khoảng thời gian mắc kẹt ở đây, nói cách khác, nếu không mở cánh cửa kia ra thì chúng tôi sẽ ngồi đây cho tới lúc chết. Điều này làm người ta phát điên, cứ mỗi khi nhớ khoảnh khắc đó tôi lại sởn da gà, có thể nói tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác phiền não sốt ruột đến nhường ấy trong cuộc đời.

Ban đầu chúng tôi còn bàn bạc, sau đó thì nhấp nhổm không yên, cuối cùng cả hội đều im lặng. Sau hồi yên ắng não nề, tôi và Mã Tại Hải lại thay nhau ra quan sát ô cửa, xem chán rồi mò mẫm sờ soạng bức vách sắt một cách vô nghĩa. Đội phó thì ngồi ở một góc, hai mắt nhắm nghiền, không hiểu đang suy nghĩ gì.

Cảm giác không có quyền chọn lựa và sốt ruột đến ngột ngạt kéo dài chừng bảy tiếng đồng hồ, cuối cùng đội phó là người đứng dậy đầu tiên, anh đi tới bên chỗ cánh cửa thông gió nắm lấy thanh ngang chắn cửa và bắt đầu xoay.

Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ biểu hiện của đội phó lúc ấy. Tôi rất muốn miêu tả rằng tinh thần của anh ngoan cường cách mạng, vừa thản nhiên vừa điềm tĩnh, nhưng thực sự tôi biết anh cũng như tôi, sự chịu đựng đã tới giới hạn, tinh thần xem thường cái chết, quyết xông pha chiến trường của anh trong hoàn cảnh cực điểm bất lực này rất dễ dẫn tới quyết định như thế và anh là người đầu tiên thực hiện điều đó.

Xoay được nửa vòng chúng tôi mới ý thức được anh ấy muốn mở cánh cửa ra, lúc đó không hiểu sao trong đầu tôi lại nảy sinh một ý nghĩ rất hèn hạ là muốn chạy lại ngăn không cho anh mở cửa, nhưng tôi còn không kịp động đậy thì đột nhiên đội phó dừng lại.

Anh rất bình tĩnh, quay lại vẫy chúng tôi ra hiệu nép sang phía vách, nếu như có chuyện gì thì anh sẽ ngay lập tức đóng cửa lại.

Mã Tại Hải đúng là tên cứng đầu, cậu ta nhất quyết đòi ở bên cạnh đội phó, đội phó giải thích bây giờ đã bước ra chiến trường đã xuất trận thì ít nhất cũng phải làm được một việc có ích, không thể chết một cách lãng xẹt, có chết cũng phải chết có ích cho tổ quốc. Nhưng Mã Tại Hải không chịu nghe, vẫn nắm chặt lấy tôi, đội phó phát ngán lên quát chúng tôi không được cãi lời, lúc đó Mã Tại Hải mới chịu yên.

Tôi và Mã Tại Hải nép mình sát vào bức vách nhìn đội phó, chỉ thấy anh hít một hơi sâu, dường như không hề do dự xoay mạnh then cửa, bên trong cánh cửa phát ra tiếng kêu lách cách, rất nhanh sau đó, hai bên cánh cửa co lại, ở giữa hai cánh xuất hiện một khe nhỏ.

Thực sự tôi vẫn chưa kịp chuẩn bị tâm lý, nên lúc đó vẫn bị giật mình, cả ba chúng tôi đều đứng sững, thời giạn như ngưng đọng, người nào người nấy đều cảm thấy đầu óc mụ mị.

Sau đó hình như không có chuyện gì xảy ra, mọi thứ vẫn giống hệt với lúc chưa mở cánh cửa.

Nín thở một hồi lâu, tôi đành thở hắt ra, phát hiện chẳng có chuyện gì khác thường, tôi xác định phán đoán của mình là đúng.

Tôi hít một hơi thật dài, Mã Tại Hải và đội phó đang đứng cạnh cánh cửa cũng hít một hơi theo. Tôi đang định nói cảm ơn trời đất phù hộ thì cơ thể đội phó bỗng nhiên mềm oặt rồi ngã vặt ra đất. Cánh cửa bị anh đẩy rộng ra quá nửa. Tôi kinh hoảng nhận thấy luồng sương mây mù mịt từ bên ngoài đang tràn mạnh vào phòng.

Ý nghĩ mình sắp chết như một tia chớp lóe lên trong đầu khi tôi nhìn thấy khoảng không đen kịt đằng sau nửa cánh cửa đang mở, đám mây mù hung dữ cuồn cuộn bay thốc vào trong, sau đó bốc lên trên, giống như một loài nhuyễn thể đang tấn công căn phòng.

Thần kinh của tôi căng như dây đàn, trong đầu chỉ tồn tại duy nhất một ý nghĩ: mình chết chắc rồi, sau lưng là bức tường sắt lạnh lẽo, biết trốn đâu bây giờ? Cảm giác hối hận và tức giận chợt xâm chiếm tâm hồn, tại sao lúc ấy tôi không ngăn đội phó lại để giờ đây chúng tôi phải đứng giữa lằn ranh giới của sự sống chết. Những giây phút dằn vặt đó sao giống những giây phút đau khổ, nuối tiếc thường xảy ra với người sắp chết đến vậy, tôi định giơ tay tát vào mặt mình một cái nhưng cuối cùng lại chỉ giơ tay lên ôm lấy đầu.

Không để tôi có thời gian day dứt lâu hơn, chưa đầy chục giây sau, sương mây đã ập thẳng vào mặt. Mã Tại Hải xông tới giữa đám mây để đỡ đội phó, tôi hiểu cậu ta làm thế cũng vô ích mà thôi. Trước khi đám mây tràn đến trước mặt, tôi vẫn kịp nín thở, rồi cố hết sức lùi về phía sau, tới chỗ bức tường sắt hòng mong sống thêm vài giây.

Nhưng điều đó cũng thực vô ích, tôi hít phải một khối khí lạnh, sau đó cả người chìm ngập trong mây mù.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.