Đội phó cũng cởi quần áo nhảy xuống nước, ba người lặn qua lặn lại khiến mặt nước bị khuấy
động liên tục, Vương Tứ Xuyên tính tình nóng vội, cậu ta cũng sốt sắng
cởi phăng áo, để lộ ra thân hình đen bóng tráng kiện để định nhảy xuống
giúp. Nhưng tôi đã ngăn cậu ta anh lại, ba người là đủ rồi, lại có đội
phó đích thân xuống thì chắc sẽ giải quyết xong thôi.
Bên dưới
dòng nước bị khuấy động dữ dội, tấm lưới mắc vào xuồng của chúng tôi
liên tục bị giật khiến chiếc xuồng không ngừng chòng chành, chúng tôi ở
trên đều cố gắng bám thật chắc để giữ thăng bằng. Lát sau, đội phó ngoi
lên, tay kéo một vật màu xanh, tiếp đó, hai cậu lính kia cũng ngoi lên,
ba người dùng sức vừa rung vừa lắc khiến mặt nước bị khuấy động thành
hình vòng tròn xoáy, rồi một vật có hình thù giống như cái bao tải từ
dưới nước nổi lên. Vì xuồng chúng tôi ở gần chỗ của đội phó nhất nên vật này được quẳng ngay lên xuồng của chúng tôi, những tia nước cũng theo
đó bắn tung tóe đầy mặt chúng tôi.
Chúng tôi đều giật mình kinh
hãi, ban đầu ai cũng tưởng đó là một xác chết, nhưng khi bình tĩnh xem
xét cẩn thận mới thấy là không phải, hóa ra đó chỉ là một chiếc bao tải
có màu xanh thẫm đã bị phân hủy, vỏ ngoài bị những chiếc đinh móc của
tấm lưới sắt móc thủng mấy chỗ, bên trong nó toàn là các cuộn lưới sắt,
khi căng ra thì mặt sau của nó rất giống một cái xác chết trương, có lẽ
vì thế mà mới có sự nhầm lẫn vừa rồi. Cái bao tải nhìn đáng sợ, thò tay
sờ thử, thấy nước đục rỉ sét chảy ra thì có thể đoán được nó đã nằm dưới đó rất lâu rồi. Trọng lượng của nó rất nặng, vừa bỏ lên xuồng đã làm
đuôi xuồng bị bẩy ngược lên.
Trần Lạc Hộ nhát gan, cậu ta sợ đến
mức giật nảy người về đằng sau, suýt chút nữa thì rơi ra khỏi xuồng, may mà có Vương Tứ Xuyên nhanh tay kéo lại. Ba người vừa nhảy xuống nước
leo lên thuyền thở hồng hộc, đội phó chau mày nhìn cái tải, rồi phát vào hai cậu lính vừa nhảy xuống mỗi người một phát, mắng: “Mắt với mũi các
cậu để đi đâu hả? Xác chết, xác chết mà như thế này sao?”
Hai cậu lính kia ngượng nghịu, chỉ biết lắc đầu. Sau đó, hai cậu lại bị giục
xuống nước tiếp tục nhổ lưới sắt. Lúc này, đội phó cảm thấy xấu hổ, anh
ta quay sang chúng tôi giãi bày: “Hai cậu ấy là lính mới vào, nhát gan
quá!”
Kì thực, chúng tôi cũng sợ đến co hết cả người lại, bỗng
đâu có một vật rơi “bịch” vào giữa xuồng, mới nhìn ai chẳng chết khiếp.
Lúc sau, tôi lại nghĩ có thể là mấy cậu lính kia nhìn cán bộ chuyên
ngành bọn tôi thấy ngứa mắt, nên muốn dọa một tí cho sợ chăng.
Vương Tứ Xuyên cầm đèn pin chiếu vào chiếc bao tải, rồi hỏi tôi: “Thứ này có phải do người Nhật vứt lại không nhỉ?”
Tôi trả lời tất nhiên là thế, tôi còn nhận ra kiểu bao tải này được gọi là
tải tránh đạn, được dùng để phòng thân lúc có bom rơi đạn nổ. Trước đây, chắc chắn trong những chiếc tải thế này sẽ có cát, nhưng giờ nó bị ngâm dưới nước quá lâu nên cát không còn nữa, có thể hồi đó trong quá trình
vận chuyển lính Nhật không may để cái bao tải rơi xuống nước. Xem chừng
nơi này trước đây từng xảy ra một vụ nổ lớn.
Mọi người đều thấy
đúng, tôi đang định tiếp tục giải thích thì Vương Tứ Xuyên bỗng nhiên
cắt ngang, không biết cậu ấy đã nhìn thấy cái gì. Cậu ta lôi cái bao tải lại nói với tôi: “Cậu Ngô này, tôi thấy không đúng, đây rõ ràng là một
cái xác.”
Nói xong, cậu ta xé cái vỏ bao tải đã mủn nát như xơ
mướp ra, trước mặt chúng tôi, giữa những lớp lưới sắt là một bộ xương
người bị buộc trong đó. Tấm lưới cuốn chặt bộ xương ở giữa, khiến người
đó bị bọc như một cái kén. Nhìn tình trạng bộ xương có thể đoán định
trước khi chết con người đáng thương này đã trải qua một trận giãy giụa
kịch liệt, bởi vậy cái bao tải bên ngoài mới có hình dạng kì quái như
thế này.
Cơ thể của người này đã bị phân hủy hết, rõ ràng trước
khi chết người này rất gầy, nên không có gì để mà phân hủy nữa, đến tận
bây giờ lớp lưới sắt vẫn cuốn rất chặt bộ xương. Nhìn hình dạng bộ xương người cong queo dị dạng trước mặt, chúng tôi không khỏi rùng mình ghê
sợ.
Đã bốn mươi năm trôi qua rồi, vậy mà những sự việc đó vẫn
hiện lên rõ mồn một trước mắt tôi. Đó là sự thật, tôi không dám bịa đặt
điều gì, tôi đã ở nơi đó, nhìn thấy bộ xương khô dị dạng ấy. Cảm giác
toàn thân ớn lạnh, mồ hôi túa ra như tắm khi ấy, cho đến giờ tôi vẫn
không tài nào quên được. Đương nhiên, những người không được trực tiếp
chứng kiến cảnh tượng đó thì sẽ khó lòng lý giải tại sao người Nhật lại
có thể nghĩ ra trò nhét một người Trung Quốc đang sống sờ sờ vào bao tải để làm vật tránh bom nổ một cách điên rồ, tàn bạo đến như vậy.
Tất cả chúng tôi đều lặng đi rất lâu, trong số chúng tôi, Vương Tứ Xuyên là người đăm chiêu nhất, mặt cậu ta sầm xuống, còn đen hơn cả mặt Bao
Công.
Không khí lúc đó bỗng trở nên vô cùng trang nghiêm, hai cậu lính lặn xuống dưới nhổ được lưới sắt ngoi lên tới nơi, nhìn thấy cảnh
tượng ấy thì ngơ ngơ ngác ngác không hiểu chúng tôi bị làm sao. Lát sau, chúng tôi đành thả bộ xương xuống dòng nước và tiếp tục hành trình.
Cả chặng đường sau đó không ai nói lời nào, mọi người đều cảm thấy việc
trêu đùa, trò chuyện lúc này thật không thích hợp, vậy là chúng tôi
chuyển sang tập trung nhìn ngắm hai bên thành hang động.
Càng đi
xuống tầng ngầm sâu, cấu tạo dòng chảy càng thay đổi, nhiều cảnh kì thú, khác lạ xuất hiện. Đặc điểm cấu tạo của động dung nham núi lửa bắt đầu
có sự thay đổi, trên cao xuất hiện hiện tượng các nhũ đã rỉ nước xuống,
nên chúng tôi phải đội mũ, mặc áo bạt vào.
Nếu chỉ nhìn những dấu hiệu bên ngoài thì khó để đoán được sự sản sinh cấu tạo địa chất ban
đầu của hệ thống hang động này, thông thường sẽ xảy ra trường hợp thế
này, tuổi cấu tạo địa chất của hang động thường khoảng hàng trăm triệu
năm, thế nhưng tuổi của hệ thống hang động lại dao động từ một trăm
nghìn cho tới hai trăm triệu năm, độ dao động rất lớn, không có gì làm
chuẩn để so sánh.
Có điều, thông thường địa hình địa mạo của hệ
thống sông ngầm trong hang đá vôi dưới đất kiểu này sẽ giống như một
mạng lưới những túi rỗng, từng tầng từng tầng một, bốn bề thông nhau
rộng rãi, khoáng đạt, không theo tuần tự nào, tuyệt đối không giống cấu
tạo địa hình của một dòng sông chảy xuôi thông thường mà chúng ta biết.
Có ý kiến cho rằng có lẽ trước đây cả trăm triệu năm, nơi đây là biển,
khi đó do có sự vận động và cấu tạo địa hình, các dãy núi trồi lên và
hình thành nên hệ thống hang động như thế này, sau đó các dòng sông ngầm tiếp tục hình thành, những dòng nước ngầm đã liên tục ăn mòn hang đá,
hình thành nên những đặc điểm hang động như hiện nay.
Càng đi sâu xuống dưới, do tác dụng của nước ngấm nên bề mặt của lớp đá vôi đều có
một lớp rỗ, càng xuống sâu, sự ăn mòn càng mạnh. Thế nhưng, đến một độ
sâu nhất định, hang động lại trở về hình thái cấu tạo địa chất ban đầu,
vì áp lực ở sâu bên dưới rất lớn, nên những hang ngầm được hình thành
trong địa mạo Karst căn bản không thể chịu được áp lực lớn như vậy.
Đây chính là kết quả khảo sát nghiên cứu của chúng tôi hồi đó, chúng tôi
rất muốn biết điểm tận cùng của dòng sông ngầm này là ở đâu? Với một
lượng nước lớn như vậy, nếu tận cùng dòng sông không có hồ ngầm để chứa
nước, lẽ nào toàn bộ lượng nước đều ngấm qua lớp đá vôi thấm xuống lòng
đất hết?
Chúng tôi cũng nhẩm tính thời gian cần thiết để tới
đích, căn cứ vào vị trí dốc thoải đang đứng hiện nay, không tính việc
phải đi đường vòng, thì chúng tôi còn cách vị trí ở độ sâu một ngàn hai
trăm mét một khoảng tính theo đường thẳng chừng mười sáu cây số, nếu
không xảy ra tình huống nào bất thường, ban đêm vẫn được nghỉ ngơi bình
thường, thì khoảng mười giờ sáng mai chúng tôi sẽ tới đích. Đương nhiên, điều kiện đặt ra là chúng tôi phải đi đúng đường, và dòng sông này
không có những đoạn khúc khuỷu bất thường, còn nếu có những ngã rẽ thì
cũng không biết chúng tôi sẽ tới đâu nữa.
Những dự đoán của chúng tôi đã được thực tế chứng minh một cách hoàn hảo, nhìn vào khí áp kế,
thì hiện chúng tôi đang ở độ sâu khoảng ba trăm hai mươi mét so với mặt
đất, đến đây đã xuất hiện rất nhiều những dấu tích của các vụ nổ trong
quá trình hình thành hang động. Tôi cảm thấy hai bên vách đá của dòng
sông ngầm giống như bức bích họa phức tạp, kì quái, đâu đâu cũng thấy
các măng đá từ bên dưới chĩa lên, hoặc nhũ đá bên trên trần thả xuống,
giống như một rừng răng nanh. Trên đỉnh động xuất hiện những chiếc cầu
đá vắt từ bên này sang bên kia, hoặc có chỗ, những phiến đã hướng thẳng
xuống sát đầu, khiến chúng tôi phải khom người mới chui qua được. Cảnh
sắc được kiến tạo qua hàng triệu năm mà không có một chứng nhân cứ dần
dần hiện ra trước mắt chúng tôi, tôi thấy mình như đang đi trong lòng
một bộ hai cốt của một con quái thú khổng lồ, vừa sợ hãi lại vừa thích
thú. Năm 1962, trong nước có xuất bản một cuốn tiểu thuyết tên là “Thám
hiểm lòng đất”, cũng từng miêu ta những cảnh như thế này.
Thế
nhưng, chỉ một lúc sau, những suy luận của chúng tôi bất ngờ gặp phải
một “chướng ngại vật”. Sau khi chèo qua một bãi đá ngầm rộng lớn, chúng
tôi bỗng thấy trước mặt hiện lên một khối đá sừng sững chặn ngay giữa
dòng nước, nước sông bị khối đá này chặn lại nên không thể xuôi dòng,
dòng nước lúc này đang chảy quanh khối đá, còn thuyền của chúng tôi thì
bị mắc kẹt ngay ở khe nứt của khối đá.
“Do các nhũ đá sụp xuống đây mà”, Bùi Thành cầm đèn pin soi lên, “Chỗ đá này là nhũ thạch ở trên đỉnh rơi xuống.”
“Ai mà chẳng biết”, Vương Tứ Xuyên trả lời, “Bà nó chứ, ai khỏe leo lên xem thử cái!”
Khi chúng tôi leo lên một tảng đá để xem xét thì trông thấy một cảnh không
thể tưởng tượng nổi, phía trước mặt chúng tôi là một bãi đá hỗn loạn,
làm tắc dòng sông này, dòng nước phải chảy lượn quanh bãi đá hỗn tạp này rồi mới xuôi đi.
Bãi đã rất lộn xộn, không theo quy tắc nào, hòn to thì bằng cả khoang lái của xe tải, hòn bé thì chỉ bằng nắm tay, nằm
lổn nhổn, lộn xộn. Nhưng ở giữa là thứ mà chúng tôi vừa mới vớt lên khi
trước, chúng ở khắp mọi nơi, có nhiều bao tải đã bị mủn rách, giữa đám
dây kẽm gai là những bộ xương bị bó chặt, đủ mọi tư thế cong queo, cảnh
tượng trước mắt khiến chúng tôi có cảm giác như mình đang rơi xuống chín tầng địa ngục.