Đàm Đình Hội

Chương 3: Chương 3: Tập I: Ta nhất định phải thắng - Đàm Đình chi chiến




1.

Chu Bạch Tự đối mặt với quyển họa bắn tới trước mặt, giật mình kinh hãi: trong bức tranh sơn thủy đó ẩn hàm một luồng chân lực không cực kỳ mạnh mẽ, nếu để nó chạm phải người, ắt sẽ như một tảng đá lớn đè nặng lên trái trứng gà, còn nếu né tránh, coi như y đã thua mất một hiệp.

Y liền đưa tay lên, năm ngón tay chụp lấy ống quyển.

Tay hữu của Lam Nguyên Sơn vẫn chắp tay sau lưng, chỉ dùng cánh tay tả trắng muốn cầm lấy một đầu ống quyển.

Chu Bạch Tự dùng hữu thủ.

Năm ngón tay của bàn tay hữu.

Tiên Nhân chỉ do Cổ Thâm thiền sư ở Tung Sơn truyền thụ.

Chỉ kình vừa đẩy vào ống quyển, Chu Bạch Tự lập tức cảm thấy những luồng nội lực cuồn cuộn tràn tới như sóng thủy triều, như muốn làm năm ngón tay y bật ra, bay lên không trung vậy.

Kình lực Tiên Nhân chỉ của y cũng đẩy ra như suối nguồn.

Một bên lông mày của Lam Nguyên Sơn lại hất lên, tướng mạo thập phần cổ quái. Y cũng đang cảm nhận được có năm đạo kình lực sắc bén như đao đang xuyên vào lòng bàn tay.

Hai người vẫn mỉm cười, cúi đầu xem tranh.

Lão tú tài bán tranh vẫn ngây ra bởi phong thái ung dung của vị khách mặc áo lam, chỉ khẽ vung tay một cái đã mở cuộn tranh ra đưa tới tay người khách áo trắng.

Bức họa này vẽ một mỹ nữ, y phục tung bay phất phới, bên trên có hàng chữ “Thiên tải hữu dư tình”, bút ý khinh linh uyển chuyển, sau lưng mỹ nữ là cảnh tú sơn linh thủy, thiên địa tịch mịch, vẻ thương cảm phiền muộn như tràn ngập cả bức họa.

Chu Bạch Tự cười cười nói: “Đúng là tranh đẹp, nhân tình vật ý, đều khắc họa hết sức tỉ mỉ”.

Lam Nguyên Sơn cung mỉm cười: “Bút thế sâu sắc, đúng là tuyệt tác, quả thực hiếm thấy, hiếm thấy!”.

Lão tú tài lạc phách vốn là tác giả của bức tranh, nghe được hai người tán mỹ như vậy, trong lòng như có hoa nở rộ, vội vàng nghiêng hẳn người ra trước nói: “Đây... đây chỉ là bức tranh bỏ đi của kẻ bất tài, được huệ nhãn của hai vị thưởng thức, thật là tam sinh hữu hạnh... cho dù là ba lượng...”.

Nói tới đây, ánh mắt của y liền dừng lại trên mặt giấy, cơ hồ như không thể dời đi chỗ khác.

Bức họa vẫn còn nguyên đó, nhưng màu sắc đã dần dần mờ đi, chỉ còn lại mấy vệt hồng nhạt, và năm chữ “thiên tải hữu dư tình”, năm chữ này lão đã đặc biệt mời một vị danh gia đến hạ bút, nhưng bút tích cũng dần dần trở nên mơ hồ rồi.

Y căn bản không tin vào mắt mình, nhưng lúc này, màu sắc của bức họa đang rõ ràng mờ đi.

Y đương nhiên chưa từng chú ý nét mặt của Chu Bạch Tự và Lam Nguyên Sơn lúc này, trên trán hai người đã lấm tấm những hạt mồ hôi to như hạt đậu.

Lão tú tài “à” lên một tiếng, đưa tay dụi dụi mắt đưa tay sờ sờ vào bức họa.

Đúng lúc này, bức họa đang căng ra, đột nhiên trùng xuống, hai người đều thầm thở phào nhẹ nhõm. Nếu để lão tú tài chạm phải bức họa tràn đầy công lực của hai người, lão tú tài tất sẽ bị chấn động vỡ nát lục phủ ngũ tạng mà chết, trận quyết đấu này xem như đã bại lộ. Kết quả này cả hai người đều không muốn nhìn thấy, thế nên đều nhất tề thu hồi công lực lại.

Tú tài vừa chạm phải, bức tranh chỉ còn lại bức tự họa mềm nhũn, lão tú tài há hốc miệng, chỉ nói được mấy chữ: “Đây, đây...”. Đối với y mà nói, bị người ta nhìn thấy bức họa đã thôi màu, chính là ngân lượng trắng toát đã mọc cánh bay đi trước mắt.

Lam Nguyên Sơn cười cười móc ra một đĩnh bạc: “Tranh đã thôi màu, nhưng ba lượng bạc thì ta vẫn trả đủ”.

Vừa nói y vừa đặt đĩnh bạc vào tay lão tú tài.

Lão tú tài lập tức cười toét miệng, nhưng mắt vẫn bần thần nhìn đĩnh bạc: “Tiểu nhân, tiểu nhân... không trả lại được...”.

Chu Bạch Tự chợt đưa tay ra, kẹp lấy một góc đĩnh bạc: “Ở đây đại khái có năm lượng bạc, không cần trả lại nữa”.

Lão tú tài tuy không hiểu tại sao cả đĩnh bạc lại bị cắt một góc ngọt như vậy, nhưng y nhìn thấy ngân lượng thì sướng đến mờ cả mắt, cười hì hì nó: “Tiểu điếm còn rất nhiều tranh...”. đại khái từ khi lão mở tiệm đến nay, đây là món hàng hời nhất mà cũng thuận lợi nhất.

Lam Nguyên Sơn nhìn thấy đĩnh bạc bị cắt mất một góc, như đao chém, bèn nói: “Hảo! Tiên Nhân chỉ thật kinh người!”.

Chu Bạch Tự đang định khiêm nhượng mấy câu, thì chợt thấy ngân lượng trong lòng bàn tay y lại xoắn lại, vết cắt hoàn toàn biến mất như chưa bao giờ tồn tại, trong lòng thầm kinh hãi, thất thanh thốt lên một tiếng: “Viễn Dương thần công?”.

Lam Nguyên Sơn cười cười: “Một chút tiểu kỹ thầm thường, không đáng...”.

Chu Bạch Tự nói: “Lần này không ngờ lại được kiến thức Viễn Dương thần công mà võ lâm truyền tụng là ‘dĩ nhất công phá vạn công’! ”.

Lam Nguyên Sơn cười nhạt: “Trận thứ hai, xin mời Chu thế huynh tự chọn”.

Lúc này hoa đăng huyền ảo đã bày khắp nơi trên thị tứ, có hoa đăng là truyền thuyết Tây Du, có chiếc lại là truyền kỳ Hậu Nghệ xạ nhật, Thường Nga bôn nguyệt sống động như thật... nếu như mỗi chiếc hoa đăng là một truyền kỳ, một cố sự thì Đàm Đình phải có đến cả ngàn cố sự, cả vạn truyền thuyết.

Nhưng những người đang ngẩng cổ ngắm đèn, lại không hề phát hiện cuộc ác đấu đang diễn ra giữa biển người, cũng không chú ý đến một vầng trăng lạnh lẽo treo lơ lửng trên cao.

Chu Bạch Tự ngẩng đầu nhìn hai ngọn thủy đăng cách họ không xa, cười cười nói: “Nguyệt nhập ca phiến, hoa thừa tiết cổ, Lam trấn chủ, ngọn đèn kia là của huynh, ngọn này của ta”.

Lam Nguyên Sơn ngẩng đầu lên nhìn, thấy ngọn đèn bên phía mình họa hình Quan Đế đang đọc kinh xuân thu, còn phía Chu Bạch Tự thì là Lữ Bố cầm kích, cưỡi ngựa Xích Thố.

Lam Nguyên Sơn hiểu dụng ý của Chu Bạch Tự, vừa ngầm tỏ ý bảo y là Đổng Trác nuôi hổ trong nhà gây hậu hoạn, đồng thời cũng tỏ ý rằng trận này y bại là cái chắc. Tuy biết vậy, song Lam Nguyên Sơn chỉ cười cười, không nói gì.

Chu Bạch Tự ngẩng đầu lên, nói: “Lam huynh, đèn của huynh, sắp tắt rồi!”.

Y vừa nói, ống tay áo vừa khẽ phất nhẹ một cái.

Một đạo kình phong, cuồn cuộn lao về phía ngọn đèn Quan Đế.

Trong ngọn đèn chỉ có ba cây nến, làm sao chống đỡ nổi Vô Tướng thần công của Chu Bạch Tự?

Chu Bạch Tự vừa mở miệng nói đã xuất thủ, để đáp trả lại thủ đoạn lấy răng trả răng vừa rồi của Lam Nguyên Sơn. Lam Nguyên Sơn vừa không thể nhảy lên dịch chuyển vị trí của ngọn đèn trước con mắt của bao người, muốn xuất thủ cản lại cũng không kịp, lại sợ Viễn Dương thần công chưa vận tập đầy đủ khó mà chống đỡ lại Vô Tướng thần công đã có sự chuẩn bị từ trước của Chu Bạch Tự, đành hất mạnh ống tay áo, đẩy một luồng kình đạo về phía ngọn đèn họa hình Lữ Bố của họ Chu.

Chu Bạch Tự thầm kinh hãi, biết rằng cho dù y có đánh tắt đèn Quan Đế của Lam Nguyên Sơn, thì ngọn đèn Lữ Bố của mình cũng tắt, kết cuộc vẫn là bình thủ, bèn vội vã quét ngược lại, chuyển hướng lực đạo chặn lấy kình lực Viễn Dương thần công của Lam Nguyên Sơn.

Lão bản bán hoa đăng dường như phát giác có điều gì khác lạ, a lên một tiếng, bước ra xem có chuyện gì, nhưng nhìn quanh nhìn quất mấy lượt mà cũng chẳng thấy gì khác lạ, chỉ biết gãi gãi đầu mà chẳng hiểu gì sất. Không biết có một trận gió ở đâu thổi tới mà các ngọn đèn xung quanh chẳng thấy lắc lư chút nào, chỉ có hai ngọn đèn của y là bập bùng bập bùng, lắc qua lắc lại không ngừng.

Chân lực hai người chạm nhau, sắc mặt cùng lúc biến đổi.

Tả thủ của Lam Nguyên Sơn lạ khẽ phất lên, một luồng kình lực khác, liền bắn về phía ngọn đèn Lữ Bố.

Ống tay áo còn lại của Chu Bạch Tự cũng hất về phía ngọn đèn Quan Đế của Lam Nguyên Sơn.

Lần này thì đến lượt họ Lam phải thu kình lực về cả lại nội kình Vô Tướng thần công của Chu Bạch Tự.

Hai cỗ nội gia chân lực lại đụng nhau trên không lần nữa, khiến hai ngọn đèn mỏng manh không ngừng xoay chuyển. Lão bản lại chạy ra ngoài, lẩm bẩm nói: “Âm phong ở đâu ra vậy nhỉ?”.

Ánh trăng lành lạnh, tiết thu mát mẻ, tất cả chúng nhân đều không cảm thấy có gió mà hai ngọn đèn vẫn rung rinh không ngừng, nên không tránh khỏi có người cảm thấy kỳ quái, nghển đầu lên nhìn.

Có người bật cười nói: “Lai lão bản, hai ngọn đèn này của ông hay thật đấy, tự mình biết lắc lư nữa kìa!”.

Ông chủ tiệm bán đèn bên cạnh cũng lên tiếng nói đùa: “Có khi Quan Đế gia và Lữ Bố tướng quân muốn đánh trận cũng không chừng đấy!”.

Y vừa mới dứt lời thì hai ngọn đèn lồng đã quay tít trên dây treo, chúng nhân đều tấm tắc khen kỳ lạ, nhưng không người nào để ý thấy giữa dòng người chật ních ấy có hai người đang đứng lặng yên, thi triển thần công để kềm chế lẫn nhau.

Chu Bạch Tự mấy lần dùng Vô Tướng thần công hòng phật tắt ngọn đèn Quan Đế, nhưng đều bị Lam Nguyên Sơn cản trời. Còn Lam Nguyên Sơn thì cũng vận Viễn Dương thần công làm tắt đèn Lữ Bố, song mấy lần liền đều bị Chu Bạch Tự ngăn cản nên không hề có kết quả mong muốn.

Người trên phố chạy lại xem sự lạ mỗi lúc một đông thêm. Một người nhìn thấy Lam Nguyên Sơn đang ngẩng cổ lên nhìn hai ngọn đèn, liền bước tới chạm khẽ vào y rồi hỏi: “Làm sao mà ngây người ra thế kia?”.

Nhưng lúc này Lam Nguyên Sơn đang vận tập Viễn Dương thần công lưu chuyển khắp người, làm sao để người khác chạm vào được? Người bình thường nếu chạm phải y lúc này, chỉ sợ sẽ bị chấn gãy xương đứt gân, gan ruột lộn phèo, như vậy thì vừa hại người vô tội, cũng vừa bại trận nên Lam Nguyên Sơn vội vàng hừ nhẹ một tiếng, hóa tán toàn bộ công lực chỉ trong nháy mắt.

Công lực của Lam Nguyên Sơn hóa tán cực nhanh, chỉ trong nháy mắt, vì vậy khi tay người kia chạm vào vai y, chẳng hề có cảm giác gì đặc biệt, chỉ có điều Lam Nguyên Sơn đang vận công lên tới cực hạn, đột ngột hóa tán đi toàn bộ nên chân khí hơi tắc nghẽn, nhất thời không lên tiếng đáp lại được.

Chu Bạch Tự liền nhân cơ hội hiếm hoi này, dồn thêm công lực, đẩy mạnh về phía ngọn đèn Quan Đế.

Nhưng cũng thật khéo, đúng lúc này thì có một tiểu nữ tử bán hoa nhìn thấy vị công tử bạch y phong lưu tuấn tú này, đoán là người yêu hoa, bèn chạy tới kéo tay áo họ Chu hỏi: “Công tử, công tử, ngài mua mấy đóa hoa...”.

Ống tay áo Chu Bạch Tự lúc này đang tụ đầy chân lực Vô Tướng thần công, làm sao dễ dàng chạm vào được? Nếu để tiểu nữ tử bị chấn động mà chết, vậy thì cho dù y có dập tắt được ngọn đèn, cũng sẽ bại lộ chân tướng, coi như đã tự chuốc lấy thất bại. Chu Bạch Tự thầm kinh hãi, vội vàng dẫm mạnh gót chân xuống đất, dồn toàn bộ công lực truyền xuống bên dưới.

Lúc tiểu nữ tử chạm vào ống tay áo y, công lực tụ tập trong đó đã hoàn toàn tiêu biến, nên tự nhiên cũng không hề hấn gì. Nhưng hai luồng kình lực đang dồn ép nhau trên không, đột nhiên biến mất vô ảnh vô hình đã gây nên một trận nghịch phong. Chỉ nghe “vù” một tiếng, ngoại trừ hai chiếc đèn họa hình Quan Đế, Lữ Bố ra, tất cả những ngọn đèn xung quanh đó đều tắt phụt.

Chỉ còn lại vầng trăng lơ lửng trên cao.

2.

Ánh trăng trắng bàng bạc.

Những ngọn đèn bị tắt toàn bộ đều không ngừng đung đưa trên dây treo, chỉ riêng hai ngọn đèn lúc nãy rõ ràng bập bùng lắc lư như muốn tắt là sáng bừng lên hơn cả lúc trước, khiến cho ai nấy đều trầm trồ không hiểu tại sao, cả lão chủ tiệm bán đèn cũng lẩm bẩm: “Hai ngọn đèn này của ta, nhất định có thần minh phù trợ, nhất định có thần minh phù trợ!”.

Kết quả là có người trả giá tới mười lượng, nhưng lão bản vẫn sợ thiệt, cương quyết không bán.

Từ lúc tất cả đèn tắt phụt, cho tới lúc từng ngọn nến, ngọn đuốc được đốt lên, cả phố chợ luôn ồn ào náo nhiệt.

Đặc biệt là khoảnh khắc bóng tối đột ngột giáng lâm đó, có nhiều kẻ đã thừa cơ làm loạn, không ngừng có tiếng kêu kinh hãi của các nữ tử vang lên. Chủ đề mới mẻ này đáng lẽ phải được tiếp tục bàn luận, song một sự việc khác mới mẻ hơn đã làm những kẻ háo sự ở Đàm Đình chú ý, quên cả chuyện vừa rồi.

Thì ra là có nhà quý nhân nào đó đang mở tiệc chúc thọ trên hoa thuyền, đốt pháo hoa, pháo thăng thiên.

“Vù... bùng”...!

Từng tia sáng ngũ sắc bắn vọt lên bầu trời, rồi hóa thành muôn ngàn đóa hoa rơi xuống mặt sông, che mờ cả ánh trăng, thu hút mọi ánh mắt, chúng nhân lại được dịp xôn xao bàn luận.

Những con chim yến bay qua cũng hạ thấp độ cao, như sợ những đóa hoa lửa tung tóe bắn vào bộ y phục lộng lẫy của chúng.

Lam Nguyên Sơn nói: “Hai trận vừa rồi, chỉ kinh mà không hiểm, coi như hòa”.

Chu Bạch Tự gật đầu: “Chúng ta không thể hòa mãi như thế được”.

Nếu như tiếp tục hòa, tức là không thể phân được cao hạ, một núi sao thể dung dưỡng hai hổ chứ?

Lam Nguyên Sơn cười cười nói: “Phải, không thể hòa nữa”. Vừa nói, hai vai y liền khẽ động đậy, giống như người bình thường động đậy vai lúc di chuyển vậy, nhưng chỉ có hai vai chuyển động chứ cánh tay thì hoàn toàn bất động.

Hai con chim yến lướt qua, vẽ thành một đường cong tuyệt đẹp.

Đột nhiên, khi bay qua đầu Lam Nguyên Sơn, hai con chim liền bị một bức tường vô hình cản lại, không thể bay tiếp nữa.

Hai con chim yến liền quay đầu bay ngược lại, nhưng bốn mặt đều có những bức tường vô hình, bất luận là chúng nỗ lực thế nào, cũng đều không thể bay thoát ra khỏi được.

Chu Bạch Tự lập tức hiểu ra, y cũng tiện tay cầm lấy một quả cầu nhung bày bán bên đường, xoa xoa trong lòng bàn tay.

Hai con chim yến khác cũng vì tránh khói hoa mà lướt qua, đang chuẩn bị bay lên cao thì đột nhiên khựng lại như bị một sợi dây vô hình giữ chặt, hoảng loạn bay lên bay xuống trên đầu Chu Bạch Tự, hoàn toàn bị thao túng.

Đó là sức mạnh vô hình mà Chu Bạch Tự đã dùng quả cầu nhung để kích phát: Long Hổ Hợp Kích pháp.

Hai con chim yến trên đầu Lam Nguyên Sơn không thể bay ra khỏi màn lưới vô hình do khí công của y tạo nên. Yến tử trên đầu Chu Bạch Tự cũng không thể thoát ra khỏi bức tường kình khí Long Hổ Hợp Kích pháp.

Chợt nghe “vù” một tiếng, hai tay Lam Nguyên Sơn đưa lên, đặt ở bụng, tựa hồ như muốn chỉnh lại dây lưng, nhưng phía trên, hai con chim yến trong lưới khí vô hình của y đã bắn thẳng về phía Chu Bạch Tự như hai mũi tên, nhằm tới một con chim yến trên đầu họ Chu.

“Ầm! Ầm!...”.

Lại có mấy quả pháo hoa nổ tung trên bầu trời, nếu không phải pháo hoa rực rỡ khiến mọi người đều ngẩng lên ngắm nhìn thì ai nấy đều cũng kinh hãi vì thấy chim yến đảo lộn trên đầu hai người mà không bay đi được.

Lúc Đôi chim yến của Lam Nguyên Sơn bắn vào một con chim yến của Chu Bạch Tự, trong lòng y vô cùng kinh hãi, bởi vì Lam Nguyên Sơn chỉ cần dùng hai vai đã có thể thi triển kình lực khống chế yến tử, hai tay chỉ khẽ động đã có thể thao túng chim yến thành ám khí, còn Long Hổ Hợp Kích pháp của y, thì phải dùng tay bóp của cầu nhung mới đẩy ra được, nếu như gia tăng thêm kình lực, tuy có thể cản lại thế công của đối phương, nhưng chắc chắn sẽ bại lộ hình tích, để người ta biết y đang động thủ với người khác.

Như vậy, không phải là đồng nghĩa với bại trận hay sao.

Trận này, ngàn vạn lần y không thể bại.

Trước khi quyết đấu, y đã biết Lam Nguyên Sơn tuyệt đối không phải người dễ đối phó, nhưng y không ngờ Lam Nguyên Sơn lại khó đối phó đến vậy, công lực lại cao cường tới nhường này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.