Đăng Hoa Bất Kham Tiễn

Chương 4: Chương 4: Chương 3




Rốt cuộc trời cũng tạnh mưa.

Công tử Hàm trải giấy hoa tiên, cầm bút thảo một bài hịch liên quân đợi dùng sau khi hồi quốc. Ngày lạnh, Tô Tử đứng bên mài mực, lại ủ một bình nước ấm đem đặt vào lòng y rồi mới lùi về sau lặng lẽ nhìn.

Tô Tử không biết chữ, nhưng lờ mờ hiểu được người kia hành văn thực hảo. Chẳng biết người đã viết được bao lâu, hắn đã nhìn y được bao lâu.

Ánh trăng mỏng mà sáng, giống như châu quang xuyên qua lớp vỏ trai, dập dềnh trôi ngoài khe cửa. Đêm về khuya, văn tứ cũng bay đi đâu hết. Thư quyển lỏng tay rơi xuống đất, nam nhân trên bàn gục xuống ngủ vùi.

Tô Tử si ngốc nhìn công tử Hàm, ánh mắt lưu luyến đọng trên khuôn mặt đẹp mà giản dị. Ngày nào còn có nhau, chỉ mong đừng quá vội. Mê luyến cả đời này, không biết còn có thể nhìn được bao lâu.

Hắn tự tính toán thể lực của bản thân, chao, cố gắng lắm thì hầu công tử đi được tới biên giới Tiễn quốc. Nếu thuận lợi hội họp cùng tử sĩ, biết đâu còn có thể theo công tử về Chương. Còn như có biến cố gì, cũng chẳng còn đường quay về làm thanh quan như ngày xưa.

Đương suy nghĩ mông lung, trong lồng ngực hàn khí bỗng xông lên nhức buốt, thiếu niên vội vàng nằm xuống dùng tay đè tiếng ho khan. Gói thịt hươu ban nãy từ trong áo rơi ra, vài miếng văng trên mặt đất. Hắn tiếc của lại nhặt lên thổi cho sạch bụi, lòng thầm nhủ “Phải ăn mới mong hết bệnh,” rồi bỏ vào miệng chậm rãi nhai. Mới được vài canh giờ, chẳng ngờ đầu lưỡi đã còn toàn chua xót.

Trong màn đêm yên tĩnh, Tô Tử quỳ rạp trên mặt đất, tẩn mẩn nhấm nuốt, thỉnh thoảng lại hục hặc ho khan. Lúc ngẩng lên hai mắt lệ đã ươm đầy. Cánh mũi phập phồng sụt sịt lấy hơi, nam nhân đang ngủ trên bàn bỗng mờ mịt gọi một tiếng “A…”, hắn vội vàng lấy tay áo quệt đi rồi đến bên người nọ.

Bấc đèn dài quá mà dầu thì sắp cạn, nơi ngọn lửa đang cháy nở ra những chấm tròn đỏ quạch xoay quanh tim đèn như đóa hoa. Bỗng đâu một tiếng “Ba!” vang lên, hoa đèn nổ, phụt sáng rồi lụi tàn. Trong ánh trăng mờ ảo, bóng đồ đạc rung rung như dáng người chạy loạn. Tô Tử thêm dầu. Một canh giờ hoa đèn nổ hai ba bận, công tử Hàm giật mình tỉnh dậy, trán ướt đẫm mồ hôi, lại cầm bút lên soạn hịch.

Tô Tử khuyên y nghỉ tạm, chẳng những bị cự tuyệt, y lại còn bắt hắn đi nằm. Hắn giả bộ ngoan ngoãn lùi về buồng trong, đứng sau bức rèm nhìn nam nhân chăm chú viết. Cho đến lúc y lảo đảo gục xuống bàn lần nữa mới rón rén lẻn về bên cạnh. Rồi dường như sợ quấy nhiễu y, hắn ngây ngốc ngồi ở bên bàn, cầm cây kéo khêu bấc đèn vừa cháy, lụi cụi cắt tâm.

Thiếu niên cắt thật tỉ mẩn nhẹ nhàng, như sợ động mạnh đèn sẽ tắt. Trong ánh sáng le lói, bóng hắn in lên tường cổ quái nhỏ gầy. Năm ngón tay như cánh hoa lan vươn ra gần đốm lửa, giống như ngay sau đó sẽ bị thiêu trụi hết, hóa thành một giọt lệ buông.

Có tiếng thở dài trong gió đông se. Một nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng.

Một chút lệ nhòa trong phút hôn nhau.

Trăng lạnh đêm thâu, ngồi cắt hoa đèn, mong người yên giấc ngủ.

*

“May mà không nặng lắm!” Tô Tử cười nói, buộc túi mầm cát cánh vào yên ngựa, “Vả lại cũng không phải ta thồ. Ngựa thêm nhiêu đây không có gì đáng ngại…” Lời vừa dứt, đột nhiên phục xuống mình ngựa, không nhịn được ho lên.

“Sao lại ho thành như vậy?” Công tử Hàm gặng hỏi, giọng có chút đau lòng. Lý Nhiễm Cầu nghe thấy lập tức sầm mặt xuống.

Tô Tử lắc đầu: “Hôm qua dầm mưa, không cẩn thận nhiễm lạnh.”

Trận mưa đêm qua đã trì hoãn hành trình, mưa ngớt mới tiếp tục lên đường ra trạm dịch. Đoạn đầu một mạch rừng núi hoang vu không nhiều trạm gác, nhưng nếu sau đó phải đi ngang quán trọ thì cũng chưa nói trước được tình hình.

Ba người rong ruổi theo đường nhỏ, đường đi mỗi lúc một dốc, tiến vào triền núi hai bên đều là đất ẩm. Đêm qua mưa lớn, đá lở từ đỉnh núi lăn xuống không ít, lại thêm mấy hố nước nhìn chẳng rõ nông sâu.

Lý Nhiễm Cầu thấy địa thế bất lợi bèn lên tiếng nhắc nhở hai người phải cẩn thận đề phòng. Tô Tử không rành cưỡi ngựa, đi được một đoạn, thanh mã (ngựa ô) dưới thân đột nhiên nghiêng ngả, lảo đảo sụp xuống đám bùn. Công tử Hàm nhanh tay kéo Tô Tử lên, hắn không quên túm theo túi mầm cát cánh. Con ngựa sa lầy, bùn đất bắn lên nhuộm hai người một thân nhớp bẩn.

Lý Nhiễm Cầu xuống ngựa xem xét tình hình, giây lát ngẩng lên: “Ngựa gẫy chân rồi, không thể tiếp tục cưỡi.” Nói xong trừng mắt lườm Tô Tử.

Công tử Hàm thở dài: “Đường đi lầy lội xóc nảy, không nên trách A Tử. Con ngựa này cũng thật đáng tiếc.” Đoạn xốc Tô Tử lên ngựa với mình, “Ngươi vốn nhẹ, cưỡi chung với ta không vấn đề gì.”

Dứt lời liếc sang Lý Nhiễm Cầu, ra chiều đừng nói gì thêm. Ba người hai ngựa tiếp tục lên đường. Đi được hồi lâu, bỗng nghe đằng sau ngựa hí từng phiên, quay đầu nhìn lại, đúng là thanh mã bị thương đã ráng sức vùng lên khỏi hố, tập tễnh chạy theo một đoạn.

“Loài súc sanh cũng có lòng trung như vậy, thực làm người ta cảm động.” Nam nhân phía sau Tô Tử thở dài, “Nhưng đã như vậy còn cố đuổi theo, cuối cùng chỉ là gánh nặng thôi.”

Thiếu niên nghe y nói lời này, trong lòng đột nhiên thấp thỏm.

Công tử Hàm quay sang Lý Nhiễm Cầu, nhẹ giọng phẩy tay: “Đi. Cứ để nó chạy.”

.

Chú thích:

★ Chất tử: Chất 质 có nghĩa là cầm cố, thay thế. Chất tử hay Nhân chất là người được đem ra thế chấp, làm con tin. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chư hầu để tỏ lòng tín nhiệm nhau thường phái nhân vật trọng yếu của nước mình sang cư trú tại nước đối phương để làm vật thế. Người bị phái đi thông thường là con vua của nước chư hầu.

Nếu như trong hai nước một mạnh một yếu, thì nước yếu sẽ gửi Chất tử đến nước mạnh, còn nước mạnh không phải gửi người sang. Đó là trường hợp Tử Sở, cha của Tần Thủy Hoàng, sang làm con tin nước Triệu. Ở đây Tiễn mạnh, Chương yếu, Thế tử Hàm con của Chương Quốc Công phải sang Tiễn làm Chất tử.

★ Công tử : Ở thời kỳ này, con trưởng của vua chư hầu được gọi là Thế tử, con thứ được gọi là công tử. Về sau người ta cũng gọi con cái quan lại là công tử, rồi dần dần con nhà giàu có cũng gọi công tử nốt. Con gái những nhà này ban đầu gọi là “nữ công tử,” các bạn đừng ngạc nhiên:)) Ở đây danh xưng “công tử” của Hàm là để tránh dòm ngó trên đường bỏ trốn. Hàm là con trai duy nhất của Chương Quốc Công, vì thế ở Chương sẽ được gọi là Thế tử Hàm.

★ Thực khách: Các công tử gây uy tín và thanh thế bằng việc nuôi thực khách trong phủ. Số thực khách ăn ngủ có khi đông đến hàng ngàn. Sử ký Tư Mã Thiên ghi nhận Mạnh Thường Quân, Bình Nguyên Quân và Tín Lăng Quân đều có ba nghìn thực khách trong nhà. Họ đến ở nhờ một thời gian và có thể ra đi, không có sự ràng buộc như các thủ hạ dưới quyền các vị công tử này. Đối với các công tử, việc nuôi thực khách hoàn toàn tự nguyện và vô điều kiện, không hề đòi hỏi những người khách phải đáp ứng điều gì mới được đến ăn ở nhà mình. Thực khách trong nhà các công tử, cũng như các nhà quyền quý khác, có ăn ngon thì đến, không ăn ngon thì đi; hoặc chủ đắc sủng thì tới, chủ thất sủng thì bỏ.

Tuy nhiên không phải tất cả các thực khách đều sống ăn bám và bạc bẽo như vậy. Nhiều thực khách trở thành mạng lưới tình báo hữu hiệu cho các công tử Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quân. Người có nhiều thực khách ngưỡng vọng và trung thành hơn cả là Ngụy Vô Kỵ và Triệu Thắng. Không thấy sử chép những trường hợp thực khách bỏ các vị công tử này đi khi họ gặp khó khăn, thậm chí với Nguỵ Vô Kỵ, hàng ngàn thực khách còn khảng khái đầu quân ra mặt trận đánh Tần, liều chết báo đáp.

★ Kê minh cẩu đạo: Bắt chước tiếng gà gáy rồi giả làm chó vào ăn trộm. Môn khách của Mạnh Thường Quân giả làm chó lẻn vào trộm áo lông chồn đem tặng Yến phi, Yến phi cầu vua Tần thả Mạnh Thường Quân về Tề. Sợ vua đổi ý, Mạnh Thường Quân lập tức rời khỏi nước Tần, nhưng khi qua Hàm Cốc Quan thì gà còn chưa gáy sáng, cửa thành chưa mở. Một môn khách khác thấy vậy liền bắt chước tiếng gà gáy, lập tức gà ở xung quanh cũng vỗ cánh gáy theo. Cửa thành mở ra, Mạnh Thường Quân chạy thoát trước khi quân Tần Chiêu Vương đuổi kịp. Đời sau dùng thành ngữ này chỉ kỹ năng, hành vi thấp hèn.

★ Đăng hoa bất kham tiễn: Khi chưa có đèn dầu hỏa, người xưa dùng dầu phụng hoặc dầu lạc đổ vào một đĩa nhỏ sâu lòng, xoắn vải lại thành sợi dây thả vào làm tim đèn. Tim đèn gần như được nhúng hoàn toàn vào dầu, chỉ có một đầu gát trên vành đĩa. Đèn thắp lâu thì “tim lụn dầu hao,” lúc đĩa dầu cạn, nơi ngọn lửa cháy nở ra những chấm tròn đỏ quạch, xoay quanh tim đèn như đóa hoa mà người ta gọi là hoa đèn. Khi hết dầu, trước khi tắt, đèn phụt sáng rồi lụn hẳn.

Đăng hoa ở đây không phải đèn lồng mà chính là “hoa đèn.” Vương Chất đời Tống làm bài thơ họa đăng hoa, đại ý là bấc đèn sau khi cháy hết sẽ kết thành hình hoa, trên đời chỉ có “hoa” này không phụ thuộc quy luật tự nhiên. Trong đêm mưa giông gió giật, trăm hoa đã dập nát, riêng hoa đèn vẫn đem xuân sắc lưu lại nhân gian.

Đời Minh, Phùng Tiểu Thanh viết Cổ thi có câu: “Lộ yên tiệm sấu tiễn thanh tiểu.” Tiễn là cắt. Người xưa thắp đèn dầu, thỉnh thoảng dùng kéo cắt bấc đèn đã cháy cho đèn sáng. Ý câu thơ này là bấc đèn đã lụi nên tiếng kéo nghe không còn rõ nữa. Trong Dạ vũ ký Bắc Lý Thương Ẩn cũng tự hỏi: “Hà đương cộng tiễn Tây song chúc?” – bao giờ mới được cùng nhau ngồi cắt hoa đèn dưới song Tây? Lý Thương Ẩn chong đèn kể chuyện, Lý Bạch đốt đuốc chơi đêm, tất cả đều ám chỉ kiếp phù sinh như mộng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, phải nhờ đến đêm dài, tận dụng hết thời gian có thể.

Tô Tử ngồi cắt hoa đèn, sơ sơ là như thế. Còn tên truyện tại sao là Đăng hoa bất kham tiễn – hoa đèn không thể cắt, thì xin đợi đến Vĩ thanh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.