Đao Trung Chi Vương

Chương 1: Chương 1: Chương 1: Đao Kiếm Tranh Phong




Nhất Niệm Thành Phật

Nhất Niệm Thành Ma

Kiếm Trung Vương Giả

Đao Trung Bá Giả

Nếu Phật là thiện Ma là ác thì thiện ác do ai phán xét, chính tà do ai quyết định.

Số mệnh muốn ta là ác thì bản thân số mệnh là chính hay tà.

Thần ma hay thiện ác đều tại lòng người, đổi cho số mệnh chỉ là cách người ta biện minh cho những việc làm sai trái của mình mà thôi.

Kiếm pháp của ta có thể tạo ra những cái dũng nhưng không thể diệt được cái ác trong con người ta. Một kiếm khách thực sự luyện kiếm là để tiêu diệt cái ác trong chính mình, chứ không phải lấy cái dũng để trả thù, rửa hận, giết hại người khác.

Vô đao thắng hữu đao chỉ là suy nghĩ thụt lùi của kẻ không hiểu về đao. Một đao khách thật sự xem đao như tính mạng của mình, người còn đao còn, người bại đao gãy. Trong tay còn đao thì tuyệt đối không cam chịu bại.

Người luyện kiếm hay luyện đao đều được gọi chung là võ giả.

Nếu giết địch là sức mạnh của võ giả thì tha thứ lại càng thể hiện sức mạnh đỉnh cao của võ giả. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó, vì thế kiếm khách đao khách trong thiên hạ vô số, nhưng Võ giả thật sự có được mấy người.

Nếu kiếm là tượng trưng cho khí độ vương giả, thì đao mang nhuệ khí của một bá giả. Vậy nếu xảy ra một trận đao kiếm tranh phong, phần thắng sẽ nghiêng về bên nào. Câu hỏi này bao đời võ lâm vẫn còn bỏ ngỏ.

…Trên đỉnh Ngạo Thiên Sơn một ngọn núi hiên ngang ngạo nghễ giữa trời, chính vì sự hùng vĩ bất đảo đó mà có cái tên như vậy.

Có câu:

Ta dại ta về nơi vắng vẻ

Người khôn người tìm trốn lao xao.

Hai câu thơ mang đầy ý tứ thâm thúy bên trong, bởi trên đời không có kẻ dại nào lại tự nhận là mình dại cả. Phải là bậc trí giả hơn người mới nhìn rõ được trần tục thế gian, mà tránh xa trốn thị phi tìm về nơi vắng vẻ, sống cuộc đời bình đạm vô ưu.

Con người luôn theo đuổi danh lợi vì cho rằng cuộc sống phải có tiền bạc địa vị mới thể hiện đẳng cấp của mình. Họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn mưu mô để đạt được mục đích.

Một võ giả cho rằng cái dũng thực sự là chỉ có tiến chứ không bao giờ lùi bước, cho dù phải hi sinh cả mạng sống. Họ cho rằng đó chính là dũng khí của một nam tử hán đại trượng phu.

Nhưng thực sự thì ý nghĩa của cái dũng chưa chắc đã phải như thế.

Cái dũng lớn nhất của con người không phải là không sợ chết mà là giám thoái lui.

Trên đỉnh núi nơi gần với trời nhất, cảm giác mây trắng bồng bềnh chỉ cần chạm tay là với tới được.

Giữa nơi trời đất giao thoa non nước chan hòa, có một gian nhà nhỏ như ẩn mình giữa trốn bồng lai tiên cảnh. Trong không gian thanh tịnh này có hai bóng người một già một trẻ, họ đang ngồi xếp bằng tiềm tu tịnh khí. Bên cạnh là một thác nước nhỏ phát ra âm thanh róc rách len lỏi qua từng kẽ đá.

Nước vẫn chảy, gió vẫn thổi, mây vẫn bay chỉ có bọn họ là không hề dịch chuyển. Hai thân hình như hòa vào cảnh sắc nơi đây, người cùng với thiên nhiên như hợp cùng một thể.

Sự thanh tịnh ấm áp của thiên nhiên núi non, làm tâm trạng con người cũng trở nên thư thái lạ thường.

– Phụ thân! Người có thể nói cho con biết ý nghĩa của đao kiếm trong thiên hạ là gì không ạ?

Tiếng nói ngây thơ mang thanh âm trong trẻo, cất ra từ miệng của một thiếu niên trạc mười tuổi. Giọng nói phát ra làm không khí yên bình như có chút xáo động.

Tiếng nói ấy có thể xem giống như âm thanh chiếc lá vàng cuối thu rớt xuống mặt hồ tĩnh lặng, tạo nên sự phá cách không gian trầm mặc nơi đây.

Thần thái cậu thiếu niên tỏa ra nét anh khí hiếm có, mày đậm và sắc bén, ánh mắt toát lên ngạo khí quật cường. Thân khoác trên mình một bộ trường sam mềm mại. Tuổi còn nhỏ mà ánh mắt hé lộ tinh quang, ngũ quan dạng ngời, thật khiến người ta chú ý. Thiếu niên ngồi yên lặng hướng đôi mắt về phía người ngồi đối diện, chờ một câu trả lời từ người đó.

– Từ ngàn xưa kiếm là tượng trưng cho người quân tử hiên ngang không cúi đầu. Quan đại phu đeo kiếm bên mình cho thêm phần nghi vệ. Dũng tướng sa trường mang kiếm để có thêm uy phong. Kiếm như hào khí vạn trượng khắp trời đất đều tôn xưng kính phục rằng Kiếm đạo độc tôn.

Ngồi đối điện với thiếu niên anh tuấn là một lão nhân tuổi cũng ngoài lục tuần, thân mặc bộ y phục màu xám thanh nhã. Chân mày lão nhân bạc trắng, râu dài chớm ngực toát lên sự đạo mạo uy nghi của một bậc hiền nhân.

Những nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt ông ta, có thể nhận thấy người này đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người rồi.

Trông hai người thật khó có điểm nào giống cha con vì chênh lệch tuổi tác khá lớn, nhưng ở đời thiếu gì những chuyện kỳ lạ xảy ra, hai cha con họ cũng có thể nằm trong số đó.

Tuy tuổi tác đã cao nhưng sắc mặt của lão nhân vẫn hồng hào, toát lên thần thái tiên phong đạo cốt. Khí độ như một vị tiên nhân thoát tục, khiến người ngồi kế bên cũng cảm thấy tâm trạng dịu êm ấm áp. Cảm giác từ thần thái lão nhân phát ra những tia nắng nhẹ nhàng, góp phần làm cho cảnh vật đẹp như tranh ở đây có hồn.

– Vậy thưa cha! Kiếm là tượng trưng cho người quân tử thì đao mang sức mạnh gì ạ?

Thiếu niên tên gọi Huyền Võ Quân là con của lão nhân đang ngồi xếp bằng kia, tuổi còn nhỏ nhưng khí thế quật cường hung tướng hiển lộ. Lời nói phát ra dứt khoát không một chút do dự, cho thấy cá tính thẳng thắn của một thiếu niên tự cường.

– Đao tượng trưng cho ý niệm cuồng bạo mang sức mạnh dời non lấp biển, uy lực cực lớn ấy khai sơn phá thạch không thành vấn đề. Đao là lý tưởng của kẻ tranh bá muốn dương đao lập uy, ngạo khí ngất trời. Đao đại diện cho mãnh lực phân chia thiên hạ định anh hùng.

Từng lời lão nhân kia nói ra, mỗi con chữ đều được thiếu niên ghi nhớ hết. Cảm tưởng như nước bị bông hút, không để lọt đi một giọt nào. Võ Quân sau khi nghe cha giảng giải ý nghĩa và sức mạnh của đao cũng lộ vẻ trầm ngâm. Cậu đưa tay lên cằm ra vẻ như suy nghĩ những gì mà cậu vừa được nghe.

Sau một hồi suy nghĩ giường như cậu ta đã ngộ ra điều gì đó, cậu giương đôi mắt sáng như đại nhật chính ngọ, song cũng ẩn chứa nét huyền bí của lãnh nguyệt bên trong. Cậu nhìn thẳng vào người cha đáng kính của mình mà hỏi một câu đầy quyết đoán.

– Thưa phụ thân! Vậy rốt cuộc giữa đao và kiếm đâu mới là thứ mạnh nhất?

Một luồng quyết ý từ nhãn quan của cậu thiếu niên tên gọi Võ Quân kia áp tới, ánh mắt đầy hùng tâm khiến cho nét tĩnh lạc của bồn nước kế bên cũng có chút dậy sóng.

Điều đó khiến lão nhân đang tịnh tâm cũng thấy dậy lên một cảm giác kỳ lạ. Ông ta chợt mở tuệ nhãn nhìn sâu vào mắt con mình, ông biết con trai từ nhỏ tính cách quật cường hiên ngang khác người. Hung tướng này chỉ những người làm cha làm mẹ mới rõ hơn ai hết.

Huyền Võ Quân là một cậu bé có cá tính rất đặc biệt, từ nhỏ đã không thích học chữ, vì mỗi lần cầm bút là bút bị gãy. Bàn tay to lớn của cậu không thích hợp cho việc cầm bút viết chữ. Không chỉ vậy mà tính cách cậu ta cũng ngang ngạnh khó thuần. Tuổi nhỏ đã ưa phá phách, dùng cách dạy bảo hà khắc với nó tuyệt không có tác dụng.

Mới mười tuổi mà thể cách đã cao lớn hơn các bạn bè cùng trang lứa. Tuy ngang tàng song Võ Quân rất hào sảng, thích gần gũi những người xung quanh. Nhưng nghịch lý cuộc đời lại xảy ra với cậu bé tính cách ưa thân thiện này.

Vì bản thân Võ Quân có thể tự nhiên phát ra một luồng lực phong, khiến người khác có cảm giác bị áp bức khi ở gần. Điều đó khiến cậu không thể đến trường học, vì lực khí phát ra từ cậu làm các đồng môn khác cảm thấy áp lực không thể tập trung học bài được.

Cha cậu là Huyền Vũ Hải vốn là thầy dạy chữ, nên không cần Võ Quân phải đến trường học. Cha cậu tự truyền thụ kiến thức cho con tại gia.

Nhưng Võ Quân sở hữu luồng lực khí dồi dào trong thể nội. Luồng khí này cứ thế tăng lên và cần phát tiết ra ngoài.

Mỗi lần lực khí trong người quá thịnh Võ Quân thường có những hành động bất thường như nổi nóng và hung dữ hơn. Mới mười tuổi mà lực cánh tay rất mạnh. Có thể nâng tảng đá lớn như một người trưởng thành.

Một lần lực khí bạo phát Võ Quân đã đại nộ thần lực, quật đổ con sư tử đá trước cửa Huyền Võ Trang.

Chính vì những thay đổi kỳ lạ của hài nhi khiến cho trên dưới Huyền Võ Trang đều lo lắng. Lực khí làm ảnh hưởng đến thần chí của Võ Quân, sợ rằng với tính cách hào sảng thích gần gũi với người khác của cậu, sẽ vô tình làm hại tới họ. Nên cha cậu mới quyết định đưa cậu lên Tịnh Khí Nhai trên Ngạo Thiên Sơn để cân bằng tâm khí.

Tịnh Khí Nhai là nơi thanh tịnh khí hậu trong lành, thiên nhiên non nước giao hòa làm cho tâm tư con người trở nên thư thái ổn định hơn.

Huyền Vũ Hải là trang chủ Huyền Võ Trang ông theo học một môn tâm pháp tên gọi Tịnh Khí Tâm Kinh. Đặc biệt môn tâm kinh này có thể điều hòa các luồng chân khí âm dương trong cơ thể con người. Làm cho khí Huyết tâm mạch ở trạng thái cân bằng.

Tâm tịnh thì mới bình được ý, khi tâm ý cân bằng thì đầu óc trở nên sáng suốt. Làm việc gì cũng tính toán chu đáo vẹn toàn.

Mặc vô tạp niệm

Tâm ý quy nhất

Đấy là hai câu khẩu quyết quan trọng nhất trong Tịnh Khí Tâm Kinh. Ý nói vứt bỏ những suy nghĩ hỗn tạp trong đầu, để ý chí và suy nghĩ cùng hợp lại với nhau.

Sau một thời gian chuyên tâm luyện khí với thiên phú và ngộ tính hơn người,Võ Quân đã lĩnh ngộ được phần nào tâm pháp của Tịnh Khí Tâm Kinh. Lực khí trong thể nội cũng được cân bằng, tâm lặng như kính ý hòa vạn vật.

– Huyết đao cuồng lệ, kiếm phá khung thương. Đao kiếm tương tranh sức mạnh cuối cùng nằm ở ý chí của kẻ nắm giữ vận mệnh của chúng.

Huyền Vũ Hải là một lão nhân cả đời chuyên nghiên cứu các bí tịch bảo điển do tiền nhân để lại. Qua thời gian chuyên tâm tìm hiểu ông nhận thấy, người xưa đã sớm rút ra những triết lý độc đáo về các binh khí tồn tại trên thế gian.

– Như vậy binh khí là vật chết con người là vật sống. Mạnh yếu của đao kiếm phụ thuộc vào năng lực trí tuệ của con người.

Nghe cha giảng giải về ý nghĩa của đao kiếm trong Thiên hạ, bằng trí thông minh thiên phú Võ Quân đã có sự giác ngộ. Điều cậu vừa nói hoàn toàn vượt qua sự hiểu biết của một đứa trẻ mười tuổi.

– Đúng thế Võ Quân, trên đời này không có binh khí nào là mạnh nhất. Mà sức mạnh thật sự là ở người này có mạnh hơn người kia hay không thôi.

Huyền Vũ Hải có được trí tuệ bất phàm, ông am hiểu thiên văn địa lý, kỳ môn thuật số, ngũ hành trận pháp. Nhưng lại cam chịu ẩn thân nơi thôn dã làm một lão sư bình phàm, sống một cuộc đời nhàn nhã tự do tự tại, đằng sau con người đạo mạo này có tồn tại bí mật gì hay không.

– Thưa cha! Nếu nói binh khí không cái nào mạnh hơn, vậy tại sao thiên hạ lại thi nhau luyện kiếm mà không mấy ai luyện đao. Võ lâm có kiếm vương, kiếm hoàng hay Long Kiếm trong Tứ Đại Thiên Vương. Tại sao lại không có đao đế, đao thần là cớ làm sao. Mong cha chỉ giáo.

Câu hỏi mà Võ Quân vừa đưa ra thực là một câu hỏi không dễ trả lời. Lão nhân cũng không ngờ Võ Quân lại có thể nghĩ ra được câu hỏi như vậy, ngay cả ông cũng không thể đưa ra được câu trả lời ngay, mà phải trầm tư giây lát.

– Từ xưa đến nay kiếm luôn đại diện cho khí khái của người quân tử. Con người ta ai cũng trọng cái đẹp mãn nhãn. Kiếm chiêu xuất ra vừa uyển chuyển, hoa mĩ linh xảo trông đẹp mắt và cuốn hút hấp dẫn hơn đao. Chưa kể người luyện đao phải có sức khỏe hơn người, thể cách phi phàm, dân tộc chúng ta lại không vượt trội về điều đó. Khi hành tẩu giang hồ Đao sẽ cồng kềnh, khiến việc di chuyển khó khăn. Nếu là thích khách sát thủ thì cần phải tốc độ nhanh nhẹn, nên hiệp khách giang hồ chọn kiếm làm binh khí chủ đạo.

Võ Quân nghe xong cảm thấy bất phẫn, cậu nghĩ rằng tại sao cùng là binh khí mà kiếm lại được người đời đề cao mà đao thì lại không. Y nghĩa thật sự của chuyện này có lẽ do họ không đủ khả năng phát huy sức mạnh của đao. Câu nói kiếm trung vương giả chỉ là cách người ta trốn tránh một điều là đao khó sử dụng hơn kiếm.

Anh hùng thiên hạ không biết sức mạnh thật sự của đao, Võ Quân sẽ cho họ thấy rằng đao không hề kém cạnh so với kiếm, đao chính là thứ mà một bá giả thực sự truy cầu.

Hào khí dâng cao, trong mắt hiện lên một sự cuồng nhiệt hiếm có. Hai mắt Võ Quân rực sáng phát ra một luồng bạo quang quyết tuyệt.

Nắm tay cậu nắm chặt nhưng quyết ý tỏa ra mãnh liệt, khiến nước trong hồ cũng nổi sóng lăn tăn. Vậy là Huyền Võ Quân từ nay đã tìm thấy được lý tưởng thật sự của cuộc đời mình.

– Con tin rằng Đao tuyệt đối là một binh khí thích hợp với mình. Xin cha hãy truyền cho con bộ đao pháp gia truyền của Huyền Võ gia chúng ta là Huyền Võ Đao Pháp.

Lão nhân mở to mắt nhìn con trai, trên khuôn mặt xuất hiện những vết hằn của thời gian, mỗi nếp nhăn chính là dấu vết của một sự trải đời. Quyết ý cương nghị tỏa ra trong mắt Võ Quân đã khiến ông ta rung động.

Cả đời ông ta đã trải qua vô vàn sóng gió, ông cũng từng biết đến những đao khách một thời bá đạo lừng lẫy. Nhưng kết cục của các đao khách trong thiên hạ đều rất bi thảm. Ông không muốn con trai mình Võ Quân cũng đi vào con đường chết, không có lối về vạn kiếp bất siêu sinh đó.

Số phận của những kẻ luyện đao đều đi vào vực thẳm, những cái chết đến với họ rất thảm liệt.

Tại sao đao khách luyện đao lại đi tới diệt vong. Phải chăng trong thời đại này kiếm thịnh đao suy.

Huyền Vũ Hải còn kinh hoàng khi nghĩ tới những cao thủ dùng đao đã chết.

Vì sao họ chết.

Vì một lời nguyền của một thanh tử khí đao do trời cao sinh ra. Thanh đao đó chính là một họa căn, một kiếp nạn đáng sợ giáng xuống đao tông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.