Ấp Grêmiatsi Lốc ắng đi một hồi, lại nhộn nhạo lên… Bà con đã ngừng giết gia súc. Suốt hai ngày, họ xua đi và dắt đi những con dê, con cừu đủ các loại lông, mang đến chuồng nuôi tập thể. Còn gà thì mang trong bao bì. Làng xóm rộn lên tiếng dê cừu kêu và tiếng gà ngỗng quang quác.
Nông trang đã có một trăm sáu mươi hộ, chia làm ba đội sản xuất. Ban quản trị uỷ nhiệm cho Iakốp Lukits đem đống áo varơi, ủng và đồ mặc khác tịch thu của bọn kulắc, chia cho bà con bần cố thiếu quần áo giày dép. Họ lập một bản danh sách, và phát hiện ra rằng không đủ khả năng thoả mãn mọi người.
Sân nhà Titốc, nơi Iakốp Lukits phân chia quần cáo tịch thu của bọn kulắc, suốt ngày ồn ào tiếng người cho đến tận tối mịt. Ngay tại chỗ, bên gian nhà kho, giữa sân tuyết, họ tụt giày ra ướm thử những đôi giày còn tốt nguyên của bọn kulắc, khoác vào người những tấm áo măngtô, véttông, áo cánh, áo varơi. Những người may mắn được hội đồng phân phối cho quần áo giày dép tính trừ vào công điểm vụ sắp tới, cởi phăng ngay quần áo cũ tại chỗ. Đằng hắng mãn nguyện, mắt sáng lên, khuôn mặt đen sạm rạng rỡ một nụ cười dè dặt trên đôi môi run run, họ hấp tấp vo tròn những quần áo cũ vá chằng vá đụp, và diện luôn những đồ mới không còn hở da hở thịt nữa. Và chọn được một thứ gì thì phải mất bao nhiêu là lời bàn đi tính lại, góp ý, chửi rủa, do dự thốt ra miệng… Đavưđốp ra lệnh phân phối cho Liubiskin một chiếc véttông, một quần sarôva và một đôi ủng. Iakốp Lukits mặt khó đăm đăm lôi ở trong hòm ra một mớ quần áo, vứt phịch xuống chân Liubiskin.
- Chọn kỹ đi!
Bộ râu mép ataman của anh mấp máy, hai bàn tay run run … Thế là anh chọn. Anh chọn một chiếc véttông, và mồ hôi anh vã ra như tắm! Anh ghé răng cắn thử độ bền của dạ, soi lên trời xem có bị nhậy nhấm không, vần đi vần lại cái áo trong hai bàn tay cáu đen của mình đến mươi phút. Và quanh anh hơi thở nóng ngột, tiếng người nói nhao nhao:
- Thôi lấy đi, đời con còn mặc tiếp được đấy.
- Mắt với mũi! Áo lộn rồi, không thấy à?
- Điêu!
- Có mày gà mờ ấy!
- Lấy đi thôi, Paven!
- Đừng lấy, thử cái khác xem!
Mặt Liubiskin đỏ lên như gạch nung; anh nhấm nhấm hàng ria đen, lấm lét nhìn quanh rồi đưa tay với lấy một áo khác. Anh chọn nhặt một cái. Áo này thì tuyệt rồi! Anh xỏ hai cánh tay dài ngoẵng vào: cánh tay áo chỉ ngắn đến khuỷu và đường chỉ ở vai bục ra. Và một lần nữa, mỉm cười bồi hồi và lúng túng, anh lại lục bới đống quần áo. Mắt anh nhớn nhác như mắt một thằng cu con trước cảnh la liệt đồ chơi của hội chợ; đôi môi anh nở một nụ cười con nít rạng rỡ quá đến nỗi người ta muốn âu yếm xoa đầu anh chàng ataman Liubiskin to lớn như ông hộ pháp ấy một cái. Cứ thế rồi nửa ngày anh chưa chọn xong. Anh xỏ chiếc quần sarôva, đi đôi giày vào, thở dài một cái, nói với lão Iakốp Lukits mặt quằm quặm:
- Mai tôi sẽ đến chọn nốt.
Anh bước ra ngõ với tấm quần sarôva kẻ sọc và đôi ủng cổ bẻ, nom trẻ ngay đi đến mươi tuổi. Anh cố tình rẽ ra đường cái mặc dù chẳng tiện đường về nhà anh, đến các ngã tư thì dừng lại luôn, lúc châm điếu thuốc, lúc trò chuyện vài câu với ai đó. Anh mải khoe, đi ba tiếng đồng hồ mới mò về tới nhà, và xẩm tối thì khắp làng người ta đã kháo nhau: "Họ làm đỏm cho Liubiskin cứ như để đi quân dịch vậy! Hắn chọn quần áo hết cả một ngày hôm nay… Trên đường về, diện toàn đồ mới, quần sarôva đẹp tuyệt. Hắn đi nom oai như cóc tía, khéo chẳng cảm thấy chân chạm đất đâu..".
Còn cô vợ Đemka Usakốp thì cứ đứng ngây ra trước hòm quần áo. Chị ta mặc vào người chiếc váy len gấp nếp trước kia là của mụ Titốc, xỏ chân vào một đôi giày cao gót, choàng lên đầu một tấm khăn san hoa. Và chỉ đến lúc ấy mới đập vào mắt mọi người, chỉ đến lúc ấy người ta mới vỡ nhẽ ra là cái nhà chị Đemka kia hoàn toàn chẳng xấu gái tí nào, trái lại nom hay đáo để. Và bảo làm sao một người đàn bà khốn khổ như chị không đứng chết lặng đi trước đống của cải ấy khi mà, suốt cuộc đời cay đắng của mình, chị chưa hề được biết một miếng ngon, chưa được khoác lên vai một tấm áo mới? Bảo làm sao đôi môi chị, nhợt nhạt do quanh năm ngày tháng thiếu ăn, không tái mét đi khi Iakốp Lukits lôi trong hòm ra cả một ôm quần áo phụ nữ? Chị đẻ sòn sòn năm một, đụp con bằng những vuông tã rách và những mảnh da cừu nát. Còn bản thân chị thì suốt mùa hè mặc độc có một chiếc váy vải thưa như rây bột, sắc đẹp thuở xưa, sức khoẻ và vẻ tươi tắn tiêu ma đi trong cảnh cơ cực túng bấn triền miên; còn mùa đông, khi giặt chiếc áo cánh độc nhất lúc nhúc những rận, chị cởi trần ngồi với đàn con bên lò sưởi, vì chẳng còn áo nào thay…
- Các bà ơi!.. Các bà ơi!.. Khoan tí đã, có lẽ tôi chả lấy cái váy này đâu… Tôi đổi cái khác… Có cái gì cho lũ trẻ không nhỉ… Cho thằng Misa… con Đunhia… - Chị thều thào cuống quýt, tay bám khư khư lấy nắp hòm, hai mắt long lanh không rời khỏi đống quần áo sặc sỡ màu sắc.
Đavưđốp tình cờ được mục kích cảnh ấy, cảm thấy lòng mình thắt lại… Anh len tới chỗ cái hòm, và hỏi:
- Thím được mấy cháu?
Chị Đemka, trong lòng tràn trề một niềm hy vọng rạt rào làm chị không dám ngửng đầu lên nhìn, thì thào đáp:
- Bảy cháu…
Đavưđốp hỏi nhỏ Iakốp Lukits:
- Có quần áo trẻ con không bác?
- Có.
- Thím ấy cần những gì cho các cháu, bác cấp cho thím ấy đủ.
- Thế thì thím ấy bở quá!...
- Cái gì?.. Sao?.. - Đavưđốp khó chịu nhe chiếc răng sứt ra, và Iakốp Lukits vội cúi xuống hòm quần áo.
Đemka Usakốp bình thường mau mồm mau miệng và ác khẩu, lúc này đứng sau lưng vợ cứ nín thở, lẳng lặng liếm đôi môi khô nẻ. Nhưng Đavưđốp vừa dứt lời thì anh ta đưa mắt liếc nhìn anh một cái… Và bỗng đôi mắt lác xệch của Đemka ứa ra hai hàng nước mắt, như nước mật ứa ra từ một trái quả chín mõm. Anh vùng bỏ chạy ra cổng, tay trái gạt người xung quanh, tay phải che mắt. Vọt qua hàng rào, Đemka bỏ ra đi, xấu hổ, không muốn để ai thấy mình khóc. Và từ dưới hai lòng bàn tay đen xạm của anh, những giọt nước mắt cứ thế tuôn ra, ròng ròng trên má, trong và long lanh như những hạt sương.
Xẩm chiều bác Suka mới hối hả tới chỗ chia quả thực. Bác xồng xộc vào trụ sở ban quản trị nông trang, thở không ra hơi, nói với Đavưđốp:
- Chào đồng chí Đavưđốp! Nom đồng chí khoẻ đấy nhỉ?
- Chào bác.
- Đồng chí biên cho xin cái giấy.
- Giấy gì?
- Giấy lĩnh quần áo chia.
Nagunốp đang ngồi cạnh Đavưđốp, dướn đôi lông mày lên, hỏi:
- Bác được cái tích sự gì mà đòi chia quần áo? Tích sự làm thịt con bê hẳn?
- Ăn cơm mới nói chuyện cũ làm gì, hả anh Maka? Anh bảo lão tích sự gì à? Thế ai đã bị khốn khổ khốn nạn khi đến tịch thu nhà thằng Titốc? Lão đây với đồng chí Đavưđốp chứ ai? Anh ấy bị nó đánh cho suýt bể đầu, nhưng thế vẫn còn là xoàng, lão đã bị con chó của nó cho đi tong mất cái áo lông cừu cơ. Cả một cái áo chỉ còn làm được độc đôi xà cạp! Lão đã hy sinh cho chính quyền Xôviết, thế mà lại bảo không được gì à? Chẳng thà thằng Titốc đập lão bể sọ mà cái áo của lão không bị làm sao còn hơn. Chẳng là vì cái áo ấy của bà lão mà lị. Bà ấy có thể làm cho lão sống dở chết dở vì chuyện cái áo ấy! Đúng thế đấy!
- Ai bảo bác chạy? Đừng chạy thì áo có làm sao?
- Không chạy mà được à? Anh Maka ơi, thế anh có biết con quỷ cái vợ thằng Titốc ấy nó giở trò gì ra không? Nó xuỳ chó xông vào lão và mồm nó tru tréo: "Xéckê, túm lấy nó! Xé xác nó ra, chính nó là thằng đầu sỏ!" Đồng chí Đavưđốp đây có thể làm chứng cho lão.
- Bác già mà điêu thế!
- Đồng chí Đavưđốp, đồng chí làm chứng cho lão!
- Tôi cũng chẳng nhớ…
- Thề có Chúa, đúng là nó tru tréo thế thật! Thành thử lão hết hồn hết vía, rốt cuộc phải đánh bài tẩu. Ấy nếu như nó là một con chó như mọi con chó thường thì đã chẳng sao, đằng này nó lại dữ hơn hổ nữa kia!
- Ai xuỳ chó đuổi bác? Bác chỉ bịa!
- Anh Maka ơi, đấy là anh không nhớ ra thôi! Chính anh lúc ấy cũng hoảng, mặt tái xanh tái xám, thế thì còn nhớ làm sao được! Lúc ấy lão cũng tầm bậy, thoáng nghĩ: "Cậu Maka khéo sắp chuồn bây giờ!" Còn chuyện con chó lôi lão xềnh xệch trong sân thì lão nhớ rõ từng ly từng tí! Không có con chó ấy thì thề có Chúa, thằng Titốc đừng hòng sống sót thoát nổi tay lão đây! Lão thì ghê lắm!
Nagunốp nhăn mặt lại như người đau răng, bảo Đavưđốp:
- Cho lão ấy cái giấy, để lão ấy xéo đi cho rảnh.
Nhưng bác Suka lúc này hơn lúc nào hết, đang hứng chuyện:
- Anh Maka ạ, lão ấy à, hồi trẻ lão chọi khiếp lắm nhá…
- Ôi giào ôi, thôi đừng ba hoa nữa, chán tai lắm rồi! Có lẽ phải biên cho bác lĩnh cái nồi gang đấy nhỉ? Không thì đau bụng lấy gì mà giác?
Bác Suka tức điếng người, lẳng lặng cầm lấy tờ giấy, bỏ đi ra chẳng thèm chào ai. Nhưng sau khi được Iakốp Lukits trao tay cho một chiếc áo varơi mềm rộng thùng thình, bác lại chuyển sang một tâm trạng hết sức phấn khởi. Bác mừng híp mắt lại, mê cu tơi. Bác lấy hai ngón tay kẹp lấy tà áo như nhón hạt muối, vén ngược lên như các bà vén váy qua quãng lội; bác tặc lưỡi, khoe với bà con kô- dắc:
Áo varơi đây nhá! Lão được nó cũng đáng công đáng của. Cả làng biết đấy: khi chúng tôi đến tịch thu nhà thằng Titốc, nó đã cầm cái chốt sắt nhảy bổ vào đồng chí Đavưđốp. Lão nghĩ bụng,: "Chết cha anh Đavưđốp rồi!" Thế là lão liền xông ra cứu, ra tay yêng hùng đánh bật được nó ra! Không có lão thì Đavưđốp toi mạng rồi còn gì!
Một người trong đám bà con đứng nghe đế vào:
- Sao người ta bảo bác bị con chó đuổi chạy ngã quay lơ và bị nó cắn toạc tai như cắn tai con lợn?
- Láo toét! Thiên hạ rỗi hơi: không dưng họ cứ đặt điều! Con chó thì là quái gì! Một giống vừa bẩn vừa ngu. Nó có hiểu cái chết tiệt gì… - Bác Suka lái khéo sang chuyện khác