Bác Suka vừa ra khỏi lớp là hội nghị xoay hẳn chiều hướng. Bà con nông trang viên đã có thể phát biểu một cách nghiêm chỉnh, cân nhắc việc kết nạp Đúpxốp, không còn bị những trận cười chốc chốc lại rộ lên ngắt quãng nữa. Và khi bác phó rèn Ipôlít Salưi đứng lên xin phát biểu ý kiến, - một chuyện chẳng ai ngờ, - thì lần đầu tiên hội nghị đã ắng đi vài phút một cái ắng lặng báo bão…
Sau khi tất cả các đơn xin gia nhập Đảng đã được thảo luận xem xét cặn kẽ các mặt, và ba người đã được hội nghị bỏ phiếu theo lối giơ tay, nhất trí tán thành kết nạp vào Đảng với thời gian dự bị là sáu tháng, thì bác Salưi xin phát biểu. Đang ngồi ở bàn kê sát cửa sổ, bác đứng dậy, tựa tấm lưng bè bè vào khung cửa sổ, hỏi:
- Tôi muốn hỏi ông quản lý Iakốp Lukits một câu có được không ạ?
- Hỏi hai câu cũng được, - Maka Nagunốp chắc mẩm sẽ có chuyện, vui vẻ đồng ý ngay.
Iakốp Lukits miễn cưỡng quay sang phía bác Salưi. Gương mắt lão lạnh ngắt một vẻ chờ đợi căng thẳng.
Đôi mắt đen lồi ra nhìn Iakốp Lukits không chớp, bác Salưi cất giọng ồm ồm như lệnh vỡ phát biểu:
- Thế là có một số bà con đã vào Đảng, họ không muốn đứng ngoài, mà muốn vào để cùng chia xẻ vui buồn với Đảng. Vậy ông Iakốp Lukits ơi, sao ông lại không đưa đơn xin vào Đảng hả? Tôi rất thắc mắc, muốn hỏi ông: tại sao ông lại muốn đứng ngoài? Hay là việc Đảng vượt qua bao nhiêu gian lao nguy hiểm, như con cá bơi giữa băng trôi, để dẫn dắt chúng ta tới cuộc sống tốt đẹp hơn, là chuyện chẳng dính dáng gì đến ông? Còn ông thì thế nào? Ông không muốn đổ mồ hôi sôi nước mắt, muốn ngồi mát đợi khi có miếng thì người ta nhai sẵn đút vào mồm cho ông chứ gì? Hóa ra ông là người như thế đấy hả? Kể ra ông thế thì cũng hay đấy, và nhân dân thấy thừa đi rồi… Bà con dân làng này ai cũng thừa thấy thế, nói ông biết vậy!
- Miếng ăn của tôi, tôi tự kiếm lấy, chưa hề xin của ông bao giờ, - Ôxtơrốpnốp đối đáp lại ngay.
Nhưng bác Salưi vung mạnh tay, như gạt phắt câu bào chữa chẳng có giá trị gì ấy đi, nói tiếp:
- Kiếm ăn cũng có ba bảy đường: khoác cái bị rách lên vai, chống gậy đi ăn mày, đó cũng là một cách kiếm ăn chắc chắn không chết đói. Nhưng tôi không nói chuyện ấy, và ông, ông Iakốp Lukits ạ, ông đừng giẫy nẩy lên như con rắn bị đinh ba xỉa thế, ông thừa hiểu tôi định nói gì rồi! Trước đây, hồi còn cá thể, ông làm tợn lắm, như con chó sói, không ngơi tay, không nề hà việc gì, miễn sao vơ được nhiều tiền, nhưng bây giờ ông làm việc kiểu chẳng buồn xắn tay áo, chẳng qua để che mắt thiên hạ… Nhưng tôi cũng không nói chuyện ấy. Chưa đến lúc ông phải tính sổ trước bàn dân thiên hạ về cái lối kiếm ăn dễ dàng và về cuộc đời mờ ám của ông, bao giờ đến lúc ấy sẽ hay. Còn bây giờ ông hãy nói cho bà con nghe thử: tại sao ông không xin vào Đảng?
- Tôi kém văn hóa, không vào Đảng được. - Ôxtơrốpnốp đáp nhỏ, nhỏ đến nỗi trừ mấy người ngồi quanh ra cả trường chả ai nghe rõ lão nói gì.
Phía sau có tiếng ai réo lên đòi:
- Nói to lên! Lúng búng cái gì chả ai nghe rõ cả! Nói gì nhắc lại đi.
Iakốp Lukits ngồi im lặng lát lâu, dường như không nghe thấy lời người ta yêu cầu mình. Trong cái không khí im lặng chờ đợi ấy chỉ còn nghe thấy từ dòng sông âm thầm đang thiêm thiếp ngủ vọng lại bản hòa tấu vang vang muôn giọng của bọn ếch nhái. Xa xa đâu đó, chắc là ở đống cối xay gió cũ phía sau làng, một con cú mèo kêu lên sầu não, và phía bên ngoài sửa sổ líu lo tiếng hót đêm khuya của con chim sáo trong bụi xiêm gai um tùm.
Làm thinh mãi e không tiện, Ôxtơrốpnốp nhắc lại to hơn:
- Tôi kém văn hóa, vào Đảng không được.
- Làm quản lý thì ông có văn hóa, nhưng vào Đảng thì không chứ gì? - bác Salưi hỏi hỏi vặn.
- Một đằng là công việc sản xuất, một đằng là chính trị. Ông không phân biệt được hai cái khác nhau, nhưng tôi thì phân biệt, - đã bình tĩnh sau phút đầu tiên bị bất ngờ, Iakốp Lukits lớn tiếng đáp rõ ràng rành mạch.
Nhưng bác Salưi không buông tha, cười khẩy nói tiếp:
- Vậy mà anh em đảng viên vừa lo sản xuất, vừa lo cả chính trị đấy, và ông nên biết là họ làm tốt ra trò! Việc nọ có cản trở việc kia đâu,. Ông Iakốp Lukits ạ, ông đang quanh co cái gì đó, ông nói không đúng… ông muốn xuyên tạc sự thật, nên ông cứ quanh co.
- Tôi chẳng có gì mà quanh co, và để làm gì cơ chứ? - Ôxtơrốpnốp âm thầm đáp lại.
- Có, có! Chính vì ông có những ý đồ gì sâu kín trong đầu nên ông mới không làm đơn xin vào Đảng… Cũng có thể là tôi nhầm, nếu vậy thì ông bẻ lại tôi, cứ bẻ đi!
Hội nghị đã kéo dài hơn bốn tiếng. Mặc dầu về khuya mát mẻ, không khí trong trường ngột ngạt không chịu nổi. Ngoài hành lang và trong các lớp mấy ngọn đền dầu tù mù dường như làm cho không khí càng thêm ngột ngạt. Nhưng những con người nhễ nhại mồ hôi ấy vẫn ngồi không nhúc nhích, im lặng và căng thẳng theo dõi cuộc đấu khẩu vừa mới bất thần nổ ra giữa bác phó rèn già và Ôxtơrốpnốp, cảm thấy rằng đằng sau những câu bốp chát kia còn ẩn một cái gì chưa nói ra, nặng nề, mờ ám…
- Ông bảo tôi có những ý đồ sâu kín gì? Nếu mọi sự trên đời ông đều thông tỏ thì ông cứ nêu ra nghe, - Ôxtơrốpnốp đề nghị. Lão đã lấy lại được cái bình tĩnh vừa bị mất, và chuyển từ thế thủ sang thế công.
- Ông Iakốp Lukits ạ, chuyện ông thì để ông nói. Việc gì tôi phải nói hộ ông nhỉ?
- Tôi chả việc gì phải nói với ông cả!
- Không phải nói với tôi, mà nói với nhân dân… nói cho bà con nhân dân đây nghe!
- Chỉ thấy ông hỏi, bà con chả ai hỏi tôi gì cả.
- Mình tôi hỏi là đủ rồi. Nghĩa là ông không muốn nói chứ gì? Không sao, chúng tôi sẽ đợi, chẳng nay thì mai, trước sau rồi ông sẽ nói thôi!
- Nhưng tại sao ông lại kiếm chuyện với tôi thế, hả ông Ipôlít? Bản thân ông sao không vào Đảng? Ông hãy sờ lên gáy ấy, quyền gì mà ông đòi tôi xưng tội, ông đâu phải cha cố!
- Nhưng ai bảo ông là tôi không vào Đảng? - bác Salưi vẫn giữ nguyên tư thế, chậm rãi, dằn giọng hỏi lại.
- Ông không có tên trong Đảng, thế nghĩa là ông không vào.
Đến đây bác Salưi đằng hắng một tiếng, đẩy vai rời khỏi khung cửa sổ. Bà con từ từ dãn ra trước mặt bác, và bác thong thả bước tới trước bàn chủ tọa, chân bước miệng nói:
- Trước đây tôi không vào, đúng, nhưng bây giờ tôi vào. Nếu ông, ông Iakốp Lukits ạ, ông không vào, thì nghĩa là tôi phải vào. Còn nếu như hôm nay ông nộp đơn thì tôi lại không vào. Tôi với ông thì không thể ở trong cùng một đảng được. Hai chúng ta là người của hai đảng khác nhau…
Ôxtơrốpnốp nín thinh, chẳng rõ tại sao lại mỉm một nụ cười mơ hồ. Còn bác Salưi thì tiến đến bên bàn chủ tọa, bắt gặp ánh mắt rạng rỡ một ý thầm biết ơn của Đavưđốp, rồi chìa ra lá đơn việc nguệch ngoạc trên một mảnh giấy cũ vàng ố, bác nói:
- Nhưng tôi không có người giới thiệu đâu. Phải tìm cách nào khắc phục vậy… Trong các anh, có anh em nào nhận đứng ra giới thiệu tôi không? Nếu có thì biên vào đây cho…
Nhưng Đavưđốp đã ký tên giới thiệu vào lá đơn bằng một nét chữ viết thoắng trong lúc vội vã. Rồi đến Nagunốp đón lấy cây bút ở tay anh.
Bác Ipôlít Salưi được nhất trí kết nạp làm đảng viên dự bị. Bỏ phiếu xong, các đảng viên chi bộ Grêmiatsi đứng dậy vỗ tay, và mọi người có mặt cũng bắt chước đứng lên, vụng về thưa thớt vỗ lốp bốp những bàn tay lao động sần sùi những chai.
Bác Salưi đứng đó chớp chớp mắt cảm động. Bác đưa đôi mắt rơm rớm nhìn những khuôn mặt quen thuộc từ bao năm nay của bà con dân xóm, và cách nhìn của bác hình như đã khác trước. Nhưng khi Radơmiốtnốp rỉ thầm tai bác: "Bác Ipôlít à, phát biểu câu gì với bà con đi chứ, câu gì cảm động vào…" thì ông lão lắc đầu một cách bướng bỉnh:
- Nói vớ nói vẩn thì nói làm gì! Mà cái vốn văn vẻ của lão cũng không có những câu ấy… Anh trông đấy, bà con vỗ tay khiếp thế kia… Nghĩa là bà con rõ cả rồi, chả cần lão dài dòng văn tự.
Nhưng trong những giây phút này, sự thay đổi vẻ mặt một cách kỳ lạ nhất diễn ra không phải là ở người nào trong đám đảng viên mới được kết nạp, mà lại là ở chính bí thư chi bộ Nagunốp. Đavưđốp chưa bao giờ thấy anh ta như vậy: Maka đang ngoác miệng ra cười thoải mái. Đứng sau bàn với tất cả dáng vóc cao lớn của anh, anh đưa hai bàn tay hơi run run xúc động vuốt sửa lại áo varơi, rồi bâng quơ nắm lấy cái khóa chiếc thắt lưng lính, đung đưa đổi chân nọ sang chân kia, và điều quan trọng nhất là anh cười, nhe ra hai hàm răng nhỏ đều sít. Đôi môi lúc nào cũng mím chặt của anh đã rung rung ở hai bên khóe, rồi bỗng nở ra thành một nụ cười trẻ thơ nom rất cảm động. Và nụ cười ấy trên khuôn mặt nghiêm nghị khắc khổ của anh trông lạ mắt quá đến nỗi Uxchin Rưkalin là người đầu tiên đã không kìm được, phải thốt lên hết sức kinh ngạc:
- Bà con ơi, nom kìa, anh chàng Maka nhà ta đang cười thì phải? Từ thuở bé đến giờ mới thấy cái chuyện lạ ấy…
Nagunốp vẫn cười thoải mái như thế, đối đáp lại:
- Lại có cái anh tinh mắt thế nhỉ! Tội gì mà tôi không cười? Phấn khởi thì cười chứ sao! Cười đâu có mất tiền. Vả lại ai cấm tôi cười nào? Thưa đồng bào thân mến, thưa bà con, tôi xin tuyên bố bế mạc hội nghị công khai của chi bộ. Chương trình nghị sự đến đây là hết.
Người càng ngay đuỗn ra, và ưỡn thẳng đôi vai chẳng cần ưỡn cũng đã ngang chằn chặn rồi, anh bước ra khỏi bàn, cất giọng sang sảng nói:
- Nhân danh bí thư chi bộ, tôi mời các đồng chí thân mến mới được kết nạp vào Đảng cộng sản vĩ đại của chúng ta lên đây để tôi chúc mừng các đồng chí về vinh dự lớn đó! - Đôi môi đã lại mím chặt và trở lại là anh chàng Maka thường ngày, bằng một giọng không cất cao nhưng là giọng hô hiệu lệnh, anh buông ra một tiếng:
- Từng người một, tiến lên!
Kônđrát Maiđanhikốp đứng dậy trước. Những bà con ngồi đằng sau anh trông thấy áo anh đẫm mồ hôi và dán chặt vào lưng từ bả vai tới thắt lưng. "Tội nghiệp chưa, cứ như vừa mới phát hết một đêxiachin cỏ vậy!" một bà lão phều phào thông cảm nói, và có tiếng ai cười khúc khích: "Anh chàng Kônđrát bị một trận toát mồ hôi!".
Nagunốp nghiêng mình, đưa bàn tay dài và ướt xâm xấp vì cảm động nắm lấy bàn tay Kônđrát chìa cho anh, siết chặt, và trịnh trọng tuyên bố bằng giọng hơi run run:
- Xin chúc mừng đồng chí! Chúc mừng người anh em cùng giai cấp! Chúng tôi hy vọng, tất cả những người cộng sản chi bộ Grêmiatsi hy vọng rằng đồng chí sẽ là một người cộng sản gương mẫu. Thực ra đồng chí thì không thể thế nào khác được.
Và khi cuối cùng bác Ipôlít Salưi bướclên lừ lừ như con gấu, miệng mỉm cười rụt rè, vẻ bối rối trước mọi con mắt đổ dồn vào mình, và từ xa đã chìa ra bàn tay lao động sần sùi, to bè bè và đen cháy thì Nagunốp bước tới đón và ôm chặt lấy đôi vai to rộng và gù gù của bác:
- Chà, bác Ipôlít ơi, thật là quý hóa quá. Xin nhiệt liệt chúc mừng bác! Tất cả anh em đảng viên chúng tôi xin chúc mừng bác. Chúc bác sống lâu, đừng ốm đau gì hết để quai búa thêm một trăm năm nữa phục vụ Chính quyền xôviết và nông trang chúng ta. Bác ơi, bác hãy sống cho thật lâu, đó là tất cả những điều tôi muốn nói với bác! Bác sống lâu thì bà con chỉ có vui mừng mà thôi, tôi nói với bác đúng thế đấy!
Bốn đảng viên mới lóng ngóng chen chúc và xô đẩy nhau bắt tay các đảng viên cũ của chi bộ, và bà con nhân dân đã kéo ùa ra cửa, bàn tán náo nhiệt, thì chợt Đavưđốp lớn tiếng nói:
- Đồng bào ở lại cho một phút! Tôi có việc cần nói vài câu.
- Xin mời, nhưng ngăn ngắn thôi nhá, ông chủ tịch ơi, kẻo bà con chết ngạt cả đến nơi rồi đây! Nóng, và ngột ngạt như trong cái nhà tắm hơi nước vậy! - tiếng một ai trong đám đông vừa cười vừa giao hẹn trước.
Bà con nông trang viên lại lục tục trở về chỗ cũ. Trường lớp lao xao vài phút nữa rồi lặng hẳn.
- Thưa đồng bào, và nhất là chị em phụ nữ! Chưa bao giờ nông trang chúng ta họp mặt được đông đủ như hôm nay…- Đavưđốp bắt đầu nói, nhưng tới đó thì Đemka Usakốp từ ngoài hành lang réo vào ngắt lời anh:
- Anh Đavưđốp ơi, anh mở đầu cứ như bác Suka ấy! Bác ấy nói: "Thưa đồng bào và các lão bà thân mến!". Mào đầu của anh thì cũng na ná thế.
Ông lão Ôpnôdốp đế thêm vào:
- Anh ấy với bác Suka học tập lẫn nhau đấy mà. Bác Suka nói thỉnh thoảng cũng chêm vào cái câu "Thực tế thế!" của anh Đavưđốp, còn Đavưđốp thì rồi cũng sắp nói: "Thưa đồng bào và các lão bà thân mến!" cho mà xem.
Thế là trường lớp ầm ầm lên một trận cười vui vẻ như phá rạp, làm rung rinh các ngọn lửa đèn dầu, thậm chí có một ngọn tắt phụt. Đavưđốp cũng cười và theo thói quen, đưa bàn tay to bè lên che cái miệng sứt răng. Riêng mình Nagunốp thì phẫn nộ kêu lên:
- Thế này là thế nào? Họp mà không có tí nghiêm chỉnh nào cả! Bao nhiêu nghiêm chỉnh để đâu cả? Hay là theo mồ hôi trôi sạch rồi?
Nhưng những lời quát lác của anh chỉ như dầu đổ thêm vào lửa. Tiếng cười càng bốc lên và lan đi tất cả cả lớp, chạy dọc theo hành lang, ầm ầm một sức mạnh mới, Maka thất vọng khoát tay một cái, quay bộ mặt ngán ngẩm ra phía cửa sổ.
Nhưng anh làm ra được cái vẻ lạnh như tiền ấy đâu phải chuyện dễ. Cứ nhìn những thớ thịt quai hàm của anh nổi cuộn lên dưới hai gò má và lông mày trái của anh cứ giần giật liên hồi thì đủ rõ!
Nhưng một phút sau, khi tất cả đã lặng, anh đang ngồi ghế thì tự nhiên nảy bật lên như bị ong đốt. Đó là vì từ những hàng ghế cuối lại cất vang lên cái giọng run run của bác Suka:
- Thưa đồng bào và các lão bà thân mến, lão xin hỏi bà con có biết tại sao lão lại gọi như thế không?
Ông lão chưa kịp nói hết câu thì tiếng cười lại ầm ầm lên như sấm, làm hai ngọn đèn nữa tắt phụt. Trong bóng tối tù mù, một anh chàng nào vô ý va vỡ một bóng đèn thứ ba và văng ra mấy câu chửi tục. Một bà nào dè bỉu:
- Không biết dơ! Anh tưởng tối không ai trông thấy thì có thể tha hồ chửi bậy hả, đồ mặt dày.
Tiếng cười lắng dần đi, và trong bóng tối tù mù lại vang lên cái giọng run run và bất bình của bác Suka:
- Một thằng lếu láo lợi dụng bóng tối chửi càn chửi bậy, còn những kẻ khác thì nhăn nhở cười, chẳng biết cười cái gì… Thời buổi đến là nhố nhăng! Thế thì đi họp làm gì? Để yên lão giảng giải cho mà nghe lý do tại sao lão lại nói "Thưa đồng bào và các lão bà thân mến". Lý do vì giới lão bà là giới đứng đắn, đáng tin cậy hệt như Ngân hàng Nhà nước ta vậy. Mà cụ nào cũng thế, không hề mánh khóe xỏ xiên gì. Lúc tuổi tác già nua này, lão chả bao giờ lo bị các bà ấy giở ra với mình những trò thối tha đâu, ấy thế nhưng các bà trẻ và các cô bây giờ thì lão hoàn toàn không thể nào coi được! Lão xin hỏi tại sao lại như vậy? Tại vì cái con mẹ đẻ ra thằng bé rồi đem quẳng đến bắt lão nuôi không thể là ở trong giới các cụ bà đáng kính được. Việc đẻ đái đâu có phải việc của các lão bà? Cụ bà nào dù còn ngứa ngáy đến mấy cũng không thể nặn ra được một đứa con của Chúa, vì dạ con mỏng quá rồi. Cho nên chỉ có thể là một con đĩ nào còn trẻ đã đổ vạ lên đầu lão, vu cho lão là bố đứa bé thôi. Đó là lý do tại sao từ ngày xảy ra chuyện ấy, lão không tài nào chịu nổi bọn chó cái mặc váy ấy, không thèm ngoái nửa con mắt nhìn bất cứ con nào! Và nếu có vô tình nhìn phải một mụ nào đẹp đẹp là lão cứ buồn nôn buồn ọe như lúc quá chén vậy! Đấy, bọn ba lần trời đánh ấy đã xô đẩy lão đến nông nỗi ấy đấy!... Vậy sau chuyện đứa bé, chẳng lẽ lão lại nói "Thưa các bà trẻ và các cô tốt nết thân mến", và bày ra đĩa đủ các thứ lời đường mật dâng lên tận miệng họ hay sao? Không đời nào!
Nagunốp không nén nổi sửng sốt, dướn cao lông mày hỏi:
- Ông chui ở đâu ra đấy hả ông nội? Bà lão đã lôi ông về nhà rồi cơ mà, sao còn mò được ra đây?
- Thế nào là lôi? - bác Suka vênh mặt lên đáp. - Việc gì đến anh mà anh hỏi? Đây là việc gia đình người ta, đâu phải việc của Đảng. Rõ chưa?
- Chẳng rõ gì cả. Bà lão đã lôi ông về thì nghĩa là có việc, ông phải ở nhà mà làm chứ.
- Ở rồi, rồi lại lỉnh! Nhưng anh Maka ơi, lão việc gì phải trình bày với ai nhỉ, kể cả anh, kể cả bà nhà lão. Lạy Chúa sao các người cứ bám riết lấy lão như đỉa đói thế, xéo đi với ma vương quỷ sứ cho rồi!
- Ông ơi, ông lập mưu thế nào mà trốn nhà đi được thế hả? - Đavưđốp cố hết sức nén cười, hỏi.
Ít lâu nay anh tuyệt nhiên không tài nào giữ được cái vẻ thủ trưởng nghiêm trang trước mặt bác Suka nữa, thậm chí cứ nhìn bác là anh không nhịn được mỉm cười; và lúc này, đợi câu trả lời của bác, anh nheo nheo mắt và đưa tay lên che miệng sẵn. Một hôm đang ngồi riêng với nhau, Nagunốp đã tỏ vẻ khó chịu ra mặt, phê bình anh không oan: "Dạo này cậu làm sao thế hả, Xêmiôn? Lúc nào cũng ngặt nghẽo như con gái bị cù vậy? Đàn ông đàn ang ai lại thế bao giờ".
Được câu hỏi của Đavưđốp khuyến khích, bác Suka liền lao lên, huých loạn khuỷu tay, chen bừa qua những bà con đứng dọc lối đi, tiến sấn tới phía bàn chủ tọa.
Nagunốp la bảo bác:
- Này ông nội ơi! Sao lại xéo cả lên đầu người ta mà đi thế, đứng tại chỗ mà nói, cho phép ông phát biểu, nhưng ngắn thôi đấy!
Bác Suka dừng lại nửa đường, bốp chát lại:
- Anh về mà dạy bà cụ nhà anh cần đứng chỗ nào mà nói, còn lão thừa biết chỗ của lão rồi! Anh Maka ơi, anh độc leo lên diễn đàn hoặc ngồi trên ghế chủ tịch mà phán xuống đủ các thứ xằng bậy bắt bà con nghe, vậy thì tại sao lão lại phải đứng ở cái xó tối om này mà nói chuyện với bà con nhỉ? Đứng ở đây chả trông thấy mặt mũi ai cả, độc chỉ thấy gáy, thấy lưng, thấy những cái bà con dùng để ngồi xuống ghế thôi. Anh bảo lão nói chuyện với ai, thưa gửi với cái gì? Với những cái gáy à? Với những cái lưng và những chỗ còn lại khác của người ta à? Anh cứ xuống đây, đứng xó này mà phát biểu, còn lão thì khi nói chuyện lão muốn nhìn thẳng vào mặt bà con! Rõ nhiệm vụ chưa? Vậy thì anh im bớt cái mồm đi, đừng làm lão quên lú cả những ý lão đang nghĩ. Anh chuyên môn có cái thói lão chưa nói anh đã chặn trước. Lão cứ chưa kịp mở miệng thì anh đã la lên như đấm vào họng lão rồi. Không, anh bạn ơi, chỗ anh với lão làm thế thì không ổn tí nào!
Lúc này đã chen tới đứng ngay trước bàn chủ tọa, bác Suka chĩa con mắt độc nhất nhìn chòng chọc vào mắt Nagunốp, hỏi:
- Anh Maka ơi, trên đời này có bao giờ anh thấy một người đàn bà chồng đang bận công tác mà lại lôi về nhà vì có việc cần không? Anh cứ thật tình trả lời cho tôi xem nào.
- Kể cũng hiếm, nhưng vẫn có đấy, chẳng hạn như trường hợp cháy nhà, hoặc chuyện chẳng lành gì khác. Nhưng ông ơi, ông đừng kéo dài hội nghị ra nữa, để anh Đavưđốp phát biểu, rồi tan họp ông về nhà tôi, ta tán gẫu với nhau đến sáng cũng được.
Nagunốp, anh chàng Nagunốp cứng rắn rõ ràng đã phải đi đến nhượng bộ, nói ngọt với bác, cốt sao ngăn cho bác khỏi kéo dài hội nghị vô ích. Nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại: bác Suka bỗng khóc nấc lên, đưa cánh tay áo lên chùi nước mắt, những giọt nước mắt thật chứ không phải giả vờ, và nói:
- Lão thấy là ngủ nhà anh hay ngủ chuồng ngựa thì cũng được cả, chẳng sao, miễn là hôm nay đừng có vác mặt về nhà. Vì chỉ cần lão đặt chân lên bậc cửa là sẽ bị bà nhà lão cho ngay một trận Thổ Nhĩ Kỳ thấy ông bà ông vải. Rất là đơn giản!
Bác Suka quay sang phía Đavưđốp một bộ mặt nhăn nhúm như một quả táo chín mõm, nói tiếp bằng một giọng bỗng dưng rắn rỏi hẳn lại:
- Anh Xêmiôn ơi, anh hỏi lão về ở nhà thế nào và chuồn khỏi nhà thế nào phỏng? Anh tưởng chuyện ấy đơn giản đấy hả? Lão phải giảng giải trong vòng đúng một giây thôi, để khỏi kéo dài hội nghị, cho bà con rõ về cái bà ác bá độc địa nhà lão, bởi vì lão cần có sự xông cảm của bà con, và nếu không được sự xông cảm ấy thì lão Suka này cũng đến xuôi tay nhắm nằm xuống đất ẩm về chầu trời cho rồi! Và rồi cuộc đời đen đủi của lão thực chẳng ra chó gì cả!... Thành thử là cách đây khoảng một tiếng đồng hồ, lão đang ngồi ngoài sân với anh Anchíp Gráts, hút thuốc, bàn chuyện nghệ sĩ và chuyện sự đời thì con mụ quỷ cái nhà lão dẫn xác đến. Cái mụ ba lần trời đánh ấy đến túm lấy tay lão, lôi xềnh xệch theo sau như con ngựa ăn no kéo chiếc bừa lật ngửa vậy. Mụ ấy kéo cứ nhẹ tênh tênh, chẳng ậm ạch gì cả, chẳng mất tí sức nào, mặc dù lão đã cố tì hai chân cố bám lại…
Nếu bà con muốn biết thì lão xin nói là có thể mắc ách cho mụ nhà lão kéo cày hoặc thắng vào xe kéo thay cho ngựa được, còn cái việc lôi lão xềnh xệch như thế thì mụ ấy coi dễ như bỡn, vì con mụ khốn kiếp ấy khỏe lạ lắm! Mụ ấy khỏe kinh người, khỏe như một con ngựa thồ, lạy Chúa, lão cấm nói điêu đâu! Về sức khỏe của mụ ấy ai không biết chứ lão thì lão biết tận chân tơ kẽ tóc, vì lão đã phải è lưng ra chịu rồi…
Vậy cho nên khi mụ ấy lôi lão xềnh xệch theo sau thì lão còn biết làm thế quái nào nhỉ? Mụ ấy lấy thịt đè người mà! Lão cứ chạy le te theo sau, miệng hỏi: "Có việc gì cần mà tôi đang họp bà lại đến lôi tôi đi như lôi đứa trẻ ra khỏi vú mẹ thế này? Hội nghị đang cần có mặt tôi". Mụ ấy bảo: "Ông về nhà, có cái cánh sửa sổ bị long bản lề, ông chữa lại đi cho tử tế, kẻo đêm nay nhỡ Chúa nổi gió thì vỡ kính mất". Chuyện thế thì có lạ không? Lão nghĩ bụng: một chuyện. Lão bảo mụ ấy: "Thế mai mặt trời không mọc nữa, không chữa được cửa sổ hay sao? Bà đúng là lẩn thẩn rồi, con bò cái già của tôi ạ!". Mụ ấy lại bảo: "Tôi ốm. Ốm đau nằm một mình buồn lắm, ông về ngồi với tôi một tí cũng không gầy mất đi đâu mà sợ". Thế là hai chuyện! Lão đáp lại mụ ấy: "Thì đi gọi bà nào sang ngồi với bà có được không, tôi phải quay lại hội nghị bỏ phiếu chống Đúpxốp đây". Mụ ấy lại bảo: "Tôi muốn có ông cho vui, chứ tôi cần gì đến mụ nào". Thế là ba chuyện, và toàn là những chuyện thối tha như thế cả!
Vậy thì nên tự nguyện tự giác chịu đựng cái sự hành hạ con người như thế, hay là nên di tản tránh xa những cái trò thối tha không thể xực được ấy đi? Lão đã làm như thế đó, nghĩa là lão đã tự động di tản. Bị mụ ấy lôi về đến nhà, lão chẳng nghĩ ngợi lôi thôi gì, hấp một cái, nhảy luôn ra gian ngoài, một cái nữa ra tới thềm, đóng sập luôn cái cửa, chặn chặt lại, rồi ù té nước kiệu ra trường đây! Cửa sổ nhà lão nhỏ, hẹp tí, mà mụ nhà lão thì bà con đều biết đấy, béo trương béo nứt ra, to đùng. Mụ ấy không thể nào lọt được, mà mắc kẹt, như con lợn béo chui lỗ hàng rào bị kẹt vậy, cái trò ấy thì mụ đã từng thử rồi, và đã bị, mà không phải chỉ bị có một lần đâu. Và thế là bây giờ mụ ấy đang ngồi nhà, khổ thân mụ ấy, như con quỷ ngày xưa bị nhốt trong bình nước, hồi trước cách mạng vậy! Ai có giỏi thì cứ đến mà giải phóng mụ ấy khỏi cảnh tù ngục, còn lão thì chả dám dẫn xác về trước mặt mụ ấy đâu, lão sẽ tìm nhà ai trọ nhờ vài ba bữa đợi cho cơn tam bành của mụ ấy đối với lão nguội nguội đi tí đã. Lão chả dại gì đem cái kiếp của mình ra mà liều, và lão hoàn toàn chả thiết gì nếm những trận Thổ Nhĩ Kỳ của mụ ấy cả. Điên lên, mụ ấy sẽ giải quyết đời lão mất, và rồi làm sao? Rồi ông công tố sẽ ghi vào bản thông cáo chiến sự là trên mặt trận Thổ Nhĩ Kỳ tình hình vô sự, thế là xong! Không đâu, lão xin vái cả nón, nhưng món bổ béo ấy xin nhường bà con xơi thử! Người khôn ngoan chẳng cần ai giảng giải cũng vẫn hiểu mọi nhẽ, còn thằng ngu thì có giảng giải mấy cho cũng vẫn là thằng ngu cho đến lúc chui vào sáu tấm!
- Ông nói xong chưa? - Radơmiốtnốp hỏi giọng bình tĩnh.
- Với các anh thì muốn hay không muốn cũng phải xong. Và cái anh Agaphôn lão bỏ phiếu chống thì cũng muộn rồi, đằng nào các anh cũng đã kết nạp anh ta vào Đảng, mà có lẽ thế lại là hơn, và có lẽ lão cũng đồng ý với bà con thôi. Về bà già nhà lão, lão đã giải thích rõ mọi chuyện, và cứ nhìn mắt bà con thì lão thấy tất cả các bà con ngồi đây đều có sự xông cảm với lão. Lão cũng chỉ cần có thế thôi! Lão cũng đã được nói chuyện thỏa thích với bà con, thế là dù sao lão không phải chỉ có nói chuyện với mấy con ngựa giống của lão mà thôi, lão nói vậy có đúng không? Sự hiểu biết của bà con không hơn mấy con ngựa bao nhiêu đâu, nhưng dẫu sao cũng vẫn là hơn…
- Thôi, ngồi xuống đi ông, không lại sắp nói, - Nagunốp ra lệnh.
Trái với dự đoán của mọi người, bác Suka lẳng lặng quay trở về chỗ, không đôi co như thường lệ, mà ngược lại, còn mỉm cười với một vẻ hể hả chưa từng thấy, và con mắt độc nhất của bác long lanh đắc thắng đến nỗi mọi người đều buộc phải nhìn thấy một điều rõ ràng hiển nhiên: bác bước đi không phải như một kẻ chiến bại, mà như một kẻ chiến thắng. Đưa đón bác là những nụ cười thiện cảm. Bà con Grêmiatsi dẫu sao cũng rất quý bác.
Duy chỉ có anh chàng Agaphôn Đúpxốp là đã không bỏ lỡ cơ hội làm bác cụt hứng. Khi bác Suka dương dương tự đắc bước qua chỗ anh ngồi, Agaphôn nhăn cái mặt rỗ lại thì thào bằng một giọng thê thảm:
- Ông lão ơi, ông sắp tịch đến nơi rồi… Xin vĩnh biệt ông!
Bác Suka đứng sững lại như hóa đá, lẳng lặng nhai móm mém một lúc, rồi tập trung tất cả sức lực còn lại, cố cất tiếng lên run run hỏi lại:
- Thế… thế tại vì do cái khoản gì mà lão lại phải vĩnh biệt anh?
- Do cái khoản ông còn sống ở hạ giới này chẳng mấy nỗi nữa đâu… Chỉ còn đủ thời gian nhìn quanh hai cái và thở dài bốn cái nữa thôi. Con gái tóc ngắn chưa kịp tết xong cái bím tóc thì ông đã nằm trong sáu tấm rồi…
- Sao... sao lại thế được, anh Agaphôn?
- Sao à, rất là đơn giản: có đứa sắp giết ông.
- Ai giết? - bác Suka thở không ra hơi.
- Còn ai nữa! Hai vợ chồng nhà Kônđrát Maiđanhikốp. Hắn đã sai vợ về nhà lấy cái rìu.
Hai cẳng chân bác Suka run lẩy bẩy. Bác buông phịch người xuống cái chỗ Đúpxốp lánh ra nhường cho bác, hoang mang hỏi:
- Nhưng vì sao mà hắn lại định giải quyết đời lão?
- Ông không đoán ra à?
- Vì lão bỏ phiếu chống hắn phải không?
- Đúng! Phê bình người ta thì bao giờ người ta cũng giết, hoặc là bằng rìu, hoặc là bằng súng. Ông thích đằng nào hơn: một viên đạn vào ngực, hay một nhát rìu vào sọ?
- Thích đằng nào hơn! Anh này nói đến hay! Sao lại có thể thích cái trò ấy được nhỉ?! - bác Suka phẫn nộ thốt lên. - Thà anh mách lão nên làm thế nào bây giờ có phải hơn không? Lấy ai che chở cho lão khỏi cái thằng ngu như lợn ấy bây giờ?
- Có mỗi cách là ông hãy tranh thủ lúc còn sống, gặp lãnh đạo mà báo cáo.
- Đúng, có mỗi cách ấy thật, - bác Suka ngẫm nghĩ một lát rồi đồng ý. - Lão đi khiếu nại với anh Maka ngay bây giờ. Thế cái thằng Kônđrát khốn kiếp kia nó không sợ giết lão thì đi tù à?
- Hắn bảo giết lão Suka thì mình chỉ xơi không quá hai năm đâu, cùng lắm thì hơn hai năm một tí, ngồi tù một hai năm thì mình ngồi được, chả sao… Hắn bảo là với những loại già cốc đế đại vương như bác thì cũng không phải trả giá đắt lắm đâu, vì những của ấy đem bán thì người ta cũng chỉ trả ba xu là cùng.
- Đừng hòng, đồ chó đẻ! Nó sẽ bị đủ mười năm, chuyện này lão biết rõ lắm! - bác Suka điên người gào tướng lên.
Và liền bị Nagunốp nghiêm khắc cảnh cáo:
- Ông lão kia, ông mà còn rống lên như lợn bị chọc tiết thế một lần nữa là tôi đuổi ngay ra khỏi phòng họp đấy!
- Ông ơi, ông cứ ngồi yên, tí nữa tôi sẽ đưa ông về, đi với tôi ông không sợ đâu! - Đúpxốp thì thầm hứa.
Nhưng bác Suka không hé răng đáp nửa lời. Bác ngồi tì khuỷu tay xuống đầu gối, đầu cúi gập. Bác ngẫm nghĩ điều gì lung lắm, trán nhăn lại đau khổ. Rồi bỗng bác chồm lên, xô dãn bà con ra, le te chạy lên bàn chủ tọa. Đúpxốp nhìn theo thấy bác cúi sát xuống Nagunốp, thì thào cái gì vào tai anh ta, giơ tay chỉ vào anh, Đúpxốp, rồi vào Kônđrát Maiđanhikốp.
Làm được cho Nagunốp cười là chuyện khó, hầu như là chuyện không thể làm được, nhưng lúc này anh ta cũng không nhịn nổi, phải nhếch mép mỉm cười và nhìn Đúpxốp, lắc đầu trách móc. Rồi anh kéo bác Suka ngồi xuống bên anh, rỉ vào tai bác: "Ngồi xuống đây, cấm cựa, không thì khốn đấy!".
Một lát sau bác Suka - một bác Suka đã vững dạ trở lại và đắc chí - bắt gặp ánh mắt của Maiđanhikốp, hí hửng giơ ra về phía anh nắm đấm có đầu ngón cái chĩa ra. Kônđrát dướn đôi lông mày lên ngạc nhiên, và bác Suka ngồi bên Nagunốp cảm thấy hoàn toàn được bảo đảm an ninh, chĩa nốt với Kônđrát nắm đấm thứ hai.
- Sao ông lão lại giơ nắm đấm với cậu thế? - Anchíp Gráts hỏi Maiđanhikốp đang ngồi cạnh.
- Có trời biết bố ấy muốn bày ra cái trò gì, - Kônđrát ngán ngẩm đáp. - Mình nhận thấy dạo này bố ấy đâm ra lẩn thẩn rồi. Mà thế cũng phải thôi: tuổi cao rồi, và đời cũng lắm gian lao, cũng tội nghiệp. Mình với bố ấy xưa nay vẫn hòa hảo, bây giờ hình như bố ấy cáu mình cái gì đấy. Để phải hỏi bố ấy xem bố ấy phật ý về nỗi gì.
Kônđrát ngẫu nhiên đưa mắt về chỗ bác Suka vừa ngồi lúc trước, và lấy khuỷu tay khẽ huých Anchíp, khúc khích cười:
- Bố ấy vừa ngồi cạnh thằng cha Agaphôn, thế là rõ rồi! Lại cái thằng ba bị Agaphôn ấy đã rỉ tai ông lão cái gì về mình thôi, dựng đứng lên chuyện gì xúi bẩy ông ấy làm ông ấy nổi điên lên, chứ mình có làm gì cho ông ấy giận đâu. Bây giờ ông ấy đâm ra cứ như trẻ con, ai nói gì cũng tin.
Đavưđốp đứng bên bàn kiên nhẫn đợi cho bà con dân làng quen thói đủng đỉnh đã trở về chỗ ngồi yên vị đâu đấy và phòng họp yên lặng trở lại.
- Nói gì thì nói đi, anh Đavưđốp! Nói cho xong đi! - Đemka Usakốp sốt ruột réo lên.
Đavưđốp thì thầm cái gì với Radơmiốtnốp xong, vội vã bắt đầu:
- Tôi giữ bà con lại ít phút thôi, thực tế thế! Tôi phát biểu chủ yếu với chị em phụ nữ, vì vấn đề đặt ra hôm nay chủ yếu liên quan đến các bà. Hôm nay, toàn thể nông trang ta đã đến tham dự hội nghị chi bộ, và anh em đảng viên chúng tôi, sau khi trao đổi với nhau, muốn đề xuất với bà con một chuyện này: các nhà máy xí nghiệp của ta từ lâu đã tổ chức vườn trẻ và nhà bảo mẫu nhận gửi các cháu bé, sáng đi tối về, ở đó các cháu được các bà bảo mẫu, các cô nuôi dạy trẻ có kinh nghiệm săn sóc cho ăn, cho chơi, cho nghỉ. Đấy, thực tế thế đấy các đồng chí ạ. Trong khi đó thì các bà mẹ đi làm, không phải lo đến con mọn, chân tay cũng rảnh, đầu óc cũng thảnh thơi. Vậy tại sao nông trang ta lại không tổ chức vườn trẻ như thế? Ta có hai ngôi nhà kulắc còn bỏ không; sữa, bánh mì, thịt, kê và các thức khác, nông trang ta có đủ, thực tế thế! Ta có thể đảm bảo cho các công dân tí hon của chúng ta có đủ lương ăn, và được săn sóc tử tế, vậy thì ta còn chờ quái gì nữa nhỉ? Mùa màng đã kề tận mũi rồi. Về chuyện chị em thu xếp việc nhà như thế nào để đi làm đồng được thì tình hình gay go đấy, có thể nói là tình hình xấu, cái đó bà con rõ cả. Vậy chị em nông trang viên ta có nhất trí với ý kiến chúng tôi đề xuất không? Ta biểu quyết luôn, và nếu đa số tán thành thì ta quyết nghị ngay tại đây để khỏi mất công triệu tập hội nghị nữa. Ai đồng ý, xin giơ tay.
- Việc tốt như thế thì còn ai chống? - chị vợ Turilin nách một lũ con, nói bô bô. Chị ngó bà con ngồi quanh, rồi là người đầu tiên giơ lên bàn tay với cái cổ tay khẳng khiu.
Một rừng cánh tay mọc lên trên đấu các nam nữ nông trang viên kẻ đứng người ngồi. Không một ai biểu quyết chống. Đavưđốp xoa tay, cười hể hả:
- Ý kiến đề nghị thành lập vườn trẻ đã được nhất trí tán thành! Thưa đồng bào đồng chí thân mến, nhất trí thế này là rất hay, thực tế thế, nó chứng tỏ chúng ta đã đặt trúng vấn đề! Mai ta sẽ bắt tay vào làm. Sáng mai, cơm xong, khoảng sáu giờ các bà mẹ nào muốn gửi con thì đến trụ sở ban quản trị ghi tên. Các đồng chí phụ nữ nên trao đổi bàn bạc chọn lấy một bà cấp dưỡng, sạch sẽ và biết nấu nướng, và hai ba chị em nữa, loại người gọn gàng, sạch sẽ và biết quý trẻ, giao cho làm cô nuôi dạy trẻ. Còn người phụ trách thì ta sẽ đề nghị huyện cho một cô nào có trình độ văn hóa, làm được sổ sách, thực tế thế! Chúng tôi đã cân nhắc và quyết định công của chị em cấp dưỡng và cô nuôi dạy trẻ sẽ được tính mười điểm, nghĩa là ngang một công lao động bình thường, còn chị phụ trách thì sẽ được trả theo thang lương nhà nước. ta không lo sạt nghiệp đâu, thực tế thế! Vả lại một việc như thế ta không nên ngại phí tổn, những phí tổn ấy sau này được bù lại bằng số nhân công làm tăng lên, cái đó sau này tôi sẽ chứng minh cụ thể bà con rõ. Chúng tôi sẽ nhận những cháu từ hai đến bảy tuổi. Bà con có gì hỏi nữa không?
- Một công mười điểm thì có hơi cao quá không? Trông trẻ thì cũng chả phải vất vả gì cho lắm, so sao được với công cào cỏ ngoài đồng, - Êphim Krivôsêép, một trong những người làm ăn cá thể cuối cùng ở ấp mà mới vào nông trang gần đây thôi, phát biểu tỏ ý nghi ngờ.
Nhưng liền đó quanh anh tiếng la ó bất bình của chị em nổi lên như vỡ chợ, làm anh đinh tai váng óc. Lúc đầu anh chỉ nhăn mặt, xua tay, như xua một đàn ong, nhưng rồi cảm thấy mình có cơ bị khốn với các bà, anh nhảy lên bàn, vui vẻ kêu toáng lên:
- Lặng đã, các bà chị ơi! Lặng đã, Giêsu lạy Chúa tôi! Tôi lỡ mồm thôi mà! Tôi chót dại nói bậy thôi! Tránh cho tôi ra, và đề nghị các bà chị tha cho, đừng giơ đấm vào mõm tôi như thế này nữa! Đồng chí Đavưđốp ơi, đề nghị đồng chí cứu nguy cho nông trang viên mới chứ! Đừng bắt tôi phải hy sinh anh dũng trên bãi chiến trường! Các bà làng ta như thế nào đồng chí biết rồi đấy!
Các bà thi nhau gào lên:
- Cái thằng mặt mẹt kia, mày đã trông con mọn bao giờ chưa mà mày nói!
- Cho thằng béo ị rậm râu ấy làm cấp dưỡng!
- Cho làm vú em!
- Suốt ngày đánh vật với lũ trẻ có trả hai công cũng đáng, thế mà nó còn giở giọng bủn xỉn, quân chó sói!
- Chị em ơi, ta phải dậy cho nó biết nói bậy cũng phải có mức độ chứ!...
Có lẽ câu chuyện đã kết thúc bình yên vô sự nếu như anh chàng Êphim không nói tếu một câu làm cho không khí căng thẳng dịu đi, nhưng lại làm cho câu chuyện xoay sang một hướng khác hoàn toàn bất ngờ đối với Êphim: các bà cười rú lên như nắc nẻ, rồi xông vào lôi anh từ trên bàn xuống. Một bàn tay ai da bánh mật túm lấy râu anh. Và chiếc áo sơmi xatanh mới toanh của anh bị kéo toạch các đường chỉ khâu, và cả ngoài các đường chỉ. Nagunốp gào vỡ cả giọng để lập lại trật tự mà không xong. Trận xâu xé tiếp tục một lúc nữa, và một phút sau, anh chàng Êphim mặt đỏ tía tai vì cười và cáu bị các bà hùa vào lôi xềnh xệch ra hành lang, để lại dưới sàn cả hai ống tay áo, và bản thân chiếc áo sơmi thì không còn lấy một chiếc khuy nào, bị rách toạc nhiều chỗ từ gấu đến cổ.
Sặc lên vì cười, và trong tiếng cười chung của đám anh em kôdắc đứng quanh, Êphim rút ra bài học:
- Các mẹ quỷ cái này khỏe khiếp! Không cái dại nào giống cái dại này! Mới có lần đầu tiên phát biểu chống lại các bà ấy mà đã thế này đây… - Anh ngượng ngùng kéo vạt áo rách bươm che cái bụng rám đen, than thân trách phận: - Đeo cái mớ giẻ rách này trên người thì tôi vác mặt về với bà ấy nhà tôi bây giờ thế nào đây? Bà ấy sẽ đuổi cổ tôi đi vì sự thiệt hại nghiêm trọng này mất! Đến phải rủ bác Suka tìm nhà bà góa nào ở trọ ít bữa thôi, tôi với bố ấy thì không còn lối thoát nào khác!