May mắn thay, người suýt giống hệt Hyun Bin kia đang bận bịu với chiếc
điện thoại và suất cơm gà đã vơi một nửa nên không nhận ra sự hiện diện
của Quỳnh. Tuy vậy, như một phản ứng vô thức, cô vẫn quay người đi thật
nhanh về chiếc bàn ở tận đầu bên kia, nơi khuất nhất, cách xa anh ta
nhất. Cố thu mình lại sau chiếc ghế tựa lưng cao, cô chỉ nhanh vào một trang thực đơn in ảnh chiếc đùi gà óng mỡ mà thậm chí
không thèm đọc xem giá của nó là bao nhiêu. Ánh mắt dò xét của anh chàng phục vụ khiến cô – dù không soi gương – cũng biết chắc lúc này mình
trông hệt như một du khách ngớ ngẩn hay một diễn viên kịch câm vụng về.
Du khách, diễn viên, người mộng du… ai cũng được, tất cả những gì cô cần bây giờ là chút thức ăn và khoảng thời gian yên tĩnh để sắp xếp những
suy nghĩ bừa bộn trong đầu.
Quỳnh đã phạm phải một sai lầm to lớn khi đến làm tại toà soạn báo Quan
Sát, sự thật này cũng như chữ ký và họ tên cô in đậm nét trên hợp đồng
thử việc, rành rành, không thể chối cãi. Lẽ ra, cô nên dẹp thói anh hùng rơm để tiếp tục xin tiền bố mẹ thêm vài tháng rồi từ từ tìm việc khác.
Làm như thế tuy có tổn thương tự ái đôi chút, hoặc mất hết cả tự trọng
của tân cử nhân – như cô đã từng tuyên bố hùng hồn trước toàn thể gia
đình, nhưng ít nhất cô cũng tránh được tình cảnh mà người Anh vẫn gọi là a fish out of water (1), hết sức ngột ngạt, sượng sùng này. Thậm chí,
ngay cả khi cô nhắm mắt nhận công việc mà họ hàng đã ưu ái sắp xếp – tức là có gắn tên mình vào mấy chữ “chạy chọt” “con ông cháu cha” thật đi
chăng nữa, đồng nghiệp của cô ở nơi đó chắc cũng không tỏ thái độ kỳ thị ra mặt như ở đây. Và cô cũng không cảm thấy oan ức, tủi thân đến mức
phải dùng món gà BBQ sốt cay làm cớ để lau nước mắt như bây giờ.
Hơn nửa tiếng sau, khi trên bàn chỉ còn lại mấy tờ giấy ăn đã thấm ướt
cùng hai khúc xương đùi gà, Quỳnh mới tạm thoát khỏi mớ bòng bong những ý nghĩ bi quan mù mờ. Tuy chưa vạch ra được kế hoạch cụ thể cho tương lai nhưng cô đã đủ bình tĩnh để suy xét mọi điều liên quan. Hoá ra tình
cảnh của cô chưa đến nỗi quá bi đát. Công việc đúng chuyên ngành, mức
lương thưởng không tệ, chỗ làm cách nhà có mười phút đi xe máy, tên cơ
quan lại oai oai, khởi đầu như vậy đối với một sinh viên tốt nghiệp loại khá của một trường đại học thường thường bậc trung cũng là tốt lắm rồi. Tất nhiên, cô sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với đồng nghiệp, cả toà
soạn đông như vậy chắc phải có ai đó dễ nói chuyện chứ! Trong phút chốc, Quỳnh thấy một niềm lạc quan dâng lên tận cằm. Cô bỗng quên bẵng tình
trạng đang núp tránh ai đó của mình, vênh mặt ngồi thẳng dậy, gọi tính
tiền.
- Bàn chị thanh toán rồi ạ – cô nhân viên vừa đi tới vừa nhìn vào kẹp bìa da trên tay, nói nhanh như máy.
- Có nhầm không bạn? Mình vừa…
- Không nhầm đâu ạ, lúc nãy anh gì bạn chị trả rồi mà.
(1) A fish out of water: Cá ở trên cạn, thành ngữ dùng để diễn tả tình
cảnh không thoải mái của một người bị rơi vào hoàn cảnh không phù hợp.
***
“Anh gì là anh gì?”, vừa để đầu óc chậm chạp xử lý câu hỏi, Quỳnh vừa
đẩy cửa kính bước ra. Lũ không khí nóng nực nhớp nháp bên ngoài đồng
loạt xộc đến ép cô phải giao nộp một cái rùng mình. Cô cho chúng hẳn hai cái, dù nguyên nhân của cái rùng mình thứ hai không liên quan gì đến
thời tiết mà xuất phát từ một người, nói rõ hơn chút nữa là từ hành động của anh ta.
Tại sao cô đã cố tránh mà anh ta vẫn nhìn thấy? Không phải lúc đó anh ta đang mải ăn và chúi mũi vào màn hình điện thoại hay sao? Chẳng lẽ anh
ta mọc mắt trên trán, hay bên thái dương? Và anh ta có ý gì khi trả tiền cho cô? Trông bộ dạng của cô lúc đó thảm hại đến mức khiến anh ta phải
động lòng trắc ẩn ư? Hay anh ta muốn dùng cách tỏ ra lịch sự và rộng rãi thế này để ngầm cảnh cáo cô vì thấy cấp trên mà không chào? Trong chốc
lát, Quỳnh thấy mọi thứ mù mờ. Cô biết mình phải quay về văn phòng, đồng thời cũng biết mình đang ở trong tình trạng mất phương hướng tạm thời.