Hình như cơn điên bắt đầu từ cuối giờ chiều nay, khi anh bị một thằng
nhãi vô duyên xông vào cắt ngang cuộc nói chuyện nghiêm túc liên quan
đến tương lai của một số người, trong đó có anh. Vài phút sau, anh còn
chưa kịp dùng nắm đấm dạy cho kẻ phá đám đáng ghét một bài học về sự tế
nhị và phép lịch sự, người đáng ra phải tiếp tục cuộc nói chuyện nghiêm
túc với anh đã vội vàng kéo tên kia đi mất. Mang tâm trạng của một tay
thám tử mẫn cán nhưng không mấy sáng suốt, anh bám theo họ đến tận đây,
nhìn dáo dác khắp dãy phố với cả chục hàng hoa quả dầm mà hàng nào cũng
đông nghịt rồi chẳng biết làm gì hơn là đứng trầm mặc trong ngõ tối,
giữa vòng vây của lũ muỗi đói, chờ đợi họ trở ra. Và đến lúc họ trở ra,
thân mật hơn nhiều so với trong tưởng tượng của anh, anh chợt cười thành tiếng, tự thấy tất cả những hành động của mình từ nãy đến giờ sao mà… vô nghĩa.
Sáu năm trước, anh đã một lần tự đẩy mình vào tình cảnh bất đắc dĩ kiểu
này. Thậm chí, nếu xét theo tiêu chuẩn nóng bỏng giật gân câu lượt đọc
của các thể loại báo điện tử hiện tại thì những gì anh vừa chứng kiến
chỉ là tin tức hạng bét so với những gì anh bắt gặp trước kia. Đăng ngửa đầu nhìn ánh đèn tuýp trắng nhờ toả ra từ ô cửa sổ của ngôi nhà cuối
ngõ, chầm chậm rút lại nụ cười. Không hiểu sao, so với khi đó, giờ phút
này, anh lại thấy khó chịu, bực mình, hoặc nói hơi ngoa là phẫn nộ hơn.
Có lẽ vì cách đây sáu năm, trước khi sự kiện xứng đáng lên trang nhất
báo mạng đó xảy ra, tình cảm của anh và người ấy đã rạn nứt đến mức
không thể cứu vãn. Có lẽ vì cách đây sáu năm, anh quá tự ti còn kẻ thứ
ba lại ở quá cao. Có lẽ vì khi đó, không ai thường xuyên nhìn anh bằng
ánh mắt vừa ngưỡng mộ, say mê vừa e dè, tiếc nuối. Có lẽ vì khi đó,
không ai mặc chiếc áo sơ mi cổ thuyền bằng vải voan mềm dịu đi lướt qua
người anh, để rớt lại một mùi hương nhàn nhạt khó gọi tên…
Phẩy tay đuổi mấy con muỗi táo tợn bay xông vào tận mặt, đồng thời cũng
gạt những dòng hồi tưởng hỗn độn vào một góc tâm trí, Đăng nhấc lưng
khỏi bức tường, uể oải đi ra khỏi ngõ. Đã đến giờ cơm tối nhưng anh
chẳng muốn về nhà.
Cuối tuần, tuyến phố chính của khu phố cổ biến thành chợ đêm dành cho
người đi bộ, xe cộ dồn hết vào các đường ngõ nhánh quanh đó, gây ra
những điểm ùn tắc nho nhỏ. Phải vòng vèo mất một lúc, Đăng mới tìm được
quán bar trong trí nhớ. Đã hai năm nay, anh không quay lại chỗ này. Hồi
còn làm ở văn phòng cũ, mấy đồng sự độc thân thỉnh thoảng lại kéo nhau
đến đây xả hơi cuối tuần. Những khi không phải đi công tác ở tỉnh, anh
cũng thường tham gia, uống bia, nghe nhạc, xem bóng đá Anh hoặc xem
người khác nhảy, thưởng thức cuộc sống về đêm sôi động của một thủ đô
phồn hoa trước khi quay về với những dự án phục vụ mục tiêu thiên niên
kỷ ở các vùng trung du, miền núi nghèo xơ xác.
Đẩy hai lớp cửa kính bước vào, Đăng chậm rãi đi qua quầy bar chỉ lác đác đôi ba khách để tới ngồi bên một băng gỗ dài và hẹp được bắt thẳng vào
bức tường sơn xanh sẫm như chiếc kệ vừa đủ để những người khách không có nhu cầu ngồi bàn riêng có thể đặt đồ uống và tì tay. Góc này ở gần cuối căn phòng, sát chỗ dành cho DJ, chỉ cần xoay người là sẽ thấy khoảng
trống được chừa làm sàn nhảy. Chưa đến bảy rưỡi tối, trong quán, tiếng
nhạc vẫn nhỏ hơn tiếng nhân viên nói chuyện, mấy bóng đèn halogen lắp
trên cao hắt những quầng ánh sáng vàng vọt yếu ớt xuống những bức vẽ mô
phỏng phong cách tranh cổ động thời chiến và những chiếc ghế đẩu sơn đen cao lênh khênh. Điều hoà hình như mới bật cách đây ít phút, hơi nóng
vẫn len lỏi giữa không gian tối om khen khét mùi thuốc lá tích tụ lưu
cữu từ năm này sang tháng nọ. Đăng nhấp một ngụm bia, lơ đãng nhìn về
phía cô nhân viên có mái tóc tỉa nhuộm táo bạo như nhân vật trong truyện tranh Nhật đang nhàn hạ cầm điện thoại chơi game. Chiếc điện thoại
không phải màu hồng nhưng có dây đeo lấp lánh trên tay cô gái này khiến
anh nghĩ đến một cô gái khác, người đã xô đẩy cảm xúc của anh, bắt nó
trải qua đủ mọi cung bậc, chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi chiều tối nay.