Chính sự cảm kích không quá sâu sắc này đã ngăn cản anh từ chối thẳng
thừng những lời thăm hỏi dường như rất vô tư, những cử chỉ săn sóc dường như rất tế nhị của chị. Trong các cuộc họp, anh cũng không lên tiếng
phản đối công khai dù có thể thực sự không tán thành những ý kiến chị
đưa ra. Mãi đến khi tình cờ nghe thấy mấy biên tập viên kỳ cựu nói
chuyện, đoán già đoán non về mối quan hệ trên mức bình thường của anh và Điệp, Đăng mới
giật mình vỡ lẽ. Anh bắt đầu tỏ thái độ kiên quyết hơn, nói không với
chị nhiều hơn, chú ý giữ khoảng cách hơn. Dần dần, anh thoát khỏi vòng
vây mập mờ mà chị cố tình tạo dựng quanh hai người, những lời đồn của
mọi người ở toà soạn theo đó lắng xuống, Điệp cũng tạm thời không làm gì khiến anh khó xử, cho đến tối nay.
Hương thơm của loại nước hoa danh tiếng Điệp vẫn dùng quyện với thứ mùi
khét ngấy đặc trưng của quán bar ập về phía Đăng. Anh quay lại, chẳng
biết làm gì hơn là nhìn và chờ đợi. Điệp mấp máy môi:
- Đưa em về, được không?
Đầu giờ sáng, Cúc Anh lao vào phòng đem theo mùi khói xăng khét lẹt và một cái tin nóng như ống xả xe máy lúc tắc đường:
- Phòng mình chuẩn bị có nhân viên mới bà con nhé!
Trong lúc mọi người đều ngẩng lên, Quỳnh vẫn cúi đầu, vừa ăn nốt gói xôi ruốc vừa đọc mấy tin tiêu điểm trên Google News. Chị Hạnh – biên dịch
viên giỏi nhất trong nhóm – xin nghỉ dài hạn vì việc gia đình, cô thì từ chối ký hợp đồng chính thức, việc toà soạn phải tìm nhân viên mới chẳng có gì bất ngờ. Một ai đó thắc mắc:
- Sao chưa thấy thông báo tuyển?
- Lần này không tuyển công khai, nhận theo reference thôi. – Cúc Anh nói bằng giọng am hiểu và tự tin, với chữ reference sai trọng âm be bét.
- Lại con ông cháu cha nữa à? – Một ai đó hỏi, nồng độ mỉa mai đậm đặc trong giọng nói vẫn còn một chút uể oải như ngái ngủ.
Cúc Anh dĩ nhiên vẫn “nói nhanh hơn nghĩ” nên trước khi nhận ra người
khác đang ám chỉ mình thì đã kịp tuôn thêm một tràng thông tin nội gián
nữa:
- Một cháu là đàn em khoá sau của chị Hạnh, hết hè này mới vào năm cuối
nhưng làm cộng tác viên cho Hoa học đường với Thế giới học trò từ hồi
lớp 10. Cháu kia là em họ chị Điệp, thấy bảo ra trường được một năm rồi
nhưng chưa đi làm ở đâu, tự mở shop thời trang trên phố Hàng gì ý.
Mấy chữ “shop thời trang trên phố Hàng” kéo gần hết những người mang
giới tính nữ trong phòng chụm lại một chỗ. Câu chuyện đầu giờ chuyển hẳn sang một hướng khác chẳng liên quan gì đến tình hình nhân sự của toà
soạn. Không để ý đến những lời bình phẩm về váy áo của hiệu nọ nhãn kia, giá cả của shop này shop khác, Quỳnh lẳng lặng nhìn ra cửa sổ. Nắng sớm vàng dịu phủ trên những mái nhà nhắc cô nhớ lại ngày đầu tiên đi làm.
Bốn tuần đã trôi qua, vậy mà mỗi lần nghĩ về thời điểm ấy, cô lại cảm
thấy nao nao.
Rồi những câu chuyện phiếm đầu giờ cũng vãn, mọi người lục tục trở về
chỗ của mình, tiếng râm ran trong phòng lắng hẳn, nhường chỗ cho tiếng
bàn phím gõ lạch cạch và tiếng bánh xe ghế xoay cọt kẹt. Quỳnh quay vào
lướt mắt một lượt qua dãy cabin, tự dưng thấy mũi cay cay. Hôm qua, cô
đã nộp hồ sơ dự tuyển vị trí biên tập viên tiếng Anh ở một công ty sách. Dù cô có được đơn vị đó lựa chọn hay không, chắc chắn những hình ảnh và âm thanh mà cô vừa chớm quen này rồi sẽ nhanh chóng biến thành xa lạ.
Cô không thuộc về nơi đây…
Giữa lúc Quỳnh còn đang chìm trong những suy nghĩ nhạt nhoà, ảm đạm, cửa phòng bật mở, Đăng dẫn theo hai người nữa bước vào.
- Mọi người tạm dừng lại đây để tôi giới thiệu một chút! – Đăng đến bên chiếc bàn họp của cả phòng, gõ nhẹ mấy tiếng.
Nhờ những “thông tin nội gián” mà Cúc Anh vừa cung cấp, không ai có biểu hiện ngạc nhiên hay khó hiểu, tất cả đứng dậy, đi về phía ba nhân vật
chính. Sau phần thông báo lý do ban đầu theo đúng bài bản, Đăng bắt đầu
giới thiệu từng người trong phòng để hai nhân viên mới làm quen. Dù đều
không phải qua thi tuyển và đều có người đỡ đầu đáng nể, hai “ma mới”
vẫn khá giữ kẽ, chào hỏi từng người một với vẻ lễ phép đến mức rụt rè.
Nhưng khi trưởng nhóm chỉ đến chỗ Quỳnh thì Trang, “ma mới” số 2 lại
nhanh nhảu cướp lời:
- Em biết bạn ý rồi ạ.