Dì Phạm xách theo bao lớn bao nhỏ ở hai tay, trên cánh tay mảnh khảnh của thằng nhóc đứng cạnh cũng treo một cái bao tải to.
Sau khi mở cửa, dì bảo thằng bé bỏ bao tải xuống, cười nói cái gì đấy.
Đám con nít đều thò đầu ra nhìn, muốn thấy rõ món đồ trong bao tải. Khương Minh Trân bị chèn ép ở trong cùng, chỉ nghe loáng thoáng được vài câu “Đặc sản ở quê”, “Đậu phộng”, “Khoai lang khô”, “Cô chủ thích ăn” gì gì đó.
Từ Mỹ Nhân không ngừng nói lời cảm ơn: “Dì khách khí quá, tay xách nách mang từ tận miền quê xa xôi tới đây.”
Dì Phạm đẩy thằng con về phía trước, giới thiệu đôi câu với chị.
Thằng bé kia ngoan ngoãn nghe lời mẹ, chào chị: “Con chào bà chủ.”
“Ngoan quá,” Từ Mỹ Nhân cong lưng, xoa xoa đầu nó: “Con tên là gì?”
Mấy đứa trẻ con ở đằng sau sột soạt nhích tới nhích lui, Khương Minh Trân thấy miệng thằng nhóc kia lúc đóng lúc mở, không nghe rõ lời nó nói.
“Này!” Con bé tức giận gào lên, đẩy mạnh về đằng sau: “Tụi mày cứ thử chen lên chỗ tao nữa xem!”
Các bạn nhỏ tém lại ngay.
Con bé hỏi: “Nó bảo tên nó là gì?”
“Nó tên là Khọt!” Có đứa nghe được, báo cáo với con bé.
Đứa nghe được chính xác hơn thì bắt chước thứ tiếng phổ thông pha khẩu âm của thằng bé nhà quê, gằn từng chữ: “Khà Khọt.”
Khương Minh Trân bĩu môi, tên cũng khó nghe kinh lên được.
(Hà Ngọc (He Yu), gần âm với Hoạt Dụ (Huo yu), nghĩa là khoai sống. Mình đổi âm một chút cho thuận.)
Ở bên kia, Từ Mỹ Nhân đã bắt đầu bàn chuyện trong nhà với bà vú. Mấy ngày không gặp, khí sắc nét mặt dì Phạm kém hẳn đi, trông dì như già đi vài tuổi.
Đám con nít nghe không hiểu những chuyện người lớn nói, bèn chuyển sự chú ý qua chuyện khác, có đứa đề nghị chơi trò đồ hàng.
“Khương Minh Trân, mày có chơi không đây?”
“Úi chà,” Đứa sợ bị mắng vội đưa tay suỵt thằng nhóc kia: “Bây giờ mày đừng gọi nó.”
Khương Minh Trân đang tập trung tinh thần nghe lén.
Dì Phạm đáp lời Từ Mỹ Nhân xong thì bỗng để ý thấy nhìn như căn nhà thiêu thiếu cái gì đấy.
“Hôm nay cô chủ Trân không có nhà ạ?”
“Có đấy.”
Từ Mỹ Nhân quay đầu lại, vừa hay chạm mắt với Khương Minh Trân đang thò nửa con mắt ra ngó nghiêng từ sân sau.
“Con đang làm gì bên ấy thế?” Chị vẫy tay với con bé: “Lại đây đi, dì Phạm về rồi này, còn có cả anh bé nhà dì ấy đây. Không phải mấy hôm nay con vẫn luôn ngóng trông họ sao?”
Thằng bé đưa mắt theo hướng Từ Mỹ Nhân nhìn, ngó về phía sân sau.
Chân Khương Minh Trân như được bôi dầu, con bé trốn nhanh như cắt.
Từ Mỹ Nhân phì cười.
“Cái con bé này, bình thường chẳng sợ trời chẳng sợ đất, không ngờ lại thẹn thùng khi thấy người lạ.”
Dì Phạm cũng rất hiểu tính cách của Khương Minh Trân.
“Không sao, cứ để cô chủ Trân chơi với các bạn ở sân sau đi ạ.”
Từ Mỹ Nhân gật gật đầu.
“Chúng ta đi vào rồi nói. Phòng của dì vẫn là gian lúc trước, tôi đã chuẩn bị cho thằng bé một gian phòng mới rồi.”
“Không cần đâu bà chủ, nó ở chung với tôi là được rồi ạ.”
Hai người vừa nói chuyện vừa đi vào trong.
Thằng bé mới tới đi theo mẹ không rời nửa bước.
Khương Minh Trân đứng mãi ở sân sau không rời cánh cửa. Mãi lâu sau, cũng không có ai đi vào.
“Nó làm gì mà không tới chơi với bọn mình nhỉ?” Con bé chọn bừa một đứa trẻ con, ra lệnh với nó: “Mày qua đi, gọi nó lại đây.”
“Ờ.” Đứa trẻ con nghe lời đi ngay.
Vừa nãy Khương Minh Trân loáng thoáng nghe thấy bọn nó muốn chơi trò đồ hàng đóng giả cửa hàng rượu. Bây giờ con bé rảnh, nó bắt đầu chỉnh lại nhân vật mà bọn kia đã định ban đầu.
“Tao muốn làm chủ quán.” Con bé nói rất tự nhiên.
Từ trước đến nay con bé đều đóng vai chính trong trò đồ hàng: nữ vương, cô chủ, công chúa, chủ quán, kiểu gì cũng phải là người lợi hại nhất trong trò chơi. Mọi người đều không thích chơi trò đồ hàng phiên bản của Khương Minh Trân, lần trước con bé giả hoàng đế, mấy đứa nhìn thấy nó thì đều phải dập đầu lạy nó.
“Không có chủ quán.”
Một đứa nhóc to gan đứng ra phản kháng Khương Minh Trân.
“Bọn tao chơi đồ hàng đóng giả hôn lễ thời cổ.”
“Đúng vậy, mới nãy chơi oẳn tù tì, bọn tao chọn xong nhân vật rồi.”
“Ồ,” Khương Minh Trân nói: “Tụi mày là nhân vật gì?”
Tụi nhỏ sôi nổi đứng ra trả lời.
“Tao là chú rể.”
“Tớ là cô dâu.”
“Mình là bà mối.”
“Tao là bố cô dâu.”
“Tớ là mẹ chú rể.”
“Còn dư lại người hầu, chó nuôi trong nhà với con ngựa, mày chọn một cái đi.”
“Tao làm cô dâu.” Khương Minh Trân hếch cằm, chỉ ngón tay về phía cô bé vốn đang giả làm cô dâu: “Mày là người hầu.”
Cô bé lập tức ấm ức: “Tớ không làm.”
“Hừ,” Khương Minh Trân giật mạnh chiếc khăn voan đỏ trong tay cô bé đi: “Tụi mày ở nhà tao, dùng đồ chơi của tao để chơi đồ hàng. Không nghe tao thì tụi mày đừng đến nữa.”
Mọi người vẫn muốn chơi. Vì thế đối mặt với Khương Minh Trân ngang ngược, bọn nó tức nhưng không dám nói gì.
Cô bé bị chia vai thành nhân vật người hầu bèn cầm lấy muôi múc cơm và bát nhựa của người hầu một cách đầy miễn cưỡng.
Còn thằng bé lúc trước nhận vai chú rể thì thèm vào mà hợp tác với Khương Minh Trân nữa, nó vội vàng giơ tay: “Tao, tao muốn đổi làm cún cưng, không muốn làm chú rể nữa.”
Khi đứa bé được sai đi đưa cậu nhóc nhà quê đến quay lại sân sau, mọi người đã hóa trang xong xuôi theo nhân vật của mình.
Đứa bạn thông báo cho hai cậu: “Bọn mình chơi đồ hàng đóng giả đám cưới thời cổ, còn vai chú rể và ngựa là chưa ai chọn.”
Đứa bé chạy vặt nhìn quanh bốn phía, Khương Minh Trân đang đội một miếng vải đỏ rực che đầu.
Cu cậu chọn ngay chẳng hề do dự: “Tao muốn làm ngựa.”
Vậy thì chú rể không còn nghi ngờ gì nữa…… Mọi người nhìn cậu nhóc mới đến đầy thương hại.
Cậu nhóc cũng không rõ tình hình thế nào, nên chẳng dị nghị gì cả.
“Cảm ơn các cậu đã nhường vai tốt nhất cho mình.” Giọng thằng bé đậm đặc khẩu âm của miền quê, lúc nói chuyện, nó cố đè giọng thật nhỏ.
Nó cười cười thân thiện với lũ trẻ. Lúc cười, khuôn mặt mum múp kia trông lại càng tròn trịa, y như cái trống canh.
Xuyên qua tấm vải đỏ chắn sáng, Khương Minh Trân mơ hồ nhìn thấy vẻ mặt của cậu bé. Con bé đứng ngay đối diện cậu bé, nghe thấy câu nói kia của nó vô cùng rõ ràng.
Cậu ấy khác biệt, con bé nghĩ: Cậu ấy khác những người kia, biết đâu cậu ấy có thể chơi thật sự vui vẻ với mình.
Trò chơi đồ hàng đóng giả hôn lễ bắt đầu trong không khí cả nhà cùng yên tâm.
Mọi người y theo vai, thằng bé đóng cún cưng ngồi xổm trên mặt đất kêu gâu gâu, cô bé diễn người hầu bắt đầu múc đất vào bát nhựa. Có mấy đứa tạm thời chưa biết làm gì thì đứng một bên vỗ tay rồi ngân nga bài hành khúc đám cưới để mừng cô dâu chú rể…… Tuy rằng đây là chủ đề hôn lễ cổ đại.
Bà mối múa may chiếc khăn tay nhỏ, dắt cô dâu đội khăn voan đỏ vào chỗ.
Ngựa kêu “hí hí” đi trước, chú rể cất bước theo sau.
“Kết hôn nào, kết hôn thôi.” Đám con nít bứt cỏ trên mặt đất tung lên trời.
Khương Minh Trân nhìn xuống đất, một đôi giày vải giặt nhiều đến độ sờn trắng cả đi dừng lại trước mặt con bé.
Thằng bé nắm ngón tay út của con bé, kéo con bé về phía trước.
Bàn tay mềm mại bao bọc lấy ngón tay út của con bé, giống với khuôn mặt mà con bé đã nhìn thấy, mũm mĩm, lại còn ấm áp.
Điệu nhạc đám cưới nhân tạo lạc tông lại vang lên lần nữa.
Hai đứa đi thẳng một đường đến chỗ bàn ăn mà người hầu đã chuẩn bị sẵn.
Không khí của trò chơi đã lên đến cao trào, đám con nít ồn ào gào khản cả cổ: “Chú rể vén khăn voan, vén khăn voan vào động phòng.”
Chú rể nhỏ có gương mặt bánh bao nghe vậy, bèn làm theo.
Gương mặt thằng bé mang đầy ý cười, đôi tay cậu nhóc nắm lấy góc miếng vải đỏ vô cùng thận trọng, vén nó lên trên.
Vào khoảnh khắc lại thấy ánh sáng lần nữa, Khương Minh Trân cực kỳ vui vẻ nháy mắt yêu kiều với thằng bé.
Ngay sau đó, cốt truyện bèn cua theo một hướng mà con bé không thể lường được.
Nụ cười tươi tắn của cậu nhóc kia cứng đờ trên gương mặt, trông y như bất cẩn nuốt phải viên xí muội đang ăn dở, làm nó mắc trong cổ họng.
Khương Minh Trân chẳng hiểu ra sao, bèn duỗi tay định tóm lấy thằng bé.
Thằng bé rụt người về sau, gần như nhảy dựng lên, gào thẳng vào mặt con bé: “Mẹ ơi, mẹ ơi có con ma lem!”
Chẳng phải gặp trúng con ma lem rồi sao!
Dưới chiếc khăn voan đỏ như máu che lại quá lâu, mái tóc dài rối tung che đi mắt trái của con bé, chỉ để lại mắt phải như ẩn như hiện. Thằng bé run lập cập trong lòng, đảo mắt nhìn đường nét gương mặt của con bé…… Mũi tẹt, môi dày, da vàng vọt đến độ hơi đen đúa, con mắt phải nho nhỏ náu sau lọn tóc kia nhìn thằng bé chằm chằm. Còn đang hú hồn hú vía dở chừng, thằng bé thấy con mắt kia chớp chớp mấy cái với nó, ánh mắt càng quái đản hơn trước.
“Cô dâu ma lem!”
Đám con nít quây xung quanh ôm bụng cười thật to.
“Ha ha ha Khương Minh Trân là cô dâu ma lem!”
Trong cuộc đời tới nay mới được 5 tuổi của Khương Minh Trân, nó chưa từng chịu nỗi nhục nào lớn thế này.
Chẳng ai nói với con bé là nó xấu cả.
Sao con bé lại xấu được? Những lời mà Khương Minh Trân thường nghe đám người lớn nói, chỉ có một câu: Con gái giống mẹ quá nhỉ.
Mẹ con bé – Từ Mỹ Nhân, là đại mỹ nữ nổi tiếng xa gần.
Cho nên Khương Minh Trân vẫn luôn cho rằng, bản thân mình chính là phiên bản thu nhỏ của mẹ —— đôi mắt nhỏ hơn mắt mẹ rất nhiều, cái mũi tẹt hơn mũi mẹ rất nhiều. Môi nó thì giống bố hơn, rất dày.
Có chỗ nào sai ư? Sau này lớn lên con bé sẽ xinh đẹp như mẹ.
Khương Minh Trân tức chết mất thôi.
Tức quá nên con bé cũng không thể phát huy theo trình độ bình thường được, nó ngúng nguẩy quấy phá, bắt đầu nổi điên tại trận.
“Làm, làm sao mày dám……”
Con bé siết chặt nắm tay, giữa tiếng cười nhạo của đám bạn, nó buông lời tàn nhẫn với thằng bé quê mùa đã mạo phạm nó.
“Tao nói cho mày biết!”
Con bé cắn răng, gằn từng chữ: “Khà Khọt! Mày nhất định sẽ hối hận!”
Dám can đảm chọc Khương Minh Trân chị đây, để xem những ngày tháng sau này ở nhà họ Khương, tên này sẽ sống thế nào.