Hà Ngọc vào nhà họ Khương được một tuần, có một câu nói đã trở thành câu cửa miệng của bố mẹ Khương Minh Trân.
“Tiểu Trân, con mà không ăn thì bố mẹ cho Hà Ngọc ăn đấy.”
Câu này có thể thay đổi hình thức để ứng dụng trong các hoàn cảnh và tình huống khác nhau.
“Tiểu Trân, con mà không đi tắm thì dì Phạm sẽ tắm cho Hà Ngọc trước đấy.”
“Tiểu Trân, con mà không dọn đồ chơi thì bố mẹ sẽ cho Hà Ngọc tất cả đồ chơi của con đấy.”
“Tiểu Trân, con mà không nghe lời thì bố mẹ sẽ chuyển sang yêu thương Hà Ngọc, Hà Ngọc ngoan hơn con nhiều.”
Thi thoảng họ chỉ thuận miệng nói thế thôi, thử xem có hiệu quả thật không. Không ngờ chiêu này thử lần nào trúng lần đó với Khương Minh Trân, lúc nào cũng linh.
Chỉ cần có thể gây khó dễ cho Hà Ngọc thì Khương Minh Trân sẽ luôn tràn trề sinh lực. Mỗi lần cướp được thứ gì của thằng bé, con bé đều hưng phấn như được tiêm máu gà.
Tất cả đám người lớn đều cảm thấy vui sướng vì tính “tự giác” của con bé. Chỉ có mình Hà Ngọc là thấy khó chịu.
Món đang ăn dở chừng thì bị cướp mất, đồ chơi chơi được một lúc cũng bị đoạt đi. Đến cả khi thằng bé đứng trong góc sân phơi nắng, nó cũng có thể bị Khương Minh Trân phát hiện, sau đó bị con bé bắt phải đi sang chỗ khác.
Không ở trong sân, thì thằng bé ngoan ngoãn ngồi trong phòng, nhưng vẫn không thể trốn thoát khỏi Khương Minh Trân.
Người lớn sẽ đến phòng tìm thằng bé, kéo nó đến trước mặt Khương Minh Trân để “làm gương”.
Thỉnh thoảng thằng bé sẽ được một miếng bánh ngọt nhỏ sang quý, một bát canh bổ hầm mấy tiếng đồng hồ. Đôi lúc chẳng hiểu sao nó lại bị kéo vào phòng tắm, đồ chơi của con bé thì được người lớn nhét vào lòng nó…… Ban đầu Hà Ngọc còn thấy khó hiểu. Thấy những của ngon lành họ cho, nó do dự không biết rốt cuộc có được ăn hay không; gặp những chuyện kỳ quái họ bắt nó làm, nó băn khoăn chẳng rõ có nên phối hợp không nữa.
Sau một khoảng thời gian quan sát, thằng bé đi đến kết luận: Không được ăn, phải phối hợp.
Món ngon là để dành cho Khương Minh Trân, chuyện kia là chuyện Khương Minh Trân nên làm, người lớn cũng không thực sự muốn cho thằng bé những món đồ của con bé.
Xoay một vòng quanh thằng bé, đồ của con bé, lại về tay con bé. Lúc đấy thằng bé cần phải phối hợp với đám người lớn, sắm vai một đứa trẻ con ngoan ngoãn chẳng từ chối ai bao giờ, bị cướp đồ mà vẫn không khóc không quấy.
Tất cả mọi người đều đồng ý rằng Hà Ngọc là một đứa bé ngoan, mà nó quả cũng đúng là như vậy.
Thằng bé hiểu chuyện, trầm tĩnh hơn Khương Minh Trân, nó là con trai của bà vú từ quê lên. Nó ngoan ngoãn là một lẽ rất tự nhiên, chẳng ai thấy lạ gì.
Lúc Khương Minh Trân làm mình làm mẩy liên miên, cũng là một đứa trẻ 5 tuổi, nhưng thằng bé đã biết đỡ đần mẹ làm việc.
Hà Ngọc dậy sớm, ra chợ bán thức ăn mua đồ ăn với dì Phạm; dì Phạm nấu nướng xong, nó nghe lời mẹ dặn, xách túi đựng rác trong phòng bếp ra ngoài vứt. Lúc này, cô chủ nhớn nhà họ Khương mới tỉnh giấc nồng, ngồi trên ghế ngoác miệng ra, chờ người đút cơm cho.
Khi Dì Phạm dọn dẹp lau rửa, Hà Ngọc cầm miếng giẻ lau nho nhỏ, giúp mẹ lau bàn. Việc Khương Minh Trân phụ trách, là phá loạn nhà lên, bôi bẩn cả bàn.
Hai đứa không giống nhau.
Hà Ngọc còn bé, nó không tài nào hiểu được căn nguồn của sự khác biệt này.
Nó chỉ cảm thấy, mình càng ở đây lâu, thì càng chán ghét Khương Minh Trân thêm.
Mỗi một chuyện con bé ấy làm đều khiến nó thấy ghét……
Khương Nguyên mang một con cua to tươi ngon từ nhà hàng về, lúc chưng lên, chân cua bị rớt ra. Dì Phạm nhặt lại rồi mang về phòng, lặng lẽ bảo Hà Ngọc ăn luôn. Trước giờ thằng bé chưa được ăn con cua nào lớn mà ngon thế này, nó ăn thịt cua sạch sẽ, đến cả vỏ cũng phải liếm cho hết hương vị mới bằng lòng ném đi. Còn Khương Minh Trân ấy à, vừa nhìn thấy cua là con bé đã gào lên, “Lại ăn cua nữa, sao ngày nào cũng phải ăn cái này”. Dì Phạm nói rã cả họng, con bé cũng chẳng muốn ăn lấy một miếng.
Từ Mỹ Nhân mua một bộ quần áo giày dép mới cho Hà Ngọc, là hàng hiệu. Dì Phạm dẫn con đi cảm ơn, khom lưng, vô cùng cảm kích. Hôm sau, Hà Ngọc nhìn thấy Khương Minh Trân trong phòng để đồ chơi. Con bé may quần áo cho búp bê Barbie của nó, cắt quần áo của chính nó ra để làm. Những món quần áo ấy còn mới lắm, kéo cắt vào cái là hỏng liền, vải vụn vung vãi khắp phòng. Lát sau con bé chơi chán, bèn bỏ lại mớ hỗn độn ấy chuyển qua chơi thứ khác. Những miếng vải vụn bỏ đi kia, có chung một nhãn hiệu giống nhau như đúc với bộ quần áo mới của thằng bé.
Lúc đi tắm ở quê, nhà không có nước nóng. Nước ấm để Hà Ngọc tắm là do bố đun rồi đổ vào, cực kì hữu hạn. Bây giờ ở trong nhà họ Khương, nước tắm luôn ấm áp cuồn cuộn không ngừng, vậy nên Hà Ngọc hoàn toàn không thể hiểu nổi, tại sao Khương Minh Trân lại không thích tắm, rõ ràng tắm sướng thế cơ mà.
Một tối nọ, trước khi đi ngủ, nhìn bầu trời yên tĩnh ngoài cửa sổ, Hà Ngọc không nhịn được, lí nhí hỏi mẹ nó.
“Mẹ ơi, bao giờ chúng ta mới có thể về nhà ạ?”
“Ý con là về quê à?” Dì Phạm cảm thấy nghi hoặc vì con mình tự dưng hỏi điều này: “Sao thế? Ở đây không tốt sao?”
Hà Ngọc ngẫm nghĩ một lát, không có cách nào phủ nhận: “Nơi này tốt ạ.”
Phòng ở nhà họ Khương rất lớn rất đẹp, lúc tắm có nước ấm, khi ăn được ăn ngon.
Nhưng mà, rất nhiều lần, lúc Khương Minh Trân gào to với thằng bé “Đây là đồ của tao”, Hà Ngọc sẽ nghĩ thầm trong dạ: Đồ của Khương Minh Trân thật ra cũng chẳng tốt lành gì, thằng bé không muốn lấy. Bánh kem nhỏ, con cua to, không ăn cũng được. Quần áo mới giày dép mới, không mặc cũng thế. Thậm chí phải tắm bằng nước đá chảy ra từ vòi cũng không sao. Nó muốn về nhà của chính nó.
Nó chưa kịp thốt ra câu “Nhưng mà” của nó.
“Nơi này đương nhiên là tốt nhất,”. Dì Phạm tiếp lời nó, nở nụ cười: “Nơi này ở trong thành phố, quê mình làm sao bì được. Huống hồ mẹ con mình lại ở trong nhà của kẻ có tiền.”
Dì cũng nhìn ra ngoài cửa sổ với con trai.
Từ phòng của vú em nhìn ra ngoài, họ có thể thấy cánh cổng lớn của nhà hàng xóm. Bên ấy cũng giống nhà họ Khương, cao lớn quý phái. Bức tường ngoài biệt thự được sơn màu xanh thẳm đẹp đẽ, hai cột đèn dựng hai bên cổng. Đèn nhà bên ấy mới sáng làm sao, dường như còn sáng hơn trăng trên trời rất nhiều.
“Con ngoan ngoãn ở đây, làm sao cho bác Khương thích con. Mấy năm nữa mẹ con mình xin bác ấy cho con được vào thành phố đi học.”
Dì vuốt ve đầu thằng bé, giọng nói mềm nhẹ, như thể đang cùng nằm chung trên một con thuyền lớn với thằng bé, thả trôi trong giấc mộng.
“Chờ A Ngọc nhà mình đi học xong, vào thành phố kiếm việc, cũng thành người giàu rồi, thì mẹ sẽ không cần phải làm lụng vất vả ngày ngày thế này nữa.”
Hà Ngọc từng nghe mẹ nó nói những lời như thế, là lúc mẹ nó bảo bố nó.
“Mình gắng làm thêm mấy việc, tích cóp tiền bạc. Sau này cuộc sống khấm khá lên, thì em sẽ không cần phải vất vả làm thuê suốt ngày trên thành phố.”
Hà Ngọc thu mắt về, không nhìn bầu trời ngoài kia nữa.
Bây giờ bố không còn, trong nhà chỉ còn mỗi mẹ và A Ngọc thôi.
Thằng bé nuốt hết những lời muốn nói vào bụng, lẳng lặng nhắm mắt lại.
……
Hà Ngọc hi vọng chung sống hoà bình, không quấy rầy lẫn nhau với Khương Minh Trân, nhưng Khương Minh Trân hiển nhiên không có quyết định này.
Chưa ở cùng Hà Ngọc được mấy ngày, lòng nhiệt tình của con bé không những không giảm mà lại còn tăng, con bé còn tìm được thú vui kì quái trong việc này.
Mặc kệ con bé gây khó dễ, trêu cợt Hà Ngọc thế nào, thằng bé vẫn mang gương mặt tươi cười hiền hoà như cũ. Nhưng hoạ hoằn lắm, có lúc gương mặt tròn xoe núc thịt kia sẽ nhăn lại, đấy là khi Hà Ngọc thật sự rất ấm ức.
Dù vậy, thằng bé cũng sẽ không phản kích lại con bé.
Nó ngoan như một chú cún con.
Vì thế con bé cứ trêu chọc đi trêu chọc lại thằng bé, nhìn vẻ mặt ấm ức của nó, thu hoạch niềm vui này.
Thời gian ngủ là lúc Hà Ngọc được thoải mái nhất ở nhà họ Khương. Nó cho rằng, Khương Minh Trân ít nhất sẽ không tước đoạt giấc ngủ của nó…… mới là lạ ấy.
Khương Minh Trân lại tới nữa.
Cả ngày Từ Mỹ Nhân toàn khen Hà Ngọc ngoan thế nào, tự giác độc lập ra sao, biết đỡ đần người lớn làm việc như này như kia trước mặt Khương Minh Trân. Khương Minh Trân không phục, bèn cẩn thận điều tra, rốt cuộc phát hiện thằng bé có chỗ không bằng con bé.
Nó ngủ chung với dì Phạm!
Từ Mỹ Nhân rõ ràng đã để riêng một phòng cho Hà Ngọc, nhưng đêm nào thằng bé cũng ngủ chung với dì Phạm ở phòng của vú em.
Khương Minh Trân kênh kiệu tiểu thư như thế mà còn chia phòng ngủ riêng với bố mẹ được, vậy mà cái thằng Hà Ngọc kia lại không làm nổi. Lúc Khương Minh Trân phát hiện ra chuyện này, nó đắc ý đến độ cằm sắp hếch lên đến tận trời.
“Bố mẹ biết không?! Khà Khọt nhát gan xí hổ lắm, tối nào nó cũng phải ngủ cạnh dì Phạm đấy.”
Con bé kể chuyện xấu của Hà Ngọc cho mọi người, muốn để mọi người cùng chê cười thằng bé.
Khương Nguyên đang đọc báo, nghe xong câu chuyện của con bé, cũng chẳng thèm nâng mắt.
“Người ta đến hoàn cảnh mới, ngủ không được ngon, ngủ chung với mẹ là rất bình thường.”
“Hừ,” Khán giả không đưa ra phản ứng mà con bé dự đoán, Khương Minh Trân rất không vừa lòng: “Con còn ngủ một mình được, nó 5 tuổi rồi mà không dám ngủ một mình, thật là nhát gan.”
Lời nói của con bé chẳng được ai phụ họa gì, phòng khách chỉ còn tiếng lật báo “loạt xoạt”.
Đêm đó, Khương Minh Trân mất ngủ.
Con bé đam mê trêu chọc Hà Ngọc tới độ nào rồi không biết.
“Dì Phạm, cháu muốn ngủ với dì.” Con nhóc mặc váy ngủ công chúa ôm gối, gõ cửa phòng bà vú vào lúc rạng sáng.
“Được, cô chủ Trân, cháu về phòng chờ dì nhé,” dì Phạm dụi dụi đôi mắt nhập nhèm buồn ngủ, lập tức thực hiện mệnh lệnh của con bé: “Để dì đi lấy quyển sách truyện, kể một câu chuyện cho cháu.”
“Không cần,” Khương Minh Trân cứ đẩy phắt dì ra, đi vào trong phòng: “Cháu muốn ngủ ở đây.”
Con bé ấn gối của mình lên giường, chiếc gối cho người lớn và gối trẻ con vốn đặt sẵn trên giường bị nó đẩy ra từ giữa.
Hà Ngọc vẫn chưa tỉnh ngủ. Đang lúc ngủ lơ mơ, thằng bé thấy Khương Minh Trân mà nó sợ nhất nhảy lên giường, bò đến bên cạnh nó.
Bị doạ thế này, thằng bé tỉnh ngay.
Dì Phạm cũng chẳng rõ đêm hôm khuya khoắt cô chủ còn muốn chơi trò gì, khó xử nói: “Cô chủ Trân, giường của mẹ con dì nhỏ lắm, cháu ngủ ở đây sẽ không thoải mái.”
“Cháu muốn ngủ ở đâu thì ngủ ở đấy.” Khương Minh Trân giật chăn của Hà Ngọc về phía mình.
Phần chăn của thằng bé đang rất ấm nhờ hơi người nó, con bé thò cái chân lạnh vào, gác thẳng lên đùi thằng bé.
Hà Ngọc giật mình vì lạnh. Thằng bé không dám kêu con bé dịch ra chỗ khác, cứ để con bé dí cái chân lạnh như đá ấy vào mình.
“Vậy thì cô chủ, cháu ngủ ở đây nhé, dì và Hà Ngọc đi chỗ khác ngủ được không?” Nếu con bé ưng căn phòng cho vú em này thì dì Phạm sẽ thu dọn một chút cho nó, để con bé được ngủ thoải mái hơn.
Họ mà đi thì con bé ngủ một mình ở đây còn ý nghĩa gì nữa, Khương Minh Trân đương nhiên không chịu.
“Cháu muốn dì Phạm ngủ với cháu, Khà Khọt có thể đi.”
Lời này của con bé làm Hà Ngọc phá lệ phản kháng lại con bé.
“Mình không ngủ một mình đâu.” Câu này nó nói rất to. Nhưng nói xong rồi, giọng nó lại bé đi theo từng chữ.
“Mình sẽ gặp ác mộng.” Thằng bé nói.
Theo như cách xử sự ngày thường của Khương Minh Trân, lúc này đúng ra nó phải quấy phá ầm ĩ lên, không khiến Hà Ngọc ngủ một mình được thì nó thề không bỏ qua.
Nhưng hôm nay phá lệ, con bé không làm thế.
Có lẽ là vì vẻ mặt thằng bé đáng thương quá.
Nó giống như một chú cún con sợ sệt bị ném xuống nước vậy, cực kì nhỏ yếu và bất lực.
“Được rồi,” Con bé mủi lòng thành, xuống nước với thằng bé: “Mày ngủ ở đâu kệ mày, dù sao tao cũng muốn ngủ ở đây.”
Cuối cùng biến thành ba người ngủ cùng nhau.
Dì Phạm cầm thêm một tấm chăn nữa tới cho cô chủ Khương, chiếc giường không lớn lắm thoáng chốc trở nên thật chật chội. May mà chỉ có hai đứa trẻ con nên vẫn miễn cưỡng ngủ được.
Người lớn nằm ở giữa, con nít nằm hai bên. Khương Minh Trân muốn nghe kể chuyện.
Câu chuyện mà dì Phạm kể trước khi đi ngủ cũng chẳng hay ho là bao. Dì không giỏi chữ nghĩa, những quyển truyện cổ tích dì đọc được chẳng có mấy. Câu chuyện mà dì đang kể này, Khương Minh Trân đã từng được nghe rất nhiều lần.
Chờ đến khi kể xong câu chuyện, hai đứa con nít đã ngủ say.
Dì Phạm tắt đèn.
Có thể là vì Khương Minh Trân tới nên tối nay Hà Ngọc vẫn gặp ác mộng.
Đó là cơn ác mộng mà dạo gần đây nó hay mơ thấy.
Công trường bụi đất mịt mùng, bố đang làm việc ở trên cao, Hà Ngọc liều mạng vẫy tay với bố thằng bé.
—— Cao lắm, bố mau xuống đi.
—— Bố ơi, nguy hiểm lắm.
Khương Minh Trân bị đánh thức bởi tiếng nói mớ của Hà Ngọc.
Con bé xốc chăn lên, nhón chân, vòng sang bên thằng bé, muốn nghe thử xem thằng bé đang nói gì.
Thằng bé bọc người trong chăn, mồ hôi túa ra trên trán.
Có vẻ nó đang bị kẹt trong giấc mộng, khuôn mặt tròn nhăn nhúm cả lại.
Nó cứ lẩm bẩm mãi từ “Bố ơi” trong miệng.
Khương Minh Trân thử lay xem thằng bé có tỉnh không, nhưng lay mấy cái mà nó vẫn không có phản ứng gì.
Hà Ngọc vã mồ hôi như tắm, mặt trắng bệch đi, nhìn rất sợ.
“Chát!”
Sau tiếng tát chát chúa, thằng bé mở mắt ra.
Bên cạnh nó, mẹ vẫn đang ngáy đều đều, nó thấy mặt mình nhâm nhẩm đau.
Nó xoay mắt nhìn sang bên cạnh. Trước khi Hà Ngọc kịp phản ứng được đã xảy ra chuyện gì, cổ áo ngủ của nó đã bị Khương Minh Trân xách lên.
“Này!”
Giọng điệu của con bé vẫn làm người ta thấy ghét như trước.
“Mày đang ở nhà tao. Mày cũng thuộc về tao, phải nghe lời tao.”
Sau vài giây im lặng, cuối cùng Hà Ngọc cũng có phản ứng.
Thằng bé duỗi tay, sờ sờ khuôn mặt bị đánh đến mức nóng rát của mình.
“Đã biết chưa?” Con bé trừng mắt nhìn thằng bé, mắt nó tràn ngập sự uy hiếp.
Hà Ngọc đành phải gật đầu.
“Tao ra lệnh cho mày, không được mơ thấy ác mộng nữa.”
Giọng điệu của Khương Minh Trân thực sự rất hung dữ, dữ đến độ người khác hoàn toàn không thể nhận ra mới nãy con bé đã bị dáng vẻ khi gặp ác mộng của thằng bé doạ sợ, mà còn khá là sợ ấy.
“Mày còn mơ thấy ác mộng nữa là tao đánh mày dẹp lép đó!”
Con bé khoe khoang nắm tay đang siết rất chặt của mình với Hà Ngọc.
“Dẹp ơi là dẹp ấy.”