Đế Quốc Thiên Phong

Chương 26: Q.5 - Chương 26: Ý Trời (Phần 8)




Thân hình của Triệu Cuồng Ngôn ngay sau đó vọt lên không, nội lực hùng hồn không ngừng phát ra Băng Tuyết kình, với khí thế điên cuồng quét về phía đối thủ. Cho dù là chết, lão cũng phải chống cự đến cùng.

Nhưng chuyện ngược dòng mà lên giữa con sóng gió chính là chuyện mà Thiển Thủy Thanh giỏi nhất, trường đao của hắn tụ tập một điểm sáng. Đối với thế công chính diện của đối thủ đang tràn tới như cơn hồng thủy, hắn không thèm để ý mà lập tức đâm ra một luồng sáng chói mắt, như bảo châu rẽ nước, đâm thẳng vào mặt Triệu Cuồng Ngôn.

Không cần biết sống chết, lấy mạng đổi mạng, đây là đấu pháp hiện tại của Thiển Thủy Thanh.

Nếu như ý trời muốn mượn tay hắn để trừ khử kẻ phạm tội tiết lộ thiên cơ, vậy người chết sẽ không phải là hắn.

Giây phút ấy, Thiển Thủy Thanh hét lớn:

- Nếu như ý trời không thể cãi, vậy lão phải chết! Nếu ý trời có thể lợi dụng được, ta sẽ lợi dụng! Nếu ý trời bất lợi với ta, ta sẽ chống lại! Triệu Cuồng Ngôn, lão nhờ vào ý trời mà lập nên sự nghiệp, cũng vì ý trời mà bỏ mạng, đây là số mạng của lão, lão là người phải chấp nhận số mạng, ta là người điều khiển số mạng. Thiên đạo có luân hồi, người nào không chấp nhận số mạng có thể chống lại, mặc dù võ công của lão cao hơn ta, ta lại mượn ý trời tiêu diệt lão, cho nên lão phải chết dưới tay ta!

Triệu Cuồng Ngôn nhìn bóng đao đang đâm tới nhanh như chớp, thân hình lão vội nhanh chóng lui về phía sau. Nhưng không ngờ sau lưng lão lại là chiếc bàn, lão lui quá nhanh, bèn vấp ngã xuống đất, trường đao của Thiển Thủy Thanh nhanh như chớp đâm thẳng vào ngực lão.

Trước ngực lão, một đóa hoa máu nở rộ, trong khoảnh khắc, lão đã bị trọng thương.

Lão đã là người phải nhận mệnh, ý trời không thể trái!

Trong phút chốc, băng tuyết trên nóc lầu Quan Thiên đều tan rã, Triệu Cuồng Ngôn nằm dưới đất phun ra một ngụm máu tươi:

- Ha ha ha, ý trời, ý trời đã muốn ta chết, ta không thể chống lại. Thiển Thủy Thanh, lão phu cả đời tiên đoán số mạng, nhưng không có lực chống lại ý trời, ngược lại xem ra ngươi thấu triệt hơn ta. Ngươi nói là ngươi là người lợi dụng điều khiển ý trời, để ta xem ngươi làm thế nào thoát được số phận của ngươi!

Giây phút ấy, trong lúc sắp chết, linh trí của Triệu Cuồng Ngôn đột nhiên trở nên tỉnh táo trở lại:

- Ta biết rồi, rốt cục ta đã biết ý nghĩa của câu “Long khốn thiển than” rồi! Ha ha ha, nếu ta nói cho ngươi biết, ý trời muốn ngươi phải chết ở Đế quốc Kinh Hồng, ngươi có tin không?

Thiển Thủy Thanh sững sờ:

- Lão nói cái gì?

- “Long khốn thiển than, hổ lạc bình dương”, chữ Long kia thì ra không phải chỉ điện Long Phong, không phải chỉ Đế quốc Thiên Phong chúng ta. Thiển Thủy Thanh, người bị mắc cạn không phải là ai khác, mà chính là ngươi!

Triệu Cuồng Ngôn bật cười như điên như cuồng.

- Lão thối lắm!

Thiển Thủy Thanh cao giọng quát:

- Số mạng của ta không phải do trời, lời nói của lão ta không tin, cũng không phục! Ông trời mượn tay ta tiêu diệt lão, ta vô cùng cao hứng, nhưng nếu trời muốn hại ta, vậy ông ấy phải đích thân ra tay! Vận mệnh của Đế quốc Thiên Phong, số mạng của ta do chúng ta quyết định, mà không phải do lời tiên đoán và ông trời quyết định! Triệu Cuồng Ngôn, ta nói cho lão biết, lời tiên đoán cuối cùng của lão nhất định sai lầm!

Triệu Cuồng Ngôn vẫn cười như điên dại:

- Thiển Thủy Thanh, ngươi tin cũng được, không tin cũng được, ta chờ xem ngươi làm thế nào để nghịch thiên cải mệnh!

Trường đao chỉ thẳng lên trời, Thiển Thủy Thanh hét lớn:

- Vậy lão hãy xuống địa ngục chờ xem, thế giới này không cần tiên đoán! Hôm nay ta sẽ chặt đứt nguồn gốc của những lời tiên đoán, để cho hết thảy trở lại trong tay con người!

-… Xin Quốc sư yên lòng ra đi!

Trường đao chém xuống, máu tươi bắn ra tung tóe, thủ cấp của Triệu Cuồng Ngôn bay ra xa.

Thiển Thủy Thanh ngang nhiên thu đao, trên lầu Quan Thiên, chỉ còn mình hắn đứng sừng sững giữa đất trời.

o0o

Sách sử ghi lại: Đêm Mười Ba tháng Năm lịch Thiên Phong, Quốc sư Triệu Cuồng Ngôn thành tiên trên lầu Quan Thiên, sau đó lầu Quan Thiên bị lửa trời thiêu rụi.

Đêm Mười Ba tháng Năm năm Một Trăm Lẻ Bảy lịch Thiên Phong, trên bầu trời thành Thương Thiên xuất hiện cảnh tượng kỳ dị. Thần quang chiếu khắp lầu Quan Thiên, có một con hạc trắng từ trong lầu bay ra, bay về hướng Tây, mây lành tụ tập. Triệu Quốc sư cầm phất trần bằng ngọc trong tay, cỡi trên lưng hạc, toàn thân phủ một lớp sương mờ phiêu phất như tiên, dần dần chìm vào trong mây không còn thấy nữa. Sau đó trời giáng thiên thạch trúng lầu Quan Thiên, khiến cho lầu Quan Thiên bốc cháy, dân chúng trong thành Thương Thiên thành tâm vái lạy.

o0o

Cái chết của Triệu Cuồng Ngôn khiến cho Thương Dã Vọng và toàn Đế quốc Thiên Phong xúc động rất lớn.

Lúc này không thể trình bày và phân tích một phen về sự thống trị xã hội của Đế quốc phong kiến.

Trong xã hội phong kiến bởi vì sức sản xuất rất thấp, tài nguyên trong xã hội vô cùng thiếu thốn, năng lực chống lại thiên tai rất thấp, tiêu chuẩn sống của mọi người thấp. Cái gọi là dân giàu nước mạnh, chính là chỉ trạng thái một phần lớn dân chúng trong một quốc gia không bị đói mà thôi.

Dưới tình huống như vậy, nhu cầu thiết yếu về tài nguyên trong cuộc sống của mọi người thật ra còn hơn xa những xã hội sau này, chính vì vậy mà các vấn đề nảy sinh ra cũng rất dễ dàng ảnh hưởng đến kết cấu của toàn xã hội.

Vì lý do gì mà trong các vương triều phong kiến của Trung Quốc cổ đại, ngoài triều Chu ra, không có một quốc gia nào có thể thống trị lâu hơn ba trăm năm? Khả năng lớn nhất không phải là vì thế hệ quân vương đời sau ngu xuẩn hơn thế hệ quân vương đời trước, trên thực tế có rất nhiều vị vua mất nước không phải kém cỏi bất tài như người ta tưởng tượng. Chỉ là theo thời gian phát triển, dân cư dần dần tăng lên nhiều, sự khó khăn về phân phối tài nguyên trong xã hội cũng dần dần tăng theo, do đó ở những giai đoạn sau này, mức độ xã hội bị rung chuyển càng tăng lên nhiều hơn.

Những cuộc chiến tranh xảy ra sớm nhất chính là do phân phối tài nguyên không thỏa mãn mà sinh ra, nó có thể giúp cho dân số của cả hai phe giảm đi đáng kể, cướp đoạt tài nguyên, chuyển tai nạn sang cho phe thua trận.

Thế nhưng cho tới bây giờ chiến trường là một con dao hai lưỡi, trước khi đạt được lợi ích từ chiến tranh, mọi người phải nhận lấy sự đau khổ do nó đem lại trước.

Dưới tình huống như vậy, Đế quốc phong kiến cần thêm một vài công cụ tiến hành giúp đỡ lãnh đạo.

Đạo đức và thần linh là hai công cụ quan trọng nhất.

Trong đoạn trước, chúng ta đã từng nói qua, đạo đức xuất hiện như là một công cụ mà xã hội con người dùng để ước thúc hành vi lẫn nhau, tác dụng lớn nhất của nó trong quốc gia thời phong kiến chính là giúp các quân vương tiến hành thống trị.

Đạo quân thần trong tam cương, quân muốn thần chết, thần không thể không chết, kẻ dưới phạm thượng là tội chết, hệ thống pháp luật như trên chính là được thành lập trên cơ sở đạo đức. Nó đã phục vụ đắc lực cho quân vương và tầng lớp thống trị, do đó khiến cho dân chúng dưới tình huống điều kiện cuộc sống chưa quá kham khổ cam tâm tình nguyện phục vụ cho bọn họ.

Quay đầu nhìn lại xã hội của chúng ta, vì sao về tư tưởng, về cuộc sống, thậm chí về pháp luật, Trung Quốc và phương Tây lại khác biệt với nhau như vậy? Nguyên nhân chủ yếu là vì quan niệm cơ bản về đạo đức khác nhau mà làm cho văn hóa khác nhau, từ đó sinh ra các đặc điểm văn minh đặc sắc khác nhau.

Nhưng bất cứ một nền văn minh phong kiến đặc sắc nào dù khác nhau, vẫn có một điểm giống nhau cơ bản, đó chính là lịch sử của mỗi một dân tộc đều có truyền thuyết thần thoại cố định của họ.

So sánh với thống trị bằng đạo đức, thần linh mờ mờ ảo ảo thật ra lại là một thanh kiếm sắc bén trong tay các đấng quân vương.

Quyền lực của quân vương được thần linh ban cho, là cơ sở để hợp pháp hóa quyền thống trị của Hoàng đế đối với vạn dân.

Lấy danh nghĩa thần linh sẽ làm cho dân chúng càng thêm tin phục, cũng mặc tình để cho tầng lớp thống trị sai khiến vô điều kiện.

Thuyết luân hồi chuyển thế càng làm cho mọi người có một nơi gởi gắm tâm hồn trong cuộc sống cực khổ, nhờ đó mà quên đi cực khổ, bằng lòng với hiện tại, cũng đem hết thảy gởi gắm vào tương lai chuyển sang kiếp sau, hy vọng rằng đời sau sẽ được hành phúc hơn.

Hiệu quả của sự khống chế tâm linh này có khi còn vượt xa hiệu quả của sự thống trị bằng bạo lực. Nó khiến cho loài người kết hợp thành một tập thể hoàn chỉnh, nói chuyện cùng một ngôn ngữ với nhau, dùng cùng hành động với nhau biểu hiện ra ý chí của quốc gia.

Bởi vậy, càng là xã hội có sức sản xuất kém phát triển, mức độ sùng bái đối với thần linh của dân chúng càng cao. Trong đó có sự dẫn dắt của các đấng quân vương, cũng có dân chúng tự mình tìm lối giải thoát tâm hồn cho mình.

Cũng vì vậy, là Quốc sư của Đế quốc Thiên Phong, Triệu Cuồng Ngôn có thân phận địa vị có thể nói là hết sức siêu nhiên trong Đế quốc Thiên Phong.

Chẳng những lão ta là Quốc sư của Đế quốc Thiên Phong, ở một mức độ nào đó còn là người phát ngôn của thần linh trên trời, là người gần gũi với thần linh nhất.

Nếu Hoàng đế muốn được thần dân ủng hộ tán thành trong bất cứ chuyện gì, Triệu Cuồng Ngôn sẽ lấy danh nghĩa thần linh để thuyết phục dân chúng. Trước khi chiến tranh diễn ra, Triệu Cuồng Ngôn đã nói với dân chúng rằng, chuyện thống nhất lãnh thổ Đại Lương cũ là tuân theo ý trời, là vì đại nghiệp hữu đạo, nên được dân chúng ủng hộ. Khi chiến tranh đã được triển khai, Triệu Cuồng Ngôn đã lấy danh nghĩa thần linh cầu phúc cho binh sĩ, nói cho bọn họ biết rằng tướng sĩ tử trận có thể được hồn về thiên quốc, tiêu diêu miền Cực Lạc, cho dù có đầu thai kiếp khác cũng sẽ có cuộc sống đầy đủ sung túc hơn, từ đó khiến cho binh sĩ dũng cảm không sợ chết, lực chiến đấu tăng cao. Sau khi chiến tranh chấm dứt, Triệu Cuồng Ngôn lại lấy danh nghĩa thần linh phát biểu các tư tưởng có lợi cho việc thống trị của Hoàng đế, làm tăng cao quyền khống chế của tầng lớp thống trị.

Hai người ấy một xướng một họa bên trong Đế quốc, có thể khiến cho rất nhiều công việc khó giải quyết trở nên thuận lợi vô cùng.

Nhưng hiện tại, đột nhiên Triệu Cuồng Ngôn cỡi hạc về trời, Đế quốc Thiên Phong chỉ còn lại mỗi mình Thương Dã Vọng, cục diện hiện tại lập tức trở nên có nhiều chuyện khó giải quyết.

Đối với Hoàng đế mà nói, một vị Quốc sư chưa thành tiên hiển nhiên phải hữu dụng hơn một Quốc sư đã thành tiên rất nhiều. Nhưng đối với vạn dân mà nói, Quốc sư đã thành tiên trên Thiên giới nhất định sẽ phù hộ cho con dân của ông ta hàng năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cho nên bọn họ vô cùng cao hứng. Hai chuyện này có mâu thuẫn rất lớn không thể hóa giải, lập tức trở nên xung đột kịch liệt.

Thiển Thủy Thanh xuất chiêu này, không phải là không tàn nhẫn.

Đối mặt với tình huống như vậy, Thương Dã Vọng không có khả năng áp chế, ông ta chỉ có thể thuận theo lòng dân, công bố rằng Quốc sư đã đạt thành đại đạo. Nhưng sau lưng lại vô cùng tức giận, ra lệnh cho hệ thống tình báo trong nước dốc hết toàn lực điều tra người đã phóng hỏa đốt lầu Quan Thiên. Tuy nhiên, trận hỏa hoạn kia đã thiêu rụi lầu Quan Thiên, lại thêm không thể tìm thấy thi thể của Quốc sư, chỉ còn lại một đống hoang tàn đổ nát, nếu muốn truy ra manh mối bên trong, khó càng thêm khó.

Tuy nhiên trong chuyện này, bất kể là Thương Dã Vọng hay là Nam Sơn Nhạc, không ai có thể ngờ rằng kẻ giết chết Triệu Cuồng Ngôn lại là Thiển Thủy Thanh.

Ít nhất nhìn trước mắt, Triệu Cuồng Ngôn không có xung đột ích lợi gì với Thiển Thủy Thanh, giết Triệu Cuồng Ngôn, đối với Thiển Thủy Thanh không có ích lợi gì.

Nhưng theo cái chết của Triệu Cuồng Ngôn, người cầm đầu lực lượng thần quyền mất đi để lại quyền lực còn trống, cùng với thời gian làm chuyển biến dần dần làm cho lòng người thay đổi, cuối cùng thậm chí đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến mức làm thay đổi quan niệm sống của Thiển Thủy Thanh nửa đời sau này, chuyện này Thiển Thủy Thanh hoàn toàn không nghĩ tới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.