Vì công việc mà ông bà nội tôi phải đến năm 30 tuổi mới chính thức kết hôn, về sau mới có bác trai và thầy Lâm. Ông nội nhìn hai đứa con trai phá phách trong nhà thì rất mong mỏi có một đứa con gái, ngày đêm mong ngóng, cuối cùng thì bà nội cũng mang thai. Nhưng lúc này ông nội lại nhận được một thông báo, ông được cử đi nơi khác công tác hai năm. Suy nghĩ một hồi, ông bèn quyết định đưa cả bà nội cùng đi, còn hai đứa trẻ để cho bảo mẫu chăm nom.
Năm đó bà nội cũng đã gần bốn mươi tuổi rồi, lại thêm những thương tích từ thời còn chiến tranh, vì thế đứa bé không giữ được. Đồng thời lúc ấy, ông nội lại nhận được tin tức, em trai của ông đã hi sinh trên chiến trường, còn em dâu thì đã mang thai bảy tháng.
Sau khi chú nhỏ ra đời, ông bà nội bàn bạc: “Em dâu còn trẻ, đứa con này để chúng ta nuôi đi.”
Cứ thế, từ khi chú nhỏ còn quấn tã đã được đón về đây. Thế nên chú nhỏ vốn không phải là chú ruột của tôi.
Lúc ông bà nội quay trở về thành phố X, chú đã hai tuổi rồi, vô cùng đáng yêu. Bác trai và thầy Lâm cả ngày đều vui vẻ chạy quanh chú.
Ông bà nội coi chú như con đẻ, bao nhiêu năm nay, ba người con đều được đối xử ngang nhau. Mãi cho tới năm Tiểu Nhân ra đời, ông nội mới nói ra chân tướng sự thật. Ông cho rằng, đàn ông sau khi đã có con cần thực sự thành thục, phải là người đàn ông có thể gánh vác trách nhiệm vì gia đình.
Ông nội nói với chú: “Không mong có được nghiệp lớn gì, nhưng phải thành người, đừng để hổ thẹn với bố và con trai của con.”
Vì thế tôi hay thích nói chuyện với người già, bởi vì họ đã từng đi qua con đường mà chúng ta chưa từng đi qua, từng trải qua những chuyện mà chúng ta chưa từng trải qua. Những thứ mà năm tháng đã tôi luyện cho họ có thể tiếp thêm rất nhiều sức mạnh khiến con người ta phấn chấn và an tâm hơn.
Từ nhỏ Tiểu Nhân đã được chú tôi nhồu nhét tư tưởng: “Chị là cô gái duy nhất trong nhà chúng ta. Con cần phải bảo vệ chị.”
Từ khi còn bé, Tiểu Nhân đã rất tốt với tôi, nói còn chưa sõi đã túm góc áo tôi, đi theo sau gọi: “Chị ơi, chị ơi.”
Ngược lại, anh họ rất ít khi tiếp xúc với bọn tôi. Anh ấy hơn tôi tám tuổi, thời đại học lại đi học xa nhà. Lúc anh ấy đi học đại học, tôi còn chưa học hết cấp một, Tiểu Nhân thì vừa mới được đeo cặp sách.
Thời đó đúng là những năm tháng gian khó. Bố mẹ tôi khá bận, hết người này tới người kia phải đi công tác, đi học, đi họp. Cả một năm trời, thời gian hai người họ cùng nhau ở nhà chưa tới nửa năm. Chú và thím cũng thường xuyên đi công tác, trong nhà chỉ còn lại tôi và Tiểu Nhân, vì thế hai chị em gần như dựa vào nhau mà sống. Dì của Tiểu Nhân cũng nhận lời giúp chăm sóc thằng bé, nhưng Tiểu Nhân không thích “người phụ nữ toàn thân sực mùi nước hoa” ấy, vì thế đã tự bắt xe chạy tới nhà tôi, đôi mắt to tròn rưng rưng rưng nhìn tôi: “Chị ơi, em ở với chị nhé?”
Tôi để thằng bé ngủ ở phòng của bố mẹ tôi nhưng nó không chịu, cứ đòi ngủ ở sofa, sau đó nửa đêm lại đẩy cửa phòng tôi ra. Về sau, tôi lấy thêm một cái chăn nữa vào phòng, mỗi đứa một cái, buổi tối hai chị em nằm tráo đầu đuôi nhau, thằng bé ngủ say, một tay gác lên góc chăn tôi.
Bây giờ nhớ lại, một đứa bé mới sáu bảy tuổi, nó thiếu cảm giác an toàn tới nhường nào chứ.
Tiểu Nhân luôn nói: “Chị của em làm hoành thánh là thiên hạ vô địch.”
Lúc đó, cơm trưa và cơm tối đều có thể ăn ở nhà ăn của khu tập thể (nhà công vụ), nhưng không có đồ ăn sáng. Tôi không thích mới sáng sớm đã uống sữa bò lạnh như băng cộng thêm bánh mì ngọt đến phát ngấy, lại cảm thấy mua bên ngoài không sạch sẽ. Vì thế cuối tuần liền xách Tiểu Nhân đi siêu thị mua đủ loại bánh trôi đông lạnh, sủi cảo đông lạnh, mì đông lạnh, bánh bao đông lạnh, đem về ăn thay bữa, tốt xấu gì thì cũng là bữa sáng nóng hổi.
Có lần, nhìn thấy một bà cụ ở tầng dưới đang gói hoành thánh, hai đứa trở về liền nghĩ, hay là chúng ta cũng gói đi.
Hai người cái gì cũng không biết, lấy ví tiền rồi đi chợ. Trước tiên là đi mua thịt, nói với ông chủ: “Hai bọn cháu gói hoành thánh, muốn ăn một tuần, thì cần mua bao nhiêu thịt ạ?”
Chắc là ông chủ nhìn hai đứa trẻ có chút bé (Tiểu Nhân thật sự rất bé, còn tôi là chậm lớn), vừa hỏi “Thích ăn ngậy* hay không ngậy?” vừa nhiệt tình giúp đỡ chọn thịt, xay thịt. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ, Tiểu Nhân kéo tay tôi ngẩng đầu nói rất rõ ràng: “Không ngậy, em muốn ăn không ngậy.”
*béo ngậy, ý ở đây là muốn ăn nhiều thịt hay không nhiều thịt.
Sau đó xách theo thịt đi mua rau: “Chúng cháu có nhiều thịt như vậy thì cần bao nhiêu rau?”
Mua được rau lại đi mua vỏ hoành thánh: “Chúng cháu có nhiều thịt và rau như vậy thì cần bao nhiêu vỏ hoành thánh?”
Một đường đi mua, không bị lừa, cũng không bị chặt chém.
Về nhà, rửa au thái rau, băm ra dáng ra hình, cho vào một cái bát to cùng với nhân thịt, phát rầu —— không biết phải trộn thế nào mới được, vì thế mỗi đứa cầm một đôi đũa bắt đầu trộn lẫn. Nhân dính không trộn được cũng không biết cho thêm dầu, liền cho thêm trứng gà. Không biết phải bỏ bao nhiêu muối, liền bỏ từng chút một, bỏ một lần nếm một lần, Tiểu Nhân để lên đầu lưỡi thử một chút, rồi lại nhanh chóng nhả ra.
Tiểu Nhân không biết gói, tôi cũng không biết cho lắm. Nó cầm cái muỗng inox đứng cạnh tôi, tôi để vỏ hoành thánh lên lòng bàn tay rồi giơ đến trước mặt nó, nó liền múc một muỗng nhân bỏ vào. Gói được mấy cái, dần dần cũng có kinh nghiệm. Tiểu Nhân nói lần đầu tiên chúng tôi chắc là gói hơn hai cái, gói đến tận buổi chiều, chỉ nghỉ một chút để ăn trưa. Kỳ thật nghĩ lại lần đầu tiên gói, hương vị chắc chắn không ra làm sao, nhưng lúc ấy ăn xong chỉ cảm thấy là mỹ vị nhân gian.
Từ đó về sau, mỗi cuối tuần đều đi chợ đến nỗi rất nhiều người ở chợ đã quen mặt chúng tôi. Hai đứa cũng càng ngày càng có kinh nghiệm, nếm thử các loại nhân (nhân bánh), vô cùng vui vẻ. Về sau, được cô chú đón về nhà, Tiểu Nhân vẫn còn nhớ: “Con muốn gói hoành thánh với chị.”
Mãi cho đến sau này, Tiểu Nhân ra nước ngoài, thỉnh thoảng về nước cũng không quên: “Chị, làm cho em bát hoành thánh đi?”
Năm ông nội mất, Tiểu Nhân mới lên lớp tám.
Sau đám tám một ngày, nó gọi điện cho tôi: “Ông nội không phải ông nội ruột của em.”
Tôi không biết sao nó lại biết đến chuyện này, nhất thời chẳng biết trả lời thế nào nữa.
“Chị, chị sẽ không trách em chứ?”
Thiếu niên mười lăm tuổi, lúc nhạy cảm thì vô cùng nhạy cảm.
Tôi nói: “Ông nội là ông nội, chị là chị. Tên của hai chúng ta chỉ khác nhau một chữ thôi, sao chị có thể không cần em chứ?”
Tiểu Nhân tốt nghiệp cấp hai đã ra nước ngoài. Hồi đó tôi hỏi nó vì sao lain chọn đi Đức, bởi vì thời đó, những đứa trẻ cùng trang lứa với nó đều chọn đi các nước sử dụng tiếng Anh. Dù sao đi Đức cũng mất công học thêm một ngoại ngữ nữa.
Chàng thiếu niên mười lăm tuổi đáp rằng: “Em là hậu duệ của quân nhân, em phải chọn một nước có khí chất về quân sự.”
Tiểu Nhân còn nhỏ như vậy đã ra nước ngoài, ngoại ngữ còn chưa giỏi, tôi không đành lòng chút nào. Anh họ cũng cảm thấy không được hay ho cho lắm, nhưng lí do của anh ấy lại là: “Từ nhỏ đã là thiếu gia được nuông chiều, liệu có đủ khả năng tự chăm lo cho cuộc sống không?”
Tôi không hiểu vì sao hai người này lúc nào cũng chống đối cãi lại nhau, chắc là do cách nhau tận mười hai tuổi, đúng là cách xa quá rồi.
Tôi nói với anh họ, một đứa trẻ mới lớp một đã dám đeo cặp bắt xe buýt từ nhà dì tới nhà tôi, đã không cần người lớn trông nom, đã dám ngồi xe buýt đi học mà không ca thán nửa lời, từ trong xương cốt của nó đã có khả năng độc lập và kiên cường rồi. Để có được ngày hôm nay, nó đã phải thận trọng, dè dặt tới nhường nào, nghĩ tới thôi đã khiến người ta xót xa.
Anh họ hoàn toàn thừa hưởng tính cách nghiêm túc chính trực của ông nội, luôn nghiêm khắc với bản thân, và nghiêm khắc cả với những người thân xung quanh mình. Thái độ của anh ấy đối với tôi luôn là “con gái cũng cần độc lập vượt qua khó khăn”, vì thế, lúc nào anh ấy cũng nghiêm khắc với tôi, thậm chí còn có thể nói là hà khắc.
Kì nghỉ đồn trước khi thi đại học, anh ấy tới dạy kèm toán cho tôi. Tôi đã không còn nhớ đề bài khi ấy là gì nữa, nhưng tôi làm sai. Anh họ lấy bút gõ lên giấy nháp của tôi: “Đề bài này lúc nãy đã làm một bài tương tự rồi còn gì? Sao cùng một dạng bài mà em có thể làm sai hai lần thế?”
Tiểu Nhân nằm bò bên cạnh đột nhiên nói: “Anh hung dữ với chị em như thế làm gì? Sai hai lần thì có làm sao? Hung dữ cái gì chứ?” Khi đó nó mới đứng đến cằm anh họ mà thôi.
Hai con người ấy xưa nay chưa từng ở chung một tần số, chỉ cần gặp mặt là bắt đầu chí chóe nhau. Tôi ở giữa luôn phải giảng hòa, cứ thế mà đã hai mươi năm.
Trước khi ra nước ngoài, Tiểu Nhân nghiêm túc cảnh cáo anh họ: “Lúc em không ở nhà anh không được phép bắt nạt chị em đâu đấy!”
Tôi ôm lấy Tiểu Nhân, nước mắt cuối cùng cũng rơi xuống.
Lần đầu tiên nhìn thấy Cố Ngụy lúc gọi điện video, Tiểu Nhân đã bắt đầu làu bàu: “Mấy anh chàng đẹp trai đều không trông cậy được.”
Tôi cười: “Thế em thì sao?” Tiểu Nhân có ngoại hình khá “Tây”, mắt sâu mày cao, cho dù ở phương Đông hay phương Tây đều rất được lòng các cô gái.
Tiểu Nhân giận dỗi: “Anh ta có thể so sánh với em sao? Tình cảm chị em mình đã bao nhiêu năm rồi?”
Thằng bé ở nước ngoài, không thể đích thân kiểm duyệt Cố Ngụy, vì thế liền gọi điện cho anh họ khi đó còn đang làm việc ở thành phố Z: “Khi nào anh về thành phố X nhớ tới xem xem thế nào. Chị em đã yêu đương rồi đấy.”
Anh họ: “Có gì hay ho mà xem? Tuổi tác như con bé, yêu đương chẳng phải chuyện rất bình thường sao?”
Lúc đó Tiểu Nhân vô cùng tức giận: “Anh họ, em biết ngay là không thể trông mong gì được ở anh mà!”
Một tháng sau anh họ tới thành phố X tham gia một cuộc họp, họp xong liền tìm Cố Ngụy uống trà.
Lần đầu tiên được nghỉ, về nước, lúc gặp mặt Cố Ngụy, Tiểu Nhân đã bĩu môi: “Những năm tháng tươi đẹp nhất của chị đã rơi vào tay anh rồi.” Giọng điệu đầy vẻ tiếc nuối.
Sau khi trở lại Frankfurt, thằng bé thường xuyên gửi email cho tôi: “Bác sĩ Cố kia dạo này có nghe lời chị không? Có bắt nạt chị không? Nếu bắt nạt chị phải nói với em đấy.”
Sau này Cố Ngụy sang Berlin tu nghiệp, Lâm Chi Nhân đặc biệt tới thăm anh. Lúc ở phòng đăng kí thông tin hỏi quan hệ giữa hai người, nó nói “brother in law” (anh rể), thế mà vừa gặp Cố Ngụy, nó đã bắt đầu thị uy: “Đừng có tưởng trời cao, hoàng đế ở xa mà không có ai quản anh đấy.”
Cậu em trai kém tôi bốn tuổi này, tôi tận mắt nhìn thấy nó từ một đứa trẻ bé tí teo, lớn lên thành một chàng thiếu niên anh tuấn, bây giờ đã có dáng dấp của một người đàn ông thực thụ rồi. Lúc nó tới thăm Cố Ngụy còn mang theo một chiếc hộp to xụ: “Mang cho chị em.” Trước khi nó đi còn cảnh cáo Cố Ngụy: “Nhà họ Lâm chúng em chỉ có một người con gái, vô cùng quý báu đấy, anh phải đối xử thật tốt với chị ấy.”
Tôi hỏi Cố Ngụy trong chiếc hộp đó là cái gì. Cố Ngụy nói, là postcard của bốn mươi ba đất nước, còn có cả tem nữa, sắp xếp rất cẩn thận.
Tiểu Nhân biết tôi thích sưu tập postcard phong cảnh: “Chị, chị mau tới đây du lịch đi. Em đã nghĩ xong hết lịch trình cho chị rồi.”
Tôi vẫn luôn muốn nói với nó rằng, em trai thân yêu, chị vẫn luôn yêu em.