Đền Tội

Chương 11: Chương 11




TRÊN ĐƯỜNG THEO MARGARET vào nghĩa trang, chúng tôi thấy có mấy người đang khóc than dưới bàn thờ tạm dưới có căng màn trướng. Họ túm tụm quanh một chiếc quan tài. Chúng tôi cố tình tránh xa họ.

Từ nhỏ đến giờ tôi chỉ thấy mỗi nghĩa trang có mộ mẹ. Mỗi năm, vào ngày sinh nhật mẹ, cha lại đưa tôi đến viếng.

Nghĩa trang này rộng, khu trước chỉ toàn mộ mới. Người đi đưa đám ma đứng ở khu ấy. Margaret đưa tôi ra phía sau, nơi chỉ có mộ cũ. Ở đây vắng tanh. Những người đã khuất nằm ở đây lâu đến nỗi những người đáng lý nên viếng mộ cũng chết già cả rồi.

Cũng như nhiều nghĩa trang khác, nơi này khá dễ chịu, nhiều cây xanh và ghế băng rải rác. Nếu không có bia mộ, nơi đây chắc đã thành một công viên đẹp đẽ. Đặc biệt là khi mặt trời xua tan cái lạnh của một sáng tháng Tư. Vừa cố tập trung nghĩ đến mặt trời và cảnh đẹp như vẽ xung quanh, tôi vừa cố tình không nghĩ đến những gì nằm cách chân tôi ba tấc đất.

Đến một trong những nấm mồ mới nhất trong khu mộ cũ, Margaret dừng lại. Người nằm dưới mồ là một bà lão sáu mươi ba tuổi, mất năm 1959. Margaret bảo đó là lựa chọn lý tưởng: một người chết chưa quá lâu. Do đó, bà ấy sẽ không phát hoảng khi nhìn thứ trang phục đương đại khoác trên người chúng tôi!! Ngược lại, thời gian chết đủ lâu để người thân của bà ấy không còn nhiều. Vì thế, tôi không phải truyền lời nhắn của bà đến cho nhiều người.

Margaret bảo tôi với Tori quỳ trước mộ, giống người nhà của bà Edith hay làm khi đến viếng. Đa phần người trong giới đồng cốt đều tránh gọi hồn ban ngày. Nhưng Margaret bảo nghĩ như thế thật ngu ngốc. Đi đêm càng khiến người ta chú ý. Đi ban ngày, nếu có bạn đi cùng càng tốt - tất nhiên là người kia cũng có khả năng siêu nhiên - bởi cả hai sẽ cùng quỳ trước mộ mà không ai để ý.

“Chúng ta giả vờ dùng di động cũng được mà,” Tori nói.

“Làm vậy ở nghĩa trang là thiếu tôn trọng,” Margaret khịt mũi.

Tori nhún vai. “Vâng, chắc vậy ạ. Nhưng Chloe cũng nên có di động. Phòng khi bạn ấy đang ở chỗ công cộng và có ma muốn liên lạc khẩn với bạn ấy.”

Margaret trợn mắt. Tôi thì lại cho đó là một sáng kiến hay và cảm kích Tori đã gợi ra ý đó.

Giá Tori thích tôi thật thì hay biết mấy. Nhưng Tori đã bảo thẳng tôi rằng cô ta rất cô đơn. Ai cũng cần đồng minh và trong thời điểm hiện tại tôi tạm thời là lựa chọn duy nhất.

Tôi thở dài, buồn vì chưa bao giờ được biết cảm giác vui sướng của người may mắn có bạn thân. Nhớ lại hồi còn được sống bình thường như bao người khác, tôi từng sướng rơn khi có bạn gái nổi tiếng trong trường đến bắt chuyện. Nhưng sau đó, tôi phải nếm ‘trái đắng nhất’ của tình bạn: người đó rắp tâm chế nhạo tật nói lắp của tôi để ‘làm quà’ cho đám con trai được phái đẹp trong trường mê tít. Kết quả là được một phen cười vỡ bụng.

Mở cặp táp mang theo, Margaret lấy ra vài chiếc túi nhỏ đựng thảo dược khô, một viên phấn, diêm và một đĩa lót ly bé xíu. Bà ấy giải thích đó là vật dụng tế lễ giúp các đồng cốt gọi hồn. Tori cố ngăn cái khịt mũi coi thường, như muốn bảo tôi không cần mấy thứ đó. Tôi chỉ im thin thít.

“Cháu có nên tháo cái này không ạ?” Tôi lôi mặt dây chuyền từ trong cổ áo ra ngoài.

Margaret chớp mắt. “Cháu lấy đâu ra vật ấy thế?”

“Mẹ cháu cho khi cháu còn bé. Cháu hay gặp ma nên mẹ bảo cái này có thể xua đuổi họ. Có thật thế không hả bà?”

“Thật... thật là thứ mê tín vớ vẩn. Từ hồi bằng tuổi cháu đến giờ, ta mới thấy lại nó. Đồng cốt thời nay không cần thứ đó. Nhưng ngày xưa nó từng là mốt thời thượng. Họ dùng nó để làm giảm ánh hào quang của thầy đồng.”

“Hào quang ư?” Tori thắc mắc.

“Có phải là trong mắt các hồn ma, chỉ thầy đồng mới tự phát sáng đúng không bà?” Tôi vội hỏi.

Margaret gật đầu.

“Nếu vật này làm vầng hào quang mờ đi, hồn ma sẽ ít chú ý đến thầy đồng hơn.” Tôi kết luận.

“Vậy bà Margaret nói đúng,” Tori nói. “Vật này chẳng có tác dụng gì cả. Nhưng đây không phải mặt dây chuyền cậu đeo lúc ở Nhà Lyle. Chiếc kia màu đỏ, xâu với sợi dây chuyền cơ.”

“Hồi đó nó màu đỏ.” Tôi chỉ mặt đá xanh biển. “Còn sợi dây bị đứt rồi. Nhưng nếu quả nó từng linh nghiệm, thì việc nó đổi màu tức là bùa đã mất sức mạnh rồi.”

Margaret chăm chú nhìn mặt dây chuyền. “Nó đổi màu ư?”

Tôi gật đầu. “Thế là sao hả bà?”

“Người ta nói…” Margaret lắc đầu như không muốn nghĩ tiếp nữa. “Toàn trò mê tín vớ vẩn. Thiên hạ không thiếu chuyện hoang đường. Thôi, chúng ta bắt đầu đi. Chloe, đầu tiên ta muốn cháu đọc tên trên bia mộ và nhớ thật kỹ. Sau đó, cháu sẽ khấn thành tiếng bằng cách gọi tên người kia và cung kính mời bà ấy nói chuyện với cháu. Cháu thử làm xem nào.”

“Bà Edith Parsons, xin bà hãy nói chuyện với cháu!”

“Rồi. Tiếp theo chúng ta sẽ thắp…”

Khi Margaret còn đang giải thích, một người phụ nữ phốp pháp mặc váy xanh dương xuất hiện sau bia mộ. Trên khuôn mặt nhăn nheo cau có, cặp mắt xanh lơ của bà ấy chăm chú nhìn quanh. Lúc ánh mắt ấy xoay chuyển về phía tôi, vẻ cau có biến mất nhường chỗ cho nụ cười rạng rỡ.

“Cháu chào bà,” tôi mở lời.

Dõi theo hướng tôi đang nhìn, Margaret giật nẩy mình.

Tori khúc khích. “Cháu đoán Chloe không cần mấy món đồ kia nữa.”

Nghe Margaret cất tiếng chào, bà Edith thoáng liếc về phía bà ấy nhưng ngay sau đó, ánh mắt và nụ cười của người phụ nữ lập tức hướng lại chỗ tôi.

“Coi cưng dễ thương chưa kìa,” bà Edith nói. “Đứa bé đáng yêu, cháu mấy tuổi rồi?”

“Mười lăm ạ.”

“Và cháu đã có thể nhìn thấy hồn ma! Nhìn vầng sáng quanh cháu là ta biết ngay. Tuy chưa bao giờ gặp người như cháu, nhưng ta nghe người khác kể nhiều rồi. Họ gọi cháu là…” Bà ấy vất vả tìm từ.

“Là đồng cốt,” tôi nhắc.

Hồn ma nhăn mặt, như thể bà ấy cắn nhầm trái chanh chua. “Thời của ta, người ta gọi là nhà tâm linh hoặc nhà trung gian. Nghe dễ chịu hơn nhiều phải không?”

Tôi đồng tình.

Bà Edith hết nhìn tôi lại nhìn bà Margaret, sau đó bật cười. “Suốt bao năm nghe nói về đồng cốt, vậy mà ta đâu có tin. Giờ thì cùng lúc được gặp những hai người.”

Bà Edith giơ tay vỗ vỗ khoảng không quanh đầu tôi. Hình như bà ấy đang chạm vào vầng hào quang thì phải.

“Đẹp quá,” bà ấy lẩm bẩm. “Nó cứ hút ánh nhìn về phía đó… Cháu yêu này, vầng hào quang của cháu sáng lắm, sáng hơn cả người còn lại. Chắc có lẽ bởi cháu trẻ hơn.”

Nghe nói hào quang càng sáng thì năng lực gọi hồn càng mạnh. Nhất định đó là sự thật, bởi tôi vừa thấy Margaret mím môi.

“C... cháu thử vài chuyện được không ạ?” Tôi ướm hỏi.

“Được chứ cháu yêu. Không cần phải ngại ngùng gì. Hôm nay là ngày đặc biệt của ta mà.” Bà hạ giọng. “Thế giới bên kia có chút buồn tẻ. Ta sắp có chuyện hay kể với bạn bè rồi.”

“Cháu sẽ tháo sợi dây chuyền, và cháu muốn biết liệu nó có thay đổi vầng sáng của cháu không.”

“Ý hay đấy,” Tori lẩm bẩm.

Margaret dặng hắng, như muốn nhắc làm thế chỉ phí thời gian vô ích. Điều đó không cản được tôi. Tôi giơ sợi ruy băng qua đầu và đưa cho Tori.

Bà lão há hốc mồm vì kinh ngạc. “Ôi trời!”

Tôi quay sang, thấy bà ấy đang tròn mắt nhìn chằm chằm vào mình. Tiếp đó, một quầng sáng mờ mờ xuất hiện bên trái tôi… rồi một cái khác xuất hiện bên phải.

Margaret buột miệng kêu trời. Bà ấy nhào tới, giật sợi dây chuyền trong tay Tori và giúi vào tay tôi. Khi tôi nhanh tay trả vòng cho Tori, không gian hai bên tôi tiếp tục sáng lung linh và dần nên dáng nên hình.

Bà Edith biến mất, nhường chỗ cho một cô gái mặc đồng phục hướng đạo sinh. Quỳ trước mặt tôi, cô ấy khóc nức nở:

“Nhờ Chúa phù hộ. Chúa phù hộ. Con đã đợi lâu lắm rồi. Cô bé, giúp chị với. Chị cần…”

Một thanh niên mặc chiếc áo khoác jeans bẩn thỉu, rách rưới chụp lấy vai cô ấy và kéo cô ấy ra sau. “Nghe này bé con. Anh bị kẹt ở đây từ thời…”

Một người đàn ông tráng kiện xô mạnh anh ta, khiến anh ta bay ra xa. “Đồ láo xược, phải biết nhường người lớn chứ.”

“Cảm ơn.” Bỏ qua ông ta, tôi nhìn cô gái hướng đạo sinh vẫn chưa hết thổn thức đang ngồi thu lu. “Tôi giúp gì được...”

“Không nghe ta nói gì à,” người đàn ông ngắt lời. “Ta đến trước nhất đấy.”

“Đâu có. Cháu sẽ nói với chú sau.” Tôi nghển cổ nhìn ra sau lưng ông ta.

“Nhóc con muốn ta lấy số thứ tự ư? Được thôi.” Ông ta túm cô gái hướng đạo sinh quăng ra xa. Cô ấy biến mất. “Ối. Chắc nó đi mất rồi. Giờ đến lượt ta.”

Tôi sửng cồ. “Sao chú…”

“Sao trăng cái gì!?” Ông ta nhào tới. Mặt ông đỏ tía, sưng phình gấp đôi, hai mắt trố lồi, lưỡi đen ngòm thò ra ngoài miệng lòng thòng. Tôi loạng choạng lùi lại. Gã thanh niên mặc áo khoác bẩn thỉu nhảy ngay đến sau tôi. Tôi quay ngắt tránh sang hướng khác.

“Xin lỗi nhóc.” Anh ta cười phô hàm răng mục rữa. “Anh không định dọa nhóc. Dọa ma ấy. Hiểu chưa?” Anh ta cười hô hố. Tôi lùi lại, nhưng anh ta càng sấn tới. “Anh đây có khó khăn, còn nhóc lại giúp được anh cách giải quyết. Nghe này, anh bị kẹt trong cái nhà ngục này vì một số việc không phải do anh gây ra. Chịu án oan, nhóc hiểu chưa nào? Thế là anh chẳng đi đâu được. Anh cần nhóc giúp anh vài việc.”

“Cả tôi nữa!” Có tiếng gào phát ra sau lưng tôi.

“Tôi chứ!”

“Tôi!”

“Là tôi mới đúng!”

Tôi từ từ quay lại và đối mặt với đám đông ma, ít nhất là hơn chục con, thuộc mọi lứa tuổi vây kín tôi. Họ sấn tới, mắt trợn tròn; chìa tay về phía tôi; họ to tiếng hằm hè, gào thét, đòi hỏi. Người đàn ông to con vừa đem ‘mặt nạ’ ma ra dọa giờ đứng chắn ngay trước mặt tôi.

“Con ranh kia, đừng đứng đực ra đó. Việc của mày là giúp người chết. Đó là bổn phận của mày.” Ông ta cúi xuống, gí khuôn mặt tím bầm, sưng phù sát mặt tôi. “Còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay vào việc ngay đi.”

“Chúng tôi sẽ làm,” một giọng nói vang lên từ bên trái.

Tôi xoay người lại. Đám hồn ma giạt ra. Margaret đứng đó, một tay cầm đĩa nhỏ đầy ú lá cây khô quắt, tay kia cầm que diêm đang cháy đỏ.

“Mọi người đang dọa con bé sợ,” bà ấy thong thả. “Sao không lại đây và nói chuyện với tôi. Tôi cũng giúp được mọi người vậy.”

Các hồn ma đổ xô về phía Margaret. Thế rồi họ hét thất thanh. Họ rú lên đau đớn. Họ chửi rủa om sòm. Sau đó, bóng họ mờ dần trong lúc họ cố vùng vẫy, quẫy đạp và không ngớt chửi rủa. Tuy nhiên, họ vẫn từ từ biến mất cho đến khi chỉ còn mỗi Margaret đứng thổi khói cây khô cháy trong chiếc đĩa nhỏ.

“C… cái gì vậy ạ?” Tôi hỏi.

“Cỏ roi ngựa. Có thể xua đuổi hồn ma. Hiệu nghiệm với hầu hết các loại ma. Tuy nhiên, vẫn có những loại cứng đầu, không chịu đi.”

Margaret sải bước đi qua trước mặt tôi. Tôi xoay qua, thấy một ông lão khả kính đang lùi dần.

“Xin đừng,” ông ấy nói. “Tôi không hề làm phiền cô bé. Nãy giờ tôi chỉ đợi đến lượt mình.”

“Làm ơn,” ông lão lại nói. “Rất có thể ta chỉ còn mỗi cơ hội này. Ta muốn nhắn nhủ một lời thôi.”

Ánh mắt ông lướt qua bà Margaret và chiếu vào tôi. Nước mắt rưng rưng, ông nài nỉ. “Ta xin cháu. Chẳng tốn nhiều thời gian của cháu đâu.”

Một cảm giác nôn nao, ghê rợn bò khắp người tôi. Thế này thật không phải chút nào: ai đời người lớn lại phải cầu xin trẻ con bao giờ!

“Khoan đã,” tôi bảo Margaret. “Cháu có thể nghe xem ông ấy nói gì không? Làm ơn đi mà. Ông ấy là một trong số những hồn ma không dọa nạt cháu.”

Lưỡng lự giây lát, Margaret phẩy tay ra hiệu cho ông lão nói tiếp.

Dành giây lát trấn tĩnh, ông lão phân trần. “Ta chết cách đây hai năm. Ta trót ngủ gật trong lúc đang lái xe, nên chiếc xe lao xuống vách núi dựng đứng. Vì tìm mãi không thấy xác ta nên người ta bảo... họ bảo ta bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả cháu nội cháu ngoại. Ta chỉ mong cháu làm việc này, giúp ta gửi một lá thư cho họ. Chỉ cần nói cho họ chỗ tìm xe của ta là được.”

“Cháu phải viết ra,” quay sang bà Margaret, tôi biết trong xe có giấy. Thậm chí di động cũng được - tôi sẽ nhắn tin –nhưng bà ấy lắc đầu.

“Chờ chút,” Tori lấy trong túi ra vài mảnh giấy gấp nhỏ và một cây bút. “Tôi định liệt kê vài món chúng ta cần. Chú Andrew có dặn lát nữa sẽ có người đi mua đồ mà.”

Tôi ghi lại địa chỉ nhà vợ ông lão và địa điểm chiếc xe rơi. Nhìn mấy dòng thông tin ấy, tôi chẳng hiểu gì cả - toàn những tên đường, tên địa điểm tôi không biết. Nhưng hồn ma kia bảo vợ ông ấy sẽ hiểu. Ông còn bảo tôi viết thêm vài chữ, rằng ông rất yêu vợ và không bao giờ muốn rời xa bà.

“Có thể bà ấy không tin chuyện lời nhắn từ dưới mồ sâu, nhưng thế nào bà ấy cũng đi tìm xe. Thôi, không làm mất thời gian của mọi người nữa. Cám ơn đã giúp đỡ.”

Tôi chưa kịp nói gì, hồn ma ông lão đã biến mất.

“Chà, chuyện này ngầu quá,” Tori lấy lại cây viết và số giấy chưa dùng đến trên tay tôi.

Lúc tôi gấp tờ giấy có thông tin nọ, Margaret chìa tay đòi cầm. Tôi đưa nó cho bà. “Chỉ tội chỗ gửi thư hơi xa chỗ này, bà nhỉ? Ấy là cháu đoán thế.”

“Thư này sẽ không được gửi đi.”

“Cái gì?” Tôi và Tori cùng đồng thanh.

“Chloe này, đừng bao giờ hứa chuyển lời nhắn cho hồn ma. Đừng bao giờ!”

“Nhưng...”

Nắm khuỷu tay tôi, bà Margaret dịu dàng nói. “Cháu không được làm thế. Nếu cố tình không nghe, cháu sẽ tạo tiền lệ và những gì cháu chứng kiến hôm nay chỉ là sự khởi đầu. Người ta sẽ đồn ầm lên là cháu sẵn lòng giúp. Nhiều yêu cầu hoàn toàn hợp lý như thư này chẳng hạn. Nhưng kèm theo đó có cả những yêu cầu không mấy dễ chịu khác. Hầu hết bọn ma kia hiện đều bị giam trong hỏa ngục. Họ bị kết án vì tội lỗi từ kiếp trước. Không những không thể giúp họ mà ta còn không muốn giúp. Nhưng dù thế nào, họ sẽ cứ bám riết cháu cả ngày lẫn đêm. Vậy cháu nên coi như không có cả hai: cả ma tốt lẫn ma xấu.”

Ngước lên nhìn Margaret, tôi thấy thấp thoáng một bóng hình khác: một phụ nữ trẻ hơn, nhưng buồn bã hơn bà Margaret của hiện tại. Tôi chợt ngộ ra rằng: phẩm chất được coi như cách xử lý công việc lạnh lùng nhưng hiệu quả của bà chỉ là bản năng tự bảo toàn. Là thầy đồng cứng rắn và duy ý chí, bà mang trong người trái tim chai đá trước những lời cầu xin của linh hồn người đã khuất. Chẳng lẽ đó cũng là định mệnh của tôi? Tự nhủ tôi phải cứng rắn cho đến khi tôi có thể ném thư này vào sọt rác và không bao giờ nghĩ đến nó nữa? Tôi không bao giờ muốn sống như vậy. Không bao giờ.

“Cậu sao thế?” Tori thầm thì.

Margaret đi tìm chỗ đổ tro cỏ roi ngựa. Tori chạm vào cánh tay tôi. Hóa ra tôi đang run cầm cập, hai tay khoanh sát người. “Đáng lẽ tôi nên mang theo áo len dài tay.”

“Có nắng nhưng trời vẫn lạnh các cháu nhỉ?” Quay lại chỗ hai đứa, Margaret lên tiếng.

Bà chìa túi đựng lá khô:

“Cỏ roi ngựa đấy. Lúc về ta sẽ cho cháu một ít. Hiển nhiên là cháu có thể dùng.”

Bà ấy gượng cười, nhưng do đã lâu không cười nên trông bà như đang mếu.

“Cảm ơn bà.” Không ngờ tôi có thể thật lòng thốt lên câu đó.

“Vậy ta thử thêm nhé?” Bà ấy đề nghị.

Tôi đăm đăm nhìn túi nhỏ đựng cỏ khô và cách Margaret cần nó như cầm một giải thưởng cho học trò xuất sắc trụ lại sau buổi học. Dù chỉ muốn bỏ ngang giữa chừng, phần nóng lòng muốn làm hài lòng người khác trong tôi buột miệng, “Vâng ạ.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.