Dì Ghẻ

Chương 70: Chương 70: Hương vị ngày tết




Dù sao thì cũng đã biết nhà cô Thúy ở đâu, chú Đại quay lại bệnh viện. Cũng chỉ còn hai hôm nữa là tết, đang lo lắng không biết năm nay tết tư sẽ thế nào khi ông Tuấn vẫn còn đang nằm trong viện. Biết là có bố mẹ ở đây nhưng ăn tết trong viện nó cứ kiểu gì. Ban đầu chú Đại còn tính hay là cho ông Tuấn về nhà ăn Tết, tuy nhiên qua hai lần phẫu thuật, mặc dù tình trạng sức khỏe đang hồi phục nhưng không thể nào ra viện ngay lúc này được. Đang thở dài mở cửa đi vào phòng thì chú Đại giật mình.

Bên trong phòng ông Tuấn nằm nào là hoa quả, bánh kẹo, được bày biện đẹp mắt. Trong phòng còn được trang trí cả bình hoa, cắm hoa Lan. Ở giữa bàn kính bộ sofa còn có một chậu Mai nhỏ nhưng hình dáng rất đẹp với những nụ hoa như đang chỉ chờ lúc giao thừa sẽ bung cánh nở rộ khoe sắc vàng. Tất nhiên bên dưới chậu Mai không thể thiếu bánh chưng ngày tết. Nhìn qua chú Đại còn tưởng nhầm phòng, trong bệnh viện mà không khí tết đã len lỏi qua những phòng bệnh, xua tan mùi thuốc sát trùng để mang hương vị mùa xuân vào đến đây.

Bố chú Đại nói:

- - Ngơ ngác cái gì đấy…? Sao mày tưởng bố mẹ trong này mà không đón tết à..?

Chú Đại chỉ trỏ vào số đồ Tết ấp úng hỏi:

- - Ai mua những thứ này vậy ạ..?

Bố chú Đại đáp:

- - Bố mua chứ ai nữa, ban đầu sợ bệnh viện người ta không cho mang vào..Nhưng được cái mình ở phòng VIP, biệt lập với những khu khác nên mấy thứ nhỏ nhỏ này không ảnh hưởng gì. Thế nên cả ngày hôm qua bố đi tìm mua Mai đấy. Tính mua hoa Đào cũng đẹp nhưng lịch kịch mang vào đây không tiện, thấy chậu Mai vừa vặn mà thế lại đẹp nên bố ưng luôn.

Mẹ chú Đại nói tiếp:

- - Còn bánh chưng là cái Hường nó mang vào. Còn bánh kẹo kia là mẹ đi mua...Có chậu Mai của bố mày cả căn phong nó khác hẳn đi.

Ông Tuấn cười đáp:

- - Ha ha, trong bệnh viện mà cứ như nhà mình vậy. Năm nay có khi ăn tết lại vui, mọi năm có khi con phải say từ 30 cho đến mùng 6 tết. Thế chú đã tính đi Tết chưa…?

Chú Đại trả lời:

- - Quà tết thì em bảo Long nó lo xong hết rồi anh ạ. Có khi em đi Tết từ ngày mai...Chứ để sang năm mới ai cũng bận, lại đông đúc nó khó. Quà cáp chỉ là thứ yếu, có khi mình đi trước họ lại vui anh ạ.

Ông Tuấn gật đầu:

- - Ừ, chú tính thế cũng phải..? Thế xong xuôi ở đây ăn tết luôn chứ nhỉ..?

Chú Đại gãi đầu:

- - Em cũng đang lo anh với bố mẹ trong này chán, nhưng xem ra mọi người đã chuẩn bị tinh thần đón tết rồi. Thế nên em cũng có chuyện này muốn nói.

Mẹ chú Đại hỏi:

- - Thế lại định đi đâu hay sao..? Mày chả năm nào có mặt cùng mọi người.

Chú Đại cười:

- - Đúng là con định đi, nhưng là đi ra nhà cu Nam ăn tết...Bố mẹ trong này có anh Tuấn rồi, con hai hôm nữa bận tối mặt chắc cũng không có thời gian. Thế nên cho con ra chỗ cháu Nam ăn tết, tiện con sắm sửa đồ đạc cho bà ngoại hai đứa với tụi nhỏ luôn.

Bố chú Đại gật đầu:

- - Ừ đúng rồi đấy, con tính rất đúng. Thế thì con thay mặt gia đình mình đến thăm bà cùng các cháu ngoài đấy nhé.

Mẹ chú Đại cười:

- - Mà ra đấy ăn tết có sợ làm phiền nhà người ta không..?

Chú Đại nói:

- - Phiền gì đâu, con ra đấy lại thấy vui...Với bác gái cũng quý con lắm. Xong mùng 1 con dẫn các cháu vào đây thăm bố với ông bà luôn.

Ông Tuấn mừng rỡ:

- - Chú nhớ đón hai đứa nó vào đây đấy nhé. Cho anh gửi lời hỏi thăm bà ngoại tụi nhỏ.

Câu chuyện đang vui thì mụ Hường đi vào, nhưng lần này mụ không nhặng xị lên nữa mà tay xách nách mang nào quả, nào đồ tết...Đi cùng có cả đứa con gái mụ là cái Thư. Nhìn mọi người mụ cười tươi như hoa:

- - Chú Đại cũng về rồi đấy à, năm nay cả nhà mình ở trong này ăn tết luôn nhé. Chị mua bao nhiêu đồ đây. Bố mẹ xem thiếu gì thì bảo con luôn để con đi mua.

Chú Đại vẫn không ưa nổi mụ dù mụ đã cố gắng tỏ ra thân thiện:

- - Tết nhất ăn uống bap nhiêu, chủ yếu cái người ta cần là không khí tết...Mà tự nhiên giờ không khí tết bay đâu mất rồi.

Biết chú Đại không mấy vui nên mẹ chú Đại vội nói:

- - Hường đấy à, con cứ kệ nó...Năm nay nó cũng không đón giao thừa ở đây đâu. Sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi hai mẹ con cũng vào đây với thằng Tuấn chứ.

Mụ Hường cười đon đả:

- - Dạ vâng, mẹ con con phải vào đây chứ...Cũng nhờ chú Đại nên mấy hôm nay con cũng thoải mái hơn, không bị sức ép như trước. Mà thôi chuyện năm cũ không nên nhắc lại, năm nay vận hạn nó thế sang năm nhà mình kiểu gì cũng thuận lợi mẹ ạ.

Lâu lắm rồi mới nghe thấy mụ Hường nói được mấy câu lọt tai, dù sao cũng là năm hết tết đến. Cứ tỏ thái độ lại thành ra khiến mọi người khó xử, chú Đại cũng không muốn ai mất vui lên cũng tươi cười, đỡ hộ mụ một số đồ đạc mụ mang đến. Vậy là mọi chuyện trong bệnh viện cũng không có gì đáng lo nữa. Dù ở đâu đi chăng nữa nhưng chỉ cần gia đình sum họp thì đó mới là cái không khí mà Tết mang lại.

Cả ngày hôm sau chú Đại mất tích vì phải lo đi chúc tết sớm khá nhiều nơi. Bận đến mãi sáng ngày 30 chú Đại mới ra được đến nhà bà ngoại Nam mặc dù đã tính ra từ hôm 29 để xem chuẩn bị mua đồ. Mở cổng đi vào chú Đại nhìn thấy ở sân bếp nào là lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lạt buộc...Cu Nam đang kê bếp, chất củi, bé Hạnh cũng nhí nháu nghịch nước rửa lá dong. Bà ngoại đang ngồi trên một cái đòn gỗ nhỏ chuẩn bị mọi thứ. Vậy là bà ngoại chuẩn bị gói bánh chưng, chú Đại nghịch ngợm hét to:

- - HÙ, nhà mình chuẩn bị gói bánh chưng hả bác..?

Nam giật mình quay lại:

- - Chú ra bao giờ mà không ai biết thế..?

Chú Đại cười, bà ngoại trả lời:

- - Vâng, tôi đang chuẩn bị gói bánh đây. Cũng tính là không gói đâu nhưng tết mà không có nồi bánh trưng thì nó không phải tết. Bao năm qua không năm nào bỏ, gói cho con cho cháu nó cũng là cái thú chú ạ.. Mà chú ở lại đây ăn tết với bà cháu tôi luôn chứ.

Con bé Hạnh chạy lại hí hửng:

- - Chú Đại ở lại ăn Tết.

Nam thì vẫn đang chất củi thành đống, chú Đại đáp:

- - Dạ vâng, con ra đây là để ăn tết với nhà mình mà… Bác xem còn mua bán gì để con chạy đi mua luôn..?

Bà ngoại cười:

- - Không cần mua bán gì nữa đâu, tôi chuẩn bị xong hết rồi. Người già lo tết trước đó cả tháng trời chứ hôm nay 30 rồi mới chuẩn bị thì làm sao mà kịp. Năm nay bác Dung lại còn mua cho cây đào, đang nở rộ ra rồi kia kìa...Chú cứ ở đây, thử xem cái không khí tết ở nhà quê chúng tôi có vui hơn thành phố không..Giờ tôi gói bánh chưng, luộc đến đêm vừa luộc bánh vừa đón giao thừa luôn.

Nam nghe thấy bà gói bánh bỏ củi chạy lại nói:

- - Bà nhớ làm cho cháu cái bánh muội nhé..?

Chú Đại không hiểu gì bèn hỏi:

- - Bánh muội là bánh gì hả Nam..?

Nam đáp:

- - Cũng là bánh chưng chú ạ, nhưng gói bé xíu, cái đó bao giờ xong cháu ăn luôn..

Bà ngoại cười:

- - Sư bố mày, có năm nào thiếu của mày đâu mà lo..

Cái Hạnh cũng tị với anh:

- - Cháu cũng muốn một cái…

Bà ngoại cười nhăn cả mắt nói:

- - Rồi năm nay bà làm ba cái cho ba chú cháu mỗi người một cái. Ai thích nhiều thịt, ai thích nhiều đỗ nhớ nói nhé.

Nam giơ tay:

- - Cái của cháu nhiều thịt mỡ..

Hạnh phát biểu:

- - Cháu nhiều đỗ xanh.

Chú Đại cũng hùa theo:

- - Của con cũng nhiều thịt mỡ...Bánh trưng là phải nhiều thịt mỡ mới ngon.

Bà ngoại đáp:

- - Được rồi, hai chú cháu giống nhau quá.

Cả bà chú cháu lấy gạch kê đít ngồi hóng bà ngoại gói bánh, người lấy lá người đưa lạt cho bà. Nhìn những ngón tay của bà ngoại gói bánh nhanh thoăn thoắt, mặc dù không dùng khuôn nhưng cái nào cũng vuông vức đều đẹp. Chú Đại ồ lên:

- - Bác gói bánh siêu thế, không cần khuôn mà vẫn gói được.

Bà ngoại đáp:

- - Mấy chục năm nay rồi mà, gói nhiều thành quen thôi. Ở nhà quê ai cũng vậy hết mà chú.

Chú Đại mặt hiện rõ sự vui mừng, cũng đã quá lâu rồi chú Đại mới được tận hưởng lại cái hương vị tết cổ truyền đậm chất dân tộc như vậy. Không có.gì cao sang, không có những thứ xa hoa, chỉ có mùi gạo nếp, mùi lá dong, mùi hạt tiêu ướp trên những miếng thịt lợn nửa nạc nửa mỡ cũng đủ khiến con người ta nao nức lòng.

Đúng vậy, đây là hương vị tết mà bao năm qua chạy theo cuộc sống hổi hả mà người ta đã dần đánh mất nó rồi nói Tết Nhạt. Tết không Nhạt, chỉ có con người Nhạt mà thôi. Đôi khi sống chậm lại, tận hưởng, cảm nhận bạn sẽ thấy xung quanh ta những giá trị thuộc về bản sắc vẫn có những người gìn giữ cho đến tận mai sau.

Xếp từng cái bánh vuông vức vào một cái nồi khá to, bà ngoại dặn Nam lấy vật nặng chèn lên trên để tránh bánh bị vỡ khi luộc. Những thứ tưởng chừng như đơn giản lại đang được các thế hệ đi trước dặn dò cho lớp cháu con một cách kỹ càng. Củi đã được đốt cháy, Nam mặt mũi nhem nhuốc quay lại nhìn chú Đại cười hì hì:

- - Giờ cho đến đêm công việc của cháu là ngồi trông cái này chú ạ..Mà không ngồi không đâu, chú có thích ăn đồ nướng không..?

Chú Đại nhìn Nam gật đầu, Nam nói với Hạnh:

- - Vào bếp bê rổ khoai với ngô ra đây cho anh. Chiều nay cúng ngày 30 xong, tối chú cháu mình vừa trông bánh vừa nướng đồ ăn. Chú mà thích ăn cá nướng cháu cũng có, trong cái bể không dùng kia cháu vẫn thả mấy con cá rô to trong ấy.

Chú Đại nghe thôi là đã thấy thích rồi, đơn giản nhưng không phải ở đâu cũng có. Tối hôm đó giữa khoảng sân nhỏ trước bếp, ba chú cháu ngồi bên ngọn lửa hồng trông nồi bánh, thi thoảng thằng Nam lại bới bới trong lò ra một hai củ khoai lang thơm phức. Chú Đại nhìn củ khoai bên ngoài đen xì bên trong thì vàng ươm rướm mật cứ nuốt nước bọt ừng ừng. Bé Hạnh thì nhao nhao giơ tay đòi phần to, cả ba chú cháu nô đùa nhau cười vang cả một khoảng sân. Bên trên nhà bà ngoại nhìn xuống cũng khẽ mỉm cười, bà đang chuẩn bị những phong bao đỏ để sang canh là mừng tuổi cho con cháu lấy lộc đầu năm.

Mọi thứ dường như chậm lại, tình cảm trong khúc giao mùa khiến cả ngôi nhà bừng lên ngọn lửa ấm áp. Nhìn con cháu tươi cười rạng rỡ bà ngoại khẽ hướng mắt nhìn lên ban thờ nơi để ảnh ông ngoại, bà rớt nước mắt nhưng nụ cười vui của bà vẫn còn đó.

Gần giáp canh, bé Hạnh tự giác rửa chân tay mặt mũi, con bé thay bộ quần áo mới chú Đại mua cho dịp gần tết. Nó quay lại nhìn bà với nhìn anh mặt nghiêm nghị rồi bước ra khỏi cổng.

“ Đùng….Đùng...Đùng...Đoàng….Đoàng…”

Tiếng những tràng pháo báo hiệu đêm giao thừa từ một vài nhà trong xóm vang lên trước khi quả pháo thùng của Nam kịp nổ.

“ ĐOÀNG “

Bé Hạnh đứng ngoài cổng như chỉ chờ quả pháo của anh trai báo hiệu là nó mở cổng bước vào, trước cửa nhà là bà ngoại, chú Đại và Nam đang tươi cười chờ sẵn, con bé nhe răng cười, cái răng sún ngày trước của nó đã được thay mới, nó hét to:

- - CHÚC MỪNG NĂM MỚI.

Nam với chú Đại chạy nhào ra bế bổng nó lên rồi cười lớn:

- - Bé Hạnh giỏi quá….Nào nào….giờ đến tiết mục Mừng Tuổi...Con chúc bác sang năm mới sức khỏe dồi dào, lúc nào cũng vui vẻ, mạnh khỏe mãi mãi về sau...Chúc Nam càng lớn càng đẹp trai, vạn sự như ý nhé….Còn chú chúc Hạnh hay ăn chóng lớn này, sau này xinh hơn hoa hậu …

Vừa nói chú Đại vừa rút phong bao lì xì cho bà ngoại, cho hai đứa cháu nhỏ. Bà ngoại cũng chúc chú Đại cùng Nam và Hạnh một năm mới hạnh phúc, chú Đại, Nam, Hạnh xếp hàng theo thứ tự bà ngoại phát lì xì.

Bé Hạnh khoanh tay chúc bà ngoại với chú Đại một câu giống nhau, chắc nó đã luyện tập từ trước:

- - Chúc bà sống lâu trăm tuổi.

- - Chúc chú sống lâu trăm tuổi.

Nam chúc bà xong, chú Đại quay ra hỏi:

- - Ơ thế không chúc chú à..?

Thằng cháu đến Tết vẫn không hết đểu, nó cười xong rồi hét to:

- - Chúc chú sang năm mới có Người Yêu.

Bà ngoại nghe xong cười như được mùa, bé Hạnh không biết có hiểu gì không nhưng nó cũng cười, chỉ có chú Đại là ngại đỏ cả mặt. Nhưng bỏ qua ngại ngùng, chú Đại đứng dậy nói lớn:

- - Tất nhiên rồi…..Chúc Mừng Năm Mới….Ha Ha Ha…

- ---------------------------------------------------------------

Tết ́m No - Sum Vầy - Hạnh Phúc nhé tất cả mọi người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.