Dì Ghẻ

Chương 37: Chương 37: Sự thật khó chấp nhận…?




Mẹ chú Đại đưa tay lên ngực ấn chặt lại để cố gắng lấy lại sự bình tĩnh, khẽ thở đều bà nhìn chú Đại nói:

- - Tình trạng hiện giờ của Tuấn nguy cấp lắm rồi con ơi, bác sỹ đang phẫu thuật nhưng...nhưng…

Nói đến đây bà lại nấc, chú Đại gắt:

- - Nhưng...nhưng sao hả mẹ..

Mẹ chú Đại sụt sùi nước mắt:

- - Nhưng bác sỹ nói nó mất nhiều máu quá, khi tỉnh dậy lại chấn động tâm lý, vết thương lại rách ra. Hiện giờ lại rơi vào tình trạng hôn mê sâu, chưa biết bao giờ mới tỉnh lại...Còn nữa...cánh tay...cánh tay phải bác sỹ nói nhiều khả năng không lành lại được…

Nghe đến đây chú Đại chạy vội vã vào trong bệnh viện, theo như lời mẹ chú Đại nói thì tình trạng của bố Nam đang ngày càng tồi tệ. Ban nãy chú Đại mới chỉ hỏi sơ qua bác sỹ về việc ông Tuấn chuyển phòng. Giờ nghe chính miệng mẹ nói chú Đại càng thêm phần lo lắng. Chú định rằng chở bác Dung về xong rồi sẽ quay lại, nhưng giờ chú không thể không đến tận nơi xem tình hình của anh mình ra sao..?

Đến phòng phẫu thuật, chú Đại thấy đang đứng bên ngoài đợi là bố mình, là mụ Hường, là một vài người thân bên nhà ông Tuấn đang nhấp nhổm không yên. Nhìn thấy chú Đại mụ Hường khẽ đứng lùi lại phía sau rồi thút thít lấy tay lau nước mắt. Bố chú Đại cũng thấy hơi ái ngại bởi những ánh nhìn căm ghét của người nhà ông Tuấn đang hướng về phía con mình. Ông nói:

- - Thằng mất dạy này, mày đi đâu cả đêm hôm qua mà tao gọi không được. Mày có biết mày đã gây ra tội gì không..? Anh mày...anh mày đang nằm trong kia không biết sống hay chết kia kìa...Vậy mà mày….mà mày..

Bố chú Đại có lẽ vì quá tức giận mà ông bị tớp lên ngực, nói không hết câu ông cảm thấy khó thở vì bực bội. Mẹ chú Đại vội chạy lại đỡ chồng rồi nói dịu đi:

- - Giờ ông có chửi, có đánh nó cũng không thay đổi được gì. Đây là bệnh viện, con mình còn nằm trong kia ông cứ ầm ỹ lên như thế không hay chút nào…

Nhìn sang bên mụ Hường cùng người nhà ông Tuấn mẹ chú Đại tiếp:

- - Mong mọi người cũng nén sự tức giận lại, cái quan trọng nhất bây giờ là tình hình sức khỏe của Tuấn. Tôi biết mọi người đang nghĩ gì, nhưng nó đã về đây thì nó phải chịu mọi trách nhiệm.

Tuy mẹ chú Đại đã nói thế nhưng mụ Nguyệt vẫn không chịu, mụ sấn sổ lại chỗ chú Đại buông lời cay độc:

- - Thế giờ nếu thằng Tuấn chết thì thằng này nó có phải chết không..? Em trai tôi mà có làm sao thì các người cũng đừng hòng yên...Đến giờ này con ông bà vẫn nhởn nhơ ở đây là chúng tôi nhân nhượng lắm rồi.

Mẹ chú Đại cúi mặt xuống nói nhỏ:

- - Chuyện này….chuyện này….

Chú Đại đặt tay lên vai mẹ rồi nhìn mụ Nguyệt nói:

- - Nếu anh Tuấn mà có mệnh hệ gì các người thích giết, thích bỏ tù tôi thế nào cũng được. Còn hiện tại tôi cũng xin mọi người hãy để tôi ở đây cho đến khi biết được kết quả. Sau đó nếu mọi người sợ tôi trốn thì báo công an bắt tôi, tôi chấp nhận.

Mụ Nguyệt tức tối:

- - Mày..mày….vẫn còn nói thế được à..?

Chú Đại đi qua mụ như không quan tâm, chú tiến lại cánh cửa phòng phẫu thuật đứng đó khoanh tay chờ đợi cho dù trong lòng có rất nhiều ngổn ngang lo lắng không giống như lời nói mạnh mẽ vừa rồi. Hơn một tiếng sau cánh cửa phòng phẫu thuật mới được mở, một vị bác sỹ bước ra, khẽ tháo chiếc khẩu trang y tế trên mặt xuống vị bác sỹ trung niên nhìn mọi người đang đứng bên ngoài bằng ánh mắt buồn bã. Vị bác sỹ nói:

- - Ở đây là người nhà của bệnh nhân Tuấn phải không ạ..? Trước tiên phải thông báo cho mọi người một tin buồn đó là cánh tay phải của bệnh nhân Tuấn không thể nối lại như trước được. Còn tin vui đó là anh ấy đã qua cơn nguy kịch, tuy mất rất nhiều máu nhưng may mắn trước đó thể trạng của anh ta khá tốt, nếu là người cùng tuổi mà bị mất máu hai lần như vậy thì đã không cứu được. Để tránh trường hợp bệnh nhân bị kích động như hôm nay tôi khuyên mọi người đừng thông báo gì về cánh tay của bệnh nhân. Vì vết chém sâu, đứt cả xương bả vai nên ảnh hưởng nặng nề đến một số dây thần kinh. Bệnh nhân sẽ khó làm chủ được tâm lý sau khi tỉnh dậy. Hơn nữa lần này chưa biết khi nào bệnh nhân sẽ tỉnh...Mong mọi người thường xuyên theo dõi và chú ý đến vấn đề tôi vừa nói. Giữ được mạng sống cũng coi như may mắn rồi, mọi người nên vui vì điều đó.

Chú Đại vội hỏi vị bác sỹ:

- - Bác sỹ...bác sỹ nói cánh tay của anh ấy không nối lại được như trước là sao ạ…? Sao lần trước bác sỹ chỉ nói sau khó làm được việc nặng thôi mà..? Sao giờ lại thành ra như vậy..?

Bác sỹ nhìn chú Đại tỏ vẻ ngạc nhiên, ông khẽ giải thích:

- - Có lẽ anh mới đến nên không biết, đầu giờ chiều hôm nay anh Tuấn có tỉnh lại nhưng ngay sau đó không hiểu vì sao anh ta lại lên cơn co giật rồi vùng dậy, khi chúng tôi chạy đến thì phát hiện vết thương đã bị rách, những phẫu thuật cấp cứu trước đó theo vết thương há miệng mà hỏng hết. Vết rách lần hai này càng khiến cho tình trạng bệnh nhân trầm trọng hơn. Tuy không phải bỏ cả cánh tay nhưng sau này cũng rất khó để cử động chứ đừng nói làm việc nhẹ.

Chú Đại hỏi tiếp:

- - Sao vừa mới tỉnh dậy anh ấy lại nổi điên lên được ạ….? Các bác sỹ có thiếu xót ở đâu không ạ..?

Vị bác sỹ khẽ cau mặt đáp:

- - Chúng tôi rất tận tình cứu chữa bệnh nhân, việc nạn nhân có biểu hiện như vậy có lẽ do chấn động về tâm lý, do mất máu nhiều dẫn đến ảo giác, hoặc khi vừa tỉnh dậy người nhà bệnh nhân đã nói điều gì đó gây bất ổn về tinh thần cho nạn nhân. Một người khỏe mạnh thường rất sốc sau khi họ bị mất đi một phần thân thể. Ví dụ như anh bây giờ nếu khi tỉnh dậy anh biết mình bị mất đi một chân liệu anh có giữ được bình tĩnh. Với những người có tính khí nóng nảy thì việc chấp nhận sự thật đối với họ đôi khi lại là cả một bệnh án. Sốc Tâm Lý cũng là một bệnh nguy hiểm.

Nói xong vị bác sỹ chào mọi người rồi đi khỏi, tất nhiên việc ông Tuấn qua khỏi là điều đáng mừng. Nhưng những gì vị bác sỹ nói vừa rồi không hề sai một chút nào, ở đây ai cũng biết ông Tuấn trước giờ là một người luôn ăn to, nói lớn, bất cần không kiêng nể ai. Và với cái bản tính cùng bản lĩnh đó ông Tuấn rất tự tin về bản thân khi đi ra xã hội. Sẽ ra sau khi sau này ông Tuấn chỉ còn lại một cánh tay bởi cánh tay phải còn lại coi như đã phế bỏ. Điều đó chắc chắn là một điều khó có thể chấp nhận đối với bố của Nam.

Từ một người khỏe mạnh tháo vác, ưa làm những việc nặng liên quan đến sức vóc, cánh tay phải ấy từng nhấc bổng một thằng choai choai cầm dao lao vào ăn thua đủ với chú Đại ném thẳng ra ngoài cửa sổ mà sau này đến cử động còn không được thì con người đó sẽ vượt qua thế nào. Chỉ nghĩ thôi mà chú Đại chảy nước mắt, chú vội quay đi để không ai nhìn thấy.

Bố mẹ chú Đại thở phào nhẹ nhõm vì ông Tuấn vẫn giữ được tính mạng. Mẹ chú Đại nắm tay chồng khẽ nói:

- - Tạ ơn ông trời, may mà ông vẫn còn thương hai anh em nó…

Tuy nhiên mụ Hường lại không nghĩ vậy mụ nước mắt ngắn dài nói như nấc:

- - Con người có hai bàn tay để làm nên tất cả..mà giờ mất đi cánh tay phải thì sau này biết phải làm sao..? Sao tôi khổ thế này…

Điều mụ Hường nói quả không sai, đó cũng chính là điều mà chú Đại đang nghĩ đến. Không phải chú Đại lo anh mình sẽ không thể làm được gì nữa vì hiện giờ công việc của hai anh em vốn cũng không cần động tay động chân vào. Nhưng từ trước đến giờ mọi người trong xã hội đều nể ông Tuấn vì cái bản lĩnh hơn người, đôi khi là liều lĩnh. Tuy tầm tuổi trung niên nhưng bọn em trẻ ở dưới cũng phải chịu thua ông Tuấn về đọ sức. Chẳng thế mà ông Tuấn đã từng nói trước mặt anh em bạn bè:

- - Con người có sức khỏe là quan trọng nhất, sau này đến cả việc đi tắm mà còn không tự làm được thì lúc đó uống mẹ thuốc chuột tự tử cho người khác đỡ khổ.

Khi ông Tuấn nói câu đó mọi người nghĩ ông Tuấn chỉ nói cho vui, chỉ có chú Đại biết tính anh đã không nói gì trước mặt đông người thì thôi, còn đã nói thì đó là những câu nói thật về suy nghĩ của bản thân. Lúc đó chú Đại còn cười:

- - Khỏe như anh bây giờ chắc phải đến 90 tuổi mới phải uống thuốc chuột tự tử.

Nhưng giờ đây với tính khí của anh mình, chú Đại là người hiểu rõ nếu tỉnh lại lần nữa sự việc sẽ càng trầm trọng. Không ai biết ông Tuấn nghĩ gì nếu hay tin mình bị phế một cánh tay. Câu nói của mụ Hường như xoáy vào tim chú Đại một nhát dao chí mạng, một nhát dao tội lỗi, một nhát dao trách nhiệm khi chồng mụ vẫn còn đang mê man bất tỉnh. Cũng phải thôi, mụ Hường có thể rất yêu ông Tuấn, mụ muốn độc chiếm ông Tuấn cho bản thân mình nhưng ngoài ra mụ còn một lý do khác đó chính là dựa vào cái uy của ông Tuấn để làm ăn.

Trong giới xã hội, những mảng miếng kiếm tiền có rất nhiều, ai cũng có thể nghĩ ra để làm nhưng ai là người có thể làm và làm được lâu dài, ổn định thì lại là chuyện khác. Không phải tự nhiên ông Tuấn có cái uy khiến những kẻ khác phải sợ, không phải tự nhiên mà mụ Hường có thể dễ dàng làm ăn như vậy. Tất cả đều có lý do và cái lý do to nhất khiến những kẻ nhăm nhe phía sau phải nể nang thì hiện tại đang nằm một chỗ. Với mụ Hường đó là nguy cơ không hề nhỏ. Bởi vì sao, nếu họ không sợ uy của ông Tuấn nữa thì những chỗ mụ cho vay, những chỗ mụ đổ tiền vào đang nằm trước nguy cơ phá sản.

Hơn nữa mụ với ông Tuấn chỉ vừa mới cưới nhau, có lẽ trong thâm tâm mụ cũng không muốn phải rước một cục nợ ngay đến cử động cánh tay cũng không làm được. Đối với những người thật sự yêu quý ông Tuấn như bố mẹ chú Đại, chú Đại hay những người thân trong gia đình việc ông Tuấn qua cơn nguy kịch là điều đáng mừng, nhưng với mụ Hường mụ cần nhiều hơn như thế. Bố chú Đại nói:

- - Tuy bác sỹ nói vậy nhưng cánh tay không bị cắt bỏ thì sau này biết đâu lại có kỳ tích, chỉ cần sống là được rồi, chuyện làm ăn hai anh em vẫn có thể thay đổi cho nhau. Tuy khó chấp nhận với một người như Tuấn nhưng nó cũng sẽ hiểu. Cái quan trọng bây giờ chúng ta phải làm sao nói cho nó hiểu sau khi nó tỉnh dậy. Nếu còn xảy ra chuyện như chiều nay thì thật sự nguy hiểm….

Chú Đại nhìn bố khẽ trả lời:

- - Chuyện này bố yên tâm, con đã có cách….

Quay sang bên người nhà ông Tuấn, chú Đại cất lời:

- - Giờ anh Tuấn đã qua cơn nguy hiểm, nhưng em mong gia đình hãy để việc chăm sóc anh ấy lại cho em. Em sẽ ở đây trông chừng anh ấy. Có thể mọi người sẽ không tin tưởng em vì việc em đã gây ra nhưng em xin mọi người cho em được ở lại đây. Em sẽ không vào phòng bệnh mà chỉ đứng ở ngoài cũng được. Có thể ngày mai anh ấy sẽ tỉnh lại hoặc có thể lâu hơn, em cũng mong điều này giúp em cảm thấy đỡ áy náy phần nào. Mọi phát sinh em sẽ đứng ra chịu hoàn toàn trách nhệm. Hơn nữa mọi người ở đây ai cũng có công việc riêng, ngay cả vợ anh Tuấn cũng không thể túc trực 24/24 được vì còn con nhỏ. Xin mọi người hãy để em được sửa sai….

Chú Đại cúi gập mình trước mặt người nhà ông Tuấn, mụ Nguyệt vẫn chua ngoa:

- - Sao lại để thằng chém nó ở đây trông nó được.

Bố mẹ chú Đại cũng tiến lại cầu xin:

- - Xin mọi người, anh em nó trước giờ thân nhau như ruột thịt. Gia đình tôi cũng mong mọi người cho em nó cơ hội chuộc lỗi, hai vợ chồng tôi cũng xin đứng ra nhận trách nhiệm thay con. Xin hãy đợi đến khi thằng Tuấn tỉnh lại rồi mọi người muốn làm gì thằng Đại thì làm. Con dại cái mang chúng tôi không dám oán trách nửa lời.

Những người khác cũng mủi lòng:

- - Ừ, gia đình người ta mấy hôm nay cũng nhiệt tình trông nom thằng Tuấn.

- - Một mình cô Hường cũng không lo nổi đâu, chúng ta thì còn gia đình cũng sao cỏ thể ở đây cả ngày được.

- - Vậy thôi thì cũng là cho họ một cơ hội….

Cuối cùng người nhà ông Tuấn cũng đồng ý cho dù mụ Nguyệt và mụ Hường tỏ vẻ không mấy chấp nhận. Nhưng những điều chú Đại vừa nói không ai có thể phủ nhận, mụ Nguyệt bảo với mụ Hường:

- - Em cũng nên cẩn thận, kẻo nó lại chém luôn cả em, có trông chồng thì khi nào nó về thì em trông hoặc có bố mẹ nó ở đây thì em hãy vào.

Mụ Hường làm bộ gật đầu, hai con mụ nói như chỗ không người mặc dù có cả bố mẹ chú Đại đứng đó. Vừa lúc đó mụ Hường có điện thoại, nghe xong mụ nói:

- - Khổ quá, đứa con bé nhà con ở nhà không ai trông, con thì ở đây cả ngày. Giờ con phải về qua nhà xem cháu nó thế nào. Bố mẹ trông nhà con hộ con một lát, chốc con vào.

Mẹ chú Đại cười hiền từ:

- - Không sao, con cứ về nghỉ ngơi đi, ở đây đã có mẹ lo. Ngủ nghỉ cho khỏe mai hãy vào..

Mụ Hường rối rít cảm ơn, tiếp đó là người nhà ông Tuấn cũng lần lượt ra về. Chỉ còn lại đó gia đình chú Đại. Lúc này bố chú Đại mới nói:

- - Thế giờ mày có gì muốn nói với bố mẹ không…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.