Dì Ghẻ

Chương 33: Chương 33: Tình thế đảo chiều…




- - Đại, đứng lại...Mày còn dám bỏ đi à..?

Không ai khác đó chính là bố của chú Đại và tất nhiên cả mẹ của chú cũng đến. Nhưng điều khiến chú Đại giật mình không phải do nhìn thấy bố mẹ, mà đi cùng hai ông bà còn có con rắn độc khốn nạn mà ban sáng chú còn muốn chém. Chú Đại nhìn mụ Hường bằng cặp mắt của loài dã thú khát máu, nhưng ngay lập tức con dã thú đó đã phải nhún nhường vì lời của cha mẹ:

- - Sao mày lại làm thế hả thằng bất nghĩa này, anh em chúng mày từng đỡ cả dao kiếm cho nhau cơ mà….Sao mày lại làm thế hả hả..?

Giọng bố chú Đại gay gắt, mẹ chú Đại thì không cầm được nước mắt, bà thút thít:

- - Con nói đi chứ Đại, hay là con phát điên rồi...Dù có xảy ra chuyện gì thì anh em cũng không bao giờ được làm như thế với nhau.

Chú Đại lại im lặng, chú đã cố không báo cho bố mẹ biết về tình hình của ông Tuấn vì sợ ông bà sẽ lo lắng. Tuy chỉ là con nhận nhưng bố Nam đối với ông bà cũng một mực cung kính quý trọng, đổi lại bố mẹ chú Đại cũng coi bố Nam như con đẻ. Bao năm nay cả gia đình đâu có lúc nào phân biệt con nhận hay bố mẹ nuôi.

Ban nãy bố mẹ chú Đại nói vậy cũng là do ngày trước chú Đại cũng một thời ngang dọc xã hội, cũng có kẻ thù khắp nơi. Trong một lần lái xe bị bọn côn đồ đánh úp chú Đại đã phải bỏ chạy, vì trong địa bàn của kẻ thù lại không nắm rõ được đường đi nên chú Đại bị bọn nó bao vây, lùng sục. Anh em tuy đông nhưng nước xa không cứu được lửa gần, lúc đó chỉ có ông Tuấn cùng một người anh em khác đến giải vây cho chú Đại. Chuyện chỉ đâu có như thế, ông Tuấn còn là người đỡ cho chú Đại một nhát chém vào lưng. Kể ra những chuyện chém giết cứ như người trong giang hồ. Nhưng quả thật trong cái xã hội đồng tiền làm chủ này kiếm được một người anh em tốt dám xả thân cứu mạng mình thật sự khó khăn.

Sau lần đó mọi người trong nhà lại càng trân trọng ông Tuấn hơn, chú Đại cũng vậy, lúc nào chú cũng kính trọng người anh của mình. ́y thế mà giờ đây thứ tình cảm anh em “ xã hội” thiêng liêng đó đang bị tất cả mọi người dè bỉu coi thường bởi vì em lại cầm dao chém anh. Bố mẹ hỏi dồn dập lý do vì sao..? Chú Đại nhìn hai người không biết giải thích thế nào vì chú biết con mụ độc ác kia nếu đã gọi cho bố mẹ chú thì có nghĩa mụ đã thay đổi hoàn toàn sự thật. Và cái sự thật nghiệt ngã nhất là chú Đại chém ông Tuấn bất tỉnh thì lại rõ như ban ngày, cho dù có là lý do gì đi chăng nữa thì tất cả tội lỗi lúc này đều đổ lên đầu người đàn ông nhỏ bé. Im lặng một lúc chú Đại khẽ trả lời:

- - Con...xin...lỗi..

Hai ông bà lắc đầu ngao ngán, bỏ mặc chú Đại đứng đó hai ông bà quay lại nói với mụ Hường:

- - Thôi...giờ con dắt bố mẹ vào chỗ thằng Tuấn nó nằm...Con dại cái mang, thật không ngờ lại có ngày hôm nay..Bố mẹ tưởng mấy năm qua mày quen anh, quen em tốt đã thay đổi tính nết..Nhưng giờ mày lại làm bố mẹ thất vọng như cái thằng mày cách đây 6 năm về trước...Mà không mày trước đây bên ngoài có như thế nào nhưng về nhà không bao giờ làm hại đến người thân...Mày còn tồi tệ hơn lúc đó Đại ạ…

Mụ Hường liếc liếc sang chú Đại rồi nói với hai ông bà:

- - Đây, đây...Bố mẹ đi theo con, nhà con nằm ở phòng hồi sức ngay trong này….

Họ bỏ đi để mặc người đàn ông nhỏ bé đó với những lời đay nghiến còn đau hơn cầm dao cứa vào thịt, nói như vậy là chú Đại lại tiếp tục khiến bố mẹ thất vọng trong khi mấy năm qua chú đã cố gắng thay đổi bản thân. Mọi chuyện càng lúc càng đi quá xa, giờ đây người anh thân thiết vẫn đang hôn mê bất tỉnh, gia đình thì không tha thứ, người ngoài thì lấy đó làm lý do để dè bỉu...Tất cả mọi thứ đều quay lưng lại với người đàn ông này, còn một mình, chú Đại lặng lẽ đánh xe ra khỏi bãi rồi đi mất, tiếng bánh xe ma sát với mặt đường, chiếc xe lao vút đi với một tốc độ khá nguy hiểm.

Ông Tuấn vẫn chưa tỉnh, ở trong bệnh viện mọi người nhao nhao lên khi vừa thấy mụ Hường, họ tò mò, hiếu kỳ xem lý do là vì sao. Một loạt câu hỏi được đặt ra như kiểu phóng viên phỏng vấn người nổi tiếng:

- - Cô có sao không..? Không thấy cô đâu tôi cứ tưởng cô cũng bị nó chém rồi..?

- - Thế nguyên nhân làm sao mà lại như thế này..?

- - Sao không báo công an…? Cứ để yên cho nó như thế à..?

- - Vào đây hết thì nhà cửa ai trông..?

Không có một câu hỏi nào về con ông Tuấn như nào, giờ nó ở đâu...Hình ảnh đứa bé gái 7 tuổi dường như không có chút ấn tượng nào trong suy nghĩ của những người họ hàng bên nội. Mụ Hường làm vẻ mặt lo lắng, nước mắt khẽ chảy thành dòng trên khuôn mặt nham hiểm của mụ:

- - Em nào có biết đâu, hai vợ chồng em ăn sáng xong đang ngồi uống nước thì nó chở con gái anh Tuấn về. Chẳng để vợ chồng em nói gì nó bảo anh Tuấn là phải bỏ em ngay không có ngày em hại chết cả nhà anh ấy. Nói xong nó cầm cái cốc thủy tinh định đập vào đầu em, may sao anh Tuấn giơ tay ra đỡ hộ…..

Bà Nguyệt sốt sắng:

- - Thế rồi sao nữa….Xong nó chém thằng Tuấn luôn à..?

Mụ Hường tiếp tục:

- - Dạ vâng, lúc đó anh Tuấn lao vào can thì bị nó đánh lại. Em sợ quá nên chạy vào phòng, anh Tuấn không giữ được nó nên nó chạy xuống bếp lấy dao. Em đóng cửa trong phòng không nhìn thấy gì, chỉ biết hai người giằng co nhau ghê lắm, nó cứ lấy dao chém khắp nơi. Cuối cùng em chỉ nghe thấy tiếng kêu của chồng. Nhưng do sợ quá em không dám mở cửa ngay. Lúc sau mở ra thì em thấy sàn nhà toàn máu là máu, bên ngoài người ta đứng xem bảo họ đưa anh Tuấn đi viện rồi.

Có người hỏi tiếp:

- - Thế làm sao mà nó lại chém, phải có nguyên nhân gì chứ...Không lẽ nó điên hay sao mà vào nhà không nói nằng gì đòi chém người luôn..?

Mụ Hường sụt sùi trong nước mắt khẽ nói:

- - Chắc có lẽ tại con bé Hạnh lại nói gì với chú ấy nên chú ấy mới thế. Lúc hai chú cháu nó chở nhau đi ăn sáng vẫn còn vui vẻ lắm. Lúc về mới như thế, không biết nó lại kể cho chú nó những gì…

Bố mẹ chú Đại vội hỏi:

- - Thế con bé giờ nó ở đâu, bố thì nằm viện mà con thì ở đây...Chết thật, giờ chắc con bé ở nhà một mình mà từ sáng đến giờ..?

Mụ Hường câm lặng không nói câu nào, bởi vì mụ cũng không biết bé Hạnh giờ ra sao. Khi đó bị chú Đại dọa cho vỡ mật, lúc chú Đại đi mụ vội vàng nhặt lấy mấy bộ quần áo rồi bế con Thư đi về nhà trong. Mụ quên mất trên tầng còn một đứa trẻ nữa đó là bé Hạnh. Mà không chắc mụ quên, có nhớ đi chăng nữa thì mụ cũng chẳng đưa con bé đi cùng. Vì mụ là người biết rõ lý do vì sao chú Đại lại nổi điên nhất. Mụ ẫm ờ không biết trả lời ra sao thì một người bên nội nhà bé Hạnh nói:

- - Bọn trẻ con là hay nói năng linh tinh lắm, mà nhất là hai anh em cái thằng đấy. Từ ngày xưa hai đứa nó đã không ưa gì các bác các cô bên nội rồi. Gặp nó có mở mồm chào đâu.

Bà Nguyệt được thể:

- - Con em thì nhỏ không biết gì, chứ cái thằng lớn á, mặt nó lầm lỳ như sát thủ. Giống y con mẹ nó ngày xưa cũng lầm lỳ ít nói. Còn con bé kia chắc tí tuổi đầu mà đã ăn nói bố láo linh tinh rồi.

Bố chú Đại lắc đầu trước những lời lẽ của những kẻ người lớn đang đứng đấy, chẳng ai trả lời câu hỏi ban nãy của ông về bé Hạnh, khẽ kéo tay vợ ra ngoài ông nói:

- - Bà gọi ngay cho thằng Đại bảo nó quay về nhà xem cháu nó giờ thế nào. Không thì đón cháu nó đến đây lát tôi với bà về trên kia thì đưa cháu nó đi cùng. Bố nó thì bị con mình chém thế này, vợ hai thì hỏi con chồng ở đâu không biết, các bác các cô bên nội chắc cũng không có cảm tình với nó. Khổ thân bọn trẻ, có tội tình gì đâu...Bà gọi nhanh đi…

Mẹ chú Đại phải gọi đến hai lần chú Đại mới bắt máy, có lẽ do chú đang lái xe. Lát sau bà quay lại nói với chồng:

- - May quá ông ạ, thằng Đại nó chở con bé ra nhà bà ngoại ở với anh nó từ chiều rồi. Nãy tôi cứ lo mà nóng hết cả ruột.

Bố chú Đại khuôn mặt bây giờ mới khẽ giãn ra một chút. Ban nãy đứng kia nghe những lời dè bỉu của mọi người ông cũng thấy vô cùng khó chịu. Khẽ tiến lại gần ông nói:

- - Cháu Hạnh giờ đang ở ngoài bà ngoại rồi, con không phải lo nữa nhé.

Mụ Hường giả bộ xuýt xoa mừng rỡ, một bà cô lên tiếng:

- - Mà cho nó ở đấy luôn đi, từ trước đến giờ cô chú sống với nhau có làm sao đâu. Tôi thấy từ ngày đón hai đứa nó về đây xảy ra bao nhiêu chuyện. Thằng Tuấn đúng là toàn rước họa vào thân, anh anh em em, con con cái cái….Bao năm nó có nhận đâu…

Mẹ chú Đại không chịu nổi bèn nói:

- - Chuyện xảy ra là do người lớn gây lên, mọi người đừng cái gì cũng quy tội cho bọn trẻ con. Chúng nó còn nhỏ lắm, con dại cái mang, tôi bây giờ cũng chỉ biết thay mặt con xin lỗi và đứng ra nhận trách nhiệm. Mong mọi người đừng nói những lời không hay kẻo người ngoài nghe được người ta lại nghĩ mình không tốt. Hay các cháu nó nghe được chúng nó lại buồn.

Mụ Hường thấy vậy rưng rưng nước mắt:

- - Bố mẹ đừng nói thế, bố mẹ coi anh Tuấn như con thì con cũng là con của bố mẹ. Con cũng không trách gì chú Đại đâu. Có lẽ do chú ấy nghe cháu nó nói gì không hay nên mới thế, tại mới đây cả hai đứa nhà con đều phải vào viện vì ngộ độc thức ăn. Có lẽ chú ấy lại nghĩ xấu cho con rồi thêm cháu nó nói vào thành ra mới như này….Nhưng cả con gái con cũng phải vào viện nằm, giờ cháu nó vẫn đang ốm ở nhà mấy hôm nay có ăn uống được gì đâu. Cháu Hạnh còn khỏe lại nhanh hơn cả con của con, chẳng lẽ con lại đi đầu độc cả con mình hay sao…

Nói xong câu đó mụ khóc như mưa dầm thấm đất, nhưng mụ khóc rất tài, mụ khóc có đoạn, khóc có cung bậc cảm xúc. Ngắt cơn khóc mụ lại nói:

- - Ông bà không tin khi nào anh Tuấn tỉnh lại ông bà cứ hỏi xem có phải con chăm cháu nó còn hơn con đẻ của mình. Ăn cái gì là cháu cũng được ăn trước, thích cái gì là con bảo chị nhường cho ngay. Tuần nào chủ nhật con cũng bảo anh Tuấn dẫn các con đi chơi, ra ngoài gặp mọi người có khi nào con phân biệt con anh con tôi đâu. Lần trước thàng Nam vào viện anh Tuấn cũng đã nghi ngờ con rồi, mãi sau này anh ấy thấy con đối xử tốt với cháu gái thì hai vợ chồng mới hòa hợp. Ai ngờ giờ đến anh em anh ấy lại cũng nghĩ con là người không ra gì...Sao tôi khổ thế này.

Dứt lời là mụ lại khóc, lần này mụ khóc nức nở, khóc như cơn mưa rào mùa hạ, bất chợt đến và xối xả liên hổi. Những cái vỗ vai, những lời an ủi từ phía anh chị em ông Tuấn vang lên:

- - Thôi thôi, cô đừng khóc nữa...Cô sống như thế nào chúng tôi đều biết cả mà.

- - Xã hội bây giờ nó vậy đấy, mình tốt với chúng nó nhưng chúng nó có tốt với mình đâu. Sau này nó lớn lên không chửi lại mình là may rồi.

Rồi nào thì là:

- - Ông trời có mắt, gái có công chồng không phụ cô ạ. Cứ sống tốt để phúc cho con gái về sau..

Mụ Hường khẽ đưa tay lau nước mắt rồi nhìn mọi người với dáng vẻ tội nghiệp. Nhìn sang bố mẹ chú Đại mụ khẽ nói:

- - Giờ cũng muộn rồi, hay để con đưa bố mẹ về nhà con ngủ nhé. Ở đây đã có con lo rồi, ông bà cứ về nghỉ ngơi đi có gì con sẽ thông báo. Mà con đưa bố mẹ đi ăn cái gì đã…

Thiết nghĩ bệnh viện không cho ở lại đông người, hơn nữa hai ông bà có ở đây cũng không giúp được gì nên bố mẹ chú Đại đồng ý đi về:

- - Ừ vậy con cho bố mẹ về nhà, sáng mai bố mẹ lại vào. Thôi không cần ăn uống gì đâu, cũng không có tâm trạng gì mà ăn.

Mụ Hường gật đầu rồi bảo bà Nguyệt trông chừng ông Tuấn một lát. Mụ đưa bố mẹ chú Đại về mà trong lòng như mở cờ trong bụng. Mụ tự nhủ đúng là trong cái rủi lại có cái may, ban sáng mụ sợ đến gần chết, lúc đó mụ suýt nữa thì lên cơn đau tim. Nhưng rồi sau khi đưa con trốn về nhà trong mụ vắt óc suy nghĩ tìm cách để bảo vệ cho mình. Cuối cùng mụ nghĩ ra một vé bảo hộ hoàn hảo đó chính là bố mẹ chú Đại.

Dù sao thì việc chú Đại chém ông Tuấn là chắc chắn, chỉ cần gọi điện cho bố mẹ chú Đại thì mụ sẽ nghiễm nhiên thoát tội. Không chỉ thế mụ còn có cơ hội nhổ đi vài cái gai trong mắt. Bất giác mụ khẽ mỉm cười vì trong đầu mụ vừa nảy ra một kế hoạch thâm độc khác ngay khi chồng vẫn đang hôn mê bất tỉnh……...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.