Vài năm nay, dân “ngoại tịch” dấy lên nghi ngờ không có “nếp sống thanh lịch”, “do Hà Nội tự nghĩ ra để tôn mình lên”... Thời buổi lòng tin hiếm hoi, nghi ngờ tràn ngập xã hội thì họ chả tin người Hà Nội từng thanh lịch cũng dễ hiểu.
Trong ca dao tục ngữ Hà Nội có nhiều câu về thanh lịch:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh
Thực ra chữ thanh lịch không chỉ có trong hai câu đó. Kẻ Láng, vùng đất ven Thăng Long nổi tiếng thiên hạ về rau húng, loại rau này trồng ở đây có mùi thơm, cay nhẹ, nhai kỹ rất bùi và chỉ trồng trên đất Láng mới ra mùi vị đó còn trồng nơi khác rau mất đi mùi thơm. Và Kẻ Láng hái rau mang vào kinh thành phải “Nhờ người thanh lịch gánh lên kinh kỳ”. Còn câu:
Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu
cũng là ca dao về nếp sống thanh lịch đất Thăng Long. Nhưng thế nào là thanh lịch? Có hai cách giải thích, một số nhà nghiên cứu cho rằng thanh lịch là người có đạo đức, văn hóa, có chữ nghĩa và nói gọn lại phong cách sống cao đẹp. Vì có gốc chữ Hán nên một số khác lại tách hai chữ ra để giải thích từng chữ một. Theo họ, thanh nghĩa là biết trọng điều thanh cao trong tư tưởng, thanh đạm, thanh bạch trong cuộc sống đời thường, thanh nhã trong cử chỉ, hành vi, nói năng... Còn lịch là lịch lãm, lịch thiệp, lịch sự... Rồi họ chỉ ra muốn có thanh thì phải rèn luyện và muốn có lịch thì phải từng trải, biết sàng lọc và tích lũy kinh nghiệm...
Nếu theo quan niệm thứ hai thì Thăng Long-Hà Nội có rất ít người thanh lịch vì chỉ người có tuổi mới từng trải, mới có độ lịch lãm... Cho nên quan niệm thứ nhất là hợp lý hơn. Tuy nhiên thanh lịch phải hiểu rộng hơn, nó không chỉ là ứng xử, giao tiêp nà nó còn là cách ăn, kiểu mặc, nếp nhà... Thanh lịch xuất hiện từ đòi hỏi của chính cuộc sống nhưng cũng rất có thể do phong cách sống của người Thăng Long-Hà Nội chưa cao đẹp nên cần phải tạo ra nó như cái chuẩn để mọi người hướng tới?
Không chỉ trong ca dao, một số tác phẩm viết vào đầu thế kỷ 19 mà tiêu biểu là Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768-1839), người từng làm thầy dạy con cái một nhà buôn ở phường Diên Hưng (tương ứng phố Hàng Ngang hiện nay) cũng nói đến người Thăng Long thanh lịch. Về uống rượu ông viết: “Khi uống rượu, người ta chỉ uống bằng cốc nhỏ, uống cho mặt bừng khí và nếu uống say quá bị chê cười”. Về thú chơi hoa, cây cảnh ông viết: “Người xưa cũng thường cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật, trong cách chơi mà vẫn ngụ ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả”. Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh (1916-2009) biên khảo món ăn tráng miệng sau bữa cỗ của người Hà Nội như sau: “Khi mãn tiệc, đồ tráng miệng, một đĩa đào nguyên trái được bưng lên, bên cạnh đĩa đựng trái đào còn một đĩa cơm nếp nóng. Thực khách không quen lại phải chờ để hiểu không lẽ nào ăn đào với cơm nếp! Thì ra không phải: đào thường có lông như lông măng, nếu cứ ăn sẽ rát lưỡi... phải cầu kỳ lấy trái đào lăn vào cơm nếp nóng lông đào sẽ dính vào cơm nếp...”. Trong bài viết 30 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa folklore ở Hà Nội, giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Thăng Long-Hà Nội có phong độ văn hóa riêng, có một sắc thái ngôn ngữ riêng: tiếng Hà Nội; một bản lĩnh riêng: sành sỏi, thông minh, can trường, khoáng đạt; một cách ứng xử giao tiếp riêng: ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch”. Hà Nội không phải là “trên” (từ giáo sư hay dùng chỉ cấp trên) mà giáo sư Vượng phải “kiêng khem” nên những nhận định của ông mang tính khách quan.
Nếu “Bụt chùa nhà không thiêng”, thì xin trích dẫn từ các cuốn sách viết về Thăng Long-Hà Nội của các nhà thám hiểm hàng hải, truyền giáo, nhà buôn phương Tây... từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Dù mang tính chủ quan, phóng đại, miệt thị nhưng cũng có những đoạn khá khách quan, công bằng. Về tế nhị trong giao tiếp ứng xử, cuốn Mô tả vương quốc xứ Đàng Ngoài của Samuel Baron viết năm 1683 có đoạn: “Gặp nhau họ không chào theo kiểu Cậu khỏe không?mà là Thời gian qua cậu đi đâu thế? và Thời gian qua cậu làm gì vậy? Còn nếu biết người mình gặp vừa ốm dậy hoặc qua thần sắc đoán có vẻ ốm yếu thì họ chào theo kiểu Mỗi bữa cậu ăn mấy bát cơm? hay Cậu ăn có ngon miệng không?”. Samuel Baron là con lai có bố từng là trưởng thương điếm Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Thăng Long và mẹ là người Thăng Long, Baron sống mấy chục năm trên đất này nên rất am hiểu phong tục, tập quán Đại Việt và Thăng Long.
Thầy tu Richard trong cuốn Lịch sử tự nhiên, dân số và chính trị xứ Đàng Ngoài, trong chương III có nhận xét về phụ nữ Thăng Long: “Nói chung họ ăn mặc rất khiêm nhã” và “cái áo bên ngoài thường là màu sẫm nhưng bên trong lại là những chiếc áo đủ các màu sắc”. Richard tỏ ra vô cùng thích thú cái yếm - “nó bằng vải trắng hay miếng lụa có hình trái tim để làm đẹp”. Mô tả không có lời bình nhưng rõ ràng toát lên vẻ dịu dàng, biết cách ăn mặc nhưng cũng rất kín đáo của phụ nữ Thăng Long. Về nét văn hóa ứng xử khi có khách đến ăn cơm tại một gia đình trung lưu, ông viết: “Trong giao tiếp họ khá thoải mái khiến cho khách cũng thoải mái, cuối bữa ăn họ đưa ra những cái khăn bông trắng hay có hoa văn cho khách lau tay”. Ông cũng khen “tiếng Đàng Ngoài bay bổng dễ nghe hơn tiếng Đàng Trong”.
Mặc dù có quan điểm thực dân và nhiều khi phóng đại cái xấu nhưng trong Ở Bắc Kỳ (Au Tonkin, xuất bản ở Paris lần thứ 2 năm 1885), Paul Bonnetain, phóng viên của báo Le Figaro đến Bắc Kỳ theo chân đội quân xâm chiếm thuộc đia phải khen phụ nữ Hà Nội biết cách ăn mặc. Trong Những năm tháng đầu tiên của chúng ta ở Bắc Kỳ (Nos premières annés au Tonkin, xuất bản ở Paris năm 1889) của Charles Labarthe cũng có những chi tiết nhỏ về người Hà Nội biết cách ứng xử dù ông ta là một gã thực dân chính thống, phó cho tổng trú sứ Paul Bert rồi quyền tổng trú sứ từ 11-1886 đến 1-1887. Cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của bác sĩ Hocquard, ngoài những đoạn miệt thị, chê bai An Nam, Hà Nội, thì cũng có rất nhiều đoạn miêu tả về nếp sống Hà Nội cùng với những nhận định khách quan. Từng ấy ví dụ chưa đủ để có thể khẳng định Hà Nội xưa có nếp sống thanh lịch nhưng nó cũng cho ta một hình dung có cái gì đó khác với những nơi khác ở An Nam. Nếu đem nó trộn vào với nhận định của nhà Nho Phạm Đình Hổ, giáo sư Trần Quốc Vượng, Đinh Gia Khánh, biên khảo của Toan Ánh... và lời kể của lớp người cao tuổi ở Hà Nội thì rõ ràng nếp sống thanh lịch là có thật.
Trả lời phỏng vấn giới truyền thông khi được hỏi về nếp sống thanh lịch, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định Hà Nội có nếp sống thanh lịch nhưng nó chỉ bắt đầu từ lúc Hà Nội là thành phố nhượng địa, nghĩa là có chính quyền đô thị. Các quy định chi tiết trong quản lý đô thị, lại thêm người dân bị văn minh Pháp cưỡng bức rồi tự nguyện mới hình thành nếp sống thanh lịch. Và ông không tin một xã hội theo kiểu truyền thống với phố xá còn lắm nhà tranh, chỗ thò ra thụt vào lại có thể có nếp sống đẹp đẽ đến thế. Vậy trước đó nếp sống Hà Nội thế nào?
Kể từ khi Thăng Long trở thành kinh đô Đại Việt, các nghề thủ công của các làng nghề gốc Thăng Long bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa. Dù bị văn hóa làng xã chi phối nhưng nền kinh tế hàng hóa cũng đã tạo ra sự khác biệt trong nếp nghĩ, lối sống của cư dân Thăng Long. Theo thời gian, kinh tế hàng hóa Thăng Long ngày càng phình to thì hố ngăn cách giữa văn hóa đô thị với nông thôn dù còn nhập nhằng nhưng đã rõ nét bởi nền kinh tế hàng hóa đòi hỏi phải có văn hóa tương ứng. Cùng với kinh tế hàng hóa, những quy tắc của Phật giáo rồi Nho giáo trong trị quốc của những triều đại phong kiến, nhất là triều Lê với các huấn điều, chỉ dụ, luật lệ có tác động mạnh đến lối sống đô thị hơn các vùng quê vì “gần lửa thì rát mặt”. Thương mại muốn phát triển phải có cạnh tranh nên sinh ra “buôn có bạn, bán có phường”, câu thành ngữ không chỉ mang ý nghĩa sự liên kết là cần thiết mà còn phải biết nhìn nhau, đó chính là văn hóa thương mại của tầng lớp thị dân. Văn hóa nội sinh do bốn yếu tố: Luật lệ, kinh tế, phong tục và tôn giáo, Thăng Long có đủ bốn yếu tố này nhưng Thăng Long có tới ba nghề “sĩ, công, thương”, lại thêm văn hóa nước ngoài thì chắc chắn lối sống phải khác với các vùng quê chỉ có nghề “nông”. Có thể khẳng định văn hóa bác học của tầng lớp tinh hoa đã ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành lối sống và tính cách cư dân Thăng Long nhiều hơn bất cứ vùng nào trên Đại Việt Không thể phủ nhận những chính sách của người Pháp làm thay đổi bộ mặt đô thị, từ nhà cửa, đường sá, kiến trúc... Cũng không thể phủ nhận văn hóa, văn minh Pháp có ảnh hưởng tới nhiều người Hà Nội, nhất là tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên chỉ từ năm 1888 đến năm 1945 mà hình thành nếp sống thanh lịch Hà Nội xem ra là điều không thể. Ngay như giặc Minh trong 20 năm đô hộ muốn đồng hóa văn hóa Đại Việt vào văn hóa Hán bằng cách đốt sách, phá bia, bắt những người tài sang Trung Hoa nhưng cũng đâu dễ thay đổi nhanh chóng trong khi người Pháp lại không cưỡng bức dân An Nam phải theo văn hóa, văn minh của họ thì muốn Pháp hóa sẽ cần rất rất nhiều thời gian. Thay đổi nhận thức là một quá trình, thay đổi nhận thức của một thành phố bảo thủ thì cần nhiều thời gian hơn nữa. Do vậy chỉ có thể nói rằng người Pháp có công làm cho lối sống Hà Nội thanh lịch hơn. Nếu ví thanh lịch như đoàn tàu thì đầu tàu là tầng lớp trung lưu.
Năm 2000, chị Xuân Ngọc, phóng viên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam là con dâu Hàng Đào kể, mẹ chồng chị đã cao tuổi nhưng hễ nói có khách đến chơi là bà phải vào trong nhà thay áo, đi ra đường phải chải tóc sửa sang quần áo. Ở Hà Nội hiện vẫn có rất nhiều câu chuyện như chị Xuân Ngọc kể. Song nếp sống thanh lịch đã xuống cấp sau 1954. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng người từng tự nhận mình là “nhà văn thiên về ca ngợi” nhưng năm 1956, trong bài Một ngày Chủ nhật, ông mô tả: “Quần áo phần lớn màu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ. Hà Nội đã mất nhiều màu sắc. Gần mép hè, một cặp vợ chồng trẻ sánh vai nhau đi. Người phụ nữ có bộ mặt xinh tươi, bộ tóc uốn mềm mại, bộ áo dài cắt khéo. Sau một thời gian dè dặt, phụ nữ Hà Nội lại bắt đầu trang điểm. Nhưng họ vẫn chưa được tự nhiên lắm. Dù sao bộ áo của người phụ nữ trẻ kia cũng là màu tươi duy nhất trong đám người đồng phục trên quãng đường này”...“Nhưng hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi”... Còn nhà văn Nguyễn Tuân, có giai thoại về ông giai đoạn này, đâu như ông đang đi bộ thì một thanh niên nọ va vào rồi mở mồm xin lỗi, nhà văn cảm ơn lại “vì anh biết xin lỗi”. Thanh lịch bị gắn với lối sống tư sản nên người Hà Nội “tự xuống cấp” cho thân mật hơn, quần chúng hơn. Nước hoa, son phấn thì tuyệt không dám vì nó là sản phẩm của bọn thực dân bóc lột, song có người nói những câu rất bình thường đôi khi cũng mang vạ. Bà Diễm, con gái phố Bát Sứ kể rằng khi đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm, một hôm đang ở ký túc xá bà bị đau bụng, bạn gái cùng phòng cõng bà lên trạm y tế trường, khi hết đau bà trở về phòng cảm ơn cô bạn đã giúp mình. Lời cảm ơn bị cô lớp phó nghe thấy và hôm sau bà Diễm bị đưa ra trước lớp kiểm điểm vì “Người giáo viên nhân dân tương lai ăn nói khách sáo. Là đồng chí thì phải giúp nhau, ơn huệ gì ở đây, đó là kiểu ăn nói của giai cấp tư sản”. Tuy nhiên nhiều người vẫn liều lĩnh mang lối sống tư sản vì họ không thay đổi được.
Nhưng đầu thế kỷ XXI, thanh lịch là “bóng chim, tăm cá”. Trong bài viết Hà Nội đáng thương đăng trên báo Hà Nội mới năm 2012, nhà văn Trần Chiến viết “Người Hà Nội hằng tự hào về truyền thống ‘thanh lịch’, ‘hội tụ, kết tinh, lan tỏa’ của mình. Điều đó là có thật. Nhưng còn một sự thật khác, là tứ xứ đổ về đây khai thác, tận dụng, bòn rút thành phố. Xin không cắt nghĩa nguyên nhân (nông thôn đang trống toang), chỉ nói rằng nó làm thành phố luộm thuộm, tự phát, nhem nhếch hơn. Hai quá trình thành thị hóa nông thôn và nông thôn hóa thành thị cứ cuồn cuộn song hành. Trong gia đình ‘Hà Nội mới’ trưởng giả, con cái hùng hục híp hóp chát chít trong khi ông bố chồm hỗm hai chân trên xôpha xỉa răng chanh chách”...