CHƯƠNG 17
Mới đầu Arnold cũng không cho tôi biết chuyện Andemund bị cách ly thẩm tra. Tôi chỉ cảm thấy bẵng đi một thời gian rất dài không được gặp anh ấy. Hồi này tự dưng Arnold có vẻ rất rảnh, anh ta bắt đầu biến tướng ra đủ kiểu hẹn hò với tôi.
Tôi đã chuyển về nơi ở cũ nhưng hàng tuần vẫn đều đặn đến dinh thự tướng quân để dạy cậu ấm con Joe. Được cái dạo này thằng nhỏ hư đốn ngoan hơn trước nhiều, không bắt tôi phải chạy lòng vòng khắp nhà kiếm nó nữa mà bữa nào cũng ngồi đàng hoàng chờ tôi trong phòng đọc. Arnold cũng ở đó. Anh ta làm bộ bận rộn dữ lắm, lúc thì đăm chiêu đọc sách, lúc thì mở cửa sổ hít khí trời, lúc thì hỏi “Đói bụng không Alan, tôi xuống bếp bảo người hầu làm ít điểm tâm nghen?”, rốt cuộc anh ta ẩy luôn thằng nhỏ qua một bên để chen vào ngồi cạnh tôi rồi mở sách ra: “Hồi này tự dưng tôi thấy thích số học lắm nhé, cậu giải thích hộ tôi đoạn này viết vậy là thế nào nhỉ?”
Thằng nhỏ hư đốn kéo áo anh ta: “Anh họ nè, sách anh giở ngược rồi.”
Arnold ho húng hắng rồi lẳng lặng gấp cuốn “Nguyên lý số học của triết học tự nhiên” của Newton lại, im ắng rút về chỗ ngồi, gãi gãi mũi.
Việc anh ta tuyệt nhiên không đi tán gái nữa làm tôi cực kỳ bất an.
Cuộc sống ảm đạm luôn dẫn dắt người ta tìm đến với những niềm vui nho nhỏ. Câu lạc bộ số học tôi từng tham gia ở Cambridge tổ chức một bữa tiệc, chỉ có giáo sư số học và sinh viên tham gia. Được mời là tôi đi, cốt để thử xem có gặp được người quen rồi kiếm cơ hội xin việc làm không.
Tiệc mở tại vườn hoa sau nhà một vị giáo sư, và tôi gặp Arnold. Mọi người đang túm năm tụm ba tán gẫu, anh ta thì cười tủm tỉm cầm ly rượu tiến tới chỗ tôi ngồi.
Tôi hỏi anh ta: “Anh không đi tán gái hở, sao mà rảnh rỗi đến dự mấy bữa tiệc này?”
Anh ta tỉnh bơ nâng ly rượu lên rồi công khai đá lông nheo với tôi: “Bé Alan ơi, tôi đang tán cậu mà!”
Tôi chỉ còn biết nhún vai ngán ngẩm nói với mấy người ngồi cạnh: “Anh ta đang giỡn đó.”
Trong tiệc có mấy món bánh ngọt thường ngày rất khó mua, tôi tìm một cái bàn nhỏ để ngồi tập trung ăn bánh pudding mận. Cách đó chừng năm sáu mét, cạnh hàng rào có một nhóm bốn năm người đang đứng thảo luận về vi phân tích phân. Tự dưng tôi nghe thấy một cô gái nói: “Vậy là anh làm việc cho Hội nghiên cứu golf và cờ vua à?”
Người trả lời cô ta đứng chìm trong đám đông, đầu đội mũ mềm, cổ quấn khăn vòng quanh, giọng nói rất lạnh nhạt: “Có thể cho là vậy.”
Giọng cô gái vang lên thật ngọt ngào: “Tôi là Emily Roth, từng đăng luận văn về Đại số trừu tượng trên tạp chí “Khoa học và Logic”.”
Tôi chợt nhớ ra cô ấy, bọn tôi cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ số học, năm thứ ba chính cô ấy đã giới thiệu luận văn về Lý thuyết nhóm của tôi cho Dr. Watts.
“Giờ tôi đang dạy trong trường thôi.” Emily nói tiếp: “Mấy người bạn cũ thì đi Mỹ cả rồi, ở châu Âu lúc này không an toàn… à còn một người vẫn ở Cambridge, Alan viết Lý thuyết nhóm ấy… anh biết cậu ấy không?”
Tôi ngạc nhiên đến mức phải quay sang nhìn bọn họ.
Người đàn ông kia hình như cũng rất kinh ngạc: “Cô đang nói về Alan Castor sao? Giờ anh ta đang làm gì vậy?”
Emily hất cằm về phía tôi rồi vén lại mờ tóc quăn xòa trước trán: “Chính là người tóc nâu đó đó. Hình như cậu ta chẳng làm gì đâu, nghe nói cuối tuần thì đi làm gia sư. Thật ra Alan có tài lắm.”
Dù tôi bù đầu chiến đấu với “Mê” nhưng trong mắt người ngoài mà nói quả là giống như chẳng làm gì cả… hai năm cuối đại học chỉ nhốt mình trong phòng sinh hoạt câu lạc bộ số học viết một cuốn luận văn không bao giờ được công bố, tốt nghiệp rồi cũng không buồn bước chân đến Viện nghiên cứu số học hay tìm việc trong trường. Vẫn đang quay mặt về phía đó nên tôi gật gật đầu chào bọn họ, ngờ đâu người đàn ông vừa nói chuyện cũng đứng lên.
Cách một đám đông nên tôi nhìn không rõ mặt anh ta, chỉ thấy anh ta gỡ chiếc mũ mềm xuống rồi hơi cúi đầu chào tôi.
Sau đó anh ta ngồi lại, tiếp tục ẩn mình vào nhóm người đang tán gẫu.
Anh ta nói: “Vì “Mê”.”
Giọng không to không nhỏ, chỉ vừa đủ nghe.
Arnold ngồi cạnh tôi đã bắt đầu tán trên trời dưới bể với mấy cô bé, được một lát anh ta chợt quay lại nhìn nhìn về phía người đàn ông nọ, hoang mang hỏi: “Alan, gã đằng đó là ai thế? Tôi thấy hắn nhìn cậu hoài.”
Cuộc chiến này, nam giới ngoài mười bảy tuổi đều lần lượt nhập ngũ, trước những điểm ghi danh vào quân ngũ người ta xếp hàng dài hết cả dãy phố, đi đến đâu cũng có thể gặp những bài tuyên truyền, diễn thuyết kêu gọi chiến đấu vì nước Anh, quân Áo Đen ủng hộ Quốc xã liên tục xung đột với dân thành thị, tin đồn thất thiệt bay rợp trời. Chính phủ quy tụ các nhà khoa học lại để thành lập một đội Vận trù học (Văn phòng OR). Tôi có người bạn làm việc trong phòng thí nghiệm của chính phủ, chuyên nghiên cứu điều kiện bố trí tối ưu của ngư lôi và phương pháp xạ kích hiệu quả nhất cho pháo cao xạ. Andemund từng bảo với tôi rằng số học là ngành học kinh khủng nhất trong mọi ngành. Một khi những nhà số học bước ra khỏi thế giới của sách vở, vận dụng kiến thức của họ để phục vụ chiến tranh, tự nhiên họ sẽ trở thành vũ khí đáng sợ nhất.
Sau này trong trận không kích London, từ 200 phát pháo cao xạ bắn hạ một máy bay Quốc xã chúng tôi chỉ cần cần bắn 20 phát, đó chính là thành quả của đội Vận trù học.
Đó là một mặt trận không có khói súng, mà tôi cũng muốn cống hiến một chút gì đó.
Tôi nói với Arnold, anh ta lại an ủi tôi thế này: “Cậu không phải làm gì cả, Alan, chỉ cần yên tâm yêu tôi là được.”
Đã vậy thì tôi thử.
Lúc đó anh ta đã biết chuyện Andemund bị cách ly thẩm tra, thậm chí biết cả nguyên nhân nhưng tuyệt nhiên không hé răng nói với tôi một lời. Anh ta chỉ liên tục đòi hẹn với tôi, đưa tôi đi xem phim, dạo công viên, đến xem buổi diễn của nhạc sĩ người Ba Lan sống lưu vong tại Anh. Giữa rạp tối om, anh ta ôm eo tôi, hỏi: “Bé Alan này, bỏ Andemund đi, theo tôi cả đời nhé?”
Tôi nhắc nhở anh ta: “Bọn tôi bỏ nhau lâu rồi.”
Trong bóng tối Arnold kéo chệch cổ áo măng-tô đang dựng thẳng đứng của tôi rồi hôn cổ tôi. Anh ta thì thầm bên tai tôi: “Tôi muốn cả trái tim cậu cũng quên ngài ấy để ở bên tôi kia. Tôi không mang trách nhiệm nặng nề như ngài ấy, tôi có việc làm, tôi có thể nuôi cậu nghiên cứu số học cả đời, rồi mình sẽ nắm tay nhau đi xem phim thế này mỗi tuần. Cậu thấy sao?”
Lúc đó trên màn ảnh đang là cảnh một đôi tình nhân cuồng nhiệt ôm hôn nhau, tôi cắn răng nhìn trừng trừng màn hình, làm như không nghe gì hết.
Qua một hồi lâu, rốt cuộc Arnold nhích ra, thở dài.
Thằng nhỏ hư đốn mới thật là tội nghiệp, bị gã anh họ bắt đúng giờ có mặt tại phòng học, bắt làm chân long tong tặng hoa hồng cho tôi, bắt dẹp hết tranh ảnh vẽ vời, đổi thành sách số học.
Tôi dửng dưng cầm một bông hồng lên, nói với Arnold: “Tự anh đưa tôi cũng được chứ gì.”
Anh ta hai tay đút túi quần, bước tới từ sau cánh cửa: “Tình yêu ơi, tôi muốn cho cậu bất ngờ mà.”
Anh ta hỏi tôi: “Alan này, mình hẹn hò cả tháng rồi, cậu có cảm giác gì không?”
Tôi nghiêm túc nghĩ một hồi rồi đáp thành thật: “Không.”
Gã bác sĩ tâm lý có vẻ rất thất vọng, anh ta cụt hứng ngã phịch xuống ghế, ngửa cổ than: “Quỷ tha ma bắt! Nhưng tôi thì có rồi, giờ sao đây?!”
Arnold tán gái lần nào chẳng có cảm giác, thế nên tự anh ta khắc biết phải làm sao, không đến lượt tôi lo.
Lúc tôi nhận được thư mời từ cục tình báo trung ương là một buổi chiều tháng mười hai.
Sáng hôm sau tôi lên London, tới số 367 đại lộ Hoàng Hậu, gặp ngài Broom. Đó là một địa điểm cực kỳ bí mật của tổ chức, số nhà không đề tên người, người đi lại bên trong đều mặc quân phục. Ngài Broom là một viên chức cấp cao, mặc quân phục hải quân. Ông ta tiếp tôi tại bàn làm việc của mình.
Ông ta tán thưởng việc tôi giải được “Mê” và hỏi tôi có đồng ý gia nhập “Hội nghiên cứu golf và cờ vua” không.
“Alan Castor, cậu sẵn lòng bước tiếp con đường của ngài Castor và phu nhân, để cống hiến hết mình cho Quốc vương và nhân dân nước Anh một cách thầm lặng chứ?”
Tôi thề sẵn lòng.
Sau đó là một cuộc thẩm tra tư cách hết sức rườm rà. Tôi bị cách ly khoảng ba ngày, vị sĩ quan hải quân Broom nọ xác nhận đi xác nhận lại tôi có phải “Alan Castor” hay không, ông ta hỏi rất chi tiết về thời gian tôi sống cùng cha mẹ, rồi thì soi đi soi lại mặt tôi với ảnh chụp trong hồ sơ lý lịch.
Rốt cuộc người đàn ông bốn mươi tuổi này mỉm cười với tôi sau cặp kính mắt dày cộp nhỏ xíu: “Nói cho cậu biết chuyện này, Alan. Chúng tôi đã nhận được tài liệu về cậu từ lâu rồi, tất cả đều thể hiện rằng năng lực của cậu rất xuất sắc. Nhưng ngài Garcia vẫn thấy không thể tin tưởng cậu và từ chối nhận cậu vào trang trại Plymton. Giờ thì Hiệp sĩ C của chúng tôi cho rằng cậu đáng tin tưởng. Không những ông ấy tin cậu mà còn tin cả gia đình cậu.”
Một giây lúc ấy tôi đã ngu ngơ hỏi: “Hiệp sĩ C là ai cơ?”
Sau này tôi mới biết khoảng thời gian thử tôi yêu đương Arnold và quên bẵng Andemund ấy… anh ấy đã phải vật lộn trong một cuộc chiến sinh tử. Bề ngoài ảnh vẫn tỏ ra bình thản như không, kỳ thực Andmund đang đứng trước cổng địa ngục, chỉ sơ ý một li cũng đủ để bị lôi xuống vực sâu không đáy. Lúc đó tổ chức tình báo độc lập của hải quân sắp sát nhập với MI-6, bọn họ muốn đẩy người của mình lên làm lãnh đạo. Mà sự việc của Lindon vừa vặn trở thành sợi dây dẫn lửa. Ngẫm kĩ lại cũng có thể nhận ra chỉ bằng khả năng của Lindon cậu ta không thể mua được đến hai gián điệp trong tổ chức. Có người đã ngầm ủng hộ cậu ta. Chuyện này rốt cuộc đã ảnh hưởng đến lợi ích của bao nhiêu người, không ai biết cả.
Huống hồ trên nữa còn có những tầng quyền lực tôi không thể nhìn thấu được, ví dụ như Whitehall và Hiệp sĩ C, người mà quan điểm của ông ta có thể đánh đổ nhận định Andemud đặt ra với tôi ngay từ phút đầu tiên, thậm chí có thể quyết định vị trí lãnh đạo tối cao của MI-6 sau này sẽ thuộc về Andemund hay người của hải quân.
Tìm hiểu sâu hơn nữa sẽ biết rằng Lindon không phải là tất cả vấn đề. Vì tôi, Andemund đã che giấu thêm một sự thật. Đó chính là lý do đích thực khiến Andemund ngăn cản tôi gia nhập trang trại Plymton.
Mà tầm nghiêm trọng của chuyện đó đủ khiến anh ấy mất đi lòng tin của Whitehall, và phải nhận ba tháng thẩm tra cách ly khắc nghiệt.
Sau khi anh ấy đi, tôi được quyền đến trang trại Plymton và nhận được một công việc vinh quang chính thức: phụ trách công tác giải mã tại Văn phòng số 7.
Tin tức văn phòng số 7 được tiếp cận đương nhiên không thể quan trọng bằng văn phòng số 1 của Lindon trước kia, bởi vậy hệ thống mật mã cũng tương đối đơn giản hơn. Một lần nữa tôi bước vào trang trại Plymton, đi qua con đường mòn quanh co để tới dãy nhà nhỏ của văn phòng số 7.
Tôi đẩy cửa ra, đặt tập giấy tờ của mình xuống cái bàn gần nhất và chào hỏi đồng sự mới.
Đồng sự mới đang ngồi trên bậu cửa sổ uống cà phê, mũi khoằm, tóc quăn đen dài ngang vai.
Anh ta uể oải quay lại nhìn tôi: “Xin chào, Alan.”
Tôi nhớ ra giọng nói nhạt nhẽo này, tôi từng nghe nó trong bữa tiệc của câu lạc bộ số học.
“Vì “Mê”.” anh ta giơ tách cà phê lên, chào tôi lần nữa: “Rốt cuộc cậu cũng sẵn sàng làm chút việc tử tế rồi hả.”