Diary In Grey Tower

Chương 37: Chương 37




CHƯƠNG 37

Tôi lật đi lật lại bản dịch nhưng không phát hiện ra sai sót nào, đó chính xác là tên tôi. Đoạn tin này được gửi đi từ khoảng đầu tháng bảy, trước khi cuộc không chiến ở Anh bắt đầu. Tôi liên tục tự hỏi, là ai, ai muốn liên lạc với tôi, và với mục đích gì.

Tác giả của đoạn tin này biết rõ ít nhất ba điều.

Một: tôi là Alan Castor.

Hai: ngày sinh của tôi.

Ba: tôi ở phòng 1 trang trại Plymton, phụ trách giải mã “Mê”.

Vì thế mà ông ta (bà ta?) mới cố tình thiết kế mật mã có dạng hết sức tương đồng với “Mê”, để cuối cùng nó đến được văn phòng của tôi. Phương pháp mã hóa phức tạp đến không tưởng, vậy mà khóa mã rốt cuộc chỉ là một hàng số đơn giản – sinh nhật tôi, điều đó đủ để chắc chắn người giải được nó chỉ có thể là tôi.

Quan trọng hơn nữa chính là nội dung đoạn tin đó: Alan Castor?

Tôi không rõ đây là một thử thách, hay là một lời chào hỏi.

Tôi thử giải nốt hai đoạn tin còn lại. Kết quả thực sự kinh hoàng.

Một cái chúng tôi chặn được ngày hai bảy tháng chín:

Ba ngày nữa, chuyển đổi kế hoạch không kích ban ngày thành không kích đêm.

Tôi nhớ rõ khi đó, bắt đầu từ mùng một tháng mười, ban ngày máy bay Đức đột ngột giảm tần suất tấn công, hầu hết chúng chỉ xuất hiện lúc xẩm tối hoặc đêm khuya, thả một đợt bom rồi vội vã trở về căn cứ.

Đoạn tin thứ hai là một tuần sau đó:

Mở rộng phạm vi không kích ra ngoài London.

Ngày thứ tư sau khi chặn được tin này, Birmingham và Liverpool bị máy bay Đức tập kích giữa đêm, thành phố chìm trong biển lửa.

Trang giấy nháp mỏng manh chi chít mực đen bị ánh nắng thu xuyên thấu như trong suốt. Tôi bắt đầu tự hỏi không biết có nên đưa cho Andemund xem không.

Vậy mà Andemund lại đến tìm tôi trước.

Bọn tôi lái xe đi hóng gió cuối tuần. Ngoại thành London có nhiều đại lộ rộng thênh thang, hai bên đường cơ man là cây cổ thụ xòe tán, lá cây bị mùa nhuộm thành màu vàng sáng lung linh hay đỏ sậm rực rỡ. Chùm quả nhựa ruồi treo trên hàng rào, nấm bắt đầu chen nhau mọc trong góc ruộng.

Chúng tôi đi ngang qua một cánh đồng lúa mạch đang gặt, Andemund dừng xe lại, hỏi tôi: “Alan, em thích nông thôn chứ?”

Tôi nhấp nhổm đáp: “Em lớn lên ở Bedford. So với London thì khác gì nông thôn.”

Ảnh nghĩ ngợi một lát rồi nghiêm nghị hỏi tiếp: “Quan hệ của em với nhà bác thế nào?”

“Tháng nào chẳng gửi tiền cho ổng.”

Hình như Andemund đang phân vân điều gì đó, vì những ngón tay xỏ găng trắng của ảnh cứ không ngừng gõ khẽ lên tay lái.

“Alan, về nhà bác đợi anh đi.” anh ấy nói: “Giờ vẫn còn kịp.”

Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Đợi anh là sao? Anh định làm gì?”

Andemund chẳng có vẻ gì là muốn trả lời tôi. Cặp mắt màu lục sẫm của ảnh nheo lại, ảnh quay mặt về phía mảnh ruộng đã gặt xong non nửa. Bên này là biển vàng mượt mà trù phú, bên kia lúa gặt chất đống dưới đất, đàn quạ đen cách đó không xa nhớn nhác kêu có vẻ rất thèm thuồng.

Một hồi lâu sau, ảnh mới nói: “Edgar yêu em, phải không?”

Tôi gật đầu.

“Em cũng yêu cậu ta, đúng không?”

“Về một nghĩa nào đó… đúng thế.” tôi ngừng lại một chút: “Nhưng chỉ là bạn bè.”

Hình như Andemund khẽ thở ra. Ảnh quay lại, híp mắt cười, xoa đầu tôi.

“Gần đây cục tình báo sẽ có biến động lớn. C sẽ từ chức. Ông ta lựa chọn đầu hàng thay vì chiến đấu, đó là sai lầm lớn nhất của ông ta. Thực tế ông ta đã phạm quá nhiều sai lầm, không còn thích hợp với vị trí hiện tại ở cục tình báo nữa.”

“Ai sẽ lên thay?”

“Anh.” Andemund đáp: “Sẽ rất nhanh thôi. Em về quận Bedford đợi anh đi.”

Tôi sửng sốt.

“Đến bao giờ?”

“Đến khi chiến tranh chấm dứt.”

“Chà, cưng này, C từ chức thì liên quan gì đến em?”

Ngón tay mảnh dài của Andemund khẽ vuốt ve má tôi, lớp vải dệt bao tay mang theo hơi ấm của nắng thu. Cử chỉ của anh ấy sao mà dịu dàng.

“Vì em là mối uy hiếp duy nhất với anh. Anh không hy vọng C dùng em để kiểm soát anh.”

“Ý anh là C có thể gây khó dễ cho em à?” tôi thật không dám tin: “Ông ta lấy đâu ra cớ…”

“Rất nhiều cớ… ví dụ như mẹ em làm việc cho tình báo Đức, bạn tốt nhất thời đại học của em thuộc đảng Quốc xã. Hai người vẫn giữ quan hệ thư từ, thậm chí sau này còn có cả… quan hệ thể xác. Alan, nghe anh này, về nông trại của bác em ở Bedford đi, đợi anh. Chiến tranh kết thúc nhất định anh sẽ đến tìm em.”

Xe chúng tôi dừng trên con lộ vùng quê ngoại ô London, ánh dương ấm áp, hai bên đường rợp lá vàng kim. Trên đầu chúng tôi là bầu trời nước Anh xanh biếc thơ mộng.

Andemund muốn tôi rời khỏi cơ quan tình báo.

“Anh biết cơ mà, dù mẹ em làm việc cho tình báo Berlin nhưng không có nghĩa là em phản quốc.” trong giây lát tôi thấy cơn giận trào lên: “Dù em ngủ với Edgar cũng đâu phải lỗi của em! Mẹ kiếp anh biết tất cả cơ mà!”

“Nhưng những lão già ở bồi thẩm đoàn không biết. Nghe lời anh đi, Alan.” Andemund nắm lấy tay tôi, siết thật chặt.

Một lúc lâu sau anh ấy mới nói: “Anh yêu em.”

“Anh sợ sự có mặt của em sẽ ảnh hưởng đến địa vị của anh ở cục tình báo chứ gì?”

“Không, Alan!”

Không thể kiềm chế cơn kích động được nữa, tôi vùng đứng dậy, túm cổ áo Andemund. Tôi thấy đau đớn khôn kể, cảm nhận được hai vai mình run rẩy, cả người rung lên bần bật, cuống họng bỏng rát vì gào thét.

“Tình yêu ơi, anh đã lợi dụng em bao nhiêu lần? Lần nào em cũng suýt chết! Lena, Edgar… có bao giờ anh nói trước với em một lời không, rồi cuối cùng anh ngang nhiên xuất hiện cứu giúp em. Anh có biết cảm giác bị người bạn thân thiết nhất phản bội ra sao không? Chỉ cần anh ngầm ý trước với em một lời… chỉ cần một câu ‘đi đường cẩn thận’ mà thôi. Em bị nhốt trong cái phòng tối tăm không bao giờ thấy ánh mặt trời ấy, mọi hy vọng của em chỉ còn là một ngày nào đó được gặp lại anh. Chúng ta sẽ hạnh phúc, sẽ yêu nhau vĩnh viễn, phải thế không?”

Có một số điều nếu ta không đụng chạm đến, chúng có thể mãi mãi ngủ yên trong đáy lòng ta… nhưng chỉ cần khơi dậy, chúng sẽ lập tức trở thành cơn đại hồng thủy, không bao giờ dằn nén được nữa.

Tôi nghe thấy giọng mình lạc đi: “Nhưng rốt cuộc thì sao, em uy hiếp lợi ích của anh, anh bảo em ra đi. Chiến tranh kết thúc anh sẽ ở đâu, ai mà biết được? Phải chứ, anh yêu? Liệu lúc ấy anh còn nhớ đến gã Alan Castor từng theo đuổi anh ư, giáo sư Wilson?”

Andemund không phản kháng, ảnh để mặc tôi siết cổ áo ảnh, gào thét vào mặt ảnh. Gương mặt anh ấy vẫn đẹp thanh tú như buổi nào, với hàng mi dài ủ rũ đầy bi thương.

Tôi đã gần như mất trí, chỉ biết điên cuồng lay anh ấy.

Cuối cùng anh ấy ôm lấy tôi, ôm rất chặt, khiến tôi không cách nào giãy giụa được nữa.

Anh ấy nói nhẹ nhàng: “Nếu chiến tranh kết thúc mà anh không thế đến tìm em, nghĩa là anh đã chết. Anh yêu em, Alan.”

“Vậy thì để em ở lại. Phòng 1 còn cần em.” tôi cố chấp nói: “Chỉ mình em có thể đối phó với ‘Mê’.”

Lại một hồi im lặng, rồi anh ấy đáp: “Được.”

Chuyện cứ thế kết thúc ở đó. Tôi bắt đầu phân vân không biết có nên kể chuyện mật mã nọ cho Andemund không. Việc này xem như cơ quan tình báo Berlin muốn liên hệ với tôi, một khi báo cáo lên nó nghiễm nhiên sẽ thành nhược điểm chết người của tôi. Huống hồ trước mắt tin tức chẳng có bao nhiêu, mà cơ bản là chẳng khác gì thông tin phòng 1 đã giải mã được, dù có báo cũng chẳng ích gì.

Tôi quyết định chờ thêm một thời gian nữa.

Arnold thì rảnh muốn chết. Anh ta bắt đầu siêng mò đến trang trại Plymton hơn, bữa nào cũng mặc blu trắng, sợi dây đồng hồ vàng lòng thòng thò ra từ túi áo ngực, đứng ngả ngớn cạnh bàn làm việc của tôi: “Chu choa, bé Alan ơi, bữa nay vẫn đẹp trai quá đi.”

Tôi thật tình cảm ơn anh ta: “Cảm ơn.”

Thời gian ấy tinh thần tôi khá tệ, gã bác sĩ tâm lý cũng có vẻ chán đời không kém, bọn tôi thường đứng dựa hàng tường gạch đỏ của trang trại Plymton, vừa vung vẩy chân tán phét vừa đếm máy bay Đức liệng qua đầu.

Anh ta ngậm thuốc lá: “Mười hai chiếc, từ trưa đến giờ.”

“Hình như mười ba chứ.” tôi nói.

Arnold cãi phớt tỉnh: “Mười ba xui xẻo lắm. Tôi bảo mười hai là mười hai.”

Tôi hỏi anh ta: “Tôi nhớ trước anh không hút thuốc cơ mà?”

“Trước cậu cũng đâu sầu đời thế này.”

“Biến đi, đàn ông sành đời mới biết buồn tình chứ bộ.” tôi huých cùi chỏ anh ta: “Chứ anh sao?”

“Đàn ông đau khổ hút thuốc trông đẹp trai hơn.”

Tôi hỏi lại gã bác sĩ tâm lý: “Anh làm sao mà đau khổ?”

Arnold rít một hơi dài, ngẩng đầu lên, lim dim mắt: “Vì trước tôi không đủ chân thành, người tôi yêu bị người ta giật mất rồi.” anh ta quay lại nhìn tôi: “Bé Alan, ôm người ta một cái an ủi đi.”

Tôi ôm anh ta một cái, vỗ vỗ lưng anh ta: “Đáng lắm. Anh coi tôi tán Andemund nè, chưa bao giờ lo ra em nào khác đâu.”

Gã bác sĩ tâm lý có vẻ rất tổn thương: “Cưng ơi, có lệ quá. Ôm thêm cái nữa đi.”

Nghĩ đến Andemund, đột nhiên tôi lại thấy ảm đạm.

Arnold kể nhiều về công việc của anh ta. Khéo léo né tránh những vấn đề tối mật, anh ta nói cho tôi nghe gần đây gián điệp Quốc xã bị xử lý ra sao. Nghe nói ngay trước khi bị tiêm bọn họ còn gào lên ‘Đế Quốc muôn năm, ‘Hitler muôn năm’, vậy mà chỉ ít phút sau khi ngấm thuốc họ đã nức nở khóc, không cách nào tỉnh trí được nữa.

“Ai cũng có góc yếu đuối trong lòng.” Arnold nói: “Cậu cũng vậy, tôi cũng vậy.”

Những gián điệp không có giá trị sẽ phải chịu phán quyết, một số thì bị giam lại để thẩm vấn.

“Phía Tây chúng tôi có một căn cứ quân sự, chuyên để giam loại người này. Xung quanh cắm hàng rào thép gai có điện, tường xây kiên cố và một tháp canh cao sừng sững. Đích thân ngài Garcia thiết kế đấy… chỗ đó mà vào rồi là hết đường ra.”

Arnold thở hắt ra: “Ngày nào cũng phải trông thấy mấy thứ ấy thật sự là mệt mỏi.”

Cuối tháng mười, trong lúc giải mã tôi lại gặp loại mật mã bí ẩn nọ.

Đoạn tin vẫn cụt ngủn như cũ:

Đêm ngày một tháng mười một, oanh tạc Southampton. Gửi Alan Castor.

Đồng thời, điện tín mã hóa bằng ‘Mê’ thu được từ Bộ chỉ huy không quân Đức cũng cho thông tin tương tự.

Ba giờ sáng ngày một tháng mười một, máy bay Đức và Ý thực sự xuất hiện trên bầu trời Southampton, lại một thành phố hóa thành biển lửa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.