Biên tập: BộtCậu Tư còn muốn nói thêm, sĩ quan Lưu đã vén rèm bước vào: “Sắp đến giờ cơm rồi, đốc quân và mợ có muốn đến toa ăn dùng cơm trưa không ạ?”
So ra, anh ấy không còn ra sức vồn vã như lúc mới đi buổi sáng nữa, mà đã khôi phục vẻ cẩn thận, chu đáo ngày thường.
Nhan Trưng Bắc nhìn anh ấy. Vừa rồi quả là có hà khắc với cấp dưới thật, lúc này đã đỡ đau đầu, anh gật khẽ, nhẹ nhàng hơn nhiều: “Cậu ăn chưa? Lát nữa ăn cùng luôn đi.”
Không có người khác ở đây, sĩ quan Lưu lại là cấp dưới thân cận nhất với anh. Tuy là cấp trên và cấp dưới, nhưng vẫn cần để ý vẻ mặt nét mày, ân uy song hành. Đó, là cái đạo dùng người.
Cậu Tư đứng lên, sĩ quan Lưu nâng rèm trúc chắn buồng giúp anh. Thấy tâm trạng cậu Tư đã khá hơn, anh ấy mới cười theo: “Vẫn chưa ạ, đồ ở toa ăn không tệ, đốc quân nếm thử xem có hợp khẩu vị không.”
Anh ấy lại nhìn về phía Cận Tiêu, thấy cô định ra ngoài, bèn cuộn rèm lại. Thực chất, sĩ quan Lưu vẫn muốn ân cần một chút, bởi anh ấy hiểu lấy lòng mợ chủ đồng nghĩa với việc làm trưởng quan vui.
Nhưng anh ấy cuộn rèm lên tới cùng, như thể Cận Tiêu còn cao hơn cả cậu Tư. Sĩ quan Lưu là kiểu mặt búng ra sữa, vóc người tầm tầm, làm việc hao sức thế này khiến Cận Tiêu hơi buồn cười, sau rồi vẫn nhịn lại.
Anh ấy vụng vụng về về, hẳn không phải kẻ quen nịnh bợ.
Bên cạnh cậu Tư có người thế này, âu cũng là việc tốt.
Cô theo kịp cậu Tư, đi vài bước rồi mới vừa cười vừa nói với anh: “Ngồi lâu quá, đi lại một chút cũng tốt.”
Vừa rồi Nhan Trưng Bắc ngủ không lâu, nhưng chắc chắn đã ngủ qua giờ cơm cao điểm.
Trên đường từ ghế ngồi đến toa ăn, cậu Tư không thấy người nào đang ăn cơm nữa. Lúc vào phòng, anh mới đưa tay xem đồng hồ, đã hai giờ chiều rồi.
Cậu Tư cười hơi ngượng ngập: “Tại anh.” Anh đưa tay vẫy nhân viên phục vụ, mắt lại nhìn về phía Cận Tiêu: “Em có đói không?”
Bọn họ ngồi trong phòng của toa ăn, sĩ quan Lưu bị anh đuổi ra ngoài nên đã đi ăn trước, không phải đói meo chờ bên cạnh cậu Tư.
Cận Tiêu chống cằm, ngắm phong cảnh bên ngoài, lắc đầu: “Có ăn nhẹ một chút rồi.”
Thật ra Cận Tiêu vẫn chưa ăn. Anh ngủ dựa vào vai làm cô không dám động đậy, sợ anh tỉnh mất. Ngủ trên tàu vốn đã không thoải mái, nếu tỉnh giữa chừng nữa sẽ bực bội lắm.
Giữa vợ chồng với nhau, lâu dần sẽ ngầm hiểu một vài lời nói dối thiện chí, khiến cả hai cùng thấy ấm áp.
Thực đơn gồm có rất nhiều món. Nghe nói thực đơn cả chuyến này do một công ty lữ hành bao thầu, đồ ăn đẹp mắt mà ngon miệng, được khen không ngớt.
Giá các món này đương nhiên cũng không rẻ. Cả tàu chỉ có một toa ăn nho nhỏ này, đa số người thường đều chọn mua đồ bán rong ngoài cửa sổ lúc tới trạm nghỉ.
Đậu tương luộc hoặc khoai lang nướng đều là những món ăn bình dân trên tàu. Ai dư dả hơn có thể bỏ thêm chút tiền mua gà om xì dầu thơm phức. Nếu gặp phải người bán hàng rong thất đức, tàu vừa chuyển bánh tiếp, mở giấy bọc ra lại thấy bên trong bị tráo thành chim cút bé xíu hoặc quạ đen nướng.
Có điều tàu đã chuyển bánh, không thể đôi co với người bán hàng được. Một là vứt đi, hai là cố ăn rồi cả đoạn đường còn lại ôm một bụng tức.
Dường như phiền muộn của đa số đều đến từ tiền bạc, có người muốn tiết kiệm lại thua lỗ, có người muốn phát tài lại phá sản.
Nhưng nếu không phiền muộn vì tiền bạc sao? Liệu tháng ngày có êm đềm, không chút đắng cay hay không?
Có lẽ cũng không hẳn như vậy.
Có con bọ đậu trên cửa sổ, Cận Tiêu nghiêng đầu, không để ý cậu Tư đang gọi mình. Tới lúc quay lại, anh đã đưa thực đơn cho cô: “Xem thử xem muốn ăn gì.”
Đồ ăn trên tàu không tệ, nhưng vẫn không bằng ở nhà. Từ đồ ăn có thể nhận ra gốc tích của đầu bếp, bộ dụng cụ ăn đều là hàng ngoại nhập, bên trên còn đề nơi sản xuất là Đức.
Lúc bọn họ ra khỏi phòng, sĩ quan Lưu đã chờ sẵn ở đó. Bên ngoài không đông lắm, chỉ lác đác vài người. Có người ôm, có người bón sữa ấm cho con, chắc hẳn giờ cơm vừa rồi lại miếng được miếng chăng.
Một gia đình ngồi gần cửa đã dùng bữa xong, lúc này đang thanh toán. Hình như họ dùng phiếu ăn, hạn sử dụng không đúng khiến nhân viên phục vụ khó xử.
Cận Tiêu chỉ còn cách bọn họ vài bước, đã nghe giọng sang sảng của người đàn bà ôm con: “Không dùng được là thế nào? Sao không nói luôn từ lúc đóng dấu?”
Hai bên đôi co vài câu, người đàn bà lại gào lên: “Anh biết chúng tôi là ai không? Tôi sẽ tố chuyện này với chính phủ, cho cả lũ các anh ngáp gió qua ngày!”
Bà ta lu loa lên như mình không làm sai chuyện gì. Toa ăn này được bài trí theo kiểu Âu, mời đầu bếp hàng đầu về để chiêu đãi những vị khách có tầm. Bà ta vừa nói vậy khiến mấy vị khách bên cạnh cũng liếc nhìn, len lén quan sát.
Nếu để người đàn bà này bảy mồm tám miệng như phường chợ búa, e là càng khó giải quyết. Nhân viên phục vụ lại nhìn phiếu ăn, sau đó thở dài, không nói thêm gì nữa.
Nhan Trưng Bắc nghe người đàn bà nọ nói thì nhíu mày, cảm thấy cả nhà này đã trơ tráo còn trục lợi.
Dù sao anh vẫn là một cậu chủ, sẽ không biết cuộc đời của nhóm quan chức nhỏ ở tầng áp chót của chính phủ ra sao. Phải chăng để cả nhà được thưởng thức một bữa cơm trưa đắt đỏ, người ta có thể vứt bỏ thể diện và phẩm vị của mình dễ dàng như vậy?
Mẹ của Cận Tiêu cũng từng như vậy. Bà ta kéo theo đàn con, lao vào cãi cọ, giằng co như gà mái mẹ hiếu chiến. Nhưng vì cái gì mới được? Hình như là vì một rổ trứng gà, hay để được đi nhờ một cuốc xe.
Những đứa con và người chồng phía sau bà ta cũng hờ hững, đỡ đẫn giống gia đình kia. Họ đang thầm thấy bẽ mặt sao? Hẳn là có rồi, nếu không cũng sẽ không tỏ vẻ sống chết mặc bay như vậy.
Họ đều đã no say sau bữa ăn, lại để bà mẹ vấy vũng nước đục một mình.
Cận Tiêu bỗng muốn cười, thì ra đứng dưới góc độ của người xem, chính cô cũng từng như vậy. Cậu con lớn chỉ biết cúi gằm, mặt mày chết lặng.
Cảm giác này quả là vừa lạ lẫm, vừa xót thương.
Toa ăn vốn nhỏ hẹp, cả nhà họ rời khỏi chỗ ngồi, mấy người cậu Tư đành phải chờ phía sau. Sĩ quan Lưu định tiến lên mở đường thì bị cậu Tư ngăn lại. Vì thế, tất cả phải dừng giữa chừng, đứng cách gia đình họ hai, ba bước chân, kiên nhẫn chờ bọn họ đi trước.
Chồng của người đàn bà này khá mập, đi lại cũng ì ạch hơn. Nhân viên tính tiền vừa rồi quay đi, đang cúi đầu dọn dẹp đồ ăn trên bàn thì bị bà ta lườm nguýt.
Cả gia đình đó dợm bước, toan rời khỏi toa ăn. Nhan Trưng Bắc cũng định đi, nhân viên phục vụ lại ngoái đầu, hô về phía họ như phát giác gì đó: “Thưa bà, vì sao lại thiếu một bộ dụng cụ ăn?”
Người đàn bà quay lại, định làm ầm lên lần nữa. Nhân viên phục vụ không nhẫn nhịn được nữa, đi qua: “Thưa bà? Có phải bà đã lấy một bộ dụng cụ ăn không? Thiếu một bộ dụng cụ ăn, tôi phải bỏ tiền túi ra bù lại!”
Dùng phiếu ăn quá hạn để lừa gạt, còn mắt nhắm mắt mở cho qua được, nhưng bàn thuộc phụ trách thiếu một bộ dụng cụ đồ ăn sẽ thật sự khoét vào tiền lương của anh ta. Phàm là việc ảnh hưởng tới lợi ích của bản thân, sẽ không còn bất kỳ nhẫn nhịn vô ích nữa.
Người đàn bà vẫn cứng miệng: “Bộ dụng cụ ăn nào? Có mà mấy người đem thiếu một bộ dụng cụ ăn ra cho chung tôi ấy!” Nhưng bà ta đã bất giác lùi về phía sau, không khỏi khiến người ta hoài nghi.
Bà ta lùi về phía sau, phải chăng vì người chồng và đứa con trai phía sau là sức mạnh của bà ta. Tuy hung hãn, tuy vờ như điềm tĩnh, nhưng người đàn bà vẫn có gì đó thật đáng thương. Bởi người phía sau kia, cũng không trở thành chỗ dựa cho vợ, cho mẹ mình.
Nếu thực sự xảy ra chuyện gì, có lẽ người bỏ chạy đầu tiên chính là cậu con lớn phía sau.
Sĩ quan Lưu thấy bọn họ cứ lôi kéo như vậy không biết sẽ tới lúc nào, anh ấy vừa định tiến lên, phục vụ kia đã kéo tay áo người đàn bà lại. Bà ta giãy giụa, bỗng “xoảng” một tiếng, bộ thìa và dao dĩa thật sự rơi ra từ ống tay rộng của bộ quần áo cho nữ đời nhà Thanh.
Bộ dụng cụ ăn của Đức có giá không nhỏ trên thị trường.
Bị bắt tận tay, day tận mặt, người đàn bà nọ chợt đánh mất kiêu ngạo, chỉ biết khúm núm nơi đó. Nhân viên phục vụ không còn kiên nhẫn, nhắm mắt cho qua như vừa rồi nữa. Nếu lúc đó bà ta không phách lối, kênh kiệu, ắt sẽ không to chuyện, dẫn tới khó xử cho đôi bên.
Người phục vụ vừa nhặt bộ dụng cụ ăn dưới đất lên, vừa gắt giọng: “Dùng phiếu quá hạn để ăn đã đành, còn trộm đồ nữa.”
Anh ta nhặt lên, quơ quơ thìa trên tay rồi nhìn về phía người chồng: “Tưởng chỉ mình nhà các người quen biết sao? Trộm của công thế này, người sang nào dám nhận quen các người?”
Anh ta khá lớn tiếng, cả toa đều nghe được. Chẳng mấy chốc tàu sẽ đến trạm cuối, ầm ĩ tới mất mặt rồi sẽ trở thành trò cười cho các tỉnh phía Bắc đây.
Người đàn bà còn muốn giải thích thêm điều gì, vậy mà lão chồng vừa rồi đứng lên còn cần người đỡ của bà ta vận sức từ đâu, bỗng chống ba-toong khắc hoa tiến lên, vung tay cho bà ta một cái tát.
Ông ta ra điều xấu hổ, gia đình bất hạnh: “Biết thế này đã không đưa bà theo, mất mặt đến thế là cùng!”
Cậu con trai bên cạnh ông ta hẳn vẫn học sinh, lúc này cũng lên tiếng: “Mẹ, sao mẹ có thể trộm đồ của người khác?”
Người mẹ này còn đang bàng hoàng vì bị chồng đánh thẳng tay, giờ lại thêm con trai quay ra chỉ trích. Bà ta vừa ôm đứa con nhỏ, vừa chỉ vào chồng mình, không đếm xỉa gì nữa mà gào khóc: “Tôi muốn lấy chắc? Tôi cần gì mà chỉ lấy một bộ? Không phải do ông ham sang, muốn mang về dùng à?”
Nhân viên phục vụ cầm bộ dụng cụ ăn, thầm nghĩ lại có trò hay để xem rồi đây. Anh ta phớt lờ ánh nhìn của những vị khách khác, chỉ trơ mắt xem bọn họ vạch trần nhau. Người đàn bà càng nói càng oan ức, bà ta gào lên: “Chính ông muốn dùng lại bảo tôi lấy! Thì ra là muốn đổ oan cho tôi!”
Bà ta chỉ vào cậu con trai mặc đồng phục thẳng thớm: “Con thì sao? Lúc cha con ép mẹ lấy, con đang làm gì? Bây giờ biết mở miệng rồi à?”
Bà ta bật khóc khiến cậu con nhỏ trong lòng giật thót, bé không biết vì sao mẹ lại như vậy nên cũng nhăn nhó, òa lên. Toàn bộ lối vào toa ăn đầy những tạp âm, tiếng đàn ông mắng chửi, con trai khuyên nhủ, mẹ và trẻ khóc òa, cuối cùng là điệu cười lạnh thường trực của người phục vụ.
Cuối cùng Cận Tiêu cũng không nhịn được nữa, cô bước tới, cất giọng lạnh tanh: “Cảm phiền, cho chúng tôi đi qua được không?”
Cô hiếm khi mất kiên nhẫn như vậy. Theo lý mà nói, nếu gặp phải chuyện này và muốn đi qua, chỉ cần sai sĩ quan Lưu dẹp đường là được. Vừa rồi cô lại như nữ thanh niên nhiệt huyết, không quen nghe nhà khác to tiếng, cãi vã.
Có điều, Cận Tiêu đâu phải nữ thanh niên gì. Cô chỉ không muốn chứng kiến tiếp mà thôi, không muốn nghĩ thực chất người làm mẹ miệng cọp gan thỏ đến mức nào, phận là con cái máu lạnh, vô tình ra sao.
Cậu Tư cho là cô không ưa kiểu chợ búa xô bồ, sau khi về đến chỗ ngồi, anh nói đùa vài câu để cô nghĩ đến chuyện khác. Cô cũng hiểu ý anh, nên vờ như không còn để tâm đến nữa.
Cô mở sách, lại bất giác mím môi.
Đâu có phụ nữ nào muốn mất mặt, nhưng đã theo chồng rồi, bao ngượng ngập và thể diện của thiếu nữ đều phải chào thua lợi ích. Họ phải nhún mình để kiếm sống, để thỏa mãn ham muốn của người làm chồng, để duy trì cái gọi là thể diện mà con cái muốn.
Nếu hai vợ chồng xung đột thì sẽ ra sao? Hoặc giả là cả hai cùng thất bại? Người làm mẹ, sẽ lập tức trở thành kẻ bị trách cứ.
Ấy vậy mà kể từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc, bà ấy khản giọng, cuồng loạn đâu phải cho bản thân?
Chín tháng mười ngày mang nặng không được theo ý mình muồn, con cái lớn rồi, bản thân chợt biến thành người mất thể diện, bị ghét bỏ. Vậy mới thấy làm mẹ, chính là lời nguyền và rủi ro lớn nhất.
Cô sợ, nỗi kinh hoảng lớn nhất của cô trên đời này là phải trở về cuộc sống trước đây. Năm tháng hiện tại mỗi lúc một thơm ngọt, cô mỗi ngày một như ếch xanh bừng tỉnh sau giấc ngủ Đông, dầu vẫn biết liêm sỉ, khổ đau và chết lặng chẳng thể bảo vệ được mình. Bởi vậy, ngoài nhấm nháp ngọt ngào ra, trực giác kia vẫn cảm nhận được đau đớn và sợ hãi.
Sinh đẻ, là số trời vô định của phụ nữ, là ép buộc một cô gái trẻ hy sinh mình cho sự sinh sôi trên thế gian bạc tình bạc nghĩa này. Cơ thể cô ấy dần thay đổi, cô ấy bắt đầu hoảng loạn, bắt đầu gào thét. Song, bản năng làm mẹ khiến cô ấy nhún nhường và từ bỏ, để rồi tiếp đó lại biến mình thành trò cười.
Cô không muốn như vậy.
Từ khi ngồi xuống, Cận Tiêu đã vùi đầu vào trang giấy. Cô chìm sâu trong suy tư, bèn lấy cớ đọc sách. Cậu Tư nhận ra cô đang trăn trở, nhưng cũng không làm phiền.
Đoàn tàu tới trạm vào lúc mặt trời lặn, cả khoảng không nhuộm ráng chiều đỏ, đen xen những tia nắng cam cuối cùng của hoàng hôn. Mặt trời khuất núi tựa lời chào kết đầy kính nghiệp, như cố ý kéo dài sự viên mãn tới cùng, sau đó nhường sân cho những vì tinh tú tịch mịch mà lấp lánh nơi xa.
Ngoài song cửa, sân ga chật ních người người hối hả và những kẻ bán hàng rong, thi thoảng có âm thanh phương Bắc cục mịch, chất phác truyền đến từ cửa sổ. Đó là chất giọng của cánh đàn ông xốc vác lao động tại bến tàu thành Tín Châu, là tiếng người làm công thời vụ khi Thiều Quan bội thu, là giọng nữ đi xa về sớm, tới nhà giàu làm vú em trợ cấp cho gia đình, đồng thời cũng là giọng quê gần gũi, quen thuộc bậc nhất.
Đã tới Phong Châu rồi.
Hết chương 57.Tác giả:
“Đậu tương luộc hoặc khoai lang nướng đều là những món ăn bình dân trên tàu. Ai dư dả hơn có thể bỏ thêm chút tiền mua gà om xì dầu thơm phức. Nếu gặp phải người bán hàng rong thất đức, tàu vừa chuyển bánh tiếp, mở giấy bọc ra lại thấy bên trong bị tráo thành chim cút bé xíu hoặc quạ đen nướng.” – Tham khảo «Bữa Ăn Trên Đoàn Tàu Dân Quốc», «Kim Nhật Trích Văn»
Lời văn về vấn đề sinh đẻ trong truyện không thể hiện quan điểm cá nhân của tôi.
Ma mi, em yêu mẹ.
*
Bột: Tớ biết mấy chương kiểu thế này làm mọi người đọc hơi oải, cơ mà kiểu viết của bà Đào nó dzậy á,không bao giờ cho mấy nồi đường liên tiếp đâu =))) Định làm rồi cho lên cùng C58 mọi người đọc đỡ chán, nhưng dài quá mãi chưa xong, vẫn phải up dần vậy T_T