Đang ngồi dự hội nghị tẻ nhạt, Lý Dương nhận được tin nhắn: “Hằng ngày gấu đen lên núi tập thể dục, thấy vậy rùa cũng muốn lên núi cùng bạn. Gấu nói: Bạn rụt bốn chân vào đi, tớ sẽ mang bạn lên. Gấu và rùa vừa lên đến đỉnh núi thì có một con chim đậu trên cành cây gần đấy cười sặc sụa: Gấu mà cũng biết cầm điện thoại di động cơ đấy!” . Xem xong tin nhắn, Lý Dương buồn cười quá liền chuyển tiếp cho Điền Ca. Vốn dĩ anh muốn chọc cười vợ, thế mà cả buổi chẳng thấy cô ỏ ê gì lại cả. Mãi đến lúc kết thúc hội nghị, khi anh gần như quên béng chuyện tin nhắn thì tự dung cô nhắn lại: “Chuyện hai mươi vạn tệ, khi nào anh mới nói với vợ Xuân Phong? Nên nói sớm thì hơn, càng để lâu càng khó xử”.
Nụ cười tủm tỉm quen thuộc trên khuôn mặt Lý Dương đột nhiên đông cứng lại.
Hiện tại nhu cầu sống của Điền Ca rất thấp, cô chỉ cần nhà ở là mãn nguyện rồi, chứ chẳng đòi gì thêm. Trong khu, không riêng nhà cô sống trên gác xép, song những ngời hàng xóm trước đây đều đã mua được nhà mới và cho thuê gác xép rồi. Cứ bẵng đi một thời gian, Điền Ca lại thấy nhà hàng xóm xuất hiện những khuôn mặt lạ huơ lạ hoắc, khách thuê nhà không sống lâu dài ở đây, chỉ có vợ chồng cô vẫn ngoan cường, kiên trì hết năm này qua năm khác.
Buổi trưa, Điền Ca ăn cơm trong căng tin bệnh viện, chủ đề được đồng nghiệp đem ra thảo luận nhiều nhất hôm nay không phải là công việc hay bệnh nhân mà là giá nhà. Nhà ở dường như vẫn là chuyện muôn thuở, đi đến đâu cũng nghe mọi người bàn tán xôn xao.
Một chuyên viên nam khoa gây mê, trạc tuổi Điền Ca ca thán:
- Mỗi lần tôi có kế hoạch mua nhà thì giá bán lại tăng vọt. Ban đầu tôi dự đinh mua một căn hộ chừng năm mươi vạn tệ, cả gia đình hì hụi tích cóp hai năm trời mới được mười vạn tệ thế mà chỉ trong một đêm giá nhà lại tăng ba mươi vạn tệ, hơn nữa năm mươi vạn tệ giờ chỉ là giá nhà second hand thôi. Dành dụm thêm mười lăm vạn tệ nữa nữa thì giá bán lại tăng vọt lên tận bốn mươi vạn tệ. Ôi! Chưa mua được nhà, tôi phát điên lên mất…
Mấy cô đồng nghiệp thi nhau châm chọc:
- Thế thì anh tích cóp một hai năm nữa là đủ rồi còn gì.
- Cả nhà tôi phải thắt lưng buộc bụng mới dành dụm được ngần ấy tiền, nếu cứ tiếp tục nhịn ăn nhịn tiêu nữa thì chắc sinh bệnh mất thôi. Tôi chọn sai đường rồi, nếu kiếp sau vẫn làm nghề y thì ít nhất tôi cũng phải chuyển sang khoa ngoại, không bao giờ làm chuyên viên gây mê nữa. Làm tốt công lao thuộc về người khác, làm không tốt tội lỗi đổ lên đầu mình…
Điền Ca nghe tình cảnh của cậu ta cũng nhiều phần giống mình nên vô cùng thông cảm:
- Dù sao cũng tốt hơn khoa siêu âm B của chúng tôi rồi. Ừm, cậu nói đúng đấy, kiếp sau nhất định phải làm bác sĩ chấn thương chỉnh hình…
- Sao lại kéo khoa chấn thương chỉnh hình vào đây? Tiểu Ca, nếu em thích thì hai chị em mình đổi chỗ cho nhau nhé? Chị đây suốt ngày quay cuồng trong công việc, trong khi em thì nhàn… - Một bác sĩ nữ của khoa chấn thương chỉnh hình chêm vào.
- Giả bộ cái gì chứ? Ai chả biết các chị luôn mong mọi người trong xã hội đều như hươu cao cổ… - Điền Ca tươi cười, trêu chọc.
Ai dè chị bác sĩ kia đang sẵn bực bội trong lòng vì chuyện gì đó nên câu nói của Điền Ca như đổ thêm dầu vào lửa. Chị ta trở mặt, nổi xung với cô:
- Cô nói thế là có ý gì? Bọn tôi nhận tiền hoa hồng bao giờ hả? Tôi nói cho cô biết, cô không có bằng chứng thì đừng có mà nói liều, bằng không tôi sẽ kiện cô về tội phỉ báng, biết chưa…
Vốn dĩ Điền Ca cũng là người không giỏi nhịn, cô tức giận cướp lời:
- Sao gọi là phỉ báng? Tôi gọi đích danh họ tên của chị ra à? Ở đây sao chỉ có một mình chị làm việc ở khoa chấn thương chỉnh hình chắc? Sao chị lại nóng tai thế?
Thế rồi hai bên cãi nhau ỏm tỏi.
Ai chẳng biết bác sĩ chấn thương chỉnh hình dễ kiếm tiền nhất, dĩ nhiên họ cũng phải nhẫn tâm và chắc tay nghề. Hễ người nào bị tai nạn gãy vài cái xương sườn là họ lại mừng rơn, bởi nẹp Judet một cái xương sườn cũng phải hơn một vạn tệ, trong đó có tới ba bốn nghìn là rơi vào túi bác sĩ mổ chính. Chả thế mà chỉ cần qua vài năm làm thực tập sinh, đứng mổ vài ba ca lớn nhỏ là họ đã sắm sửa đủ thứ, đến tầm bốn mươi tuổi thì thừa tiền để ở nhà sang, đi xe xịn rồi… Chuyên viên gây mê ban nãy mới vào bệnh viện chưa đến ba năm mà đã than phiền. Điền Ca thực không hiểu, làm gì có chuyện khoa gây mê trong sạch, so với khoa siêu âm B thì vẫn “ngon ăn” hơn nhiều, dăm ba hôm họ lại được nhận phong bì năm trăm tệ, bệnh nhân nào chẳng sợ đau nên có ai không dám đút lót đâu. Còn khoa siêu âm B là chỗ chẳng có gì béo bở. Bệnh nhân không thể vì chen ngang mà nhét phong bì cho bạn được, bởi họ đều do các bác sĩ, y tá trưởng hoặc chuyên viên gây mê đưa đến tận nơi. Cho dù họ có do một y tá quèn dẫn vào thì dẫu sao cũng là người quen, bạn phải nể mặt người ta mà làm không công. Kể ra bác sĩ khoa siêu âm B cũng thường được bệnh nhân biếu hộp trà gói bánh gọi là, chỉ có điều chất lượng chẳng ra gì…
Hai người đấu khẩu được một hồi thì được các đồng nghiệp can ra. Điền Ca chưa ăn xong cơm đã làm một bụng tức. Cô hằm hằm đổ thức ăn vào thùng rác rồi rời khỏi căng tin đầy dầu mỡ về phòng làm việc. Cả ngày cô chỉ có nửa tiếng nghỉ trưa là quãng thời gian hạnh phúc, tạm rời xa “khu bức xạ”, ấy vậy mà…
Những lúc cảm thấy chán chường, trong đầu Điền Ca lại nảy ra ý nghĩ tiêu tiền để giải khuây.
Nhưng không giống như những lần trước, chỉ cần mua cái quần cái áo hay đôi giày là vui vẻ trở lại. Lần này cô muốn mua thứ lớn hơn.
Cô nghĩ, nhà ở chẳng biết bao giờ mới mua được, vậy thì mua xe trước vậy. Trong bệnh viện, những người bằng tuổi mình, hầu hết đều đã có xe riêng. Nói ra thật xấu hổ, dù hằng ngày không có ít người đi xe buýt nhưng cách một hôm người ta lại được chồng lái ôtô đưa đi làm hoặc đợi trước cổng bệnh viện lúc tan ca. Còn mình thì thật nực cười, Lý Dương tới đón… bằng xe buýt, chỉ khác là có thêm một người cùng đi về với mình.
Mua xe! Nhất đinh phải mua, không đợi nữa. Mấy năm trước, Điền Ca đã lấy bằng lái xe ôtô nhưng từ lúc rời khỏi trường thi, ngay đến vôlăng cô cũng chẳng được sờ tới. Lần này, cô nhất định phải được lái xe đến chán chê mê mỏi. Bác sĩ Giang Nghiêm ở khoa gây mê từng có lần than thở với cô: “Ôi! Giờ tôi phải hạn chế đi xe riêng để giảm khí thải cacbon mới được. Lái xe mệt lắm, lại phải tìm chỗ đỗ xe nữa, rách việc vô cùng…”. Nhưng Điền Ca nghĩ bụng: Chị nói như thế có quá kiểu cách không? Dở hơi à? Giảm khí thải cacbon đang là mốt ư? Các cô cứ việc chạy theo mốt đi.
Điền Ca nói là làm, cô quả quyết nhắn tin cho Lý Dương: “Em muốn mua xe” cùng với một đống lý do lớn nhỏ. Nếu Lý Dương phải đối thì thường anh sẽ xóa sạch tin nhắn rồi im bặt, nhưng không ngờ anh nhắn tin lại rất nhanh: “Anh muốn mua xe từ lâu rồi nhưng lại sợ em không thích, vì em lúc nào cũng tâm niệm vào việc dành tiền mua nhà mà. Giờ em đồng ý rồi thì chúng mình sẽ mua ngay lập tức”.
Sau khi hai vợ chồng cùng nhất trí mua ôtô, Điền Ca liền vào tài khoản chứng khoán và tài khoản vàng của Lý Dương, tính toán xem trong nhà có bao nhiêu tiền. Điền Ca chưa bao giờ có hứng thú chơi cổ phiếu vì thứ nhất cô không có tiền, thứ hai không có thời gian, thứ ba trò này quá mạo hiểm, nó chẳng khác nào đánh bạc nên hạng tép riu như cô không chơi được. Bình thường đi chợ mua mớ rau cô còn phải mặc cả từng đồng huống hồ là chơi cổ phiếu, đúng một cái mất hàng nghìn hàng vạn tệ. Dù vậy, Điền Ca cũng không đến nỗi cực lực phản đối, cô vẫn cho chồng chơi cổ phiếu nghiệp dư bởi đây là quyền lợi cá nhân của anh, cô không có quyền tước đoạt. Lý Dương mở tài khoản chứng khoán từ thời đại học nhưng tài khoản vẫn rất ít ỏi, lúc cao nhất cũng không vượt quá năm vạn tệ. Khoảng ba năm trước khi thị trường chứng khoán còn sôi động, có thời điểm anh nắm trong tay gần sáu vạn tệ, nhưng sau đó thị trường đình trệ, tuy đã cố gắng xoay xở xong vẫn bị tụt xuống ba vạn tệ. Đầu năm ngoái gặp vận may, Lý Dương ôm được một cổ phiếu tốt nên tài khoản lại tăng lên năm vạn tệ. Đúng lúc này, Điền Ca lại giục anh bán bớt cổ phiếu, lấy hai vạn tệ đầu tư vàng miếng. Và để tiện giám sát, cô còn nắm giữ cả mật khẩu tài khoản vàng của anh, đôi khi còn thay anh mua bán vàng khi có cơ hội.
Trên sàn chứng khoán có những cổ phiếu “chết”, chững giá trong một thời gian dài, Lý Dương nghĩ đầu tư vào đây có thể chống đỡ được lạm phát. Ai ngờ, anh cứ mua vào là y như rằng vài tuần sau cổ phiếu rớt giá rồi mới ì ạch nhích lên. Điền Ca càng xem tài khoản chứng khoán càng tức, cô chuyển sang tài khoản vàng, chợt thấy giá vàng tăng hơn 240 tệ/gram, trong lòng khấp khởi mừng thầm, chuyện xích mích với đồng nghiệp cũng nhanh chóng tan biến. Lý Dương có tổng cộng 100 gram vàng, lúc đầu anh mua vào với giá 230 tệ/gram, mua xong giá vàng tăng lên 240 tệ/gram, lãi một nghìn tệ. Hai vợ chồng thấy lãi quá ít, trừ thuế giá trị gia tăng thì chẳng còn lại bao nhiêu nên quyết định giữ lại không bán. Không bao lâu sau, giá vàng trên thế giới giảm mạnh làm giá vàng trong nước tụt xuống 200 tệ/gram. Điền Ca thấy quá xui xẻo, chẳng thèm ngó ngàng đến tài khoản vàng nữa. Không ngờ một thời gian sau, giá vàng lại nhảy lên 230 tệ/gram, cô khuyên Lý Dương bán ra, đợi khi hạ thấp lại mua vào, thì anh nói “vừa mới hòa gốc, vội bán ra làm gì?” Không quá hai ngày sau, giá vàng lại quay về mốc 200 tệ/gram, rồi giữ nguyên giá như thế một thời gian dài, khiến Điền Ca đâm ra ghét chơi vàng. Cô vốn tưởng rằng chơi vàng độ rủi ro không cao, nào ngờ giá vàng cũng lên xuống bấp bênh làm cô lo lắng không kém gì cổ phiếu… Bây giờ thấy lại được gần một nghìn tệ nên cô bán vội.
2
Chiều hôm ấy, bà Phượng đưa Ni Ni đi dự sinh nhật một người họ hàng lớn tuổi ở khu Lý Thương. Bà quyết định để con bé ngủ lại nhà mình một đêm rồi sáng hôm sau đưa nó tới thẳng trường mẫu giáo. Thế là Lý Dương và Điền Ca được trở về thế giới riêng của hai người. Lý Dương không bỏ lỡ cơ hội, gọi điện bàn với Điền Ca:
- Hiếm khi có dịp như thế này, sao vợ chồng mình không ra ngoài ăn một bữa tối lãng mạn nhỉ?
- Anh sợ về nhà em bắt nấu cơm nên mượn cớ trốn việc chứ gì.
- Anh lười nhác thế sao? Đây không phải là cách để em giải tỏa phiền muộn à? Đã bao lâu rồi chúng mình chưa được thưởng thức bữa tối trong ánh nến lung linh?
- Em đồng ý, nhưng mà tổng thiệt hại chỉ được nằm trong bảy mươi tệ thôi đấy. Mình đi đâu ăn đây anh?
- Để xem em muốn ăn gì đã… tối gặp lại nhé.
Bất cứ khi nào hai người đi ăn với nhau, Lý Dương cũng hỏi ý kiến Điền Ca trước, miễn là món cô muốn ăn thì dù bản thân có thích hay không, anh đều chiều theo ý vợ. Lần này cô chọn ăn lẩu. Hơn sáu giờ tối, ở địa điểm đã hẹn, hai người lần lượt bước xuống hai chiếc xe buýt khác nhau. Lý Dương xuống xe trước, nhìn thấy Điền Ca từ đằng xa, anh đi tới choàng vai cô, rồi cứ thế nhấc chiếc túi xách trên vai cô đeo vào vai mình, ân cần hỏi:
- Cưng có mệt lắm không?
- Hỏi thừa thế. Em làm quần quật cả ngày mà không mệt sao?
Ngoài miệng Điền Ca hờn trách thế thôi, chứ trong lòng cô rất hạnh phúc vì được chồng gọi trìu mền. Cô khoác tay anh, ngả đầu vào bờ vai vững vàng. Những người đi trên đường nhìn thấy cảnh này, không ai nghĩ hai người đã kết hôn bảy tám năm mà trông họ giống đôi tình nhân đang yêu nhau say đắm.
- Có chuyện này em phải kể anh nghe mới được. – Điền Ca nũng nịu nói.
Điền Ca kể chuyện cô cãi nhau với bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình, thuật lại y xì mấy câu chửi của cô bác sĩ đó: “Khốn nạn, dám ức hiếp tôi hả! Cô nói cái gì? Hôm khác tôi sẽ cho cô một trận”.
Điền Ca kể xong cười khì khì một mình, Lý Dương quay sang nhắc nhở vợ:
- Em làm như vậy có thiếu suy nghĩ quá không hả? Nếu đụng vào người dữ dằn thì người ta có bỏ qua cho em dễ dàng thế không?
- Sao anh lại mắng em? Anh đứng về bên nào đấy? Tại chị ta vô duyên vô cớ gây sự với em mà. Anh phải giúp em xả giận mới đúng chứ.
- Em ám chỉ người ta nhận tiền hoa hồng trước mặt mọi người, người ta không nổi đóa lên mới là lạ. Đây chẳng phải là em rỗi hơi kiếm chuyện à?
- Nhận tiền hoa hồng là chị ta tự nói ra, em không nói.
- Em ra ngoài phải biết giữ mồm giữ miệng chứ, đừng nghĩ như ở nhà cái gì cũng có thể nói hết ra mà không sao cả. Họa từ miệng mà ra, đắc tội với một người chẳng khác nào tự dựng lên bức tường cho mình, dựng nhiều bức tường thì còn đường mà đi không?
- Lý Dương, em thực sự hối hận vì đã nói chuyện này với anh rồi đấy. Anh phiền phức chẳng khác gì mẹ em. – Điền Ca hất tay Lý Dương ra rồi đi nhanh lên phía trước.
Lý Dương rảo bước đuổi theo, tiếp tục giảng giải:
- Em không muốn nghe nhưng anh vẫn phải nói. Khi nói chuyện với người khác em cần khôn khéo một chút, nhất là ở cơ quan luôn có những kẻ ghen ăn tức ở với mình nên không được nói bóng nói gió hay ném đá giấu tay, hiểu chưa?
- Em không nham hiểm được như anh.
- Thế mà gọi là nham hiểm à? Sáng suốt đấy! - Lý Dương ôm cô vỗ về. - Được rồi, bà xã, không nhắc dến chuyện không vui nữa, tối nay hai vợ chồng mình phải ăn một bữa thật ngon, đừng để chuyện này làm ảnh hưởng đến tâm trạng nhé. Anh báo cho em một tin mừng. Hai hôm nay giá vàng thế giới tăng mạnh, trong một đêm đã bứt phá qua ngưỡng 1200 USD/ounce, lúc nãy tan ca giá vàng lên đỉnh cao mới trong lịch sử là 260 tệ/gram. Hô hô, tối nay mình ăn sang một chút nhé? Mình đi DOZO ăn hải sản được không?
- Cái gì? – Trong nền trời đen kịt lấp lánh đèn, Điền Ca tròn xoe mắt nhìn Lý Dương, vẻ mặt như đưa đám, - Thật ư? Suốt nửa năm trời giá vàng toàn ở dưới ngưỡng 260 tệ/gram, sao chỉ một buổi chiều lại tăng nhanh như thế?
- Đây chính là chỗ thần kì của thị trường vàng, kì tích thường xuất hiện trong tích tắc mà. – Lý Dương nhìn Điền Ca, vẻ mặt của cô làm anh thấy khó hiểu, - Sao em không vui chút nào thế?
- Em… bán vàng của anh rồi. - Điền Ca trả lời lí nhí.
- Hả? Em bán rồi? Bán khi nào? Bán bao nhiêu?
- Trưa nay. Vừa hoa gốc là em bán luôn.
- Anh chỉ muốn cốc cho em vài cái thôi! - Lý Dương tức giận, đẩy Điền Ca ra, - Em làm anh tức chết đi được, chờ bao lâu mới có một lần giá vàng tăng vọt, thế mà em lại lanh chanh bán trước rồi. Em bán đúng lúc thế, vừa khéo trước lúc tăng giá! Sao lúc bán không gọi điện cho anh? Đúng là đồ óc ngắn, sau này đừng hòng vào tài khoản vàng của anh nữa, mai anh đổi mật khẩu….
- Em xin lỗi nhé! - Điền Ca ấp úng, trong lòng cũng rất bực bội, sao lại xui xẻo thế chứ? Sao vừa bán ra thì giá vàng lại tăng vọt vậy?
Vừa hay, hai người đã đến trước cửa quán ăn, Lý Dương chợt đứng khựng lại, phồng mồm lên nói:
- Tối nay không ăn lẩu nữa, ăn mì đi, đỡ tốn tiền!
Điền Ca im bặt một lúc lâu, vẻ mặt áy náy ban nãy chuyển thành giận dữ. Cô đứng lặng nhìn anh, rồi bỗng quay người đi ngược lại, bước chân nhanh thoăn thoắt, chẳng mấy chốc đã tới trạm xe buýt. Lý Dương lật đật chạy theo, kéo tay cô lại.
- Em đi đâu đấy? Không ăn nữa à?
- Anh ăn một mình đi. Em không ăn nữa, đỡ tốn tiền.
- Em không ăn thì cũng phải đợi anh ăn xong rồi hãy đi chứ. Một mình em đi đâu?
- Em về nhà!
- Em về bằng cách nào? Túi xách ở trong tay anh mà. - Lý Dương chỉ vào cái túi xách của cô đang đeo trên vai mình, - Trên người không có một xu mà cũng đòi đi, không sợ nhân viên thu vé đuổi xuống xe à?
- Em đi bộ! - Điền Ca cảm thấy chua xót, nước mắt trào ra.
Lý Dương thở dài, ôm cô vào lòng rồi vội vàng đưa tay lau nước mắt cho cô, - Anh không tốt, anh không đúng. Đây, em đánh anh đi! Đánh đi!
Lý Dương cầm tay cô đánh khẽ một cái lên má mình:
- Em làm sai, anh không được phép nói à? Mới nói vài câu đã giận hờn bỏ đi. Cứ thế bỏ đi một mạch tới trạm xe buýt mà còn ba hoa đi bộ về nhà ư? Thôi đừng tủi thân nữa, mình đi ăn lẩu đi.
- Ăn mì nhé, tiết kiệm một chút đi. - Điền Ca khóc nấc lên, - Tại em làm sai nên mới gây tổn thất cho anh, nếu trưa nay em không lên mạng thì tốt rồi.
- Chuyện lớn đây! Cuối tháng sau cơ quan trả lương và tiền thưởng giữa năm vào thẻ, số tiền lớn như thế mà không đủ chi bữa tối này sao? Hôm nay mình ăn hải sản rồi đi mua quần áo cho em. Sang hè rồi, phải sắm thêm hai bộ quần áo mới chứ.
Khi họ ra khỏi quán lẩu, đồng hồ mới điểm hơn tám giờ, bên đường không thiếu cửa hàng quần áo còn mở cửa chờ khách. Điền Ca kéo Lý Dương vào một cửa hàng, anh vừa ngồi xuống ghế băng nghỉ chân, ngoảnh đi ngoảng lại đã không thấy vợ đâu. Một lát sau Điền Ca từ phòng thay đồ đi ra, chiếc quần jean trên người được thay bằng chiếc váy siêu ngắn, nền trắng in hoa xanh; dưới ánh điện sáng choang, trông cô giống như một diễn viên múa balê. Hai cô nhân viên không ngớt lời khen ngợi.
- Ôi, đẹp quá! Chân chị dài và thẳng thật đấy, lại còn được cả nước da trắng hồng nữa chứ. Chiếc váy này rất hợp với chị, cứ như thể nó được may riêng cho chị vậy.
- Đẹp không? - Điền Ca cười hì hì, hỏi Lý Dương.
Lý Dương cau mày hỏi vặn:
- Mua để làm gì?
- Để mặc chứ làm gì.
- Liệu có hợp không?
- Rất hợp.
- Mặc đi đâu? Hợp trong hoàn cảnh nào?
- Để em nghĩ một chút. - Điền Ca vừa ngắm nghía trước gương vừa ra vẻ suy nghĩ.
- Không nhận thấy à? - Lý Dương nhìn hàng chữ trên tấm biển quảng cáo treo trong cửa hàng, bĩu môi. - Giả nai…
Anh chưa nói hết câu, Điền Ca đã đổi sắc mặt, mím môi ra khỏi cửa hàng.
Lý Dương lẽo đẽo chạy theo sau:
- Mình vào cửa hàng khác đi, mua cái nào hợp với em ấy.
- Khỏi cần, không mua nữa! - Điền Ca không quay đầu lại, cứ thế đi thẳng tới trạm xe buýt. Tâm trạng cô đang thảnh thơi, chợt nghĩ đến chuyện tự dưng mất trắng hai mươi vạn tệ và một vạn rưỡi tiền đặt cọc nên chẳng thiết tha mua sắm gì.
Lý Dương cũng không buồn dỗ dành cô nữa vì anh vừa ăn no xong đã đi bộ nên xóc bụng, cảm thấy thấm mệt. Hai người lên xe buýt, mới đi được một trạm, Điền Ca lại đùng đùng xuống xe. Lý Dương sửng sốt, vội vã chạy theo.
- Em làm gì vậy?
- Em đi mua cái váy đó. Em thấy đẹp thì mua. Em ngần này tuổi rồi, không mặc nhanh thì mấy năm nữa phát tướng, muốn mặc e rằng chẳng nhích nổi.
- Được! Thích thì mua!
Điền Ca khăng khăng đòi mua bằng được chiếc váy siêu ngắn. Để giữ hòa khí, Lý Dương im thin thít, không đả động gì đến giá trị thẩm mĩ của chiếc váy. Song, bước vào cửa hàng, vừa nhìn giá tiền Điền Ca liền rụt vòi lại. Cô mặc cả với nhân viên phục vụ, cô ta nói chiếc váy đó là kiểu dáng mới nhất nên chỉ giảm giá 10% thôi, thế là cô bỏ ngay ý định mua nó. Lý Dương ăn lẩu cay lại đi tới đi lui nhiều lần trên phố nên khát khô cả cổ, vì vậy đi qua sạp báo, anh dừng lại mua hai cây kem ốc quế, nhưng lúc trả tiền, Điền Ca nói:
- Em không ăn, anh mua một cái thôi.
Lý Dương ngần ngừ nhìn cô rồi trả lại một cây kem. Điền Ca ngậm ngùi rồi tự thán:
- Không mua được váy lại còn mất hai tệ tiền vé xe buýt. Bằng không cũng có tiền ăn kem rồi.
Lý Dương phớt lờ, anh bóc vỏ kem, vừa ăn vừa trêu ngươi:
- Ôi! Sướng thật!
Điền Ca nuốt nước miếng, nhìn anh trân trân, ánh mắt đầy tức tối:
- Ờ! Biết nghe lời nhỉ, bảo anh mua một cái thì mua đúng một cái!
- Em nói không ăn mà?
- Đáng ghét! Em không phải người chắc? Anh khát, em không khát à?
Lý Dương cười thích thú:
- Tổ tông ơi! Kiếp trước chắc anh mắc nợ em hay sao mà kiếp này lại bị em hành thế hả? - Nói xong, anh cắn một miếng to rồi dúi cây kem còn lại hai phần ba vào tay vợ.
Dọc đường không ai thèm đoái hoài gì đến ai. Về đến nhà, Điền Ca ngồi thừ ra trên sofa trong phòng khách, còn Lý Dương thì dán mắt vào chương trình giải trí trên tivi, lâu lâu còn cười ngặt nghẽo vì những câu chọc cười của MC và khách mời. Anh vừa cười vừa gọt táo, tiếng căn táo giòn tan làm chướng tai Điền Ca.
Bất thình lình, cô cầm lấy điều khiển tivi ném mạnh vào góc tường, vỡ làm mấy mảnh. Lý Dương giật nảy mình, sừng sờ nhìn vợ.
Điền Ca đứng ngây ra như tượng gỗ, nhìn anh chằm chằm:
- Không thể cho nhỏ âm lượng một chút sao?
Lý Dương không thèm giải thích:
- Sao thế? Anh ăn táo mà em cũng thấy gai mắt à?
- Chướng tai em, nghe rất bực mình!
- Táo giòn ngon lắm, hay là em cũng ăn thử một miếng đi! - Lý Dương nhẹ nhàng xoa dịu bầu không khí ngột ngạt trong gia đình.
Điền Ca cướp quả táo đang ăn dở trên tay chồng, rồi cứ thế bù lu bù loa:
- Anh nói đi, anh chê em già phải không? Em mặc váy ngắn mà anh nói giả nai là sao? Em mới hơn ba mươi một tí chứ đâu đã đến bảy tám mươi tuổi? Có gì là không hợp?
Lý Dương thành thực trả lời, giọng đầy vẻ vô tội:
- Anh có nói em già đâu.
- Ý anh là như vậy!
- Em hiểu như thế là không đúng, rõ ràng tư duy của em có vấn đề mà. Đưa táo đây cho anh, đợi ăn xong anh sẽ giải thích rõ ràng với em kẻo mà phí mất quả táo hơn một tệ đấy. Nào! Đưa đây cho anh. - Lý Dương chìa tay ra.
- Không đưa, nói rõ chuyện này đã.
- Em có đưa hay không?
- Không đưa!
- Có phải em lại bị stress rồi không? Tự dưng gây chuyện, em muốn làm gì nữa đây? Chẳng phải anh đã để cho em mua váy rồi đấy thôi? Anh quay lại đi bộ cùng em đến cửa hàng, là tự em không mua đấy chứ, còn trách ai nữa?
- Em không mua là vì quá đắt. Mua một chiếc váy ngắn mà mất những bốn năm trăm tệ, không tiếc sao được?
- Sao lại tiếc tiền? Mỗi tháng hai vợ chồng mình kiếm được một vạn mấy nghìn tệ, chả nhẽ không mua nổi chiếc váy đó sao?
- Một vạn mấy nghìn tệ thì mua được cái gì? Nếu mua được nhà rồi thì em còn tiếc tiền mua váy sao? Đừng nói bốn năm trăm tệ, cho dù là bốn năm nghìn tệ, em cũng xách ngay về mà không hề chớp mắt…
- Đừng nhắc đến chuyện nhà ở với anh! Nói nữa là anh cho em một trận đấy, em cho rằng anh không dám đánh em ư? - Hễ nhắc tới chuyện nhà ở là Lý Dương lại nổi khùng, mất hết kiềm chế, anh giơ tay về phía cô.
- Anh đánh đi! Đánh đi! Có bản lĩnh thì đánh chết em đi cho rồi. Dù sao em sống cũng chẳng có ý nghĩa gì.
- Không có nhà thì sống chẳng có ý nghĩa gì à? Đầy người không có nhà ở đều chết hết hả?
- Anh chỉ biết so sánh với những người không có nhà cửa… hu hu… Anh đánh chết em đi! - Điền Ca đấm thùm thụp vào ngực Lý Dương, nước mắt giàn giụa. – Anh đi đâu kiếm tiền thì đi! Anh trả cho em hai mươi vạn tệ đây, em không bỏ qua cho anh…
3
Cuối tuần Lý Dương và Điền Ca tới một đại lý bán xe ôtô trên đường Trùng Khánh.
Đường Trùng Khánh cách trung tâm thành phố Thanh Đảo khá xa, hai người đi được nửa đường thì lại bắt chuyến xe khác để tiếp tục lộ trình. Nhiều đại lý ôtô lâu năm đều năm rải rác trên con đường này. Mấy năm nay ở khu Lao Sơn mọc lên không ít đại lý mới, nhưng chủ yếu chỉ bán dòng xe hạng sang của các thương hiệu ôtô nổi tiếng thế giới.
Trước khi tới đây, họ đã lên mạng xem các mẫu xe giá rẻ. Lý Dương tìm hiểu về động cơ và lượng xăng tiêu thụ, còn Điền Ca chọn màu sắc và kiểu dáng.
- Xe của Đức đúng là tốt thật! Lý Dương mê tít, chỉ có điều giá đắt lòi mắt nên Điền Ca gạt phắt đi.
- Đừng có mơ!- Điền Ca nói.
- Mà mơ cũng chẳng được! - Điền Ca lại nhấn mạnh.
Xe của Nhật tiết kiệm xăng, đây mới là điều quan trọng. Điền Ca không bận tâm xe sản xuất ở nước nào, dù sao trong xu thế toàn cầu hóa, cả thế giới đều là người một nhà. Người ta sản xuất xe trên lãnh thổ nước mình để giúp ngành công nghiệp phát triển thì mình cũng phải mua hàng cho người ta chứ? Không cho người ta kiếm tiền thì người ta kinh doanh thế nào? Ai lại đi cống hiến không công cho đối tác? Nhưng Lý Dương dứt khoát phản đối bởi anh luôn có ác cảm tẩy chay các mặt hoàng liên doanh Nhật, ôtô thì khỏi cần phải nói. Xem thái độ kiên quyết của Lý Dương, Điền Ca biết nếu mình cứ cứng đầu cũng chả hay ho gì. Về những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, Lý Dương đều nhường cô nhưng động đến việc lớn là anh thà chết cũng không chịu thỏa hiệp. Điền Ca đành lui một bước, đừng trên quan điểm trung gian, hai người chọn xe Meimei của Hàn Quốc, giá tiền chỉ trong sáu vạn tệ, số tiền cao nhất mà hai người gom được lúc này.
Chiếc Meimei đáp ứng được hàng loạt tiêu chí mua xe của họ, nhất là khả năng kinh tế. Meimei có giá gốc là sáu vạn sáu nghìn tệ, nhưng được giảm giá sáu nghìn tệ nên chỉ còn sáu vạn tệ. Ngoài ra, họ phải dùng tiền lương tháng này để mua bảo hiểm, đóng thuế và làm đăng kí…
Con người kiếm tiền để làm gì nhỉ? Là để tiêu xài mà thôi. Lý Dương tặc lưỡi:
- Hết lại có mó lại thấy. Còn có anh đây, em cứ việc tiêu xài đi.
Dường như Điền Ca không nghe thấy anh nói gì, cô đắm đuối nhìn chiếc xe Yanyan cùng dãy xe Meimei rồi chui tọt vào trong xe ngồi và đăng kí lái thử một vòng. Mui xe và ghế lái xe được điều chỉnh bằng nút bấm hiện đại. Ghế ngồi cùng màu với thân xe, trông hài hòa và đẹp mắt. Điền Ca rất thích, nhưng Yanyan trị giá những tám vạn tệ. Cô nghĩ ngược nghĩ xuôi, hiện giờ lấy đâu ra hai vạn tệ, mà kể ra cũng xót ruột, nhà vẫn còn nhiều khoản phải chi. Thôi bỏ đi!
Khi đi đến đại lý xe, trong lòng Điền Ca hừng hực khí thế, bằng mọi giá phải lái một chiếc ôtô về nhà nhưng đến khi phải bỏ ra một số tiền lớn thì cô lại tiếc như đứt từng khúc ruột, những lời quyết tâm giờ chỉ như gió thoảng mây bay. Đúng là một vấn đề nan giải, làm thế nào đây? Cô do dự, và nghĩ nhiều đến đau cả đầu.
- Thế nào rồi? Quyết định chưa? Muốn mua chiếc nào? - Lý Dương hỏi.
Điền Ca lắc đầu, nhìn chiếc này ngó chiếc kia, mãi không quyết được.
- Hay là về suy nghĩ lại đã? – Lý Dương gợi ý.
Ra khỏi đại lý, Điền Ca như trút được gánh nặng, tiền vẫn nằm im trong túi cô. Trên đường về, Điền ca kêu đói bụng, Lý Dương liền kéo cô xuống xe buýt, quyết định vào quán chén một bữa thật ngon.
Ba ngày sau, khi hết giờ làm Điền Ca đi ra trạm xe buýt như thường lệ. Đang thẫn thờ nhớ lại cảm giác được lái chiếc xe hôm nọ, bất chợt nhạc chuông tin nhắn vang lên, là của Lý Dương: “Cưng, mời em nhìn qua bên phải!”.
Bên phải là đường ôtô. Điền Ca vừa quay đầu lại thì thấy một chiếc Yanyan màu cam đỗ xịch bên đường, cửa kính xe dần dần hạ xuống để lộ khuôn mặt tủm tỉm cười của Lý Dương.
- Em đứng ngây ra đấy làm gì? Mau lên xe đi, hai vợ chồng mình lượn một vòng cho sướng.
Xe lướt nhanh trên con đường rộng thênh thang và sạch sẽ. Tuy động cơ chỉ có 1.6 lít nhưng Lý Dương vãn hang hái lái, rẽ trái rồi quẹo phải ầm ầm. Anh tự ý mua xe vượt quá ngân sách hai vạn tệ, ấy thế mà cô không trách móc tí nào, ngược lại còn ngạc nhiên mừng rỡ. Nhà ư? Đi đời nhà ma nhé.
- Không phải chỉ là một chiếc xe thôi ư? Chuyện nhỏ như thế mà cũng phải để anh chọn giúp? - Lý Dương cười đắc chí, - Trước mắt em cứ chịu khó đi chiếc xe này đã, đợi ngày nào đó phát tài anh sẽ mua hai chiếc BMW và Mercedes-Benz cho em tha hồ lựa chọn. Một chiếc để đi làm còn một chiếc đỗ trong gara, thỉnh thoảng thay đổi.
- Anh lấy hai vạn tệ ở đâu ra? Mượn ai à?
- Vay ngân hàng, trả dần bằng tiền lương của anh.
- Nếu mua chiếc xe Meimei thì bớt được hai vạn tệ, không cần vay nợ mà lượng xăng tiêu thụ cũng ít hơn.
- Em thử nghĩ mà xem, giá đắt hơn thì cũng phải có nguyên do của nó chứ. Anh tìm hiểu rồi, xe Yanyan của chúng ta nặng hơn xe Meimei hai trăm kilôgram, phần vỏ xe dày nên sẽ an toàn hơn. Mua xe cho vợ, an toàn là trên hết còn các tiêu chí khác đều là thứ yếu.
- Vâng! - Điền Ca ngả đầu vào vai Lý Dương, trong lòng rất cảm động.
- Thích không?
- Thích. Anh thích không?
- Chỉ cần em thích, anh cũng thích. Vui không?
- Vui. Anh vui không?
- Chỉ cần em vui, anh cũng vui.
Điền Ca mỉm cười.
Ngày hôm sau, Điền Ca để Ni Ni ngồi vào ghế phụ lái rồi lái xe vù vù về nhà mẹ đẻ.
Bà Phượng thấy vợ chồng con đột nhiên không mua nhà mà quay sang mua xe nên thấy cực kỳ khó hiểu, nghĩ thế nào cũng không ra. Trong mắt bà, nhà ở là tài sản cố định, càng để lâu càng được giá, còn ôtô là loại tài sản hao mòn, thời gian sử dụng càng lâu càng mất giá trị.
- Thế này mà gọi là cháy túi à? Nhà cửa không mua lại đi rước ô tô, tiền nuôi xe cũng đủ để gọi taxi rồi đấy! - Bà Phượng nói.
- Mẹ ạ, con người sống vì cái gì chứ? Vì tiết kiệm dè sẻn, ăn uống kham khổ ư? Con chịu nhiều vất vả rồi, giờ con đã nghĩ thông, khóc cũng là sống cười cũng là sống, tiết kiệm cũng là sống tiêu xài cũng là sống. Vậy thì tại sao mình không chọn cách sống vui vẻ thoải mái? Từ giờ trở đi, chúng ta phải học cách hưởng thụ, chứ không thể làm nô lệ của cuộc sống mãi mẹ ạ. Đầy người còn không có gác xép để ở nhưng mùa đông người ta vẫn ung dung mặc áo khoác lông chồn, lượn lờ shopping đấy thôi.
- Đấy là cuộc sống bình thường sao?
- Thế nào gọi là cuộc sống bình thường ạ? Con không sống bình thường sao? Không phải con đã nói với mẹ rồi à, hiện tại mua nhà thật sự rất mạo hiểm, giá nhà tăng đến đỉnh điểm là đáng sợ nhất đấy, mẹ biết không? Đợi giá nhà giảm xuống, chúng ta sẽ mua, đến lúc ấy có khi lại kiếm thêm một chiếc ôtô nữa đấy. Ha ha…
- Ôi trời! Mẹ thấy con bị Lý Dương tẩy não rồi.
- Xác suất, mẹ hiểu được xác suất học không? Ròng rã mười năm trời, Lý Dương toàn dự báo sai về diễn biến thị trường nhà đất, chả lẽ lần này lại sai nốt? Con tin vào xác suất, sớm muộn gì anh ấy cũng thắng một lần.
- Năm nào ôtô cũng giảm giá, mua chậm một năm là tiết kiệm được một khoản tiền, con đã nghĩ đến điều này chưa?
- Con tính rồi, nếu cả đời không mua xe thì còn tiết kiệm được món tiền lớn cơ. Nhưng như thế thì chi li tỉ mỉ giống mẹ quá, cái chúng con cần nhất bây giờ là thực tế.
- Ôi! Con gái tôi biết lẻo mép từ khi nào thế này?
- Đừng nói vấn đề này nữa mà mẹ. Đi thôi nào! Con sẽ đưa mẹ ra ngoài đi một vòng, đảm bảo mẹ sẽ thích Yanyan ngay cho mà xem. Sau này mua thức ăn, chúng ta không cần đi siêu thị để bị chặt chém nữa; mình đi xa một chút tới metro hoặc tới tận ruộng mà mua dưa chuột và cà chua vừa mới thu hoạch. Thế thì tươi ngon biết mấy mẹ nhỉ?
- Không sợ tốn xăng hả?
- Tiền xăng? Dễ ợt, con tăng ca là được chứ gì? Nếu không thì bảo Lý Dương làm thêm mấy ngày nghỉ như Tết âm lịch, Quốc tế Lao động, Quốc khánh. Tăng ca mấy ngày này lương rất cao mà lại nhàn hạ, anh ấy đến cơ quan đọc sách một ngày là tương đương với ba ngày làm việc bình thường đấy.