Cường đọc qua một lần nữa bản kế hoạch của năm sau,
sau đó đặt bút xuống và kí. Người đàn ông ở phía đối diện chiếc bàn làm
việc của anh vẫn đứng yên chờ đợi, không tỏ ra sốt ruột chút nào.
Sau khi Cường kí xong tất của các loại giấy tờ, ngẩng đầu nhìn người đàn ông, anh hỏi tiếp:
- Việc tôi nhờ anh làm tới đâu rồi?
- Giám đốc, đã có kết quả rồi.
- Nhanh vậy sao? Anh nói đi – Cường ngạc nhiên và giục giã.
- Cô gái đó tới nhà hàng Phương Đông để học nấu ăn theo chương trình “Món ngon cuối tuần”.
- Anh không nghe nhầm chứ? – Cường ngẩn ra, dường như không tin vào những gì mà mình vừa được nghe.
- Không, đây là do chính người giữ sổ đăng kí học ngày hôm qua nói cho
tôi. Cô gái đã đăng kí ở chỗ anh ta theo thẻ học dành cho khách hàng.
- Trước đó đã bao giờ cô ấy tới đây chưa? Ý tôi là tới chương trình này ấy?
- Chưa. Số thẻ trên phiếu học của cô ấy cũng chưa từng được lưu vào số đã xuất cho khách hàng, theo phỏng đoán chính là do người trong nhà hàng
trực tiếp tặng cho.
- Được rồi, tôi hiểu rồi. Còn gì không?
Nhưng người đàn ông chưa kịp nói tiếp thì cửa lại xịch mở. Xuất hiện sau cánh cửa là bà Phượng – mẹ Cường. Phía sau bà là gương mặt bối rối của cô
thư kí.
- Giám đốc, bà phó chủ tịch…
- Tôi đã bảo không phải việc của cô mà – Bà Phượng cau có gắt lên, dường như bà rất bực mình vì bị cô gái này ngăn lại.
Cường đưa mắt nhìn mẹ, sau đó nói với thư kí của mình:
- Được rồi, cô mang cho mẹ tôi một ly trà.
Bà Phượng đi tới bàn tiếp khách của con và ngồi xuống. Cường dường như không chú ý đến điều đó, vẫn tập trung làm việc.
Bà Phượng trẻ hơn rất nhiều so với tuổi ngoài năm mươi của mình. Mặc dù có vẻ đẹp khiến vô số người đàn ông phải gục ngã nhưng bà lại là một người đàn bà thất bại trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ông Cảnh – bố
Cường là một người đàn ông giàu có và đào hoa. Ngoài Cường, ông ta còn
có tới bốn đứa con riêng khác, hiện tại cũng đều làm việc trong công ty
của ông. Từ nhỏ, Cường đã phải sống trong sự dạy dỗ khắc nghiệt của mẹ,
vì là một người phụ nữ tham vọng nên bà không muốn con mình phải chia
chác tài sản với những đứa con khác của chồng. Anh phải gồng mình lên
học hành, phải chịu đựng những cơn giận lẫy của mẹ, phải chiều theo mọi
sắp xếp của bà.
Trước khi gặp Linh, Cường không đồng tình nhưng
cũng chưa hề phản đối cuộc hôn nhân mà mẹ anh đã sắp xếp cho anh với
Hằng. Cũng như Đại, anh luôn đặt công việc lên vị trí số một, khi buồn
thì tìm những cô bạn gái tâm sự, bản thân anh cũng không quá tha thiết
với việc lập gia đình. Hằng là một cô gái đẹp, thông minh và lanh lợi,
nhưng sống trong cảnh sung sướng từ nhỏ nên cô không thoát khỏi vỏ bọc
của một cô tiểu thư kiêu căng, hợm hĩnh. Cô luôn nhìn những người nghèo
khó hơn mình bằng ánh mắt khinh rẻ, coi thường. Cường biết Hằng đã thầm
yêu anh từ lâu, từ khi anh vẫn còn là anh chàng sinh viên đại học mải
vui, mải chơi, mải chạy theo trêu ghẹo những bóng hồng.
Sau khi
gặp Linh, tiếp xúc với Linh. Cường hoàn toàn bị rung động trước cô. Khi
ấy, anh không khác gì một thằng con trai mới lớn ngu ngơ, khờ khạo. Anh
theo đuổi cô một cách trẻ con và vô cùng dễ thương khiến Linh cuối cùng
cũng phải động lòng. Linh là mối tình đầu của anh, và anh cũng chính là
mối tình đầu tiên của cô. Đó là một chuyện tình đủ đẹp để tất cả những
người xung quanh phải ghen tị.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì thay
đổi, nếu như Hằng không xuất hiện và phá tan hết thảy. Cô lên cơn ghen,
xông vào đập phá quán ăn, đánh cả Linh trong khi anh không có ở cửa
hàng. Khi Cường biết chuyện, anh đã tới và đuổi Hằng đi, việc này tới
tai hai bà mẹ ở Việt Nam và Cường lại thêm một phen đau đầu nữa. Rồi
Linh bỏ về Việt Nam, bản thân anh phải mất nửa năm sau mới có thể sắp
xếp xong mọi việc để về nước được.
Thấy Cường vẫn ngồi cắm cúi bên đống giấy tờ, không hề đoái hoài gì tới mình, bà Phượng không nhịn được bèn hỏi:
- Con bận rộn cái gì mà mẹ tới cũng không ra tiếp được vậy?
Cường ngẩng đầu lên, đáp lại bằng vẻ không hài lòng:
- Con phải hỏi mẹ mới đúng. Mẹ rảnh không có việc gì làm thì cũng không nên tới văn phòng của con vào giờ làm việc thế này chứ.
- Văn phòng của con tôi, tôi thích tới thì tới, ai dám cấm nào? – Bà
Phượng nghiêm giọng đáp – Mà con về lâu như vậy rồi, sao không tới nhà
con Hằng chơi? Bố mẹ nó cứ hỏi mãi đấy, đừng làm mẹ phải xấu hổ nói giúp con suốt như thế chứ?
- Con chẳng có việc gì để tới đó cả? – Cường vừa cắm cúi đọc vừa trả lời đầy thờ ơ.
- Con nói thế mà được à? Nó là vợ sắp cưới của con cơ mà. Con năm nay
cũng gần ba mươi tuổi đầu rồi, mấy nữa mà hai đứa cũng phải cưới nhau…
- Cái gì chứng minh cô ta là vợ chưa cưới của con?
Mỗi lần nghĩ lại việc Hằng đã tới và làm rối tung mọi chuyện của mình,
khiến Linh giận dữ mà rời xa anh, Cường càng cảm thấy bực bội trong
lòng. Không ngờ lúc này bà Phượng nhắc tới lại khiến cho giọng nói của
Cường cũng trở nên lạnh lẽo hơn.
- Con… con nói cái gì thế
Cường? Con bị con bé nhà quê kia làm cho mụ mị hết đầu óc rồi à? Con có
biết con đang nói cái gì không?
- Từ bé tới giờ con luôn nghe
theo sự sắp đặt của mẹ. Mẹ muốn con học kinh tế, con đã học. Mẹ muốn con quản lý công ty này của bố, con cũng làm. Nhưng mẹ đừng có sắp xếp toàn bộ cuộc đời con. Con sẽ không lấy Hằng.
- Hằng nó xinh xắn,
ngoan ngoãn, gia đình lại nhiều người làm quan chức. Nếu con lấy nó thì
cả gia sản này không sớm thì muộn sẽ thuộc về con mà thôi – Bà Phương
dịu giọng khuyên nhủ.
- Dù chỉ còn hai bàn tay trắng con cũng sẽ tự thân đứng dậy. Con sẽ không vì một cái gia sản không do con làm ra
mà phải mang tiếng bám váy đàn bà. Như thế, sau này con còn có thể ngẩng cao đầu mà nhìn người khác sao? Mẹ nghĩ gia đình cô ta sẽ thực sự coi
trọng một người đàn ông như thế sao?
- Con không cần lấy lý do
này nọ. Mẹ biết con vẫn còn chưa quên được con bé kia phải không? Nó chỉ là một đứa con gái nghèo kiết xác, lại không học hành cao sang gì, tại
sao con cứ u mê mà bám theo nó làm gì? – Bà Phượng bắt đầu cao giọng
hơn, dường như bà không còn kiên nhẫn nổi với thái độ bướng bỉnh của con trai nữa.
- Mẹ không cần nói nữa, con đã quyết định rồi, con sẽ không lấy người mà con không yêu – Cường lạnh nhạt ngắt lời bà.
- Con à… – Bà Phượng nhận ra không nên căng thẳng nên bắt đầu đấu dịu –
Con là của cải lớn nhất đời mẹ. Con được sung sướng thì mẹ mới yên tâm
mà chết đi được chứ? Hay con muốn mẹ chết đi rồi vẫn ân hận vì không thể để con sống đầy đủ?
- Con vẫn có thể sống đầy đủ được. Nếu mẹ
không còn việc gì khác nữa thì con đi đây – Cường nói một cách dứt khoát sau đó đi thẳng ra ngoài cửa.
Bà Phượng giận dữ nhìn theo bóng
con. Khi Cường đã rời khỏi phòng làm việc, bà Phượng bình tĩnh lấy từ
trong túi xách ra một bao thuốc, bắt đầu châm lửa hút, chậm rãi suy
nghĩ. Phản ứng của con trai bà hôm nay dù không làm bà vừa lòng nhưng bà vẫn có thể kiềm chế được cơn giận của mình. Cuộc đời này còn có chuyện
gì là bà chưa trải qua nữa đâu. Chồng bồ bịch, thậm chí có tới mấy đứa
con ngoài giá thú, bỏ rơi mẹ con bà nhiều năm. Lúc đầu bà đau khổ vật
vã, oán trách cuộc đời bất công với mình, nhưng rồi bà gạt đi nước mắt,
tự bắt mình sống mạnh mẽ đôi khi tàn nhẫn. Bà cho phép chồng nhận mấy
đứa con riêng kia, nhưng bà lại âm thầm gạt bỏ những người đàn bà tình
địch ra khỏi cuộc đời người đàn ông của mình, không bằng cách này thì
bằng cách khác.
Cường là hy vọng lớn nhất cuộc đời bà. Bà có thể đánh đổi tất cả để con trai được đi trên con đường bằng phẳng nhất, an
toàn nhất. Bà dạy con trai phải biết sống lạnh lùng, phải biết dẫm đạp
lên những người cản đường mình mà đi. Con đường đến với chiếc ghế cao
nhất của gia đình chỉ còn là vấn đề thời gian, miễn là Cường chịu nghe
theo sự sắp đặt của bà. Nhưng sự xuất hiện của một đứa con gái thôi đã
làm thay đổi hết thảy mọi tính toán của bà, mà còn đau hơn khi đó là một con bé nhà quê, học hành lẹt đẹt, không có một chỗ nào xứng đáng với
con trai bà. Thế mà thằng Cường say mê nó, điên đảo vì nó, thậm chí ở lì bên Mỹ tới bốn năm chỉ để có thể quấn quýt bên nó. Điều làm bà bực bội
nhất chính là con trai bà lại yêu một đứa con gái hơn cả nghe lời mẹ nó. Là người từng trải, bà không để con trai thấy những gì mình đang nghĩ.
Bà vẫn âm thầm tính toán để tìm ra được một kế sách vẹn toàn, để đứa con ngỗ nghịch này lại hoàn toàn nằm trong sự khống chế của bà như trước.
Nghĩ tới đây, bà Phượng lấy chiếc điện thoại từ trong túi xách và bấm máy:
- A lô, văn phòng thám tử X phải không? Tôi có việc cần hẹn gặp…