“Hôm qua, ta mới nhận được thư của Phong Nhạc, nó nhậm chức đủ ba năm, giờ sắp được hồi kinh. Tình Lam, con có cần chuẩn bị gì thì cứ nói với nhị tẩu nhé.”
“Tam ca, à không, tam thúc sắp về kinh ư?” Thanh Hề vô cùng phấn khởi, tuy tam gia Phong Nhạc là con của vợ lẽ nhưng quan hệ giữa nàng và y cũng không tồi.
Thái phu nhân gật đầu, mỉm cười, tuy không phải con đẻ nhưng từ nhỏ tam gia đã do một tay bà nuôi nấng, tình cảm mẹ con rất khăng khít.
Nhưng nhìn tam phu nhân Đỗ Tình Lam thì lại không thấy một tia vui mừng nào. Cô ta nói: “Có gì dùng nấy thôi, chẳng cần chuẩn bị gì đâu ạ. Thư phòng của tam gia vẫn luôn có người dọn dẹp, vẫn không khác gì so với lúc chàng đi,” tam phu nhân nói.
Thanh Hề thầm lấy làm lạ, còn thái phu nhân thì đã biết rõ nguyên do, nhưng bà sợ tính tiểu thư của Đỗ Tình Lam lại nổi lên, gây ra chuyện mất mặt nên không thể không nhắc nhở vài câu:
“Nghe nói lần này hồi kinh, Phong Nhạc sẽ dẫn theo người thiếp mới nạp, còn có một đứa con trai nữa, con tính để mẹ con họ ở đâu?”
Vừa nhắc đến người thiếp họ Hướng này, Đỗ Tình Lam đã trợn mắt bĩu môi, không nói lời nào.
Thái phu nhân thở dài một tiếng, nói: “Tình Lam, mẹ biết trong lòng con khó chịu nhưng ván đã đóng thuyền còn trách được ai? Nếu con không chịu đổi tính, người chịu thiệt thòi chỉ có con.”
Phải nói thái phu nhân là người mẹ chồng chu đáo nhất trên đời.
Nước mắt của Đỗ Tình Lam lã chã rơi xuống. Cùng là phụ nữ, cùng làm vợ, có ai không hiểu. “Trong nhà, từ Quốc công gia tới tứ đệ, có ai nạp thiếp ngoài chàng? Đúng là vô lương tâm! Con sinh con đẻ cái cho chàng, còn chàng thì đối xử với con thế nào?”
Tất cả những người ngồi trong phòng, chẳng có ai đứng về phía cô ta. Đợi một hồi chẳng thấy ai an ủi nửa lời, Đỗ Tình Lam đành phải nín khóc.
Thái phu nhân lườm Đỗ Tình Lam, nói: “Con đang trách ta đồng ý cho Phong Nhạc nạp thiếp chứ gì?”
“Con không dám.” Đỗ Tình Lam cũng biết mình sai, chỉ là nhất thời không kìm được oán hận.
Chuyện này cả nhà đều biết. Đỗ Tình Lam là con của Định Viễn Bá, từ nhỏ đã được nuông chiều, sau khi lấy Phong Nhạc, cô ta vẫn giữ tính tiểu thư ngang ngược, hai vợ chồng cãi nhau như cơm bữa. Phong Nhạc đi nhậm chức nơi xa lúc Mi Thư Nhi vẫn còn quấn tã, hai người lại vì chuyện này mà cãi nhau to, cũng chỉ bởi nơi Phong Nhạc sẽ đến ở mãi tận huyện Liên Hoa khỉ ho cò gáy. Đỗ Tình Lam khăng khăng không cho chồng đi nhưng Phong Nhạc lại không muốn cả đời này phải núp dưới cái bóng của Phong Lưu nên nhất quyết mươn đi. Đỗ Tình Lam một là thương Mi Thư Nhi còn quá nhỏ, hai là không muốn đến cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi đó, hi vọng Phong Nhạc có thể nghĩ lại. Ai ngờ Phong Nhạc đi mà cũng không có một lời tư biệt Đỗ Tình Lam, trong ba năm qua cũng không viết cho cô ta một bức thư nào.
Con trai một thân một mình ở bên ngoài, thái phu nhân sao có thể yên tâm, nghe nói y tìm được một cô gái hết lòng thương yêu mình, bà đã đồng ý cho y nạp cô ta làm thiếp.
Ba năm không gặp, tình nghĩa phu thê đã phai nhạt, bây giờ Phong Nhạc lại mang theo hai mẹ con nhà nọ cùng về phủ, chẳng trách Đỗ Tình Lam lại phản ứng như vậy.
Xong vụ của Đỗ Tình Lam, thái phu nhân mới bảo người hầu dọn bữa sáng. Theo quy định, ngoài Thanh Hề, ba người còn lại đều không ăn sáng cùng thái phu nhân mà sẽ về chỗ mình dùng bữa, chính vì thế chỉ có thái phu nhân và Thanh Hề ngồi vào bàn.
“Í, ở chỗ mẹ hết yến huyết rồi ư?” Vừa dứt lời, Thanh Hề liền ghé sang bát của thái phu nhân, rõ ràng trong đó là yến huyết, vậy mà trong bát của nàng lại là yến trắng. Đây là lần đầu tiên có chuyện này.
Thanh Hề ngước nhìn thái phu nhân, trong đôi mắt rưng rưng muốn khóc tràn ngập sự tủi thân, như có ý nói thái phu nhân không thương nàng. Thái phu nhân không chống đỡ nổi ánh mắt đó, liền đưa bát yến huyết của mình cho nàng, mắng yêu: “Đúng là đồ trẻ con, cho con phần của ta vậy.”
Nếu đổi là nàng dâu khác thì chắc chắn sẽ không dám nhận, nhưng da mặt Thanh Hề rất dày nên nàng vẫn hớn hở nhận bát yến huyết, không quên nịnh một câu: “Vẫn là mẹ thương con nhất.” Thực ra đổi chén khi ăn chính là một biểu hiện của tình cảm gia đình.
Nhưng hành động này lọt vào mắt nhị phu nhân thật chẳng khác gì cho cô ta một cái tát.
Thương Nhược Văn nhìn thấy cảnh này, run rẩy chực ngã, vội vã lấy cớ đi về.
“Chỗ chúng ta hết yến huyết rồi sao?” Thái phu nhân hỏi Hà Ngôn.
“Vẫn còn ạ, hôm qua, a hoàn của nhị phu nhân là Anh Đào đã đích thân mang đến hai lạng.” Đó là phần yến huyết hằng tháng của thái phu nhân.
Thái phu nhân quay lại nhìn nhị phu nhân.
Nhị phu nhân nói thẳng: “Là ý của con ạ. Chỉ có mẹ là hằng tháng được hai lạng yến huyết, chỗ các con dâu đều là mỗi tháng hai lạng yến trắng.” Theo lệ cũ thì mỗi tháng, các phòng đều được phân hai lạng yến huyết.
Nhị phu nhân không hề giấu diếm vì nghĩ mình làm như vậy chính là tiết kiệm và công bằng. “Con nghe đại phu nói công dụng của yến huyết và yến trắng không hơn kém nhau là mấy, mà yến trắng lại rẻ chỉ bằng một phần ba yến huyết, thế nên con đánh bạo đổi yến huyết thành yến trắng.”
Thái phu nhân day trán, hỏi: “Hân Thư Nhi năm nay tám tuổi rồi nhỉ?”
Nhị phu nhân không hiểu sao thái phu nhân lại đột nhiên nhắc đến chuyện này nhưng vẫn trả lời: “Vâng.”
“Đã đọc sách gì rồi, nữ công thế nào?”
“Dạ, đã học hết sách vỡ lòng rồi ạ, hiện tại đang học Tứ kinh, còn nữ công, con đã mời riêng một tú nương (*) dạy cho con bé, đến giờ đã tự thêu khăn tay được rồi ạ.” Nhắc đến con gái, nhị phu nhân có vẻ nhiều lời hơn.
(*) Người phụ nữ làm nghề thêu thùa.
“Ừ. Con gái nhà ta phải ngoan ngoãn, hiền thục. Khi nào Hân Thư Nhi xuất giá, ta sẽ cho con bé của hồi môn hậu hĩnh, các thím bác của nó cũng sẽ có quà.”
Thái phu nhân nói đến đây, mặt của nhị phu nhân thoắt cái liền đỏ lựng. Cô ta sao có thể không hiểu thâm ý của bà. Nhị phu nhân xuất thân nghèo khó, lúc vào phủ cũng chẳng có của hồi môn gì đáng kể, mà nhị gia chẳng qua cũng chỉ giữ một chức nhỏ ở bộ Binh, bổng lộc có hạn, hai người phải thắt chặt hầu bao mới tạm đủ sống qua ngày, từ sau khi nhị phu nhân tiếp quản việc nhà, cuộc sống đã dễ thở hơn trước nhiều. Nhưng nhị phu nhân cũng là người thật thà, nắm tiền của cả phủ trong tay nhưng cô ta không tơ hào dù chỉ một đồng, chính vì thế thái phu nhân mới cho cô ta quản lý việc nhà.
Nhưng sau một thời gian dài, nhị phu nhân lại lộ ra một khuyết điểm, đó là tính keo kiệt, cái gì có thể bớt được là cô ta bớt ngay. Việc này đã giúp quỹ phủ tiết kiệm được không ít, mà số họ hàng thân thích đến xin tiền cũng giảm đi nhiều.
Tiết kiệm cho cả phủ thực ra cũng là tiết kiệm cho mỗi nhà, vì khi các cháu dựng vợ gả chồng thì sẽ phải lấy tiền đó ra trang trải, do đó quỹ phủ càng lớn thì đương nhiên của hồi môn của Hân Thư Nhi cũng càng nhiều.
“Mẹ, con…” Nhị phu nhân có phần hốt hoảng, toan giải thích.
“Ta biết suy nghĩ của con, nhưng phủ quốc công có thể diện của phủ quốc công.” Nói thực lòng, có những lúc thái phu nhân không ưa nổi cái tính này của nhị phu nhân, vì tiếc tiền, cô ta có thể cắt giảm chi tiêu một cách triệt để. Kỳ thực cũng không thể trách được nhị phu nhân, chung quy cũng vì cô ta quá sợ cảnh nghèo túng.
“Hơn nữa, ta biết con công bằng, nhưng có những lúc không thể quá so đo. Nếu thực sự muốn tính toán, sao con không tính một năm Phong Lưu đưa vào quỹ bao nhiêu bạc?” Một lời đã rõ mười mươi, nguồn chi của quỹ phủ như nhau nhưng nguồn thu không phải nhà nào cũng thế cả.
Nhị phu nhân càng xấu hổ.
“Thanh Hề tuy nhỏ tuổi nhất nhưng suy cho cùng vẫn là phu nhân quốc công, tuy con là em dâu nhưng lại lớn hơn nó, sao không biết nhường nhịn nó một tí?” Lời này của thái phu nhân không hề có ý thiên vị Thanh Hề mà là muốn tốt cho nhị phu nhân.
Tuy nhị phu nhân có chút tật xấu nhưng không phải là người không biết đúng sai. Thái phu nhân muốn nhắc nhở cô ta rằng nữ chủ nhân đích thực của phủ Tề Quốc công vẫn là Thanh Hề.
Chỉ tiếc phàm là đàn bà con gái thì đều có tính ganh tị. Cùng phận con dâu mà thái phu nhân lại chỉ yêu thương, bênh vực Thanh Hề, những người khác đương nhiên là sẽ tị nạnh, dù không đến mức thù ghét nhưng so bì thì đương nhiên không tránh khỏi.
“Con biết rồi ạ.” Nhị phu nhân cúi đầu nói.
“Ừ. Thôi, về bảo Anh Đào mang hai lạng yến trắng tới đây. Từ nay về sau, cả phủ đều ăn yến trắng.” Thái phu nhân muốn giữ thể diện cho nhị phu nhân, cũng để duy trì quan hệ tốt đẹp giữa cô ta và Thanh Hề. Nhị phu nhân khỏi nói cũng biết là vô cùng cảm kích.
Về đến Lan Huân Viện, Thôi Xán thực sự không hiểu nổi, bèn mang thắc mắc ra hỏi Lâm Lang: “Ngươi nói xem nhị phu nhân bị làm sao vậy, tự dưng đi đắc tội với mọi người?”