Chánh thanh tra Otto Schmied thuộc Sở cảnh sát hình sự Zurich ngồi tại bàn làm việc, hít thở thật sâu theo kiểu Yoga, cố giữ bình tĩnh, cố kiềm chế cơn giận giữ tràn ngập trong lòng.
Thủ tục của cảnh sát có rất nhiều điều luật cơ bản, rõ ràng đến nỗi không ai nghĩ chúng cần được đưa vào sổ tay cảnh sát. Chúng rất đơn giản và được coi là hiển nhiên như ăn, ngủ, thở vậy. Ví dụ, khi một tai nạn xảy ra, điều đầu tiên một thanh tra phải làm là, đơn giản, rõ ràng, không cần viết lên bảng là đến khám xét hiện trường vụ án. Không còn gì cơ bản hơn thế.
Nhưng ngay trên bàn của Chánh thanh tra Otto Schmied là báo cáo của thám tử Max Hornung đã vi phạm tất cả những nguyên lý của thủ tục cảnh sát.
Nhẽ ra mình phải đoán trước được, ngài Chánh thanh tra chua chát nghĩ. Vậy thì tại sao mình phải ngạc nhiên?
Thám tử Hornung là con chim hải âu của thanh tra Schmied, là con thú đen của ông ta, - thanh tra Schmied là một người hâm mộ mãnh hệt Meville - là Moby Dick của ông. Ngài thanh tra hít một hơi thở sâu nữa và từ từ thở ra. Rồi, chỉ với chút ít bối rối, ông cầm báo cáo của thám tử Hornung lên và đọc lại nó từ đầu.
BÁO CÁO SĨ QUAN TRỰC
Thứ tư mồng 7 tháng 11
THỜI GIAN: 1:15 sáng
NỘI DUNG: Báo cáo từ bảng điều khiển chính nơi xảy ra tai nạn tại toà nhà hành chính của Roffe và các con ở nhà máy Eichenbahn.
LOẠI TAI NẠN: Không rõ
NGUYÊN NHÂN TAI NẠN: Không rõ
SỐ NGƯỜI BỊ THƯƠNG HOẶC CHẾT: Không rõ
THỜI GIAN: 1:27 sáng
NỘI DUNG: Thông báo thứ hai từ bảng điều khiển chính tại nơi xảy ra tai nạn ở Roffe và các con
LOẠI TAl NẠN: Thang máy rơi
NGUYÊN NHÂN TAl NẠN: Không rõ
SỐ NGƯỜI BỊ THƯƠNG HOẶC CHẾT: Một phụ nữ chết.
Tôi bắt đầu điều tra ngay lập tức. Vào lúc 1.35 sáng tôi nhìn thấy tên người quản lý toà nhà hành chính của Roffe và các con và từ đó tôi biết được tên các kiến trúc sư trưởng của toà nhà.
2.30 sáng. Tôi xác định được địa điểm của kiến trúc sư trưởng. Ông ta đang tổ chức lễ sinh nhật tại La Puce. Ông ta cho tôi tên của công ty đã lắp đặt thang máy trong toà nhà, Rudolf Schatz, A.
3.15 sáng. Tôi gọi điện cho ông Rudolf Schatz tại nhà ông ta và yêu cầu ông ta ngay lập tức xác định các sơ đồ cho thang máy. Tôi cũng yêu cầu các chứng từ kế toán chính cùng với dự toán ban đầu, dự toán cuối cùng và chi phí cuối cùng, tôi cũng yêu cầu một bản kê hoàn chỉnh tất cả các loại vật liệu về cơ và điện đã được sử dụng.
Lúc nầy thanh tra Schmied có thể cảm thấy cơn co giật quen thuộc trên má trái. Ông hít vài hơi thở sâu rồi đọc tiếp:
6.15 sáng. Các tài liệu yêu cầu được giao cho tôi ở Sở cảnh sát bởi vợ ông Schatz, sau khi kiểm tra các ngân sách lúc đầu và chi phí cuối cùng tôi rất thoả mãn rằng:
a) Không có các vật liệu kém bị thay thế trong quá trình chế tạo các thang máy
b) Vì danh tiếng của nhà sản xuất, giả thiết tai nạn xảy ra do nhân công có tay nghề kém bị loại bỏ
c) Các biện pháp an toàn trong thang máy đều rất thoả đáng
d) Vì thế kết luận của tôi là nguyên nhân thang máy rơi không phải là tai nạn.
(Ký tên) Max Hornung, CID
GHI CHÚ: Vì những cú điện thoại của tôi xảy ra giữa đêm khuya và lúc sáng sớm nên có thể ông sẽ phải nhận một hoặc hai lời phàn nàn từ một sô người mà tôi đã đánh thức.
Thanh tra Schmied giận dữ dằn bản báo cáo xuống bàn.
"Rất có thể!", "Đã đánh thức!" - Ngài Chánh thanh tra cũng đã bị tấn công suốt buổi sáng bởi nửa tá viên chức của chính phủ Thuỵ Sĩ. Anh ta nghĩ anh ta đang điều hành cái gì đây? Cơ quan mật vụ sao? Làm sao anh ta dám đánh thức giám đốc một công ty xây dựng đáng kính và yêu cầu ông ta cung cấp tài liệu vào lúc nửa đêm? Làm sao anh ta dám nghi ngờ sự ngay thẳng của một công ty danh tiếng như Rudolf Schatz? Và còn nhiều, nhiều nữa.
Nhưng điều khó hiểu "điều kỳ lạ" là thám tử Max Hornung thậm chí còn không thèm xuất hiện ở hiện trường xảy ra tai nạn cho đến mười bốn tiếng sau khi nó đã được báo cáo? Lúc anh ta đến thì nạn nhân đã được đưa đi, được nhận diện và được pháp y khám nghiệm. Sáu thám tử khác đã kiểm tra hiện trường tai nạn, đã thẩm vấn các nhân chứng và hoàn tất báo cáo của họ.
Khi Chánh thanh tra Schmied đọc lại xong báo cáo của Max Hornung, ông ta cho mời anh ta đến phòng làm việc.
Chỉ cần nhìn thấy Max Hornung thôi là ông Chánh thanh tra đã thấy ghét anh ta thậm tệ. Max Hornung béo lùn, luôn có vẻ đăm chiêu, đầu hói, khuôn mặt của một kẻ tinh nghịch hay lơ đãng. Đầu anh ta quá to đôi tai lại quá nhỏ, cái mồm không khác gì một quả nho khô dán lên giữa khuôn mặt bè bè. Thám tử Max Hornung còn thiếu hơn chục phân mới đạt được tiêu chuẩn khe khắt của Sở Cảnh sát hình sự Zurich, nhẹ hơn đến bẩy cân và lại bị cận thị nặng. Nhưng hơn tất cả là anh ta quá kiêu căng. Tất cả đám đàn ông trong lực lượng cảnh sát đều có chung một cảm nghĩ về Max Hornung: họ ghét anh ta.
- Tại sao ông không sa thải anh ta? - vợ ngài Chánh thanh tra đã hỏi vậy và tí nữa thì ông đã đánh bà.
Lý do mà Max Hornung tồn tại trong lực lượng cảnh sát Zurich là một mình anh ta thôi cũng đã đóng góp cho thu nhập quốc dân Thuỵ Sĩ nhiều hơn các nhà máy sản xuất chocolate và đồng hồ cộng lại. Max Hornung là một kế toán viên, một thiên tài toán học với kiến thức bách khoa về các vấn đề tài chính, một năng khiếu về tranh biện và một đức tính kiên nhẫn có thể làm cho Job khóc và ghen tị. Max đã từng là nhân viên ở Betrug Abteilung, một Uỷ ban được thành lập để điều tra các vụ gian lận tài chính, các vụ bán cổ phần và giao dịch ngân hàng không đúng quy luật và tình trạng tiền tệ ra vào Thuỵ Sĩ. Chính Max Hornung đã ngăn chặn việc buôn bán tiền tệ bất hợp pháp ở Thuỵ Sĩ, khám phá ra các âm mưu tài chính bất hợp pháp tinh vi trị giá hàng tỷ đô- la và tống nửa tá các nhà kinh doanh hàng đầu được tôn trọng trên thế giới vào tù. Bất kể các nguồn tài sản được che giấu ra sao, trộn đi trộn lại thế nào, chuyển ra Seychelles để tẩy chuyển qua chuyển lại hàng loạt các công ty "dỏm" đầy phức tạp, cuối cùng Max Hornung vẫn tìm ra sự thật. Nói chung là, anh ta đã biến mình thành nỗi kinh hoàng của cộng đồng tài chính Thuỵ Sĩ.
Người Thuỵ Sĩ đánh giá sự riêng tư trên tất cả những gì họ cho là thiêng liêng và tha thiết. Nhưng sẽ chẳng còn gì là riêng tư nếu có Max Hornung theo đằng sau.
Tiền lương của Max với công việc là người bảo vệ tài chính thật ít ỏi. Anh ta đã từng được đề nghị những món tiền hối lộ lên đến cả triệu franc trong các tài khoản ngân hàng bằng mã số, một biệt thự ở Cortina d Ampezzo, một chiếc du thuyền và trong một số trường hợp đặc biệt thì có cả các cô gái xinh đẹp khêu gợi. Lần nào các món tiền hối lộ cũng bị từ chối và các nhà chức trách được thông báo ngay lập tức.
Max Hornung chẳng hề quan tâm đến tiền bạc. Anh ta có thể trở thành triệu phú một cách đơn giản nếu áp dụng các kỹ năng tài chính của mình vào thị trường chứng khoán nhưng ý nghĩ đó lại chưa hề xuất hiện ở anh ta. Max Hornung chỉ thích mỗi một chuyện: bắt những kẻ đi lệch khỏi con đường đúng đắn trong lĩnh vực tài chính.
À vâng, Max Hornung còn có ước mơ cháy bỏng khác: và cuối cùng nó được chứng minh là sự bảo trợ cho cộng đồng kinh doanh. Vì những lý do không ai có thể tìm hiểu, Max Hornung mong được trở thành một thám tử trong ngành cảnh sát. Anh ta tự hình dung mình như một kiểu Sherlock Homes hoặc Maigret, kiên nhẫn do tìm những dấu vết phức tạp, săn đuổi bọn tội phạm tới tận hang ổ một cách không nao núng.
Khi một trong những nhà tài chính hàng đầu của Thuỵ Sĩ tình cờ biết được ý định trở thành thám tử của Max Hornung, ông ta lập tức tập trung vài người bạn có thế lực lại và chi trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau Max Hornung đã nhận được lời đề nghị làm thám tử cho lực lượng cảnh sát Zurich. Max không thể tin nổi cơ hội tốt của mình. Anh ta sốt sắng nhận lời và tất cả cộng đồng kinh doanh đã thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục các hoạt động lén lút của họ.
Chánh thanh tra Schmied thậm chí đã không quan tâm đến vấn đề nầy. Ông nhận được cú điện thoại từ một nhà chính trị hàng đầu có thế lực nhất ở Thuỵ Sĩ cho ông những lời hướng dẫn và rồi vấn đề kết thúc ở đó. Hoặc là, để chính xác hơn, vấn đề bắt đầu từ đó.
Đối với ngài Chánh thanh tra, đó là sự khởi đầu mà không có dấu hiệu kết thúc. Ông đã phải thật sự cố gắng dằn cơn thịnh nộ khi bị một gã thám tử thiếu kinh nghiệm và trình độ về lĩnh vực đó, ép buộc ông. Ông cho rằng phải có một động lực chính trị thật mạnh mẽ cho một việc chưa từng nghe nói đến như thế. Tốt lắm, ông quyết định hợp tác, tự tin rằng mình sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề. Nhưng niềm tin của ông đã bị lay chuyển vào cái lúc Max Hornung trình diện. Chỉ riêng sự xuất hiện của viên thám tử thôi cũng đã đủ buồn cười rồi. Nhưng điều làm thanh tra Schmied ngạc nhiên là thái độ kẻ cả của anh ta.
Nó như muốn nói: Max Hornung đã đến đây - bây giờ thì ông có thể nghỉ ngơi và không cần lo lắng gì nữa.
Những ý nghĩ của thanh tra Schmied về bất kỳ một sự hợp tác dễ dàng nào đã biến mất. Thay vào đó ông hướng tới một cách giải quyết khác. Ông cố nhét anh ta xuống dưới tấm thảm, tức là, chuyển anh ta từ ban nầy sang ban khác, cho anh ta làm những việc không quan trọng. Max làm việc cho phòng kỹ thuật hình sự, in dấu tay và nhận dạng, phòng truy tìm, ban tài sản bị mất và người mất tích. Nhưng Max Hornung luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Có một điều lệ rằng tất cả các thám tử đều phải làm sĩ quan trực tại bàn khẩn cấp ban đêm, cứ mười hai tuần thì phải trực một tuần. Chưa từng sai lệch, cứ lần nào Max trực là lại có chuyện quan trọng xảy ra và khi các thám tử khác của ông Schmied chạy lăng xăng lo truy tìm bằng chứng thì Max Hornung lại giải quyết được vụ đó. Thật là tức chết đi được.
Anh ta hoàn toàn không biết gì về các thủ tục cảnh sát, khoa tội phạm, thuật ngữ toà án, đường đạn, hoặc tâm lý tội phạm - tất cả những thứ mà các thám tử khác đều có rất nhiều kinh nghiệm - nhưng anh ta lại là người giải quyết được các vụ mà người khác bó tay. Chánh thanh tra Schmied đã kết luận rằng Max Hornung là người may mắn nhất đang còn sống.
Thực ra thì, chẳng có gì liên quan đến may mắn cả. Thám tử Max Hornung giải quyết vụ án hình sự giống y như cách mà kế toán viên Max Hornung đã khám phá ra hàng trăm âm mưu khéo léo lường gạt các ngân hàng và chính phủ.
Đầu óc Max Hornung chỉ có một con đường, và đó là con đường vô cùng thẳng và hẹp. Tất cả những gì anh ta cần là một sợi chỉ còn sót lại một mẩu rất nhỏ không ăn khớp với phần còn lại của tấm vải, và một khi anh ta đã bắt đầu lần ra, anh ta sẽ gỡ dần cho đến khi âm mưu vô cùng tài tình của một kẻ rất thông minh nào đó bị rách ở ngay đường may nối.
Sự thật rằng Max có một trí nhớ như máy ảnh đã làm cho các đồng nghiệp của anh ta phát khùng. Max có thể ngay lập tức nhắc lại tất cả những gì anh ta đã từng nghe, đọc hoặc thấy.
Một việc làm khác, có thể làm hại anh ta, nếu quả thật cần phải làm như thế, là các bảng kê khai chi tiêu của anh ta đã làm xấu hổ tất cả các thám tử còn lại. Lần đầu tiên khi anh ta nộp bảng kê khai chi tiêu, viên trung uý đã gọi anh ta đến văn phòng và nhẹ nhàng nói:
- Max, anh rõ ràng đã nhầm lẫn trong các con số ở đây.
Lời nhắc nhở đó có ẩn ý rằng Capablanca đã hy sinh con hậu vì ngu ngốc.
Max chớp mắt:
- Sai lầm trong các con số của tôi?
- Đúng, thật ra là có vài lỗi lầm. - Viên trung uý chỉ vào tờ giấy trước mặt anh ta. - "Đi vào thành phố, tám mươi xu. Quay lại, tám mươi xu". - ông ta ngước lên và nói, "tiền taxi tối đa sẽ là ba mươi tư franc mỗi chuyến".
- Vâng, thưa xếp. Đó là lý do vì sao tôi đi xe bus.
Viên trung uý nhìn sững anh ta.
- Xe bus?
Không có thám tử nào phải đi xe bus khi đang làm nhiệm vụ. Đây là chuyện chưa bao giờ xảy ra. Câu trả lời duy nhất ông ta có thể nghĩ đến là:
- Đúng, chuyện nầy… chuyện nầy không nhất thiết. Ý tôi là… chúng ta dĩ nhiên không khuyến khích những người trong phòng nầy tiêu hoang, Hornung, nhưng chúng ta có ngân sách để chi tiêu một cách tử tế. Còn chuyện nầy nữa. Anh đã ra ngoài để lo vụ nầy trong ba ngày. Anh quên tính cả các bữa ăn.
- Không, thưa trung uý. Tôi chỉ uống cà phê sáng và tôi tự chuẩn bị bữa trưa và mang theo trong giỏ. Tôi đã tính các bữa tối vào đây. Và chúng đây: Ba bữa tối, tổng cộng: mười sáu franc.
Chắc là anh ta ăn trong Trại cứu tế Quân Đội.
Viên trung uý lạnh lùng nói:
- Thám tử Max Hornung, phòng nầy đã có từ một trăm năm trước khi anh đến đây và nó sẽ còn tồn tại một trăm năm nữa sau khi anh rời khỏi. Ở đây có một vài truyền thống mà chúng ta phải giữ gìn. - ông ta đẩy bản kê khai lại cho Max. - Anh phải nghĩ đến các đồng nghiệp, anh biết đấy. Bây giờ thì cầm lấy cái nầy, sửa lại và nộp lại đây.
- Vâng, thưa trung uý. Tôi… tôi xin lỗi nếu tôi có làm điều gì sai.
Một cái phẩy tay độ lượng.
- Rất đúng. Dù sao thì, anh cũng mới đến đây. - Ba mươi phút sau thám tử Hornung nộp lại bản báo cáo đã được sửa chữa. Anh ta đã tăng các chi phí lên ba phần trăm.
° ° °
Bây giờ, vào ngày nầy trong tháng Mười một, Chánh thanh tra Schmied đang cầm bản báo cáo của thám tử Hornung trong tay còn tác giả của nó thì đứng trước mặt ông. Thám tử Hornung mặc bộ comlê xanh nhạt, đi giầy nâu và tất trắng.
Dù rất kiên quyết và cố gắng điều hoà hơi thở theo nhịp Yoga, thanh tra Schmied vẫn nhận thấy mình đang to tiếng.
- Anh đang trực ở đây khi nhận được báo cáo. Nhiệm vụ của anh là điều tra vụ án và anh đến hiện trường mười bốn tiếng sau? Cả lực lượng cảnh sát New Zealand chết tiệt cũng có thể bay đến đây rồi bay về trong thời gian đó!
- Ồ không, sếp. Bay từ New Zealand đến đây bằng phản lực là…
- Ồ anh im ngay.
Thanh tra Schmied lấy tay vò mái tóc dày đang ngả màu hoa râm, cố nghĩ xem phải nói với người nầy cái gì. Mình không thể lăng mạ hắn, mình không thể cãi lý với hắn. Hắn là một thằng khờ gặp nhiều may măn.
Thanh tra Schmied quát tháo:
- Tôi sẽ không tha thứ sự kém cỏi trong phòng nầy, Hornung. Khi các thám tử khác trực và nhận được báo cáo, họ lập tức chạy đến hiện trường để xem xét tai nạn. Họ gọi xe cứu thương, đưa tử thi đến nhà xác, nhận dạng nó…
Ông biết mình lại nói quá nhanh và cố bình tĩnh trở lại.
- Tóm lại, Hornung, họ làm tất cả những gì một thám tử giỏi phải làm. Trong khi đó thì anh ngồi trong văn phòng và đi đánh thức nửa tá nhân vật quan trọng của Thuỵ Sĩ vào lúc nửa đêm.
- Tôi nghĩ…
- Không! Tôi đã phải gọi điện xin lỗi suốt cả buổi sáng nay cũng chỉ vì anh thôi.
- Tôi phải tìm ra…
- Ồ ra khỏi đây ngay, Hornung!
- Vâng, thưa xếp. Tôi tham dự đám tang được chứ? Ngay sáng nay.
- Được! Đi đi!
- Cám ơn xếp. Tôi…
- Đi đi!
Phải đến ba mươi phút sau Chánh thanh tra Schmied mới thở lại bình thường.