Tôi có sự lựa chọn. TÔi có thể chạy sang nhà Wyatt, sử dụng kỹ năng mà anh đã dạy cho tôi tối hôm trước để lẩn tránh những kẻ rình rập, và trốn chui trốn lủi ở đó như một chú thỏ sợ hãi, hoặc là tôi sử dụng chính kỹ năng đó để thoát ra khỏi rắc rối này và rồi tiếp tục những công việc hàng ngày của mình. Tôi chọn tiếp tục những công việc hàng ngày.
Tại sao lại không nhỉ? Tôi đang phải sửa soạn cho lễ cưới. Có gì sai nào? Còn điều gì phức tạp nữa thêm vào danh sách những việc cần thực hiện của tôi? Không những tôi phải sẵn sang cho một lễ cưới trong vòng ba tuần nữa – một lễ cưới mà tôi thậm chí còn chưa chuẩn bị được váy mặc cho tử tế - người ta đang cố giết chết tôi, căn hộ của tôi thì bị cháy rụi đến tận ngọn, tôi không thể há miệng thốt lên dù chỉ một từ, tôi phải quyết định xem người đàn ông mà tôi yêu có thực sự yêu lại tôi không hoặc tôi có nên trì hoãn lễ cưới mà tôi đã trù tính xong xuôi đến hết cả nửa chặng đường, và bằng mọi giá tôi phải hàn gắn cuộc hôn nhân giữa hai con người mà những đứa con của chính họ còn chẳng thể nào bắt họ nói chuyện với nhau. Tôi cảm giác mình giống như một con ong mất trí, không thể ngừng bay đi bay lại từ bông hoa này đến bông hoa khác bất chấp gió bão nổi lên thổi bạt cây cối và có khi còn bứt cả gốc quăng lên khỏi mặt đất.
Để xong được hết đống việc này thì các cửa hàng đã bán hết đồ trang trí cho Lễ giáng sinh năm nay mất rồi. Tôi cần bắt đầu sắm sửa cho lễ Giáng sinh của mình vào khoảng thời gian chèn vào giữa, vì đồ trang trí là một tín hiệu cho tất cả những người hăng hái mua hàng sớm, những người mà sà vào các cửa hàng như một đàn châu chấu và quơ sạch những món đồ tốt nhất, đẹp nhất, chỉ để lại cho những kẻ từ tốn đến sau thích sắm sửa Giáng sinh sau ngày Lễ Tạ ơn các món hàng dư thừa xấu xí - thế là bạn biết đến lúc mùa Giáng sinh thực sự bắt đầu. Thậm chí nếu bây giờ tôi không sửa soạn mua sắm cho Lễ Giáng sinh của mình thì không khí gấp gáp vẫn còn nguyên đó, những quả cầu rực rỡ và những cái cây nho nhỏ treo đầy trong những cửa hàng là bằng chứng rõ rành rành ra đấy.
Tôi không thể sử xự như là mình an toàn và phơi mặt ra ngoài đường tung tăng như không có chuyện gì xảy ra hết. Quá nhiều thứ phải làm. Tôi thậm chí có thể hợp lý hóa chuyện này và cho rằng kẻ gàn dở ngoài kia sẽ mong chờ tôi sử sự như thể mình an toàn, vậy thì tôi thực sự an toàn hơn bằng cách không sử sự như mình an toàn, hay điều gì đó tương tự như thế.
Thế là tôi ghé vào thăm dì Sally.
Dì ấy đã bắt đầu đi làm tại một cửa hàng đấu giá đồ cổ khi vừa tốt nghiệp cấp ba. Về cơ bản thì dì Sally lái xe quanh quanh để môi giới bất động sản, các nhà xưởng, đồ vặt vãnh, tìm kiếm những món đồ cổ mà dì mua được với giá rẻ, sau đó cửa hàng đấu giá sẽ tân trang lại và bán kiếm lời. Những buổi đấu giá được tổ chức vào các tối thứ Sáu hàng tuần, có nghĩa là vào các ngày thứ sáu mọi người sẽ tìm được dì Sally ở cửa hàng đấu giá trợ giúp cho việc dán nhãn, liệt kê danh mục và sắp xếp các món đồ. Bốn ngày còn lại trong tuần, và đôi khi vào cả ngày thứ Bảy, dì ra ngoài làm việc của dì.
Hàng loạt xe ô tô và xe tải loại nhỏ, không mui, cộng thêm một chiếc xe tải cỡ trung đang đỗ đầy ở bãi chất hàng phía ngoài cửa hàng đấu giá, nhưng cửa ra vào thì khóa vì vẫn chưa đến giờ làm việc. Tôi tản bộ quanh bãi và thấy một lối cầu thang dẫn lên, thế là tôi bước tới qua cánh cửa mở (open bay door).
Một anh chàng gầy nhom trung tuổi có đôi mắt bé tí và cặp kính đít chai dày cộp đang đẩy một chiếc xe cút kít rỗng cất tiếng hỏi. “Tôi giúp gì được , thưa bà?”
Anh ta có khi còn già hơn tôi cả hai chục tuổi, nhưng đây là miền Nam , thế nên anh ta “thưa bà” với tôi. Thật là cách cư xử lịch thiệp.
Tôi đưa tay ra hiệu anh ta dừng lại, vì làm sao anh ta nghe được tôi nói gì từ nơi anh ta đang đứng, “Tôi đang tìm Sally Arledge,” tôi thì thào bằng giọng khàn khàn.
“Đi thẳng ra kia,” anh ta trả lời và chỉ về hướng một cánh cửa ở cuối khoảng đất nhỏ chất hàng. “Một chứng viêm thanh quản nặng, nếu cô không phiền khi tôi nói vậy. Cô nên nhấp chút mật ong và chanh pha vào một ly trà nóng, nếu còn không hiệu quả thì hãy xoa chút dầu thoa hiệu Vicks vào cổ họng, quấn khăn ấm, và uống một thìa đường pha với vài giọt dầu hỏa. Cũng kinh lắm, nhưng hồi nhỏ mẹ tôi thường pha cho chúng tôi uống mỗi khi chúng tôi bị viêm họng, nó thật sự có hiệu quả. Cũng không chết ai đâu,” anh ta nói, đôi mắt ti hí càng híp lại trông tức cười hơn.
“Anh đã uống dầu hỏa thật à?” tôi mở miệng hỏi. Hừ. Nghe có vẻ như tôi cần phải hỏi lại Bà ngoại mới được. Chiêu thức bôi dầu và ủ khăn nóng thật ra nghe có vẻ tác dụng đấy, nhưng tôi đảm bảo sẽ không dốc cái thứ dầu hỏa đó vào cổ họng mình đâu.
“Chắc cú luôn. Nhớ là đừng uống nhiều quá nhé. Một ngụm lớn có thể giết cô chết lăn quay hay ít nhất cũng làm bụng dạ cô lọan xà ngầu, nhưng chỉ một chút xíu thôi thì không làm tổn hại gì nhiều đâu.”
“Tôi sẽ ghi nhớ điều đó.” Tôi hứa. “Cám ơn anh!” Tôi vội vàng tiến thẳng ra phía cửa mà anh ta vừa chỉ, cố mường tượng cái phương thức đó dần dần hiệu quả như thế nào. Một ai đó ở nơi nào đó rên rỉ .”Ôi trời đất ơi, cổ họng tôi đau quá! Tôi nghĩ mình nên lấy một ít dầu hỏa để uống. Cứu vớt đời tôi với. Tôi sẽ pha thêm đường vào cho dễ nuốt trôi hơn.”
Viễn tưởng đó làm tôi sửng sốt.
Người đầu tiên tôi thấy khi băng qua cửa là dì Sally đang vắt vẻo trên một cái thang lau phần trên cùng của một tấm ván đầu giường khổng lồ được khắc chạm công phu dựa sát vào tường. Đó là một tạo vật lộng lẫy, thớ gỗ thẫm lại theo thời gian, và nếu nó mà đổ xuống người ai đó thì chết chắc. Không đời nào tôi ngủ trên cái vật lù lù hiện ra ngay phía trước đầu mình này, dù tôi đóan là việc ra đi vào cõi vĩnh hằng sau một tiếng đổ rầm chả phải là cách ra đi hay ho gì.
Dì không hề nhìn xuống nên tôi phải quay người lại và gõ cộc cộc vào tấm ván để dì chú ý vào mình. “Blair.” Khuôn mặt dễ biến đổi của dì diễn tả cả vẻ hài lòng lẫn lo âu, khó mà làm được gì khi bạn nghĩ về khuôn mặt đó, dì Sally vắt cái giẻ lau lên trên tấm ván và trèo xuống thang. “Tiny đã kể cho dì nghe về chuyện căn hộ, thanh quản của con, và tất cả mọi chuyện. Em bé tội nghiệp, con chắc đã phải trải qua một tuần khở sở lắm đây.” Dì ôm tôi thật chặt với sự cảm thông chân thành.
Dì Sally khoảng tầm 52 tuổi và nặng khoảng 100 pound, một chiếc máy phát điện nhỏ xinh không bao giờ chịu dừng. Mái tóc đỏ thẫm của dì xù lên một cách sành điệu phía dưới còn phần chân tóc phía trên thì giữ nguyên, dì uốn những lọn tóc quăn vàng ôm lấy khuôn mặt. Cái mũi gãy vẫn còn dấu tích khi dì tông xe vào hông nhà trong lúc cố tình đâm dượng Jazz đã để lại một vết sưng nhỏ trên sống mũi trông cũng khá ổn. Dì lúc đó đã đeo kính, nhưng gọng kính gẫy đã làm vỡ mũi dì khi túi khí bung ra; từ ấy thì dì đeo kính áp tròng.
Tôi vòng tay ôm lại dì. “Có chỗ nào chúng ta nói chuyện được không? Con muốn chỉ cho dì thứ này.”
Dì lộ vẻ thích thú. “ Chắc rồi. Ra phía kia ngồi nào.”
Dì chỉ về phía mấy chiếc ghế gấp nằm ngổn ngang ở giữa sàn đấu giá. Chút nữa chúng sẽ được sắp xếp gọn gàng thành từng dãy phục vụ cho từng nhóm ngưởi tại cuộc bán đấu giá. Hai chúng tôi dựng hai cái ghế trong số chúng, rồi tôi lục trong cái giỏ xách to tướng của mình lôi ra xấp hóa đơn của cửa hàng Sticks and Stones và đưa tận tay cho dì.
Bối rối, dì nhìn chúng một lúc lâu trước khi xem xét chúng, sau đó đôi mắt dì mở lớn vì sửng sốt và giận dữ. “Hai mươi ngàn đô!” Dì ré lên. “Ông ấy đã trả…trả hai mươi ngàn đô cho cái của nợ đó!”
“Không,” tôi lên tiếng, “dượng đã không thanh toán cho cái của nợ đó mà là thanh toán cho dì, vì dượng yêu dì.”
“Ông ấy phái con đến đây hả?” dì điên tiết hỏi.
Tôi lắc đầu. “Tự con can thiệp vào mọi chuyện.”
Ờ, cũng là vì Wyatt đã bắt tôi làm thế, nhưng không cần đề cập đến làm gì vì đây là chuyện riêng giữa hai chúng tôi mà thôi.
Dì nhìn trừng trừng xuống tờ hóa đơn, cố tập trung tư tưởng của mình vào số tiền ghi trên đó. Đối với dì thì đám đồ đạc và các tác phẩm nghệ thuật mà Monica Stevens đã dùng để thay thế cho những đồ vật cổ cực kỳ có giá trị của dì Sally chỉ đáng giá khoảng hai ngàn là hết cỡ.
“Ông ấy thừa biết là ta quý đám đồ cổ đó của mình đến nhường nào.” Dì nói, giọng của dì hơi lạc đi. “Còn nếu ông ấy không biết, thì ông ấy đã phải nên làm như vậy! Tại sao ta phải mất bao nhiêu công sức vào việc sửa chữa và tân trang lại chúng như thế ? Không phải như thể chúng ta không mua nổi được những đồ khác nếu như ta muốn.”
“Nhưng dượng không hiểu được.” tôi chỉ ra. “Vì một điều rằng dì đã không làm những công việc đó trong lúc dượng ở nhà. Và hơn nữa, con chưa bao giờ thấy trong đời một người đàn ông thiếu con mắt thẩm mĩ hơn dượng Jazz Arlerge. Cái đi văng màu cam ở văn phòng dượng…” Tôi ngừng phắt lại, rùng mình.
Dì Sally nhấp nháy mắt và xao lãng đi .”Con đến văn phòng ông ấy rồi hả? Không phải nơi đó kinh khủng lắm sao?” Rồi dì giũ sạch hình ảnh chen vào quấy rầy ấy ra khỏi đầu. “Không thành vấn đề. Nếu ông ấy lắng nghe ta một chút sau ba mươi lăm năm cưới nhau, nếu ông ấy quan tâm đến ngôi nhà mà ông ấy đã sống, thì hẳn ông ấy sẽ không thể nghĩ là…”
“Thì thế đấy, theo đúng nghĩa đen thì dượng chẳng mảy may biết chút gì về các kiểu cách trang trí khác nhau hết. Dượng còn không hề biết là chúng tồn tại nữa kia. Với dượng thì đám nội thất trong nhà chỉ là mớ đồ đạc đơn thuần, chấm hết. Con nghĩ giờ dượng đã hiểu khái niệm đó phần nào rồi, nhưng chỉ về phương diện chung chung nhất thôi, kiểu như dượng hiểu có nhiều cách trang trí khác nhau nhưng dượng chả có ý tưởng là chúng thế nào hay chúng là cái gì. Đó không phải là thứ ngôn ngữ mà dượng ấy dùng, thế nên dượng chả hiểu chúng ta đang nói gì khi chúng ta trò chuyện về các tác phẩm mỹ thuật cổ.”
“Chắc như bắp là ông ấy hiểu “đồ cổ” có nghĩa là cũ rích.”
“Chắc vậy,” tôi lưỡng lự lên tiếng. “Xem nào, dượng có tả được sự khác biệt giữa màu xanh đen và màu đen không?”
Dì lắc đầu.
“Gần như tất cả đàn ông đều thế hết. Họ chẳng hình dung được trong đầu các bảng màu cơ bản để tả được điểm khác nhau giữa chúng nên cho dù dì có đặt một cái tất màu xanh đen bên cạnh chiếc tất màu đen tuyền thì với đàn ông cũng như nhau cả thôi. Chẳng phải vì dượng Jazz không quan tâm, mà vì dượng đã bỏ qua những thứ mà dì thích, là vì đầu óc dượng không nắm bắt được kiểu trang trí. Dì làm sao yêu cầu một con chim không có cánh lại phải bay được, đúng không?”
Những giọt nước mắt lấp lánh dâng lên trong mắt và dì nhìn xuống xấp hóa đơn trong tay. “Con đang buộc tội dì sai ư.”
“Con không nói dì sai trong việc buồn khổ vì đống giường tủ. Con cũng sẽ cảm thấy giống như dì trong trường hợp đó.” Rõ là một cách nói cho nhẹ nhàng bớt. “Nhưng dì hoàn toàn sai khi cố tình đâm xe vào dượng.”
“Đó là những điều mà Tina cũng nói với dì.”
“Mẹ con hả?” Mẹ đã giấu tôi! “Chuyện đó xảy ra lúc nào vậy?”
“Khi còn còn đang ở bệnh viện,” Dì Sally trả lời như thể gì đọc được suy nghĩ ấy trong đầu tôi, “Bà ấy nói rằng việc nhìn thấy con đau đớn đến thế nào ngay cả khi con chưa thực sự bị xe ô tô đâm phải đã làm bà ấy đổi ý. Bà ấy nói rằng bị tổn thương tình cảm là một chuyện, nhưng những vết thương trên thân thể còn đáng sợ hơn.”
Tôi thở dài. Tôi không phải là người chùn bước vì những tổn thương, nhưng xem xét lại những chuyện đã xảy ra hai tháng lại đây thì tôi hoàn toàn đồng ý. “Mẹ đúng đấy. Dì đã không buộc tội ông ấy tội ngoại tình. Dượng chỉ mỗi tội mua phải đám đồ đạc mà dì không thích thôi.”
“Vậy thì đem bỏ hết đi.”
Tôi gật đầu.
“Rồi xin lỗi nữa.”
Đầu tôi gật thêm một cái.
“Chết tiệt, dì ghét xin lỗi! Không chỉ có thế thôi đâu. Dì dượng đã nhắc đến nhiều thứ mà đáng ra không nên nói từ khi chuyện này xảy ra…”
“Vậy bỏ qua hết đi.” Tôi thậm chí chỉ dám thì thào vào lúc đó. Thật sửng sốt khi nói thì thào cũng làm cho cổ họng của bạn bỏng rát như thế nào.
“Quỷ tha ma bắt, dì đâu có ý định đâm xe vào ông ấy. Hai chúng ta đã cãi nhau và cả hai đều điên tiết, nhưng dì đến giờ hẹn và phải đi. Ông ấy vẫn theo sau tranh luận. Con biết dượng Jazz bướng bỉnh thế nào rồi đấy. Ông ấy đã muốn giải thích cặn kẽ và định đi ra vườn. Dì bắt đầu vào số còn ông ấy vẫn đứng đó vẫy tay và hét tướng lên, dì bực quá liền phanh xe lại định bước ra ngoài và quát vào mặt ông ấy, nhưng dì lại đụng vào chân gas, trời, ngay lúc đó dì còn không dám nghĩ mình đã đâm phải ông ấy, nhưng dì hoàn toàn không cố ý. Sau đó dì chỉ biết là túi khí bung ra, gọng kính của dì vỡ tan, mũi thì đang chảy máu.” Rầu rĩ, dì đưa tay lên sờ vào vết gồ nhỏ trên sống mũi. “Một cái mũi gãy vào tuổi của dì. Giờ thì dì sẽ phải sống chung với vết xấu xí này.”
Mỉm cười, tôi lắc đầu. “Con nói chuyện với Monica rồi. Cô ta sẽ đem trả đồ lại và bàn bạc với dì để sắp xếp căn phòng ngủ theo cách mà dì thích. Dì biết đấy, cô ta cũng có nhiều phong cách trang trí khác nữa. Con nghĩ thậm chí dì còn sẽ thích cô ta cơ. Thêm nữa con đã bảo với cô ta là Mẹ sẽ quảng bá với các khách hàng bất động sản của mẹ là Monica còn làm được nhiều thứ ngoài thép và kính ra.”
“Nếu cô ta như thế thì dì chưa bao giờ được chứng kiến,” Sally lên tiếng vẻ đầy hoài nghi.
“Đó là vì hầu hết những khách hàng của cô ta toàn là những người thích phong cách cố hữu ấy. Cô ta muốn mở rộng thêm để thu hút những người khách khác. Bài trí lại phòng ngủ cho dì sẽ là thương vụ tốt cho cô ta.”
“Dì sẽ không trả thêm một xu nào nữa đâu. Những hai mươi ngàn đô la!”
“Cô ta không đòi thêm tiền. Cô ta đâu phải người xấu. Trong chuyện này chả ai xấu cả.”
“Ôi dào, vớ vẩn.”
Nếu tôi mà cười được thì tôi đã phá lên cười ầm ĩ rồi, chúng tôi nhìn nhau bằng sự hiểu biết tuyệt đối.
“Tối nay dì sẽ gọi cho ông ấy,” dì nói rồi thở dài. “Dì sẽ xin lỗi. Dì là đại bàng còn ông ấy chỉ là con chim cánh cụt. Ông ấy còn chẳng vỗ cánh bay nổi. Hiểu chưa nào.”
“Con đã đưa dượng đi xem món đồ mà Ngài Port đang phục chế lại, một cái bàn sắt tuyệt đẹp. Ngài Potts kể cho dượng nghe ông ấy đã mất gần 60 giờ đồng hồ với cái bàn đó. Jazz chưa bao giờ hiểu biết về đồ nội thất, nhưng giờ thì dượng sẽ đánh giá cao hơn giá trị công việc mà dì dành cho phòng ngủ của mình.”
“Chúa ơi, Blair, cám ơn con” dì thốt lên, túm lấy tôi và ôm ghì tôi lần nữa. “Dì mong cuối cùng thì dì dượng cũng sẽ tự giải quyết êm thấm với nhau, nhưng con đã đẩy nhanh hơn mất rồi.”
“Thì cũng cần tác động bên ngoài chứ,” tôi khiêm tốn trả lời.