CHƯƠNG 102. HIẾN TẾ
Vào ngày lễ quỷ, mọi người trong thôn Ngụy phải thức dậy khi chân trời mới vừa hừng sáng và tạm dừng hết mọi chuyện còn đang dang dở. Cửa nẻo nhà ai cũng đóng chặt, ai cũng nhỏ giọng thì thầm, ai cũng không ra khỏi nhà. Thế nên, việc chuẩn bị âm hôn cũng bị trì hoãn lại, hôm nay chẳng có người nào đến nhà thím Sáu Ngụy.
Một ngày trước lễ quỷ, người thôn Ngụy sẽ tô điểm lại cho những con mãnh thú, sẽ chà lau những bức tượng phù điêu hoặc khắc gỗ trước cửa một lần. Họ cũng sẽ đổi một bức hình mãnh thú mới với bức hình đã dán lên tường hết năm này qua năm khác. Chỉ làm chừng ấy việc, cứ thế cả ngày không làm gì nữa.
Ngoại trừ sự tĩnh lặng thì chỉ có tĩnh lặng thôi, ngay cả con chó cũng biết cụp đuôi không kêu tiếng nào.
Mãi tới lúc dùng cơm Trần Dương mới phát hiện lễ quỷ ở thôn Ngụy khác với nơi anh sống. Mỗi năm vào ngày này, cả nhà Trần Dương sẽ bày tiệc to lắm. Mẹ và nội anh dọn cả một bàn đồ ăn gồm mười tám món khác nhau, cả một bàn thức ăn nóng hổi cộng thêm rượu nếp trà xanh ngon nhất để cung phụng tổ tiên. Còn thờ cúng bình thường chỉ bốn hoặc sáu món là đủ.
Hoạt động thờ cúng ấy diễn ra suốt cả tháng Bảy âm lịch, và sẽ đạt tới cao triều vào ngày mười bốn. Loại truyền thống này thật quá mức rối rắm, lớp trẻ đã chẳng còn thịnh hành chuyện làm lễ trong suốt cả tháng, nhưng vẫn sẽ thờ cúng tượng trưng vào ngày mười bốn tháng Bảy hằng năm.
Còn ở thôn Ngụy thì vẫn là những món ăn lạnh đơn giản như ngày trước.
Đợi Trần Dương ăn xong thím Sáu Ngụy mới vừa dọn dẹp chén bát vừa thấp giọng như sợ kinh động thứ gì, áy nảy bảo với Trần Dương, “Ngày mai thím mới giúp cháu đi hỏi số điện thoại của Ngụy Thời được. Hôm nay là rằm tháng Bảy, phải làm cho xong những chuyện cần làm.”
Trần Dương biết mấy tập tục nhìn như nhảm nhí này thật ra đều có lý do riêng cả. Nếu là bị vết thương bên ngoài như té gãy chân gì đó thì anh chắc chắn sẽ chẳng thèm để tâm đến mấy loại tập tục này, mà sẽ nghĩ cách rời đi thôn Ngụy đến bệnh viện để điều trị ngay tắp lự. Nhưng hiện thứ đang bị thương lại là hồn phách anh, nên cũng chẳng cần gấp gáp thế.
Nghĩ vậy anh mới nói với thím Sáu, “Thím à, chân cháu không đau, thêm hai ba ngày cũng không sao. Thím đừng lo nghĩ quá.” Vừa nói Trần Dương còn vỗ bốp bốp vào chân mình như để chứng minh lời ấy là thật.
Thím Sáu Ngụy cũng hiểu chuyện, thấy trên người Trần Dương không bị gì thì láng máng biết chắc tối qua Trần Dương hoặc bị trúng tà hoặc do nguyên nhân gì khác nên mới xảy ra chuyện. Hiện đang là tháng quỷ, loại việc này chẳng hiếm.
Thím thở dài, cầm chén bát đi ra để Trần Dương nghỉ ngơi cho tốt.
Do tối qua hồn phách rời khỏi cơ thể, nên vào ban ngày Trần Dương sẽ khó tránh khỏi tinh thần uể oải không phấn chấn. Anh ngủ gần cả ngày trời đến gần chiều tối mới bị thím Sáu đánh thức. Trần Dương cảm giác khoảng thời gian anh không ngủ ba ngày ba đêm lúc trước cũng không mệt mỏi bằng bây giờ, cơ thể nặng trịch trừ trong ra ngoài, nhấc tay cũng khó.
Trần Dương nhìn thím Sáu Ngụy, “Thím Sáu, có chuyện gì à?”
Thím Sáu Ngụy có vẻ bất an, “Cụ Ngụy vừa tới, cụ bảo đưa cháu đi tham gia buổi hiến tế trong gia tộc. Cháu và kẻ kia —— tuy đã trao đổi canh thiếp nhưng dù gì vẫn chưa thành lễ, thế mà cụ ấy cứ nằng nặc đòi dẫn cháu đi, mà hiện cháu đang không khỏe nữa. Haiz, nhưng dù thím có nói thế nào thì cụ Ngụy cũng không chịu.”
Trần Dương cúi xuống nhìn chân mình, “Thím Sáu à, thím có nói với cụ ấy chân cháu bị vầy không đi được không?” Cho dù không lấy cớ này, Trần Dương vẫn sẽ nghĩ biện pháp từ chối. Trải qua tối qua, nếu Trần Dương còn không biết thôn Ngụy là một nơi hiểm ác thế nào thì anh lăn lộn bên ngoài nhiều năm đến thế thật phí phạm quá mức.
Thím Sáu Ngụy lại thở dài, “Sao lại chưa nói. Nghe xong cụ bèn bảo cháu cụ về nhà đẩy xe lăn lại.”
Miệng Trần Dương giật giật. Cụ Ngụy này làm việc thật đúng là chỉ cần hạ quyết tâm, ra quyết định rồi thì nhất quyết phải làm. Giữa lúc cả hai đang trò chuyện thì một người đẩy xe lăn vào, Trần Dương nhận ra đó là một trong những người cháu của cụ Ngụy, hình như là A Phong gì đó.
Thôi, người cũng đến mà cả phương tiện di chuyển cũng đưa tới nốt, không đi cũng phải đi.
Thím Sáu Ngụy lấy một bộ quần áo màu trắng từ trong nhà ra đưa cho Trần Dương, thím bảo, “Cháu thay đồ cái đã, là bộ trước kia A Ninh đã từng mặc.” Nói xong, thím Sáu tránh ra ngoài một lúc.
Trần Dương mở ra thì thấy là một chiếc áo dài trắng bóc được cắt may bởi một xấp vải trắng, không cổ áo, không tay áo, rất đơn sơ nhưng đường may lại tỉ mỉ chỉn chu, ít nhất không bị lộ chỉ. Trần Dương thay quần áo rồi ngồi lên xe lăn, để A Phong đẩy ra khỏi cửa.
Dù là ngày lễ quỷ thì mặt trời vẫn chiếu rực rỡ. Hiện mặt trời đã ngả chiều tây, hoàng hôn đang dần buông xuống. Nhưng dù chân trời chỉ còn sót lại chút ánh chiều tà thì khi ra khỏi nhà tinh thần Trần Dương vẫn chấn động, anh bỗng sinh ra nỗi vui sướng ngập tràn sức sống vô hạn.
Xe lăn cán lên những viên đá trên đường phát ra tiếng lạo rạo. Mặt đường không bằng phẳng khiến đoạn đường đi hơi xóc nảy, thế nên Trần Dương ngồi không dễ chịu lắm. Dường như có vô số sương mù bắt đầu xuất hiện khắp mặt đất, nhưng vì dưới ánh trời chiều nên chúng như được nhuộm bởi thứ màu sắc sinh động, thế là trông chẳng âm u lạnh lẽo kỳ lạ như ngày thường.
Người trong thôn Ngụy, dù nam hay nữ già hay trẻ sẽ mặc áo dài trắng này. Họ im lặng chẳng nói năng gì bước ra khỏi nhà, nối đuôi nhau đi về phía bờ sông.
Người đi đầu tuốt phía trước cầm trong tay một tấm phướn trắng. Tấm phướn ấy nhìn rất giống những tấm phướn sử dụng trong lễ chiêu hồn nhưng hình vẽ lại khác. Mặt trên vẽ con mãnh thú đang giương nanh múa vuốt, thậm chí có vài tấm chỉ là vải trắng thôi. Ven đường còn có vài người đứng đó thấy ai không có sẽ phát cho mỗi người một cây gậy hiếu tử. Trần Dương cũng cầm một cái luôn thể.
Cây gậy là một đoạn gỗ dài cỡ một thước rộng cỡ ngón tay cái, dùng cơm nhão dán giấy trắng vào hai mặt. Phần giấy trắng ấy dán khá chặt, hơn nữa còn gấp dán thành mấy sợi tua rua, trên đầu đoạn gỗ còn đính vào thêm mấy đóa hoa trắng sẽ thành một cây gậy hiếu tử.
Trần Dương những tưởng địa điểm hiến tế của thôn Ngụy sẽ là bên dòng suối, ai ngờ khi đến nơi đó thì dòng người lại băng qua cầu đi về phía nhà Ngụy Thất gia. Dòng người đi không nhanh lắm, sau mười mấy phút mới tới.
Nhà của Ngụy Thất gia được xây nơi núi, vòng qua căn nhà xa hơn mười thước là vách núi sừng sững, phía trên là chằng chịt dây leo và hàng đống cây cối. Chỉ nhìn thoáng qua Trần Dương đã biết trong vách núi này có ẩn giấu gì đó, nếu anh không đoán sai thì chắc là một sơn động.
Sự thật chứng minh anh đã đoán đúng. Bốn năm người đàn ông phía trước cẩn thận vén mớ dây leo lên, một hang động tối tù mù hiện ra. Mấy gã đàn ông ấy đốt những cây đuốc đã chuẩn bị sẵn rồi xách theo vài cái thùng đi vào trong. Tiếp đó, những ngọn đuốc trên tường đá sáng bừng lên, hóa ra trên tường vốn tạc đuốc cả, những người ấy đã châm dầu sau đó mới đốt tim đèn.
Đến khi họ rời khỏi hang động, những người trong thôn Ngụy mới bắt đầu chuẩn bị đi vào.
Đi đầu đương nhiên là mấy bậc bề trên của thôn Ngụy. Ngụy Thất gia dẫn đầu, sau đó là Ngụy Chính Thanh cũng chính là cụ Ngụy. Trần Dương không quen lắm với những người đi sau cụ Ngụy, dù gì thì lớp người già trong thôn khá nhiều. Cứ xếp hàng nối đuôi theo thứ tự như thế, mãi đến tận cuối hàng mới là Trần Dương và phụ nữ của thôn.
Thấy mình bị liệt vào hàng dành cho phụ nữ, thoáng chốc Trần Dương ngượng đến mức chẳng biết nói gì. Tuy không thể nói chuyện, nhưng ánh mắt tìm tòi nghiên cứu và hài hước của họ cứ đảo qua trên người Trần Dương – một kẻ khác họ, có người còn che miệng cười khúc khích. Tuy da mặt dày lắm, nhưng Trần Dương vẫn nóng ran cả mặt.
Nếu không phải do hành động bất tiện, Trần Dương chắc sẽ quay đầu đi mất mà chẳng thèm quan tâm cụ Ngụy nghĩ gì. Vốn chỉ là một vụ giao dịch tiền bạc mà cả hai thỏa thuận xong, trong giao dịch lại không hề có điều khoản phải tham gia vụ hiến tế vào ngày lễ quỷ của thôn, nên Trần Dương chẳng mảy may thẹn với lương tâm.
Nhưng mà, sự thật là anh chỉ có thể tưởng tượng ra cảnh ấy.
Mặt mũi hầm hầm, Trần Dương chẳng nói gì xoay xe lăn hướng vào trong hang, hễ gặp chỗ nào lồi lõm khó đi anh sẽ để mấy người con dâu của cụ Ngụy đẩy. Càng đi, Trần Dương cảm giác trong hang ngày càng lạnh. Bức tường đá hai bên ướt sũng nước, gió từ đâu thổi tới khiến tận sâu trong xương cốt lạnh buốt, ánh nến lập lòe làm những bóng người trên tường đá là đà chao nghiêng.
Mặt đất của hang và trên tường có dấu vết nhân tạo rất rõ, thế thì tổ tiên thôn Ngụy phải tốn rất nhiều sức mới có thể tạo ra được quy mô như hiện tại. Lúc tới cuối đường thì thấy một cái hang rộng bằng cả sân bóng, cao cỡ bằng tòa nhà hai tầng, to lớn vô cùng.
Giữa hang là một đài tế hình tròn được xây bằng đá, lớn chừng khoảng hai mươi mét vuông. Bên cạnh chiếc bàn là mười tám cột đá đột ngột trồi lên từ dưới đất, trên đỉnh cột ngoại trừ khắc những con mãnh thú dữ tợn thì còn cả trăm loại quỷ ma. Những hình vẽ ấy sống động đến mức như thể chúng biết leo xuống khỏi cột xé nát kẻ xung quanh thành từng mảnh.
Hai người đàn ông chia thành một nhóm. Họ khiêng bọn trâu bò cừu heo – thứ ngũ sinh lục súc còn đang sống đã được trói lại thành dạng bánh chưng bày tra trên bàn tế. Tiếp đó nữa, Ngụy Thất gia dẫn đầu lớp người già bước lên bục đá, những người khác sẽ vây quanh đó, ánh mắt dõi theo đoàn người Ngụy Thất gia.
Những ngọn đèn trên tường đá không tỏ lắm, hang động lại quá lớn nên ánh sáng lại càng mờ ảo hơn.
Ngụy Thất gia không mặc áo trắng mà khoác vào cả bộ áo đen. Bị lớp người già vây quanh, ông ta nhắm mắt như đang cảm ứng gì đó mà toàn thân run rẩy kịch liệt, nhìn qua thật có hơi giống mấy bà đồng thầy mo lúc lên đồng. Qua một hồi lâu, ông ta mới dùng giọng khàn khàn cất tiếng.
“Bắt đầu hiến tế, mời tổ tiên trước.”
Ngụy Thất gia sải những bước chân kỳ lạ, tựa như kỳ môn mà tựa như không phải, những tế phẩm xung quanh được đưa tới cấp tốc. Sau khi giơ hai tay lên không trung ông ta lại đập tay lên ngực. Lúc này, theo nhịp điệu bước chân ấy, xung quanh cũng bắt đầu vang lên những tiếng gõ nhịp nhàng, đó là tiếng người thôn Ngụy quỳ xuống theo động tác của Ngụy Thất gia đang nhịp những cây gậy lên đất.
Tiếng khua gõ dồn dập vang lên tựa như cơn mưa rào tầm tã khiến tim người đập nhanh hơn, da đầu run lên cả. Không khí ngày càng âm u đáng sợ. Tiếng gõ càng nhanh càng khiến máu sôi trào, đồng thời sau lưng lại như bị quỷ dính vào, lạnh đến thấu xương.
Đầu Trần Dương rền vang như sấm nổ. Quả thật anh đang trông thấy vô số ‘thứ ấy’ trong hang động. Chúng bị âm thanh hấp dẫn nên tụ lại ngày càng nhiều. Trong hang ngày một lạnh, tiếng nước tí tách rơi trên đất do âm khí quá nồng ngưng tụ lại mà thành.
Tiếng nước hòa vào tiếng khua gõ, vì thế, Trần Dương trông thấy khắp trong hang toàn là bọn bóng trắng. Rất nhiều, nhiêu vô số kể, nhiều đến mức cứ như hang động này sẽ chẳng chứa nổi và chúng vẫn đang tiếp tục chen vào trong. Chúng không hung ác như thường lệ mà chỉ lẳng lặng đứng đó.
Vì sao người thôn Ngụy mời tổ tiên mà lại mời bọn bóng trắng đến chứ không phải thứ giống hồn ma?
Mãi khi những bóng trắng ấy không bay vào nữa, Ngụy Thất gia mới mở trừng mắt, quát lớn.
“Dưới chòm sao Bắc Đẩu, chúng sinh cúi đầu ngẩng đầu, không có chốn về, không được hướng sinh, con cháu đời sau, thành kính tế bái, đứng —— quỳ ——”
Trong tiếng hô kéo dài của Ngụy Thất gia, người thôn Ngụy mặc áo trắng đứng lên, sau đó lập tức quỳ rạp xuống đất.
“—— Đứng —— quỳ —— đứng lên ——quỳ xuống —— lại đứng —— lại quỳ —”
Cứ đứng đứng quỳ quỳ như thế đến hơn mười lần. Cứ mỗi lần sẽ có một gã cầm dao đi đến trước vật hiến tế sống rồi đâm vào cổ con thú. Máu tươi tuôn ra, dọc theo tảng đá chảy đầy đất.
Những bóng trắng ấy cứ im lặng đứng đó nhận lễ quỳ của người trong thôn.
Chúng nó bay về phía bọn trâu bò nằm trên cái bàn chứa tế phẩm. Bọn trâu bò run như cầy sấy, đang định gào thét thì chẳng rõ đã bị người thôn Ngụy làm cách gì mà câm lặng cả. Bị bọn bóng trắng cắn xé, đám trâu bò nhanh chóng tắt thở. Trần Dương phát giác chỉ trong thời gian ngắn mà xác chết đã hư thối, máu có mùi như đã chết rất lâu.
Những người thôn Ngụy xung quanh như chẳng hề thấy tình cảnh khác thường này, đợi đến khi bọn bóng trắng dùng vật hiến tế xong thì sẽ đổi vật hiến tế mới ngay lập tức.
Trần Dương ở tận bìa ngoài. Bởi do tình hình sức khỏe hiện tại nên Trần Dương không cần quỳ lạy. Anh có thể cảm giác rất rõ bọn bóng trắng lia ánh mắt âm u lên người mình, sau khi chòng chọc nhìn anh một lát mới bị thứ hiến tế trên chiếc bàn đá hấp dẫn.
Nhễ nhại mồ hôi, Trần Dương vuốt mặt. Khốn thật chuyện này kích thích quá.
Đây là nghi thức người thôn Ngụy cúng bái tổ tiên, thế thì, chắc hẳn những bóng trắng đó là tổ tiên đã chết của họ. Trần Dương liếc mắt đánh giá, bởi có đến hàng nghìn hàng vạn bóng trắng đang huơ tay múa chân, nghĩa là trong số những người trong thôn đã chết rất ít người có thể đầu thai chuyển thế. Đây là điều thứ nhất.
Thứ hai, trong số những bóng trắng ấy Trần Dương không tìm ra Ngụy Lâm Thanh. Tuy những cái bóng ấy chen chúc nhau nhưng cùng là hình dạng sương mù trắng xóa, còn cơ thể Ngụy Lâm Thanh lại có thể ngưng tụ, khác khá xa so với chúng nên rất dễ dàng nhận biết.
Xem ra cụ Ngụy bảo rằng họ không thể cúng bái Ngụy Lâm Thanh là thật. Không biết vì nguyên nhân gì, Ngụy Lâm Thanh bị Ngụy gia xoá tên, không có tư cách vào phần mộ tổ tiên, nên ngay cả nơi chôn cũng là chôn qua loa ở góc nào đó ven đường. Đây là vì sao nhỉ, lần tới gặp Ngụy Lâm Thanh nhất định phải hỏi mới được, Trần Dương nghĩ.
Thời gian dường như trôi rất chậm, nhưng cuối cũng vẫn đến lúc giết sạch đám vật hiến tế trên bàn đá. Lúc này chiếc bàn đã tanh hôi lắm, ngay cả Trần Dương cách khá xa cũng bị thứ hôi thối ấy khiến cho xanh mét. Ấy vậy mà người của thôn, dù nam nữ già trẻ gì vẫn quỳ được giữa máu đen thịt thối mà không hề nhúc nhích.
Trần Dương kính nể vô hạn với nỗ lực nhẫn nại của họ.
Lúc này, cụ Ngụy cầm một con dao từ một người quỳ trên đất, sau đó rạch một đường lên cánh tay khô quắt gầy gò của mình. Máu tươi sền sệt rơi tách tách xuống đất. Cụ Ngụy giơ tay lên, máu từ từ chảy xuống nơi cổ tay cụ.
“Lấy máu hiến dâng, lấy tâm linh nuôi dưỡng, lấy hồn thiết đãi, đây là hiến tế.”
Người của thôn xung quanh dùng sức nhịp cây gậy trong tay, cuối cùng cũng rút ra con dao đã chuẩn bị từ trước rồi tự cắt tay mình. Máu chảy tràn trên đất, họ đồng thanh hét lên.
“Đây là hiến tế, tổ tiên phù hộ!”