Jiva và
Rajiva chỉ ở lại nhà ba ngày, rồi chuyển đến chùa Vương Tân (chùa Tsioli). Đó
là ngôi chùa của hoàng gia, tọa lạc trên khu đất phía Tây hoàng cung, cách phủ
quốc sư chừng mười lăm phút đi bộ. Trước khi chuyển đi, Rajiva đã sắp xếp chu
đáo mọi việc: Vì tôi là cô giáo của cậu nên vẫn được ở lại trong phủ. Hàng ngày
cậu sẽ về nhà sau giờ tụng kinh buổi chiều để học bài.
Kế
hoạch đến Trung Nguyên phải hoãn lại, vì hiện nay đang là mùa đông, tuyết rơi
dày đặc, đóng băng trên mọi ngả đường, các đội lái buôn đã tạm dừng hành trình.
Nếu muốn đi, phải chờ đến mùa xuân năm sau. Vả lại, tôi cũng không vội vàng gì.
Vừa mới chân ướt chân ráo đến Khâu Từ, tôi còn chưa bắt đầu công việc khảo sát
của mình, mà tiếng Tochari tôi cũng chưa học ra ngô ra khoai gì cả. Có người
chịu cấp cho tôi nơi ăn chốn ở tử tế, không có lý gì tôi lại từ chối công việc
dạy học này.
Chủ
nhà, Kumarayana hiếu khách và rất đôn hậu, lúc nào ông cũng ân cần, chu đáo với
tôi. Ông nho nhã, lịch thiệp giống hệt giáo sư ở các trường đại học vậy. Giá
như trường tôi có một giảng viên như ông, chắc chắn toàn thể học sinh nữ của
trường sẽ đua nhau đăng ký môn ông giảng dạy, lớp học sẽ không có chỗ ngồi,
thậm chí, hành lang cũng chật cứng ấy chứ. Nếu ông dạy tiếng Phạn, thầy Quý sẽ
không còn phải rầu rĩ than phiền vì không có sinh viên nào chịu theo học ngôn
ngữ này nữa. Kumarayana hoàn toàn tin tưởng ở tôi, ông không bao giờ gặng hỏi
tôi về phương pháp lên lớp. Và sau khi nghe Rajiva tán dương tôi, ông còn đề
nghị tôi tiếp nhận thêm một học sinh nữa.
Tôi đã
kịp dạo quanh mấy vòng thành cổ Khâu Từ. Quốc gia này có ba tòa thành quách
rộng lớn, được canh phòng nghiêm ngặt. Chính giữa là cung điện nguy nga tráng
lệ. Diện tích tòa thành lớn gấp năm, sáu lần tòa thành Wensu mà tôi từng khảo
sát. Tín ngưỡng Phật giáo được đón nhận nồng nhiệt ở nơi đây. Đến đâu cũng bắt
gặp đền chùa, miếu mạo hoặc to hoặc nhỏ được xây lên với mật độ dày đặc.
Khâu Từ
dựa lưng vào núi Thiên Sơn ở phía bắc, được xem là quốc gia có nguồn nước dồi
dào nhất Tây Vực, vì vậy trồng trọt và chăn nuôi rất phát triển. Núi Thiên Sơn
lại dồi dào khoáng sản, có thể cung cấp cho tất cả các quốc gia trong khu vực.
Thêm vào đó, Khâu Từ nằm trên giao lộ của con đường tơ lụa, thương nghiệp phát
triển kèm theo sự phát triển rực rỡ của thủ công nghiệp. Vì vậy, Khâu Từ là
quốc gia giàu có nhất ở Tây Vực.
Mỗi ngày,
từng đoàn ngựa thồ tơ lụa lũ lượt qua lại trên những trục đường chính, cảnh
buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các thương lái diễn ra cực kỳ tấp nập, ngựa xe
như nước như nêm. Cả thành phố hệt như buổi triển lãm của các sắc tộc: Người
Yue Zhi, Wusun, Hung Nô, Turk, Sienpi, Joujan, Mông Cổ, Ba Tư, Iran, Ấn Độ,
thậm chí cả những người thuộc chủng tộc người châu Âu hiện đại như: Hy Lạp và
Roma và rất nhiều người Hán. Mỗi lúc bước chân ra phố, tôi đều dừng lại, mê mải
ngắm nhìn dòng người đủ mọi màu da và trang phục đi qua đi lại trước mặt. Chỉ
đến khi cậu học trò mới đang dắt tay tôi đi bên cạnh vác bộ mặt khinh khỉnh
nhìn lên, tôi mới cất bước đi tiếp trong sự nuối tiếc.
Nhắc
đến cậu học trò mới này mới nhớ, cậu ta chính là vấn đề khiến tôi đau đầu nhất
hiện nay.
Một chú
nhóc trắng trẻo, cực kỳ đáng yêu đang say sưa cầm bút chì vẽ nguệch ngoạc lên
tập giấy nháp của tôi, sau đó dùng cục tẩy xóa đi rồi lại tiếp tục vẽ. Cậu nhóc
coi dụng cụ học tập có thể sử dụng nhiều lần này của tôi là thứ đồ chơi hấp dẫn
nhất, cứ miệt mài vẽ vẽ xóa xóa cả ngày không chán.
Tôi
đứng bên, lòng đau như cắt:
- Cậu
nhỏ ơi, ông nhỏ ơi, quỷ sứ ơi! Cậu nghĩ nhà tôi mở cửa hàng bán dụng cụ học tập
chắc? Cục tẩy chỉ còn một nửa, bút chì cũng chỉ còn nửa cây, lại mất oan thêm
ba trang giấy nữa rồi. Cậu có biết những thứ này đều là tài nguyên không thể
tái sinh không? Cậu dùng hết của tôi như thế, ở cái thời đại này, cậu đi đâu mà
mua đền cho tôi đây hả?
Thực
ra trong túi tôi vẫn còn, nhưng ai mà biết được tôi phải ở lại đây bao lâu nữa,
thế nên tôi không thể không tiết kiệm.
Cậu
nhóc không thèm để ý đến lời van xin của tôi, vẫn tiếp tục vẽ. Mà cũng vì cậu
ta chưa hiểu tiếng Hán. Nhưng khi tờ giấy thứ tư “qua đời”, tôi không thể nhẫn
nhịn thêm được nữa, liền quát to bằng tiếng Tochari:
- Đừng.
.. vẽ. .. nữa!
Cái
giọng nạt nộ sư tử Hà Đông của tôi chẳng ăn thua. Cậu nhóc ngước đôi mắt to
tròn, sáng long lanh nhìn tôi chớp chớp. Đôi mắt giống hệt Rajiva, đều thừa
hưởng từ cha đôi đồng tử màu xám nhạt và mái tóc xoăn hung đỏ của mẹ. Đôi mắt
ấy đảo qua đảo lại vài lượt, rồi buông bút chì, trèo xuống ghế, lao thẳng vào
lòng tôi:
- Thế
thì chị hát cho em nghe đi!
Lại thế
rồi! Lần trước Kumarayana có việc phải đi Gumo, mấy ngày liền không về, đêm nào
cậu nhóc cũng lẻn vào phòng tôi đòi ngủ cùng. Không muốn phí sức quát nạt, tôi
đành hát một ca khúc thiếu nhi cho cậu ta nghe. Nào ngờ, kể từ hôm đó, ngày nào
cậu nhóc cũng vòi tôi hát cho bằng được và còn yêu cầu không được hát trùng
bài. Thế là các ca khúc hiện đại của tôi trở thành nhạc ru. Xui xẻo đến thế là
cùng!
Tôi thở
dài, nhích sang bên, nhường nửa phần ghế cho cậu nhóc ngồi lên và tựa người vào
lòng tôi. Vừa khe khẽ hát bài “Ngủ ngoan bé yêu” của Châu Hoa Kiện, vừa vỗ nhè
nhẹ vào lưng cậu. Cậu nhóc nhắm tịt mắt lại, hai hàng lông mày dài và mượt mà
càng tôn thêm sống mũi cao thanh tú, rất đáng yêu!
Tôi có
thể hiểu được vì sao cậu nhóc thích quấn tôi như vậy. Mẹ và anh trai đều phụng
sự Phật tổ, cậu ta vừa lên sáu thì mẹ bỏ ra nước ngoài, bốn năm biền biệt, bặt
vô âm tín. Vú già, người gần gũi nhất, chăm sóc cậu từ nhỏ đã qua đời mấy năm
trước. Tuy trong nhà không ít người hầu và bảo mẫu, nhưng không ai có thể cho
cậu ta tình yêu thương của người mẹ. Ở tuổi này, cậu nhóc rất cần có bạn, tuy
hàng ngày vẫn vào cung học bài cùng các hoàng tử, nhưng về đến nhà, không ai
chơi với cậu, nô đùa với cậu. Người anh hơn cậu ba tuổi thì trở nên già dặn từ
rất sớm, mà bốn năm rồi họ không gặp nhau. Mỗi lần nhìn thấy Rajiva, cậu nhóc
tỏ ra rất dè dặt.
Bởi vậy
sự xuất hiện của tôi vừa đóng vai trò một người mẹ, vừa là bạn chơi đùa, vừa là
đối tượng để ngày ngày cậu vòi vĩnh, nũng nịu. Những hành động nghịch ngợm của
cậu chẳng qua là để thu hút sự chú ý của tôi, vì muốn được tôi quan tâm hơn mà
thôi. Nhưng như vậy thì khổ cho tôi quá! Mỗi ngày tôi phải diễn không biết bao
nhiêu vai: lúc đầu là quân lính dưới trướng của đại tướng quân, nghe tướng quân
sai khiến vào báo cáo tình hình. Sau đó lại vờ giả giọng quân địch khiêu chiến
với đại tướng quân. Và cuối cùng giả làm bại trận giương cờ trắng đầu hàng và
xin tha mạng. Ngày ngày phải nô giỡn, chạy đuổi, chiến đấu với một cậu nhóc
đang tuổi ăn tuổi lớn, khiến tôi mệt không thở nổi.
Khi làn
điệu thương yêu, ru vỗ kết thúc, cũng là lúc cậu nhóc chìm vào giấc ngủ say
sưa. Tôi ôm cậu đặt lên giường. Tay bóp vai, miệng khẽ lẩm bẩm: Nhóc nặng quá,
lớn thêm chút nữa chắc chị bế không nổi. Mười tuổi rồi mà vẫn ham chơi như con
nít ấy. Mới hát hết một bài mà đã say sưa ngủ.
Tuyết
rơi không ngớt mấy ngày qua. Tôi là người vùng Giang Nam, nên mặc dù hiệu ứng
nhà kính làm cả trái đất nóng lên, tôi vẫn rất ít khi được chứng kiến những
trận tuyết lớn như thế này. Mấy ngày đầu tôi rất thích thú, còn hào hứng kéo
Pusyseda cùng đi đắp người tuyết. Nhưng chẳng được bao lâu, tôi bắt đầu thấy
chán, vì tuyết rơi quá dày mà tôi thì sợ lạnh. Nên từ hôm đó, tôi rất hạn chế
ra khỏi phòng, công việc khảo sát cũng phải tạm gác lại một bên. May mà Rajiva
mang đến cho tôi rất nhiều sách tiếng Hán: “Sử ký”, “Tả truyện”, “Lã thị xuân
thu”, “Chiến quốc sách”, “Kinh thi”,. .. những cuốn mà tôi đã đọc từ lâu. Và cả
một số thư tịch vốn đã thất truyền như “Thạch thị tinh kinh”.
Phòng
đọc sách của gia đình Rajiva có rất nhiều kinh văn và tài liệu viết bằng các
thứ tiếng: Phạn, Tochari, Brahmi, Kharosthi, với nội dung phong phú, đa dạng,
đề cập đến hầu hết các lĩnh vực: thanh vận, ngữ văn, công nghệ, kỹ thuật,
phương pháp tính lịch, y học, logic học, thiên văn học, nhạc luật và lịch pháp.
Tôi
nhìn kho sách đồ sộ ấy mà thèm thuồng. Nếu như có thể đưa chúng về thời hiện
đại, sẽ có giá trị nghiên cứu lớn lao đến nhường nào. Phần đông mọi người không
thể mua nổi những thư tịch của thời đại này, vì mỗi cuốn sách có giá trị tương
đương bằng một năm thu nhập của người dân. Đó là chưa kể những cuốn sách được
viết trên lụa. Rồi những công văn của quan phủ, những khế ước mua bán, phần lớn
đều được viết trên gỗ, vì giấy viết đắt hơn gỗ rất nhiều lần.
Nhìn
bên ngoài, phủ quốc sư trông rất giản dị, cách bày trí cũng đơn giản, thì ra
toàn bộ của cải giá trị nhất đều nằm trong căn phòng này.
Thế
nên, mỗi ngày tôi đều đến và ngồi lì ở đây mấy tiếng đồng hồ, miệt mài chép lại
những tài liệu quý giá đó. Tôi từng nghĩ đến việc đi mua, nhưng ở đây có rất
nhiều cuốn sách, mà dù có cầm bao nhiêu tiền ra phố cũng không thể mua được. Đó
là những cuốn mà Kumarayana mang về từ Ấn Độ, hay những cuốn sách quý hiếm do
sứ giả các nước lân bang dâng tặng vua Khâu Từ. Nếu tôi không thể mang đi, vậy
thì chỉ còn cách chép lại. Do vậy, hơn mười ngày qua đi, với tôi không hề buồn
tẻ.
Hàng
ngày, mỗi khi về đến nhà, Rajiva vào chào cha, rồi đến chỗ tôi học bài, sau đó
đến thư phòng đọc sách. Cậu ta lặng lẽ đọc sách, tôi lặng lẽ chép sách. Lúc về
chùa, cậu thường mang theo cuốn sách còn đang đọc dở dang, nhưng hôm sau đã
thấy cậu ta đổi lấy cuốn mới. Có hôm cậu về nhà khi giờ học của Pusyseda vẫn
chưa kết thúc. Cậu lặng lẽ ngồi bên cạnh nghiên cứu trước bài học. Đến lúc tôi
bắt đầu giờ dạy thì cậu đã thuộc làu những nội dung tôi sắp thuyết giảng, nhiều
chỗ tôi đọc sai, cậu ta còn nhẹ nhàng nhắc nhở, khiến tôi toát cả mồ hôi. Cậu
ta tưởng tôi là thiên tài chắc. Kiến thức lịch sử của năm ngàn năm chứ ít à,
sai vài chỗ có sao đâu? Tôi tức quá cốc vào đầu cậu ta một cái, cảnh cáo cậu ta
không được qua mặt giáo viên.
Đang
vừa ôn lại những kỷ niệm làm gia sư trong hơn mười ngày qua ở phủ quốc sư, vừa
kéo chăn lên đắp cho Pusyseda, chợt có cảm giác lành lạnh sau lưng, thì ra là
Rajiva. Cậu vén tấm rèm chắn gió và đứng tựa lưng bên bậu cửa, nhìn tôi.
- Ủa,
sao hôm nay cậu về sớm vậy?
Giờ
tụng kinh buổi chiều của Rajiva bắt đầu từ bốn giờ và kết thúc lúc năm giờ. Vì
vậy, thông thường, khoảng sáu giờ cậu ta mới đến chỗ tôi học bài. Nhưng hôm nay
năm giờ ba mươi phút đã có mặt. Bạn thắc mắc vì sao tôi nắm được giờ giấc chính
xác như vậy ư? Vì chiếc đồng hồ vượt thời gian của tôi có cả chức năng báo giờ,
có cả lịch âm, dương đối chiếu nữa, rất tiện dụng. Từ khi chức năng vượt thời
gian bị hỏng, chiếc đồng hồ này chỉ có thể dùng để xem giờ. Nên tôi vẫn ngày
ngày đeo nó trên tay, mọi người nhìn thấy cũng chỉ cho rằng đó là một chiếc
vòng tay kì dị.
Còn
điều này nữa tôi cần phải nói rõ. Múi giờ ở Tân Cương và Bắc Kinh chênh lệch
nhau hai tiếng. Vì vậy, khi đi du lịch Tân Cương, tôi thường điều chỉnh thời
gian theo giờ địa phương. Nếu không thời gian biểu hằng ngày của tôi sẽ trở nên
rất quái dị vì: mười giờ sáng thức giấc, hai, ba giờ chiều ăn trưa, buổi tối
chín giờ đèn vẫn sáng trưng, một giờ đêm mới đi ngủ. Dù sao thì 1650 năm trước,
con người vẫn chưa có khái niệm về chênh lệch múi giờ, nên tôi đã điều chỉnh
theo giờ ở Tân Cương thế kỷ XXI.
- Tôi
vào cung trò truyện với đức vua, sau đó về thẳng đây.
Cậu ta
bước vào phòng, liếc nhìn Pusyseda đang ngủ trên giường, rồi đột nhiên nói bằng
tiếng Tochari:
- Đừng
giả vờ nữa!
Pusyseda
lập tức mở mắt, trườn xuống khỏi giường, khuôn mặt ửng đỏ, miệng lí nhí:
- Anh
trai!
Tôi
trợn tròn mắt, thằng bé láu lỉnh này, dám giả vờ ngủ để được tôi bế lên giường.
Vẫn vẻ thản nhiên khi nãy, Rajiva nhắc nhở Pusyseda về phòng đi ngủ. Pusyseda
sợ anh trai hơn cả cha, nên vội vàng lủi ngay.
- Cậu
ấy còn nhỏ, không nên nghiêm khắc quá.
Bản
năng người mẹ trong tôi chợt trào dâng, tôi chưa bao giờ nặng lời hay gay gắt
với Pusyseda.
- Bài
hát khi nãy rất hay.
Cậu ta
khéo léo đổi đề tài.
- Chỉ
là mấy ca khúc thiếu nhi của người Hán thôi. Nhạc Khâu Từ chắc hay hơn nhiều.
“Âm
nhạc Khâu Từ nổi tiếng khắp vùng, ai nấy đều biết”, đó là lời ca ngợi của Huyền
Trang về âm nhạc Khâu Từ.
- Tôi
chưa được nghe bao giờ.
Cậu ta
ngập ngừng, một chút buồn vương trên đôi mắt.
- Cha
mẹ tôi chưa bao giờ hát ru tôi như cô.
Tôi bật
cười tưởng tượng cảnh Kumarayana và Jiva hát ru các con, có lẽ thay vì hát họ
sẽ tụng kinh.
Rajiva
hơi ngạc nhiên khi thấy tôi cười. Tôi vội đề nghị:
- Cậu
có muốn nghe không?
Cậu ta
hơi do dự, không trả lời tôi, chỉ cúi đầu im lặng. Rồi như phải quyết tâm lắn,
cậu ta mới ngẩng đầu nhìn tôi gật mạnh một cái. Tôi thấy hơi lạ, chỉ nghe một
bài hát thôi mà, việc gì phải đắn đo đến vậy? Tôi hát lại bài “Ngủ ngoan bé
yêu”. Rồi, tôi chợt nhớ đến trường đoạn Song Hye Kyo vừa sáng tác lời vừa tự
biên tự diễn những điệu nhảy rất mắc cười trong phim “Ngôi nhà hạnh phúc”. Điệu
nhảy chẳng có gì là nghệ thuật, nhưng có tác dụng gây cười rất tốt. Thế là tôi
ra sức bắt chước điệu nhảy đó. Tiểu hòa thượng đẹp trai trước mặt tôi đang cười
rạng rỡ, đó là điệu cười thoải mái, vô lo vô nghĩ thường thấy ở một thiếu niên
mười ba tuổi.
Tôi hát
xong rồi mà cậu ta vẫn tiếp tục cười sảng khoái, nụ cười rất đẹp. Tôi lặng lẽ
ngắm nhìn Rajiva, muốn in lại hình ảnh trẻ trung đó trong trí nhớ. Suốt mấy
ngày tôi hì hục vẽ Rajiva, vì tôi muốn đem hình cậu ta trở về thời hiện đại, để
mọi người ở thế kỷ XXI được chiêm ngưỡng chân dung sống động của vị hòa thượng
vĩ đại 1650 năm về trước. Nhưng tôi vốn không phải họa sĩ, tôi có thể phác thảo
hình cắt ngang cắt dọc của vật thể, nhưng vẽ chân dung thì quả là trình độ còn
hạn chế. Vẽ đi vẽ lại nhiều lần vẫn không ưng ý. Chưa nói đến thần thái thoát
tục của cậu ấy, chỉ riêng ngoại hình của cậu ấy cũng chưa đạt nổi ba phần. Lúc
này, tôi ước gì có một cây bút thần. Nụ cười ấy, đẹp như tạc, nếu có thể họa
lại, để lưu giữ đến ngàn sau, thì tuyệt biết bao!
Khuôn
mặt Rajiva lại bắt đầu ửng đỏ, ánh mắt phiêu du xa xôi. Tôi chợt tỉnh cơn mơ,
khi nãy chắc là tôi nhìn cậu ta chăm chú quá khiến cậu ta mất tự nhiên. Tôi vội
vàng tìm cách chuyển chủ đề:
- Này
Rajiva, đức vua gặp cậu có việc gì thế?