Đưa tay
quờ quạng, thấy mềm mềm, mịn mịn. Mở mắt, vầng quang rực rỡ chiếu thẳng tới,
vội nhắm chặt lại. Vậy là lần tiếp đất này cũng rơi xuống sa mạc giống hệt lần
trước. Tôi quả là có duyên với sa mạc, có điều không biết hiện là thời đại nào
và nơi này có phải là nơi đó không. Tôi đứng lên, kiểm tra toàn bộ vật dụng
mang theo bên mình, rồi nhìn chiếc đồng hồ vượt thời gian đã được cải tiến. Tốt
rồi, đèn tín hiệu màu xanh, có nghĩa là mọi thứ vẫn bình thường, công sức sáu
tháng trời của nhóm các nhà khoa học ấy đã không uổng phí. Rút kinh nghiệm từ
bài học lần trước, các nhà khoa học quyết định không sử dụng năng lượng mặt
trời để khởi động thiết bị nữa, vì không ổn định mà thay vào đó là loại pin
Lithium siêu bền. Nghe nói, đây là sản phẩm đời mới nhất của hàng BYD, tốt hơn
nhiều so với pin của Sony.
Chuyến
đi của tôi đã tạo nên tiếng vang lớn, sánh ngang với chuyến bay vào vũ trụ rất
thành công của Dương Vỹ. Tôi mất tích hơn năm tháng, nhóm nghiên cứu không xác
định được tôi đã vượt thời gian thành công hay đã chết. Suốt một thời gian dài,
sếp tôi rất phiền não vì không biết phải giải thích như thế nào với bố mẹ tôi.
Cho đến một buổi chiều nọ, tôi từ trên trời rơi xuống, lơ lửng trên cành liễu
bên ngoài phòng thí nghiệm, làm gẫy gần hết những chạc cây xanh tốt đó.
Trong
năm tháng sau khi trở về thế kỷ XXI, tôi bận rộn chóng mặt. Kiểm tra sức khỏe,
viết báo cáo và còn phải đến Tân Cương cùng sếp một tháng trời nữa chứ. Thành
cổ Khâu Từ xưa kia (hay còn gọi là di tích Diên Thành) nằm giữa thành phố Kucha
mới và cũ ngày nay, được người địa phương gọi bằng cái tên thành cổ Pilang. Tôi
đi theo đoàn các nhà khảo cổ quan sát, đo đạc, nghiên cứu di tích tường thành
Khâu Từ, di tích hoàng cung, ngôi chùa “kỳ lạ”, quảng trường lớn, sau đó cùng
các nhà ngôn ngữ giải mã văn tự Tochari tại viện bảo tàng. Khi một mình lang
thang giữa những di tích này, nhìn những ngôi nhà, những thửa ruộng đã phủ kín
khuôn viên di tích, có thể nhận ra địa tầng của hơn một nghìn năm về trước,
nhưng còn những thứ khác thì đã bóng chim tăm cá, trong tôi trào dâng một cảm
xúc khó tả. Vì với riêng tôi, mọi thứ sống động của vài tháng trước đó chỉ trong
chớp mắt đã vật đổi sao dời, trở thành quá vãng dâu bể 1650 năm. Những con
người sống động của vài tháng trước, trong khoảnh khắc đã chỉ còn lại là mấy
dòng chữ trên giấy cũ. Đứng trên gò đất mấp mô, nơi xưa kia từng là thành quách
nguy nga, bên tai tôi như vẫn vang vọng giọng nói trầm ấm đó.
- Ngải
Tình, ngày mai tôi sẽ đưa cô đi tham quan thành Khâu Từ.
- Ông
trời ưu ái người Khâu Từ, nên năm nay mới “được mùa tuyết” như vậy.
- Đừng
sợ, cứ nhắm mắt lại, một lát nữa là không sao.
Mỗi lúc
như vậy, tôi lại giật mình quay đầu nhìn bốn phía, mãi đến khi nhận ra bóng
chiếc áo nâu sòng ấy chỉ là ảo giác, tôi mới bình tâm trở lại. Rajiva, có phải
chúng ta đang ở trong cùng một không gian, nhưng chúng ta cách nhau những 1650
năm thời gian? Cậu vẫn ổn chứ? Tôi cười buồn, sao lại hỏi ngớ ngẩn như vậy, vận
mệnh của cậu ta, lẽ nào tôi không rõ?
Khi đi
khảo sát Thiên Phật động Kizil, tôi đã ngẩn ngơ hồi lâu trước pho tượng đồng
tạc hình Rajiva đặt phía trước hang đá. Pho tượng khắc họa dung mạo của Rajiva
ở độ tuổi từ ba mươi đến bốn mươi. Một chân gập lại, tay phải đặt lên đầu gối,
trên mình khoác chiếc áo lộ một bên vai của tăng sĩ, thân hình mảnh khảnh, vầng
trán rộng giữa hai hàng lông mày vươn dài, dung mạo ấy toát lên một trí tuệ
trác việt, một trái tim rộng lớn và một khí khái bất phàm. Tuy không thể sống
động bằng con người thực, nhưng tôi nghĩ, nghệ nhân tạc tượng đã nắm bắt được
thần thái của Rajiva. Tôi chưa được nhìn thấy dung mạo Rajiva khi đã trưởng
thành, nhưng pho tượng điêu khắc này đã khiến tôi không nguôi suy tưởng và
tưởng tượng về cậu ấy. Tôi đã chụp một bức ảnh đứng dưới chân pho tượng để làm
kỷ niệm, buổi đêm khi ngồi viết luận văn, mỗi lúc mệt mỏi tôi lại mở tấm hình
ra ngắm nghía. Ước gì tôi được gặp lại Rajiva, Rajiva khi đã trưởng thành.
Trong
viện bảo tàng Khâu Từ ở Kucha có trưng bày bộ hài cốt của một phụ nữ, được khai
quật lên từ di chỉ Subash, thời điểm hài cốt này được chôn cất cách nay khoảng
một nghìn ba trăm năm. Phần đầu của hài cốt có dấu hiệu bị nén bẹp xuống, giống
hệt hình ảnh của Jiva và những thành viên hoàng tộc Khâu Từ khác mà tôi từng
gặp. Nén đầu không có nghĩa là xấu xí, chỉ có điều không hợp với thẩm mỹ của
chúng ta ngày nay mà thôi. Với tôi, Jiva luôn là một phụ nữ xinh đẹp.
Tutankhamun (gọi tắt là vua Tut), vị hoàng đế thứ mười hai của triều đại thứ
mười tám của Ai Cập cũng từng nén dẹt đầu, bức tượng bán thân của vua Tut sau
khi được phục chế nguyên bản và tranh chân dung trong lăng mộ của ngài đã cho
thấy Tutankhamun là một pharaon mười tám tuổi cực kỳ khôi ngô, tuấn tú.
Kế
hoạch ban đầu là sau khi kết thúc công việc khảo sát ở Kucha, tôi sẽ có buổi
gặp gỡ các chuyên gia Phật học, những người chuyên nghiên cứu về Kumarajiva.
Tuy tôi chỉ được tiếp xúc với Rajiva một thời gian rất ngắn, nhưng cũng có thể
cung cấp cho họ những thông tin và tư liệu quý giá mà không ai có được. Vì vậy
các chuyên gia rất mong ngóng được trò chuyện với tôi. Nhưng, sếp tôi đột ngột
nhận được điện thoại từ tổ nghiên cứu, thế là hai thầy trò lại vội vã khăn gói
về phòng thí nghiệm, để chuẩn bị cho lần vượt thời gian thứ hai, mà không,
chính xác phải là lần vượt thứ tư mới đúng.
Lần
này, máy móc đã được cải tiến rất nhiều. Tôi không còn cảm giác khó chịu khi
bay vào không gian như những lần trước nữa. Tuy vậy, vẫn không thể xác định được
địa điểm và thời đại mà tôi sẽ đến, chỉ có thể ước tính đó là khoảng thời gian
hai nghìn năm trước. Sai số là năm trăm năm, tức là nơi tôi đến có thể ở vào
khoảng niên đại từ cuối thời Chiến quốc cho đến cuối thời Nam Bắc triều. Với
kinh nghiệm của lần “vượt” trước, tôi vẫn quyết định mặc một bộ Hán phục to
rộng, lả lướt. Trang phục này rất đại chúng và là trang phục được thịnh hành
lâu nhất trong lịch sử.
Tôi
quan sát và đánh giá tình hình trước mắt. Những điểm tương đồng về địa hình
giữa hai lần “vượt” cho tôi một linh cảm mạnh mẽ rằng, tôi đã trở lại nơi ấy!
Do vậy, tôi trở nên bình tĩnh hơn, tôi bắt đầu nghĩ cách để ra khỏi sa mạc và
tìm đến nơi có bóng người. Phóng tầm mắt ra xung quanh, nhận thấy mình đã rơi
xuống vùng ven sa mạc, cạnh đó là rừng dương và những khóm liễu đỏ thấp lè tè.
Rừng dương xa xa nom có vẻ um tùm, xanh tốt, tôi quyết định đi về hướng đó.
Bây giờ
đã là cuối tháng năm, buổi trưa trên sa mạc oi bức khủng khiếp, vì vậy thứ mà
tôi cần nhất lúc này là nước. Rừng dương rậm rạp là thế, nguồn nước chắc chắn ở
không xa. Khi một hồ nước to bất ngờ xuất hiện trước mặt, tôi mừng rỡ khôn tả,
lao như bay về phía ấy.
Thật
không ngờ, giữa vùng sa mạc mênh mông thế này lại có một hồ nước lớn đến vậy.
Và điều quan trọng hơn cả là ven hồ có người, không phải một người mà là một
đám đông. Không có niềm vui nào bằng niềm vui nhìn thấy đồng loại giữa chốn
hoang vu này, tôi ba chân bốn cẳng lao về phía họ. Nhưng chưa đến nơi, tôi đã
phải đột ngột hãm tốc độ. Phản ứng đầu tiên của tôi sau đó là quay đầu, chạy
thục mạng về hướng ngược lại. Nhưng chưa được mấy bước, một mũi tên vút tới,
cắm “phập” xuống cạnh bàn chân tôi, tôi sợ hãi dừng lại, giơ hai tay lên cao:
- Đừng
bắn! Tôi xin hàng!
Tôi bị
giải đến chỗ đám đông kia, có khoảng hai mươi người. Nhìn cách ăn mặc và tướng
tá của đám người đó, toàn những tên mặt mày dữ tợn, hình hài quái dị, đúng là
một đám kẻ cướp. Còn khoảng chục người nữa thì đang quỳ dưới đất, tay chân bị
trói chặt, run rẩy lo sợ, len lén nhìn tôi bằng ánh mắt cảm thông, có lẽ họ là
người Ba Tư. Cạnh đó có khoảng hơn chục con lạc đà cõng trên lưng rất nhiều
hàng hóa, vẫn thản nhiên, mải mê gặm cỏ. Tôi đoán ra ngay đó là một đội lái
buôn giữa đường gặp cướp.
Phải
nói rõ điều này, nơi tôi tiếp đất cách con đường tơ lụa không xa, mà trên con
đường này thường xuyên xảy ra nạn giặc cướp. Tôi chưa bao giờ phải giao tranh
với ai, lẽ nào lần này buộc phải sử dụng vũ khí? Có một khẩu súng gây mê loại
nhỏ trong áo chống phóng xạ của tôi, sếp dặn rằng, nếu không đến mức nguy cấp
thì không được phép sử dụng, vì đó là sản phẩm của thời hiện đại, có thể làm
thay đổi lịch sử. Sếp lúc nào cũng căn dặn không được làm gì khiến lịch sử thay
đổi, nhưng thầy có nghĩ rằng, bản thân việc tôi vượt thời gian trở về đây cũng
là một hành động làm thay đổi lịch sử?
Bọn
cướp đang bàn bạc với nhau bằng tiếng Tochari mà tôi có thể nghe hiểu, với
giọng địa phương lơ lớ, không phải khẩu âm Khâu Từ.
Tôi vắt
óc nghĩ cách thoát thân. Tôi không giàu bản lĩnh như Huyền Trang, có thể dùng
lời lẽ khuyên giải đám giặc cướp ngài gặp trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh
buông gươm đao quy y cửa Phật. Vì vậy, sau khi quan sát hết lượt và đánh giá
tình hình giữa ta và địch, tôi quyết định: bắt giặc phải bắt tên cầm đầu trước.
Tôi khẽ
đưa tay vào trong áo và chạm vào khẩu súng, cũng may chúng cho rằng tôi chỉ là
cô gái yếu đuối nên không trói chân tay tôi lại như những người Ba Tư kia. Tôi
nở nụ cười ngọt ngào với tên râu quai nón đang ngồi ung dung nhai thịt trên tấm
thảm, hơi nhích về phía hắn một chút, cất giọng Tochari lơi lả:
- Đại
Vương…
Cắn
răng thật chặt để xua đuổi nỗi sợ hãi đang khiến toàn thân nổi da gà.
Hắn
cười híp cả mắt, chìa bàn tay nhầy nhụa về phía tôi. Tôi tiến lên phía trước
một bước, làm điệu bộ chuẩn bị ngả vào lòng hắn, rồi đột ngột rút súng chĩa vào
hắn và bắn. Súng gây mê này thật lợi hại, tên cầm đầu chưa kịp có phản ứng gì
đã ngã lăn xuống đất. Nhân lúc đàn em của hắn còn đang ngơ ngác không hiểu
chuyện gì xảy ra, tôi lập tức hạ thêm năm tên đứng gần nhất và lấy giọng uy
hiếp những tên còn lại:
- Bỏ vũ
khí xuống, ta sẽ tha mạng cho các người!
Hình
như vẫn chưa dọa được chúng, tôi tiếp tục quát:
- Đây là
loại độc dược “kiến huyết phong hầu”, thấy máu chảy tức là người đã chết, các
ngươi không sợ thì đến đây mà thử!
Có lẽ
vũ khí lợi hại của thế kỷ XXI đã khiến bọn cướp kinh sợ, hơn chục tên còn lại
hoang mang nhìn những tên đang nằm bất động trên mặt đất. Thực ra tôi chỉ dọa
chúng thế thôi, khẩu súng gây mê của tôi rất nhỏ, chỉ có thể bắn vào đối phương
ở khoảng cách dưới năm mét. Thế nên, khi thấy bọn cướp buông hết các thứ đao,
cung, kiếm… tôi khẽ thở phào, mồ hôi đầm đìa lưng áo. Tôi vội vàng chạy đến cởi
trói cho đám thương nhân kia, nhưng dây quấn quá chặt, tôi đành phải lôi con
dao Thụy Sĩ ra cắt.
Những
việc xử lý tiếp theo không cần tôi phải bận tâm nữa. Mấy tên cướp còn lại khiếp
sợ thứ vũ khí mà tôi cầm trong tay, bây giờ lại thêm một đám người Ba Tư đông
đảo cầm gươm đuổi phía sau, nên bọn chúng đã chạy mất dạng từ lâu. Mấy người Ba
Tư kia kính cẩn hành lễ tạ ơn tôi. Trong số họ có một người biết tiếng Hán và
một người biết tiếng Tochari. Tuy nói năng không lưu loát, nhưng hai ngôn ngữ
bổ sung cho nhau, cộng thêm ngôn ngữ thân thể, chúng tôi cũng có thể hiểu nhau
tám, chín phần. Tôi lôi từ trong ba lô ra tập bản đồ, nhờ họ xác định vị trí.
Tập bản đồ này rất đặc biệt, được phác họa dựa trên tình hình khu vực trước và
sau đời nhà Hán khoảng năm trăm năm. Lật giở đến trang về Tây vực, vì chú thích
bằng tiếng Hán, nên phải mất một lúc lâu họ mới chỉ ra cho tôi vị trí tương đối
nơi chúng tôi đang đứng, có vẻ như gần Luntai (Burgur). Tôi xem xét thật kỹ bản
đồ một lần nữa, thì ra tôi đã rơi xuống ven sa mạc Taklamakan. Ở nơi khô hạn
cực độ như thế này mà vẫn có đồng cỏ rộng lớn, vậy chắc chắn là đồng cỏ và hồ
nước ở Luntai rồi! Đây chính là nơi cư trú của tộc người Rob (La Bố) cổ đại, họ
sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trong hồ nước này. Nhưng tôi không thấy quanh
đây có nhà cửa gì cả, có lẽ họ định cư ở phía khác của hồ nước. Nhưng cũng
không thể xác định đám cướp kia có phải người Rob hay không. Luntai cách Khâu
Từ khoảng tám mươi kilômét. Nếu với tốc độ như hiện nay của đoàn lạc đà (bình
quân mỗi ngày đi được hai mươi đến ba mươi kilômét), thì nhiều nhất là bốn ngày
sau tôi có thể đến được Khâu Từ.
Khâu
Từ, mỗi lần nghĩ đến nơi ấy là tim tôi lại đập rất gấp và bóng dáng thanh mảnh,
khổ hạnh ấy lại hiện ra trước mắt. Không biết bây giờ cậu ta bao nhiêu tuổi
rồi. Tôi hỏi mấy người Ba Tư hiện đang là năm nào, họ cung cấp cho tôi một số
thông tin như sau:
1. Ở Trung
Nguyên hiện vẫn là thời nhà Tần của Phù Kiên (nhưng họ không rõ niên hiệu).
2. Vua
Khâu Từ vẫn là Bạch Thuần (họ chỉ biết Bạch Thuần khoảng hơn bốn mươi tuổi).
3. Chỉ
nghe nói Kumarajiva là một vị hòa thượng nổi tiếng (vì người Ba Tư theo tín
ngưỡng Hỏa giáo, vốn là một tôn giáo thờ thần lửa thời xưa, nên mặc dù
Kumarajiva là một cao tăng Phật giáo tiếng tăm vang dội, họ cũng không hay
biết), tuổi tầm hai mươi đến ba mươi tuổi.
4. Họ vừa
đi qua Khâu Từ, bây giờ đang trên đường đến Trường An. Nhưng vì tôi có ơn cứu
mạng với họ, nên họ bằng lòng đưa tôi quay về Khâu Từ rồi mới lên đường đi
tiếp.
Không
phải tôi không muốn đi Trường An, nếu sếp có mặt ở đây, chắc chắn sẽ yêu cầu
tôi phải cùng họ đi Trường An ngay, như thế sẽ được một công đôi việc, tiện thể
khảo sát con đường tơ lụa, con đường huyền thoại từ thời Nam Bắc triều. Nhưng
một giọng nói cứ vang vọng trong tôi, thôi thúc tôi đi đi, đến đó gặp cậu ấy
đi! Sau khi trưởng thành, Kumarajiva sẽ có diện mạo như thế nào nhỉ? Nếu có thể
tận mắt nhìn thấy cậu ấy, những nghiên cứu của tôi sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Vả lại, tôi đã hứa với Pusyseda nhất định sẽ quay lại, tôi phải giữ lời chứ,
đúng không?
Chúng
tôi dự trữ nước và lập tức lên đường, vì lo những tên cướp kia sẽ quay lại. Mấy
tên bị hôn mê, chỉ sau hai mươi tư giờ sẽ hồi phục, rất có thể bọn chúng sẽ tìm
cách trả thù, nghĩ vậy, mọi người đều sợ hãi, ai cũng muốn mau chóng đi khỏi
khu vực ấy càng xa càng tốt. Tôi điều chỉnh lại thời gian trên đồng hồ cho chậm
lại hai giờ, xác lập múi giờ Tân Cương.
Khi
chúng tôi đến được điểm dựng trại thì bầu trời đã lấp lánh ngàn sao. Nơi này là
một thành quách hoang tàn, từ lâu đã không có người ở. Theo phát âm của người
Ba tư thì nó có tên là Tahanqi. Thành quách này có lẽ đã rất nhiều tuổi rồi,
tường thành trải qua nhiều năm tháng không được tu sửa, phần lớn đều đã sập sệ,
dưới ánh trăng vằng vặc, khung cảnh hoang tàn càng làm tăng cảm giác bãi bể
nương dâu. Xung quanh là những thửa ruộng, vậy là chúng tôi đã ra khỏi sa mạc
Taklamakan.
Chúng
tôi dựng trại cạnh tường thành, những người Ba Tư hào phóng dựng riêng một lán
trại cho tôi. Người đàn ông biết tiếng Hán cố diễn đạt cho tôi hiểu rằng nơi
này có liên quan đến triều đại nhà Hán. Nhưng vì tiếng Hán của người đó không
được trôi chảy, phải bổ sung bằng rất nhiều dấu hiệu tay chân, tôi mới hiểu sơ
sơ. Ông ta cho tôi biết, thành trì này do một người Hán xây dựng lên, đó là một
vị dũng tướng, với tài thao lược xuất quỷ nhập thần. Người Hán ư? Dũng tướng ư?
Liệu có
phải là thành Taqian do tướng quân Ban Siêu dựng lên không? Tahanqi và Taqian
có âm đọc rất giống nhau. Có lẽ do người Ba Tư phát âm không chuẩn.
Tim tôi
đập mạnh. Thành Taqian thuộc Khâu Từ, vốn là nơi Ban Siêu đóng quân khi nhậm
chức đô đốc Tây vực, ở thời hiện đại, vị trí chính xác của nơi này vẫn còn là
một bí ẩn.
Nếu nói
như vậy, bí ẩn này, giờ đây đã được giải đáp rồi ư?
Năm 73
sau Công nguyên, Ban Siêu theo đô úy Đậu Cố tấn công giặc Hung Nô phía bắc,
công việc của ông chỉ là văn thư. Ông dẫn theo đoàn sứ giả gồm ba mươi sáu
người đến Shanshan, từ đây cuộc đời chinh chiến của ông tại Tây vực đã mở trang
sử đầu tiên.
Năm 81
sau Công nguyên, ông thống lĩnh một đạo quân khoảng hai mươi lăm nghìn người
tập hợp từ các nước chư hầu phía nam Tây vực tấn công Yarkland (nay là huyện
Yarkland thuộc Tân Cương). Vua Khâu Từ điều quân cứu viện Yarkland, trúng kế
của Ban Siêu, thất bại thảm hại và phải bỏ chạy. Yarkland quy thuộc nhà Hán,
con đường tơ lụa được khai thông về phía nam.
Năm 90
sau Công nguyên, nước Yuezhi (nay là các vùng đất thuộc Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan)
cử một đội quân gồm bảy mươi nghìn người tấn công Sulaq (nay là Kashgar thuộc
Tân Cương). Ban Siêu nhận thấy đội quân vượt ngàn dặm xa xôi ấy đã sức cùng lực
kiệt, nên cố thủ không đánh. Đến khi lương thực cạn kiệt, quân Yuezhi phải chạy
đến Khâu Từ xin cứu viện, trước đó Ban Siêu đã cho quân mai phục, nên đã tiêu
diệt toàn bộ đạo quân kia. Yuezhi đầu hàng, Ban Siêu cho phép tàn quân trở về
quê hương, Yuezhi nối lại mối quan hệ hòa hảo với nhà Hán.
Năm 91
sau Công nguyên, Khâu Từ quy thuận nhà Hán, Ban Siêu được cử làm tướng quân cai
quản Tây vực, lập đô hộ phủ tại Khâu Từ, phế bỏ ngôi vua của Vưu Lợi Đa do Hung
Nô lập nên, nên đưa thân tín của nhà Hán (chỉ các vương tử do các nước chư hầu
Tây vực cử đến triều đình nhà Hán làm con tin), Bạch Bá lên làm vua Khâu Từ.
Lịch sử cai trị Khâu Từ hơn tám trăm năm của dòng họ Bạch bắt đầu từ đó, cho
đến khi bị người Ughur chiếm đóng.
Năm 94
sau Công nguyên, Ban Siêu dẫn theo bảy mươi vạn quân tập hợp từ tám nước trong
đó có Khâu Từ và Shanshan, chinh phạt tiểu quốc Yanqi ngỗ ngược, bắt trói quốc
vương nước này, chém đầu thị uy trước thành trì của vị tướng cai quản Tây vực
tiền nhiệm bị giết hại là Trần Mục. Sau đó lập thân tín của nhà Hán là Nguyên
Mạnh lên làm vua Yanqi. Từ đó hơn năm mươi quốc gia Tây vực đều quy thuận nhà
Hán. Sau khi dẹp tan thế lực của Hung Nô, Ban Siêu dời đô hộ phủ đến thành
Taqian. Từ đó, con đường tơ lụa được khai thông về phía bắc.
Năm 122
sau Công nguyên, vua Khâu Từ khi ấy là Bạch Anh còn đang băn khoăn không biết
nên quy thuận hay đối kháng với nhà Hán, con trai Ban Siêu là Ban Dũng dùng lí
lẽ thuyết phục, Bạch Anh đã cùng với hai nước khác là Gumo và Wensu xin hàng
Ban Dũng. Từ đó cho đến cuối đời Đông Hán, vương triều Khâu Từ luôn nằm dưới sự
kiểm soát của nhà Hán.
Tôi nhìn
ngắm những mảng tường hoang phế dưới bóng trăng, dấu tích của tháng năm đang kể
lại câu chuyện hào hùng về cuộc đời lẫm liệt và những chiến công rung trời
chuyển đất của hai cha con vị tướng quân anh hùng hai trăm năm mươi năm về
trước. Thành quách nguy nga năm nào giờ đây chỉ còn là đống đổ nát, không người
qua lại. Đến thế kỷ XXI, ngay cả đống đổ nát hoang tàn này cũng không lưu lại
bất cứ dấu vết nào cả. Trong đêm vắng, lắng nghe tiếng rì rầm tụng kinh của
những người Ba Tư theo đạo Hỏa giáo, quan sát họ quỳ lạy trang nghiêm bên đống
lửa bập bùng, sự thần bí của tín ngưỡng lan trong không gian mênh mông, càng
làm tăng thêm vẻ cô tịch, lạnh lẽo của chốn này.
Tôi
đang ở vào thời kỳ Ngũ hồ thập lục quốc, Trung Nguyên đại loạn, các nước chư
hầu đua nhau tranh bá, không ai màng tới Tây vực. Bởi vậy, đã từ lâu Khâu Từ
không còn nghe hiệu lệnh của vương triều Trung Nguyên, Bạch Thuần câu kết với
người Hồ ở Trung Á, mưu đồ xưng bá Tây vực, gây bất bình trong các nước ở khu
vực này. Phù Kiên đặt nhiệm vụ thống nhất lên hàng đầu, lại nhận được sự ủng hộ
của vua Shanshan và vua Chirsh, lệnh cho Lữ Quang chinh phạt Khâu Từ. Bạch
Thuần dựa vào quân Hồ, quân số tổng cộng bảy mươi vạn, vậy mà vẫn không thắng
nổi mười vạn quân của Lữ Quang. Bạch Thuần tháo chạy, em trai Bạch Chấn lên
thay, Khâu Từ trở thành vùng đất trong bản đồ của nhà Tiền Tần. Và số mệnh của
Rajiva, cũng rẽ sang một hướng mới kể từ đó…