Đừng Nhắc Em Nhớ Lại

Chương 3: Chương 3




Giọng của anh rất khẽ, bị lẫn vào tiếng mưa rào rào, nghe như bị ngắt quãng. Chỉ là một câu hỏi có bốn chữ mà nghe không thực chút nào, tôi thấy tựa như đang mơ. Không, đây chắc chắn không phải mơ, xưa nay tôi chưa bao giờ mơ thấy Trình Tử Lương.

Tôi và Trình Tử Lương cũng chẳng có gì hay mà kể, từ sau khi cãi nhau ầm ĩ, chúng tôi chưa hề gặp lại nhau. Thời gian đã qua lâu lắm rồi, giờ nhớ lại chỉ là một mảng kí ức mơ hồ. Năm đó anh từng nói với tôi những lời tàn nhẫn, tôi cũng vậy, dùng lời lẽ độc ác đáp lại anh. Tình yêu là một thứ rất kỳ lạ, có lẽ đến cuối cùng, người ta đều sẽ coi nó là con dao đâm đối phương đến hấp hối. Tôi dần tỉnh táo lại, không, đây không phải Trình Tử Lương, Trình Tử Lương sẽ không ở cầu thang hút thuốc, mà cũng sẽ không ngồi trên bậc thang. Hình như anh ấy đang nhìn tôi, tôi không chắc lắm. Tôi chưa từng nghĩ sẽ gặp lại Trình Tử Lương trong tình huống nào, tôi cũng chẳng định gặp lại anh. Khi xưa chẳng phải kiên quyết như vậy, là để sau này khỏi phải gặp nhau hay sao?

Lúc tôi vẫn còn đang kinh ngạc thì bất chợt có người mở cửa cầu thang, hỏi: “Anh Trình? Anh có đó không?”

Khi Trình Tử Lương quay đầu đáp lời thì tôi đã lướt qua người anh như một làn gió.

Tôi leo một mạch bảy tầng, đẩy cửa thoát hiểm nặng nề ra, bỗng bị vấp do mấy phân chênh lệch giữa nền xi măng và sàn nhà cách điện. Đi giày cao gót mười phân làm tôi ngã suýt thì bầm dập cả mặt mũi. Một y tá đi qua nhìn thấy liền vội đỡ tôi dậy. Bấy giờ mới nhận ra lưng tôi đã ra đầy mồ hôi. Vẻn vẹn mấy giây kia như ác mộng, làm tinh thần tôi hoảng loạn. Hóa ra là Trình Tử Lương thật? May mà anh ta không đuổi theo, nếu không thì anh ấy sẽ nghĩ thế nào khi thấy cú vồ ếch của tôi?

Tôi đi đến bên ngoài phòng mổ, bước chân của tôi vẫn còn nhẹ bẫng, còn hơi lảo đảo, có lẽ là do cũ ngã ban nãy. Nhưng mà, nếu là Trình Tử Lương thật thì đúng là anh sẽ không đuổi theo đâu. Đã đến nước này rồi còn cần gặp nhau làm gì?

Tôi gặp A Mãn, anh giới thiệu bác sỹ điều trị chính cho tôi. Sau khi Hướng Tịnh bị đụng xe thì được đưa ngay vào bệnh viện thuộc trường. Bản thân Hướng Tịnh cũng không thấy có gì nghiêm trọng cả, tưởng chỉ bị xây xát ngoài da, sau đó A Mãn không yên tâm nên cho chuyển viện. Vừa chuyển xong liền khám ra rách lá lách, phải mổ, may mà mổ kịp thời và ca mổ khá thành công.

Tôi nói chuyện một lúc với bác sỹ, sau đó nhìn đồng hồ, miền đông Mỹ vẫn còn chưa sáng nên tôi quyết định tạm thời không gọi điện báo cho Tô Duyệt Sinh. Chắc chắn là anh ấy vẫn chưa ngủ dậy.

Hướng Tịnh vẫn đang hôn mê chưa tỉnh. Tôi thu xếp phòng bệnh ổn thỏa, lại gọi điện cho công ty quen chuyên lo việc gia đình yêu cầu một người giúp việc có kinh nghiệm. Còn về chuyện chăm sóc, hỏi y tá trưởng là được. Xong xuôi tất cả thì đã là hơn chín giờ tối. Lúc này tôi mới gọi điện cho Tô Duyệt Sinh, nói tóm tắt với anh những chuyện đã xảy ra.

Hình như Tô Duyệt Sinh đang bận ra ngoài nên nghe xong chỉ đáp ngắn gọn: “Biết rồi.”

Đúng là y như hoàng đế.

Lúc này tôi mới nhận ra mình bị thương, mắt cá chân đã sưng vù. A Mãn kinh ngạc hỏi tôi, tôi nói: “Lúc ra khỏi thang máy bị ngã.”

A Mãn cố chấp tìm bác sỹ ngoại khoa khám cho tôi, và chắc chắc chỉ là bị thương phần mềm. Bác sỹ kê một vài loại thuốc mỡ, dặn tôi dùng đá lạnh chườm lên. A Mãn lái xe đưa tôi về Trạc Hữu Liên, trên đường đi, anh bỗng hỏi: “Trâu tiểu thư, tối nay cô làm sao vậy?”

“Hả?”

“Tôi thấy tinh thần cô hình như không ổn định.” A Mãn nói tiếp: “Tô tiên sinh cũng không thể trách cô về việc này được, cô đã chăm sóc Hướng tiểu thư rất chu đáo, chuyện đụng xe chỉ là ngoài ý muốn.”

Tôi cứ tưởng mấy năm nay lăn lộn trong giang hồ đã luyện được cái mặt nạ cả nghìn lớp, thậm chí có lúc đeo nó lâu quá rồi, còn tưởng nó đã trở thành một thể với da mặt thật của tôi. Ai ngờ người bên cạnh vẫn có thể nhìn thấu tôi chỉ với một cái liếc mắt. Tôi cười khan hai tiếng, đáp: “Không sợ, Tô Duyệt Sinh cũng chẳng phải hổ.”

Có lẽ A Mãn cảm thấy tôi cố che giấu, chính tôi cũng cảm thấy sự chột dạ trong giọng nói của mình, tôi ngậm miệng luôn.

Trạc Hữu Liên vẫn luôn đông vui, nhưng thuộc kiểu đông vui ngầm. Ở đại sảnh rộng lớn, có một hàng nhân viên đón khách đứng nghiêm chỉnh dưới ánh đèn thủy tinh sáng ngời, mỗi người bọn họ đều rất thông minh nhanh nhẹn. Phần lớn khách tới chẳng hề đi qua đại sảnh, khách quen đều đặt phòng từ trước; có người còn hay bao cả một lầu nhỏ... thường sẽ rẽ vào đường riêng từ cổng lớn. Những người khác còn không nhìn thấy cả đuôi xe của khách.

Hôm nay làm ăn khá tốt, trời mưa to bỗng ngừng, giao thông trên đường không tiện lợi cho lắm. Khách khứa đều ở lại khuya, lúc này ngay cả các phòng trong tòa nhà chính cũng đầy ắp.

Nếu bảo không tự hào thì là giả, nơi này là vương quốc của tôi. Mỗi tối người đẹp như hoa ra vào như nước, trông mà thích cả mắt.

Tôi về phòng làm việc. Trần Quy nhận được điện thoại của A Mãn từ lâu nên đứng đón. Thấy tôi vừa bước chân vào, anh ta vội vàng đỡ tôi, mồm liên tục trách cứ. Trần Quy lải nhải cũng do thân thiết thôi, anh ta quen đi xã giao, nói chuyện với ai cũng có đôi phần trách móc nhẹ nhàng, với tôi cũng vậy. Chiếc nhẫn hoa lan của anh cốc lên trán tôi, suýt nữa thì làm tôi ngã ngửa. Anh giận dữ mắng: “Đã bị thương thế rồi còn tới làm gì? Nghỉ ngơi hai ngày thì không được chắc? May mà cô là bà chủ, nếu không người ta sẽ coi Trạc Hữu Liên của chúng ta như thế nào đây, hà khắc tới mức bị thương cũng không cho nghỉ ngơi!”

Tôi nói: “Trên phải cần cù thì dưới mới noi theo, bà chủ nên mới không được lười biếng.”

Trần Quy bĩu môi cười: “Ôi, may mà mình không lười, nếu không còn tưởng câu này của cô là nói khéo tôi đấy!” (rung núi dọa hổ)

Tôi liền véo má anh một cái: “Người đẹp à, em đây sao nỡ nói anh chứ.”

Trần Quy lườm tôi, đẩy tay tôi ra: “Cô tưởng tôi là núi chắc? Tôi đây là hổ!”

Tôi cười to ha ha, vịn tường đi vào phòng làm việc.

Mấy ngày không đến đã dồn một đống việc, trong OAS(*) có một núi thư tôi phải trả lời.

(*) OAS: Viết tắt của Office Automation Systems 

Tôi trả lời hết email đến hoa mắt chóng cả mắt, đang định làm một giấc trên sô pha trong phòng thì Trần Quy chợt lững thững đi vào, ngồi trước bàn làm việc của tôi, chống tay nhìn tôi một lúc lâu, sau đó đột nhiên thở dài thườn thượt.

Tôi nhìn anh ta hỏi: “Lại sao thế?”

Trần Quy uốn éo, nói: “Trâu tiểu thư, cô đã từng yêu ai chưa?”

Tôi giật cả mình. Trần Quy tiếp tục nói: “Lúc không gặp người ta thì lòng không yên, lúc gặp rồi lại càng không yên. Biết rõ là anh ấy không thuộc về mình, vậy mà cô vẫn đau lòng và khóc lóc vì anh ta. Khóc vì anh ấy, mà cười cũng vì anh ấy. Nhiều lần thề rằng phải quên người đó, nhưng chỉ cần nhìn thấy là lại yêu người ta đến chết. Đúng là oan nghiệt kiếp trước.”

Tôi xoa xoa da gà mới nổi trên cánh tay, hỏi ngược: “Anh lại yêu ai rồi?”

Trần Quy lườm tôi: “Sao lại nói là “lại”? Cứ làm như người ta hay thay đổi lắm ấy! Bao nhiêu năm nay rồi, ngoài anh ta ra thì tôi đã từng yêu ai khác hả?”

Tôi thật lòng khuyên anh: “Trần Quy, chúng ta đã quen biết mười năm nay rồi. Từ khi em bắt đầu kinh doanh, anh và A Mãn liền kề vai sát cánh với em, nếu xa hai người thì em không biết phải làm sao. Em rất quan tâm tới cuộc sống tình cảm của anh, hy vọng anh sống vui vẻ, nhưng riêng chuyện này quả là em thấy không được, anh từ bỏ đi.”

Người Trần Quy thích tên Tề Toàn. Tùy cái tên này kỳ quái nhưng người trông lại được, lỗi lạc phóng khoáng. Hơn nữa nhà họ Tề còn là đại gia nổi tiếng ở thành phố này. Xưa nay Tề công tử chỉ thích đàn bà, thế nên Trần Quy xác định là yêu đơn phương. Nhưng nói ra Tề gia còn khá nển mặt Tô Duyệt Sinh, Tề công tử thường xuyên tới giúp cho việc kinh doanh của chúng tôi. Hôm nay cũng chẳng cần phải hỏi nữa, chắc chắn anh ta lại tới. Mỗi lần nhìn thấy Tề công tử, Trần Quy liền than ngắn thở dài, ca thán một hồi lâu. May mà anh ta chỉ yêu đơn phương, chứ chưa từng làm phiền đến Tề công tử. Tôi thấy Tề công tử sẽ chẳng ngờ là còn có một người đàn ông yêu mình đến khổ sở. Tôi chuyển đề tài: “Hôm nay Tề công tử đến với ai?”

“Thấy nói hôm nay đón một người bạn thân, nhiều người lắm, cộng cả mấy cô em tiếp rượu nữa thì chẳng khác nào party, ồn ào cực.”

Tôi nói: “Em bị sưng chân, không tiện ra ngoài. Nếu anh đồng ý thì thay em gửi chai vang đến là xong.”

Trần Quy thở dài một cái: “Mấy người đó say khướt cả, làm ầm ĩ cả lên, tôi cũng chẳng muốn đến gặp.” Tuy nói vậy nhưng anh ta vẫn gọi điện thoại bảo người lấy một chai rượu vang, đích thân đi đưa tới.

Trần Quy có một điểm này rất tốt: công ra công, tư ra tư. Tuy có hơi ủy mị một chút, nhưng xưa nay chưa từng lề mề. Anh ta và A Mãn một người thẳng tính, một người suy nghĩ tỉ mỉ, nên một đối nội một đối ngoại, một quản lý nhân sự, một quản lý tiền bạc, là hai ông thần giữ cửa của tôi.

Tôi nằm ngủ trong phòng làm việc một lát, bỗng có tiếng gõ cửa làm tỉnh lại. Một trưởng ban họ Tống rụt rè báo với tôi là Trần Quy uống say rồi, mấy người đó còn không chịu tha, đòi Trần Quy gọi tôi ra uống hai chén cho bằng được. Cô ấy thấy không ổn nên vội đến báo tôi.

Trần Quy uống rượu rất giỏi, chỉ vì gặp Tề công tử nên hồn cũng bay mất hơn nửa, sợ là bị người ta chuốc lấy chuốc để, say bí tỉ nên mới không cản được người tới gọi tôi. Tôi vừa ngủ dậy, tự biết tóc tai mắt mũi thế này chắc chắn không gặp ai được, bèn đi rửa mặt, chải đầu, lại tô vẽ mặt mũi một hồi rồi mới đến “Thính giang thanh” (Nghe tiếng sông) giải vây cho Trần Quy.

“Thính giang thanh” là một tòa nhà nhỏ độc lập, nằm gần sông nhất. Quay lưng vào núi, đối diện với sông, đây có 5 đài ngoài trời có thể ngắm trọn cảnh sông, là tòa nhà có tầm nhìn đẹp nhất của Trạc Hữu Liên. Tôi vừa vào “Thính giang thanh” liền nhìn thấy bốn năm người nằm ở sô pha đại sảnh tầng một, có vẻ uống nhiều lắm rồi.

Uống nhiều cũng không đáng lo vì mấy vị công tử này đều rất biết giới hạn, sẽ không vượt quá nó. Tầng hai rất ầm ĩ, có người đang hát, có người nhảy, Trần Quy ngồi trên sô pha, trông sắc mặt vẫn còn được, chỉ có viền mắt đo đỏ. Từ trước đến giờ anh uống rượu không đỏ mặt, mà chỉ đỏ vành mắt, đúng là uống nhiều thật rồi.

Tôi vừa liếc mắt đã thấy Tề Toàn. Hôm nay Tề công tử cũng uống khá nhiều, vẻ mặt không giống ngày thường, vừa thấy tôi liền cười hì hì: “Bà chủ tới rồi... Thất Xảo hát đỉnh của đỉnh, mau đến đây, hát cho mọi người nghe một bài!”

Tôi phải dựa vào vai một em phục vụ, tôi cười đáp: “Tổng giám đốc Tề tha cho em đi, anh xem chân em, đã sưng thế này rồi còn đến kính rượu anh, cũng chỉ vì nhớ anh đang ở đây, mà anh cũng đâu giống như những người khách khác. Anh nể thành ý này của em mà tha cho con người tàn tật này đi.”

Tề Toàn lắc đầu: “Không được! Có phải bắt em nhảy đây! Bên anh có giọng nam trung nổi tiếng đây, nào nào, hát bài “Vì yêu” đi! Tử Lương! Tử Lương đâu?”

Có người trả lời là đã đi vệ sinh rồi, tôi cười đến mắt, răng lợi cũng mỏi nhừ, tôi nói: “Tổng giám đốc Tề hát hay mà, hay là hai chúng ta song ca một bài?”

“Không!” Tề Toàn lắc đầu nguầy nguậy: “Anh phải giới thiệu cho em một người bạn mới của anh, Trình Tử Lương! Trình Tử Lương! Thận hư à? Vào toilet nửa ngày rồi còn không ra!”

Có người đáp một tiếng phía xa, Tề Toàn hứng chí vẫy vẫy tay với anh ấy: “Mau, mau đến đây, tớ giới thiệu bà chủ cho cậu. Tử Lương, đây là bà chủ của Trạc Hữu Liên, Trâu Thất Xảo, Trâu tiểu thư!”  

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.