Đề vách chùa Tây Lâm
Trông nghiêng thấy đỉnh, thẳng thấy dài,
Cao thấp gần xa mỗi khác ngay.
Chân tướng Lư sơn nào ai biết,
Bởi thân đang ở giữa núi này.
Tô Thức
Mười năm, tôi rất thích hai chữ này, nó hàm nghĩa mọi thứ đều đã trôi xa, hết thảy đều không thể làm lại. Thứ còn sót lại mà thời gian tặng cho ta chỉ là hồi ức, mưa gió mười năm, tâm sự mười năm, khi ta quay đầu nhìn lại quá khứ, vẫn có thể bị những mảnh vỡ ký ức làm tổn thương. Mười năm trước, tôi ôm lòng ngưỡng mộ một dải núi non, bèn tìm tới Lư sơn phong cảnh tú lệ lạ kỳ đệ nhất thiên hạ. Thực ra, tôi chẳng kết duyên với ai tại đó, chỉ là cảnh đỉnh non hiểm trở mây giăng mịt mù sâu trong núi khiến tôi thực không sao quên được, lại thêm dòng chảy bên dưới Tam Điệp Tuyền, khiến từ đấy tôi sinh lòng nhớ nhung sông nước đến chết khôn nguôi. Mười năm, tùng xanh mây mù trên Lư sơn vẫn hệt như xưa, mà cô bé từng vận chiếc váy trắng năm ấy, dung mạo sớm đã đổi thay.
Năm xưa, Tô Thức từng đề lên vách chùa Tây Lâm dưới chân Lư sơn đôi câu thơ nổi danh thiên cổ: “Chân tướng Lư sơn nào ai biết, bởi thân đang ở giữa núi này.” Hai câu thơ đầy triết lý và thiền lý ấy, dường như cũng ẩn chứa một đoạn huyền cơ khiến người ta không thể phá giải. Tựa hồ tiến vào Lư sơn, giống như bước vào một giấc mộng ảo mờ mịt khói mây, chúng ta chỉ trông thấy nào đỉnh nào dãy nào gò đống khe sâu ở Lư sơn, song vĩnh viễn không thể nhìn ra được diện mạo thực sự của nó. Vì đứng dưới những góc độ khác nhau để nhìn, nên đỉnh dãy gò khe cũng hiện ra trước mắt theo những tư thái khác nhau. Bất kể một cội tùng, một đám mây hay một ngọn núi, trong mắt mỗi người, đều có thể cấu tứ thành một hình ảnh. Thiên nhiên ẩn chứa biến hóa vô cùng, mỗi ngày chúng ta đều ở trong những cảnh tượng trước nay chưa từng có, trải qua cuộc sống bình đạm.
Tôi tới Lư sơn, chỉ dựa vào sức của đôi bàn chân, leo qua năm sáu dãy núi, mới đến được vùng giáp ranh của nó. Khi xuống núi cũng vậy, những thềm đá trải dài như vô cùng vô tận, mãi tới khi tôi tiêu hao nốt chút ý chí cuối cùng, mới quay lại hồng trần cuồn cuộn. Thường nói tu mười năm mới được chung thuyền, bên dưới dòng thác Tam Điệp Tuyền, tôi gặp một người lái đò chèo thuyền cho mình, nếu bảo đó cũng là một đoạn nhân duyên thì tôi đến già vẫn không quên. Có người nói rằng: “Trần thế mênh mang chúng sinh muôn vàn, hễ gặp nhau tức là có duyên, được chung thuyền lại càng khó có. Đạo Phật tin duyên, nên dạy con người ta trân trọng nhân duyên.” Chẳng bao lâu sau, chúng ta đều tin vào vận mệnh, phàm chuyện gì cũng thích truy cứu nhân quả, đó là vì trải quá nhiều trùng phùng và ly tán, ta đã chẳng dám tùy tiện trao gửi và sở hữu nữa.
Năm xưa tôi đã đến chùa Đông Lâm dưới chân Lư sơn, hẹn ước cùng sen trắng. Song lại chưa từng tới thăm chùa Tây Lâm, dù nó chỉ cách Đông Lâm một đoạn đường. Một lần bỏ lỡ, có lẽ sẽ lỡ cả đời, tuy không đến nỗi đau đáu tiếc hận, song vẫn luôn thấy thiêu thiếu cái gì đó. Giờ đây đọc lại bài “Đề vách chùa Tây Lâm” của Tô Thức, trong đầu lại hiện ra ngọn tháp tiếp giáp với một mặt của chùa Tây Lâm. Chẳng rõ trên vách chùa Tây Lâm có còn lưu dấu mực của Tô Tử năm xưa? Khi ấy Tô Thức ở Hoàng Châu bị biếm đến Nhữ Châu làm Đoàn luyện phó sứ, dọc đường ngang qua Cửu Giang, du ngoạn Lư sơn, non nước hữu tình đã chạm đến tình thơ khoáng đạt của ông, bèn viết ra dăm bài thơ du ký Lư sơn. Song chỉ riêng bài “Đề vách chùa Tây Lâm” này, bằng giọng thơ chân thực, nội dung sâu sắc, lời lẽ dễ hiểu, đã biểu đạt được triết lý sâu sắc, khiến người đọc cảm thấy rất thân mật tự nhiên. Phong cảnh Lư sơn muôn hình vạn trạng, vậy mà chỉ một bài thơ giản đơn đã tả đến tột cùng. Chúng ta chính là người ở trên núi ấy, giữa màn mây mờ mịt, gắng nhìn cho rõ dung nhan cây cỏ, cốt cách của đá núi, truy tìm ý nghĩa chân thực của sinh mệnh. Thơ Tô Thức lời vắn mà ý sâu, mượn vật ngụ lý, gửi gắm niềm hứng khởi sâu xa trong những ngôn từ mộc mạc. Khi làm thơ, ông hoàn toàn không có thói trau chuốt, luôn dùng lời lẽ chất phác tự nhiên, linh hoạt sinh động để biểu đạt ý cảnh mới mẻ khoáng đạt. Thơ từ của Tô Thức cũng giống như tấm lòng bao la tựa biển cả của ông vậy, chỉ tôn thờ tự nhiên, thoát khỏi mọi trói buộc. Trong thời đại của từ Tống, từ của Tô Thức đã vượt qua những khuôn sáo hạn hẹp miêu tả ái tình nam nữ, nỗi khổ biệt ly. Sự hào sảng của ông, không phải là kiên quyết cứng cỏi, mà là tự nhiên phóng khoáng.
Tất cả những điều đó, đều vì ông đã kết duyên với Phật, một người tham thiền ngộ đạo, tâm tính ắt viên thông tự tại. Khi tịch mịch cũng có thể nở hoa, bỏ lỡ rồi cũng có thể làm lại, sau tối tăm vẫn có thể diễm lệ. Cho nên cả đời Tô Thức nếm đủ thăng trầm chốn quan trường, nhiều lần bị biếm, song vẫn giữ được sự sáng suốt khoáng đạt. Ông đã quen với những trui rèn của nhân thế, coi đó là những phong cảnh không thể thiếu trên đường trần. Một đường ngao du, lưu lại rất nhiều dấu tích phong lưu ở những vùng đất khác nhau, biết bao người đã dạo chơi bên dưới bút mực của ông, chỉ mong thấm nhuần đôi chút khí phách thanh tuấn cùng sự bình đạm thong dong. Ông rất thân với một vị hòa thượng pháp danh Phật Ấn ở chùa Kim Sơn Trấn Giang, thường cùng nhau uống trà ngâm thơ, tại Hàng Châu cũng giao du với rất nhiều sư tăng ở chùa Tây Hồ, cùng tham thiền ngộ đạo.
Phật duyên của Tô Thức không chỉ hiển lộ trong thơ từ, mà ngay cả hồng nhan tri kỷ Vương Triêu Vân ông yêu thương nhất, cũng được gọi là “Thiên nữ Duy Ma“. Giai nhân tuyệt đại nhỏ hơn ông hai mươi sáu tuổi này, trong lúc ông sa sút nhất, vẫn không lìa không bỏ. Sau khi Vương Triêu Vân qua đời, Tô Thức táng nàng tại rừng tùng dưới tháp Đại Thánh trong chùa Tê Thiền ở chân núi phía nam Cô Sơn, Tây Hồ, Huệ Châu, còn xây đình Lục Như trên mộ tưởng niệm nàng, trong đình viết đôi câu đối: “Chẳng hợp thế thời, chỉ có Triêu Vân là hiểu tớ; riêng đàn điệu cổ, mỗi chiều mưa đổ xiết nhớ em“. Nhân quả giữa hai người họ, có lẽ là một mối duyên thiền, tuy cùng trải qua cuộc sống bình đạm, đượm mùi khói lửa nhân gian, nhưng vẫn luôn có thi, thư, tình và Thiền bầu bạn. Nàng thiên nữ Duy Ma Vương Triêu Vân ấy, tới để đền món nợ tình, nên mới sắt son gắn bó với Tô Thức suốt bao năm. Đến khi duyên tình đã tận, dù Tô Thức níu kéo thế nào, cũng không sao tìm ra hơi thở của nàng nữa.
Tháng năm trôi mãi, quyết tuyệt dường bao, có lẽ trong lúc chúng ta chẳng hay chẳng biết, thời gian đã từ biệt rồi. Thử kiểm lại xem, trong mười năm, rốt cuộc là người nào cảnh nào đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng ta. Biết bao nhân duyên gặp gỡ, rốt cuộc vẫn là đi lướt qua nhau, hồi tưởng lại những non nước tan tành trong ký ức kia, thứ còn nhớ được, chẳng qua là xuân qua thu lại. Ngỡ rằng đã xa xăm như cách một đời, thực ra chỉ mới đi được vài trượng ngắn ngủi, hối hả già đi xưa nay nào phải phong cảnh, mà là người ly biệt đấy thôi. Từng coi tuổi xuân như tiền bạc mà phung phí, mãi về sau mới hiểu, ngàn vàng tiêu hết vẫn kiếm lại được, song thanh xuân đã trôi đi thì chẳng thể quay về. Chút kỷ niệm ít ỏi còn lưu giữ được, cũng bị thời gian mài đến mòn vẹt cả đi, rốt cuộc sẽ có một ngày phai nhòa hết hình ảnh.
Tôi và Lư sơn kiếp này chẳng biết có còn duyên gặp gỡ nữa hay không, lời thề nhạt nhòa như phù vân năm ấy, đã tan đi theo gió từ lâu. Giống như Tô Thức vậy, ông và Lư sơn chia tay lần đó là mãi mãi, từ đó về sau chìm nổi giữa đời, ly tán lênh đênh, dù Phật duyên thâm sâu, cũng chẳng quản nổi nhiều đến thế. Tôi cũng như Tô Thức, rốt cuộc vẫn chẳng thể nhìn rõ dung nhan thực sự của Lư sơn, chỉ mơ một giấc mộng giữa rừng mây biển móc mà thôi. Trong mộng, tôi có thể làm chủ vận mệnh của mình, toan đạo diễn ra một vở kịch hoàn mỹ, song kịch chưa kéo màn thì cơn mộng đã tan. Thường nói rằng những người đa cảm hay nằm mộng, nhưng chìm đắm trong mộng lâu đến đâu chăng nữa, cũng sẽ có ngày tỉnh lại. Giống như ly biệt vậy, chúng ta trân trọng thời gian bằng cả trái tim, song thời gian vẫn vứt bỏ chúng ta, vào lúc không nơi an trí, ai nấy đều phiêu bạt chân trời.
Tôi đã thừa nhận sự yếu đuối của mình trước Phật từ lâu, bởi thế tôi chẳng hề muốn phong ba bão táp, chỉ nguyện bình an vô sự. Dù trong lòng ôm chấp niệm chẳng thể áp chế, vẫn muốn bản thân đi về phía bình yên. Coi tất cả như cỏ dại sinh trưởng dưới ánh nắng cùng mưa móc, dẫu có um tùm đến mấy lúc vào xuân, thì khi thu đến cũng tự khô héo. Thực ra vượt khỏi thế gian không khó, chẳng qua chúng ta quá xem trọng bản thân mà thôi. Chỉ cần xa cách lâu lâu không nói chuyện, trên đời sẽ chẳng còn ai nhớ rằng ta vẫn tồn tại nữa. Mỗi khi thiền định, có thể đạt đến cảnh giới quên lãng cả bản thân, thì việc gì phải miễn cưỡng người khác ghi nhớ mình. Không khỏi cúi mặt cười một tiếng, tương phùng hay ly biệt đều vẻn vẹn trong chớp mắt, cõi trần này cũng chỉ là quán trọ, đâu cần nhìn rõ ràng hết thảy làm chi.