Tôi thi đỗ hệ tại chức trường ĐH Kinh tế. Tôi báo cho chú tổ trưởng bể bơi để chú sắp xếp ca làm việc cho tôi. Nếu hôm nào tôi đi học thì tôi sẽ làm vào ca sáng. Ca sáng bắt đầu từ 5h sáng đến 1h chiều. Nhưng mọi người ở bể bơi thường bảo tôi đi muộn một chút cũng được. Bây giờ là tháng 9, trời vào thu, buổi sáng sẽ hơi se lạnh. Sau này tôi mới biết vì sao mọi người lại bảo tôi đi muộn hơn so với thời gian qui định.
Tháng 9, gió mùa thu se se khiến tâm hồn mỗi người đa sầu đa cảm luôn dạt về một miền ký ức xa xôi nào đó.
Tôi chẳng biết ai khuyên nhủ mẹ tôi mà mẹ tôi đưa tiền cho chú tôi, nhờ chú ấy mua hộ một chiếc xe máy Trung Quốc. Xe chính hãng đắt hơn khoảng 2-3 triệu. Mẹ tôi tính toán đắt hơn 2-3 triệu cũng không giải quyết việc gì. Cùng là cái xe máy, xe Trung Quốc hay xe chính hãng đều là xe Wave như nhau thôi.
Tôi nhớ có lần chị Thúy Chi đã nói với tôi: cố xin tiền mẹ mua cái xe máy. Bây giờ ai người ta còn đi xe đạp nữa. Người con trai nào muốn cưa cẩm mà nhìn thấy cô gái đi xe đạp, người ta cũng mất cả hứng. Nghèo quá ai dám rước. Bây giờ xã hội thực dụng rồi. Mình cũng phải tiến theo xã hội thôi. Lúc đó, tôi không nói gì, chỉ cười thôi.
Những hôm tôi làm ca sáng thì chiều tôi hoàn toàn rảnh rang, cho đến 6h tối mới phải đi học. Nghĩa là khoảng thời gian từ 1h đến 5h chiều tôi hoàn toàn trống không. Tôi liền đăng ký học thêm vi tính. Ở nhà tôi không có máy vi tính nên tôi tranh thủ tối đa thời gian học ở trung tâm vi tính. Trước và sau giờ học, cứ trống máy tính nào là tôi ngồi chiếm cứ ngay. Nhiều lần bị nhắc, tôi cũng kệ. Da mặt tôi trơ rồi.
Tôi học tại chức, tiền học phí đóng 6 tháng/lần. Lần đầu đóng tiền, tôi vay mẹ tôi cho đủ tiền đóng học. Từ tháng sau, mẹ tôi tính cả tiền vay đi học và tiền lương. Tôi chia nhỏ số tiền vay mẹ thành 6 tháng, cộng với tiền lương hàng tháng nộp cho mẹ tôi. Bây giờ tôi đi xe máy, cõng thêm tiền xăng xe, lại thêm cả tiền học vi tính, tính ra là hết tiền lương. Tôi khất mẹ tôi tháng sau sẽ trả đủ.
Mẹ tôi chửi rủa tôi thậm tệ. Mẹ tôi nói: tiền ăn chả đủ, học với hành cái gì. Mày không mang tiền về thì lấy gì đổ vào mồm mà ăn. Mày nhìn sang bên kia kìa, con nhà quê mà còn vớ được thằng trưởng phòng đấy. Cần gì phải học hành nhiều đâu mà sao nó vẫn sướng.
Tôi chịu nhịn không biết bao nhiên lần, nhưng lần đó, nghe mẹ tôi mắng xong, bỗng nhiên tôi cãi lại mẹ. Tôi rất ghét việc mẹ tôi cản trở việc học của tôi. Thực ra tôi còn không hiểu học tại chức là thế nào. Nếu không đi làm., không được mọi người chỉ bảo cho, chắc giờ này, tôi vẫn mãi là đứa nhân viên nhỏ tuổi ngu ngơ.
Hôm đó, mẹ tôi lấy chổi đánh tôi.
Tôi không nói không rằng cầm ví và điện thoại ra khỏi nhà. Tôi lấy xe phóng như bay ngoài đường, mặc cho nước mắt cứ rơi, hòa vào trong gió, tan vào trong cái lạnh của mùa thu. Mọi việc trong nhà tôi, hàng xóm xung quanh không bao giờ biết được, trừ nhà hàng xóm sát vách nhà tôi.
Hàng xóm sát vách nhà tôi có 3 anh em. Người anh đã lấy vợ nhà này chỉ còn hai anh em ở. Người anh tên là Quốc Cường, cô em gái tên là Thụy Oanh. Căn hộ này là do bố mẹ họ mua cho. Họ hàng của họ trên Hà Nội, bố mẹ họ ở quê. Nghe đâu, bố của hai anh em họ là chủ tịch tỉnh. Tôi đã sang nhà họ chơi mấy lần. Mọi việc trong nhà tôi, họ đều biết. Lại nói, cả hai người bọn họ đều hơn tôi 5-6 tuổi. Tôi đoán vậy vì người anh đã đi làm còn cô em thì đang học năm cuối ĐH Sư phạm thì phải.
Khi chuyển về căn hộ tập thể này, hai anh em bọn họ đều vui vẻ chào bố mẹ tôi từ xa. Nhưng từ khi nghe mẹ tôi ép tôi đi làm, tôi cảm giác, ánh mắt của người anh nhìn mẹ tôi, không có sự tôn trọng như trước. Tôi cũng không quá để ý đến vấn đề này. Đó là do ý chủ quan của mỗi người - tôi nghĩ vậy.
Tôi phóng xe như bay người đường, gió se lạnh thốc vào ngực tôi, lạnh buốt. Tôi bặm môi, tự nhắc nhở mình không được khóc. Khóc là hèn hạ. Khóc là sỉ nhục bản thân.
Chiều chủ nhật, chị Hằng gọi tôi đi ăn vặt. Tiết trời se lạnh, đồ ăn vặt thật là hấp dẫn. Nào bún miến phở trộn, nào ốc luộc, nào ngô nướng. Tôi không có thói quen ăn vặt, nhưng chị Hằng lôi cổ tôi đi bằng được. Chúng tôi chọn quán ốc luộc. Mùa này, ăn ốc luộc thật là tuyệt hảo. Đĩa ốc đầu tiên nhanh chóng bị đánh bay, đĩa ốc thứ hai được mang lên. Tôi còn đang hít hà mùi thơm thơm của sả và lá chanh, hòa quyện cùng vị nồng nồng của ốc luộc, tôi thấy ai đó khẽ kéo ghế ngồi cạnh tôi. Nhìn sang, tôi thấy một người con trai nhìn tôi cười rất tươi. Anh nói: xin chào, anh là Chu Khánh Phong !
Chị Hằng nhìn tôi cười cười. Tôi đoán đây là chủ ý của chị. Nếu là trước đây, tôi sẽ rất ngượng ngùng khi nói chuyện cùng người lạ. Không phải là tôi nhút nhát, mà là bởi tôi tự ti về bản thân. Nhưng sau khi đi làm một thời gian, tôi dần mạnh bạo hơn. Cả ba chúng tôi đều trò chuyện rất vui vẻ. Ăn ốc xong, anh ngỏ ý mời hai chị em tôi đi uống nước. Chị Hằng lịch sự từ chối, nhường không gian lại cho chúng tôi.
Chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ, tôi gọi cà phê Trung Nguyên nâu số 8. Lại nói đến cà phê, tôi thật sự không biết uống trà và cà phê cho tới khi tôi bắt đầu kết bạn với chị Lương Hiền - giáo viên dạy bơi ở bể bơi, đồng thời cũng đã ly dị chồng. Chị ấy hơn tôi 11 tuổi. Chính chị ấy là người đã hướng dẫn tôi cách lựa chọn quần áo giày dép. Nói cách khác, chị ấy đã biến tôi từ một con bé sinh viên 20 tuổi thành một thiếu nữ 20 tuổi. Sau mỗi giờ làm, hai chị em chúng tôi đều đi uống cà phê. Mỗi lần đi uống cà phê, tôi đều làm quen với một vài người đàn ông đi cùng chị Lương Hiền. Sau này, tôi mới biết họ đều là bồ của chị. Có họ bao nuôi, chị mới có tiền đủ sống qua ngày và gửi tiền cho chồng cũ nuôi con.
Tôi bắt đầu nhuộm tóc nâu và bắn thêm lỗ tai. Tai tôi lúc này có tận 5 cái khuyên nhỏ hình hoa hồng. Có lần đi mua nhẫn cùng chị Lương Hiền, tôi lựa chọn hai chiếc nhẫn bạc mảnh, họa tiết hình đốt trúc. Tôi đeo ngón tay út và ngón tay cái ở bàn tay phải. Tôi không thích đeo nhẫn ở ngón tay giữa hoặc ngón áp út hoặc đeo nhẫn bên tay trái như mọi người thường đeo. Cũng vì việc này, mẹ tôi đã chửi tôi là gái đứng đường. Bà đánh tôi một trận thậm tệ nhưng tôi quyết không tháo khuyên tai xuống.
Có người nói tôi cá tính.
Người đó là anh - anh tên là Chu Khánh Phong !
Ngồi trước mặt tôi là chàng trai đó. Anh nhìn tôi với ánh mắt ôn nhu đầm ấm.
- Tại sao em lại đeo nhiều khuyên tai thế kia? Không đau sao
Tôi biết mọi người thường nhìn tôi với ánh mắt như thể tôi là một cô gái hư hỏng, ăn chơi, vô học, nên khi anh hỏi tôi về vấn đề này, theo phản xạ, tôi vênh mặt lên trả lời anh:
- Đơn giản là em thích như thế
- Ôi, em vẫn còn nhỏ lắm, chưa trưởng thành gì cả.
Ý của anh là cái cách tôi trả lời với vẻ mặt đầy vẻ khiêu chiến của tôi không khác gì cô gái nhỏ, nhưng tôi lại hiểu rằng anh đang châm chọc tôi. Tôi hùng hồn trả lời:
- Em không nhỏ, em 20 tuổi rồi.
- Vậy anh hơn em 5 tuổi, lại còn cao hơn em một cái đầu. Với anh, em vẫn là cô gái nhỏ.
Nói xong anh lại cười trầm ấm. 25 tuổi mà cười trầm ấm nỗi gì. Tôi nghĩ thầm, có khi phải hơn. Cái gì mà hơn 5 tuổi, cái gì mà hơn một cái đầu. Tôi chẳng quan tâm cho lắm.
- Sao em lại đeo nhẫn bên tay phải, lại chỉ đeo ở ngón út và ngón tay cái. Đeo nhẫn ở hai ngón này không vướng víu sao? - Anh chăm chú nhìn bàn tay tôi rồi nói
Tôi nhấc cốc cà phê lên, nhấp một ngụm, thong thả trả lời: Đeo ở đâu là quyền của em, anh bận tâm làm gì.
- Anh thuận miệng hỏi thôi mà. Vì anh thấy lạ. Các cô gái thường đeo nhẫn tay trái, đeo ngón giữa là chưa có chồng, ngón áp út là có chồng rồi. Nhưng còn em, em lại chọn vị trí đeo nhẫn hơi khác biệt.
- Em không có nghĩa vụ phải giải đáp thắc mắc của anh - Tôi trả lời anh với thái độ dửng dưng.
Anh lại nở nụ cười, nhẹ giọng nói: Em thật cá tính!
Một câu nói của anh làm sụp đổ phòng tuyến trong tôi. Lần đầu tiên, có người nói trúng tim đen của tôi. Tôi thích khác biệt, nên tôi làm điều khác biệt, miễn sao điều đó không đi ngược lại với đạo đức xã hội là được. Tôi không phạm pháp, tôi không chửi bậy, tôi không trộm cắp, tôi tuân thủ theo pháp luật, vậy tại sao tôi lại phải giống mọi người, đeo một chiếc khuyên tai và đeo nhẫn ngón giữa bên tay trái.
Tôi nhìn anh, ngỡ ngàng. Nhưng tôi nhanh chóng thu hồi ánh mắt đó của mình lại, tôi tiếp tục thái độ hờ hững của mình.
- Sao anh lại đi theo em về nhà làm gì?
- Anh muốn làm quen với em.
- Em chẳng có gì đặc biệt khiến anh phải tò mò muốn làm quen theo cái cách truyền thống và cổ hủ như thế.
- Truyền thống và cổ hủ không phải là xấu. Dù sao, cũng nhờ đó, anh được làm quen với em.
- Hôm đó em đóng sầm cửa vào, làm quen với anh hồi nào vậy?
- À, hóa ra em vẫn nhớ đến anh.
- Em nhớ đến anh lúc nào?
- Thì em vừa bảo đóng sầm cửa, không cho anh vào nhà còn gì.
- Việc đóng cửa không cho anh vào nhà với việc nhớ đến anh là ai thì có liên quan gì đến nhau.
- Có liên quan chứ. Em nhớ đến anh chính là người đã bị em cho đứng ngoài cửa còn gì
- Ơ.... ...
Tôi cứng họng. Tôi thật sự gặp phải đối thủ rồi. Lúc còn học cấp 3, tôi nổi tiếng là đứa luyến thắng, cái miệng lép tép của tôi là chuyên gia hỏi vặn vẹo lũ con trai. Tôi nghĩ, lúc đó bọn con trai lớp tôi chắc ghét tôi lắm.
Thế mà hôm nay, tôi bị một người con trai mới quen chặn họng.
Tôi mím môi, gườm gườm nhìn anh.
Còn anh, lại dùng nụ cười với hàm răng trắng xóa kia, đáp lễ lại tôi.