Em Sẽ Đến Cùng Cơn Mưa

Chương 2: Chương 2




Đôi khi tôi thấy lo cho cô, không biết liệu có chỗ nào dành cho cô giữa những phụ nữ thời nay chẳng ngại ngần thể hiện bản thân.

Nhỡ đâu một ngày nào đó, trong lúc chen lấn xô đẩy, cô bị sẩy chân, ngã khỏi rìa Trái Đất thì sao? Tôi đã nghĩ đến tình huống ấy.

Ông giám đốc vẫn chưa tới văn phòng.

Gần đây, ông giám đốc bỗng nhiên đi làm muộn hơn hẳn. Dù tôi chẳng thấy điều đó có mối liên hệ nào với tốc độ đi bộ đã giảm sút của ông.

Bởi vậy, bây giờ và một lát nữa, văn phòng sẽ chỉ có hai người. Đó là toàn bộ số nhân viên ở đây. Xét theo khối lượng công việc thì đây là con số hợp lý.

Tôi ngồi vào bàn làm việc, lướt qua đống giấy nhớ dán trên bảng ghi chú. Những dòng chữ rất khó đọc, nào là “đến ngân hàng lúc hai giờ”, “đến chỗ khách hàng lấy hồ sơ”, “đến Sở Tư pháp”. Những lời nhắn mà tôi của ngày hôm qua gửi đến tôi của ngày hôm nay.

Trí nhớ của tôi rất tệ. Thành thử tôi phải thường xuyên ghi lại những việc cần làm.

Trí nhớ kém chỉ là một trong vô vàn vấn đề về sức khỏe tôi đang phải chịu đựng. Giải thích ngắn gọn thì đó là do sơ đồ thiết kế được chuẩn bị để làm ra tôi có sai sót.

Một sai sót rất nhỏ.

Việc dùng bút phủ xóa chỗ sai đi rồi viết bút bi đè lên đã không phát huy tác dụng. Tất nhiên, đây chỉ là cách nói ví von, nhưng tôi đồ rằng, trên thực tế hẳn đã xảy ra việc tương tự.

Rốt cuộc, không rõ là do người viết cẩu thả hay bởi chữ bên dưới lớp phủ trắng nhòe lên dòng viết bi đè bên trên, nhưng đại để trong não tôi, tình trạng khá hỗn loạn, hậu quả của việc những chất hóa học quan trọng bị tiết ra vô tội vạ. Điều đó khiến tôi trở nên phấn khích quá độ, lo lắng không đúng lúc, không thể quên được những việc muốn quên, nhưng lại quên những việc không được phép quên.

Đúng là bất tiện kinh khủng. Hoạt động bị hạn chế, lúc nào cũng mệt mỏi. Tôi thường xuyên mắc lỗi trong công việc, bị mọi người đánh giá thấp đến bất công.

Nói cách khác, người ta coi tôi chẳng khác gì một thằng bất tài vô dụng. Tôi không đi phân trần với từng người rằng đó là tại những chất hóa học trong não tôi. Làm thế rất phiền phức mà chưa chắc mọi người đã thông cảm, vả lại, nều chỉ nhìn vào kết quả thì phải thừa nhận là họ có lý.

Ông giám đốc là một người độ lượng, tôi như thế nhưng ông chẳng những không đuổi việc mà vẫn tiếp tục sử dụng tôi. Nagase thì chưa từng tỏ thái độ khó chịu và luôn hỗ trợ tôi trong công việc

Tôi biết ơn hai người đó lắm.

Hoàn tất một số việc tại văn phòng, tôi nhét tài liệu vào cặp rồi ra ngoài. Tôi đạp xe đến Sở Tư pháp.

Tôi không có bằng lái ô tô. Hồi năm thứ hai đại học, tôi có thi một lần nhưng không vượt qua nổi vòng thi cấp giấy phép tạm.

Trước đó vài tháng, lần đầu tiên tôi phát hiện ra não mình có vấn đề. Cạch! Công tắc bật lên, van mở ra, kim áp kế vọt lên mức kịch trần. Khi chuẩn bị thi lấy bằng lái, tôi vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn. Có lẽ tôi gắng gượng được đến tận kỳ thi cấp giấy phép tạm thời cũng đã là đáng hoan nghênh lắm rồi.

Hôm đi thi, đang ngồi sau tay lái với thầy hướng dẫn thì những chất hóa học kia bắt đầu túa ra ào ào trong huyết mạch. Tôi cảm thấy lo lắng thái quá, không duy trì nổi sự tập trung cần thiết. Nỗi lo cứ lớn dần lên với tốc độ kinh hoàng, hệt như những quân cờ domino đang theo nhau đổ ập xuống hàng loạt.

Sự kinh hoàng ấy thực sự là rất kinh hoàng, có thể biểu thị theo hàm số mũ.

Mình sắp chết.

Tôi đã nghĩ “mình sắp chết” thật.

Hồi đó, tôi đã nghĩ mình sẽ chết đến vài chục lần mỗi ngày (đến tận bây giờ, có hôm tôi vẫn nghĩ thế đến vài lần).

Tôi bỏ dở bài sát hạch lái xe hôm đó. Tôi còn cố thêm hai lần nữa trước khi bỏ hẳn ý định lấy bằng.

Buổi trưa, tôi ngồi trên ghế đá trong công viên, ăn cơm hộp tự làm. Tôi đang cắt giảm tối đa những gì có thể trong tình cảnh chật vật này.

Với lại, cơm hộp ở cửa hàng tiện dụng dễ khiến tôi đau bụng. Người khác có thể chẳng hề gì, nhưng đối với tôi, các chất phụ gia có thể đe dọa đến tính mạng.

Bộ cảm ứng trong cơ thể tôi nhạy hơn người thường đến vài chục lần. Tôi vô cùng mẫn cảm với sự biến đổi của nhiệt độ, độ ẩm và áp suất. Vì vậy mà tôi luôn phải đeo đồng hồ có cảm biến áp suất, giúp tôi biết trước thay đổi sắp xảy ra để kịp ứng phó.

Bão là thứ rất đáng sợ.

Tôi rất phục những người bình thường ở sự dẻo dai của họ. Đôi lúc tôi nghĩ mình giống một loài động vật ăn cỏ quá yếu ớt nên sắp bị tuyệt chủng.

Không chừng tên tôi có trong Sách Đỏ cũng nên.

Buổi chiều, sau khi gặp vài khách hàng, tôi quay về văn phòng.

Đi ra ngoài tôi vẫn phải mang theo giấy nhớ. Tôi đánh dấu X vào cạnh tên những khách hàng đã gặp để biết chắc những khách hàng còn lại là ai. Nếu không làm vậy, tôi sẽ đến gặp cùng một khách hàng hai lần hoặc bỏ qua những khách hàng cần gặp mà đi thẳng về văn phòng.Tôi trao cho Nagase hồ sơ vừa lấy từ khách hàng rồi làm nốt mấy việc ở văn phòng, cũng vừa lúc hết giờ làm. Chưa thấy bong dáng ông giám đốc đâu cả.

Tôi chào tạm biệt Nagase.

Bỗng Nagase gọi tôi lại: “Anh này…”

“Gì hả cô?”

Thấy tôi hỏi, cô tỏ ra bối rối, kéo đi kéo lại vài lần cổ và tay áo sơ mi.

“Không ạ.” Nagase nói. “Không có gì đâu ạ.”

“Vậy à.”

Tôi nghĩ một giây rồi mỉm cười.

“Chào cô nhé.”

“Chào anh.”

Tôi đạp xe về nhà, Yuji đang nằm đọc sách. Ngó qua bìa tôi thấy đó là cuốn

Momo

của Michael Ende.

“Con đọc được hả?” tôi hỏi.

Yuji liền quay sang nhìn tôi: “Gì ạ?”

Tôi hỏi lại lần nữa: “Con đọc được cuốn đó à?”

“Dạ.” Yuji trả lời. “Một ít thôi ạ.”

“Đi mua thức ăn cho bữa tối nào.”

Tôi thay quần áo, mặc áo nỉ chui đầu, quần bò, rồi gọi Yuji.

“Tối nay con muốn ăn gì?”

“Cơm cà ri.”

Hai bố con mở cửa bước ra ngoài. Lúc đi xuống cầu thang, tôi bảo:

“Hôm kia mình ăn cơm cà ri rồi.”

“Nhưng con vẫn muốn ăn.”

“Hình như Chủ nhật vừa rồi cũng ăn cà ri.”

“Vâng, nhưng con vẫn muốn ăn.”

“Nấu cà ri lâu lắm.”

“Không sao ạ.”

“Được rồi.”

---------

Chú thích:

(1): Ở Nhật, nhiều trường học thường phân công học sinh lớp lớn tới tận nhà các em lớp nhỏ cùng khu phố và dẫn các em đi học. Việc này một phần là để đảm bảo an toàn cho các học sinh lớp nhỏ, một phần để tăng thêm tính hòa đồng giữa cộng đồng thiếu nhi.

(2): Ở phương Tây, người ta thường đeo lên cổ giống chó St. Bernard những thùng rượu mini bằng gỗ (còn gọi là "keg collar") thay vì vòng cổ thông thường như những giống chó khác.

Chúng tôi mua bột cà ri, hành tây, cà rốt và khoai tây ở trung tâm mua sắm trước cửa ga. Tay trái tôi xách túi ni long đựng đồ, tay phải dắt Yuji. Tay thằng bé lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi.

Vốn hay lo lắng thái quá nên khi đi bộ ngoài đường, tôi không bao giờ rời tay Yuji. Tôi nói với thằng bé:

“Ô tô đáng sợ lắm. Phải thật cẩn thận.”

“Dạ.”

“Mỗi ngày có hàng chục người chết vì tai nạn ô tô đấy.”

“Thật ạ?”

“Đúng thế. Nếu ngày nào cũng có ngần ấy người chết vì tàu điện, máy bay, người ta sẽ cho rằng chúng bị lỗi ở bộ phận quan trọng và loại bỏ những phương tiện ấy.”

“Thế người ta sẽ loại bỏ ô tô ạ?”

“Không hề. Lượng ô tô đang tăng lên.”“Vì sao?”

“Chẳng biết nữa.”

“Lạ nhỉ!”

Rất là lạ.

Trên đường về, chúng tôi tạt vào công viên số 17. (Không biết có tất cả bao nhiêu công viên ở thị trấn này? Có lần tôi đã nhìn thấy công viên số 21.)

Trong công viên, như thường lệ, đã có mặt thầy Nombre và con chó Pooh.

Tôi không biết tên thật của thầy Nombre. Nghe nói hồi trẻ, lúc còn dạy ở trường tiểu học người ta đã gọi ông như vậy. Lần đầu tiên nghe thấy tên này, tôi đã hỏi ông.

“Nombre có phải cách gọi các số đánh bên dưới mỗi trang tiểu thuyết không ạ?”

“Đúng rồi!” ông trả lời.

Người ông lúc nào cũng run lẩy bẩy. Cứ như chú chó nhỏ bị ngấm nước mưa. Có lẽ tại ông đã quá già.

“Sao từ đó lại thành biệt danh của thầy?”

Ông khẽ lắc đầu. Hoặc có thể chỉ là ông đang run lẩy bẩy thôi.

“Tại sao nhỉ? Hoặc giả những người xung quanh cho rằng đời tôi hoàn toàn chẳng có gì chăng? Giống như quyển sách giở mãi toàn thấy giấy trắng, trang nào cũng chỉ có mỗi số trang.”

“Thật ạ?” tôi hỏi.

Ông nhìn vào không trung bằng đôi mắt đục ngầu đặc trưng của người già.

“Đời tôi, toàn bộ chỉ dành cho em gái mình.”

Con Pooh lông xù, ngồi dưới chân ông há miệng ngáp dài.

(Con chó này có “tên thật” hẳn hoi, nhưng Yuji tự đặt tên cho nó là Pooh.)

Tôi và em gái chênh nhau mười ba tuổi. Giữa tôi và em gái còn một đứa em trai nữa, nhưng sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, thằng em tôi vội vàng bỏ đi sống tự lập. Nhà chỉ còn mỗi tôi và em gái.

Em tôi từ nhỏ đã ốm yếu, bác sĩ hồi ấy chẩn đoán nó không thể sống đến năm mười lăm tuổi.

Chẩn đoán là gì ạ? Yuji ngồi nghe bên cạnh hỏi. Không tìm được cách giải thích nào thấu đáo, tôi đành trả lời: “Con nghĩ thế nào thì nó là như thế.”

“Biết mà!” Yuji cười.

Tôi dám chắc thằng bé đang nghĩ đến một thứ hoàn toàn khác.

Khi em trai tôi bỏ đi, em gái tôi mới mười bốn, còn tôi hai bảy. Tôi xác định sẽ chăm sóc em gái đến giây phút cuối cùng nên đã chọn cuộc sống chỉ có hai anh em. Khi ấy tôi cũng đến tuổi lấy vợ, trong lòng cũng đang thương thầm một cô. Nhưng tôi tự nhủ phải lo cho em trước, chuyện mình thì để sau. Thực tế là việc chữa trị cho em tôi tiêu tốn rất nhiều tiền. Giả sử chuyện tôi với cô gái kia có đơm hoa kết quả đi nữa, cũng chưa chắc tiến được tới hôn nhân.

Cứ như vậy năm tháng trôi qua với tốc độ kinh ngạc.

Nhanh quá cậu ạ! Hay chỉ riêng với tôi mới nhanh đặc biệt như vậy. Thậm chí tôi còn ngờ rằng kẻ nào đó cao tay đã đánh cấp mất thời gian của tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.