Bé Bin đã giảm sốt khá nhiều nhưng hơi thở vẫn còn rất yếu.
Nhìn con nằm li bì trên giường bệnh, đôi tay bé nhỏ phải găm kim truyền dịch Na
thấy thắt lòng mà không biết làm sao, chỉ mong thằng bé sớm hồi phục.
Sợ thằng bé thức giấc Na rời phòng bệnh để gọi cho vú Lan, vừa
khép lại cánh cửa phòng bệnh cô đã thấy Vĩnh Uy đến gần, không muốn làm ảnh hưởng
đến thằng bé cô yêu cầu anh ra chỗ khác nói chuyện.
Đối mặt nhau trong góc ngoặt hành lang bệnh viện, Uy lên tiếng:
“Tại sao không cho tôi biết? Nếu tôi không đến quán có lẽ sẽ không biết thằng
bé phải vào viện.”
“Tại sao tôi phải cho anh biết?” Dừng trong thoáng Na tiếp:
“Anh đã cho thằng bé ăn bao nhiêu kem hả? Có biết là anh hại nó rồi không.”
“Tôi đâu có biết...”
“Không biết, không biết. Cái gì anh cũng không biết. Vậy thì
đừng tỏ ra ta đây và làm theo ý mình nữa...” càng nói Na càng thấy căm giận.
Vĩnh Uy nhìn sững Lệ Na, anh hiểu cảm giác của cô lúc này.
“Tôi biết tâm trạng cô không tốt vì quá lo cho thằng bé. Tôi sẽ không chấp nhặt
những lời cô nói. Là tôi sai được chưa? Giờ tôi muốn vào thăm thằng bé.” Anh định
đi tránh qua cô nhưng Na ngăn lại:
“Đứng lại! Đừng có làm phiền con tôi nữa. Tôi hỏi anh, anh
là gì, anh là gì của con tôi hả? Con tôi là cái gì của anh hả?” Một tiếng thét
khác vọng lên trong lòng cô, anh sẽ cưới vợ, sẽ có cuộc sống riêng, còn muốn gì
đây?
Anh lớn tiếng: “Thế cô muốn là gì?”
Lại một phút lặng thinh, Na thấy tê buốt với câu hỏi lại của
anh, cô muốn con cô là gì của anh ta đây, cô đâu được quyền lựa chọn. Đó chỉ là
một sai lầm.
“Đi ngay. Tôi cấm anh lại gần con trai tôi nữa!” Na thét
lên.
Vĩnh Uy bàng hoàng trong nỗi giận dữ, nhói đau. Anh không ngờ
cô lại tuyệt tình đến vậy. “Cô nói sao?”
“Đừng có bao giờ để tôi nhìn thấy mặt anh nữa.” Na quay vội
đi để che giấu những giọt lệ lại dâng ngập khóe mi.
Uy cũng quay mình bỏ đi ngay trong nỗi tuyệt vọng đang dâng
ngập, anh muốn giữ lại cho mình một chút lòng kiêu hãnh. Tự hứa với bản thân sẽ
không gặp cô hay thằng bé nữa. Người ta đã không muốn nhìn thấy mày, đã căm
ghét và xua đuổi mày. Vậy thì đừng làm phiền người ta nữa.
***
Ngày cứ vội vã lướt êm với nỗi cô đơn trong mỗi khoảng lặng,
Vĩnh Uy lao đầu tìm quên trong công việc. Nhưng dường như càng muốn quên lại
càng đậm sâu, đến giờ anh mới thực nhận ra họ - người ấy và thằng bé quan trọng
với anh đến thế nào. Tưởng rằng cũng đơn giản thôi, không gặp sẽ quên, sẽ chẳng
còn liên quan nhưng nỗi trống vắng cứ hiển hiện gặm nhấm từng phút giây.
Chán nản, anh thả mạnh tập giấy tờ xuống mặt bàn làm việc. Rồi
bước lại cửa sổ nhìn những tàn nắng heo hắt. Anh chẳng có tâm trí làm việc, sự
chán chường, mệt mỏi ngày càng thấm sâu đến hoang lạnh.
**
Bé Bin đã khá hơn nhiều nhưng nó chẳng chịu ăn gì, mặc cho
bà và mẹ dỗ dành. Chỉ nằng nặc hỏi chú Uy đâu. Mẹ nói chú ấy rất bận không thể
đến được, thằng bé càng trở nên mè nheo. Không ăn cũng không cho tiêm thuốc.
Na sốt ruột đi qua đi lại, hai tay nắm chặt rồi lại buông.
Cô không biết phải làm sao với thằng nhóc. Không có dưỡng chất, không gì cả lại
dằn dỗi đến kiệt sức thì tình trạng sẽ lại xấu đi. Cô đã cấm anh ta gặp thằng
bé, giờ sao có thể...
Vú Lan cương quyết: “Không gọi thì bấm số đi, để ta!”
Lệ Na đành ngại ngần bấm số rồi đưa vú.
La Paraza tầng 7.
Chiếc di động của Uy đặt trên mặt bàn reo vang, anh vừa rời
khỏi để vào phòng vệ sinh. Kiều Diễm liếc mắt chờ đợi một lát rồi cũng nhấc
máy.
Lắng nghe và nói qua lại vài câu, cô tắt máy, trước khi đặt
lại chỗ cũ cô xóa đi số máy vừa gọi.
“Sao rồi ạ?” Na hỏi bà vú.
Bà lắc đầu. “Một người đàn bà nghe máy, vú đã dặn cô ta nói
lại với cậu ấy.”
***
Uy dựa mình lên chiếc tràng kỷ được kê sát cửa sổ trong căn
phòng ngủ của anh. Phòng riêng cũng với màu xám trắng chủ đạo và tầng tầng lớp
lớp những cuốn sách chất đầy trên hàng giá cao ngất.
Đêm nay gió không ngừng, từng cơn cứ phảng phất lay động mà
không thể làm nguội lòng anh. Tâm tư như ngọn lửa phừng phừng dập không tắt, giội
không nguôi. Anh cứ hết cầm điện thoại, chạm tay lên phím gọi rồi lại đặt xuống.
Cuối cùng sau hàng loạt đắn đo, anh quyết định gọi cho cô, tự
dặn lòng rằng chỉ một lần này thôi. Uy tự thấy mình thật lạ, nếu là trước đây
anh sẽ không thể dẹp bỏ tự ái như vậy. Nhưng nếu không gọi một lần sau cuối này
anh sẽ không thể an tâm.
Lâu thật lâu đầu bên mới mở máy. Anh vội nói: “Yên tâm. Tôi
không hề muốn làm phiền. Chỉ là... tôi muốn biết bệnh tình thằng nhỏ...”
Tiếng Na vang lên nhỏ nhẹ, run rẩy: “Anh... có thể đến được
không?”
Thằng bé lại vừa lên cơn đau ngực, vậy mà nó nhất quyết
không chịu cho truyền nước, điều đó làm nó khó chịu.
Uy lao xe trong màn đêm đến ngay bệnh viện. Đẩy cửa phòng bệnh
anh nhìn thấy cảnh tượng thằng bé mặt đỏ gay đang giãy giụa, mẹ nó ấn chặt tay
con để bác sĩ có thể tiêm thuốc.
Mọi người dừng lại khi thấy anh. Uy bình tĩnh tiến lại, anh
gạt tất cả ra rồi ôm lấy thằng bé. Cứ thế anh dỗ dành cho nó yên, vừa nịnh vừa
dọa nói nếu không ngoan anh sẽ không đến nữa.
Đầu tiên là cho nó nghịch game trên điện thoại để nó không sợ
khi bác sĩ tiêm, sau đó anh hứa nhiều điều thật tuyệt vời nếu Bin chịu ăn một
chút gì đó.
Na mừng đến ứa nước mắt khi cuối cùng thằng bé cũng chịu ăn.
Nó ngồi trên lòng anh và cô bón cho con từng thìa, từng thìa cháo một.
Vĩnh Uy cũng cảm động, anh không ngờ rằng niềm vui, ý nghĩa
cuộc sống lại đơn giản như vậy, như lúc này đây, anh ôm hình hài bé con trong
tay và cô ở ngay gần bên với niềm hạnh phúc vỡ òa, long lanh trong đáy mắt.
Chưa khi nào anh thấy gần gũi cô đến vậy, như có một sợi dây vô hình gắn kết
hai người lại với nhau.
Uy kéo chăn đắp kín cho bé Bin đã ngủ say, đôi mắt nhắm nghiền
và hơi thở đã ổn định hơn.
Anh nhìn Lệ Na, mắt cô hõm sâu đầy mệt mỏi, có lẽ nhiều hôm
rồi cô không thể ngủ, thân hình tiều tụy rộc đi trông thấy. Anh nói: “Cô hãy về
nghỉ chút đi! Có tôi ở lại là được rồi. Đừng lo gì cả.”
“Tôi không sao. Phiền anh quá, anh cứ về đi ạ!”
“Thằng bé bướng giống cô đấy.”
Lệ Na không biết nói sao, cô bước đến mở cửa ban công của
phòng bệnh. Và ngồi trên chiếc ghế băng dài nhìn mông lung ra những tàng cây rì
rào vì gió.
Anh nhìn từ đằng sau thân hình lặng im của cô, trước cơn gió
qua lại như đùa bỡn trông cô càng mỏng manh, làn tóc cứ bay bay dập dờn trên bờ
vai đã hứng chịu thật nhiều những khắc khoải, đớn đau vô bờ.
Uy đến ngồi bên cô trên một đầu ghế, khoảng cách giữa hai
người không quá dài nhưng cũng chẳng hề ngắn. Giống như khoảng cách giữa đôi
tim, gần nhau trong gang tấc rồi lại chơi vơi muôn nẻo, số mệnh cứ như cuốn như
trôi giữa mênh mông biển cả, sóng dữ.
Hai người cứ lặng im lắng nghe lời thì thầm của thiên nhiên,
đất trời; mỗi người theo đuổi một ý nghĩ.
Một khoảng lặng thật lâu trôi qua, Uy bắt chuyện: “Chắc cô
đã rất mệt mỏi!?”
Na trải nỗi niềm với giọng nhẹ tênh như hư vô: “Đã năm năm rồi
vậy mà vẫn cứ như mơ... quãng thời gian ấy đối với tôi quả là một cơn say điên
đảo. Cứ nửa thực nửa mơ... Ba tôi hy sinh mạng sống để tôi có thể sống tốt
hơn...” cô cười chua xót, “Ha ha, ông còn ngốc hơn cả tôi, sao có thể nghĩ rằng
tôi cần số tiền bảo hiểm hơn ông được.”
Vĩnh Uy thấy bồi hồi, khuôn mặt nhìn nghiêng của cô trong
ánh sáng mờ ảo trông thật lặng lẽ, dịu dàng với những đường nét ẩn hiện tuyệt đẹp.
Bờ mi cong cong rủ xuống đôi mắt sâu lắng, sống mũi thẳng trên đôi môi nhỏ xinh
đang run nhẹ. Anh có một mong muốn mãnh liệt là ôm lấy đôi vai gầy đã ướt sương
đêm này để giúp cô vơi bớt đi những muộn phiền, đau khổ đã qua.
“Có một câu hát... Biết rằng người đã ra đi, chỉ còn niềm
đau ở lại... vậy mà lòng cứ đong đầy mối tình say... Tôi cũng thấy mình giống
như vậy!” Na cứ luẩn quẩn trong những bứt rứt khôn tả.
Ký ức ùa về trong anh, phảng phất như hơi rượu nồng nàn ngày
đó. Chẳng phải người con gái này đã từng mang đến cho anh những ngọt ngào, yêu
thương từ tận đáy tâm hồn sao. Cô đối với anh chân thành như vậy, vì sao anh nỡ...
Vĩnh Uy nhớ đến Lệ Na ngày đó, một cô gái vui vẻ, tràn đầy sức sống và luôn dốc
hết tâm tư, tình cảm. Giờ đây thì sao, có lẽ đã rất lâu rồi cô chưa thể nở nụ
cười thực sự.
Na lại tiếp tục: “Tôi cứ tự hỏi vì sao bé Bin lại yêu quý
anh đến vậy? Nó chỉ mới 5 tuổi thôi, làm sao có thể... Và rồi tôi tự nhận ra rằng,
có lẽ do con tôi chưa từng được biết đến tình cảm của cha nên nó rất hạnh phúc
khi gặp anh, một người lớn giỏi giang mạnh mẽ để nó tôn thờ, yêu thương. Chắc
nó luôn mong muốn được có cha. Tôi thật có lỗi khi khiến cho con mình phải chịu
thiệt thòi như vậy... Nhiều khi nhìn chúng bạn của con có cha mẹ, có một gia
đình hạnh phúc trọn vẹn tôi lại chạnh lòng thương con...”
Duy Khang đứng lặng sau hai người, anh vừa mới đến, muốn ghé
qua xem thằng bé thế nào. Và anh căm ghét cái tình thế này, cảm giác như mình
là người thừa, người xen ngang.
Lệ Na vật lộn với những ý nghĩ, sau cùng cô cũng quyết định.
Quay sang nhìn thẳng mắt anh cô khẽ khàng thốt lên: “Vĩnh Uy! Thật ra...”
Tiếng Duy Khang đằng hắng cắt ngang cuộc nói chuyện.
Cả hai quay người lại, Lệ Na đứng lên.
“Xin lỗi. Tôi không xen ngang đó chứ?”
Có đấy, Vĩnh Uy nói thầm trong lòng, anh cũng theo hai người
họ vào lại phòng.
“Muộn rồi mà sao anh vẫn chưa về?” Na hỏi Duy Khang.
“Ừm. Anh sinh ra vốn để làm cú đêm mà. Hơn nữa em còn ở đây
anh thấy chưa yên tâm. Đã bao nhiêu hôm rồi em chưa được nghỉ ngơi hả? Em định
vắt kiệt sức mình đến ngã quỵ sao? Sức khỏe bản thân không tốt sao có thể chăm
con. Giờ anh sẽ đưa em về!”
“Em không sao...”
“Đừng có bướng bỉnh.” Duy Khang quay sang bạn: “Cậu có đồng
ý với ý kiến của tớ không? Cậu không phiền chứ nếu trông giúp thằng bé đêm
nay?”
Vĩnh Uy không thể phản đối, mới vừa rồi chính anh mong muốn
cô có thể nghỉ ngơi dù chỉ một vài phút.
Na đành vâng lời, cô theo Duy Khang ra về.
Còn lại một mình Vĩnh Uy, anh ngồi bên giường bệnh vuốt tóc
thằng nhóc, lầm nhẩm như nói với mình: “Mẹ cháu thật là, mới phút trước còn nói
sẽ ở lại... Sao có thể đi theo người ta bỏ cháu lại đây...”
***
Vài ngày sau bé Bin hồi phục và được ra viện, cuộc sống lại
trở về trong tiếng nói cười, hay những khúc mắc thường nhật. Nhịp sống cứ hối hả
dồn dập, xô bồ.
Trong một ngày nắng đẹp dịu dàng, mây lớt phớt lúc đậm lúc
nhạt, Duy Khang nói có chuyện quan trọng cần nói với Lệ Na. Hai người dạo bước
quanh hồ, nước hồ xanh mát lấp lánh lững lờ vòng quanh. Anh mỉm cười che dấu những
ý nghĩ mừng vui trong lòng.
Lệ Na thắc mắc: “Anh có chuyện gì vui vậy? Có gì muốn nói với
em sao?”
Duy Khang lấy giọng: “Anh muốn mời em... trân trọng mời em tới
dự tiệc. Bữa tiệc do gia đình anh tổ chức. Thứ bảy này!”
“Dự tiệc ư?”
“Đúng vậy. Em cũng biết rồi đó. Giới thượng lưu thường tổ chức
những bữa tiệc thường niên trong một khoảng thời gian nào đó. Để gặp gỡ, giao
lưu. Tăng cường và duy trì các mối quan hệ. Hay là tạo thời điểm để bàn chuyện
công việc.”
Na lắc đầu quầy quậy: “Không được, em sao có thể đến đó...
ưm, em thấy mình không phù hợp lắm... nói chung là không được đâu ạ.”
Khang hoảng hốt: “Đừng thế mà, anh rất mong em có mặt. Em
hãy nể lời mà nhận lời anh đi, nhé?”
Mặc cho anh có nói thế nào cô cũng nhất định lắc đầu không
chịu. Cuối cùng Duy Khang đành giở chiêu cuối:
“Ai đã nói rằng muốn cảm ơn những việc anh đã làm, luôn chờ
mong một cơ hội để báo đáp? Vậy mà anh chỉ cần một câu nhận lời từ em thôi, đó
đã là lời cảm ơn ý nghĩa nhất đối với anh rồi. Nhưng điều đơn giản đó em cũng
không chịu...” anh giả vờ làm mặt giận.
“Nhưng...” Na không biết nói sao, lời anh tha thiết đến vậy
cô thật khó từ chối. Anh ấy nói đó là lời cảm ơn ý nghĩa nhất ư?