Em Vẫn Chờ Anh

Chương 24: Chương 24: Ngang trái nghiệt ngã




Sự gắn kết giữa anh và cô giống như một trái tinh cầu to lớn rực sáng, lấp lánh tuyệt đẹp. Nay bỗng rùng rình chuyển một màu xám xịt. Và suýt chốc đã vỡ tan một cách đau xót. Bao ái ân, ngọt ngào. Bao mê say hạnh phúc cũng trở nên mỏng manh, rạc rời.

Vĩnh Uy chẳng biết làm sao hơn là cố sức dùng trái tim hối lỗi chân thành của mình để xoa dịu, níu kéo và trân trọng những yêu thương sâu nặng mà hai người đã có với nhau.

Anh đối với cô giờ đây nhiều quan tâm, nặng ân cần và ngập tràn tha thiết, hơn khi nào hết. Bởi thực sự là anh đã sai rồi. Có lẽ sẽ chẳng điều gì là đủ để chuộc lại những tổn thương mà anh đã gây nên cho cô.

Đổi lại tất cả những dịu dàng, nồng ấm ấy chỉ là sự xa cách lạnh lùng và những ánh nhìn hờ hững, hờ hững đến nhói lòng. Vĩnh Uy hiểu. Anh biết cô chưa thể quên, chưa thể nguôi ngoai. Nên anh sẽ đợi, sẽ mãi đợi cho đến khi cô thực lòng thứ tha.

Có hề gì đâu nỗi đợi chờ khắc khoải, chỉ cần anh không để vuột mất người phụ nữ yêu dấu của đời mình là được.

Nhưng quả thật Vĩnh Uy rất sợ, sợ cô đã vợi bớt đi tình yêu dành cho anh, bởi trong ánh mắt sâu thẳm của Lệ Na chẳng còn sáng bừng ngọn lửa nhiệt thành, tràn trề tình yêu như trước nữa. Nỗi ám ảnh ấy vẫn hiện hữu, giày vò anh như vậy. Anh luôn muốn biết rằng cô còn yêu anh nhiều nữa không.

Đám cưới được dời lại cho đến khi Lệ Na cảm thấy sẵn sàng. Uy buồn nhưng biết sao được. Anh chấp nhận mọi điều, chỉ cần cô ấy đừng rời xa anh. Vĩnh Uy đã tự hứa rằng anh sẽ chờ. Bao lâu cũng được, cho đến khi mọi chuyện trở lại êm đẹp như xưa.

Chỉ nhờ cầu nối là bé Bin hai người mới có chút ít thời gian gặp mặt.

“Tòa ốc đã bắt đầu khởi công. Anh dẫn em qua xem nhé! Anh đã quyết định ốp mặt ngoài bằng đá trắng.”

“Không cần đâu!”



“Có buổi nhạc kịch lớn. Mình đi xem nhé?”

“Anh tưởng đời em còn chưa đủ kịch để xem ư?”



“Em! Sau này khi công việc đã rảnh rang hơn, chúng ta đi chu du thiên hạ nhé! Trước giờ anh vẫn luôn muốn một ngày nào đó có thể xách ba lô lên. Và cứ thế cuốc bộ khắp chốn…”

“Chẳng muốn!”

Những câu nói nhát gừng thường cắt đứt cuộc nói chuyện. Cô dễ chịu với bất cứ ai ngoài anh. Không là tức giận, là hờn ghen nữa mà thực sự đã là cảm giác chán ghét, khó chịu và có chút khinh nhờn với anh. Cô thậm chí còn không muốn dung mạo anh lọt qua tầm mắt mình.

Có lẽ anh cũng hiểu cảm giác của cô lúc này bởi nỗi hoang mang vẫn ngập trong đáy mắt nhìn cô da diết. Chờ đợi ư? Liệu anh có đủ kiên nhẫn trong bao lâu đây…

Thực lòng Lệ Na cũng chưa biết đến khi nào cô có thể nguôi ngoai. Nhìn từng cử chỉ ngọt nhạt mong làm cô vui của anh ấy, Na cũng không khỏi chạnh lòng. Nhưng nỗi đau vẫn âm ỉ chưa tan, cô cần có thời gian để có thể lắng dịu.

Cũng muốn xác định lại tình cảm của mình, cô đã từng rất rất yêu anh ấy đấy nhưng càng yêu nhiều lại càng đau gấp bội. Một khi mộng đã tan lửa tình cũng nguội lạnh đôi phần. Liệu giờ đây cô có thể sống cùng anh?

Không phải là nỗi đau vì anh nữa mà dường như là nỗi đau đớn khi cứ ao ước, cứ tôn sùng, cứ chết mê chết mệt nhưng hóa ra tất cả đều chẳng đáng, để rồi giờ trái tim cô lại lần nữa lạc lối, chơ vơ…

Tình cảm quả là một thứ thật lạ lùng, mới nồng nàn, đê mê lại cũng có thể một sớm một chiều loang loảng buồn, mờ mịt, ảm đạm như thể đã nhạt phai.

***

Mải miên man suy tư trong việc tìm kiếm sản phẩm mới cho quán Lệ Na không để ý có tiếng khóc nỉ non vọng đến từ chiếc bàn góc xa. Ngước nhìn thì ra là một cô gái trẻ đương cúi gằm, tiếng kêu từ cổ họng cứ nức lên từng hồi. Na ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì. Người bạn trai cùng đến với cô gái đã rời đi từ khi nào.

Lệ Na bước lại gần, đặt tay lên vai người con gái ấy, ân cần hỏi han: “Chị gì ơi? Chị có sao không ạ?”

Cô gái vẫn giữ nguyên tư thế, đầu cúi gằm, nước mắt lã chã rơi, hai bàn tay xoắn lại run mạnh. Một tách café vẫn còn đầy nguyên, kẹp dưới là xấp tiền lẻ.

Cô gái nói lạc giọng, ngắt quãng: “Chờ đợi… tôi đã phải chờ đợi bốn năm rồi, bốn năm liền cơ đấy. Bao hy vọng… đi hết rồi. Rời bỏ tôi rồi. Hư hư…”

Lệ Na cũng đã hiểu phần nào câu chuyện: “Chị hãy bình tĩnh lại đã.”

“Anh ta thật nhẫn tâm, vì sao bắt tôi chờ đợi trong ngần ấy năm và chung tình với anh ta, để giờ đây ruồng rẫy tôi như thế này.”

Lệ Na nghe như có một luồng điện giật thột chạy qua, nhìn thân hình rung lắc dữ dội của cô gái Na nghe như tim mình cũng thổn thức theo. Bắt một người đằng đẵng chờ đợi liệu có phải là tàn nhẫn lắm không. Nếu không thể ở bên có nên dứt khoát?

***

Thật nhiều những trăn trở ưu tư, sau cùng Na nghĩ một người đàn ông kiêu hãnh như anh đã phải hạ mình trước cô, lẽ nào còn chưa đủ. Tình cảm bấy lâu đâu thể nói xóa là xóa. Thôi thì dù có nhạt nhòa cũng nhắm mắt để con tim tự nó trôi theo bất cứ lối nào mà vận mệnh đưa đẩy. Hơn nữa con cô cần ba nó, cũng coi như vì con đi và vì cả cuộc đời thanh thản của cô sau này. Dù anh thế nào Na cũng chẳng muốn làm tổn thương anh như anh đã từng đối với cô.

Vậy nên một chiều, trời nhạt không mây. Na nói với anh rằng: “Thôi cứ tiến hành lễ cưới đi.”

Anh sung sướng tưởng như nằm mộng, đáy mắt lấp lánh sáng bừng niềm hạnh phúc hơn bao giờ hết. Ôm chặt lấy cô, tiếng nói vỡ òa niềm vui: “Cảm ơn em! Em yêu.”

Lệ Na nhẹ đẩy anh ra. Vĩnh Uy biết cô vẫn chưa thể thoải mái, thậm chí ngón tay đeo nhẫn của cô vẫn còn trống trơn. Nhưng chẳng sao cả. Cô đã ban cho anh quá nhiều sự bao dung rồi.

Vĩnh Uy tự hứa với lòng rằng sẽ khiến cô trở thành người vợ hạnh phúc nhất, sung sướng nhất.

Ngồi sắp lại mấy món đồ cũ, Na nhoẻn cười đưa tay chạm lên những tấm hình xưa cũ thân thương được kẹp chắc chắn trên các khe vuông của cuốn album đóng da. Hình Na chụp cùng mẹ chẳng có là bao, mẹ mất khi cô còn quá nhỏ. Nhìn ánh mắt thăm thẳm, buồn vời vợi của mẹ in hằn theo thời gian Na cũng ngập tràn niềm thương cảm. Mỗi khi buồn hay có tâm sự Na thường đem ảnh mẹ ra ngắm. Dáng vẻ yêu kiều, tha thướt đó khiến cô là phụ nữ mà còn thấy yêu mến huống chi là đàn ông, chắc khi xưa mẹ có rất nhiều người say mê. May mà mẹ chọn ba…

“Cháu đang làm gì thế?”

Tiếng mẹ Mỹ Hà vang lên cắt ngang dòng suy tưởng. Na quay nhìn bà mỉm cười: “Cháu sắp lại đồ. Thứ nào cần lắm mới giữ lại, sắp có gia đình riêng rồi, chắc thứ gì cũng phải mới hết. Tiện xem lại mấy tấm ảnh cũ mà thấy buồn qua bác ơi. Ước gì ba mẹ được chứng kiến ngày cháu thành hôn…”

Bà Dung nghé sát lại ngó lên quyển album, hình ảnh người con gái tóc xõa ngang lưng đang bế đứa bé tí hin đập vào mắt khiến bà choáng váng không đỡ nổi thân mình và rơi đánh bịch xuống giường.

Na thắc mắc nhìn biểu hiện của bà Dung. Bà mấp máy môi: “Đó… đó…”

Cô nhìn theo ngón tay run run của bà. “Đây là mẹ cháu và cháu hồi bé đó bác à.” Na lại ngắm nhìn thích thú nét cười rạng rỡ như hai đóa hoa bừng sức sống của hai mẹ con.

“Đưa bác xem nào!” Chưa để cô kịp đưa bà đã giằng lấy cuốn album, nhìn chằm chằm vào người mẹ trẻ trong ảnh. Niềm xúc động ngập tràn khi nhìn lại người bạn cũ, kèm theo đó là nỗi sợ hãi đến ớn lạnh. Hàng ngày bà đã học theo ông Thụy luôn tự nhủ rằng chỉ là người giống người… vả lại hai đứa đã quá sâu nặng… nhưng giờ thì sự thật càng lúc càng không thể vùi chôn được nữa.

Lệ Na càng ngạc nhiên khi bà Dung nằng nặc đòi mượn tấm hình của hai mẹ con cô. Na không biết làm sao đành rút nó qua mép khe hẹp và đưa cho bà. Bà Dung chẳng nói chẳng rằng lao vội đi luôn.

**

Bà Dung vừa rời đi, chỉ còn lại ông Thụy ngồi chết lặng trong bóng đêm mịt mùng của nỗi kinh hoàng. Chẳng phải ông chưa từng nghi ngờ nhưng không dám tin cuộc đời lại phũ phàng như thế. Nếu như sự thật hai đứa là anh em thì liệu có đớn đau nào khốn nạn hơn thế. Ông tự vấn lương tâm mình đã làm sai trái những gì để đến nông nỗi này… Có nên để sự việc ngủ yên?... Nhưng rồi ông gạt đi, lần lữa mãi sẽ chỉ chuốc thêm khổ nhục.

Nghĩ vậy ông Thụy nhấc máy liên hệ với vị giáo sư quen biết làm việc tại Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền. Một người mà ông rất tin cậy bởi uy tín và kinh nghiệm của ông ta. Hai người nói chuyện một hồi, sau đó ông gác máy và lại chìm sâu vào tâm trạng ai oán tột cùng.

Mẫu tóc của con bé sẽ sớm có trong tay nhờ sự giúp đỡ của bà Dung. Mọi việc sẽ nhanh sáng tỏ và ông cũng không quên dặn bà ấy trước tiên phải kín miệng.

***

Vĩnh Uy tất bật chuẩn bị mọi thứ từ a đến z, từ địa điểm tổ chức lễ thành hôn đến các nghi thức vừa truyền thống vừa hiện đại. Danh sách khách mời đã lên đủ, anh không muốn quá phô trương nhưng cũng chẳng thể kém phần trang trọng. Thức uống và đồ ăn nhẹ trong tiệc cưới được chọn lựa khá tinh tế.

Ngôi nhà riêng của anh đã bài trí hoàn toàn mới phù hợp hơn với cuộc sống của một gia đình nhỏ.

Bao nhiêu thứ việc chất nặng quay anh như chong chóng nhưng miệng vẫn ẩn hiện nụ cười. Trải qua nhiều gian lao mới biết trân trọng những gì mình đang có. Hạnh phúc vượt lên từ khổ đau mới thấy quý giá đến nhường nào.

Tiếng những bước chân dứt khoát vang rộn dọc hành lang tầng hai ngôi biệt thự còn mang nhiều nét cổ kính. Tâm trạng hứng khởi, anh sải nhanh hơn. Thời gian này Uy thấy quanh anh ngập một sự tươi sáng mới mẻ, nơi anh lớn khôn chẳng còn vẻ bức bối, kìm hãm nữa vậy nên Uy cũng năng về nhà hơn. Quan tâm đến ba mẹ hơn. Chẳng phải là trước đây không suy nghĩ đến họ nhưng giờ mới cảm thấy bản thân tốt đẹp hơn, có thể mang đến yêu thương cho người thân.

Từ tốn gõ cánh cửa phòng làm việc của ba, anh đứng yên chờ nghe tiếng cho phép nhưng mãi mà không nghe tiếng trả lời của ông. Uy cất tiếng hỏi xem ba có trong đó không, đáp trả chỉ là tiếng động nghe lịch kịch và tiếng thở dồn. Anh bật mở cánh cửa, trông rõ ông Thụy đang gục trước bàn làm việc. Một tay chặn ngực, tay còn lại nắm chặt cứng nhắc đặt trên mảnh giấy trên bàn.

“Ba có sao không? Có chuyện gì vậy ba?” Uy lo lắng hỏi dồn, đặt tay lên người ông.

Ông Thụy ngước nhìn con trai, nhìn ông như già đi cả chục tuổi, nét bi phẫn khổ đau hằn lên đáng sợ trên khuôn mặt vốn luôn phẳng lặng.

“Ba có tội. Tất cả đều là lỗi do ba.” Miệng lào thào, ông đưa ánh nhìn mờ đục dừng trên tờ kết quả xét nghiệm.

Uy nhìn theo và cầm lên tờ giấy, bảng ghi chi tiết hai mẫu gen trùng lặp. Anh không hiểu lắm, đây là kết quả xét nghiệm ADN dựa trên mẫu tóc của hai người. Nhưng…

“Là sao ba?”

Ông Thụy không dám nhìn con, những ý nghĩ rối loạn cuồn cuộn thít chặt, có nên để cho nó biết? Chẳng phải sẽ rất bất công và tàn nhẫn nếu để chúng biết sự thật ư. Giấu nhẹm mọi việc và để hai đứa tiếp tục sống yên bình bên nhau? Nhưng ý nghĩ ấy lại khiến con tim thêm rớm máu… “Là kết quả xét nghiệm của ba và đứa con riêng.” Mãi ông mới có thể mở lời.

Vĩnh Uy rất bất ngờ: “Con riêng ư?” Nhưng rồi anh cũng trấn tĩnh lại, ba mẹ anh lấy nhau dựa trên sự môn đăng hộ đối chứ đâu có tình yêu. Ba có người tình riêng cũng không quá khó hiểu. “Nhưng người đó đâu ba? Sao giờ mới biết?”

Anh nhìn lại bảng biểu cầm trên tay, một mẫu gen là nữ, anh hỏi tiếp: “Con gái hả ba?” Uy chẳng ngờ mình lại có một cô em gái, ý nghĩ thật mới mẻ khiến anh chưa thể tiếp nhận được ngay.

Ba anh gật từ từ: “Cách đây hai mươi năm. Ba có quan hệ tình cảm với một cô gái. Cô ấy đã mang thai đứa con của ba mà ba không biết. Nên mọi chuyện mới…” càng nói ông Thụy càng thấy nghẹn lời. “Người cũ của ba, cô ấy đã qua đời lâu lắm rồi.”

“Ba bình tĩnh lại đi, chuyện ấy cũng không ai muốn cả. Ba đừng tự trách mình nữa! Vấn đề về mẹ con sẽ lo. Giờ ba nói xem đứa con của ba sao rồi. Cô ta làm gì? Ở đâu?”

Ông Thụy càng lẩn tránh ánh mắt dò hỏi của con, còn anh thì nhìn rõ nỗi hốt hoảng đang lớn dần trong đáy mắt ba.

Bỗng nhiên Uy thấy hoang mang, mơ hồ. Có một thứ gì đó không ổn trong tất cả những chuyện này khiến anh không hiểu nổi. Biểu hiện của ba, những câu nói mập mờ… có phải là chuyện này có liên quan đến anh. Tim bắt đầu đập nhanh hơn mức bình thường, anh thúc giục: “Ba mau nói đi ba! Tất cả chuyện này là sao hả? Con gái ba đâu?”

Ông Thụy vẫn lặng thinh, không thể cất tiếng được. Bởi ngay lúc này đây chính ông cũng không tin nổi cái thảm kịch này.

Chỉ cho đến khi Vĩnh Uy đã mất hết kiên nhẫn, anh lớn tiếng hỏi lại lần nữa. Ông Thụy mới hoảng loạn bật lên cái tên:

“Lệ Na…”

“Cái gì Lệ Na? Sao ba lôi cô ấy vào chuyện này. Ba làm sao thế?” Càng lúc Vĩnh Uy càng muốn điên lên với ba mình.

Ông Thụy đan chặt hai tay đặt trên mặt bàn gỗ bóng loáng, chầm chậm nói những từ ngữ đều đều không sức sống: “Lệ Na. Con bé là con gái của ba. Mẫu ADN này đã chứng minh điều đó.”

Những lời nói ấy của ông Thụy đã gây ra cho con trai một cơn chấn động khủng khiếp. Đồng tử giãn rộng hằn lên những mạch máu đỏ trợn ngược nhìn ba mình. Thanh quản tắc nghẹn và lồng ngực thì đập điên cuồng. Nhưng anh không tin. Sao có thể tin được.

Vĩnh Uy quát lên: “Ba chơi trò gì thế? Hả? Ba trả thù con đấy phải không? Có phải vì con hay chống đối ba nên ba dựng lên chuyện này để con phải đau khổ. Có đúng không?”

Suy sụp, ba anh buông người mệt nhoài sâu hơn trong chiếc ghế bành, đôi tay giữ chặt lấy mái đầu để mỗi dây thần kinh khỏi đứt tung trong nỗi tang thương thống khổ: “Ba cũng ước sao đó không phải là sự thật!”

Nỗi bàng hoàng lạnh giá cứ dội liên tiếp khiến toàn thân anh tê dại mất cảm giác. Đôi chân loạng choạng lùi dần nhưng phải bám ngay tay xuống mặt bàn để khỏi quỵ ngã. Ba anh không bao giờ nói đùa, những chuyện như vậy lại càng không… Ký ức cái ngày đưa cô về ra mắt ùa về trong anh, sự giống nhau giữa họ…

Sự thật thê thảm về huyết thống với người con gái của đời mình đã nhấn chìm anh hoàn toàn. Mi khép lại cùng cơn váng vất, đảo điên. Thế nào là đớn đau tột cùng, thế nào là bi ai khủng khiếp. Uy đã cảm nhận được rồi. Hóa ra ác mộng kinh hoàng nhất là thế này đây. Tan hoang. Vỡ nát. Cuộc sống. Niềm vui. Hạnh phúc. Tàn hết rồi…


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.