Gặp Em Dưới Mưa Xuân

Chương 2: Chương 2




Không ngờ, trong lúc cô vẫn đang nức nở thì có một tiếng nói vang lên: “Gặp phải chuyện gì à? Sao khóc đau lòng thế?”. Tiểu Đa nhìn lại, đáp với vẻ rất kiên cường: “Liên quan gì đến anh? Tôi đâu có quen anh”.

Trong lúc cả nhà họp để vắt óc và quyết định tìm bạn trai cho Tiểu Đa ở khắp nơi thì cô đang ngồi khóc một mình trong lùm cây ở công viên. Cô vừa vào làm ở đài truyền hình được hai tháng, nên gặp phải rất nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ giao tiếp mà từ trước tới nay cô chưa biết đến bao giờ.

Phạm Tiểu Đa vừa mới tới làm việc, vốn dĩ chỉ có thể đảm đương được chân sai vặt của sinh viên thực tập. Nhưng biết làm sao được, cô có sáu anh chị là cán bộ trung, cao cấp ở các ngành nghề khác nhau. Người anh Cả làm việc trong chính quyền gọi một cú điện thoại đến nhờ giám đốc đài quan tâm đến cô một chút, còn người chị Hai làm việc tại ban Tuyên truyền thì cứ một mực đòi đưa cô tới đài trong ngày đầu tiên đi làm.

Tiểu Đa không biết anh Cả đã dùng các mối quan hệ để đưa cô vào làm ở đài, cũng không thể từ chối trước quyết định đưa cô tới ra mắt cơ quan của chị gái. Dường như bây giờ chị Hai - Phạm Triết Cầm mới chợt phát hiện rằng đã ít giáo dục cho cô về quan hệ xã hội. Vì thế, dọc đường chị cứ nói mãi không thôi: “Tiểu Đa à, đến cơ quan thì bớt nói mà làm nhiều đấy nhé, đừng có nói xấu ai sau lưng, trong cơ quan, tối kỵ nhất là việc nói xấu, làm hại lẫn nhau. Em không thích ai cũng đừng thể hiện ra ngoài. Bây giờ trong các cơ quan rất phức tạp, những người bề ngoài thì nói nói cười cười, nhưng sau lưng lại bới móc, chọc gậy bánh xe rất nhiều… Tiểu Đa à, đến cơ quan rồi, em là người mới, cần phải chăm chỉ, nhanh nhẹn một chút, có như vậy người ta mới không thấy chướng mắt, nếu em mệt, chị sẽ mua đồ ăn ngon cho em!”.

Phạm Tiểu Đa nghe chị nói mà thấy buồn cười, trong con mắt của chị, cô như một đứa trẻ chưa lớn, bây giờ cô đã hai mươi mốt tuổi rồi, vậy mà còn lấy việc mua quà ra để dỗ dành. Thấy chị vẫn có ý định nói tiếp, cô bèn khoác tay chị, nũng nịu: “Em biết rồi, chị, em sẽ làm tốt mà”.

Đến cổng đài truyền hình, Phạm Tiểu Đa nhất định không cho chị vào cùng: “Chị, nếu người ta nhìn thấy em lớn thế này rồi mà vẫn cần có người nhà đi cùng, người ta sẽ cười cho. Chị cứ về đi, em tự vào là được rồi”.

Chị Hai thấy nói mãi không được, đành nói với Tiểu Đa: “Chị cũng có việc phải vào đài của em, chúng ta cùng đi chứ đâu phải chị đưa em đến”.

Tiểu Đa chẳng còn cách nào khác, đành để chị đi vào cùng. Vừa vào tới cổng đã gặp người quen: “Ôi, có phải chị Phạm ở ban Tuyên truyền không? Sao chị xuống đài mà không báo trước một tiếng?”.

Phạm Triết Cầm cười tít mắt: “Không sao, không sao. Hôm nay tôi đưa em gái đến nhận công tác, sau này nhờ anh quan tâm nhiều đến Tiểu Đa nhà tôi”.

Người quen cũng cười: “Em gái của chị à? Đến làm việc ở đài chúng tôi? Là cô em thứ bảy trong nhà phải không? Loáng một cái đã lớn và trở thành cô gái xinh đẹp thế này rồi, vừa trẻ vừa có tài!”.

Tiểu Đa xấu hổ đỏ bừng cả mặt. Cái gì mà vừa trẻ vừa có tài, mới nhìn thấy mà đã biết như vậy? Trong bụng cảm thấy buồn cười thay, sao người ta lại có thể nói bừa như thế, nhưng cô chỉ cúi đầu không nói gì.

Đợi khi người kia đi khuất, chị cô mới nói: “Đây là chủ nhiệm Lâm, Tổng biên tập của đài, em nhớ nhé”.

Khi vào đến tòa nhà lớn, Tiểu Đa mới biết mình đã mắc lừa chị. Chị không có việc ở đài mà chỉ là đưa cô đi. Vì thế, chị đã đưa cô tới gặp trực tiếp những người quen chào hết một lượt, sau đó lôi cô vào phòng làm việc của Giám đốc đài: “Chào giám đốc Lưu, hôm nay tôi đưa em gái đến nhận công tác đây. Từ nay về sau nhờ anh quan tâm, giúp đỡ”.

Sau khi nói chuyện một lúc, chị ra về, để lại Phạm Tiểu Đa ở trong phòng làm việc của Giám đốc đài. Giám đốc Lưu mới xấp xỉ bốn mươi tuổi, người gầy guộc, nhìn qua thì thấy không phải là người dữ dằn, Tiểu Đa vừa quan sát vừa thầm nghĩ. Nhưng hồi lâu mà giám đốc Lưu vẫn không bảo cô ngồi xuống, Tiểu Đa đứng một lúc, cảm thấy tay chân thừa thãi, bụng thấy hối hận, lẽ ra không nên để chị Hai đưa cô đi, như vậy cô chỉ việc cầm bộ hồ sơ tới phòng làm việc thì nhẹ nhõm biết bao.

Đang nghĩ như vậy thì thấy Giám đốc đài gọi điện thoại bảo một người phụ nữ chừng ba mươi tuổi tới. Giám đốc Lưu chỉ vào Tiểu Đa nói: “Đây là nhân viên mới, trước tiên cứ làm việc ở ban Tin tức các cô”.

Người phụ nữ kia thoạt nhìn đã biết ngay là người của công việc, đảm đang, tháo vát. Dường như biết trước được lý lịch của cô, chị ta nở nụ cười hòa nhã: “Cô là Phạm Tiểu Đa phải không? Không cần gọi tôi là chủ nhiệm Trương đâu, gọi chị Trương là được rồi. Đi nào, về chỗ làm việc của chúng ta”.

Thế là Tiểu Đa vào làm việc ở ban Tin tức. Ban Tin tức không có nhiều người, hai Phó chủ nhiệm, một thầy giáo Lăng, một cô gái trẻ khác và Phạm Tiểu Đa.

Tiểu Đa ngồi trong phòng làm việc mà không biết nên làm việc gì. Chị Trương đưa cho cô một tập bản thảo các đài tuyến dưới gửi lên, chỉ có lời mà không có hình, nói: “Tiểu Đa, cô đem những bài viết này sửa thành các bản tin phát bằng lời, không cần hình ảnh. Có gì không hiểu thì hỏi thầy Lăng hoặc hỏi tôi là được”.

Tiểu Đa vô cùng cảm kích, cảm thấy chị Trương rất dễ gần.

Kể từ hôm đó, Tiểu Đa phụ trách việc sửa bài ở ban Tin tức.

Cô gái trẻ cùng ban nhìn thấy Phạm Tiểu Đa ngồi ở bàn làm việc đối diện với cô, bèn tự giới thiệu mình là Trương Lệ. Tiểu Đa thấy có người bắt chuyện cũng hoạt bát hơn hẳn. Hai cô gái trẻ nhanh chóng trở nên thân thiết.

Tiểu Đa đang lấy làm lạ là tại sao ban Tin tức không có trưởng ban chính thức, thì Trương Lệ đã hé lộ bí mật với vẻ bí hiểm. Thì ra, Trưởng ban Tin tức đã được thăng chức lên làm Phó giám đốc đài, nên khuyết chức Trưởng ban, hai Phó trưởng ban, một người họ Trương, một người họ Mã đang ngấm ngầm đấu đá với nhau để tìm cách ngồi vào vị trí đó.

Tiểu Đa nhớ lời của chị gái, chỉ nghe mà không nói lại.

Cả Phó trưởng ban Trương và Phó trưởng ban Mã đối với Tiểu Đa đều tương đối khách sáo. Hôm đó, Phó trưởng ban Mã đưa một tập bản thảo cho Tiểu Đa, nói: “Tiểu Đa, cô sửa những bài viết này đi”.

Tiểu Đa đáp lại rõ ràng, hai tháng qua, việc sửa bài của cô rất thuận lợi, bài phía dưới gửi lên dài mấy trang, cô vung bút sửa thành bản tin chỉ có mấy dòng ngắn gọn.

Vì vừa mới tới làm việc tại đài truyền hình, còn lạ lẫm nên ngày nào Tiểu Đa cũng xem các bản tin của đài. Mặc dù không có hình ảnh, nhưng cô vẫn ngồi ngây ra xem người dẫn chương trình đọc bài mà cô đã sửa, cho dù là phát lại cô cũng không bỏ qua, trong lòng dâng lên cảm giác thành công nho nhỏ.

Cô rất thích công việc này và vẫn mơ ước trở thành một phóng viên. Nhưng cô biết, hiện tại cô chưa đủ năng lực, công việc sửa bài ở ban Tin tức là bước rèn luyện cần thiết cho cô.

Tiểu Đa cầm tập bài viết mà Phó trưởng ban Mã đưa cho rồi sửa rất cẩn thận. Để bài sửa được rõ ràng thì phải dùng đến bút đỏ. Tiểu Đa đọc đến một bài viết về việc nuôi lợn làm giàu ở một địa phương. Bài viết này có kèm theo cả hình ảnh, nhưng không dài, chỉ trong một trang giấy, có điều Tiểu Đa đã khoanh ra bảy, tám lỗi sai cần phải sửa. Sau đó, cô cảm thấy trật tự bài viết không phù hợp nên dùng bút đỏ vạch ra chỗ cần chuyển vị trí, vì thế, trang giấy có bài viết dưới tay cô trở nên chẳng khác gì một khuôn mặt nham nhở.

Phạm Tiểu Đa không ngờ rằng, chính bài viết ấy đã mang đến tai họa lớn.

Hôm nay, cô vừa bước chân tới phòng làm việc thì lập tức bị một phóng viên rất lão luyện của ban Thời sự gọi sang. Tiếu Đa đang thắc mắc không hiểu tại sao thì phóng viên Chung đã lên tiếng đầy ý tứ sâu xa: “Phạm Tiểu Đa, tôi biết anh trai cô, cũng quen với chị của cô, quan hệ giữa chúng tôi rất tốt, vì thế tôi mới gọi cô ra gặp riêng. Cô biết không, tôi làm phóng viên đã mười năm nay nhưng chưa từng có ai sửa bài viết của tôi như thế! Tôi biết là cô rất nghiêm túc, chữ sai cũng tìm ra hết, nhưng cô nên biết, cách viết của một bản tin thời sự không hoàn toàn chỉ là trật tự, mà còn có cả cách viết theo kiểu kim tự tháp”.

Tiểu Đa nghe mà không hiểu, nhưng cuối cùng cũng biết rằng, bài viết mà cô sửa là do người phóng viên đang ở trước mặt cô lấy tư liệu từ đài dưới cơ sở và viết ra. Thông thường thì ban Tin tức chỉ sửa bài của cơ sở gửi lên, còn bài của các phóng viên ở đài không tới phiên cô sửa. Tiểu Đa bất giác giải thích: “Tôi không biết bài viết ấy của phóng viên trong đài, là do Phó trưởng ban Mã giao cho tôi sửa”.

Câu nói vừa thốt ra, phóng viên Chung trầm ngâm hồi lâu, rồi mỉm cười nói với cô: “Lần sau hãy để ý hơn”, nói xong liền ra về.

Tiểu Đa không ngờ rằng, vì nghe cô nói như vậy, phóng viên Chung đã tìm đến Phó trưởng ban Mã để tranh luận. Tiểu Đa vừa đi đến cửa phòng làm việc đã nghe thấy Phó trưởng ban Mã nói với phóng viên Chung: “Tôi đưa cho cô ấy để cô ấy học tập, không ngờ cô ấy lại sửa, mà còn sửa linh tinh cả lên”.

Tiểu Đa ngây người sửng sốt, nhưng cũng không tiện đi vào bên trong, nấp ở hành lang chờ phóng viên Chung đi rồi mới từ từ đi vào phòng làm việc. Vừa vào đến cửa thì Phó trưởng ban Mã đã cười hi hi, nói với cô: “Trên bàn có mấy bài viết đấy, cô nhanh chóng sửa đi, tối hôm nay phải phát rồi, nhớ là tin vắn đấy”.

Mặc dù không hề phải đối mặt với cơn giận dữ lôi đình như trong dự liệu, nhưng Tiểu Đa vẫn sợ tới phát run, cô đọc rất kỹ bài viết, sợ rằng sẽ lại để xảy ra sai sót.

Sắp đến lúc hết giờ làm, Phó trưởng ban Mã nổi trận lôi đình, cầm bài sửa của Trương Lệ, gầm lên: “Bài này mà sửa như vậy sao? Càng sửa càng tồi tệ! Tuổi trẻ thì phải chịu khó học hỏi một chút, dạy bao nhiêu lâu rồi, đến một tin vắn đơn giản nhất mà cũng không sửa được!”.

Tiểu Đa biết là Phó trưởng ban Mã nhân cơ hội này mắng mình, nên chỉ cắn môi cúi đầu xuống thu dọn đồ và ra về. Vừa rời khỏi cơ quan, cô lập tức chạy đến vườn cây trong công viên đối diện òa khóc.

Cô rất ấm ức, rõ ràng là Phó trưởng ban đưa bài viết của phóng viên Chung cho cô sửa, thế mà tại sao lại nói dối trắng trợn như thế? Dù cho lá gan có lớn thì cô cũng không dám động đến phóng viên của đài! Tiểu Đa cũng không muốn vác khuôn mặt buồn bã về nhà để rồi anh Sáu lại thông báo cho cả gia đình. Cô hy vọng sẽ đứng vững trong đài bằng chính năng lực của mình chứ không phải vừa xảy ra chuyện là lại khóc lóc với anh với chị, để rồi khiến mọi người phải lo cho mình.

Vì thế, Phạm Tiểu Đa đáng thương chỉ còn biết trốn vào vườn cây của công viên mà khóc.

Lúc này đã là chiều muộn, trong vườn cây rất yên tĩnh, Tiểu Đa chọn chỗ này vì sợ người khác nhìn thấy. Không ngờ, trong lúc cô đang nức nở thì có một tiếng nói: “Gặp phải chuyện gì à? Sao lại khóc đau lòng thế?”.

Tiểu Đa hốt hoảng giật mình chẳng khác gì một con thỏ, thấy trước mặt có một người đàn ông đang hút thuốc đứng dựa vào cây nhìn cô.

Cô không ngờ có người nhìn thấy, hơn nữa còn lên tiếng hỏi. Tiểu Đa nhìn lại và đáp với vẻ rất kiên cường: “Liên quan gì đến anh? Tôi đâu có quen anh”. Nói xong bèn quay đầu bỏ đi.

Đi được mấy bước thì người kia đuổi theo: “Thấy cô khóc một mình ở đây hồi lâu, tôi có ý tốt quan tâm, thế mà thái độ của cô như vậy sao?”.

Trong lòng Tiểu Đa rất buồn bực, có người nhìn thấy mình khóc, cô đã cảm thấy xấu hổ lắm rồi, thế mà người này lại còn đuổi theo nói về thái độ của cô. Tiểu Đa không muốn trả lời, cúi đầu bỏ đi.

Rẽ phải, rẽ trái mấy lần nhưng đối phương vẫn cứ chặn trước mặt cô. Tiểu Đa quay đầu nhìn xung quanh, trong khu vườn vắng không một bóng người, thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng của chim chóc, bỗng nhiên cô thấy sợ, sợ gặp phải người xấu. Ý nghĩ ấy vừa xuất hiện, Tiểu Đa bèn cắm đầu chạy, đồng thời cất tiếng kêu thất thanh: “Cứu tôi với!”.

Cô chạy một mạch ra tới cổng công viên, nhìn thấy có người mới dừng lại thở. Quay đầu lại nhìn, không thấy người kia đuổi theo, lúc đó Tiểu Đa mới yên tâm, chầm chậm đi về nhà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.